Nợ Hay Duyên!
letamanh
Lấy được vợ người Ninh Hòa cũng là một chuyện kỳ tích! Nói như vậy không phải con gái xứ Ninh có cái gì đặc biệt, khác với những cô nàng xứ khác. Nhưng vô tình mình bị mắc bẫy, chui vào rồi không ra được nữa. Mà cái bẫy làm ta dính với xứ Ninh không phải là do các cô giăng ra, dụ ta vào rồi cho sập cổng, mà là vì trời xui đất khiến, một ngày đẹp trời đi lạc vào “xứ nem”. Có lẽ mùi nem nướng, nem chua, chỉ một vài lần dính vào, nó đã biến ta thành con ruồi bị nạn. Kể từ đó, thân phận của ta gắn bó với xứ nem bởi lưới tình, mà chị nhện khéo nấu ăn nầy đã bó chân ta đến suốt cả cuộc đời!
Chuyện là như thế nầy, có một ngày đẹp trời nọ, sau khi thi đổ bằng “thành chung”, anh chàng con nhà “địa chủ” xứ dừa Tam Quan làm một chuyến “du lịch” miền cát trắng Nha Thành. Trước vẽ đẹp thiên nhiên và thành phố biển mộng mơ đầy hấp dẫn; anh chàng thư sinh mê mệt không thể nào muốn rời xa. Sau đó anh ta tìm cách xin vào học, chỉ cốt thỏa tính lảng mạn, yêu thiên nhiên và cái đẹp độc đáo của thành phố biển. Xứ Tam quan cũng có một bờ cát trắng phau, rừng dương mát rợi… Nhưng thường là “bụt trong nhà không thiên” nên mới có chuyện người xứ “Nẫu” bợ cô vợ xứ nổi tiếng “Cọp Khánh Hòa”!
Nếu dài dòng văn tự về Nha Trang, thì ta chỉ quẩn quanh một thành phố biển có sức thu hút chàng trai mang trong mình con vi trùng lảng tử. Nhưng vì muốn nêu bật cái dị biệt, quả thật rất dị biệt, ở một mảnh đất nhỏ cách xa Nha Trang hơn ba chục cây số về hướng Bắc; vừa trầm lắng, vừa thu hút: Đó là thành phố Ninh Hòa.
Lần đầu tiên tôi đến Ninh Hòa vào một trưa nắng nóng kinh người. Lúc đó, tôi đang vừa học vừa làm thầy dạy kèm cho ba nhóc tì. Nhà ở khoảng góc đường Hoàng Tử Cảnh và Hai Chùa. Dạy kèm ba nhóc lớp ba, lớp nhì và nhất – Sau nầy đổi là lớp ba, bốn và năm – ăn ở luôn nhà người ta, khỏi tốn tiền là khoái lắm rồi. Vì lần đầu vào học Nha Trang, nên lòng bồn chồn không yên. Tôi bèn từ giả quê, vào sớm hơn nửa tháng, mục đích làm quen với người mới, đất mới, lòng vòng từ Xóm Cồn đến Cầu Đá, Chùa Tỉnh Hội đến Thành... Một ngày đẹp trời, ông chủ nhà nhờ tôi ra Vạn Giả mướn một người giúp việc. Trước khi lên xe, ông vẽ một bản đồ và cách thức đi xe gì, đến nơi nào thì xuống, chổ nào quẹo…
Mang tiếng sẽ là học trò trường Vỏ Tánh mà chưa biết mô tê những vùng lân cận chung quanh Nha Trang, măc dầu một vài lần tự đạp xe vòng hết chổ này đến nơi khác; giống như kẻ “cởi ngựa xem hoa”. Thế cho nên khi đến bến xe, cạnh trường Văn Hóa, gần cầu Hà Ra, tôi ngồi lộn xe lambretta lên Thành. Khi gần đến chùa Tỉnh Hội, chổ đường Phương Sài, tôi mới phát giác là mình lộn xe, lộn đường… lộn hướng! Vội năn nĩ bác tài, xuống xe, trở ngược về bến củ, lần nầy tôi cẩn thận xem bảng chữ trên thành xe. Xe đi ra Vạn Giả không có, chỉ có xe đến Ninh Hòa. Từ Ninh Hòa lại phải lên xe lambretta ra Vạn Giả. Thời gian khoảng những năm 1960, hình như những chiếc xe chạy đường Nha Trang Ninh Hòa thời đó là loại xe Bờ rô (cùng loại xe Phi Long – Tiến Lực chạy đường miền Trung thời 1950-1960) trông cũng dễ coi…
Xe lên đèo Rù Rì với con đường uốn quanh, ngoằn nghèo rất ư là nguy hiểm. Gần đến đỉnh đèo là một cái am nghi ngút khói. Xe dừng lại thắp nhang rồi mới chạy tiếp. Tôi say mê ló đầu ra ngoài, ngó hết cảnh nầy đến cảnh nọ thoắt biến thoắt hiện trước mắt mà không thấy chán! Nhiều chặng bác tài dừng lại cho khách xuống, rước khách lên với tiếng la của anh lơ xe. Khách và hàng hóa chen với nhau cũng thấy vui vui.
Phía trước hai hàng ghế tôi ngồi có bốn thanh niên, khoảng tuổi với tôi, họ đang say sưa kể chuyện phim. Trong không gian hổn tạp, gió bên ngoài đập vào tai vù vù, tiếng mấy bà buôn cá nói về phiên chợ của họ… thì câu chuyện phim lọt vào tai tôi là hấp dẫn nhất! Mấy thanh niên tranh nhau kể về cuốn phim họ đã xem ở rạp Tân Tân trên đường Độc Lập Nha Trang. Họ hăng say tranh nhau kể lại quang cảnh hùng tráng và bi thương trong phim Samson-Dalila:
- Tao khoái anh chàng Samson với sức mạnh vô địch làm cho toàn thể thành quách và kẻ thù bị chôn vùi. Tao mà được như vậy thì tao sẽ…
- Tao thì khác, thương cho nàng Dalila, vì bị mê hoặc, bị mua chuộc hại người mình yêu, để rồi cuối cùng là một thảm họa…
- Không! Nàng không yêu, nàng là con đĩ ngựa!
- Mầy nói quá đáng, đây là một thương tâm lịch sử, thời xưa cũng như thời bây giờ và mãi mãi về sau nầy, đàn ông chúng ta lúc nào cũng lụy vì tình và kẻ thù lúc nào cũng lợi dụng vào chổ yếu đó mà đánh thắng. Trong bài giảng của thầy Đức về lời khuyên của nàng Kiều, nàng bị Hồ Tôn Hiến dụ dổ, vẽ ra cho nàng tương lai tốt đẹp nếu khuyên được Từ Hải ra hàng. Từ Hải vì yêu, nghe lời nàng mà chết đứng. Câu chuyện nầy đâu có khác gì với Samson!
- Mầy phân tích hay lắm. Đây là chuyện thần thoại trong kinh Cựu Ước, nó cũng là bài học quý giá vô cùng thương tâm mà mình phải suy nghĩ… Samson hai lần yêu là hai lần lầm lở, để cuối cùng phải chết vì đôi mắt giai nhân và những lời ngon ngọt…
- Thôi mày ơi! Cái giọng thầy đời của mầy coi chừng tự mình cột mình. Mầy mê con Phương Nga kiểu đó có ngày nó cho mầy leo cây chết còn thảm hơn Samson…
Câu chuyện của bốn gả thanh niên cứ thế lọt vào tai tôi, khiến tôi tò mò. À! Thì ra mình chưa xem phim nầy, thế nào cuối tuần cũng sẽ xem cho biết! Xe bò lên đèo Rọ Tượng. Tôi thôi chú ý câu chuyện phim, đảo mắt nhìn cảnh đẹp thiên nhiên. Hồi đó, Đèo Rọ Tượng cũng rất nguy hiểm, cũng cong queo, xe chạy chậm và khó tránh nhau nếu gặp xe ngược chiều. Buổi trưa hè nắng gắt nóng như lửa.Nhưng một quang cảnh thật đẹp, thật hấp dẫn phía dưới chân đèo Rọ Tượng. Đó là một làng chài lưới dọc theo bờ biển, phía xa, ghe mành và lưới rớ không khác gì ở quê Tam Quan của tôi. Tôi nghe một bà bán cá ngồi bên, dặn bác tài cho xuống ngã ba Tam Ích…
Quốc Lộ Số 1 hồi đó còn rất nhỏ hẹp, ngoằn nghoèo, cánh đồng lúa đứt khoảng giữa những thôn làng ven hai bên đường. Hàng dừa, hàng cau in đậm nét giữa màu xanh của những triền núi thấp xen với mái nhà tranh lụp xụp và lủy tre làng…Họa hoằng lắm mới thấy xuất hiện vài căn nhà ngói đỏ xa xa! Xe chạy chậm qua một ngôi trường, trông bề thế và khang trang, trên cổng trường mang tên “Trung Học Trần Bình Trọng”. Tôi nhướn người, thò đầu ra xem những tà áo dài trắng tung tăng, xen với áo trắng quần xanh trong giờ tan học. Tôi nhớ ngôi trường Tăng Bạt Hổ ở thành phố nhỏ Bồng Sơn. Sao nó giống quá ngôi trường Trần Bình Trọng ở Ninh Hòa! Có thể cách kiến trúc giống nhau, học trò bận đồng phục như nhau… hay vì những tàng dương xỉ xanh, những mái ngói màu đỏ làm tôi xao xuyến nhớ về ngôi trường mình mới vừa từ giả để tìm tương lai nơi quê người…
Mãi nhìn cảnh tan trường, mãi mơ mộng thì xe dừng lại, anh lơ la to: Ninh Hòa bà con ơi…” Thế là tôi cũng lật đật xuống xe. Lớ ngớ nhìn người ta lũ lượt gọi xích lô, lên xe lam đi Dục Mỹ… mà không thấy xe nào đi Vạn Giá! Ngó quanh thấy có một bà to béo ngồi bán bánh căn dưới gốc cây cổ thụ. Chung quanh bà là những ghế thấp sát đất kèm theo mấy cái bàn cũng thấp lè tè, khách ngồi chờ những dĩa bánh nóng, bà mập từ tốn giở vung bằng đất, lấy xĩa xúc bánh căn màu vàng ngậy vào dĩa trao cho từng khách đợi!
Tôi lò dò đến hỏi thăm:
- Thưa bà cho con hỏi thăm xe nào đi Vạn Giã!.
Không những chỉ có bà chủ bán bánh căn, mà hầu hết khách ngồi ăn cũng cùng loạt ngước nhìn tôi. Hóa ra là câu hỏi của tôi đã làm mọi người có mặt ngac nhiên. Có lẽ họ thấy một tên học trò khờ ở đâu xuất hiện hỏi một địa danh mà ở đây ai cũng biết đường đi nẽo về. Tôi ngó tôi và nhìn quanh xem mình có làm gì lạ hay ăn nói vô lễ với mọi người không; sao người ta nhìn mình giống như hiện tượng gì rất lạ, ở đâu hiện ra…
Thay vì bà bán bánh trả lời thì có một ông già ngồi bàn kế bên nhìn tôi lên tiếng:
- Chú em ở đâu đến phải không?
- Dạ! Cháu từ Nha Trang ra. Xin Bác cho cháu hỏi đường đến bến xe ra Vạn Giã!
- Sao chú em không ngồi xe đi luôn tới bến. Ở đó có xe Lam chở chú ra Vạn Giã mà xuống chỗ nầy?
- Dạ! Lần đầu con đến đây nên không biết đường.
- Thôi, lỡ rồi, hãy theo con đường nầy, qua khỏi cầu Dinh, đi một lúc là đến bến xe! ( Vừa nói ông vừa chỉ con đường tráng nhựa trước mặt và hướng qua ngã ba có cái bùng binh… ).
- Cảm ơn ông…
Trời trưa nóng quá, tôi nhìn những người qua đường và nhìn chính mình, mồ hôi ướt cả lưng. Vừa đói vừa khát nước, tôi đi theo hướng ông già chỉ vừa kiếm xem có quán nước hay tiệm ăn để tránh nóng và ăn trưa. Chổ bà bán bánh căn, dưới tàng cây cổ thụ, tuy không nắng nhưng không thể ngồi ở đó vừa hanh nắng vừa bụi xe mù trời.
Băng qua đường, dọc theo con phố có dáng giống như phố Bồng Sơn hay Tam Quan thời trước chiến tranh. Quang cảnh quen thuộc gần như ta không thể nào phân biệt trừ cái tên Ninh Hòa mới toanh trong đầu. Băng qua ngã ba, chính giữa có vòng tròn bùng binh, giữa vòng bùng binh là trụ đèn. Bên góc là loạt công thự, trên cổng là tấm biển lớn: Quận Ninh Hòa. Nơi đây, bắt dầu quốc lộ nối liền miền đồng bằng vời xứ cao nguyên Ban mê Thuột mang tên là QL21.
Dọc theo hàng cây dông đồng tàng lá sum sê, là dãy phố có vẻ khang trang sầm uất kẻ qua người lại, kẻ mua người bán. Tôi bước vào quán ăn mang cái tên cũng ngộ, gây cho trí tưởng tượng tò mò của tôi. Cái tên Hương Giang nằm giữa thành phố nhỏ Ninh Hòa có đông người Hoa, làm tôi nghĩ đến món bún bò Huế!
Nhưng cái không gian và con người - thoáng ý nghĩ của tôi - trong tiệm ăn mang tên rất Việt Nam, tiếng Tàu và tiếng Việt xen nhau! Bên phải, kể từ bên ngoài vào là một nhóm người đang ngồi bàn luận về tình hình xe cộ tuyến đường Ninh Hòa Ban Mê Thuột! Tôi hiểu lơ mơ vì tiếng Việt đôi khi xen vào trong đối thoại bằng tiếng Trung Hoa.
Trong lúc ngồi chờ thức ăn ở một bàn nhỏ trong góc, tôi giật mình thấy bóng một cô gái áo dài trắng thướt tha, mái tóc ngang vai, tay ôm cặp học trò tung tăng chạy thẳng vào trong tiệm. Có thể cô ta học trường Trần Bình Trọng. Không biết cô ta Tàu hay Việt đây, chắc là con chủ tiệm …Tôi đang lơ tơ mơ suy nghĩ thì chính cô ta, trong bộ quần áo ngắn gọn gàng, bưng thức ăn ra để trước mặt tôi. Cô bé độ tuổi mười lăm, em còn rất hồn nhiên, rất… học trò, nói chuyện với những người chung quanh bằng tiếng Việt chứ không phải Tàu như tôi nghĩ!
Ăn xong đĩa cơm sườn, uống ly chanh đá, tôi vội vàng thả bộ dọc theo đường Trần Quý Cáp – Hồi đó cũng là QL1 – để tìm đến bến xe! Tôi có cảm giác lạ khi đi trong lòng phố Ninh Hòa, dọc theo hai bên đường không khác phố Bồng Sơn hay Tam Quan; giống nhau một cách lạ lùng. Tiệm thuốc Bắc, tiệm chạp phô, tiệm ăn, tiệm sửa xe… Tất cả bản hiệu đều mang hai hàng chữ Tàu và Việt. Nhưng ở Ninh Hòa bảng hiệu tiếng Tàu nhiều hơn, cách sinh hoạt Tàu hơn. Ở Tam Quan cũng có chùa Ông, chùa Bà… màu sắc và kiến trúc giống y không khác gì cảnh tôi đang thấy! Cầu bắt qua sông Dinh cũng rất giống cầu Nghị Trân ở phố Tam Quan! Nó chỉ khác nhau là nước ở đây ngọt, nước dưới cầu phố Tam Quan thì mặn.
Lần đầu tiên biết Ninh Hòa chỉ có thế, những hình ảnh lướt qua giống như mình trở về với xứ quê hương của mình. Trong tiềm thức về những lúc đứng trên cầu Nghị Trân nhãy xuống làn nước trong veo hay những khi chèo thuyền đầy những trái dừa, chui qua cầu, đem về sản xuất dầu dừa thời chiến tranh chống Pháp! Nhìn làn nước xanh phía dưới cầu Dinh tôi tưởng như mình đang đứng ở phố Tam Quan…
oOo
Bốn tháng sau, lần thứ hai tôi đến Ninh Hòa là một buổi chiều thứ bảy với thằng bạn học cùng lớp. Bạn cùng lớp Đệ Tam B3 Vỏ Tánh, người Ninh Hòa rất nhiều, nhưng tôi chơi với thằng H, vì nó ngồi bên cạnh và cùng thích đàn hát. Nó còn có sở trường môn thể thao và rất xuất sắc vũ cầu. H có thân hình to cao, ăn mặc chải chuốt. Thời đó mà nó đã biết làm điệu bằng cách uốn tóc quăn, xịt dầu thơm, đi học bằng chiếc xe đạp thứ xịn…! H là một tay vợt có hạng, từng đoạt giải nhiều cuộc thi cấp tỉnh, cấp vùng về môn Vũ cầu thời bấy giờ!
Nhà H ở ngay phía Nam Cầu Dinh, Nhà Sách Trung Thành. Đến Ninh Hòa, xuống xe, hai đứa đi bộ dọc theo con phố có cái tên rất ư là Việt Nam. Đó là đường Trần Quý Cáp. Nhưng hai bên đường, nhà lầu, nhà trệt, cửa hiệu san sát, đa số là người Hoa, bảng hiệu chữ Hoa. Tôi có cảm giác mình đang lạc vào một thành phố đâu đó bên Tàu hay là đang đứng trong lòng phố Chợ Lớn. Thằng bạn tôi chào hết người nầy đến người khác bằng tiếng Hoa. Tôi nghe người ta gọi nó là A Dzìn rồi xí xô xì xà giới thiệu tôi… Trong thời gian tôi ở chơi Ninh Hòa, được có cái tên là A Dzũng!
Buổi trưa tôi được ăn cơm với đại gia đình A Dzìn. Sở dĩ tôi nói là đại gia đình vì nhà đông anh chị em. Bửa cơm mạnh ai nấy đến nồi bới! Đây là tập tục của người Tàu mà tôi có dịp được học hỏi. Tục người Việt là người ngồi gần nồi cơm, phải bới cơm cho những người ngồi xa…Gia đình A Dzìn hiếu khách nên tôi cũng chóng hòa nhập.
Tôi cũng có dịp nhãy xuống dòng sông, bơi lội phía dưới cầu xi măng mang tên Cầu Dinh. A Dzìn vừa bơi bên cạnh tôi, vừa kể cho tôi nghe những chuyện ma trong khu vực… thế nhưng tôi chỉ nghĩ là cậu ta dọa nhát thử sức tôi mà thôi! Chẳng là tôi đang rũ rê H vào sinh hoạt Tráng Đoàn; Trước khi gia nhập, hắn cố tình thử xem Hướng Đạo có can đảm không! Khung cảnh bờ sông, bụi cây, lòng chảo… phía dưới cầu cũng có vẻ sầm uất ma quái lắm…
Chúng tôi đi loanh quanh khu phố chợ đầy hàng quán. Những con dường nhỏ, có chiếc cầu gổ. cảnh chợ tấp nập không kém gì những nơi phồn hoa ở Sai Gòn –Chợ Lớn. Tiếng Hoa, tiếng Việt hòa nhau thành những âm thanh đặc biệt.. phố Tàu!
A Dzìn dắt tôi vào lồng chợ, kéo tôi ngồi xuống hàng nem. Mùi thơm thịt nướng, mùi khói với những tiếng líu lo xung quanh. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức món nem đặc biệt Ninh Hòa. Trước hết là những gói nem chua rất đep. Bên trong lá chuối, một lớp lá chùm ruột, bọc kín viên nem lớn hơn ngón tay cái, cuộn tròn giống như con tằm nằm trong kén. Ăn cả lá chùm ruột với nem, nhai dòn rụm những sợi da heo xắt nhỏ, cắn một chút tỏi…cay quá, khà một cái! Có lẽ là lần đầu thưởng thức món lạ miệng nên tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Bà Tửu, người ngồi bên bếp than hồng, nướng những que thịt gọi là nem nướng; Mùi thơm bốc lên của thịt và mở cháy, mùi nước xốt sền sệt màu gạch cua… làm nước miếng ứa ra. Hai tay bà thoăn thoắt, trước mặt hai đứa tôi là một đĩa toàn những cuốn nem vừa ra lò đầy nghệ thuật. Bánh tráng, rau thơm, khế, chuối chát, dưa leo, chả ram, mấy cục nem nướng… cuốn lại thật tròn. Cầm lên một cuốn, chấm với nước xốt pha ớt tương… rồi hã to miệng, ngoạm một miếng. Ôi! Lúc đó Thiên Lôi cầm búa đứng bên cũng chẳng thấy!...
oOo
Tưởng chỉ có như vậy là chấm hết! Nhưng số phận không cho câu chuyện chấm hết, nên tôi lại phải kể thêm về Ninh Hòa! Thằng bạn tôi, năm học Đệ Nhị, quen với một nữ sinh lớp Đệ Tam, nhà ở Xóm Bóng, trước Tháp Bà Nha Trang. Thời bấy giờ, con đường từ khu Phước Hải, đạp xe qua Xóm Bóng; phải vượt qua cầu Hà Ra và một đoạn đường đến cầu Bóng không người ở, toàn rừng cây bần cây đước. Anh chàng sợ bất trắc nên muốn rủ tôi đi cùng. Nhưng nếu không có gì hấp dẫn thì có lẽ tôi đã từ chối. Đàng nầy sau lời yêu cầu, tôi lại thích thú theo hắn… qua sông!
Ngày đầu tiên hai đứa tôi đạp xe từ phố Nha Trang qua Xóm Bóng là một tối thứ năm. Nhà cô bạn gái của H nằm trong con hẻm ngay trước Tháp Bà. Buổi tối vừa bắt đầu, cảnh Tháp bà dưới ánh trăng mười ba thật nên thơ… Tôi hào hứng theo chân H dắt xe vào con hẻm. Căn nhà ngói bề thế, có vườn và hàng dừa trỉu trái, có lan can ngồi ngắm trăng bên giếng nước… rất tình!
H giới thiệu tôi với cô bạn gái và một nữ sinh Ninh Hòa ở trọ. Cô bạn gái của H có mái tóc xỏa dài ngang lưng, đứng bên là cô bé có đôi mắt to tròn nhìn tôi mĩm cười! Thoạt gặp nàng, tôi giật mình lục tìm trí nhớ, hình như tôi đã gặp ở đâu đó một lần. Cái dáng nho nhỏ, xinh xinh, mái tóc xõa bờ vai… À! Chính là cô nữ sinh đã đem thức ăn cho tôi trong tiệm Hương Giang ngày nào! A Dzìn đem tôi theo, cố tình giới thiệu tôi với cô bé mới mười lăm tuổi, vào trọ học Đệ Tam. Năm đầu tiên xa mẹ trông cô giống như con nai vàng ngơ ngác giữa… rừng thu!
Rồi ngày tháng dần trôi, cô bé thành phố “Tàu” Ninh Hòa” ngày nào trở thành cô “vợ yêu dấu”, theo tôi suốt những chiến trường xa sau năm năm quen biết. Nàng đã trải bao thử thách cuộc đời khi tôi ngồi tù từ Nam ra Bắc với ba đứa con thơ! H và cô gái Xóm Bóng rồi cũng dắt nhau lên đỉnh tình yêu. H – a Dzìn – và tôi cùng vào khóa 26 SQTB Thủ Đức, cùng đóng quân ở Pleiku, cùng ở tù… sau cùng hai cặp bài trùng cùng định cư ở xứ Cờ Hoa và cũng dung giăng dung dẻ với nhau như thuở còn là học trò!
Bây giờ trong các diễn đàn của Ninh-hòa.com, songdinh.com, Binhhoa.com… và Hội Ninh Hòa Dục Mỹ… Bốn chúng tôi đều có mặt! Xứ Ninh quả thật là một địa danh thần kỳ đầy kỷ niệm của tôi. Nơi ấy cũng đã cho tôi một người bạn đời và những đứa con trong tình yêu toàn mỹ. Cảm ơn Ninh Hòa!
letamanh
No comments:
Post a Comment