"Anh hứa đưa em về nơi . . . chân trời tím,
Gom hết mây hai đứa xây lâu đài yêu . . ."
(Chân Trời Tím, Trần Thiện Thanh)
Vợ tôi tưởng thật, hớn hở hỏi tôi:
" . . . Chân Trời Tím . . . đẹp quá há anh . . . nó . . . ở đâu vậy. . .?"
Thật sự thì tôi chỉ hát vậy thôi, hứa vậy thôi, cho vợ tôi nghe . . . cho vui vậy thôi, chứ làm sao tôi biết được cái chân trời tím này nó như thế nào? Và nó ở đâu?
Nhưng không lẽ tôi chịu bí? Tôi làm ra bộ bí mật:
" . . . Chân Trời Tím ở một nơi . . . rất khó tìm . . . rất xa . . . nhưng anh rất thích nơi đó, và anh nghĩ rằng, em cũng sẽ thích khi đến được nơi đó."
Vợ tôi nghe thế là chịu liền:
" . . . Anh đưa em tới chỗ đó, nghen!"
Thế là tôi có vợ.
Sau đám cưới, hai đứa tôi hì hục làm việc kiếm tiền mua vàng lo vượt biên. Mỗi buổi tối ngồi bên nhau, tôi đổi tông giải thích về chân trời tím cho vợ tôi nghe:
"Chân Trời Tím là một nơi mà mình đặt tất cả những ước mơ của mình ở đó, và mình ráng tìm đủ mọi cách để đến đó. Chân Trời Tím của chúng mình bây giờ là xứ Úc ở tận chân trời xa tắp, ở đó có tự do, có hạnh phúc. Anh sẽ tìm ghe vượt biên để đưa em đến đó, mình sẽ sống một cuộc đời đáng sống . . . nghe em."
Lần vượt biên đầu tiên của cả gia đình, chung tôi cùng thì thầm với nhau: "Đi tìm . . . Chân Trời Tím". Tôi đi theo ghe chở hàng từ Saigòn xuống Rạch Giá để giao hàng, trên đường về, ghe sẽ không chở hàng mà chạy từ từ kiếm bãi đáp. Ghé Cần Thơ, rồi Vĩnh Long . . . không có chỗ nào an toàn cả.
May phước chúng tôi tìm được bãi ở vùng Trà Vinh. Một người trong đám chúng tôi vọt Honda gấp về Saigòn báo tin để cả đám đổ xuống bãi. Khi đám người đang sửa soạn vào bến thì có đám Công an kinh tế đến hỏi giấy tờ ghe, chúng tôi một mặt trình giấy, mặt khác đưa người báo tin gấp ngưng đổ bộ.
Lần vượt biên thứ hai, tôi để vợ con đi trước, mình trở về coi nhà để tránh dòm ngó, cũng không xong.
Lần thứ ba, vợ chồng bàn nhau:
"Để anh đi trước, em với con ở nhà chờ đi chuyến sau. Nếu anh tìm được Chân Trời Tím, anh sẽ lo sửa soạn mọi thứ bảo lãnh em và con qua.
May mắn thay, tôi vượt biên trót lọt, chỉ bốn ngày sau là tới đảo Pulau Tangah ở Mã Lai, và may mắn hơn nữa, một tháng sau là tôi đã bình yên định cư ở Melbourne rồi.
Tôi mượn tiền xã hội trước của của Enterprise Hostel đánh điện tín về cho cha mẹ vợ con:
"Đã tìm ra Chân Trời Tím, sẽ làm thủ tục đi đường cho em và con."
Tôi vừa mới nộp đơn cho Bộ Di Trú Úc, giấy tờ chưa ráo mực thì vợ tôi đã bồng con đi chuyến sau và tới đảo Bidong an toàn. Tôi nhận được tin, đang lo làm đơn bảo lãnh mới thì vợ con tôi đã tới Melbourne rồi.
Hai vợ chồng tôi hì hục đi làm kiếm sống. Kiếm được ít tiền dư, tôi nghỉ làm trở lại trường đi học, vợ tôi gồng mình đi làm factory nuôi chồng nuôi con. Đến khi tôi ra trường, tìm được việc làm rồi thì tới phiên tôi đi làm để vợ đi học. Tôi làm việc tới tấp, có khi tôi làm ba jobs trong một ngày, chỉ ngủ có vài tiếng đồng hồ mà thôi.
Khi cơn bĩ cực qua đi, vợ chồng tôi đủ tiền đặt cọc và mượn tiền mua căn nhà đầu tiên. Ngày cầm chìa khoá đi nhận nhà, tôi lại nói với vợ tôi:
“Đây là . . . căn nhà mầu tím, ở nơi chân trời tím mà anh đã hứa đưa em tới đó.”
Vợ tôi ngắm căn nhà một hồi rồi nói:
“Không được đâu . . . nhà mà sơn mầu tím, nó . . . kỳ lắm, như vầy là đẹp rồi.”
Đồ đạc trong nhà chúng tôi . . . chẳng có gì hết, đi từ đằng trước ra đằng sau, nhắm mắt đi cũng không đụng phải cái bàn cái ghế nào hết. Vợ tôi vừa xếp đồ vào trong nhà vừa tự hát:
“Anh chắc em mơ về nơi chân trời tím.
Nghe đáy tim mơ ước khi ta tròn đôi
Xin yêu ái muôn đời không lẻ loi
như sắc mây chân trời tím chiều rơi.”
Hát đã, vợ tôi suy nghĩ một hồi rồi chợt hỏi tôi:
“Anh ơi . . . Chân Trời Tím nó . . . ở chỗ nào hả anh?”
Tôi vui vẻ trả lời:
“Đây này. Chân Trời Tím là nơi mình đang đứng đây này. Có phải là từ hồi đến Úc tới giờ, em mơ mua được một căn nhà ưng ý hay không? Bây giờ em đang đứng trong ngôi nhà mà em thích đó. Em đã đạt được niềm mơ ước của em, tức là em đã đến nơn Chân Trời Tím mà em mong ước đó, đúng không em?”
Vợ tôi ngập ngừng một hồi rồi mới nói:
“Cũng đúng, nhưng mà em chưa thấy . . . Chân Trời Tím . . .Em muốn nói chân trời tím thật sự kìa.”
Trước mắt của vợ tôi bây giờ, chắc là bà ấy chỉ thấy một chân trời . . . xám ngắt chứ không phải là tím như trong mơ ước. Tôi nhìn quanh căn phòng, cũng chỉ thấy mấy bức tường trắng xoá, chứ chẳng thấy một mảng nào của chân trời tím cả.
Tôi vừa thở vừa . . . hứa tiếp với vợ:
“Anh . . . sẽ tìm ra chân trời tím thật sự và anh . . . sẽ đưa em tới đó.”
. . .
Ba chục năm trôi qua rồi, tôi vẫn chưa tìm ra cái mà tôi gọi là chân trời tím để đưa vợ tôi tới cả. Tôi đành nói với vợ:
“Chân trời tím nó chỉ là . . . tưởng tượng thôi em à. Thôi thì . . . cứ nơi nào em ước mơ và đạt được ước mơ đó, thì nơi đó là chân trời tím đó . . .”
Ngày lại ngày trôi qua . . . Bất chợt, một hôm tôi nhận được email của một người bạn ở bên Mỹ. Trong đó có những tấm hình chụp một hàng cây Jacaranda - Phượng Tím thật là đẹp. Ông bạn giải thích những tấm hình này là: “Cảnh đẹp bên Úc.”
Tôi ngắm những tấm hình, những hàng cây nối dài với nhau thành một chuỗi mầu tím tới tận chân trời, thật là đẹp. Tôi đem cái laptop đến khoe vợ:
“Em ơi . . . em coi nè, những cây hoa Jacaranda nở hoa mầu tím đẹp ghê đi . . .”
Vợ tôi đón lấy cái máy, vừa ngắm hình vừa khen:
“Hình đẹp quá há anh! Bông nở tím cả một bầu trời . . . giống như . . .”
Hai vợ chồng tôi không hẹn mà cùng nói một lượt: “. . . CHÂN TRỜI TÍM . .. ”
Đúng! Đây mới là chân trời tím mà chúng tôi đã ước mơ, đã đi tìm từ hồi đó tới giờ.
Nhưng chân trời tím này ở đâu?
Người bạn gởi hình cho tôi, ngoài câu chú thích “Cảnh đẹp bên Úc” đã không ghi thêm bất cứ câu nào cho biết xuất xứ của những cây hoa tím này cả. Tôi sinh sống ở tại xứ Úc này đã hơn ba chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ được nghe nói tới nơi nào có cảnh đẹp cứ như là chân trời tím này cả. Không lẽ lại hỏi người bạn để biết tấm hình này chụp ở đâu? Mà có hỏi, cũng chưa chắc là anh ta đã biết, vì anh cũng chỉ là người nhận được hình rồi chuyển cho người khác xem mà thôi.
Hễ có thời giờ rảnh là tôi vào internet tìm tòi cái . . . chân trời tím này. Tìm mãi, tìm mãi, cuối cùng, tôi mới kiếm ra được nơi chụp những tấm hình này:
Đó là thành phố Grafton của Tiểu bang New South Wales, Úc Đại Lợi.
Mỗi năm, vào mùa hoa nở, thành phố Grafton có tổ chức Mùa Hội Hoa Phương Tím – Jacaranda Festival, từ cuối Tháng Mười cho đến đầu Tháng Mười Một.
May quá, bây giờ mới là Tháng Tư, tôi vội vàng tìm cách đến thành phố này và đặt cọc khách sạn cho ngày nghỉ đi tìm Chân Trời Tím để đưa vợ tới nơi đúng theo lời hứa khi làm đám cưới.
Tôi vui vì đã tìm ra chân trời tím, vợ tôi còn vui hơn cả tôi nữa, vì sẽ được đưa tới nơi chân trời tím, nơi chúng tôi có thể kết mây xây lâu đài tình ái. Suốt ngày bà ngồi gọi điện thoại cho bạn bè, cho anh chị em, để khoe là mình đã tìm ra chân trời tím và sẽ tới chân trời tím này. Chắc là trên thế giới này cũng có nhiều người ước mơ chân trời tím lắm, nên đã có rất nhiều người chịu nghe vợ tôi kể chuyện và cùng phụ với vợ tôi tìm cách đến nơi này, trong số đó, có vợ chồng người chị của vợ tôi. Bà chị vợ không quản ngại gọi điện thoại hết hãng hàng không này tới hãng máy bay khác, hết hotel này tới hotel kia để tìm phương tiện nào nhanh nhất, nơi trú ngụ nào giá hạ mà lại sang trọng đẹp đẽ và đủ tiện nghi nhất. Cuối cùng, bà cho chúng tôi biết:
“Muốn đến Grafton, phải đi máy bay từ Melbourne tới Sydney, rồi từ Sydney bay tới Coffs Habour, rồi từ đây mới mướn xe chạy khoảng 80 cây số nữa mới tới Grafton (có may bay bay thẳng từ Melbourne tới Coffs Habour, nhưng chỉ bay cuối tuần mà thôi).
Máy bay thì còn chỗ, nhưng hotel thì . . . người ta đặt hết trơn rồi.”
Bây giờ mới là Tháng Tư thôi, mà người ta nào đã đặt kín hết cả hotel rồi?
Tôi ngạc nhiên quá, không ngờ rằng, chẳng phải chỉ có một mình vợ chồng tôi mơ tới chân trời tím, mà có rất nhiều, rất nhiều người đã có cùng ước mơ giống như chúng tôi. Tôi cố gắng gọi điện thoại một lần nữa cho chắc ăn. Một nhân viên của khách sạn cho tôi hay:
“Hội Hoa PhượngTím ở Grafton nổi tiếng khắp thế giới, nên du khách từ khắp nơi đổ về nơi này để xem Hoa Phượng và buổi diễn hành của mùa hoa nở. Do đó, mặc dù hội chợ tới tháng Mười mới có, nhưng đến Tháng Tư you mới tìm phòng thì trễ lắm rồi, hotel của chúng tôi đã được du khách đặt cọc trước hết rồi. Hay là, you hãy thử tìm chỗ ở các . . . Caravan Park xem sao? May ra họ còn chỗ đó, nhưng mà phải lẹ lên.”
Tôi là lính, ngủ bờ ngủ bụi đã quen, nếu như ở Grafton chỉ còn một miếng đất cắm lều cũng là tốt phước cho tôi lắm rồi. Vợ tôi cũng quen đi cắm trại ngủ lều, chắc là . . "No Star Where". May quá, chúng tôi mướn được hai phòng ngủ, gọi là cabin, ở Clarence Valley Caravan Park.
Trong khi chờ đợi tới ngày đi, tôi bỏ công tìm tài liệu về Chân Trời Tím Grafton và cây hoa Phượng Tím nổi tiếng.
Jacaranda (dʒækəˈrændə) có tới 49 loại khác nhau (sp Jacaranda Mimosifolia), có chiều cao từ 5m cho tới 30m, tàn vươn rộng hơn 30m và có thể sống lâu tới 200 năm, xuất xứ từ những vùng nhiệt đới của miền Trung Phi và Nam Phi Châu và nhất là ở những xứ vùng Nam Mỹ, như Brazil, Argentina.
Thành phố Pretoria ở Nam Phi còn được gọi là “Thành Phố Của Hoa Phượng Tím” với những hàng cây phượng trồng dọc theo những con đường trong thành phố. Vào mùa Hè, hoa nở đầy đường và nơi các trường đại học, nên trong giới sinh viên đã có lời đồn là: Vào mùa thi, nếu thí sinh nào được hoa phượng tím rơi dính vào tóc, người đó coi như là đã được chấm đậu. Sau đó, hoa Phượng Tím lan tràn đến Australia. Vì Jacaranda được trồng nhiều ở Grafton, nên nhiều người đã tưởng rằng Jacaranda xuất xứ từ Úc.
Thành phố Grafton, ở về hướng Bắc, cách xa Sydney (Tiểu bang New South Wales) khoảng 630 km và 340 km về hướng Nam của Brisbane (Tiểu bang Queensland) Vùng đất này được khám phá bởi một tù nhân người Anh tên là Richard Craig, vào năm 1831. Sau đó, ông được tha bổng và tặng thêm một trăm bảng Anh (One Hundred pounds) để đem người đến khai phá vùng đất hoang vu này (Úc là thuộc địa của Vương Quốc Anh. Vào những năm 1800, khi mới khám phá ra hoang đảo rộng lớn này, chính phủ Anh đem những tù nhân của họ tới giam cầm tại đây để bắt họ khai khẩn thuộc địa mới).
Đến năm 1851, Toàn Quyền FotzRoy đã chính thức đặt tên thị trấn (Town) này là Grafton (phỏng theo Tước Vị của ông nội của ông là “The Duke Of Grafton” là Cựu Thủ Tướng của Hoàng Gia Anh). Vào ngày 02- 07- 1879, một cư dân chuyên môn buôn hạt giống tên là H. A. Volkers, đã được trúng thầu trồng cây Jacacanda cho thị trấn, và với vẻ đẹp của loài hoa Tím này, vào năm 1885, thị trấn đã được mang danh hiệu là Thành Phố (City of Grafton). Cho đến nay, hơn 6,500 cây Jacaranda đã được trồng khắp nơi trong thành phố Grafton. Thân cây Jacaranda được dùng để nhuộm vài, làm thuốc và làm giấy.
Dân cư trong thành phố sống về nghề đốn cây, chăn nuôi, đánh cá và phục vụ du khách đến Grafton ngắm hoa Phượng Tím. Vào năm 1934, do số lượng du khách gia tăng đáng kể, Hội Đồng Thành Phố Grafton đã họp và quyết định phải làm một cái gì đó để vừa giúp vui cho du khách đến xem hoa, vừa hỗ trợ cho việc buôn bán của cư dân. Kết quả là một hội chợ được đặt tên là Jacaranda Festival sẽ được tổ chức mổi năm vào cuối tháng Mưới.
Hội chợ sẽ gồm những trò chơi trên sông Clarence, chạy đua, ca nhạc trên sân khấu lộ thiên, các quán ăn ngay trong công viên thành phố và quan trọng nhất là một buổi diễn hành vào ngày bế mạc hội chợ. Để có tiền trang trải cho hội chợ, tất cả các thành viên trong Hội Đồng Thành Phố, các thương gia và cư dân sẽ cùng nhau tổ chức những buổi gây quỹ. Ai gây quỹ được nhiều nhất sẽ được bầu làm Queen, King hoặc Princess và Prince.
Từ khi có Hội Mùa Hoa Phượng Tím, Grafton đã được vào danh sách những địa điểm du lịch của Úc. Thành phố này còn được nổi tiếng hơn nữa nhờ bản nhạc “Flame Trees” mà ca sĩ và ban nhạc Cold Chisel đã trình diễn trong băng nhạc “Twentieth Century) của họ vào năm 1984. Bản nhạc này do hai nhạc sĩ Steve Prestwich và Don Walker viết chung với nhau và đã lên tới hạng thứ 26 trong bảng xếp hạng Nhạc Hay của Úc. Bản nhạc tả lại câu chuyện của một thanh niên đi xa trở về thành phố cũ tìm lại những người bạn và người yêu cũ của mình. Theo tài liệu của Nha Thống Kê (ABS), vào thời điểm 2006, dân số của Grafton là 17,501 người. (phỏng theo tài liệu của Wikipedia, the free encyclopedia và Jacaranda Festival).
Chúng tôi đến Grafton vào buổi chiều Thứ Bẩy, thành phố dã khai mạc Mùa Hoa Phương Tím kỳ thứ 78 vào hôm Thứ Năm rồi. Việc đầu tiên mà tôi làm là lái xe đến ngay con đường Pound và Tuff ở trung tâm thành phố, là nơi trồng nhiều cây Jacaranda nhất.
Vừa tới nơi, không hẹn nhau mà cả bọn chúng tôi cùng kêu lên:
“OH! Đẹp Quá!”
Đẹp lắm bạn ạ, Suốt con đường dài hơn 4 km, hoa Phượng Tím trồng dọc hai bên đường nở đầy những hoa, nhìn từ đầu đường tới cuối đường, mút con mắt, toàn là một mầu tím thẫm, tuyệt đẹp. Những cây Phượng có gốc thật là to, ít ra cũng khoảng 100 năm (ở nhà tôi cũng có trồng một cây, đã hơn 17 năm mà thân cây đường kính chỉ chừng 45 cm, những thân cây ở đây vào khoảng 1.5 tới 2m) với tàn vươn dài ra tới giữa đường, để hai hàng cây kết lại với nhau như cổng chào đón mừng du khách từ phương xa. Hoa Phượng Tím không những ở trên cây, mà còn rụng đầy trên thảm có xanh, tạo ra một tấm thảm Tím thật là tuyệt vời mà không ở đâu có được.
Vợ tôi say mê nhìn những hàng cây Phượng Tím chạy xa tít tận chân trời rồi quay lại nói với tôi:
“Đây mới đúng là Chân Trời Tím đó anh!”
Tôi ca liền một câu cải lương:
“Anh đã hứa đưa em tới nơi Chân Trời Tím, thì chắc chắn có xa xôi cách mấy, có khó khăn cách mấy, anh cũng sẽ đưa em tới mà.”
Đứng một chỗ ngắm hoa đã mắt rồi, chúng tôi lại leo lên xe đi. Suốt con đường Tuff dài hun hút những hàng cây Jacaranda được trồng hai bên đường, cây nào cũng thật là to một người ôm không hết, vươn tàn cây ra tới tận giữa đường, đan vào nhau tạo thành một thứ cổng chào thiên nhiên thật là đẹp.
Mỗi khi thấy có cảnh đẹp, chúng tôi lại ngừng xe bên lề đường để chụp hình. Nhưng chụp hình từ bên lề đường thì làm sao có thể chụp được hai tàng cây giao nhau? Do đó, chúng tôi đứng chờ bên lề đường, khi nào không có xe là chạy ào ra giữa đường để chụp hình và quay phim, đến khi có xe là lại chạy vội vào lề đường.
Không phải chỉ có một mình chúng tôi ham chụp hình đâu. Cả một dọc xe đang đậu ở phía sau chúng tôi đó, nào là tóc đen tóc vàng, nào là ông già bà cả, nào là từng cặp từng đôi, ai cũng vội vã chụp hình chạy tới chạy lui, vui lắm (sau này, khi tiếp xúc với dân địa phương, họ cho tôi hay, năm nào cũng vậy, du khách đứng đủ mọi nơi mọi chỗ mà chụp hình, họ quen rồi, nên khi chạy xe, họ không chạy nhanh, để du khách có thì giờ mà chụp hình, và họ gọi những du khách này là . . . Crazy Tourists).
Lấy phòng xong rồi, chúng tôi lại vội vã chạy trở ra trung tâm thành phố để xem diễn hành (Festival Parade).
Mở đầu đoàn diễn hành là hàng loạt xe hơi của thời xa xưa, từ năm 1912 cho tới 1953. Tôi thật là ngạc nhiên khi thấy những chiếc xe được chế tạo hơn 100 năm rồi mà vẫn chạy trên đường thật là ngon lành, nước sơn vẫn còn bóng loáng.
Xướng ngôn viên giới thiệu từng chiếc xe và chủ xe, họ từ những nơi xa xôi như New York, Detroit, Adelaide, Melbourne, Perth . . . lặn lội tới tận đây để cho mọi người ngắm xe của mình. Từ loại xe Phantom cho tới Ford, thật là đẹp mắt.
Hấp dẫn nhất là xe chở Nữ Hoàng Mùa Hoa Phương Tím năm 2012. Mỗi năm, cư dân của Grafton sẽ chọn lựa ba Nữ Hoàng: Nữ Hoàng Hoa Phượng Tím (Jacaranda Queen), Công Chúa Hoa Phượng Tím (Jacaranda Princess) và Công Chúa Hoa Phượng Tím Mùa Du Lịch (Jacaranda Holiday Princess).
Nữ Hoàng và Công Chúa được bầu không theo tiêu chuẩn sắc đẹp mà theo tiêu chuẩn các thí sinh đã quyên góp được bao nhiêu tiền cho buổi hội chợ mùa hoa phượng. Năm nay, cô Sara Filewood được bầu là Nữ Hoàng, cô Jenna Atherton đuợc bầu là Công Chúa, và cô Sharni Rouse được chọn là Công Chúa của Mùa Du Lịch 2012.
Tổng số tiền các cô quyên được năm nay là $50,000, được dùng cho việc tổ chức hội Hoa Phượng năm 2013.
Nữ Hoàng Sara Filewood mặc áo dạ hội trắng, đội Vương Miện mầu tím viền trắng, đứng giữa. Bên tay trái là Công chúa Jenna Atherton đội Kim miện trắng. Bên tay phải là Công Chúa Mùa Du Lịch Sharni Rouse.
Tiếp theo xe của Nữ Hoàng là xe hoa của các trường học, các hội đoàn và những thương nghiệp trong vùng. Dame Edna (giả) cũng có mặt để dẫn đầu đoàn diễn hành, nghệ sĩ này vừa đi vừa kể những câu chuyện vui, nhưng bị át giọng bởi đoàn đoàn xe lửa xuyên Tiểu bang chạy rầm rầm trên cầu. Tiếp theo đó là ban kèn túi hơi Ái Nhĩ Lan của thành phố, với những nghệ sĩ từ 5 tuổi cho tới 70 tuổi vừa đi vừa thổi kèn thật là vui nhộn. Ban kèn hơi phùng má thổi kèn để phụ cho ban vũ Ballet với những vũ công tí hon ẻo lả thật không thua gì những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Sau đó, nào là đội xe đạp BMX, đội thuyền rồng và ngay cả RSL chi nhánh Grafton cùng với tiểu đội cadet cũng góp mặt trong buổi diễn hành, làm cho không khí của mùa Hội Hoa Phượng Tím thật là sống động và vui nhộn.
Dame Edna và đoàn xe lửa nhấn kèn khai mạc cuộc diễn hành
Các diễn viên tí hon của đoàn vũ ballet của Thành Phố Grafton đang ngồi trên xe hoa.
Buổi diễn hành diễn ra gần một tiếng đồng hồ, đoàn diễn hành đi vòng quanh khu đường chính của thành phố. Xem diễn hành xong, chúng tôi lại lái xe đi trở lại bốn con đường chính có trồng rất nhiều hoa Phượng Tím, đó là những con đường Pound, Tuff, Maria và Princess. . . để tiếp tục ngắm hoa.
Có thể nói là Jacaranda được trồng ở khắp mọi nơi, mọi chốn của thành phố Grafton: Trước cửa Tòa Thị Sảnh, Nhà Thờ, Trạm Cảnh Sát, Bệnh Viện . . . chỗ nào cũng toàn là Phượng Tím.
Chúng tôi ngắm hoa Phượng không chán mắt, càng ngắm càng thấy đẹp. Tuỳ theo ánh nắng, mỗi giờ hoa phượng lại có một mầu tím khác nhau, từ tím rực rỡ tới tím hoa sim, tím Huế, tím mùa thu và tím . . . ngắt.
Nhà Thờ Christ Church Cathedral được khánh thành vào ngày 25-07-1874, một trong những địa điểu thu hút du khách của Grafton.
Đi bộ dưới những tàn cây, vừa ngắm hoa, vừa ngửi hương thơm của Phượng Tím. Mùi thơm này giống như mùi thơm của hoa Lavender nhưng nhẹ nhàng hơn, làm cho bạn cảm thấy dễ chịu và khoan khoái trong người (tôi có hỏi chuyện một dân địa phương, ông ta đã quen với hương thơm của hoa, nên . . . không còn ngửi thấy mùi thơm này nữa. Nhưng khi ông ta đi du lịch ra khỏi vùng đang ở thì mới cảm thấy . . . thiếu cái mùi hương đặc biệt của Hoa Phượng Tím).
Tôi thích nhất là đi dưới tàn cây Phượng Tím vào buổi sáng sớm dưới bầu không khí thật là trong lành, nhưng mầu tím của hoa lại chưa nổi bật lên. Vợ tôi thì lại thích đi dạo duới tàng cây hoa Phượng Tím vào buổi sáng xế trưa, khoảng từ 10 giờ tới 11 giờ, vì lúc đó, nắng chiếu vào hoa, làm nổi bật mầu Tím của Hoa Phượng mà không có một loài hoa nào có thể có cái mầu sắc Tím đặc biệt này.
Vợ tôi đi vòng vòng ngắm hoa, lúc nào mỏi chân thì đứng lại ngắm hoa, hết đứng rồi lại ngồi xuống ghế gỗ mà ngắm hoa tím:
"Hoa Phượng Tìm đẹp quá . . . Chân Trời tím đẹp quá . . . cứ như là ở trong mơ ấy thôi . . . Em cứ muốn ở đây ngắm hoa mãi . . . không muốn về nữa . . ."
Tôi đã thực hiện lời hứa của tôi, đã tìm ra Chân Trời Tím và đưa vợ tôi tới thăm Chân Trời Tím.
Các bạn của tôi ơi, bạn có hứa đưa ai về nơi . . . Chân Trời Tím hay không?
Nếu có, thì tôi đã ghi địa danh và địa chỉ của vùng Grafton cho bạn rồi đó,
Hãy đưa người yêu, người tình, người vợ thân mến của mình đi thăm Chân Trời Tím đi nhé.
Chúc bạn có một mùa Hoa Phượng Tím tuyệt vời, một mùa holiday vui vẻ.
Anh hứa đưa em về nơi chân trời tím.
Nghe gió êm qua trái tim từng hoàng hôn
Anh chỉ muốn duyên tình hai chúng ta
Như ánh sao cao vút cao xa trần gian.
(Trần Thiện Thanh.)
NGUYỄN KHẮP NƠI
No comments:
Post a Comment