Tuesday, May 16, 2017

“QUY TỨC” (Deep Relaxation)

Nhìn thấy thảm cảnh trên TV nhiều nạn nhân bị vây khốn trong những tòa nhà bị sập khiến đau lòng quá. Vấn đề của họ là làm sao để giữ gìn mạng sống và chờ đến lúc có người đến cứu. Trưa nay, trong lúc đi bộ với cô nàng hàng xóm, tôi bổng dưng chợt nhớ là trong một lúc tình cờ, tôi tìm ra một phương pháp THỞ rất chậm và rất ít. Nhưng kết quả của nó mang lại thật tuyệt vời. Phải nói là không ngờ được, vì số vốn bỏ ra quá ít, chẳng mất công bao nhiêu để học và thực hành. Quảng cáo cũng hơi nhiều rồi, bây giờ tôi xin kể lại đầu đuôi câu chuyện cho các bạn cùng đọc và rút kinh nghiệm.

Vào năm đầu ty nạn sau 1975, tôi làm nghề cạo giấy cho công trường xây cất vận động trường thế vận ở Montreal. Mùa đông ở Montreal,  dù chẳng thấm vào đâu so với Alaska, hoặc các vùng miền cực Bắc, nhưng phe ta đều te tua vì không quen. Mỗi sáng đi làm, tôi đều trùm ba bốn lớp, lội tuyết cao đến đầu gối, và cái lạnh như thấu đến tận xương. Cảm giác còn hơn là ở Dalat mà tắm nước lạnh ban đêm.

Tôi nhớ mãi mùa đông đầu năm 1976, nhiệt độ bên ngoài đã xuống dần từ mùa thu. Mỗi khi thấy dự báo thời tiết, chúng tôi đều mừng hết lớn khi thấy nhiệt độ nằm trong khoảng từ -10 đến +10 độ C. Tuần lễ ấy Montreal bị mấy trận bảo tuyết liên tiếp, và nhiệt độ dự báo vào cuối tuần sẽ là từ -10 đến -20 độ C. Cái lạnh này, ngoài trời thì lạnh thật, nhưng trong nhà chúng ta vặn sưởi thì chúng ta vẫn tà tà ăn nhậu và binh xập xám mua vui. Nào ngờ hệ thống sưởi và nước nóng của khu chung cư (apartment) bị hư từ mấy ngày và vẫn chưa tìm được thợ đến sửa, vì trong thành phố thiên hạ cũng bị hư nhiều quá nên thợ làm không xuể. Hệ thống sưởi của khu chung cư này dùng nước nóng, chứ không chạy bằng điện hay khí đốt như bên Mỹ.

Hôm ấy tối Thứ Sáu, đi làm về nghe chủ nhà nhăn nhó báo cáo là sẽ không có sưởi cho đến tuần sau. Thế là rồi đời! Bạn bè ở cùng khu chung cư rủ tôi cùng họ đi di tản qua chung cư của bạn bè, cùng hứa hẹn những buổi ăn uống hào hứng cuối tuần. Tôi hơi mệt, nên kiếu hẹn sẽ đi sau nếu chịu không thấu.

Nghĩ đến chuyện phải thu xếp quần áo và làm phiền bạn bè trong mấy ngày. Đang lúc làm biếng nên tôi quyết định ở lại "tử thủ". Sau khi học gồng làm một màn tắm bằng nước lạnh, tôi vừa run vừa chống lạnh với hai gói mì và mấy thứ rau còn sót lại trong tủ lạnh. Để sửa sọan cho giấc ngủ, tôi xếp tới ba lớp trên sàn thảm - 1 tấm khăn và 2 cái mền mỏng. Vì không quen mang nhiều đồ khi ngủ, nên tôi cũng chỉ mặc cái áo thung dài tay và cái áo khỉ, cùng cái quần nhà binh mang theo từ VN. Tôi đã chun vào cái ổ kén này và làm một giấc sau khi xem TV.

Đâu khoảng 2, 3 giờ sáng tôi thức giấc vì lạnh quá. Xoay tới xoay lui, co chân, đặt tay lên ngực cũng không tìm lại được giấc ngủ. Mà chun ra ngoài thì còn lạnh hơn nữa. Tôi nằm đó chịu trận và tiếc cho cái quyết định làm "anh hùng rơm" của mình, khi không chịu di tản với bạn bè hồi tối. Tôi cứ loay hoay xoa tay xoa chân cho đỡ lạnh. Mà càng ngọ ngoạy lại càng lạnh mới chết chứ!

Bỗng tôi sực nhớ đến những câu chuyện về các vị Lạt Ma Tây Tạng vùng Hy Mã Lạp Sơn. Các vị này vẫn chịu được cái lạnh và ngồi Thiền trong những hang động bằng đá. Họ cũng đâu có sưởi, đâu có nhiều quần áo, mà vẫn sống hùng sống mạnh, với thiên nhiên. Chúng ta sống trong thành phố, thức ăn đầy đủ, và được bao bọc an toàn của bốn bức vách thì khó mà chết vì lạnh được.

Suy nghĩ đến đây, tôi quyết định áp dụng phương pháp THỞ CHẬM và nằm bất động xem thử có chết không cho biết. Tôi hít vào chầm chậm cho đến lúc cảm thấy đầy trong người thì bắt đầu thở ra. Hơi thở ra lại càng chậm hơn nữa, so với lúc hít vào. Mới đầu thì thấy cái lạnh thấm vào bàn tay và chân. Nhưng chỉ một lúc là thấy không thể lạnh hơn được nữa. Tôi vẫn cứ tiếp tục thở càng lúc càng chậm dần. Tự nhiên nghe như tiếng pháo nổ cái đùng trong đầu và trong người, tôi có cảm giác như thấy một luồng ánh sáng chan hòa khắp người. Một luồng hơi ấm tràn lan khắp châu thân, không còn cảm thấy cái lạnh của Trời Đất chung quanh mình. Từ lúc bắt đầu thở chậm cho đến lúc cảm nhận làn hơi ấm và ánh sáng này, tôi nghĩ chưa đến 30 phút. Tôi vẫn tiếp tục thở chậm, vừa vui, vừa khoan khoái với sự ấm áp, nên làm luôn một giấc tới sáng. Khi thức dậy, người tỉnh táo và sướng vô cùng.

Từ ngày ấy đến nay, đã hơn 30 năm, những lúc cần có giấc ngủ ngon, hoặc chống lại cái lạnh, tôi đều áp dụng phương pháp thở chậm này. Nhất là những khi đi làm về, tôi nhảy lên giường, chỉ cần nhắm mắt và thở chậm độ 5, 10 phút là tôi có cảm giác như năng lực trong người trở lại đầy đủ. Mặc dù chỉ có vài phút nghỉ ngơi, nhưng lại thấy khỏe thật khỏe. Những lúc cần dậy sớm sửa soạn đi xa, tôi áp dụng phương pháp thở chậm này, và "nghĩ trong đầu" giờ mình muốn thức giấc. Và lần nào cũng vậy, tôi đều thức giấc trước khi đồng hồ báo thức reo độ 5 hay 10 phút trong trạng thái hoàn toàn tươi tỉnh, an lạc.

Tôi đã chỉ cho bạn bè phương pháp này để có thể nghỉ ngơi và lấy lại sức khỏe trong thời gian ngắn (như chuyện xạt bình điện xe hơi). Một số làm được, một số không thực hành được. Hỏi kỹ ra, họ làm trong lúc đầu óc còn quá bận rộn suy nghĩ cho việc làm, chuyện gia đình, con cái, cơm nước, chẳng tập trung cho việc nghỉ ngơi thì làm sao mà có được giấc ngủ, giấc nghỉ bình yên.

Nhiều lúc cơ thể quá thư thả, quá sung sướng, tôi thầm nghĩ con người ta mà tiến đến cái chết trong trạng thái này thì không có chi mà lo sợ.

Vài hàng chia xẻ kinh nghiệm rất tình cờ, trong cái nguy, cái thiếu thốn mà tìm được, nhưng sự hữu dụng lại kéo dài mãi cho đến cuối đời. Hy vọng các bạn sẽ tìm được những giấc ngủ, giấc nghỉ ngơi thật khỏe, thật bình yên.

Đề nghị cách tập

- tìm một chổ ấm áp trên giường hay dưới sàn cũng được;

- không nên để quá lạnh, đấp một cái mền nhẹ hay đặt một chiếc áo trên ngực để giữ hơi ấm;

- duỗi thẳng hai chân, hai tay dọc theo thân mình, có thể gối đầu cho thỏai mái nhưng không nên cao quá;

- miệng lúc nào cũng ngậm, mắt nhắm, tập trung mọi thứ vào hơi thở qua mũi;

- cứ giữ thân hình bất động và chú ý đến hơi thở ra vào, càng lúc càng chậm;

- chỉ một lúc sau là bạn sẽ chìm vào giấc ngủ, có thể ngắn có thể dài, nhưng chắc chắn là cảm giác rất nhẹ nhàng, khoan khoái.


Nguyễn Đức Trọng
Virginia 2005

No comments:

Blog Archive