Monday, May 22, 2017

Chuyện Nơi Phi Trường





22
Tôi biết là tôi vụng tu mà!

Người đời có câu "Kẻ ăn không hết, người lần không ra!", còn với riêng tôi thì phải sửa lại một chút "Khi ăn không hết, lúc lần không ra!"

Dưới đây là chuyện "Khi ăn không hết" của tôi.

Mấy năm trước, vào một buổi chiều tôi ra phi trường Quốc Tế Los Angeles để bay chuyến "mắt đỏ" qua miền Đông thăm thằng bạn nối khố. Tính tôi nhát gan nên đi sớm trước hai tiếng theo lời hướng dẫn trong vé để có thời giờ chen lấn lên máy bay, nhưng khi tới Terminal 6 của phi trường Los Angeles thì thấy chỉ có loe ngoe vài người khách. Tôi bèn tà tà, vác túi tới đứng coi màn hình giờ bay, đáp và cổng các chuyến bay.

Đang nhìn màn hình thì có người vỗ vào vai tôi. Tôi từ từ quay lại thì thấy một cô gái Á Châu, cao ráo, có dáng trí thức, trắng trẻo, ăn mặc lịch sự. Cô ta gật đầu nhẹ chào tôi rồi nói chậm.

- Anh làm ơn giúp tôi.

- Tôi có thể giúp cô điều gì? Miệng hỏi nhưng lòng tôi như đang mở hội.

Vô tướng, bất tài như tôi thì có mấy khi gặp trường hợp "Anh hùng cứu mỹ nhân"! Cờ tới tay thì phải phất (cấm nói tiếng Mỹ).

- Anh giúp tôi tìm giờ bay và cổng của chuyến bay của tôi. Vừa nói cô ta vừa dúi vào tay tôi một mớ giấy.

Tôi cầm mớ giấy lên coi -có hộ chiếu, có vé máy bay, có biên nhận vé máy bay, có cùi vé & biên nhận hành lý, có vài thứ giấy tờ tùy thân khác. Mở hộ chiếu ra coi -cô gái đó người Trung Quốc, ở Thượng Hải, tên Jean Cheng (Trần Gia Ân?).

Ái da! Duyên tiền định! Jean Cheng và tôi có chung ngày sinh nhật. Sổ hộ chiếu của Jean Cheng in rõ ràng.

Trên thế giới có bảy tỷ người, Jean từ Trung Quốc bay qua và gặp tôi vào một buổi chiều ở sân bay Los Angeles - một phi trường lớn nhất nhì Hoa Kỳ và thế giới về số lượng hành khách. Và hai người chúng tôi có cùng ngày sanh. Hết ý!

Tôi nhìn qua Jean rồi nói.

- Jean! Tôi muốn là người đầu tiên chào mừng cô đến Hoa Kỳ, một đất nước tự do. Và giữa cô và tôi có một điều đặc biệt, chúng ta có cùng ngày sanh.

Tôi móc bóp, lấy bằng lái xe ra đưa cho Jean coi.

- Thật vậy không? Jean vẫn còn chưa tin hẳn.

- Cô thấy đó! Đây là một điều thú vị! Chính tôi cũng bất ngờ!

Nhìn lên màn hình thấy máy bay của Jean đậu nơi cổng 61 và còn khoảng hai tiếng nữa mới bay qua Philadelphia. Không có gì phải vội! Jean và tôi tà tà vừa đi lên lầu tới cổng an ninh vừa nói chuyện.

Tôi biết Jean là bác sỹ tim, được học bổng thực tập sáu tháng trong một nhà thương nào đó ở thành phố Philadelphia. Nói về tim thì tôi thấy tim mình vẫn tốt mặc dù có phần lạnh lẽo, và khô khan.

Cổng an ninh vắng teo! Chúng tôi lần lượt cho đồ chạy qua máy X-ray rồi bước qua cổng từ. Đang đứng lấy túi xách thì có một viên an ninh bước tới hỏi.

- Anh chị có ai nói được tiếng Việt Nam không?

- Tôi nói tiếng Việt! Tôi có thể giúp được chuyện gì? Tôi hỏi.

- Khi anh lấy đồ xong, anh làm ơn giúp hai mẹ con người Việt đang đứng đó. Vừa nói anh ta vừa chỉ tay cho tôi thấy.

- OK! Tôi sẽ tới ngay!

Thế là sớm chia tay với Jean.

- Tôi cần qua bển giúp hai mẹ con kia. Cô chờ máy bay ngay đây. Cổng số 61. À! Cô có Email không? Cho tôi để giữ liên lạc. Chúng mình cùng ngày sanh và gặp nhau nơi đây là có duyên lớn.

Nói xong tôi lấy giấy viết trong túi xách ra đưa cho Jean ghi địa chỉ Email. Cái địa chỉ Email của Jean quá đơn giản, dễ nhớ, thấy qua là thuộc liền.

- Ráng giữ liên lạc. Cô sẽ nhận được nhiều Email "rác" từ tôi. Có cần gì giúp đỡ, cô cứ Email cho tôi; chúng mình có duyên với nhau mà! Thượng lộ bình an!

Tới dễ, đi dễ!

(Lâu nay, lai rai Email qua lại với Jean mà tôi không bao giờ gởi Email hay E-card chúc mừng sinh nhật của Jean. Nghĩ lại thấy mình cạn cợt, vô tình và vô tâm.)

Nhìn hai mẹ con người Việt đứng bên cái bàn kiểm soát của an ninh mà tôi thấy thương và tội nghiệp hết sức. Nếu đang ở Sài Gòn thì tôi tin rằng hai mẹ con này đang bán vé số hay đang xin ăn chứ không phải là hành khách bay phi cơ qua Mỹ. Quá lam lũ, quá tàn tạ! Người mẹ thì thấp bé hơn đứa cháu mười tuổi của tôi, đứa con được quấn tã, mền đang ẵm trên tay mẹ còn nhỏ hơn chai Coke hai lít. Quần áo người mẹ thì bạc phếch, nhăn nheo, chân mang dép nhựa mòn và đầy cát bụi, lại thêm cái nón lá dẹp lép đeo trật sau lưng, hành lý thì có mấy cái giỏ nhựa cũ để trên bàn an ninh.

Tôi bước tới và nói.

- Em từ Việt Nam mới qua hả? Anh là người Việt. Có cần anh giúp gì không?

Nghe tiếng tôi nói, người mẹ bật khóc hu hu ngon lành. Tôi đứng yên chừng một hai phút rồi nói.

- Có gì thì nói, chứ đừng khóc! Khóc lớn tiếng, người ta tưởng anh đang làm gì thì phiền lắm.

- Gặp anh, em mừng quá, nên khóc thôi. Người mẹ mếu máo trả lời.

- Vậy là tốt rồi! Tôi vừa nói vừa lục túi xách lấy khăn ướt đưa cho người mẹ lau mặt.

- Từ trưa tới giờ, em cứ lẩn quẩn tới lui không biết đi đâu, không biết nhờ ai. Người mẹ phân trần.

- Chuyện qua rồi. Gặp anh, em yên tâm. Có gì anh giải quyết và lo cho. Có cái phòng vệ sinh ngay đây, em vô rửa mặt, rửa mày, thay tã cho con. Đồ đạc để anh xách cho.

Tới phòng vệ sinh nữ, tôi đứng ở ngoài chờ sau khi làm tài lanh hướng dẫn và nhắc khéo.

- Cái vòi nước có chữ "Hát" là nóng, chữ "Xê" là lạnh. Còn khăn lau tay là khăn giấy. Trong đó có thể có cái bàn nhỏ dành cho trẻ con nằm thay tả - có hình ảnh hướng dẫn. Nếu em muốn thì giữ cái nón lá làm kỷ niệm, còn không thì bỏ nó vô thùng rác luôn tiện.

Chờ vài phút thì hai mẹ con bước ra lại; mặt mày sạch sẽ, tươi tắn hơn lúc nảy nhiều. Một điều hay nữa là tôi không thấy cái nón lá bẹp lép đeo sau lưng.

- Em đưa giấy tờ, vé máy bay cho anh coi.

Người mẹ móc một mớ giấy, trong cái xách đeo bên mình, đưa cho tôi. Đi tà tà tới cái màn hình giờ bay đáp và cổng máy bay, tôi coi thì thấy máy bay của mẹ hai con đi Las Vegas đậu ở cổng 64.

Chưa đến giờ bay nên cổng 64 vắng queo, tôi để hai mẹ con ngồi ngay hàng ghế trước quầy xét vé.

- Gặp anh em mừng quá! Máy bay từ Đài Loan đến từ trưa mà bây giờ em mới tới đây! Hai mẹ con cứ loanh quanh, không biết đi đâu. Cái phi trường này lớn khủng khiếp.

Phi trường Quốc Tế Los Angeles lớn (gồm có chín cái Terminals, 121 cổng bay) nhưng mà cũ. Phi trường được xây từ năm 1960 và tân trang lại vào năm 1984 cho Thế Vận Hội nhưng vì xây theo lối kiến trúc lỗi thời nên giống như cái ma trận, lại không có nhiều bảng hướng dẫn nên dân du lịch hay người không biết tiếng Anh bay tới rồi đi lạc là chuyện thường.

Tôi làm an ninh ở đây được bốn năm nên cũng rành rẽ đường đi, nước bước. Nếu đi như "ăn cướp" từ Terminal Quốc Tế tới Terminal 6, với tôi tốn khoảng năm hay sáu phút; nếu cuốc bộ tà tà như con lạc đà thì chừng mười lăm phút. Hai mẹ con này tốn hơn sáu, bảy tiếng! Mô Phật!

- Sao em không nhờ mấy người Việt đi chung máy bay giúp?

- Từ Đài Loan qua thì có người Việt trên máy bay, nhưng đến đây thì họ đi đâu hết. Toàn người Mỹ không, em đâu có biết gì đâu mà hỏi hay nhờ ai. Em khóc miết từ đó đến giờ.

Nghe vậy, tôi chỉ thầm thở dài, lắc đầu, trong lòng chỉ muốn "giũa" người chồng nào đó không về Việt Nam đón vợ con qua mà để vợ nhỏ, con thơ lạc lỏng nơi xứ lạ.

- Em có số điện thoại của chồng em không? Đưa anh để anh gọi báo tin em đã đến Los Angeles.

Người mẹ đưa tôi tờ giấy nhầu nát có sổ điện thoại của chồng. Vừa bấm số điện thoại, tôi vừa tính toán trong đầu tìm cách "giũa"người chồng này.

- Có phải Hưng đó không? Tôi nói khi nghe đầu dây kia được bắt.

- Dạ! Em là Hưng. Xin phép hỏi anh là ai?

- Hưng không biết tôi đâu. Tôi đang ở phi trường Los Angeles. Có rãnh để nói chuyện điện thoại không?

- Dạ! Em đang làm nhưng nói chuyện điện thoại được.

- Vậy thì tốt! Có vợ đang muốn nói chuyện nè!

- Dạ, cảm ơn anh! Xin phép anh cho em nói chuyện với vợ em.

Trong trái tim lạnh lẽo, khô khan của tôi còn chổ cho những người ăn nói lễ phép. Nghe cách nói chuyện "thưa, dạ, cảm ơn, xin phép" của Hưng, tôi không đành lòng cũng như không thể nào "giũa" một người như vậy. Thiệt là cụt hứng! Hy vọng một người đàn ông nói năng lễ độ cũng là một người chồng tốt.

- Em ngồi đây nói chuyện. Anh đi mua đồ ăn. Có cần anh xin nước nóng để hâm hay pha sữa cho con em không? Tôi đưa điện thoại cho người vợ.

- Dạ khỏi!

Tôi quay lưng đi, còn nghe tiếng người vợ "Anh Hưng đó hả? Em khóc miết từ trưa đến chừ, may gặp anh này giúp em …".

Terminal 6 có vài nhà hàng bán đồ ăn tương đối khá, nhưng phải có thời giờ vào ngồi ăn đàng hoàng. Để nhanh và tiện, tôi tới McDonald đứng sắp hàng mua sáu miếng gà chiên, khoai tây chiên và một ly Coke, bỏ trong bao giấy đem về lại cổng 64.

Tôi đưa người vợ, vẫn còn nói chuyện điện thoại, bao đồ ăn rồi bước đến quầy xét vé nói chuyện với nhân viên hãng hàng không.

Đại khái là tôi nói với họ - có hai mẹ con người Việt mới tới Mỹ, không biết tiếng Anh nên nhờ họ giúp đở chuyện lên xuống máy bay và gọi điện thoại cho người chồng đón khi máy bay đến Las Vegas.

Khi trở lại chổ ngồi thấy người vợ còn ăn và nói chuyện điện thoại, tôi lục túi xách lấy giấy viết ra viết vài câu trên mấy tờ giấy như là "Làm ơn giúp tôi, tôi không nói tiếng Anh", "Làm ơn gọi chồng tôi số điện thoại ####", "Làm ơn chỉ cho tôi cổng ra và chổ lấy hành lý".

Xong việc, tôi nói.

- Nói chuyện xong thì để anh nói chuyện với anh Hưng.

Nghe vậy, người vợ đưa tôi cái điện thoại.

- Hưng hả?

- Dạ!

- Mấy giờ đi làm ra, rước vợ con kịp không?

- Dạ kịp! Chỗ em chạy ra phi trường cũng gần.

- Nếu ra sớm thì thử xin vô tới cổng máy bay xuống coi có được không? Nói lý do là vợ con không biết tiếng Anh, biết đâu họ cho vô!

- Dạ, cảm ơn anh.

- Tôi sắp sửa bay rồi. Chúc vợ chồng, con cái đoàn tụ hạnh phúc.

- Cảm ơn anh đã giúp đỡ cho vợ con em.

- Chuyện nhỏ! Ráng lo chăm sóc cho vợ con tốt là được rồi. Tôi cúp máy.

Quay qua người vợ, tôi hỏi.

- Em ăn mấy thứ đồ chiên này có được không? Nuốt có vô không?

- Đồ ăn ngon quá! Bây giờ em mới thấy đói.

- Anh có nhờ mấy người nhân viên hãng bay giúp em rồi. Có thể họ sẽ cho em lên máy bay trước. Từ đây qua Las Vegas, bay cỡ chừng một tiếng. Anh có viết sẵn vài câu tiếng Anh trên mấy tờ giấy này; khi tới Las Vegas, em đưa cho mấy người tiếp viên trên máy bay là họ sẽ giúp em. Hy vọng anh Hưng sẽ chờ em ngay cổng xuống, còn không thì em đi theo cái bảng "baggage" để ra lấy hành lý. Tôi dặn dò.

- Cảm ơn anh nhiều!

- À! Em lấy đôi vớ này mang vô chân kẻo bay ban đêm lạnh. Anh ngồi trên máy bay thường thấy lạnh. Tôi lục túi xách, lấy đôi vớ ra đưa.

- Cảm ơn anh. Em có vớ và áo ấm trong túi xách.

- Thôi lỡ rồi, cầm mang vô chân cho ấm. Em cho phép anh là người đầu tiên chào mừng em và cháu đến nước Mỹ, một đất nước tự do. Chúc mừng gia đình em đoàn tụ hạnh phúc. Ở Mỹ đây cũng không có thần tiên gì đâu! Cũng phải lao động, làm lụng, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được cuộc sống vật chất đầy đủ. Điều chính, Mỹ là một đất nước tự do, ở lâu em sẽ biết. Em tranh thủ học tiếng Anh và nuôi con khôn lớn.

- Cảm ơn anh đã giúp em.

- Không có gì! Bây giờ anh phải chạy tới cuối Terminal lên máy bay. Thượng lộ bình an!

(Chạy tới, chạy lui, quay qua, quay lại tôi quên hỏi tên tuổi của hai mẹ con. Không biết đứa bé là trai hay gái? Tôi chỉ nhớ là hai mẹ con người Biên Hòa. Nghĩ lại thấy mình quá cạn cợt, vô tình và vô tâm.)

Loa báo lần thứ hai hay ba, là chuyến máy bay của tôi đang cho người lên. Tôi xách túi, chạy đến cổng 69 thì thấy còn người xếp hàng dài lên máy bay. Có ghế rồi thì tội gì mà lên sớm!

Tôi đứng ngay cửa kiếng nhìn ra ngoài phi đạo; đang ưởn lưng, vươn vai cho giãn gân cốt và máu lưu thông, thì có một người Mỹ trắng tới để cái vali Samsonite kế bên rồi hỏi tôi.

- Anh có rảnh đôi phút không?

Khi mưa thì xối xả! Khi ăn không hết là đây! Chuyện tới thì ráng lo giải quyết cho tốt đẹp.

- Tôi còn vài phút trước khi phải lên máy bay. Tôi có thể giúp ông điều gì?

- Tôi mới vừa bị tông xe.

- Lạy Chúa! Ông không có sao chứ!? Tôi đạo Phật nhưng nhập gia tùy tục; nói chuyện với dân Mỹ thì nói Chúa cho người ta vui. Hy vọng Chúa không trách, và Phật cũng không phiền!

- Tôi không sao! Người ta tông tôi. Tôi đang đậu xe chờ đèn xanh, nhìn kiếng chiếu hậu thì thấy một người nữ lái xe mà mãi lo nói chuyện điện thoại, không để ý tới đèn đỏ, không thắng nên tông thẳng vào đuôi xe tôi.

Thì ra ông này muốn mượn cái lỗ tai của tôi để trút bầu tâm sự. Cũng tốt thôi! Tôi có tới hai cái lỗ tai.

- Xe cô ta tông mạnh đến nỗi chui lọt dưới cái đuôi xe bán tải mướn của tôi; đẩy xe tôi lên tông vào cái xe trước. Cái đầu xe của cô ta nát bấy, dẹp lép. Tôi và hai người khác ráng kéo cửa để đem cô ta ra mà không được. Phải chờ lính cứu hỏa tới cưa cái cửa mới cứu được cô ta ra.

- Cô ta không sao chứ? Tôi hỏi.

- Lúc đó theo quan sát của tôi thì thân thể cô ta không sao, nhưng có lẽ cô ta bị điếng hồn nên miệng cứ lập đi, lập lại hai câu "Chiếc xe mới mua! Chồng tôi sẽ giết tôi!" Không biết chồng cô ta sẽ giết cô ta vì chiếc xe mới mua mà bị tông nát, hay vì tội vừa lái xe, vừa nói điện thoại? Biết sai sao vẫn làm!

Ông ta nói tiếp.

- Tôi sanh ra và lớn lên ở thành phố Los Angeles này, nhưng tôi chán nó lắm rồi. Mười năm trước tôi dọn qua Phoenix ở, cuối tuần này tôi về lại giúp bạn tôi sửa nhà; nên tôi mướn chiếc xe bán tải để đi mua và chở đồ. ….

Ông ta còn nói nhiều nữa nhưng đầu óc và tư tưởng tôi kẹt lại ở câu "Biết sai sao vẫn làm!" Tôi bị dị ứng với câu này! Nói thật ra là có tật thì giật mình thôi. Tôi đứng nhìn chăm chú coi kỷ người đàn ông da trắng đang đứng nói chuyện với tôi là ai mà tới "nhắc" khéo tôi ngay giữa cái phi trường khổng lồ này.

Tôi biết vị này đến để "nhắc nhở" tôi, chứ không phải đến để mượn cái lỗ tai của tôi.

- Cảm ơn ông đã lắng nghe! Tôi thấy nhẹ cả người!

Tôi giật mình trở lại hiện tại khi nghe ông ta nói cảm ơn tôi.

- Chuyện nhỏ! Không có gì! Chuyện gì xảy ra ở LA (Los Angeles) thì ở lại LA! Tôi nhẹ nhàng xã giao.

- Một lần nữa, cảm ơn ông!

- Bảo trọng! Thượng lộ bình an! Tôi chào ông ta.

- Thượng Đế chúc phúc cho ông! Chào từ biệt! Ông ta cầm vali Samsonite lên rồi đi.

Tôi vươn vai, hít một hơi dài, một tay cầm cái túi xách, một tay cầm cái vé bước đến cổng lên máy bay.

À! Còn chuyện tôi vụng tu thì không có liên quan gì về những chuyện xảy ra nơi phi trường. Viết nhập đề cho hấp dẫn, vui vui thôi. Quý độc giả vui lòng bỏ qua. Cho qua nghen, Tám!

Chuyện gì xảy ra nơi phi trường thì ở lại nơi phi trường. Tổng chào! Tôi bay!

Cuộc đời sắc sắc không không,
Thôi thì ta hãy hết lòng với nhau.

Cánh Chuồn Chuồn

No comments:

Blog Archive