Người tính không bằng trời tính, mọi thứ trên đời đều đã có an bài. Con người đôi khi cứ truy cầu thật nhiều, tính toán chi li, nhưng cuối cùng lại chẳng được như ý muốn. Buông tâm xuống, sẽ phát hiện rằng, không cầu mà tự được.
Ở trong ngôi chùa cổ trên núi có một lão hòa thượng và đệ tử sinh sống. Hôm ấy, trong chùa không còn một chút dầu đèn nào, vì vậy vị lão hòa thượng bèn gọi tiểu hòa thượng lên và nói: “Con hãy cầm bát xuống dưới núi mua một chút dầu”.
Tiểu hòa thượng nghe xong liền vội vàng chạy xuống chân núi để mua dầu. Sau khi mua được dầu, tiểu hòa thượng cứ lo lắng mãi vì sợ đi đường sẽ làm đổ ra hết, nên đã cẩn thận từng li từng tí, chỉ để tâm vào việc bưng bát dầu đi mà không chú ý nhiều đến con đường. Kết quả, khi về đến chùa thì bát dầu đã vơi mất hơn một nửa.
Lão hòa thượng lắc đầu nói: “Con hãy xuống núi mua lại một lần nữa đi”.
Tiểu hòa thượng trên mặt lộ rõ vẻ buồn rầu và chán nản, thầm nghĩ: “Đường đi gập ghềnh như vậy, mình đã để tâm vào bát dầu mà vẫn bị sóng ra ngoài hết. Thật không biết phải làm sao đây?”
Lão hòa thượng nhìn vẻ mặt của tiểu đệ tử, trong lòng hiểu rõ băn khoăn của cậu ta, liền nói: “Lần này con hãy chỉ để ý đường đi, đừng để tâm vào việc lo sợ dầu sóng ra ngoài”.
Kết quả, lần này tiểu hòa thượng đã thành công, mang về chùa nguyên một bát dầu không bị vơi đi chút nào.
Câu chuyện nói cho chúng ta biết một đạo lý: “Vô cầu nhi tự đắc” (Không cầu mà tự được). Khi chúng ta có tâm lo lắng được mất thì trong lòng chẳng những mệt mỏi mà hiệu quả thu được cũng sẽ không tốt. Trái lại, khi ta có thể “cầm được và buông được” thì mọi chuyện mới có thể giải quyết được êm xuôi.
“Không cầu mà tự được” là gì?
Trong các mối quan hệ, chỉ có “không cầu” thì mới không màng hồi báo, không oán hận. Trong các cuộc gặp gỡ, chỉ có “không cầu” thì mới không để tâm đến “được và mất”, mới sống được thoải mái và tự tại. “Không cầu” là một loại tu dưỡng, một loại cảnh giới cao của người trí huệ.
“Không cầu mà tự được” là có ý muốn nói rằng: Khi người ta có tâm chấp nhất vào sự vật sự việc thì sẽ sinh ra lo lắng mà nhìn không rõ được bản chất của vấn đề. Còn khi trong tâm cảm thấy thoải mái, con người mới có thể “trổ hết tài năng” mà nhìn thấu sự tình, đồng thời cũng minh bạch được hướng mà mình nên đi.
“Không cầu mà tự được” còn có một tầng ý nghĩa nữa, đó là “người tính không bằng trời tính!”. Đôi khi con người dồn hết tâm trí vào cố gắng truy cầu nhưng lại không hoàn toàn được như ý muốn, bởi mọi thứ trên đời đều đã có an bài của nó. Có câu nói: “Cố tình trồng hoa, hoa không nở. Vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”, đây mới là thuận theo tự nhiên và vận mệnh đã định.
Người xưa viết: “Ở trong phòng gõ chuông, tiếng vang có thể truyền vọng ra bên ngoài. Con hạc kêu trong đầm nước sâu, âm thanh của nó truyền đến tận không trung”. Cho nên, nếu có thể nỗ lực đặt tâm tu dưỡng tâm tính và thân thể thì sao còn sợ không có được vinh quang?
Sách cổ cũng viết: “Trời không bởi vì con người sợ lạnh mà bỏ đi mùa đông. Đất không bởi vì con người chán ghét hiểm trở mà thôi không rộng lớn. Người quân tử không bởi vì kẻ tiểu nhân mà thay đổi phẩm hạnh của mình”. Cho nên, cưỡng cầu cũng khó được, sống thuận theo tự nhiên, “không cầu mà tự được”!
Theo Daikynguyen
Sách cổ cũng viết: “Trời không bởi vì con người sợ lạnh mà bỏ đi mùa đông. Đất không bởi vì con người chán ghét hiểm trở mà thôi không rộng lớn. Người quân tử không bởi vì kẻ tiểu nhân mà thay đổi phẩm hạnh của mình”. Cho nên, cưỡng cầu cũng khó được, sống thuận theo tự nhiên, “không cầu mà tự được”!
Theo Daikynguyen
No comments:
Post a Comment