Wednesday, October 19, 2016



Một Chuyến Đi

Hoàng Nga

Không bà con, nhưng chơi “xúm chùm” kiểu chị học chung với chị, em học chung với em, Hân và tôi vốn đã gần gũi, đã thân, đến lúc tôi định cư qua Mỹ lại càng thân nhau hơn. Hân hay dùng chữ “côi cút” để nói về mình và hay bảo “kiến tỷ như kiến… chị” mỗi lúc nhắc đến cô chị, người bạn thuở thiếu thời của tôi. Khi có dịp xuống miền nam, tôi vẫn ghé lại nhà Hân, và lên miền trung, thì Hân tạt ngang nhà tôi.

Lần này, Hân bảo sẽ ở lại nhà chúng tôi một đêm rồi chở tôi đi họp gia đình. Nghe, tôi dãy nảy:

- Họp gia đình bên chồng Hân, sao lại rủ chị?

Hân đáp, đi cho vui. Tôi trả lời tôi không buồn nên không cần… đi cho vui. Hân la lên:

- Chị ở cái chỗ chẳng bao giờ gặp người đồng hương, giờ có dịp được nghe được nói tiếng mẹ đẻ sao không vui?

Tôi phì cười:

- Ở nhà, chị vẫn nói chuyện với con chị bằng tiếng Việt và hằng ngày vẫn gặp bạn bè, bà con đấy thôi.

Hân hỏi gặp ở đâu. Tôi bảo ở… Facebook, Facetime. Hân chậc lưỡi, “chị thiệt tình”, nhưng sau đó thì kỳ nài, năn nỉ và sửa lại là “đi cho em vui” để lôi tôi đi theo. Nói qua nói về, nói tới nói lui, than vãn mồ côi mồ cút, một mình một bóng, cộng thêm ỉ ôi nhiều ngày, cuối cùng thì tôi cũng xiêu lòng mặc dầu thấy đi như vậy là khá vô duyên.

Thật tình mà nói, tôi không ngại gặp người lạ, không ngại bắt chuyện hay làm quen với người mới, giao tế cũng không đến nổi dở tệ, nhưng tôi lười. Lười điện thoại, lười thư từ, lười cả tâm tình nên thường vẫn không thích có thêm những mối giao hảo, quen biết mới. Cứ mỗi bận nghĩ đến chuyện phải giữ kẽ, để ý từng lời ăn tiếng nói của mình trước người mới quen là tôi đã thấy... không khỏe rồi.

Điều mà tôi vẫn thường mắc phải là vì lười như thế nên lâu lâu sực nhớ đến ai đó, định thăm hỏi đôi điều mới biết ra hoặc họ đã đổi điện thoại từ lâu, hoặc không còn ở chỗ cũ. Hoặc tệ hơn nữa là đôi khi họ gặp phải một vài chuyện không may nào đó nhưng tôi lại hoàn toàn không biết. Bị hố một vài lần, nếu có dịp mặt đối mặt với những người rất lâu không liên lạc, tôi vẫn thường tránh những câu hỏi “anh/ chị lúc này ra sao rồi”, hay “các cháu vẫn ổn chứ” để khỏi phải bắt gặp một cái cau mày, thậm chí một câu trả lời cộc lốc “tụi này ly dị lâu rồi”, hay “cái lũ mất dạy đó tôi đã từ mặt mấy năm nay”.

Lần trơ trẽn nhất đã khiến tôi áy náy mãi là lần gặp lại một người quen ở cùng một thành phố bên Úc sau một thời gian dài đi xa. Đã lười điện thoại, lười thư từ, lười nói chuyện mình, lười nghe chuyện người, lần ấy tôi lại còn ra vẻ mình hiểu biết, ra vẻ mình là người ân cần, nên xớn xa xớn xác thăm hỏi về con cái của người này. Nào là học hành ra sao, làm nghề gì, có gia đình chưa, vân vân, nhưng có ngờ đâu trong thời gian tôi ở Âu châu, thì thằng bé đã phạm tội buôn bán ma túy, đâm chém người và còn ngồi tù đến cả hơn mười năm...

Hân nói với tôi, tới đó nếu tôi buồn chán, Hân sẽ chở tôi đến một thành phố lân cận, nơi có rất nhiều người Đức sinh sống và nhiều hàng quán Đức để tôi tha hồ ăn xúc xích, uống bia. Tôi bật cười, trêu, nếu chuyến đi khiến Hân vui mà mình không mấy vui thì coi như tôi… gia ơn, làm phước nên Hân đưa tôi đi ăn nhậu là phải rồi. Hân dạ, chị làm từ thiện!

Gia đình bên chồng của Hân đông, qua Hoa Kỳ với đủ dạng, đủ cách, nên mỗi năm chọn ra một khu resort ở vùng nào đó thuận tiện cho việc đi lại của mọi người, rồi mướn một vài căn để họp mặt nhau như người Mỹ vẫn thường tổ chức Family Reunion. Tiền phòng tự trả, thức ăn tự lo bữa sáng, bữa trưa và chỉ ăn chung bữa tối. Nhưng chi phí cho bữa ăn chung này cũng sẽ được chia đều trên đầu người và cùng nhau nấu. Gia đình nào không có khả năng bếp núc thì tham gia dọn dẹp, rửa chén bát. Hân kể vào đêm cuối cùng là đêm họp hành để bầu bán, chỉ định người phụ trách mướn chỗ, đặt cọc tiền nhà và liên lạc với anh chị em cho năm tới. Cả chuyện ăn món nào trong những bữa chung cũng được bàn thảo và quyết định người chịu trách nhiệm chính. Hân bảo:

- Vì “nghị quyết đã được thông qua” nên sau đó là không thể có vụ cãi cọ hay than phiền. “Ông lớn” làm việc rất qui tắc, năm nào họp hành xong, ổng cũng ghi ra giấy, sau đó gửi email đi cho từng nhà. Ai có thắc mắc gì thì phải nói ra sớm, rồi đi hay không là phải trả lời trước ngày X, Y, Z nào đó do ổng quyết định. Phải đóng tiền cọc đàng hoàng đấy. Rồi gần tới ngày ổng còn confirm lại cho chắc ăn. Y chang như làm việc cho tổ chức hay cho văn phòng du lịch.

Một trong những lý do tôi bằng lòng đi theo Hân là do năm nay con của Hân bị đổi ngày đi thực tập không về kịp, lúc năn nỉ tôi, Hân nói, “không phải chỉ vì phòng trống, mà lòng em cũng trống nên em cần chị”. Hân bảo cần phải “tham khảo ý kiến” tôi để chuẩn bị ứng phó cho chuyện con cái muốn dọn ra khỏi nhà. Hân nửa đùa nửa thật bảo:

- Làm cha mẹ bên này mệt quá. Không hiểu con là coi như mất con, không cho chúng làm theo ý chúng là coi như… chưa sanh lần nào. Hưm… Chứ ở Việt Nam hả, khỏi cần nói on đơ gì hết, cứ… phang cho mấy gậy là xong!

Tôi phì cười. Hân đến ở lại nhà tôi, nói chuyện con cái khan cả cổ, tôi khuyên lơn bày kinh nghiệm “đối phó” của mình với con cũng khan cả cổ, qua ngày hôm sau mãi đến trưa mới khởi hành được nên khi chúng tôi tới nơi thì đã sâm sẫm tối. Chộn rộn chào hỏi, giới thiệu, tíu tít với người này người kia một hồi, Hân kéo tôi đi cất hành lý. Đẩy tôi vào căn phòng có cửa sổ nhìn ra mặt hồ, Hân nói để tôi nhìn ngắm mà làm thơ. Tôi lại bật cười.

Thật ra ngôi nhà xây cho khách du lịch nên không cần cửa sổ nhìn ra mặt hồ này cũng đã thừa thơ mộng. Cái vị trí xoai xoải trên sườn đồi của nó với dãy hành lang dài làm bằng gỗ sồi, hai bên cửa ra vào có những chậu hoa màu hồng nhạt được đặt cạnh những chiếc ghế tựa thật xinh xắn làm dịu mắt người nhìn. Cảm giác thơ thới an lành không cần phải cố gắng cũng hiện ra trong lòng. Tôi trêu Hân, với sự thơ mộng cố ý hệt như tất cả các khu nghỉ mát khắp nơi trên thế giới, làm người ta chỉ nghĩ đến vật chất, nghĩ đến chuyện làm sao kiếm ra tiền để đi nữa, nên sẽ không bao giờ viết được một câu thơ. Hân lườm tôi, nói chị không bao giờ biết tri ân lòng tốt của em.

Để “tri ân” Hân, tối hôm ấy khi ra ngồi ăn chung với mọi người, tôi đã bày hết lòng nhiệt thành và vui vẻ của mình. Nhưng đông quá, nên gần đến ngày về, tôi mới nhớ được một vài người. Hân có nói với tôi, có thể xem đây là một cộng đồng Việt Nam thu nhỏ ở Mỹ. Người đầu tiên tôi được giới thiệu là người mà Hân gọi là “ông lớn”, anh cả của chồng Hân. Lúc ngồi một mình với tôi, Hân kể:

- Ông này đi du học từ thập niên sáu mươi. Là người chẳng bao giờ hài lòng với bất cứ một thể chế nào tại Việt Nam. Thời nào cũng có lý do để ổng chống đối. Suốt những năm du học ở bên này, “ông lớn” miệt mài chê bai đệ nhất, đệ nhị cộng hòa, nên tham gia đủ loại đủ kiểu, trực tiếp, gián tiếp…, để chống chính phủ. Sinh viên xuống đường là ông gửi thư về khuyến khích bạn bè tham dự, ký giả biểu tình là ổng hô hào người nhà đi ủng hộ. Vụ Mậu Thân ổng cực lực lên án cộng sản, nhưng Mỹ bỏ bom Hà Nội thì ông cũng đi theo những người phản chiến hò hét la lối um sùm. Nhiều người quen vẫn nói ổng thiên tả, nhưng em không nghĩ vậy. Bởi em thấy ổng chống cộng cũng dữ lắm. Từ ngày miền Nam mất tới giờ ổng chưa hề về lại, vì bảo quyền tự do dân chủ và nhân quyền vẫn chưa được tôn trọng ở Việt Nam, ổng không muốn tiếp tay cho việc công nhận sự tồn tại của chế độ đó.

Tôi hỏi Hân vậy nên nghĩ về con người này như thế nào cho chính xác. Hân đáp:

- Em không biết nữa, nhưng có lẽ đó là một người không hề hài lòng với chung quanh, không bao giờ thấy thỏa mãn bất cứ thứ gì. Với chính trị, đụng ổng thứ gì cũng chống, thứ gì ổng cũng đòi hỏi sự toàn bích, mà đời sống hằng ngày ổng cũng không để yên. Đến nỗi bà vợ cứ nói muốn chết quách cho xong đời để khỏi phải sống chung nữa.

Tôi không nhịn được cười. Hân đưa mắt nhìn về phía đầu nhà, nơi có một người phụ nữ độ tuổi bảy mươi đang ngồi đọc sách, nhưng không phải là phu nhân của ông. Hôm qua Hân giới thiệu đó là chị dâu họ, cũng mới sang Hoa Kỳ vài năm như tôi. Hân nói:

- Bà này hồi mới từ Âu châu qua, cứ đụng mặt “ông lớn” là lại “choảng” nhau. Cùng là dân du học, cùng có những hoàn cảnh na ná nhau, rồi thời sinh viên cũng phong trào nọ phong trào kia, khi ông này phản đối lung tung thì bà ấy cũng phản chiến tơi bời, nhưng “ông lớn” là người bảo thủ, cực đoan, lúc nào cũng giữ khư khư truyền thống, còn bà ấy lại rất… “hiện sinh”, chỉ thích đả phá, đập nát hết tất cả mọi nền móng, nề nếp cũ của xã hội, kể cả những nền móng, và nề nếp tốt lành.

Hân bật cười:

- Mấy năm gần đây, hai người có vẻ bớt tranh cãi, bớt xung đột, không biết vì bắt đầu già, mệt, cãi nhau không nổi nữa hay thấy cãi hoài cũng chẳng đi tới đâu… Nhưng mà cũng có thể vì đang có cái nhìn giống nhau về chuyện tụi Tàu đang hoành hành ở biển đông.

Hân kể thêm người phụ nữ này là bạn khá thân của anh họ chồng Hân thời còn bé, sau khi bà đi du học thì hai người mất liên lạc. Một hôm tình cờ gặp lại nhau trên một chuyến Metro ở Paris. Lúc ấy cả hai đều mới vừa ly dị. Nhận ra nhau, người phụ nữ trở thành hướng dẫn viên du lịch cho ông bạn cũ trong những ngày ông bỏ đi xa cho quên thế sự nhân tình và nối lại tình bạn cũ. Sau đó hai người tới lui thăm viếng nhau nhiều lần, nhưng mãi cho đến lúc cả hai cùng về hưu mới kết hôn. Hân cười, bảo cả hai đều rất… lập dị, rất ương ngạnh và cứng đầu. Ngay cả chuyện họ theo một tôn giáo nào đó của Ấn Độ cũng xuất phát từ quan niệm sống “không giống ai” của mình.

Cái cộng đồng thu nhỏ “của” Hân, một số người được di tản trước ngày 30 tháng 04, sớm gặp nhiều cơ hội làm lại cuộc đời, nên có những thành công rất “đáng nể”. Một số là thương gia, số khác là luật sư, bác sĩ, hay kỹ sư. Nhiều người nắm giữ những chức vụ quan trọng trong các bịnh viện, và các công ty lớn nhất nhì nước Mỹ. Con cái họ cũng là những người thành danh, có chức có phận trên xứ người. Tuy nhiên cũng không hiếm người chỉ có đời sống bình thường, cháu con học hành bình thường, làm những nghề nghiệp bình thường. Nhiều khi so với những người sang Hoa Kỳ về sau này, họ còn có vẻ thua kém về cả mặt tài chánh lẫn địa vị xã hội nữa. Hân kể:

- Lần nào gặp nhau, thế nào cũng có người đi muộn nói với họ là mấy anh chị thoát ra sớm, sướng, đâu có chịu cái cảnh cùng cực như tụi này sau bảy lăm. Rồi sau đó thế nào họ cũng phải nghe thêm những câu chuyện thương tâm, đau khổ vì đói nghèo, vì thiếu thốn, vì tù đày, vì bị áp bức... Thật tình mà nói, nếu như những câu chuyện như vậy được kể ra để anh em biết về nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn, hay để nói đến sự tàn nhẫn của chế độ cộng sản thì chắc là không ai buồn ai rồi, nhưng vì có nhiều người đã kể với hàm ý những người đi sớm không chia sẻ khốn khó, cực nhọc với người bị kẹt lại, nên cũng tạo ra nhiều chuyện không vui.

Quả nhiên như lời Hân nói, một hôm có chị như phân trần với tôi vì tôi tình cờ ngồi gần chị, và cùng… bị nghe một lô một lốc chuyện người đi kẻ ở, chị nói:

- Thật ra đi sớm cũng khổ lắm em ạ. Bởi vì đâu có ai nghĩ đi là đi luôn một mạch như cái cây xanh bị bứt ra khỏi rễ vậy, nên đâu có chuẩn bị tâm lý cũng như chuẩn bị kiến thức cho mình. Những năm đầu tiên của tụi chị cũng tang thương không thua gì ai đâu. Sống cứ như trong chiêm bao, trong mơ, trong mộng, nhưng mơ là mơ dữ, mộng là mộng không lành. Em nghĩ xem, lạ cảnh, lạ người, lạ ngôn ngữ, lạ tập quán, lạ văn hóa, tụi chị đã phải loay hoay dữ lắm mới sống nổi. Thêm nỗi nhớ nhà, nhớ nước. Cái gì cũng nhớ, nhớ cha mẹ, nhớ anh em, nhớ bạn bè, hàng xóm, thức ăn…, nhớ cả tiếng mưa rơi, tiếng rao hàng, tiếng mắng con, tiếng chửi bới nhau ngoài đường. Khóc được là chuyện bình thường, những lúc không khóc được mới đau em ạ. 

Cái xứ này, lúc còn ở Việt Nam mình chỉ được xem trên phim ảnh, nên nhìn thấy cái ống khói, cái lò sưởi thì thấy cả trời thơ mộng, sang đây sống rồi mới biết những nơi có ống khói, có lò sưởi là những nơi phải thức dậy từ bốn năm giờ sáng để cào tuyết, quét dọn mới có thể chạy xe ra khỏi nhà mà đi làm. Cũng thuở còn ở quê nhà, nhìn những tấm thiệp Giáng Sinh có tuyết trắng, có đèn hoa…, cứ tưởng lễ lạc nơi đây sẽ tuyệt diệu lắm, lúc định cư rồi mới biết buồn thế nào khi Giáng Sinh, năm mới về. Lễ, người ta họp mặt gia đình, ngoài đường không một bóng người, nhiều khi không thấy cả xe, mà mình thì cô đơn, lẻ loi, cố gắng lắm vẫn không thể nào hòa vào cái không khí của họ.

Chị chép miệng:

- Từ tập tục đến thức ăn đều không cách gì một sớm một chiều mà làm quen được. Đã vậy thời ấy hàng quán Á châu ít lắm em à, nên hằng ngày nhìn thấy cà rốt khoai tây bắp cải thật đã muốn khóc rồi, lễ lộc được mời đi ăn lại càng khổ sở hơn… Có những món chỉ mới ngó sơ qua là đã biết không hợp, đã thấy thèm một tô bún riêu, một đĩa bánh cuốn.

Sau đó chị thở dài:

- Đi sớm, em nghĩ xem, đâu phải ai cũng có cơ hội được đi học hay học cao hơn, bởi vì còn phải tùy thuộc vào hoàn cảnh và trình độ của từng người, tùy thuộc vào khả năng ngoại ngữ nữa chứ. Có nhiều người chị biết học rất cao ở Việt Nam trước 75, nhưng khi sang đây phần lớn tuổi, phần không có khiếu sinh ngữ, nên cũng đành phải chấp nhận làm những nghề tầm thường… 

Nhiều khi tụi chị bị hỏi những câu đại khái như “ủa đi lâu vậy mà sao nhà cửa nhỏ xíu vầy nè?”, hay “con cái giỏi tiếng Mỹ vậy mà chỉ học tới đó sao?”, hay “sao hồi đó không học một ngành chuyên môn cho có cái nghề” từ những người qua sau nhưng thành công hơn, học cao hơn, con cái thành đạt hơn tụi chị... Em thấy đó, bộ mình khùng hay sao mà lại muốn ở cái nhà nhỏ, lại không thích con cái là bác sĩ, tiến sĩ, hay chính bản thân mình thành người trí thức, hoặc có một nghề nghiệp đàng hoàng vững chãi nào đó? Nhưng cái khả năng của mình tới vậy thì đành chịu vậy chứ làm sao hơn bây giờ? Mà em thấy không, người Mỹ “thiệt”, ông cố ông sơ đến đây lập nghiệp cả mấy trăm năm trước, cũng không thiếu gì người ở nhà mướn, con cái không học hành đỗ đạc cao, thì tụi chị ăn nhằm gì chứ!

Chị chớp mắt, “bởi vậy, nghe hỏi, mà thật là buồn…”. Tôi an ủi chị:

- Những câu hỏi tương tự như vậy thật ra không chỉ ở Hoa Kỳ thôi, mà ở đâu cũng có thể nghe vì người hỏi không tinh ý, không tế nhị, không sợ người khác chạnh lòng nhiều lắm chị à –rồi tôi đùa- Chuyện chị kể giống như chuyện không biết quả trứng có trước hay con gà có trước, em thấy giữa hai người, một có tiền nhưng không mua được thứ mình muốn và một thấy thứ mình thèm nhan nhản ở chung quanh mà lại không có tiền để mua, thì chẳng biết ai sẽ khổ hơn ai.

Việc người đi trước kẻ đi sau, người thoát được kẻ còn ở lại, có rất nhiều điều éo le. Như nhà bên chồng Hân lúc nhận được nhập cảnh, vì sợ những thay đổi bất ngờ có thể xảy ra nên má chồng Hân đã quyết định bán đổ bán tháo căn nhà đang ở chỉ với vài cây vàng, không đủ để sắm sửa đồ đạc cho cả nhà. Mười năm sau, căn nhà ở ngay quận ba ấy trở thành một tài sản khổng lồ làm bà tiếc ngẩn tiếc ngơ. Hân bảo:

- Tụi em cứ an ủi bà cụ điều quan trọng nhất là mình thoát được chế độ đó, và dầu gì thì cũng còn bán được vài cây vàng, chứ nhiều người đi sớm hơn đã phải “hiến” không tài sản đất đai cho nhà nước. Má chồng em, thật ra cũng hiểu như vậy, nhưng thỉnh thoảng nghĩ đến công lao gầy dựng cả hàng bao nhiêu năm thì lại đắng lòng. Đã vậy còn phải chứng kiến cảnh con cái còng lưng ra bắt đầu lại từ đầu với hai bàn tay trắng nên bà cứ xót ruột.

Anh em bên chồng Hân tương đối hòa nhập nhanh, nhưng hầu hết đều là công chức hay nhân viên bình thường cho các hãng xưởng, nên sống chỉ vừa đủ, trong khi đó một số người bà con khác bị trục trặc giấy tờ, đi muộn hơn nhưng lại ổn định nhanh hơn. Họ bán được nhà ở Việt Nam với giá cao, trong số đó không thiếu gì người đã tìm cách chuyển tiền qua trước, nên khi sang đến nơi là có nhà, có vốn làm ăn ngay. Khấm khá, lại đổi nhà cao hơn, rộng lớn hơn. Xe cộ cũng sắm thứ đắt tiền hơn người. Vì vậy càng thấy cảnh người ung dung nhàn nhã hơn các con, má chồng Hân lại càng buồn. Tôi đùa “hay không bằng hên”. Hân gật đầu:

- Đúng vậy chị à. Hơn vậy nữa là xã hội nào cũng có nhiều người biết cách xoay xở, có người giỏi, nhưng trong đó cũng có người giống như lươn, như rắn, uốn éo đủ mọi đường.

Vừa nói Hân vừa đưa mắt về phía một người đàn bà cao lớn, trắng trẻo, mà ngay từ hôm mới đến, tôi đã chú ý vì kiểu cách nói chuyện “miệng bằng tay, tay bằng miệng” ấy. Hân nói “là một đại diện đấy chị”.

Người đàn bà “đại diện” cho… lươn lạch, có giọng nói tuy không lớn nhưng chắc nịch và như thể lúc nào cũng muốn cuốn người chung quanh vào câu chuyện của mình. Cái giọng nói ấy còn mang dáng dấp của một người từng có thói quen chỉ huy người khác. Hân già chuyện:

- Bà này luôn miệng nói mình chỉ là nhân viên vớ vẩn bên y tế, chỉ nhờ buôn bán chút đỉnh nên mới có “tí vốn liếng cho các cháu sang bên này kiếm ít chữ”, nhưng thật ra rất giàu. Là dân Bắc “hai nút”, vào miền nam sau thời kỳ “mở cửa”. Có bao nhiêu con cái, đều cho đi du học rồi kiếm người cưới để ở lại. Mỗi năm bả qua thăm con một, hai lần gì đó. Là sui gia bên cô của ông xã em nên lần nào cũng tới đây.

Rồi Hân nhăn mặt:

- Nhưng cái đứa con gái của bà này mới buồn cười. Lúc mới qua đây, cứ hễ nói chuyện về người Mỹ thì nó gọi họ là “cái bọn Mỹ”, gọi lính Việt Nam Cộng Hòa là “tụi ngụy”, lâu lâu lại còn “loa” lên một câu đại loại, “bọn Mỹ này ngày xưa ác nhưng giờ đã biết ăn năn nên đã đền cho nhà nước mình đến mấy tỷ đô la”. Thỉnh thoảng thì chê bai cuộc sống bên này, nói “biết vậy không thèm đi”. 

Có lần bực mình quá, em nói “ai là mình với cái nhà nước của mày?”, còn mấy chị khác thì bảo phải ngưng ngay cái giọng cộng sản con, và nếu như thích cái “nhà nước mình” ấy quá, mấy chị sẽ “giúp” cho nó về đó sống. Nó im re. Dần dà về sau thì đỡ đỡ ra, lúc này đã bớt nói năng cái điệu dễ bị ăn tát đó rồi….

Tôi phì cười. Hân tiếp:

- Bà má của nó luôn miệng nói mình chỉ là “nhân viên vớ vẩn”, nhưng cứ hễ đứa con nào bên này có được thẻ xanh là bả bay qua mua liền cho hai cái nhà, một cái ở, cái cho thuê. Tiền tuôn ra giống y như nước ấy. Tụi em hay nói chắc bả bán… tim bán gan người, chứ kinh doanh chút đỉnh cái kiểu gì mà xài toàn tiền đô, cứ y như giấy vàng mã!

Chuyện bây giờ người trong nước cho con đi du học như một hình thức chuyển tài sản ra nước ngoài một cách công khai tôi nghe đã nhiều. Bạn bè thời trung học của tôi với mớ lý lịch có công với đảng, trở thành cán bộ sau 75, đưa con đi ra nước ngoài “du học” cũng không ít. Tuy nhiên không đứa nào kể mánh lới làm ra tiền và dùng khoản “hở” nào của chính phủ Hoa Kỳ để con cái ở lại và có thể mua sắm nhà cửa một cách ung dung như vậy. Hân bảo:

- Theo luật của Hoa Kỳ, thì ai cũng có quyền mua nhà. Có hay không có quốc tịch đều không thành vấn đề nếu như không cần mượn tiền của ngân hàng. Với phía Mỹ, nếu chứng minh được nguồn gốc tiền mình có, là có thể mua được nhà. Tuy nhiên chuyện người ta “làm sao” để đưa tiền qua đây thì em không biết…

Tôi hỏi Hân:

- Vậy Hân nghĩ ai là người chịu thiệt thòi nhất ở xứ này?

Hân cười, đùa, những người bình thường như em với chị. Sau đó Hân nói:

- Thật ra thì rời khỏi được cái xã hội nhiễu nhương và mất tự do đó thì có gì đi nữa, cũng không thể gọi là mình đã bị thiệt thòi. Em nghĩ cái cá tính tạo nên hoàn cảnh cho chính mình. Vì nhiều khi đi cùng một lần, sống cùng một chỗ, có cùng một việc làm như nhau, nhưng người có ý chí muốn vươn lên thì chắc chắn sẽ có cuộc đời khác so với người chỉ muốn yên phận hay sợ sự thay đổi. Người dám và không dám thử thời vận cũng sẽ có kết quả khác nhau. Trong chừng này người đang có mặt ở đây, thì có nhiều gia đình qua đây theo diện nhân đạo HO, nhưng người thế này, kẻ thế khác. Có người chỉ muốn ngồi kể lể về quá khứ của mình mà chẳng muốn hội nhập vào xã hội mới, nhưng lại có người đã xem những gì mình từng có và mất đi chỉ là những thăng trầm của đời sống nên cố gắng bước tới phía trước bằng tất cả sức lực của mình. Lắm người thành công và cũng lắm người người tủi phận.

Và Hân nhỏ giọng:

- Nhưng có một điều rất buồn là nhiều người dường như đã quên mất hạt cơm mình từng ăn, quên mất những ơn huệ mình có được từ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và chính phủ Hoa Kỳ, nên họ chạy theo đuôi đám trong nước, hí hố về làm ăn với tụi nó, rồi còn lên án cộng đồng mình “giờ này mà còn làm chuyện ruồi bu, ngày xưa có vũ khí còn không giữ nổi đất nước, giờ bày đặt chống đối…, vân vân”.

Hân không chỉ rõ ra là ai, nhưng lại đưa mắt về một vài người. Tôi chép miệng:

- Bởi vậy mới có cái thứ gọi là là tình đời và lòng người.

Hân gật đầu. “Thật vậy, đã nói đến lòng người thì không biết nói như thế nào”. Hân kể:

- Chỉ trong vòng chừng trên dưới ba mươi người tính luôn con nít, mà chị có thể nhìn cái bức tranh cuộc đời, xã hội và cộng đồng ở đây đấy. Năm nay vắng bóng một cặp vì họ mới vừa rã đám không bao lâu. Ở hải ngoại lâu thì chị thừa biết chuyện sau khi ổn định, sau khi bắt đầu thấy thư thả, đã có vô số ông bỏ vợ chạy về Việt Nam bồ bịch hoặc cưới mấy cô gái trẻ, nhưng cặp này lại đổ vỡ vì bà vợ. Không chạy đi xa tới nửa vòng trái đất mà chắc chị biết là những lúc gần đây ở hải ngoại cũng như trong nước thường hay tổ chức đủ các cuộc họp mặt, trường xưa lớp cũ, cựu sinh viên, đồng hương vân vân…, nên chị ấy chỉ từ Texas chạy qua California là đã có thay đổi.

Hân có đi họp trường vài lần, bảo lắm khi vui vì gặp lại bè bạn hoặc người cùng thời, cùng lớn lên ở một nơi, cùng chung những kỷ niệm về chốn cũ, về thầy cô. Nhưng cũng nói có khi thấy rất buồn vì càng ngày càng vắng người do kẻ bịnh hoạn, kẻ ra đi không về… Hân nhìn quanh:

- Năm nào em cũng ráng đi họp gia đình với bên chồng vì lý do trên. Năm nay không thấy mặt anh chị ấy, em nao lòng… Cặp này ngày xưa không yêu nhau nhưng cưới nhau vì đôi bên cha mẹ đã định sẵn. Đúng ra là chị không yêu anh. Chị đã có người yêu. Khi chị lấy chồng thì người yêu chị rời thành phố rồi biền biệt. Chị làm vợ, làm mẹ nhiều năm rất chu toàn, kể cả lúc anh đi cải tạo, chị cũng ở nhà chăm lo cho con, chờ anh về. Sau đó khi được qua bên này, chị lại cặm cụi đi làm, cùng với anh nuôi con, mua nhà mua cửa, dựng vợ gả chồng cho các con… Ai nhìn cũng nghĩ anh chị hạnh phúc, vui vẻ. Ai nhìn cũng không biết sóng to gió lớn như thế nào trong nhà anh chị, đùng một cái chị đi họp mặt hội ái hữu gì đó gặp lại người yêu cũ, thế là chị về nhà bảo với anh và các con rằng chị muốn ly dị, muốn cùng đi với người cũ cho đến hết đoạn đời còn lại…

Gần bảy mươi, ở lứa tuổi nhiều người đã bắt đầu nghĩ về những ngày cuối đời của mình, về một chỗ ở yên tĩnh, một khu an dưỡng, thậm chí một nấm mồ, vậy mà chị lại về nhà thẳng thắn kể ra chuyện gặp lại cố nhân, sau đó lại can đảm nói ra quyết định của mình, và rồi còn làm theo cái quyết định ấy. Tôi xốn xang suy nghĩ.

Những chuyện ly hôn, chia tay như thế thời bây giờ đã không còn lạ, chẳng phải chỉ ở hải ngoại, mà còn cả Việt Nam, tuy nhiên thường xảy ra ở những cặp đang độ tuổi đôi mươi, tứ tuần, ngũ tuần. Vì càng lớn tuổi, người ta càng ngại thay đổi, càng ngại phải bắt đầu lại từ đầu. Nếu phải ly thân, ly hôn, thường những cặp lớn tuổi này sẽ tách ra, mỗi người sống với một đứa con nào đó, hoặc sống một mình. Trường hợp của chị thì khác hẳn. Chị làm người nghe chuyện băn khoăn. Hẳn sẽ có rất nhiều người chê trách chị đã già mà còn làm những chuyện kém suy nghĩ, nông nổi. Nhiều người khác có thể chế giễu hành động của chị. Và có lẽ không mấy ai bênh ực cho chị.

Hân hỏi tôi cách nghi ngờ, có phải vì tình cũ chưa phai nhạt trong lòng chị hay còn có điều gì khác mà Hân không thể hiểu được. Tôi trả lời:

- Chuyện của chị, thì chỉ có mình chị hiểu rõ thôi. Người ngoài chỉ nhìn thấy gia đình anh chị không sóng gió, nhưng ai có thể nói là đã không sóng gió? Đâu có ai biết được chị đã trải qua mấy mươi năm ấy như thế nào. Trong đời sống thật, có rất nhiều người phải chịu đựng nỗi uất nghẹn, khổ tâm với người phối ngẫu vì những chuyện không vui xảy ra giữa hai người, nhưng không đủ lớn để trở thành một cơn bão, không đủ mạnh để nổ bùng. Chúng nho nhỏ, chúng âm ỉ nhưng chúng hệt như mối mọt đục ruỗng mối hôn nhân, đục ruỗng mối quan hệ của hai người thì đã đành mà dường như còn giết chết luôn cả đời của một con người. Hầu hết người ta sẽ nhẫn nhịn vì chịu đựng quá lâu đâm ra thành thói quen, và không còn đủ can đảm, không còn sức lực để phản kháng nữa. Trường hợp như chị ấy là một hy hữu. Sự xuất hiện của người yêu cũ của chị ấy có thể chỉ là một giọt nước làm tràn ly…

Hân không nói gì. Tôi cũng im một hồi. Nhưng bỗng dưng tôi sực nhớ đến chuyện Hân phàn nàn con cái thời này hiếm khi thực hiện điều cha mẹ muốn, mà tôi đã nửa đùa nửa thật bảo ngày xưa con cái vẫn hay than thở lén sau lưng bố mẹ đã không chịu hiểu mình, và đã làm điều bố mẹ muốn chỉ vì không được xã hội, không có người chung quanh ủng hộ mà thôi.

Dưng không chuyện của chị bỗng trở nên ngắc ngứ trong trí tôi. Tôi tự hỏi chị chấp nhận cuộc hôn nhân miễn cưỡng thuở thanh xuân và phải chịu đựng nỗi đau nào đó, nỗi buồn nào đó trong suốt bao nhiêu năm trời, đến bây giờ bỗng có can đảm để đổi thay cuộc đời mình, có phải chăng là hậu quả của một sự “miễn cưỡng” mà cha mẹ chị đã áp đặt lên chị? Hay vì điều gì, như Hân đã thắc mắc?

Tôi thở dài. Trong cái thoáng yên lặng giữa hai chị em, tôi chợt nhận ra trừ những điều mình không thể chọn lựa chẳng hạn như sinh ra là con của một gia đình nào đó, dân tộc nào đó mà không là gia đình này, dân tộc kia…, thì chính cái thái độ sống, cách ứng xử của bản thân có thể làm sẽ cuộc đời mình chuyển sang một hướng hoàn toàn khác.

Rồi tôi cũng nhận ra cuộc sống vốn đã quá khó trong khi xã hội nào, cộng đồng nào cũng được thành hình từ nhiều người với cá tính, hoàn cảnh, tâm tư và tình cảm khác biệt nhau, nên muốn có thêm niềm vui, thêm hạnh phúc chắc tôi phải bắt đầu thêm vào đời sống mình một chút thông cảm, một chút yêu thương, một chút lắng nghe, chút vị tha, và đồng thời bớt đi một chút đoán xét, bớt đi một chút ganh ghét… như đã từng học từ Kinh Thánh.

Tôi quay sang nói với Hân, cám ơn Hân đã giúp tôi có một chuyến đi thật thú vị, mà thật lòng rất mong mình sẽ có được chút tâm tư thanh tịnh khi trở về nhà….

Hoàng Nga

No comments:

Blog Archive