Thursday, October 20, 2016

 Hillary hay Donald? Người Mỹ gốc Việt bầu cho ai?

Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 118
 


Chỉ còn hơn hai tuần nữa cử tri trên toàn nước Mỹ sẽ tới phòng phiếu để bầu vị tổng thống thứ 45 và một số dân biểu, nghị sĩ thay thế những người mãn nhiệm kỳ.

Trong khi các cuộc tranh cử để trám vào các ghế trống ở Thượng viện và Hạ viện tuy cũng quan trọng vì sẽ quyết định đảng nào, Dân Chủ hay Cộng Hòa, sẽ kiểm soát Quốc Hội trong bốn năm sắp tới, dân Mỹ và giới truyền thông đặc biệt quan tâm theo dõi cuộc chạy đua vào tòa Bạch ốc giữa bà Hillary Clinton (Dân Chủ) và ông Donald Trump (Cộng Hòa) mà một ông nhà báo Mỹ nói rằng hai đảng năm nay đã đưa ra hai ứng cử viên yếu nhất, nhiều nhược điểm nhất của đảng mình để ra tranh cử với nhau.

Về bà Hillary, có lẽ phải cần vài pho sách mới đủ để tường trình hết những chuyện lôi thôi của bà liên quan đến luật pháp, đến gian dối, đến hối mại quyền thế, đến những sai trái khi làm ngoại trưởng, và đến những chuyện tai tiếng của ông chồng Bill với phụ nữ mà bà bị buộc tội là cố tình che giấu, vân vân và vân vân.

Ngay từ năm 1978 khi ông chồng Bill vừa được bầu làm thống đốc tiểu bang Arkansas cũng đã có nhiều chuyện lôi thôi, khởi đầu với chuyện buôn bò. Bà Hillary bỏ ra 1,000 đô đưa cho một tay lái bò (Robert Bone) mua bò kiếm lời theo phương thức “futures trading”, 10 tháng sau giá bò tăng vọt thành 100,000 đô! Vốn 1 lời 100! Vụ này bị tờ New York Times khui ra năm 1994 và coi đây như một vụ hối lộ trá hình vì Robert Bone là một gian thương  làm ăn trong nghề trung gian lái bò đang bị điều tra. Sau vụ “trúng mối” của đệ nhất phu nhân Arkansas, Robert Bone không bị tiểu bang điều tra nữa, nhưng vẫn bị liên bang điều tra và năm 1979 Bone bị phạt tiền và bị cấm  hành nghề.

Vụ này chỉ là “chuyện nhỏ”, ít người biết, nhưng vụ Whitewater thì cả nước Mỹ biết vì khi ông Clinton đắc cử tổng thống và Hillary trở thành đệ nhất phu nhân, dưới áp lực của Quốc Hội Liên bang do đảng Cộng Hòa nắm quyền, công tố viên độc lập đã mở cuộc điều tra, tổng thống và đệ nhất phu nhân cùng những kẻ liên hệ đã bị hạch hỏi suốt hơn năm năm về một vụ hùn hạp mua đất kinh doanh khi ông Clinton còn là thống đốc Arkansas và tổ hợp luật sư của Hillary được giao phó trách nhiệm làm giấy tờ. Đây cũng là một vụ hối mại quyền thế lớn(lợi dụng quyền hành để làm ăn phi pháp) mà kết quả là tất cả những kẻ liên hệ gồm 14 người đều bị truy tố và ngồi tù, trừ hai người nắm vai trò chính: Hillary và Bill Clinton. Lý do: Tất cả hồ sơ nội vụ trong văn phòng của LS Hillary đã “biến mất” một cách bí mật, trong khi những tay chân của Bill và Hillary ra trước tòa đều viện dẫn “Điều 5”, ngậm mồm, không khai điều gì có thể buộc tội chủ, còn Hillary, một luật sư thông thái, đều khai “không nhớ gì cả” về những chuyện đã xảy ra trong vụ Whitewater trước đó vài năm! Trí nhớ yếu kém như vậy nhưng sau đó bà Hillary đã trở thành nghị sĩ tại Thượng Viện Hoa Kỳ, rồi ngoại trưởng, và bây giờ đang tranh cử chức vụ cao nhất nước: tổng thống.

Đảng Dân Chủ hết người rồi hay sao? Nhưng trên đây cũng là những chuyện được đối thủ Donald Trump coi là “chuyện nhỏ”, không thèm khai thác và đã đánh mạnh vào những “tội” mà bà Hillary đã phạm trong mấy năm làm ngoại trưởng mà ông ta nói rằng với bất cứ người nào khác thì đã bị ngồi tù, trong đó có “vụ emails” và “vụ Clinton Foundtion”.

Vụ email là vụ lớn nhất, ồn ào nhất, lộ liễu nhất, và nguy hiểm nhất – cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và cho tham vọng làm tổng thống Hoa Kỳ của bà Clinton. Khi làm ngoại trưỏng, bà Hillary đã tự ý cho lập một hệ thống email riêng tại tư gia dùng cho công vụ để liên lạc với mọi nơi, trong nước và ngoài nước, cả bạn và thù, trong đó có nhiều tài liệu MẬT. Khi vụ này được đưa ra ánh sáng và bị Quốc Hội mở cuộc điều trần, rồi FBI mở cuộc điều tra, bà Hillary đã nói dối quanh, khi thì nói rằng bà không biết làm như vậy là vi luật, khi thì nói rằng chính ông tướng Colin Powell, cựu ngoại trưởng thời ông Bush (con), đã “khuyên” bà nên dùng email riêng cho đến khi bị ông này phản bác, khi thì nói khoảng 30,000 emails bị xóa đi toàn là chuyện gia đình không liên quan gì đến công vụ.

FBI được Bộ Tư Pháp giao cho điều tra nội vụ, cuối cùng cũng xếp hồ sơ, không truy tố trong khi chính giám đốc FBI xác nhận bất cứ nhân viên nào của ông ta mà làm như vậy sẽ không tránh khỏi ngồi tù. Thực tế, đã có nhiều án lệ về chuyện này. Sandy Berger, cố vấn an ninh của TT Clinton, và Tướng Petraeus, cựu giám đốc CIA, đều bị án phạt về tội bất cẩn đem vài tài liệu mật về nhà riêng. Tổng thống Nixon đã phải từ chức chỉ vì xóa 18 phút trong cuốn băng ghi âm tại tòa Bạch ốc liên quan tới vụ Watergate. Những “tội” này so với chuyện xóa bỏ 30,000 emails của cựu ngoại trưởng Hillary thì không nhằm nhò gì. Vụ email của bà Hillary quá lớn để có thể bị cho chìm xuồng như những “chuyện nhỏ” khác. Nó như lưỡi gươm công lý treo lơ lửng trên đầu bà Hillary và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. FBI vừa miễn tố cho bốn phụ tá đặc trách về email của bà Hillary để đổi lấy sự cộng tác của họ trong cuộc điều tra và có thể giúp “khai thông” sự bế tắc đang vấp phải như đã xảy ra trong quá khứ.

Chuyện “Clinton Foundation” cũng không phải là “chuyện nhỏ”.  Quỹ này đã được thành lập từ năm 1997 khi ông Clinton còn làm tổng thống, nhưng chỉ thực sự ... đơm hoa kết trái từ khi bà Hillary ngồi vào ghế ngoại trưởng. Tiền đã vào như nước, hầu hết là đến từ các nước nghèo, chậm tiến, độc tài, tham nhũng. Những emails được tiết lộ gần đây cho thấy những người “cúng” tiền vào Clinton Foundation đã mong đợi được nhận lại những đặc ân từ bà ngoại trưởng Hoa Kỳ theo kiểu “bánh ít đi, bánh quy lại (Quid Pro Quo). Hiện nay Clinton Foundation có hơn 2 tỉ đô trong quỹ mà ông bà Clinton toàn quyền chi tiêu không ai có quyền kiểm soát. Trước những đòi hỏi được đưa ra trong mùa tranh cử về việc đình chỉ hoạt động của Clinton Foundation, ông Bill tỉnh bơ trả lời: “Sau khi vợ tôi đắc cử tổng thống, Clinton Foundation sẽ ngưng hoạt động”. Chấm dứt.

Trong khi đó, ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa, tỷ phú Donald Trump cũng bị nhiều người, trong đó có cả một số đảng viên tên tuổi của Đảng Cộng Hòa, cho là không xứng đáng để ngồi vào tòa Bạch ốc. Ngay từ lúc ông Trump khởi đầu ghi danh tranh cử, nhiều người đã nghĩ rằng ông ta chỉ nạp đơn…cho vui, và sẽ rút lui khi cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng bắt đầu. Thế nhưng, trái với dự đoán của các “nhà quan sát thời cuộc”, ông Trump đã không chém vè và cứ lừng lững đi tới, loại tất cả 15 đối thủ, gồm nhiều khuôn mặt sáng giá của Đảng CH, để được Đại Hội Đảng chính thức đề cử chạy đua vào tòa Bạch ốc.

Trump bị chê chỉ là một doanh thương lo làm ăn kiếm tiền, chưa từng giữ một chức vụ dân cử nào, và ăn nói ẩu tả, thậm chí tâm thần có vấn đề. Nhưng kết quả những cuộc thăm dò dư luận mấy tháng gần đây cho thấy cuộc chạy đua giữa ông ta và đối thủ Hillary đang diễn ra sát nút, như hai con ngựa đua so kè nhau (neck and neck) trước mức đến.

Càng gần mức đến, bà Hillary, với sự hậu thuẫn của giới truyền thông dòng chính tại Mỹ (mainstream media), đang tung toàn lực tấn công đối thủ, hết vụ thuế má mờ ám tới vụ nham nhở với nữ giới, kể cả hiếp dâm.

Về vụ thuế má, bà Clinton tố cáo ông Trump không chịu công bố bản khai thuế lợi tức trong khi bà đã phổ biến tờ khai thuế của mình. Ông Trump trả lời trong cuộc tranh luận thứ nhất: “Bà công bố 30,000 emails bị xóa bỏ đi rồi tôi sẽ phổ biến tờ khai thuế của tôi!”.

Khi tờ New York Times moi được hồ sơ khai thuế mới đây của ông Trump cho thấy ông ta đã được miễn thuế vì khai thua lỗ non một tỉ đô, bà Hillary bèn tố ông tỉ phú đã không đóng thuế để giúp dân nghèo và trẻ em thiếu học trong khi “quên” rằng trong quá khứ chính mình cũng được miễn thuế vì thua lỗ trong vụ Whitewater, y hệt như ông Trump, chỉ khác là số tiền thua lỗ ít hơn. Bà cũng đã “quên” khai để đóng thuế trên số tiền lời trong vụ “buôn bò” trúng mối lớn từ năm 1979 cho đến năm 2008 khi bà ra tranh cử tổng thống lần đầu mới khai ra để đóng thuế (cộng với tiền phạt), vì sợ bị phanh phui? Trường hợp Clinton Foundation cũng như vậy, bà Hillary đã “quên” khai thuế cho đến năm 2015 khi ra tranh cử tổng thống lần thứ hai mới nhớ tới “nghĩa vụ khai thuế”, dù muộn màng. Nếu không ứng cử, bà có nhớ mà khai thuế không?

Vụ “trốn sâu lậu thuế” chưa xong, ông Trump lại bị đối phương thả “quả bom tình dục” bằng những vụ nham nhở với nữ giới trong quá khứ. Và ông Trump, một mặt chối bỏ những lời cáo buộc, mặt khác phản công nhắm vào ông chồng Bill của Hillary với những vụ “quan hệ tìnhb dục bất chính” với nhiều phụ nữ, trong đó có vụ Monica Lewinsky ngay tại Văn phòng Bầu dục tòa Bạch ốc đến nỗi xuýt bị Quốc hội truất quyền tổng thống nếu không nhờ Thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát khi ấy cứu vớt.

Càng gần tới ngày bỏ phiếu (Thứ ba, 8.11.2016), hai ứng cử viên dường như đã bỏ quên những chương trình ích quốc lợi dân để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình và đã dùng toàn lực ném bùn vào nhau, đến nỗi một ký giả của hệ thống truyền hình Fox News Channel đã nói rằng trong 36 năm làm báo, ông ta chưa bao giờ thấy những vận động dưới hình thức quảng cáo trên TV thấp kém như năm nay.

Theo nhận định khách quan của nhiều người, Hillary Clinton hay Donald Trump, ai là người sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 thì cũng là một tổng thống ít được kính trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Người Mỹ gốc Việt với số phiếu khiêm tốn hơn một triệu sẽ bầu cho ai và có ảnh hưởng gì tới kết quả cuộc tranh cử gay gắt đang diễn ra không? Nhiều người nghĩ rằng không ảnh hưởng gì vì hai lý do: người gốc Việt ít đi bầu, và lá phiếu bị phân tán, không như dân gốc Phi (châu) hay gốc Trung, Nam Mỹ thường dồn phiếu cho Đảng Dân Chủ vì quan niệm (sai lầm) rằng Đảng Dân Chủ là “đảng của dân nghèo”, lo cho dân nghèo...ăn trợ cấp xã hội. Những năm đầu người Việt tị nạn có quan niệm rằng Đảng Cộng Hòa chống cộng nên dồn phiếu cho ứng cử viên Cộng Hòa. Những năm sau này lá phiếu của dân Mỹ gốc Việt bị phân tán, một phần vì cũng bị ảnh hưởng của người Mỹ gốc Phi?

Dù sao, “chúng ta” cũng nên đi bầu, nhất là tại những nơi có cộng đồng người Việt đông đảo, và tại những tiểu bang “xôi đậu”, xanh (DC) đỏ (CH) ngang nhau, vài trăm phiếu của chúng ta sẽ đóng vai trò quyết định. Do thể thức bầu cử “lôi thôi” tại Mỹ, người được đa số phiếu cử tri toàn quốc chưa chắc đã thắng, mà người được đủ phiếu của cử tri đoàn mới là kẻ thắng! Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 là một thí dụ. Ông Bush (con) thua ông Gore gần một triệu phiếu trên toàn quốc nhưng đã trở thành tổng thống do hơn ông Gore 500 phiếu ở Florida!

Năm nay, Florida cũng đang được coi như là tiểu bang then chốt để quyết định ai sẽ là tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Người Mỹ gốc Việt ở Florida khá đông, nếu “chúng ta” chịu khó đi bầu và dồn phiếu cho một người thì có thể “làm nên lịch sử”. Và chuyện năm 2000 lại có thể tái diễn.


Ký Thiệt

No comments:

Blog Archive