Tuesday, June 28, 2016

Mối nguy lão hóa của nước Nhật


Nguyễn Thơ Sinh
Bất hiếu là gì trong suy nghĩ của mỗi chúng ta? Theo Mạnh Tử có ba điều bất hiếu được ông đề cập đến (nguyên văn Hán tự): 
A ý khúc tòng, hãm thân bất nghĩa, nhất bất hiếu dã. Lương cùng thân lão, bất vi lộc sĩ, nhị bất hiếu dã. Bất thú vô tử, tuyệt tổ tiên tự, tam bất hiếu dã. Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại. 
Trong đó người Việt mình thường hay nói đến nhiều nhất là “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Tức trong ba điều bất hiếu, không sinh được con nối dõi tông đường là điều đại bất hiếu lớn nhất.
Nói thế để thấy rõ vai trò trách nhiệm sinh con nối dõi đối với người xưa rất quan trọng. Không bàn cãi Mạnh Tử đúng sai. Không chày cối về bản thân khái niệm chữ hiếu bởi bản thân nó là một khái niệm rất rộng. Có ý kiến cho rằng chữ hiếu thay đổi tùy thuộc hoàn cảnh văn hóa lịch sử. Có người cho rằng phận làm con giữ đạo hiếu phải đối xử với cha mẹ với những phép tắc lễ nghi tối thiểu. Hiếu lúc cha mẹ còn sống. Hiếu lúc họ qua đời. Nên gần như chuyện sống chữ hiếu như thế nào cho phải đạo cuối cùng trở thành chuyện rất cá nhân và riêng tư. Trong đó chưa hẳn cứ phải có con nối dõi mới là có hiếu. Nhưng xét về mặt xã hội học, có con là một trách nhiệm!
Có nhất thiết cần phải như vậy hay không? Nhiều người sẽ cãi lại. Họ cho rằng sinh con là một lựa chọn của thời đại mới hôm nay chứ không phải một trách nhiệm. Chuyện này đúng sai khó phân thắng bại. Tuy nhiên cố tình không sinh con để cân bằng xã hội khiến không ít người áy náy vì thấy nó ích kỷ thế nào ấy. Nhưng nếu nhìn kỹ lại, nhiều người ngán ngẩm chuyện sinh con vì thấy môi trường xã hội thay đổi quá nhanh. Cuộc sống không còn hiền hòa như trước nữa. Nhiều người e ngại trách nhiệm. Nhiều người lo lắng về sự an toàn cho con cái. Thậm chí có người tự an ủi: Vì mình thương con nên mới không sinh chúng nó ra…
Nhưng nếu xã hội càng ngày càng đi theo xu hướng không muốn sinh con, chuyện gì sẽ xảy ra? Hệ quả đầu tiên là trẻ em sẽ ít dần đi. Xã hội sẽ lão hóa dần dần. Cuối cùng là cảnh người già sẽ nhiều hơn người trẻ. Cân bằng xã hội bị đảo lộn. Khái niệm trẻ cậy cha, già cậy con sẽ không thể đứng vững. Social security trên lý thuyết có khả năng sẽ biến mất. Vì không còn người trẻ đi làm để đóng thuế nuôi người già, xã hội cuối cùng sẽ đi đến những bước hủy diệt rất đáng quan ngại.
Khủng long diệt chủng vì một thiên thạch khổng lồ đâm sầm vào quả đất. Bụi khói mịt mù kéo dài nhiều tháng khiến cây cối mất khả năng quang hợp. Rừng chết. Khủng long chết. (Tạm cho giả thuyết này là thuyết phục). Còn con người đối diện với nguy cơ diệt chủng không ít. Có nhiều đe dọa quá. Phần nhiều do con người tự tạo ra. Bom nguyên tử (chết nhanh và chết hàng loạt). Ô nhiễm môi trường (chết dần chết mòn). Quyết định sống vô sinh không có con thực ra đang dẫn đến sự hủy diệt của loài người hiện nay chúng ta đang nhìn thấy tại một số xã hội lão hóa.
Nói đến xã hội lão hóa, có lẽ Nhật Bản là mô hình dẫn chứng khá cụ thể. Hiện tại chưa hẳn Nhật rơi vào tình trạng thực tế quá bi đát. Nhưng chuyện người trẻ rời bỏ nông thôn đến thành phố sống đã trở thành chuyện phổ biến. Kết quả là nhiều ngôi làng chỉ còn lại người già bám trụ lại nơi chôn nhau cắt rốn, nương tựa lẫn nhau. Nhiều làng gần hết người. Thế hệ người già còn sót lại nằm xuống thì làng sẽ thành làng ma.
Ví dụ như tại làng Nagoro, đến đây viếng cảnh, người ta sẽ thấy một hàng dài người nộm đang xếp hàng tại một trạm xe buýt bỏ hoang, đóng cửa vĩnh viễn vì không còn hoạt động. Thật đáng buồn. Cả làng chỉ còn lại 35 người. Trong đó người trẻ nhất đã 65 tuổi, tên Tsukimi Ayano. Bà còn có chút sức khỏe nên đã lặng lẽ âm thầm khâu vá những hình nộm cao lớn như kích cỡ người thật. Đó là những hình nộm của dân cư trong làng đã qua đời hay bỏ làng đi nơi khác. Ảm đạm thay, hiện giờ dân số những hình nộm ấy đã bắt đầu đông hơn dân số thực sự của làng Nagoro.
Dân chúng thế giới biết về người Nhật qua tinh thần thượng võ, về lòng nhân ái, về tính kỷ luật, và nếp sống rất có trật tự. Họ biết về một dân tộc Nhật vươn lên từ đổ nát sau Thế chiến II. Họ biết về nước Nhật với núi Phú Sĩ, với hoa đào, những bộ áo kimono, những võ sĩ sumo to béo dệnh dạng, rượu sake và món cá sống sushi, về nền bóng đá rất mạnh của Châu Á… Nhưng nếu ta nghe nói về một nước Nhật hiện nay đang có đến hơn 10.000 ngôi làng ma (ghost towns) đang từ từ mục nát, cảm giác của ta sẽ như thế nào? Thật khó tin. Và có phần đáng sợ nữa. Như thế, tương lai người Nhật sẽ đi về đâu nếu tình trạng này cứ tiếp diễn. Thực tế rất khó nói. Nhật là nước có dân số tuổi thọ (lão hóa cao nhất hành tinh) và là nước có tỷ lệ sinh thấp thứ hai trên thế giới.
Hậu quả là cứ mỗi 5 năm dân số Nhật sẽ mất đi một triệu người. Tỷ lệ này có đáng quan ngại không? Điều này chỉ có người Nhật chính gốc mới cảm nhận được. Với thế giới, đây chỉ là những con số, những thống kê mang tính chất thông tin không hơn không kém. Song với người Nhật, nếu không được can thiệp kịp thời, trong vòng 50 năm tới, dân số Nhật bản sẽ giảm đi 1/3 hay 33%. Nạn nhân giảm này sẽ trở thành một mối đe dọa khủng khiếp với người Nhật. Nó giống như một căn bệnh hậu sản mòn. Nó sẽ giết hại kinh tế Nhật bản một cách lặng lẽ âm thầm. Khuyến cáo này được Tổ chức Japanese Center for Economic Research công bố: (nguyên văn) the shadow of an economic collapse is creeping over Japanese society.
Làm gì bây giờ? Chính phủ Nhật dĩ nhiên đã phải đưa ra nhiều biện pháp can thiệp. Từ chuyện vận động giới thiệu các dịch vụ hẹn hò miễn phí cho đến những chính sách đãi ngộ (như nhà trẻ miễn phí) cho các cặp có con nhỏ nhưng xem ra những nỗ lực này không gặt hái được điều gì đáng kể.
Ngược lại chính phủ Nhật đang phải đối diện với những cáo buộc của các nhóm vận động ủng hộ quyền bình đẳng của phụ nữ. Theo họ chính phủ Nhật đang can thiệp một cách thô bạo vào quyền tự do sinh sản của người phụ nữ. Họ cho rằng những chính sách khuyến khích của chính phủ đang ảnh hưởng bất lợi đến quyền phá thai của phụ nữ. Kết quả nhiều đứa trẻ được sinh ra ngoài sự chào đón của bố mẹ. Thành ra những nỗ lực vận động của chính phủ nhằm cải thiện tình trạng chênh lệch tỷ lệ sinh/tử đã gặp phải những đối kháng bởi người trẻ thích sống thoải mái tiện nghi. Cần nhắc thêm tại Nhật mãi đến năm 1999 mới hợp pháp thuốc ngừa thai (và là nước thành viên của LHQ cuối cùng hợp pháp hóa thuốc tránh thai). Hiện tại phá thai ở Nhật là phạm pháp (trừ trường hợp hoàn cảnh kinh tế khó khăn). Dựa vào kẽ hở này, tại Nhật mỗi năm có khoảng 200.000 ca phá thai vì nguyên nhân kinh tế khó khăn.
Bác sĩ Yoshiko Onishi ở bệnh viện Parkside Hiroo Ladies Clinic của Tokyo cho biết luật ghi rõ: Chỉ cần bạn khai mình không đủ khả năng nuôi nấng một đứa trẻ là sẽ được phá thai. Tuy nhiên trên thực tế, tại đây người ta sẽ sẵn sàng thực hiện những ca phá thai khi sản phụ có nhu cầu. Hiện nay Quốc hội Nhật chuẩn bị đưa ra một đạo luật can thiệp. Nếu thành công, tình trạng phá thai một cách dễ dãi như hiện nay sẽ bị ngăn cản. Theo các nhóm bênh vực quyền lợi người phụ nữ thì đây là đạo luật coi phụ nữ Nhật chỉ là những công cụ sinh sản em bé chứ không đếm xỉa gì đến quyền muốn sinh con hay không của họ.
Nói tóm lại chính phủ Nhật muốn có thêm nhiều em bé. Nhưng điều này xem ra không dễ. Bởi lẽ ngoài giá phải trả cho việc nuôi dưỡng một đứa trẻ nên người rất cao, bố mẹ các em sẽ phải hy sinh một phần rất lớn khoảng thời gian hiếm hoi (vốn rất quý) liên tục bị xà xẻo bởi đời sống hiện đại (với biết bao thứ máy móc đang biến con người thành nô lệ của chúng).
Nghĩ đến chuyện nước Nhật chợt thấy có chút gì đó mâu thuẫn và đáng buồn. Nhiều nơi trên thế giới trẻ em sinh ra nhiều hơn mức kế hoạch. Tại đây các em bị bỏ đói. Thiếu ăn thiếu mặc, rách rưới và bệnh tật. Còn tại Nhật, nơi đâu phải là thiếu những điều kiện kinh tế. Nhưng người ta không muốn có thêm em bé và viện lý do kinh tế khó khăn để từ chối chuyện sinh con.
Liệu các chính sách khuyến khích di dân, bảo trợ ty nạn… có thể giúp gì cho nước Nhật? Mà thôi. Nghĩ chơi cho vui còn được. Thực tế đâu dễ dàng gì nên giải pháp nhập cư dân nước ngoài vào Nhật gần như bất ổn từ trứng nước.
Hay là Nhật nên đưa ra những kế hoạch đẩy mạnh khuyến khích sinh con có thưởng. Nhưng dân Nhật đâu có nghèo khổ về kinh tế. Sinh con là tự nguyện. Là kết quả của yêu thương chồng vợ. Chứ sinh con vì lợi ích kinh tế cứ thấy nó kỳ kỳ sao đó. Hơn nữa khuyến khích bao nhiêu mới đủ đây? Tính toán chi li, nuôi một đứa bé, nếu không vì tình thương yêu thì tiền cả đống chẳng mấy ai ham.
Còn giải pháp thụ tinh nhân tạo và nuôi cấy trẻ em trong các thiết bị tại những phòng thí nghiệm… Chuyện này càng không thể. Dù khả thi về mặt khoa học kỹ thuật nhưng trên phương diện đạo đức chẳng ai chấp nhận.
Còn giải pháp mở rộng và cải tổ luật lao động, cho phép nhập khẩu lao động trẻ từ các nước nghèo. Sau mấy năm làm việc có tư cách đạo đức hạnh kiểm tốt sẽ được cấp chứng nhận thường trú (như thẻ xanh của Mỹ). Rồi sau một thời gian nữa sẽ được nhập tịch. Nhưng đây cũng chỉ là chuyện giải quyết cái ngọn chứ không phải cái gốc. Nếu số ít còn chấp nhận được. Chứ xã hội có quá nhiều loại nhân công lao động kiểu này sẽ làm cho dân Nhật mất đi tính thuần chủng rất đặc trưng của mình.
Quay lại chuyện Mạnh Tử dạy người xưa về đạo hiếu là phải có con. Có lẽ ông chỉ nghĩ đến cái tôi rất ích kỷ, dòng họ phải có người nối dõi hương hỏa nhang đèn. Nhưng với bối cảnh đời sống xã hội hiện nay, không có trẻ em thì lấy đâu ra sức lao động phục vụ tầng lớp người già? Hay người Nhật nghĩ họ sẽ có đủ khả năng để chế tạo những thế hệ rô-bốt thông minh thay thế vai trò và vị trí của những đứa trẻ mà họ quyết định không sinh ra chúng hôm nay.

Nguyễn Thơ Sinh

No comments:

Blog Archive