Chị Thơ
Sau 14 năm lăn lóc gió sương trong ngành chống bạo hành gia đình và y tế tâm thần, nhiều gian nan vất vả, và kết quả khích lệ là tôi đã có hàng trăm kháck hàng, thân chủ, nhiều bạn bè, và người quen yêu cầu giúp đỡ.
Theo luật bảo mật, và lương tâm nghề nghiệp, tôi không được tiết lộ về khách hàng, thân chủ của mình. Một số bạn bè và người quen cho phép tôi chia xẻ kinh nghiệm trong khi làm việc với họ, hầu mong có ảnh hưởng tốt cho cộng đồng nói chung, và những người đang trong hoàn cảnh tương tự nói riêng.
Một người tôi không thể quên vì đã gặp chị trong một buổi tối mưa gió tầm tã, trong một tình huống tuyệt vọng. Xin cho tôi gọi chị là Thơ vì chị có khuôn mặt, dáng dấp của một tiểu thơ đài các, dù trong lúc cùng quẫn, đau khổ, hay an nhàn vui vẻ. Chị là người mới quen của chị Hạnh, một người bạn thân của tôi.
Vừa lái xe từ sở về nhà lúc 8 giờ tối một ngày mùa đông mưa bão. Mới vào garage và chưa kịp tắt máy xe, đã nhận được cú điện thoại từ chị Hạnh. Chị cho hay hai mẹ con chị Thơ đang đứng ở ngoài đường gần một văn phòng bác sĩ chuyên khoa về ung thư vú. Hai mẹ con không có ai đón, trời đang mưa bão lạnh giá, và chị đang trong cơn sợ hãi, hoảng loạn vì mới nhận kết quả dương tính ung thư thời kỳ thứ ba. Bác sĩ nói chị sẽ được mổ ngay tuần tới ở thành phố kế bên cách một tiếng lái xe, trong khi không có một người thân nào đồng ý giúp đưa đón chị. Vì ở gần văn phòng vị bác sĩ, và vì tánh ưa làm chuyện bao đồng nên tôi nhận lời đi đón mẹ con chị và đưa họ về nhà cách khoảng nửa tiếng lái xe.
Khi tới nơi thấy hai mẹ con vừa lạnh và chắc đói vì đã đi xe bus từ trưa. Tôi cũng đói, mệt và lạnh sau một ngày dài làm việc căng thẳng, nên mời hai người đi ăn mì, và để thăm hỏi động viên tinh thần. Trong quán mì, vừa ăn chị vừa kể về hoàn cảnh gia đình chị.
Chị có một mẹ già ngoài 90 tuổi là bác Lành, cũng đang đau bệnh và chưa xin được tiền trợ cấp vì chưa có quốc tịch. Chồng cũ của chị bỏ chị về VN lấy vợ khác, và không còn nói chuyện với chị sau những xung đột trong gia đình khi mẹ chị mới qua khoảng 7, 8 năm trước. Con gái nhỏ mới 14, tôi gọi cháu là Duyên, rất ít khi mở miệng nói chuyện với mẹ dù vẫn đi học tử tế, thích bán hàng trên Net, và thỉnh thoảng được thăm cha.
Con trai lớn là cháu đi với chị hôm gặp tôi, xin gọi là Nghiệp, nay đã 26, nhưng hơn 10 năm qua cháu không đi ra khỏi nhà, không đi học, không đi làm, không gặp mặt bạn bè, và cũng không gặp, không nói chuyện với cha. Cháu giận cha và chắc cả mẹ sau một lần bị cha đánh đòn nặng, và cháu đã gọi cảnh sát khi cháu quá sợ hãi. Tuy vậy, khi cảnh sát tới gõ cửa, với sự đồng tình của mẹ, cháu đã thay đổi nội dung câu chuyện để bảo vệ cha. Vì nhà chật chội, Nghiệp không có phòng riêng, nên ngủ trong một cái tủ để đồ gần cửa ra vào, chỉ đủ chỗ kê một tấm nệm nhỏ. Ngoài giờ ăn và vệ sinh, Nghiệp đóng cửa tủ, ở trong đó làm bạn với cái computer cũ cũng để trên tấm nệm, và cây đàn ghi ta treo trên tường. Cháu sống như vây suốt hơn một thập niên trong tuổi thanh xuân. Cháu nhìn hơi nặng nề, chắc vì không hoạt động, nhưng khuôn mặt trông phúc hậu hiền lành, với ánh mắt buồn nhưng tinh anh.
Chị Thơ nói rằng, hôm gặp tơi vì sợ hãi nên chị không dám lái xe, Nghiệp thì chưa bao giờ học lái, nên hai mẹ con đi xe bus hồi trưa. Thấy mẹ bị bệnh hiểm nguy nên Nghiệp đồng ý đi với mẹ. Cháu yên lặng suốt buổi tối, như xưa nay theo lời mẹ kể, nhưng tôi biết cháu lắng nghe và quan sát kỹ lưỡng.
Tôi để chị Thơ tâm sự thêm một lúc nữa về chứng trầm cảm của chị đã bộc phát sau khi chồng bỏ đi, con gái xa cách, con trai "đình công bãi thị," mẹ già yếu dần làm chị cảm thấy tuyệt vọng và đuối sức. Như giọt nước cuối cùng làm tràn ly, căn bịnh ung thư quái ác đã như cơn bão ập tới, quật ngã cái cột trụ nhỏ bé duy nhất của gia đình. Chị còn nói thêm về những lo lắng trong hiện tại như vấn đề nhà ở, vấn đề tài chánh khi chị không còn đi làm được, và băn khoăn cho tương lai mịt mù của gia đình, đặc biệt là tương lai của hai con nếu chị khó qua khỏi như lời bác sĩ.
Tôi không muốn chị nói thêm nhiều khi có mặt con trai ở đây. Chỉ vắn tắt mấy lời khích lệ và cho chị biết về những dịch vụ của chính phủ và của tư nhân trong cộng đồng cho những gia đình đang gặp khó khăn như chị.
Thấy chị chưa có ý muốn ra về, tha thiết muốn giải quyết chuyện riêng tư gia đình và cũng muốn cho con trai nghe chuyện, tôi trình bày thẳng thắn những ý kiến chuyên môn, để chị sắp xếp các vấn đề cần ưu tiên đối phó trước mắt, và lập kế hoạch giải quyết từng bước một.
Vì chị đang bị sốc, khó tập trung nên tôi không muốn bàn thảo nhiều, mà chủ động đề nghị kế hoạch. Tôi nói với chị Thơ và cháu Nghiệp:
- Bây giờ vấn đề của gia đình thấy như nhiều và to lớn quá, không thể giải quyết một sớm một chiều. Sức khỏe là trên hết. Chị hãy nghe lời bác sĩ, bình tĩnh chữa bịnh. Tôi có vài người bạn bị ung thư vú đã hơn 10 năm, chữa khỏi rồi tái lại, chữa tiếp. Tóc rụng rồi mọc lại, dầy và đẹp hơn trước. Chị Hạnh và tôi sẽ giúp phần đưa đón chị đi bịnh viện mổ tuần tới và sắp xếp những hỗ trợ cho gia đình chị. Chị em trong nhóm sẽ thay nhau thăm nuôi và ghé thăm bà ngoại và hai cháu ở nhà. Tôi sẽ bàn với chị Hạnh kiếm người giúp cháu học lái xe để có thể đưa đón mọi người trong gia đình thay chị khi chị đang chữa bệnh.
Khi sức khỏe chị đã ổn, chúng tôi sẽ lo hay nhờ người giúp cháu trở lại trường học hay kiếm việc làm. Bác Lành có thể vay tiền general assistance (GA) của chính phủ cho tới khi lãnh SSI thì sẽ trả góp mấy chục dollars hàng tháng. Cháu Duyên sẽ được tôi giới thiệu dịch vụ counseling miễn phí, để có thể thích nghi tốt hơn với những thay đổi khủng hoảng trong gia đình.
Căn chung cư gia đình chị đang ở, chị và chồng cũ mua trước đây, nhờ cô em chồng đứng tên, thì cứ tiếp tục ở, không sợ bị đuổi hay bị gạt lấy, vì chị có giấy tờ chứng minh trả tiền thuế hàng năm và trả nợ mortgage nhà hàng tháng.
Hiện thời, chị chỉ cần hàng ngày nghĩ rằng, ngày hôm nay tôi ăn gì, uống thuốc gì, và tối nay ngủ ở đâu. Mọi sự khác phó thác ơn trên, và để các chị em khác giúp người một tay.
Thấy chị Thơ và Nghiệp lắng nghe chăm chú, không phản bác, không ngắt lời, tôi nói tiếp:
- Mỗi ngày sẽ là một ngày mới, sự sống quý giá vô cùng. Cứ ăn cho ngon, ngủ cho yên khi có thể. Mệt thì nghỉ, bịnh thì chữa, kẹt thì kêu nhờ chị em. Luôn nói thương yêu con và hết lòng với con cho chúng yên tâm. Tận hưởng những ngày còn bên con và giúp chúng, giúp mình hòa giải hàn gắn các đổ vỡ thương tích tinh thần. Buồn phiền bối rối thì thổ lộ với bạn bè thân thiết hay người cố vấn. Chuyện hậu sự thì sắp xếp với social worker trong nhà thương hay luật sư riêng nếu có tiền.
Chị càng lo lắng quá độ về con cái thì chúng càng thấy hoang mang bấp bênh. Nếu thương con, nên chăm sóc bản thân mình trước, tỉnh táo và tự tin để giải quyết tình huống bằng cách hợp tình hợp lý nhất, hòng bảo vệ con và làm gương cho con về cách sống hằng ngày. Khi mẹ vui, biết nhận ra và chấp nhận thực tế, cũng như đối phó với sự việc một cách bình tĩnh sáng suốt thì con sẽ thấy yên tâm và noi theo.
Mấy tô mì nóng vơi dần và câu chuyện đã thân mật hơn. Chúng tôi ngồi ở quán mì chuyện trò tới 10 giờ đêm. Trong câu chuyện, khuôn mặt cháu Nghiệp có vẻ thư giãn hơn, ánh mắt cháu như sáng dần lên. Có lúc vui vẻ, cháu còn móc trong túi áo khoác tặng tôi một CD nhạc do cháu thâu với tiếng đàn ghi ta của chính mình.
Chị Thơ đã lấy lại sự bình tĩnh và bàn bạc với tôi về công việc cần làm cho tuần tới, trước khi chị đi nhà thương giải phẫu lấy bướu ra. Chị muốn Nghiệp nghe tất cả những chuyện chúng tôi bàn, để nếu chị có mệnh hệ gì thì cháu còn biết đường tính.
Tôi giúp chị sắp đặt những ưu tiên cho công việc, và chia phận sự theo vai trò và khả năng. Việc chị quan tâm nhất là vấn đề nhà ở. Chị sợ rằng nếu chị chết đi, bà ngoại và các cháu sẽ bị đuổi nhà vì đã nhờ người khác đứng tên. Tôi giao cho chị về nhà lục hết giấy tờ chị đã đóng thuế thổ trạch và các ngân phiếu chị đã trả tiền nhà băng hàng tháng cho nợ nhà. Khi chị soạn ra xong, tôi và chị Hạnh sẽ đến giúp chị viết một lá thư cho hai con, để giải thích và dẫn dắt về chuyện nhà cửa, để đòi lại chủ quyền của căn nhà cho chị và hai con.
Tôi cũng giải thích cho chị rằng, vấn đề nào cũng có hai mặt lợi hại, nếu chị có chủ quyền của căn nhà trên mặt pháp lý, chị sẽ không xin được Medical insurance để chữa bệnh. Tốn phí cho nhà thương và việc chữa trị kế tiếp có thể tới hàng trăm ngàn đô la, nhiều hơn là giá trị căn chung cư cũ kỹ, chật hẹp của chị. Đó là chưa nói tới tiền mướn luật sư để thưa kiện.
Và cứ như thế trong hai tiếng đồng hồ chúng tôi đã sắp xếp kế hoạch cho tuần tới. Chị rất vui mừng, và cứ tự trách rằng tại sao trước đây, khi có người quen cho chị số điện thoại của tôi, chị đã không gọi tôi ngay để tham vấn và tìm cách giải quyết những vấn đề khúc mắc trong gia đình cho sớm. Chị nói rằng chị sợ phiền, sợ người lạ biết chuyện riêng tư không tốt đẹp của gia đình, và cũng không tin ai sẽ thật tâm giúp khi chính người thân đã phản bội mình.
Biết chị theo đạo Phật, nên tôi hỏi ngược lại, để giúp chị nhìn vấn đề một cách thoáng hơn:
- Thế chị hiểu chữ duyên như thế nào?
Không cần suy nghĩ lâu, chị trả lời ngay:
- Ờ... em cứ buồn phiền mãi về chuyện này, mà có muốn đụng tới nó đâu. Cho tới khi biết mình bị ung thư, mới hoảng lên, nhưng chẳng biết phải giải quyết làm sao. May nhờ “duyên” mà gặp chị hôm nay, chị giải thích, em hiểu rồi. Em sẽ về nhà kiếm hết giấy tờ rồi nhờ chị và chị Hạnh góp ý... nhưng con em tụi nó khờ lắm!
- Tôi không tin các cháu khờ nếu không thấy có bằng chứng. Các cháu đã đi học được điểm cao trong trường trước đây. Bé Duyên biết làm đồ thủ công để bán trên mạng lấy tiền tiêu vặt, và Nghiệp biết dùng tài năng về âm nhạc của mình để khuây khỏa nỗi buồn, biết bày tỏ và biết chia sẻ với người khác. Cờ tới tay ai người đó phất. Khi các cháu có cơ hội, và được hướng dẫn hỗ trợ đúng cách, tôi tin các cháu sẽ vượt qua được khó khăn và phát triển đúng mức với khả năng của chúng. Các cha mẹ nhiều khi thương mà bảo vệ con quá đáng, không cho con mình có cơ hội bày tỏ, học hỏi và thực tập các kỹ năng sống, giải quyết các vấn đề, cũng như nhận sự giúp đỡ cần thiết, ví như chim non cần tập bay và kiếm mồi cho chính mình để trưởng thành.
*
Sau đêm hôm đó, tôi và chị Hạnh thay phiên nhau gọi điện thoại cho chị Thơ, hỏi han và nhắc nhở những điều cần thiết, đến nhà giúp chị soạn giấy tờ và viết thư dặn dò con cái. Anh Paul chồng chị Hạnh cũng giúp Nghiệp học và thi bằng viết để tập lái xe. Các bạn trong nhóm các bà mẹ độc thân hay đã từng độc thân giúp các chuyện linh tinh khác.
Ngày đi nhà thương mổ, chị Thơ rất bình tĩnh và hy vọng nhiều. Chị kể rằng, chị đã nói chuyện với các con dễ dàng hơn. Các cháu cũng bày tỏ tình cảm với mẹ như ôm hôn và nhắc mẹ chuyện này chuyện kia khi mẹ quên sót. Nghiệp đã đậu bằng thi viết lái xe ngay lần đầu và đang tập lái với anh Paul. Chị cười vui khi kể rằng, Nghiệp đã ra dáng là người đàn ông trong nhà, sẵn sàng giúp và đi đây đi kia với mẹ, mang xách những đồ nặng cho mẹ cho bà, và nói chuyện với bà nhiều hơn. Hai anh em cũng bắt đầu chơi với nhau và giúp mẹ việc nhà.
Chị Thơ nói với vẻ cả quyết rằng, căn bịnh ung thư dù nguy hiểm đến tánh mạng, nhưng đã thúc đẩy chị vượt qua cơn trầm cảm. Chị không còn nằm lơ mơ trên giường như trước đây. Không còn muốn tránh né vấn đề cần giải quyết, không muốn giữ "bầu tâm sự" cho riêng mình nữa, và sẵn sàng nhận sự giúp đỡ từ người khác, không còn "chảnh" hay tự ái như xưa. Chị rất vui khi thấy các con và không khí trong gia đình thay đổi, vui tươi phấn khởi.
Chị còn làm tôi khâm phục hơn khi chia sẻ rằng, chị cũng không còn oán hận người chồng cũ, và đã hiểu ra mỗi người đều có nhu cầu và kỳ vọng riêng, khó khăn riêng, nhìn sự việc cũng như giải quyết sự việc một cách khác nhau, tuỳ theo niềm tin, văn hóa, thói quen, giáo dục trong gia đình xã hội, khả năng và sự hiểu biết.
Tôi đã thấy một chị Thơ khác hẳn ngày mới gặp lần đầu.
Năm năm sau, căn bệnh ung thư của chị Thơ tái phát. Chị lại mổ, lại xạ trị, hoá trị. Tóc chị lại rụng rồi mọc. Điều khác biệt là bây giờ chị là người đi giúp đỡ, khuyên lơn các chị em khác cùng hoàn cảnh, như chị Đài chị Phụng.
Tám năm sau, khi tôi đang viết những dòng này, bé Duyên sắp tốt nghiệp đại học. Nghiệp vẫn đi làm, đi chơi với các bạn bè khi rảnh rỗi, và đã có phòng ngủ riêng trong căn chung cư cũ. Bà ngoại đã xin được tiền trợ cấp người già SSI và trợ cấp Housing, nên chị Thơ dọn ra với bà để chăm sóc. Chị giao căn chung cư cũ cho Nghiệp ở và trông nom.
Mỗi lần họp mặt ăn uống tại nhà chị Hạnh hay nhà tôi, trong căn bếp chúng tôi cùng chuẩn bị đồ ăn và thủ thỉ tâm tình chuyện buồn chuyện vui. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ nhưng vui vẻ cả quyết, chị kể chuyện khuyên lơn an ủi các bạn khác bằng câu nói của tôi với chị năm trước ở quán mì một buổi tối mưa bão:
- Mình còn sống ngày nào là cứ vui ngày đó. Hiện thời, mình chỉ cần hàng ngày nghĩ rằng, hôm nay tôi ăn gì, uống thuốc gì, và tối nay ngủ ở đâu. Mọi sự khác phó thác ơn trên, và để các chị em khác giúp người một tay. Cứ ăn cho ngon, ngủ cho yên khi có thể. Mệt thì nghỉ, bịnh thì chữa, kẹt thì kêu nhờ chị em.” Chị nói thêm:
- Bây giờ có chết tôi cũng mãn nguyện khi thấy các con trưởng thành, biết lo cho bản thân, biết tìm cách khuây khỏa vui chơi khi lo lắng buồn phiền, và có các mối quan hệ tốt với gia đình, bạn bè và những người chung quanh.
Các bạn khác và tôi cũng vui chung với chị. Hèn chi, tới chết chắc tôi cũng không chịu chừa cái tật ưa làm chuyện bao đồng, và còn xúi người khác cùng làm với mình.
Cảm ơn gia đình chị Thơ đã tin tưởng và cho tôi tham gia trong cuộc chiến đấu với bệnh tình thân xác và các khó khăn về tinh thần, và đã nhắc nhở cho tôi biết sự mong manh của phận người, quý giá của sự sống, yếu đuối của bản năng, khả năng hồi phục và tiềm năng hầu như vô tận của mỗi người.
Cảm ơn tất cả các bạn trong nhóm các bà mẹ độc thân. Đặc biệt cảm ơn chị Hạnh, người bạn "bao đồng" khôn ngoan, xinh đẹp tài hoa, duyên dáng vui tươi, luôn rộng tay rộng lòng với tất cả chị em và đặc biệt với cá nhân tôi, là bạn và là người hâm mộ chị. Cảm ơn tình thương đã hóa giải oán hờn và các bế tắc trong đời sống hàng ngày. Cảm ơn nước Mỹ, với trường học đầy đủ phương tiện, các thầy cô, các bạn học, bạn đồng sự đã dẫn dắt trợ giúp tôi trong công việc phục vụ xã hội và y tế tâm thần.
Chúc tất cả mọi người, các chị em bạn bè thân thuộc, và các bà mẹ trên thế giới một ngày lễ Mẹ vui tươi hạnh phúc!
Iris Dinh
No comments:
Post a Comment