Sửa Văn
Thầy dạy Việt Văn trả bài làm cho từng học sinh. Ly nhận lại bài của mình, không thấy có chỗ nào được sửa. Không biết đó là Ly may mắn hay bài của mình chỉ được Thầy đọc lướt qua? Ly đâu dám tự nhận là mình giỏi. Giỏi đến đâu thì Thầy cũng tìm thấy lỗi trong bài chứ, nhất là môn Việt Văn. Thầy sẽ ghi bằng bút đỏ ngay chỗ sửa. Ít ít thì vui, mà nhiều chữ đỏ quá thì… học trò lại buồn. Và rồi Ly đâm ra “ganh tị” với các bạn có bài được Thầy sửa. Chà, có ai như mình không nhỉ? Thật là rắc rối.
Trên trang nhất của tờ giấy làm bài, bao giờ cũng có một cái khung đặc biệt, học trò phải tự kẻ: đó là cái khung hình chữ nhật có chia thành hai phần không đều nhau: bên trái nhỏ, để Thầy ghi số điểm; bên phải lớn, để Thầy ghi lời phê. Bao giờ Ly cũng được Thầy cho điểm cao, với lời phê “Giỏi.”
Rồi đến một hôm, Ly rụt rè đến bên Thầy Việt Văn, đánh bạo thưa với Thầy:
“Thưa Thầy, vì sao… không bao giờ… Thầy sửa bài của con ạ?”
Thầy tỏ vẻ hơi ngạc nhiên, rồi dường như do cái tinh tế của một nhà giáo đầy kinh nghiệm, Thầy cười xòa:
“Thế… trò muốn Thầy sửa bài ư?”
“Dạ.”
“Nhưng Thầy thấy không có gì để sửa.”
“Thưa Thầy, con không tự thấy bài của mình hoàn hảo.”
“Không hoàn hảo? Đúng vậy! Nhưng đây là môn Việt Văn, và bài làm là một bài luận. Trò đã làm đúng bố cục của một bài luận, là mở bài, thân bài, và kết luận, còn lại là văn của trò. Trò viết đúng chính tả, đặt câu nghiêm chỉnh, hành văn gọn gàng thì Thầy không có gì để sửa. Còn ý văn có sáng tạo, độc đáo, Thầy lại càng không sửa. Như hôm nay, trò đã nhập đề trực khởi cho bài bình luận thơ và con người của Nguyễn Công Trứ, trò vào ngay phần mở bài bằng câu nói dõng dạc của ông khi bị giáng chức làm lính – “Lúc làm đại tướng tôi không lấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào thì có nghĩa vụ đối với địa vị ấy”. Mới xem thì Thầy giật mình, đọc cho cả lớp nghe thì các bạn cũng giật mình. Nhưng khi định thần biết đó là câu của cụ Nguyễn Công Trứ, Thầy cảm thấy thú vị vô cùng. Thầy còn phải sửa cái gì ở đây?”
Thế là con bé ngẩn tò te.
Khi Ly bắt đầu viết văn gửi báo, thấy rõ ràng viết văn rất khác với làm luận. Dù cũng phải viết cho đúng chính tả, câu chữ đàng hoàng, điều đương nhiên, nhưng phải có tính sáng tạo, không nhại văn, không lặp lại ý của người khác. Khi Ly làm cộng tác viên viết bài cho báo học trò, bác chủ bút cũng chưa bao giờ sửa văn cho con bé. Khi Ly xin lại bản thảo, thấy cũng như những bài luận ngày trước, không có một chỗ nào được đề nghị sửa. Và dĩ nhiên có một điều rất khác: không có số điểm, và không có lời phê. Ngày xưa, bài được viết tay hoặc đánh máy với cái “máy đánh chữ.” Ly chọn cách viết tay. Và bao giờ cũng suy nghĩ chín chắn trước khi đặt bút viết, cho nên ít khi phải sửa lại cho mình. Đôi khi muốn sửa một chữ cho ưng ý, Ly phải dùng “cục gôm”, xóa thật nhẹ nhàng rồi viết lên. Như vậy thôi!
Ngày xưa có lúc Ly làm “cô cò”… Từ chữ nói gọn “correcteur” là “thầy cò” chuyên sửa cho các bản in, Ly chế ra chữ “cô cò”, vì mình là con gái. Làm công việc này cần có đôi mắt tốt và tự mình phải viết đúng chính tả trước đã. Eo ơi, khi làm Ly mới thấy có những bạn viết văn hay mà lỗi chính tả không ít. Đó là về phần tác giả, còn về phía nhà in, mỗi một trang báo được sắp chữ thành hình là cả một kỳ công từ những người thợ sắp chữ. Họ làm việc cần mẫn trong những xưởng in ngập tiếng ồn của máy. Họ để tờ giấy viết tay hay đánh máy của tác giả trước mặt và theo đó mà sắp từng chữ.
“Sắp chữ” là động tác lấy những mẫu chữ cái bé tí xíu trong từng hộc riêng biệt đặt vào những khuôn chữ cũng bé tí xíu tạo thành chữ, rồi thành câu. Và mỗi con chữ nguyên âm lại còn có dấu, vì là chữ Việt mà! A, á, à, ả, ã, ạ… đâu đó phải phân minh. Công việc phức tạp như vậy không tránh được sai sót. Họ in một bản thử ra giấy, đưa cho “cô cò”. Khi “cô cò” sửa xong bản thử và đưa lại cho nhà in, những người thợ dựa theo đó mà thay chữ lại cho đúng. Mỗi khi sửa xong một bản nháp, nhìn lại thấy toàn chữ đỏ do mình ghi bằng bút Bic, Ly bật cười, nói đó là “bệnh sởi”. Sửa đi sửa lại đôi ba lần đến khi hết lỗi mới đưa đi “in thật” thành cả ngàn trang. Sự thân ái gắn bó với xưởng in cũng từ đấy.
Đó chỉ là sửa chữ. Làm “thầy cò” chỉ sửa chữ, không dám sửa văn của ai.
Không ai dạy viết văn. Trong lớp học, Thầy dạy hành văn đúng để thành một bài luận thì có. Ngoài đời, dạy viết văn: không có. Vì viết văn là từ tư tưởng, từ tim óc, từ thực tế sống, không ai có thể truyền cho ai ngoài mình.
Đó là chuyện của ngày xưa. Xưa lắm! Chuyện của tuổi học trò.
*
Chuyện viết văn của Ly là một câu chuyện đứt đoạn. Đứt đoạn từ lúc Ly thấy tên các tác phẩm của mình nằm trong một danh sách cấm. “Đáng nể” hơn nữa, đó là “Danh sách những tác phẩm phản động và đồi trụy”. Hai tĩnh từ này đứng chung với nhau. Cái “ngày đổi đời” ấy đã khép lại ước mơ viết văn của một cây bút ở lứa tuổi đôi mươi. Dĩ nhiên cũng có những người gọi là “thức thời” và đi theo một đường lối mới. Nhưng Ly đủ lớn để hiểu mình là ai. Ly có một ngòi bút không thể bẻ cong. Và thế là Ly dừng lại tất cả. Ly gom hết những bản thảo thành một gói, niêm kín lại. Đó là những quyển bản thảo viết tay, đã in thành sách được độc giả tuổi học trò đón nhận. Ly không dám mở ra, không dám đọc lại. Nhưng đêm đêm, những con chữ như bước ra từ trong đó, tâm tình cùng với Ly. Ly cũng thì thầm với chúng. Các em nhé, hãy ở yên đó! Chị sẽ không bao giờ sửa các em đâu! Không sửa một chữ! Không bao giờ!
Một hôm tình cờ có người bà con ở Mỹ “méc” Ly rằng người ta in truyện của Ly, bán ở các tiệm sách. Nghe mà vui buồn lẫn lộn. Ít ra, còn có người nhớ tới mình. Người bà con gửi cho Ly những quyển sách ấy. Trang bìa được “chế” từ tranh vẽ gốc, một điều dễ giải thích. Nhưng trong “ruột” thì y nguyên văn, không sai một chữ. Ly hú hồn, thầm cám ơn họ (!!!)
*
Dòng đời vẫn chảy. Ly sang Mỹ do anh chị bảo lãnh. Ly hầu như đã quên hết chuyện viết văn. Lo bắt đầu cuộc sống mới, không còn thì giờ nghĩ tới văn chương, ý tứ cũng khô cạn. Nhưng đúng là định mệnh, một người bạn biết Ly đang ở Mỹ, mời Ly viết bài cho một tập san cựu học sinh. Ly như cái cây khô tưởng chết bỗng được tưới nước. A, bây giờ lại có thể viết bài bằng cách mới, không cần giấy bút nữa. Computer! Bàn phím! Quá gọn gàng. Mà lại tha hồ viết sai (thật ra là gõ sai), sửa cũng dễ dàng, chỉ cần đánh dấu chữ nào sai, nhấn “delete” và gõ chữ mới vào đó, không cần đến “cục gôm”. Việc in sách báo cũng đã khác xưa. Bây giờ tác giả gõ bài rồi gửi bài bằng đường internet. Nhà in thì không có những người thợ sắp chữ cần cù như xưa nữa, họ sử dụng chính bài tác giả gửi để in ra. Tác giả không lo chuyện lỗi từ người thợ sắp chữ, mà chỉ lo mình gõ sai. Nhưng không sao, đã có những “thầy cò”, “cô cò” đời mới, sửa giùm nếu tác giả sơ ý gõ sai chính tả. Delete, và gõ chữ mới vào đó. Đơn giản.Thế nhưng khi tập san đã in xong, nhận được cuốn báo biếu, Ly đọc lại và thấy có vài chữ mình dùng đã bị thay đổi. Ban biên tập không hiểu ý mình ư? Sao họ lại phải thay? Ly than phiền. Họ xin lỗi. Ly cười, và dặn: “Lần sau nếu các bạn định sửa chữ nào, câu nào, xin vui lòng báo cho Ly biết, Ly không ngại đâu, nhưng để Ly có dịp giải thích vì sao Ly viết như vậy. Còn nếu không được nữa, thì… cho Ly xin lại bài.”
Và cũng là định mệnh, Ly viết bài cho các báo giấy, báo “ảo”. Ý tứ đã đầy. Mỗi lần muốn viết bài chỉ việc ngồi vào máy computer, gõ… và gõ. Chỉ cần có chút thì giờ. Và có lẽ vì gõ nhiều, viết ít, Ly mắc phải “chứng bệnh thời đại”: chữ viết xấu đi nhiều. Thế nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch mà từ nhỏ Ly bắt mình tuân thủ: đó là viết cho đúng chính tả. Sửa chữ bằng bàn phím computer quá dễ dàng. Ly làm “cô cò” cho chính mình. Và Ly sẵn sàng làm “cô cò” miễn phí cho những bạn yêu tiếng Việt. Vì mình cũng yêu tiếng Việt. Nhiều khi Ly đang làm việc bỗng có một bức email gửi đến: “Chị Ly ơi, suôn sẻ hay suông sẻ?” rồi “Chị Ly ơi, bươn chải hay bương chải?” “Tàn cây hay tàng cây?” Đọc mà giật mình vì phải mở tự điển Việt ra kiểm lại trí nhớ trước khi trả lời; hoặc “Chị Ly ơi, sao em thấy tờ báo kia in chữ khuếch trương thành khuyếch trương?” hoặc “Chị Ly ơi, tờ báo nọ in ngành thành nghành kìa chị!”, v.v… và v.v… Thường xuyên nghe “méc moi”! Nghĩ cũng vui.
Trời cũng bù trừ cho Ly, làm “cô cò” nhiều rồi nên có khi cũng nhờ người khác làm “cô cò” cho mình. Ly có cô em bạn văn ở xa, cô muốn “giành” làm người đầu tiên xem bài của Ly. Ly đồng ý, vả lại cũng thích có người hiểu mình góp ý cho mình. Thường thì cô em chỉ “bắt sâu” giùm nếu chẳng may có chữ nào Ly ngủ gật đánh máy sai. Chữ “bắt sâu” nghe thật dễ thương. Và nếu muốn biết mình có “bị bệnh sởi” nặng hay không thì nhờ cô em ghi mấy con sâu bằng mực màu đỏ, đương nhiên là “mực ảo”, không tốn tiền mua.
*
Dòng đời vẫn chảy. Đúng vậy! Ngày xưa có người “méc” truyện của mình được in ở Mỹ, bây giờ sang Mỹ rồi có người “méc” truyện mình được in ở Việt Nam. Nhưng lần này đúng là đáng ngạc nhiên. Người trong nước vẫn còn tha thiết với dòng văn học ngày xưa hay sao? Người “méc” đó cũng sốt sắng mua hai quyển sách gửi qua cho Ly. Lại hình bìa khác, nhưng khác hoàn toàn, không phải “chế”. Không sao! Mở ra xem bên trong. Mừng quá, hầu như văn được giữ nguyên. Nhưng đây rồi, có một vài câu, có lẽ đối với họ là “nhạy cảm”, đã được khéo léo cắt bỏ. Chỉ có tác giả mới biết câu nào đã bị cắt bỏ. Người đọc, nhất là người đọc mới, dĩ nhiên không thể biết. Qua bạn bè, Ly biết nhà xuất bản trong nước muốn liên lạc với Ly để bàn bạc sao đó. Nhưng thôi, Ly thấy chưa phải lúc. Dù biết họ cũng có lòng quý mến mình, nhưng Ly không muốn bài của mình bị cắt xén.
Có một vài lần hiếm hoi, khi gõ lại những bài đã đăng báo giấy ngày xưa để lưu trữ trong website, Ly đã phải sửa văn của mình. Bạn đọc nhận ra ngay vì họ đã đọc bài “gốc”, hỏi tại sao. Ly nói phải sửa thôi, vì nguyên tác có những chỗ không còn hợp ý mình nữa. Thí dụ trong một truyện ngắn, Ly tả cảnh cô giáo lớp Ba của mình bắt các bạn ngồi ở bàn đầu dẹp hết sách vở, dành mặt bàn cho cô bắt một bạn trai nằm lên, và cô đánh bạn bằng một cái cây dài. Đó là một cảnh có thật trong lớp học của Ly. Thầy cô giáo phạt học trò ư? Chuyện quá thường tình trong trường học ngày xưa. Nhưng đối với Ly đó là một cảnh khủng khiếp. Ly không muốn các bạn nhỏ bây giờ đọc và sợ hãi. Điều đó sẽ dẫn đến một hiệu ứng xấu. Thôi thì vẫn là phạt, nhưng tác giả đã… cho hình phạt nhẹ đi, đó là cô giáo bắt bạn trai xòe bàn tay ra, cô dùng thước đánh vào lòng bàn tay bạn, ngày xưa gọi là “khẻ tay”. Eo ơi! Nghĩ đến đó đã thấy đau quắn thịt, nhưng còn đỡ hơn biện pháp kia thật là vô nhân đạo. Ở xứ Mỹ không ai chấp nhận chuyện thầy cô giáo đánh học trò đâu! Sau khi nghe Ly giải thích, bạn đọc đồng ý, nhưng trách nhẹ một câu: “Chị làm em… hết hồn, tưởng trí nhớ của em “có vấn đề”, hóa ra là chị tự sửa văn của chị!”
*
Một ngày đẹp trời, Ly nhận được một email từ trong nước. Một nhà xuất bản đề nghị in lại vài tác phẩm của Ly. Lần này thật khó xử, vì họ viết thư trực tiếp cho mình. Làm sao đây? Đọc thư, thấy họ có thiện chí muốn giới thiệu đến độc giả những tác phẩm “ngày xưa”, và với phương tiện dễ dàng hiện giờ, còn có thể làm dưới dạng “ebook”. Và họ cũng đàng hoàng, chỉ thực hiện khi được sự đồng ý của tác giả. Họ còn viết: “Chúng tôi sẽ lo phần sửa morasse trước khi in.”Sửa morasse! Đây là công việc quá quen thuộc của mình ngày xưa. Chính là sửa bản in thử, gọi là “bản vỗ”, là bản “proof”. Sửa dăm ba lần, cho đến khi nào đúng chính tả thì thôi. Nghe lại chữ này cảm động quá! Muốn cám ơn họ quá!
Nhưng rồi Ly gõ vài dòng trả lời thư họ.
“Mến gửi quý anh chị,
Thật cảm động khi biết được thiện ý của quý anh chị muốn tái bản các tác phẩm của tôi ngày xưa. Nhưng khi “sửa morasse” thì chắc chắn là quý anh chị phải sửa cho đúng với từ ngữ và cách hành văn mới. Bởi thế hệ của chúng tôi thuộc về quá khứ, văn của chúng tôi có thể bây giờ nhiều người đọc không hiểu. Nhưng rất may mắn là đã có những người sưu tầm và thưởng thức. Họ hiểu. Và họ quý. Chúng tôi muốn họ thưởng thức nguyên mẫu như vậy.
Khi sống ở hải ngoại, ngoài việc hòa mình trong dòng sống của người bản xứ, chúng tôi còn ra sức bảo vệ tiếng Việt và chữ Việt. Tôi muốn nói ở đây là tiếng Việt và chữ Việt trong sáng. Và khi những chữ mà tôi dùng trong văn của tôi (vâng, tôi vốn đã chăm chút từng nét, từng lời) bị sửa khác đi, thí dụ “kỷ niệm” sẽ thành “kỉ niệm”, “bác sĩ” lại thành “bác sỹ”, “bảo đảm” thành “đảm bảo”, “đơn giản” thành “giản đơn”, “khai triển” thành “triển khai” v.v… thì chắc là tôi sẽ chịu không nổi.
Nếu những lời tôi viết đây có làm quý anh chị phiền lòng, tôi chân thành xin lỗi. Nhưng tôi xin quý anh chị hiểu cho rằng, tiếng Việt, chữ Việt mà chúng tôi đã được học, là thứ tiếng Việt và chữ Việt đẹp nhất đối với chúng tôi. Không những thế, chúng tôi phải giữ gìn, phải bảo vệ, phải chia sẻ với thế hệ sau này, chứ không để ai sửa thành một thứ tiếng Việt, chữ Việt khác.
Trân trọng.”
Rồi Ly ký tên, dĩ nhiên là “gõ” tên, và bấm nút “send”.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
No comments:
Post a Comment