Monday, October 3, 2016

Người đẹp Sài Gòn xưa: Chiếc Solex và tà áo dài

SG-Solex00
Xin mượn tạm danh hiệu ‘Người đẹp Bình Dương’ của nữ minh tinh một thời nổi tiếng, Thẩm Thúy Hằng, để đặt tên cho đoạn viết này về Người Đẹp Sài Gòn. Theo nhận định có phần chủ quan của tôi, những người đẹp Sài Gòn vào thời 60s có những nét đẹp mà các cô gái ngày nay không thể nào sánh bằng. Hãy tưởng tượng một hình ảnh người đẹp Sài Gòn qua thơ Nguyên Sa mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Áo dài may từ lụa Hà Đông thướt tha, mềm mại. Đẹp nhất là cảnh những cô gái mặc áo dài đi trên chiếc xe Velo Solex, loại xe của Pháp có gắn động cơ phía trước. Tưởng cũng nên có đôi dòng về chiếc Solex của thời Sài Gòn những năm 1960. Đi Solex là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo léo vì phía đầu xe rất nặng. Ấy thế mà những cô gái Sài Gòn vẫn tha thướt trên chiếc Solex trước những cặp mắt mê mẩn của cánh đàn ông.
Người đẹp & Velo Solex
Người đẹp & Velo Solex
Vào những năm đầu thập niên 60, hình ảnh những nữ sinh ngồi trên chiếc xe Solex đen bóng có lẽ vẫn luôn là những ấn tượng không thể nào quên của một thế hệ thanh niên thời đó. Solex cũng là biểu hiện của sự sang trọng vì nữ sinh có xe solex thường thuộc con nhà khá giả. Nói chung, Solex là sự duyên dáng, phô trương kín đáo của người phụ nữ Việt Nam với chiếc áo dài mà vạt sau được gài trên yên xe, không che kín toàn vẹn.
Nữ sinh Sài Gòn với chiếc Velo Solex bên phải và chiếc Mobylette bên trái
Nữ sinh Sài Gòn với chiếc Velo Solex bên phải và chiếc Mobylette bên trái
Thật gợi cảm khi hai chân cô nữ sinh khép nép đặt trên chỗ để chân nằm chính giữa thân xe Solex. Dáng ngồi thẳng lưng, hai cánh tay duỗi dài đến tận guidon và phía sau là vạt áo dài tung bay theo gió. Ngoài giới nữ sinh trung học, hình như các giới nữ khác ít dùng đến loại xe gắn máy này.
Có điều lạ, cũng là xe gắn máy, nhưng nhìn một cô gái ngồi trên chiếc Solex thấy rõ sự khác biệt với cô gái ngồi trên chiếc Mobylette. Hình như có đôi nét thanh tao, duyên dáng ở Solex mà ở Mobylette thì dứt khoát không có. Cũng vì lý do đó mà Sài Gòn thời ấy phụ nữ ít đi xe Mobylette.
Solex trên đường phố Sài Gòn
Solex trên đường phố Sài Gòn
Đối với tôi, không cần nhìn mặt mũi, chẳng cần chiêm ngưỡng dung nhan của người ngồi trên xe. Chỉ cần nhìn thoáng qua hình ảnh người con gái mặc chiếc áo dài màu rêu đá, chiếc quần satin đen, bộ ngực căng phồng lướt gió và mái tóc tung bay theo tà áo… cũng đủ cho những chàng trai si tình như tôi cảm thấy trái tim mình rung động.
Nếu người Nhật có kimono, người Hàn có hanbok thì chắc chắn người Việt Nam có áo dài để hãnh diện. Từ thập niên 1930, họa sĩ Cát Tường (còn có tên Tây là Le Mur, bức tường!) đã thực hiện một cuộc cách tân quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt, trước và sau. Đó là một bước cải tiến quan trọng của chiếc áo dài ngày nay với các kiểu cách phong phú trong việc chiết eo và trong cả khoét cổ. Thôi thì đủ kiểu: cổ thuyền, cổ lá sen, cổ cao, cổ trái tim, phỏng theo áo đầm dạ hội của Pháp.
Áo dài, nón lá trên chiếc Solex
Áo dài, nón lá trên chiếc Solex
Sang đến thập niên 1960, nhà may Dung ở Dakao đưa ra một kiểu may áo dài mới với cách ráp tay ‘raglan’ để hóa giải những nếp nhăn thường xuất hiện hai bên nách áo. Với cách ráp tay này, áo ôm sít thân hình người mặc từ dưới nách đến eo và chiếc áo dài tăng thêm tính thẩm mỹ khi phô bày những đường cong của phụ nữ.
Tiếp đến thời kỳ ‘mini-raglan’, với tà áo dài rút ngắn lại giống như trào lưu mini-jupe của các cô gái Sài Gòn. Phiên bản này được áp dụng rộng rãi cho nữ sinh, mang đậm chất hồn nhiên và ngổ ngáo của tuổi trẻ. Tà áo được xẻ hơi cao ở hai bên, hở lườn tí xíu để vừa đủ… gợi cảm. Có người đã thi vị hóa đó là ‘tam giác gợi cảm’ trên chiếc áo dài Việt Nam và người phương Tây khen là ‘gợi cảm trong sự kín đáo, trang nhã’.
Tà áo dài và ‘tam giác gợi cảm’
Tà áo dài và ‘tam giác gợi cảm’
Người ta kể lại câu chuyện một anh lính Mỹ bị mê hoặc bởi chiếc áo dài Việt Nam nên cũng đặt may một chiếc rồi gửi về nhà cho vợ. Cô vợ cũng thích chiếc áo dài nên mặc đi dự dạ hội rồi chụp ảnh gửi cho chồng. Anh chồng tá hỏa khi nhìn hình: vợ anh quá sexy trong chiếc áo dài mà anh quên đặt may chiếc quần đi kèm với áo!
Chiếc quần để mặc với áo dài cũng qua nhiều cải tiến, từ kiểu cẳng què qua đáy giữa, lưng từ to bản luồn giải rút đổi sang lưng nhỏ luồn dây thun rồi đổi qua gài nút bấm, và sau cùng là khóa kéo (fermature) kiểu Tây phương. Trong khi đó, ống quần cũng theo thời, theo mode: khi thì ‘chân voi’ lúc lại ‘ống túm’.
Người Sài Gòn vẫn còn nhớ bà cố vấn Ngô Ðình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân, phu nhân bào đệ cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Ngày 6/12/1958, trong dịp khai mạc Triển lãm Nữ công tại Cô Nhi Viện Nữ vương Hòa Bình, bà Nhu xuất hiện với kiểu áo dài không cổ (còn gọi là décolleté), tay ngắn, tóc bới cao. Thế là một số các bà các cô trong Hội Phụ nữ Liên đới đua nhau đi may áo dài theo ‘kiểu bà Nhu’. Từ đó, các kiểu áo dài càng phong phú với đủ các mốt, từ cổ thuyền, cổ vuông đến cổ tròn, cổ trái tim…
Bà Ngô Đình Nhu và con gái Lệ Thủy
Bà Ngô Đình Nhu và con gái Lệ Thủy
Cuối thập niên 60, nhà may Thanh Khánh ở Dakao đưa ra những mẫu hàng thêu hoa lá cành để may áo dài. Kế đến, tiệm Saigon Souvenirs khu Thương xá Tax Sài Gòn lăng xê những mẫu hàng vừa vẽ vừa thêu trên lụa rất quý phái, lịch sự. Ba nhà may nổi tiếng tại Sài Gòn trước 75 hiện đã chạy ra nước ngoài làm ăn: nhà may Thanh Khánh mở tại Paris, nhà may Dung Dakao và nhà may Thiết Lập Pasteur mở tại Mỹ.
Một đặc điểm ít người để ý đến là mỗi chiếc áo dài chỉ may riêng cho chủ nhân của nó và phải trải qua giai đoạn thử áo để chỉnh sửa trước khi hoàn chỉnh. Mặc áo dài của người khác thế nào cũng lộ ra những chi tiết không chính xác về ni tấc của vòng ngực, vòng eo. Áo dài cũng kén người mặc. Ốm quá hay mập quá khi mặc áo dài đều ‘thất bại’ vì áo càng ôm càng… phản chủ!
Người đọc có lẽ cũng thắc mắc không hiểu tại sao tôi lại viết nhiều về áo dài? Số là tôi có thời gian ở nhà bà cô số 158 đường Cống Quỳnh (đường D’Arass cũ), đối diện với trường Hưng Đạo của Giáo sư Nguyễn Văn Phú. Căn nhà này hồi đó treo bảng hiệu Đức Thành, chuyên sửa máy may, nhưng cũng là nơi bà cô chuyên may áo dài. Khách đến may đều là khách quen, thuộc đủ mọi thành phần xã hội, nên ngày một đông dù tiệm không chưng bảng hiệu! Chuyện ‘thâm cung bí sử’ của áo dài cũng xuất phát từ đây.
Ngay từ thời thanh niên tôi đã có cái thú… lẽo đẽo theo các cô. Nhất là những cô ăn mặc hợp với ‘gout’ của mình: áo dài chiết eo làm căng phồng bộ ngực hoặc chiếc mini jupe cao quá đầu gối để lộ cặp chân, cặp đùi nõn nà mời gọi. Cứ lẽo đẽo theo mà chẳng nói một lời, y như một ‘mối tình câm’! Nếu người đẹp dừng bước để ghé vào đâu đó thì đành ‘cắt đuôi’… rồi lại tiếp tục ‘săn lùng’ cô khác. Một cuộc săn lùng người đẹp của cậu trai mới lớn, không phải để tán tỉnh mà chỉ để nhìn ngắm cho thỏa con mắt.
Những tà áo dài thập niên 1960s
Những tà áo dài thập niên 1960s
Tôi cũng khoái những phụ nữ tóc dài, nhưng không phải là mái tóc thề, mà là tóc uốn lọn lớn, xỏa kín bờ vai. Cho đến lúc này, tuổi đã gần 70 mà sở thích cũng vẫn không thay đổi (xin đừng gán cho tôi danh hiệu… ‘Yamaha’ mà tội nghiệp). Bắt gặp một mái tóc xỏa xuống bờ vai tôi có cảm giác như mình bị đắm chìm trong làn suối tóc.
Chỉ đơn thuần một mái tóc đẹp nhìn từ phía sau lưng vì nếu nhìn rõ khuôn mặt có thể người ta sẽ bị… vỡ mộng. Biết bao lần tôi đã gặp cảm giác hụt hẫng đó và cứ tự trách mình tại sao lại tham lam nhìn khuôn mặt để phải thất vọng.
Đối với tôi, mái tóc phụ nữ là quan trọng hơn cả. Người ta thường nói ‘Cái răng, cái tóc là góc con người’, nhưng với riêng tôi, chỉ mái tóc dài thướt tha cũng đủ nói lên vẻ đẹp hấp dẫn của người phụ nữ chứ không cần hàm răng trắng ngọc.
Ngày xưa, những tiệm uốn tóc của các Chú Ba (Tầu) – những hiệu mang tên như Chú Dzìn, Chú Coóng, thậm chí cả tên Chú Lìn (!) – các bà, các cô năng lui tới để làm đẹp. Hình như tên các chú càng xấu thì tay nghề lại càng cao? Không hiểu tại sao người Tầu lại có khiếu làm tóc ngoài năng khiếu lũng đoạn nền kinh tế bằng nghề như mở chành gạo, làm ‘đại lý độc quyền’ lương thực của cả miền Nam?
Hồi đó, trước cửa tiệm uốn tóc thường gắn một cái hộp hình trụ, dài, bên trong là những đường sọc đỏ trắng. Khi cắm điện, các sọc sẽ quay nhờ một moteur nên nhìn từ xa người ta biết ngay là tiệm uốn tóc. Đến 1975, không hiểu tại sao những hộp đèn này lặng lẽ rút lui. Có lẽ vì sợ tốn điện?
Đến năm 2001, có dịp sang Hàn Quốc tôi sững sờ khi gặp lại những hộp đèn tương tự của Sài Gòn ngày nào đang quay tít giữ thủ đô Seoul. Tôi nghĩ, chắc hình thức hộp đèn này đã trở thành một thông lệ quốc tế nên khẳng định với người bạn Hàn Quốc: “Chắc đây phải là tiệm uốn tóc?”.
Anh bạn người xứ Hàn khiến tôi ngạc nhiên với câu trả lời: “Không phải, đây là tiệm massage. Anh có muốn thử không?”. Trời đất! Từ hộp đèn của tiệm uốn tóc ở Sài Gòn sang đến xứ kim chi biến thành nơi cung cấp dịch vụ massage! Một cú sốc văn hóa (cultural shock) không thể nào hiểu nổi!

Nguyễn Ngọc Chính
Nguồn :Hồi Ức Một Đời Người

No comments:

Blog Archive