Khi tỉnh giấc mơ hoa.
Chu Nguyễn
Tình yêu là một cơn đam mê dài, nồng nàn, hấp dẫn, vô cùng lôi cuốn nên có thể khiến người ta sống chết vì tình. Người thích chuyện cũ đều biết câu chuyện Mồ chim nhạn (Nhạn khâu) bên bờ Phần thủy.
Câu chuyện liên quan đến một nhà thơ tài tử, ông Nguyên Hảo Vấn, Thời Tống mạt.
Nguyên Hảo Vấn (1190-1257) vào năm Ất Sửu Thái Hòa thứ năm đời vua Kim Chương Tông (1205) tới Tinh Châu thi, trên đường gặp người bắt nhạn cho biết một mẩu chuyện thương tâm: “Hôm nay bắt được một con nhạn, đem giết. Con thoát được lưới buồn hót không chịu đi, cuối cùng lao xuống đất mà chết.” Tôi, chỉ nhà thơ, bèn mua lấy, đem chôn trên sông Phần, đắp đá thành mộ chí, gọi là mồ chim nhạn. Khi đó nhiều người cùng đi làm thơ phú, tôi cũng làm bài “Nhạn khâu từ”. Bài cũ đó không theo nhạc điệu, nay sửa lại.)
Vấn thế gian tình thị hà vật,
Trực giao sinh tử tương hứa?
Thiên nam địa bắc song phi khách,
Lão sí kỷ hồi hàn thử.
Hoan lạc thú,
Ly biệt khổ,
Tựu trung cánh hữu si nhi nữ.
(Hỏi thế gian, tình là vật gì,
Mà khiến (những con nhạn này) hẹn thề sống chết với nhau?
Dù trời nam hay đất bắc, hai chim từng luôn sát cánh bên nhau,
Đã trải qua biết bao lúc cùng nhau ấm lạnh.
Niềm hoan lạc,
Nỗi khổ lúc chia lìa,
Chung quy đều chỉ vì có tình si như người nam si tình kẻ nữ.)
Chuyện những kẻ si tình, quyết sống chết vì yêu như kiểu đôi chim nhạn thì thời nay vắng hiếm. Những cuộc tình xem ra nhiều phần tròn trặn, lâu lâu mới được người đời trân trọng nâng niu.
Có những mối tình lớn trong thời đại chúng ta nổi bật chung quanh chỉ có các cuộc tình nho nho, sớm nở tối tàn. Một trong những trang tình sử hy vọng kết thúc bằng nét son là cuộc tình giữa chính khách Macron, nhân vật đương thư hùng với đối thủ Le Pen để giành ghế vào điện Elysée. Bất chấp chênh lệch 24 năm về tuổi tác, bà Trogneux đã đồng hành cùng ông Macron hơn 20 năm qua và gần đây được thấy xuất hiện trong nhiều buổi vận động tranh cử, cũng như giờ phút ông giành chiến thắng cuộc bầu cử vòng một hôm 23/4. Thành công hay thất bại của Macron có thể tạo ra một kết thúc đẹp hay buồn cho chuyện tình như đôi “đũa lệnh cố so cho vừa.” Hãy chờ xem!
Tuy nhiên, trong tháng 12, 2016, một câu chuyện đang được báo chí bàn tán sôi nổi. Đó là trang tình vô cùng đẹp đẽ của hai kẻ chung tình trong 64 năm và chết chỉ cách nhau mấy tiếng đồng hồ, tay nắm tay nhau trên hai cái giường kê sát nhau trong một bệnh viện.
Sống chết không chia lìa nhau
Cuối năm 2016 trên tờ Washington Post người đọc đọc một tin cảm động, bà Dolores Winstead và ông Trent Winstead yêu nhau từ thuở tóc còn xanh và 64 năm là vợ chồng đầu gối tay ấp, yêu thương nhau từng phút từng giây và khi qua đời gần như cùng một lúc và tay vẫn trong tay không nỡ rời. Đôi vợ chồng này sống ở Nashville, trong hơn nửa thế kỷ đã có hai con, ba cháu và bốn chắt. Ban đầu họ chỉ qua lời ướm hỏi, và qua những bức thư nhưng rồi họ xa nhau khi ông Trent phải chiến đấu ở Cao ly. Nhưng kể từ lúc người cựu quân nhân trở về, đôi tim có dịp hòa đồng nhịp đập và Trent lập gia đình với người yêu “em bé hậu phương.”
Từ đó, họ chưa hề rời nhau mà đồng cam cộng khổ trong lâu đài tình ái sinh con đẻ cháu. Không phải không có khác biệt giữa tính tình hai người. Bà Dolores là phụ nữ thích nội trợ và hoạt động trong nhà thờ những thời gian nhàn rỗi, còn ông Trent lại là mẫu ngưới ngoại hướng thích câu cá, thích hoạt động bên ngoài. Nhưng hình như tạo hóa đã khéo ra tay xếp đặt, hai thái cực khác tính đã hút nhau chặt chẽ trong những năm ân ái lâu dài.
Tới tuổi 88, Trent mắc chứng suy thận nên phải vào nhà thương lọc thận. Bà Dolores lúc này đã 83, theo sát chồng và hàng giờ nắm tay ông trò chuyện cho người chồng tuy đã suy nhược nhưng lên tinh thần. Họ vẫn dành cho nhau những tiếng gọi thân yêu và động viên nhau từng phút để ra khỏi bệnh tật và rời nhà thương. Nhưng cuộc tình quá đẹp này dù nhờ sự chung thủy cũng không thể thoát khỏi lẽ tử sinh.
Hai ngày đầu tiên Dolores vào bệnh viện với chồng, người phụ nữ 83 tuổi này tỏ ra khỏe mạnh so với tuổi tác. Các con không cho mẹ biết rõ tình trạng nguy ngập của bố vì sợ mẹ lo lắng nhưng bà Dolores đủ tỉnh táo và mẫn cảm biết chồng khó qua cơn thử thách của tuổi già vì ông không thể ăn uống và tình trạng kiệt sức tới từng giờ. Bà chỉ bảo với cô con gái: “Không có ba con, mẹ sao sống nổi?”
Rồi từ 7 tháng 12, 2016, bà than với con là nhức đầu, rồi bắt đầu ói mửa. Vào khoảng 10 giờ, bà ngồi trên ghế sát giường chồng, gục đầu bên chồng tay nắm chặt lấy tay người bạn đời thân thương. Cô con gái thấy vậy vội báo với bác sĩ vì cái dáng mệt nhọc, thất thần của mẹ, mà lay mẹ thì không thầy cử động. Dolores lập tức được đưa vào phòng cứu cấp và bác sĩ phát giác bà xuất huyết não và trái tim thấm máu.
Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ đang khỏe mạnh bỗng nhiên rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh nhất là con tim yếu thoi thóp muốn ngừng đập.
Con gái báo cho ông Trent biết tin buồn, ông đòi tới thăm vợ. Một y tá nam chiều lòng ông cụ cho cụ lên xe đẩy và đẩy vào phòng bà Dolores. Ông Trent nắm tay vợ và kêu thều thào nhỏ nhỏ những âm thanh thống thiết nhất “Tỉnh lại, Aileen… Mau lên…” Aileen là tên của Dolores mà Trent thường gọi lúc thân mật.
Âm thanh tan vào tiếng quạt xè xè trong phòng lạnh, mọi người im lặng và mắt ngấn lệ.
Trent thở dài bảo các con: “Chỉ có thượng đế mới có phép lạ làm cho bà ấy tỉnh lại.” Rồi ông rưng rưng nước mắt than thở: “Từ nay ai ngồi bên ba mỗi ngày xem tin trên đài truyền hình.”
Nhận thấy vị cao niên không biết tắt thở lúc nào nên bệnh viện cho họ nằm kề nhau. Trent sung sướng nắm tay Dolores dù cảm thấy bàn tay lạnh dần và ông chỉ kịp dặn con gái: “Nhớ cho mẹ mặc áo hồng và chiếc quan tài màu hồng con nhé…, còn ba, quan tài màu tím được rồi!”. Đó là màu sắc của y phục họ thường mặc khi nắm tay nhau rong chơi quanh xóm ngõ. Rồi ông lịm dần và qua đời sau người vợ thân yêu ba bốn giờ.
Không phải cuộc tình nào kết thúc cũng đẹp và thiêng liêng như thế.
Cuộc tình thật đẹp qua những gì trong văn chương. Nhà văn đã tạo ra biết bao thiên tình sử não nùng và lãng mạn.
Quỳnh Dao và tiểu thuyết ái tình và đời thực
Quỳnh Dao (sinh năm 1938) là nữ nhà văn, biên kịch, nhà sản xuất điện ảnh người Đài Loan. Tập truyện ngắn đầu tay của bà mang tên Ngoài khung cửa sổ ra đời trong khoảng thời gian bà tốt nghiệp trung học và dự thi vào đại học nhưng không thành công. Năm 1959, bà lập gia đình khi mới 21 tuổi và có một con trai. Cuộc hôn nhân tan vỡ 5 năm sau vì ông chồng trẻ nhưng vô danh và vô tương lai. Năm 1979, bà kết hôn lần thứ hai với ông Bình Hâm Đào, tổng biên tập của tạp chí Hoàng Quán nổi tiếng, có sự nghiệp thành công khá rực rỡ.
Bình Hâm Đào là con người chững chạc biết săn sóc phái yếu, đã có vợ con nhưng là kẻ đa tình. Nòi tình gặp gỡ nhau nên Quỳnh Dao bỏ chồng, Bình Hâm Đào bỏ vợ và lấy nhau. Họ cùng nhau xây dựng sự nghiệp và hoạt động trong nhiều lãnh vực từ báo chí, xuất bản tới điện ảnh và nổi tiếng ở Á châu. Nhất là sáng tác của Quỳnh dao ca tụng tình yêu được đưa lên màn bạc như các bộ Song Ngoại, Xóm vắng (Đình viện thâm thâm), Thố ty hoa, Dòng sông ly biệt (Yên vũ mông mông), Hải âu phi xứ, Kỷ độ tịch dương hồng… đó, không biết bao nhiêu độc giả đã sa vào vườn tình ái đầy hoa thơm cỏ lạ nhưng cũng không thiếu tiếng nấc tuyệt vọng.
Truyện tình rồi tới lúc kết thúc. Mộng tình tới lúc tỉnh giấc.
Cuối tháng 4, 2017, Bình Hâm Đào tuổi già sức yếu, ung thư ruột, lại thêm chứng alzheimer hành hạ nên không còn biết gì nữa, mà chỉ còn là bộ xương sống nhờ thực phẩm từ bên ngoài đưa vào.
Đầu tháng 5, nữ sĩ Quỳnh Dao trên trang cá nhân bày tỏ nỗi thất vọng vì mâu thuẫn với các con riêng của chồng rơi vào tình thế gay gắt, hai phía không tìm được tiếng nói chung. Chỉ vì con cái họ Bình muốn tiếp tục đưa thực phẩm vào người bệnh nhân để còn nước còn tát giúp cho ông còn có cơ hội sống. Quỳnh Dao phản đối và người ta cho rằng nữ văn sĩ muốn người chồng của mình chết một cách đẹp đẽ cho chuyện tình của cô thêm chất lãng mạn.
Sự việc xảy ra do nữ nhà văn và con ông Bình bất đồng quan điểm trong việc có chọn phương pháp đặt ống thông dạ dày cho ông hay không. Ông Bình Hâm Đào – chồng Quỳnh Dao tuổi cao sức yếu, ông mắc bệnh mất trí nhớ và có tiền sử hai lần đột quỵ, hiện phải nằm viện điều trị. Do ông không thể ăn uống được bình thường, các con trai, con gái của ông đề nghị để bố được đặt ống thông dạ dày. Tuy nhiên, Quỳnh Dao kịch liệt phản đối phương pháp này, cho rằng nó quá đau đớn. Hai phía nhiều lần “lời qua tiếng lại”, thậm chí còn đưa sự mâu thuẫn này lên mạng xã hội. Mới đây, với thái độ bất lực, nữ nhà văn cho biết bà quyết định “trả lại chồng” cho các con riêng và tuyên bố sẽ không bao giờ vào viện thăm nom ông nữa. Quyết định có cực đoan quá không?
Người con gái Bình Hâm Đào, cô Bình Hành, chỉ biết phân trần:
“Những ngày qua gia đình chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn bè, người thân về tình trạng của bố tôi. Chúng tôi đều mong muốn việc trong nhà chỉ là chuyện riêng tư, nhưng cuối cùng nó lại trở thành chủ đề bàn tán cho mọi người. Nhiều năm qua chúng tôi đều tôn trọng dì Quỳnh Dao, nhưng với tình trạng như hiện nay, phận làm con buộc phải lên tiếng làm rõ sự việc”.
Trong lá thư của mình, Bình Hành cũng tỏ rõ quan điểm với nữ sĩ Quỳnh Dao: “Dì lựa chọn cách để cha ra đi không đau đớn, chúng tôi tôn trọng. Dì muốn gợi nhớ những kỷ niệm đẹp với cha, chúng tôi cũng không có ý kiến gì. Dì phỉ báng chúng tôi để người ta thấy rằng dì quan tâm đến chồng thế nào, chúng tôi không bận tâm. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận tình trạng cha mình bị người đời soi mói, cười nhạo, số phận của cha bị người ta bàn tán, dự đoán như một cuốn phim, giống như hiện tại. Rõ ràng họ không bàn về những nhân vật xa lạ, họ bàn về cha chúng tôi. Rồi bạn bè của chúng tôi cũng hỏi han, chỉ trích rằng sao nỡ để bố đẻ đau đớn, sao không chọn giải pháp của Quỳnh Dao – để ông có cái chết êm ái? Đây vốn là việc nhà chúng tôi, cuối cùng lại bị đưa ra “xét xử” công khai như vậy…”
Chu Nguyễn
No comments:
Post a Comment