Tuesday, June 7, 2016

Sỏi đá…


Phan

Tôi nói, “hôm nay rồng ghé nhà tôm” để chào đón ông bạn già tới chơi nhà với tôi. Đã mấy tuần phải đi làm thứ bảy, chủ nhật. Tuần này được nghỉ nên bắc nồi nấu tô canh ngót và gọi ông bạn già đến ăn cho vui. Tôi thích được ăn chung với những người am hiểu về ẩm thực để qua thực tế cầm đũa họ sẽ chỉ ra cho người nấu những thiếu sót, yếu kém… Dĩ nhiên là trên tinh thần góp ý xây dựng chứ không đả kích hay bài bác.

Và đã ăn cá thì phải có ớt tươi cho bớt tanh, phải có chung rượu lạt để khề khà kể chuyện đời xưa mới thú vị. Nhưng chỉ một chung thôi vì ông bạn già của tôi đã có tuổi, tôi đâu muốn ông gặp rắc rối với cảnh sát trên đường về…

Một chung thôi! Nhưng phải chai rượu “độc” nên ông kể chuyện lòng, “…Tôi chỉ biết ở Ấn độ có nhiều triết gia theo sách vở mà tôi đã đọc. Nhưng đôi khi tôi cũng nghĩ là ở đâu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu, ở đó có nhiều triết gia, bởi khi cuộc sống sung túc quá thì người ta – sẵn tâm lý thích hưởng thụ trong con người, đâu thèm suy nghĩ nữa mà thành triết gia… Rồi một truyện tiếu lâm nhưng có thật trên báo chí gần đây mà tôi đã đọc. Chuyện “đừng tưởng người Ấn độ nào cũng giỏi toán” Câu chuyện thuật lại việc dở khóc dở cười của một thanh niên Ấn độ, anh ta đi rước dâu thì bị cánh đàn ông bên nhà gái chất vấn. Câu hỏi rất dễ là 17 cộng với 4 là bao nhiêu? Thế mà anh ta trả lời là 23. Nhà gái quyết định hủy đám cưới, giữ cô dâu lại nhà chứ không gả cho anh nữa!

Người Ấn, với đủ thứ chuyện về dân tộc đông thứ nhì trên thế giới. Nhưng chỉ là chuyện tôi biết qua sách báo, nghe kể… Tôi có quen biết một người Ấn nào đâu mà biết họ thực sự ra sao? Giống người Việt ở những điểm nào và khác ở những điểm nào, v.v…

Thế rồi có một người Ấn được hãng tôi nhận vào làm việc. Công việc của tôi với bà ta có liên quan với nhau nên thường trò chuyện qua lại khi làm việc. Bà thăm hỏi tôi nhiều về quê hương Việt Nam của tôi nên tôi cũng thăm hỏi lại. Có lần tôi hỏi bà để thẩm định lại tin tức trên báo chí. Tôi cho bà biết trên báo mạng có bản tin về Ấn độ, đại khái là ở những khu nhà bình dân bên Ấn độ, trong nhà ở của họ không có nhà vệ sinh (toilet), mà cũng chẳng có nhà vệ sinh công cộng như cầu hầm, cầu cá bên Việt Nam quê tôi. Thì làm sao, có đúng không?

Báo nói, cánh đàn ông con trai bên Ấn độ tùy tiện phóng uế khi có nhu cầu, nhưng đàn bà con gái thì phải đợi chiều tối, họ rủ nhau đi chung ra những bãi đất còn trống, hay ruộng, rừng gì đó để giải quyết nhu cầu của cơ thể. Và họ thường bị cánh đàn ông tấn công tình dục, có thật không?

Bà ta có vẻ suy nghĩ nên chỉ trả lời tôi vắn tắt, “Đó là chuyện khủng khiếp nhất đối với tôi khi nhớ tới quê nhà…”

Rồi miếng bánh cho qua, viên kẹo cho lại. Tôi với bà như hai người bạn già nơi làm việc toàn người trẻ. Bà kể cả chuyện gia đình bà cho tôi nghe; kể chuyện con cái của bà cũng gần giống với một gia đình Việt nam là lớp trẻ đôi khi làm cho cha mẹ không được vui, nhưng cũng nhiều chuyện họ làm cho cha mẹ rất cảm động với lòng hiếu thảo của con cái…

Tôi dần quen với người đàn bà Ấn độ qua công việc và trò chuyện. Bà cũng chịu đựng đủ thứ áp lực từ cuộc sống và gia đình; bà cũng có những đêm không ngủ được vì lo âu, những đêm trằn trọc về người thân và quê cũ; những đêm đau nhức mình mẩy tới không ngủ được vì tuổi tác không thích nghi nhanh được với thay đổi mùa; bà cũng có những ngày rã rời tâm khảm khi hay tin một người bạn thân vừa lìa đời; bà gục ngã thực sự khi hay tin người tình đầu tiên của bà đã qua đời vì xì ke ma túy ở quê nhà… Bà cũng như tôi, hay chỉ những nỗi đau của người nhược tiểu giống nhau. Tôi còn rất nhiều chuyện để nói với bà. Chỉ mong ơn trên cho còn gặp nhau.

Nhưng bà khác tôi ở điểm tôi tình cờ ngộ ra ở tánh tình của bà là sự lạc quan bản chất. Bà hiểu rất rõ về những khó khăn của đời sống ở Mỹ, bà hiểu biết nhiều về tuổi tác và bệnh tật… Nhưng tất cả những điều không thuận lợi ấy chỉ là lẽ tất nhiên của đời sống. Bà chấp nhận cuộc sống không dễ dàng ấy bằng sự lạc quan để giẫm lên khó khăn, bước qua trở ngại, chứ không nặng lòng để tâm tư suốt ngày buồn bã như tôi.

Hôm nay bà chào từ giã tôi vì bà đã xin được việc làm khác có mức lương khá hơn công việc làm chung với tôi. Một người bạn mà khi chia tay đã biết là không bao giờ gặp lại. Lúc ấy, chẳng biết tình cảm tiềm ẩn nơi đâu trong mình bỗng ùa về cùng một lúc nên hai người cùng giang tay để ôm nhau một cái cho thật thân tình. Thật ra với người Mỹ, cái ôm bạn bè rất dễ dàng nên họ tự nhiên lắm; như cho cô Mỹ đen cái kẹo đúng lúc cô ta đang đói meo bụng, cô ta xúc động đến có thể rơi nước mắt thì cái ôm cảm ơn là chuyện quá nhỏ; giúp cô Mỹ trắng một việc dễ dàng với mình nhưng không dễ với cô ta thì cô ta ôm mình một cái thay lời cảm ơn – rất tự nhiên, rất dễ dàng; và rất dễ thương hơn là một người bạn đàn ông Mỹ, khi anh ta có việc làm tốt hơn, anh ta cũng ôm tôi một cái từ giã… rất đàn ông, vì không có tín hiệu “gay” nào hết!

Văn hóa ôm nhau thay lời cảm ơn, thay lời nói cùng hàm ý đối với người phương tây là chuyện đã trở thành tự nhiên trong đời sống. Nhưng với văn hóa phương đông (nam nữ thọ thọ bất tương thân). Thế mà tôi đã giang tay… cùng lúc với bà bạn người Ấn. Chúng tôi ôm nhau hết lòng. Tôi không còn thấy bà ấy nặng mùi cà ri như thường ngày làm tôi khó chịu. Tôi hiểu ra cái ôm không có nghĩa đơn thuần như tôi đã hiểu trong tâm thức Việt nam, mà cái ôm ở hải ngoại là một biểu hiện tình cảm thiêng liêng hơn động vật nên chỉ có ở con người. Đơn giản như vậy thôi.

Bà Ấn đi rồi. Tôi còn lại một mình nơi làm việc là chuyện thường tình. Nhưng sau cái ôm hiếm hoi để giã từ bà bạn vì cùng người châu Á ít ôm nhau để thể hiện tình cảm, nhất là bạn bè khác phái. Sao tôi lại ưa nhìn sang cái ghế bà thường ngồi làm việc! Rồi tôi tự gạt tôi là bà ấy đi xuống warehouse lấy đồ parts, hay đi restroom gì đó, một chút sẽ trở lại.

Tôi tự hiểu ra tính yếu hèn của mình là biết rõ sự thật nhưng không đủ can đảm để đối diện (đối đầu) với sự thật nên tự lừa dối mình. Tôi nhớ ra nhiều chuyện khác đã diễn ra trong đời tôi cũng tương tự như thế, như mẹ tôi mất rồi. Tôi không tin điều đó thì tôi là người tâm thần vì chính tôi là người làm đám tang cho mẹ tôi. Nhưng tôi vẫn không đủ can đảm để chấp nhận sự việc mẹ tôi bây giờ đã là người quá cố. Những chiều đi làm về, tôi vẫn ghé mua vài cái bánh cam mới chiên còn nóng giòn, ghé ngang nhà mẹ để thấy mẹ sung sướng ăn sự quan tâm của thằng con trai khi đã có gia đình, sống riêng, nhưng chiều đi làm về vẫn ghé thăm mẹ trước khi về nhà riêng với vợ con của nó. Mẹ tôi ăn sự quan tâm của tôi ở tuổi mẹ về già chứ mẹ chỉ thích bánh cam khi mẹ còn trẻ, thậm chí là khi mẹ tôi còn là một cô bé…

Tôi ngồi một mình nơi tôi đang làm việc. Tôi nhớ tới mẹ tôi đã mất lâu năm rồi; tôi nhớ tới vợ tôi… cũng không còn. Tôi nhớ tới những chiều tôi đi làm về sau khi mẹ tôi mất. Tôi về tới nhà với cái túi giấy đựng vài cái bánh cam đã yểu xùi! Vợ tôi vẫn chờ cơm, nhưng bao giờ cũng an ủi tôi, “Mẹ mất rồi! Đó là một điều đau buồn, nhưng anh không thể không chấp nhận đó là sự thật. Em chỉ sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của anh…”

Rồi những hôm tôi mua bánh cam cho mẹ nhưng xách về nhà mình vì mẹ đâu còn nữa. Anh biết không, vợ tôi ăn được hai chén cơm trong bữa cơm chiều. Nhưng những hôm tôi về muộn vì ghé mua bánh cam chiên giòn, rồi ghé nhà mẹ trước khi về nhà. Vợ tôi chỉ ăn một chén cơm… mẹ tụi nhỏ để dành bụng để sau bữa chiều, bà ấy thường rủ tôi ra chút vườn sau, ngồi đong đưa trên cái xích đu do tôi tự chế… vợ tôi ăn những cái bánh cam của tôi mua cho mẹ nhưng mẹ không còn nữa. Mẹ tụi nhỏ ăn ngon lành còn hơn mẹ tôi ăn tấm lòng của thằng con trai do bà sinh ra.

Tôi thấy mình trưởng thành hoang tưởng khi cưới vợ. Hồi con cái đã có bồ bịch nên cha già thông cảm này lánh mặt cho tụi nhỏ được tự nhiên chút đỉnh. Tôi cầm theo những trang nhật ký của người vợ đã quá cố. Tôi khóc mình tôi vì em ngán ăn nhất đời là bánh cam. Tình yêu nó vĩ đại hơn hết những gì người ta nghĩ ra được…

Tôi nhớ bà Ấn độ đã khóc thật thà như một người phụ nữ khả kính khi nghe tôi kể chuyện vợ tôi. Thế mà bà ấy… cũng đã đi rồi!

Đàn bà là nguyên nhân đau khổ của trần gian. Tôi tin điều ấy khi tôi thất tình một cô nàng nào đó khi còn trẻ; nhưng đàn bà là linh hồn tôi, sao vội bỏ tôi đi là vợ tôi; đàn bà là người ích kỷ, hẹp hòi trong mắt thế gian, sao trời không cho tôi trả ơn người đàn bà ban bố cho tôi quá nhiều… mà khi người ấy đi rồi tôi mới ngộ ra!

Bà Ấn…
Hôm tôi quá chén với bạn bè. Sáng đi làm trễ là chuyện không cần giải thích. Tôi giải thích với sếp dễ dàng. Nhưng không muốn. Tôi không bao giờ muốn nói dối bà Ấn vì tôi tự ý thức được bà ta đang thực hiện ý nguyện của một kẻ yếu hèn là tôi; một kẻ luôn nghĩ tốt cho đời, yêu thương và tha thứ… nhưng mãi hoài chưa bước qua được mình.

Tôi yêu bà ấy rồi sao mà không chịu nổi sự thiếu vắng bà ấy bên tôi? Không. Hoàn toàn không có tình yêu nào cả vì cái cảm xúc của tình yêu nó lạ thường mà tôi đã trải qua nên biết được. Biết bao bạn gái chung trường, nhưng sao khi tôi gặp nhà tôi, là người bạn gái như bao người bạn gái khác. Nhưng bà ấy khác trong nỗi nhớ, trong thao thức của tôi. Chúng tôi thành vợ chồng vì chính vợ tôi cũng nói thật là sau lần gặp nhau đầu tiên, bà ấy không thể quên tôi.

Bà Ấn vừa từ giã tôi. Người để lại cho tôi sự tiếc nuối nhỏ bé mà lớn lao khi tôi ngồi nghĩ – nhớ lại quan hệ. Ai cũng chê bai bà ta là một bà già hôi hám mùi cà ri. Có lẽ chỉ ông già hôi hám mùi nước mắm này hiểu được cái hôi hám của mình nên mới có thể gần gũi bà ta. Những thú vật có tư cách đều sống với thiên nhiên hoang dã…

Xin lỗi. Tôi miên man theo chung rượu độc của anh mất rồi! Nhưng tôi quả quyết với anh, người đàn bà Ấn độ mà tôi đang kể chuyện. Bà ấy không cho tôi cảm giác, cảm xúc gì đặc biệt về chuyện nam nữ. Nhưng bà ấy đã đi rồi thì tôi mới ngộ ra những điều lý thú mà bà đã để lại cho tôi, như lần tôi đi làm trễ mà không phải do đêm qua quá chén với bạn bè mới là oan, chỉ là một tai nạn giao thông trên đường làm tôi đi làm trễ giờ. Bà ta thăm hỏi tôi với sự lo lắng còn đọng trong ánh mắt, giọng nói khi thấy tôi có mặt. Tôi thì bực dọc khi nói ra lý do tôi đi làm trễ. Nhưng bà ấy hết lo lắng cho tôi trong tình bạn bè khi thấy tôi còn nguyên vẹn dù đi làm trễ. Người đàn bà tầm thường trong mắt tôi đã nói ra lời vĩ đại tới dường nào anh biết không, bà ấy nói với tôi, 

Khi bạn đi làm trễ vì một tai nạn giao thông trên đường đến hãng, đừng buồn bực cho sự trễ nãi của mình mà hãy cầu nguyện kẹt xe lâu hơn để có thời giờ cầu nguyện cho người bị tai nạn được mau bình phục.

Tôi cứ ngồi nhìn cái ghế trống khi bà Ần đã đi rồi. Cái ghế giống hệt những cái ghế ngồi khác mà tôi cũng đang ngồi trên một cái ghế tương tự. Người ngồi trên những cái ghế giống nhau nhưng suy nghĩ khác nhau. Suy nghĩ nào trên sự hàng loạt nhưng lắng đọng lại được mới là suy nghĩ. Cái ghế giống hệt những cái ghế khác nhưng là cái ghế bà Ấn đã ngồi nên nó có hoài mong chăng, tôi cũng không hiểu lắm! Tôi chỉ nhớ tới bà đã ngồi trên cái ghế đó và nói chuyện với tôi, 

khi còn trẻ, ai chẳng ngán, chán nản chuyện trường lớp. Nhưng khi chúng ta hiểu ra trên hành tinh này có hàng tỷ người mơ ước nhưng chưa được đến trường bao giờ. Tôi luôn hối tiếc việc có điều kiện mà không tận lực hết khả năng mình có khi được đến trường…”

Tôi nhớ bà Ấn da diết hơn khi nghĩ tới nỗi cô quạnh của bà, là điều tôi không hề nghĩ tới khi nghe bà nói, 

Lúc tôi thất vọng nhất về chuyện hôn nhân của tôi. Tôi không có lối thoát nào khác hơn là nghĩ tới những người chưa bao giờ biết yêu thương và được yêu thương là như thế nào. Tôi biến thù hận chồng tôi đã đi theo một người phụ nữ trẻ đẹp hơn tôi thành lời cảm ơn chân thành nhất mà tôi có được, “Cảm ơn anh đã cho tôi những hạnh phúc đã qua…” Tôi sống với những đứa con ngày càng hiểu và yêu mến mẹ nó hơn bình thường… là tội lỗi! Ông có hiểu không?”

Tôi thật sự không hiểu người đàn bà quái đản này. Nhưng tôi luôn cảm thấy bà ấy là thánh nhân chứ không phải ác quỷ từ đó. Bởi người từ chối công ơn là người có thánh tính. Đơn giản lắm!

Tôi nhớ bà qua cái ghế trống. Người đàn bà đã nói với tôi,

“Ông đừng bực dọc hãng ép ông làm quá nhiều giờ. Sao ông không vui vẻ làm thêm những giờ ngoài ý muốn để gởi khoản tiền kiếm được không cần thiết với ông nhưng rất quan trọng với những người chỉ cần có việc làm nhưng họ không có nổi một việc làm…”

Tôi nhớ bà qua cái ghế trống. “Sao ông luôn thấy cuộc sống này vô nghĩa, trong khi ông còn rất mạnh khỏe, minh mẫn, làm việc chính xác… sao ông không nghĩ tới những người bệnh tật, biết trước mình không còn sống được bao lâu nữa, và không còn cơ hội để làm việc nữa.”

Tôi nhớ bà qua cái ghế trống nhất là một lần tranh luận với nhau, bà nói với tôi bằng tình thân đã bước qua ranh giới chủng tộc, 

nếu ông cảm thấy khủng khiếp khi là nạn nhân của những trò đùa, những sự nhỏ mọn của người khác. Hãy nhớ điều tôi nói hôm nay với ông là đừng bao giờ ông trở thành những người đó!”
Bà ấy đi rồi. Những gì về bà ấy chỉ còn lại cái ghế trống. Nhưng công việc ở hãng xưởng mà, sẽ có một người khác ngồi vào cái ghế đó. Chỉ tôi đã mất đi một người bạn mà khi còn cơ hội gặp nhau thì tôi không biết quý…”

Ông bạn tôi như hòn sỏi từ khi quen biết! Điều tôi mới biết là hòn sỏi cũng có linh hồn, tình cảm của hòn sỏi mà chỉ có đá cuội mới hiểu. Tôi biết nấu canh ngót để ăn với bún là món dễ nuốt trong mùa hè, nhưng biết ra hương vị ở đời không hoàn toàn nằm trong ẩm thực. Đừng tham ăn cố uống để trở thành một cái máy xay xát thực phẩm và ngốn rượu bia.

Hương vị ở đời nằm rải rác muôn nơi; trong mọi chuyện đời nên sống biết hưởng thụ là biết lắng nghe những tiếng lòng của đất, gió, và bạn bè…

Phan

No comments:

Blog Archive