Wednesday, June 29, 2016

Có ai còn nhớ cái… mọng dừa?


Đối với người dân được sinh ra ở miền Tây, cây dừa đã gắn bó với cuộc sống lao động của người dân quê tự bao đời. Biết bao món ăn lấy nguyên liệu từ trái dừa ta được lan truyền giới thiệu đến khắp bạn bè trong và ngoài nước. Còn đối với đám trẻ quê, cái mọng dừa (còn gọi là phổi dừa) đã gắn liền với biết bao kỷ niệm thân thương trên quê hương có tán dừa rợp bóng.
Co ai con nho cai… mong dua? - Anh 1
Không biết tự bao giờ, hình ảnh cây dừa đã ăn sâu vào trong tiềm thức đối với người bình dân miền Tây, dừa như một biểu trưng đặc biệt cho vùng đất và con người sinh sống ở nơi này. 

Thân dừa tuy không thể đóng đồ như nhiều loại gỗ quý khác nhưng có thể làm cột, làm kèo giúp người dựng nhà, dựng cửa. 

Lá dừa dùng để làm chổi quét nhà hay dùng để nhóm bếp, thổi lửa, nấu cơm. 

Trái dừa quê tuy mộc mạc nhưng thịt rất béo dùng làm nguyên liệu để chế biến thành những đặc sản đặc trưng của vùng quê miệt Cửu Long này.
Co ai con nho cai… mong dua? - Anh 2
Dừa lên tược càng cao thì mọng dừa càng lớn
Ai đã từng đến miền Tây, chắc hẳn không thể nào quên được vị ngọt của nước dừa ta, uống vào mà nghe mát rượi tận đáy lòng. Quả dừa cò có một bộ phận rất đặc biệt mà bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra ở miền Tây cũng đều biết, đó là cái mọng dừa. Khi trái dừa khô nảy mầm (còn gọi là lên mọng) thì bên trong sọ dừa có nổi lên một “u” tròn chính giữa có màu trắng hơi vàng. Thỉnh thoảng, bọn “con nít” chúng tôi ra vườn để lục tìm trái dừa nằm khuất trong đám cây, kẹt lá rồi mang về nhờ mẹ bổ ra lấy mọng mà ăn. Mọng dừa xôm xốp, ngọt ngon kích thích vị giác người dùng nhất là đối với lũ trẻ chúng tôi.
Co ai con nho cai… mong dua? - Anh 3
Cái mọng dừa tròn vo, ngon nhất là bằng quả trứng
Bất kỳ một trái dừa nào đến đúng thời điểm đều cho ra cái mọng nhỏ nhắn, xinh xinh. Thế nhưng, không phải lúc nào chúng tôi cũng được thưởng thức cái món quà đặc biệt mà trái dừa mang lại. Bởi, nếu dừa mới khô thì sẽ được mang đi bán, còn dừa dành làm giống thì lúc đó mọng dừa đã già đi và ăn sẽ mất ngon. Có chăng, đó là những trái dừa khô rụng xuống nơi kín đáo không được phát hiện, lâu ngày sẽ cho ra cái mọng tròn to, lúc đó chúng tôi ra vườn nhặt dừa bổ đôi lấy cái mọng để dùng.
Co ai con nho cai… mong dua? - Anh 4
Mọng dừa có mùi vị ngọt lành, ăn hoài mà không biết chán
Nhớ lại những ngày đói kém, những khi rảnh rỗi, bọn “con nít” chúng tôi thường tụm năm tụm ba đi đến các vườn dừa để tìm dừa khô bổ ra lấy mọng mà ăn. Mọng dừa bổ đôi có màu trắng tinh bắt mắt, ăn vào nghe ngọt mát biết chừng nào! Mọng dừa là kết tinh của vị ngọt nước dừa xen lẫn với cái vị béo của cơm dừa nên ăn ngon hết ý, khó có thứ quà nào có thể sánh kịp.
Thế rồi, dừa khô còn sót trong vườn cũng hết, chúng tôi bèn leo lên cây để hái dừa rồi giấu kỹ trong bụi cây hoặc chôn dừa xuống đất. Lâu lâu, lại đến những nơi ấy để lục lọi tìm lại những quả dừa “ăn trộm” rồi bổ mọng để ăn. Đã qua bao năm, tôi vẫn không sao quên được những lúc cùng chúng bạn ngồi dưới bóng dừa ăn mọng, tiếng cười nói xôn xao vang vang cả xóm.
Thời gian lặng lẽ trôi đi, cuộc sống cứ mãi xoay vần, đôi khi con người ta quên bẵng đi những điều gọi là kỷ niệm. Tôi cũng vậy, lớn lên đi học, đi làm, những ký ức về quê hương vô tình trôi mãi về quá khứ để giờ nhắc lại mà buồn đến nao lòng. Nhớ lắm mùi vị ngọt mát, thanh tao của cái mọng dừa giữa những trưa hè đầy nắng. Giọng đùa lao xao của đám trẻ quê mà giờ chắc chỉ còn lại trong miền ký ức xa xôi, thăm thẳm.

No comments:

Blog Archive