Mười Phút Lội Ngược Dòng
Vào khoảng giữa tháng 9/ 2016 tôi rất bất ngờ nhận một cú phôn của một cô gái trẻ tuổi nhận mình là nhân viên của DOMID (viết tắt của Dokumentationszentrum und Museum ber die Migration in Deutschland có nghĩa là Trung Tâm Tư Liệu và Bảo Tàng di dân ở Đức, nằm ở Kưln) muốn tiếp xúc để phỏng vấn về đề tài di dân của người Việt tại Đức trong một dự án của DOMID. Là người làm việc cho Cộng Đồng Tỵ Nạn nên chuyện phỏng vấn của các phóng viên báo chí… là chuyện thường tình nên tôi sẵn sàng nhận lời. Ngày 28.9.2016 cuộc phỏng vấn đã diễn ra trong không khí thân mật tại nhà riêng. Cô gái 28 tuổi là một người Việt di dân, đã từ Hà Nội đến Đức một mình từ khi còn nhỏ để đi học. Cô ta sở dĩ biết đến tôi là qua một trang Wordpress. Sau cuộc phỏng vấn chúng tôi thỉnh thoảng vẫn liên lạc với nhau.
Cho đến đầu tháng 3/2017 cô ta báo cho tôi biết là cơ quan DOMID sẽ phối hợp với Phòng Đối Thoại Di Dân và Hội Nhập của Quỹ Friedrich Ebert để tổ chức buổi ra mắt cuốn sách " Vô Hình-Càc Hiện Thực Việt-Đức" vào ngày 25.4.2017 tại Friedrich Ebert Stiftung Berlin. Cuốn sách này là một công trình kết hợp các buổi phỏng vấn nhiều thành phần người Việt ở Đức và người Việt từ Đức hồi hương, trong đó có phần nhỏ viết về buổi phỏng vấn với tôi.
Khi nhận được thư mời chính thức và chương trình buổi hội thảo thì tôi mới biết rõ là mình sẽ tham dự với tính cách hội thảo viên trong một phần khoảng 40 phút của chương trình. Tôi sẽ là một trong 4 nhân chứng di dân Việt, mà trong đó 3 người kia là nhân chứng cho tầng lớp thợ khách, thợ khách đã hồi hương và du sinh trẻ đến từ Hà Nội; chỉ có tôi là người duy nhất là nhân chứng thuyền nhân trong phần chương trình đó và cả trong suốt buổi hội thảo với 14 hội thảo viên người Việt Nam ( phải nhắc lại là trong tổng số người Việt trên đất Đức dưới thống kê chính thức mới nhất là 176.000 người, người Việt tỵ nạn được đánh giá thành công trong hội nhập nhất và chiếm khoảng 1/3 tổng số đó). Ngoài ra trong danh sách khách mời còn có tên của Đại Sứ CSVN Đoàn Xuân Hưng.
Khi nhìn thấy thư mời thì phản ứng đầu tiên của tôi là muốn từ chối không đến tham dự buổi hội thảo vì hai lý do: thứ nhất là vì ban tổ chức không công bằng với tập thể người tỵ nạn với bằng chứng là họ chỉ mời một thuyền nhân duy nhất trong số 14 người đến nói chuyện trong buổi hội thảo, thứ hai là vì sự có mặt của viên đại sứ CSVN chỉ làm cho buổi hội thảo mất tính cách khách quan. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến của Ban Chấp Hành Liên Hội và các thân hữu thì tôi phải đổi ý kiến, vì thực sự tuy bị lép vế trước các thành phần khác nhưng tôi phải lấy đó làm cơ hội nói lên tiếng nói trung thực của người tỵ nạn trước hành vi man rợ độc tài của đảng CSVN từ gần 70 năm nay.
Để nói được tiếng nói trung thực tôi phải cần thời gian. Mà trong phạm vi chương trình tôi chỉ được tham dự trên bục diễn đàn 40 phút chung với 3 người khác dưới hình thức phỏng vấn bởi một MC; tính ra là phần của tôi chỉ có 10 phút và nếu có phỏng vấn qua lại thì tôi chỉ còn 5-7 phút để phát biểu. Vì thế tôi phải mặc cả với ban tổ chức là sẽ chỉ nhận lời tham dự làm hội thảo viên nếu họ cho tôi phát biểu tự do 10 phút và không phỏng vấn. Tôi đoán vì chương trình đã phổ biến nên ban tổ chức đã chẳng đặng đừng mà phải chấp nhận một cách miễn cưỡng điều kiện của tôi.
Mười phút để kể lại câu chuyện của một đời người đã là không phải là đơn giản. Huống chi đây là một đời người nổi trôi theo một khúc quanh đen tối của lịch sử dân tộc. Ngoài chuyện „dinh tề“, di cư vào Nam … các thảm kịch của nhà cầm quyền CS Bắc Việt tạo nên cho mỗi gia đình miền Nam sau ngày 30.4.1975 đã không giấy bút nào kể xiết, thế mà tôi chỉ có 10 phút để mô tả lại; thảm trạng vượt biên của những con người đi tìm cái sống trong sự chết cũng phải gom lại trong 10 phút; hội nhập và vươn lên trong một nơi xa lạ cũng chỉ gói ghém trong 10 phút; hệ lụy bi thương của dân tộc cho tới ngày nay cũng chỉ nằm trong 10 phút; nói với tuổi trẻ sanh sau chiến tranh cũng chỉ 10 phút đó. Tôi viết rồi gạch bỏ vài hàng, viết lại rồi gạch bỏ vài câu, viết thêm rồi gạch đi vài đoạn.. cứ thế rồi bấm đồng hồ đọc đi đọc lại sao cho đúng 9-10 phút phát biểu, quá 10 phút thì lại phải cắt đi vài câu vài chữ nhưng ý chính không thể thiếu….
Cuối cùng tôi hoàn chỉnh được bài diễn văn với thời gian đọc nhanh nhưng đủ cho người nghe và hiểu là 9-10 phút. Bài văn được thâu gọn tới mức không thể ngắn hơn nữa, nhiều chi tiết giá trị cũng phải gạt bỏ bớt.
Không những tôi bị sức ép về thời gian mà còn chịu lực ép về nội dung bài phát biểu, vì tôi biết chắc rằng những lời tôi nói sẽ đi ngược chiều với các lời tuyên truyền của CSVN từ bấy lâu nay và do đó sẽ không làm vừa lòng những nhân vật đang muốn giao hảo với CSVN. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, hãy trả lại sự thật cho lịch sử khi mà các chứng nhân còn sống sờ sờ đây. Friedrich Ebert Stiftung thuộc vào đảng SPD, một chính đảng trong guồng máy chính trị Cộng Hòa Liên Bang Đức. Thế nên tôi cũng tin tưởng phần nào vào tính cách dân chủ của những người điều hành ở Friedrich Ebert Stiftung và hy vọng họ sẽ để tôi nói đến câu cuối.
Khi bước chân vào khỏi cửa Friedrich Ebert Stiftung tôi đã được ông Gnther Schultze, đại diện Friedrich Ebert Stiftung, tiếp đón. Ông hoan hỷ báo cho tôi biết ngay là viên Đại Sứ Việt Cộng đã từ chối đến tham dự hôm nay. Nhìn nét mặt ông trong lúc nói chuyện tôi có cảm tưởng như ông đã trút được một gánh nợ.
Sau khi thỏa thuận với ban tổ chức và MC một lần nữa thì cuộc họp được bắt đầu khá đúng giờ. Phần đối thoại với các nhân chứng mở đầu chương trình sau các nghi thức khai mạc của ban tổ chức. Theo đúng giao hẹn tôi được phép đọc diễn văn 10 phút. Mười phút quý báu để nói với những người bạn Đức, những thế hệ Việt sinh sau cuộc chiến về những điều mà có lẽ họ chưa nghe bao giờ hoặc có nghe nhưng chỉ nghĩ là tin giả (Fake News). Tôi đọc nhanh và nhanh hơn vì muốn đề phòng sự trễ giờ sẽ bị cắt mất phần cuối là phần quan trọng nhất trong bài. Thế mà sau khi trình bày đến đoạn nói về giải thưởng nhân quyền của Hội Đồng Thẩm Phán Đức trao tặng khiếm diện cho Luật Sư Nguyễn Văn Đài, từ trên bục giảng tôi nhìn xuống thấy bà Katharina Deriks, thư ký trong Friedrich Ebert Stiftung, bước tới cạnh ông Schultze nói nhỏ điều gì, ngay sau đó ông Schultze tiến lên bục giảng đẩy một tờ giấy nhỏ ghi „ hết giờ“ cho tôi thấy. Vì đã dự đoán trước sẽ có tình huống này xảy ra nên tôi phản ứng nói lớn liền " hãy để tôi nói hết, chỉ còn hai giòng nữa" và tôi tiếp tục trình bày những giòng cuối về thảm họa ô nhiễm môi trường.
Khi bước xuống hội trường tôi bất ngờ nhận được những vòng tay ôm, những cái bắt tay, những lời khuyến khích tinh thần của một số bạn Đức Việt, họ bảo " bà phải nói lên sự thật như vậy cho chúng tôi biết ", " cám ơn bà", " chúng ta phải nói lên sự thật“ ….hoặc là mỉa mai ban tổ chức " tự do phát biểu mà như thế ấy à !!!". Đặc biệt là sự cổ vũ của một Linh Mục người Đức cũng có mặt tại đó.
Tôi cũng gặp các bạn trẻ Việt trong Ban Tổ Chức trong giờ giải lao và bảo với họ:“ cô đòi hỏi tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam là muốn tạo cho tương lai của các em có một cuộc sống nhân bản pháp lý ở quê hương, riêng cho đời cô thì đã quá muộn để được hưởng những giá trị này tại VN. Hãy nhớ rằng cô không tranh đấu cho cô mà là cho thế hệ các em „.
Tôi cũng gặp ông Schultze để than phiền về sự việc tôi là người duy nhất trong suốt buổi hội thảo đã nhận thẻ đỏ của ông; ông ta chỉ cười gượng gạo " bà đừng nói nhiều, nói nhiều người ta không nghe đâu ". Nếu biết người ta không nghe thì tại sao ban tổ chức mở hội thảo làm gì, nhất là khi phải chi tiêu một số tiền thuế không nhỏ cả vào việc mua vé máy bay, đặt phòng Hotel cho nhiều người từ VN sang dự hội thảo.Tôi cũng không trách riêng gì ông Schultze, một ông chủ nhà muốn làm vừa lòng người đến đẹp lòng người đi. Nhưng chỉ vì muốn làm vừa lòng hết tất cả mọi người từ tả đến hữu mà họ đã quên những giá trị nhân bản nhất của con người, đó là giá trị chân chất của lịch sử, thì đó là một điều khó chấp nhận được trong một xã hội Đức dân chủ vững mạnh
Ngoài ra tôi cũng được biết đây là lần thứ ba Friedrich Ebert Stiftung mở hội thảo cho người di dân Việt Nam, nhưng hai lần trước hoàn toàn không có bóng dáng người tỵ nạn. Có lẽ sau lần này họ sẽ " rút kinh nghiệm " về nhân chứng thuyền nhân và sẽ cẩn thận hơn khi chọn lựa khuôn mặt người tỵ nạn để không phải nghe những lời " trung ngôn nghịch nhĩ "
Berlin ngày 10.05.2017
BS Hoàng Thị Mỹ Lâm
***
Bản dịch bài diễn văn ngày 25.4.2017 tại Friedrich Ebert Stiftung ( do chính diễn giả tự dịch)
Tại sao chúng tôi phải trốn chạy ? Câu trả lời: khi quê hương trở thành địa ngục thì người ta phải bỏ ra đi.
Kính thưa quý vị,
Hai cụ thân sinh của tôi đã phải bỏ chạy từ bắc vào nam năm 1954 trước sự đe dọa tính mạng vì cuộc cải cách ruộng đất của nhà cầm quyền Cộng Sản. Khi đó tôi được 3 tuổi.
Gia đình chúng tôi thuộc vào một triệu người miền bắc di cư vào nam trong thời điểm này.
Vào Nam cha tôi làm việc trong sở Hỏa Xa tại Qui Nhơn. Từ năm 55 đến năm 59 chúng tôi sống trong hòa bình mặc dù cuộc chiến du kích của Việt Cộng đã nổi lên lẻ tẻ ở các địa phương từ năm 57.
Năm 1960 cha tôi bị triệu hồi về Saigon vì các cuộc tấn công của Việt Cộng vào đường sắt ngày càng tăng. Thời gian ngắn sau đó thì các đường sắt và toa tàu bị mìn của Việt Cộng phá hủy cho đến nỗi cả hệ thống đường sắt nối Saigon đến tận Huế hoàn toàn bị tê liệt.
Tại Saigon tôi đã tiếp tục hoàn tất chương trình Trung học phổ thông để bước vào Đại Học Y Khoa Saigon.
Ở hậu phương Saigon người ta chỉ cảm nhận sự tàn nhẫn của chiến tranh qua các vụ khủng bố của Việt Cộng như ném lựu đạn vào các đám đông trong trung tâm thành phố hay những đêm bị Việt Cộng pháo kích bắn từ ngoại ô vào các quận ở Saigon. Ngay cả những chuyến đi dã ngoại ngoài thành phố của Sinh Viên Học Sinh cũng nguy hiểm chết người vì các con đường bị Việt Cộng cài mìn.
Các thanh niên miền nam phải nhập ngũ tòng chinh. Họ chiến đấu cho chúng tôi, cho những người dân ở Saigon yên ổn sống, yên ổn học hành …Hàng triệu người chết và bị thương nơi tiền đồn hoặc thành nạn nhân của các cuộc truy sát đẫm máu của Việt Cộng mà điển hình là vụ giết dân trong Tết Mậu Thân 1968. Họ là cha, là anh em, là bạn bè, bạn học của chúng tôi.
Mặc cho sự tấn công của Việt Cộng trên mọi lãnh vực, từ chính trường đến chiến trường, chính phủ VNCH đã xây dựng được:
Một chính thể pháp quyền thực thi những giá trị căn bản của nhân quyền.
Một hệ thống trường công lập miễn phí từ tiểu học đến đại học và một hệ thống nhà thương công miễn phí
Phát triển đời sống văn hóa. Chúng tôi đã có hàng ngàn văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, hàng trăm tờ báo độc lập, hàng trăm ngàn đầu sách và vô số nhạc phẩm giá trị
Cuộc sống của tôi thời đó cũng giống như cuộc sống của tất cả sinh viên trên thế giới: bên cạnh học hành tôi thích đọc sách, mê nghe nhạc và muốn mở rộng kiến thức ra toàn thế giới.
Sau khi thất thủ vào ngày 30.4.1975 toàn miền Nam chịu sự trả thù dưới hình thức đô hộ và khủng bố của kẻ chiến thắng. Nhà cầm quyền mới là một thể chế cộng sản toàn trị với bạo lực cộng sản mà không hề có hệ thống lập pháp và tư pháp.
Như vậy có nghĩa là một đất nước không có pháp luật.
Miền nam Việt Nam trở thành một nhà tù lớn sau bức màn sắt. Sách vở, ngay cả sách giáo khoa và văn chương, đều bị đốt phá. Âm nhạc bị cấm hoàn toàn. Con người bị bắt mà không qua bất cứ một quá trình xét xử.
Hàng trăm ngàn thanh niên miền nam bị bắt giữ trong trại cải tạo, nhiều người đã bị tra tấn nhục hình đến chết. Vợ con họ bị đuổi đi vùng Kinh Tế Mới, nơi mà chỉ có đất hoang và bàn tay trắng.
Sau 3 năm học giáo điều chính trị trong Đại Học tôi được phân phối làm việc trong một bệnh viện. Trong Bệnh Viện thì sự thất vọng và phẫn nộ lại còn nhiều hơn. Những người miền bắc nắm trọn chức vụ lãnh đạo, và họ rất yếu kém về hiểu biết, từ kiến thức tổng quát đến kiến thức chuyên môn.
Tư tưởng được uốn nắn theo chủ nghĩa Mác-Lê. Bất cứ hình thức tư tưởng suy nghĩ nào khác đều không được chấp nhận. Chúng tôi không còn một hy vọng nào cho tương lai.
Con người không những chỉ cần ăn và uống. Tâm hồn và linh hồn cũng cần thức ăn. Tư tưởng không ai kiểm soát được, nhưng khi tư tưởng không thoát ra được và con người hàng ngày phải kiếm sống để tồn tại thì tư tưởng sẽ bị vùi chết theo ngày tháng.
Vì không gian sống của tôi, từ riêng tư đến nghề nghiệp, càng ngày càng chật hẹp lại khiến tôi như nghẹt thở trong môi trường đó.
Cuối cùng chỉ còn vượt biên là cách giải quyết. Vượt biên là đồng nghĩa với chấp nhận cái chết và lìa bỏ người thân.
Ngày 17.4.1979 tôi chạy trốn với một ngưới bạn học, cô ta hiện đang sống tại Paris. Chúng tôi gồm 297 người đi cùng một tàu đánh cá. Con tàu dài 18mét, ngang 3 mét. Trong 4 ngày lênh đênh trên biển chúng tôi bị hải tặc Thái cướp hai lần nhưng may mắn không bị hãm hiếp.
Ngày 21.4.1979 chúng tôi cập vào bãi biển Trengganu / Mã Lai. Ba ngày sau chúng tôi được tàu của Cao Ủy đưa về tập trung ở đảo tỵ nạn Pulau Bidong. Tại đảo tôi làm việc trong Bệnh Viện Sick Bay và chăm sóc cho trên 100 phụ nữ bị hải tặc Thái hãm hiếp, có vài nạn nhân chỉ mới 13 tuổi và bị nhiễm trùng rất nặng.
Ngày 5.3.1981 tôi đến Tegel Berlin trên một chuyến bay của hãng Lufthasa. Tôi đến một mình.
Kính thưa quý vị,
Ở Berlin tôi trú ngụ tại một trại tỵ nạn và được học mơ6t khóa tiếng Đức 8 tháng. Không lâu sau đó tôi lập gia đình. Sau khi sanh cháu bé thứ hai thì bằng cấp y khoa của tôi được chính phủ Đức công nhận.
Tôi bắt đầu làm việc tại Bệnh Viện Westend. Từ năm 1986 cho tới khi tôi về hưu vào tháng 9 năm ngoái, tức là tròn 30 năm, tôi phục vụ người bệnh tại Bệnh Viện Bethel Lichterfelde Berlin.
Tại Berlin tôi có một cuộc sống toại nguyện. Tôi có thể sống như ý tôi muốn vì nơi đây phẩm giá con người được tôn trọng ( câu này là câu đầu tiên nằm trong hiến pháp Đức ).
Tôi đọc nhiều, viết các tiểu phẩm, thưởng thức những bản nhạc tôi yêu thích mà không sợ phải bị bắt. Tôi tận hưởng một cuộc sống đa văn hóa và tin vào sự bảo vệ của luật pháp Đức.
Kính thưa quý vị,
sau gần 40 năm hầu hết những người Việt tỵ nạn đả thành công dân Đức có nguồn gốc di dân. Chúng tôi đã hội nhập hầu như toàn diện.
Dầu vậy lòng chúng tôi vẫn hướng về quê hương. Đất nước VN sau 42 năm hậu chiến bây giờ ra sao.
Theo Tổ chức Ân Xá Quốc Tế thì tình trạng Nhân Quyền ở VN không hề tiến triển. Ở hải ngoại người Việt bị theo dõi. Trong nước thì các vi phạm Nhân Quyền vẫn xảy ra hàng ngày.
Cách đây 3 tuần, vào ngày 5.4.2017 Hội Đồng Thẩm Phán Đức đã tao giải Nhân Quyền cho Luật Sư Nguyễn Văn Đài. Ông Nguyễn Văn Đài là người luật sư dấn thân ngay từ đầu để bảo vệ các giá trị của Nhân Quyền. Ông đã ngồi tù nhiều lần và lần cuối là từ tháng 12/2015 cho đến nay. Vợ của ông cũng bị cấm cảnh không được rời VN để đi nhận giải cho chồng. Do vậy mà Tổng Thống Đức Steinmeier phải trao giải cho một người đại diện.
Bên cạnh những vi phạm Nhân Quyền thì tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra hàng loạt tại VN. Chỉ riêng vụ Formosa trong tháng tư 2016 tại Vung Ang Ha Tinh đã có hàng tấn cá chết dọc theo hàng trăm cây số bờ biển miền trung Việt.
Sanh mạng con người ở các vùng dó bị đe dọa vì môi trường bị nhiễm độc. Vì tham nhũng và độc quyền lộng hành nên các thảm họa môi trường tại VN bị che dấu trước công luận quốc tế.
Vì thế tôi kêu gọi quý vị khi đầu tư vào VN, dù chỉ là trợ giúp phát triển hay giao dịch thương mại, xin hãy đặt Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền trước lợi nhuận kinh tế.
Nước Đức là một nước gương mẫu về Dân Chủ và Nhân Quyền. Xin hãy đừng chỉ xuất cảng hàng hóa mà hãy xuất cảng cả những giá trị nhân bản của Đức cho một cuộc sống đáng làm người.
Kính thưa quý vị
Tôi là một nhân chứng cho một thời đại đen tối của lịch sử VN. Những gì tôi vừa phát biểu là những lời xuất phát từ trái tim tôi. Trái tim của một người tỵ nạn yêu Tự Do và Dân Chủ.
Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe.
Berlin,25.4.2017
HTML
No comments:
Post a Comment