Tiểu Tử
Lẽ ra bữa nay bác sĩ Lê không nhận bịnh nhân vì là ngày nghỉ trong tuần của ông. Nhưng hôm qua, trong điện thoại, nghe giọng cầu khẩn của người bịnh ông không nỡ từ chối. Người đó – ông đoán là một cô gái còn trẻ – nói chuyện với ông bằng tiếng Mỹ. Cô ta hỏi ông nhiều lần:
- Có phải ông là bác sĩ Lee không ?
Tên ông là Lê. Cái tên Việt Nam đó ở xứ Mỹ này người ta viết là " Lee ", nên ông được gọi là " ông Lee " ( Li ).
Ông ôn tồn trả lời nhiều lần :
- Thưa cô, phải. Tôi là bác sĩ Lee đây.
- Phải bác sĩ Lee chuyên về châm cứu và bắt mạch hốt thuốc theo kiểu á đông không?
- Thưa cô phải.
- Có phải phòng mạch của bác sĩ ở đường Green Garden không ?
Bác sĩ Lê, đã ngoài sáu mươi tuổi, tánh rất điềm đạm, vậy mà cũng bắt đầu nghe bực ! Tuy nhiên, ông vẫn ôn tồn:
- Thưa cô phải. Xin cô cho biết cô cần gì ?
Giọng cô gái như reo lên :
- Vậy là đúng rồi ! Con Cathy bị bịnh suyễn nói bác sĩ chữa bịnh hay lắm. Cả nhà nó, kể luôn ba má ông bà nó đều đi bác sĩ hết.
Đến đây thì ông bác sĩ già đó không kềm được nữa, ông xẵng giọng :
- Cám ơn cô. Bây giờ xin dứt khoát cho tôi biết coi cô muốn cái gì ?
Giọng bên kia đầu dây như lắng xuống :
- Tôi xin lỗi bác sĩ. Xin lỗi. Tôi muốn xin bác sĩ cái hẹn cho ngày mai. Tôi bịnh…
- Mai là ngày nghỉ trong tuần, phòng mạch không có mở cửa. Ngày khác vậy.
- Ngày mai cũng là ngày nghỉ của tôi nữa, bác sĩ à.
- Cô đã bịnh thì cứ xin nghỉ để đi bác sĩ, ngày nào lại không được !
Một chút im lặng ở đầu dây bên kia rồi giọng người con gái bỗng nghe thật buồn :
- Họ đâu có cho nghỉ, bác sĩ. Họ nạt vô mặt :" Mầy muốn nghỉ thì mầy nghỉ luôn đi. Thiếu gì đứa muốn vào làm chỗ của mày. Mày biết không ?"
Giọng nói như nghẹn ngang ở đó, rồi tiếp :
- Không có việc làm là chết, bác sĩ à…
Ông bác sĩ già làm thinh, suy nghĩ. Đầu dây bên kia, cô gái van lơn :
- Xin bác sĩ thông cảm. Tôi sợ bịnh nặng hơn, không đi làm nổi nữa là mất việc. Xin bác sĩ thông cảm. Xin thông cảm.
- Ờ thôi, để tôi ráng giúp cô. Sáng mai, chín giờ. Phòng mạch của tôi ở số…
- Cám ơn bác sĩ. Cám ơn ! Con Cathy có chỉ phòng mạch của bác sĩ rồi.
- Xin lỗi. Cô tên gì ?
- Kim. K, I, M.
Bác sĩ Lê vừa ghi vào sổ hẹn vừa nghĩ :" Tội nghiệp ! Chắc lại đi làm lậu nên mới bị người ta hâm he như vậy. Theo cách phát âm thì cô này có vẻ là người á đông. Tên Kim chắc là Đại Hàn. Để mình phải phone lại cô Cathy hỏi cho chắc ý kẻo gặp thứ lưu manh thừa dịp ngày nghỉ không có cô phụ tá, nó 'su' mình thì khổ ! "
Đúng chín giờ, chuông cửa phòng mạch reo. Ông bác sĩ già bước ra mở cửa. Đứng trước mặt ông là một cô gái á đông còn trẻ, ăn mặc theo kiểu " punk " : quần áo có tua có tụi, tóc dựng đứng hỗn loạn như con gà xước, đeo nhiều vòng sên bằng bạc to như dây lòi tói, đầy cổ đầy hai cườm tay, mang cái xắc đỏ cũng có tua có tụi. Bác sĩ Lê, quá đỗi ngạc nhiên, chưa kịp hỏi gì, thì cô gái nói bằng tiếng Mỹ rất lưu loát :
- Chào bác sĩ. Tôi là Kim, bịnh nhân đã gọi điện thoại cho ông hôm qua. Tôi có làm cho bác sĩ chờ không ?
Bác sĩ Lê chưa hết ngạc nhiên, trả lời một cách máy móc :" Không ! Không !". Rồi ông bước tránh qua một bên :" Mời cô !"
Vào phòng mạch, ông đưa cho cô cái áo blouse trắng ngắn tay :
- Cô đến phía sau bình phong bỏ hết quần áo chỉ mặc quần lót thôi, rồi khoác ngược áo blouse này, lưng áo nằm về phía trước.
Trong lúc cô gái loay hoay làm theo lời dặn, ông bác sĩ già gọi phone về nhà, nói bằng tiếng Việt:
- Bịnh nhân của anh tới rồi, đang thay đồ. Chắc một giờ nữa là xong. Em đợi anh về rồi mình đi chợ.
Cô gái bỗng ló đầu ra khỏi bình phong mỉm cười nhìn ông, gương mặt thật rạng rỡ, định nói gì nhưng rồi không nói, thụt đầu vào tiếp tục cởi quần áo.
Một lúc sau cô ta bước ra, mắt ngời lên sung sướng, nói bằng tiếng Việt, giọng như reo lên :
- Bác sĩ là người Việt Nam mà con cứ tưởng là người Tàu ! Tên " Lee " nghe Tàu trân !
- Ủa ! Vậy mà tôi cứ nghĩ cô là người Đại Hàn chớ !
Rồi cả hai cùng cười, cái cười rất sảng khoái. Tình đồng hương trên đất khách bỗng thấy thật ấm, thật đầy…Ông bác sĩ già nhìn cô bịnh nhân trẻ mặc áo blouse trắng đứng trước mặt ông mà không còn thấy cô gái " punk" hồi nãy nữa !
Ông đưa cho cô cái dĩa, rồi vừa chỉ cái giường cao vừa nói :
- Cô cởi hết đồ nữ trang để vào đây, rồi lên nằm trên này để tôi chẩn mạch.
Cô gái làm theo như cái máy.
Phòng mạch được trang trí rất đơn sơ, nhưng thật yên tịnh. Trong không khí có mùi thơm dìu dịu của moxa ( ngải cứu, đốt lên để hơ huyệt ). Cái giường khám bịnh cao ngang tầm tay của bác sĩ. Ở một đầu giường có gắn thêm một vòng bằng da để chịu cái đầu của bịnh nhân, và khi bịnh nhân nằm sấp để châm cứu trên lưng thì mặt người bịnh nằm trọn trong vòng da. Như vậy, người bịnh không cảm thấy khó chịu nhờ khoảng trống ở giữa vòng da giúp người bịnh vẫn thở đều đặn và mắt được nhìn thoải mái xuống sàn nhà.
Bác sĩ đặt hai bàn tay lên cánh tay trần của cô gái, ôn tồn hỏi :
- Cô bịnh làm sao ? Nói tôi nghe.
- Con ngủ không được, đêm nào cũng trằn trọc tới khuya. Hay bị chóng mặt. Đang đứng làm việc, tự nhiên muốn sụm xuống làm sợ toát mồ hôi. Con lo quá, bác sĩ. Mất việc làm chắc con chết quá, bác sĩ !
Ông Lê bóp nhẹ cánh tay bịnh nhân :
- Cô yên tâm. Có tôi đây. Mà…cô có uống rượu không ?
- Không. Dạ thưa không.
- Cô có hút thuốc không ?
- Dạ thưa có. Hút cũng nhiều…
- Cô có xì ke ma túy gì không ? Nói thiệt tôi nghe.
- Mấy thứ đó con không dám rớ. Hồi ở bên nhà thằng anh con chết vì ba cái thứ ôn dịch đó, bác sĩ à. Vì vậy, con sợ lắm !
- Cô le lưỡi tôi coi.
- Ùm. Được rồi. Bây giờ cô nằm yên, để hai tay xuôi theo thân mình, nhắm mắt, thở đều đặn.
Ông bác sĩ già đứng cạnh giường đặt mấy đầu ngón tay lên cườm tay cô gái, chăm chú bắt mạch. Một lúc sau, ông bước vòng qua phía đối diện bắt mạch tay bên kia. Bộ mạch nói lên một sự rối loạn tâm thần. Cô gái này chất chứa quá nhiều ẩn ức nên sanh bịnh. Ông nhìn cô gái đang nhắm mắt thở đều: gương mặt Việt Nam đó, bỏ đi món tóc "punk", vẫn toát ra nét nhu mì dễ thương. Ông cảm thấy tội nghiệp cô bịnh nhân trẻ này và thắc mắc không biết hoàn cảnh nào đã đưa đẩy cô ta trôi qua xứ Mỹ để có một cuộc sống mà ông đoán là thật bấp bênh, qua cuộc nói chuyện trong điện thoại. Ông nói:
- Bây giờ, cô nằm sấp xuống để tôi châm trên lưng.
Cô gái mở choàng mắt nhìn ông, mỉm cười, một nụ cười đầy tin tưởng. Ông bác sĩ nói tiếp :
- Cô đừng sợ. Châm không có đau. Còn nhẹ hơn kiến cắn nữa.
Cô gái trở mình nằm sấp, hai vạt áo blouse rớt xuống hai bên, bày ra cái lưng thon thon với nước da ngà ngà. Theo thói quen, trước khi châm, bác sĩ vuốt lưng bịnh nhân vài lần để bịnh nhân đỡ bị stress. Lần này, khi vuốt xuống thắt lưng, ông để ý thấy dưới làn vải mỏng của quần lót có một vết bầm nằm vắt ngang phía trên của mông. Ngạc nhiên, ông hỏi:
- Cô bị ai đánh hay sao mà bầm vậy ?
Cô gái cười khúc khích :
- Bác sĩ coi đi !
Ông già kéo quần lót xuống một chút, thì ra không phải vết bầm mà là hàng chữ xâm màu chàm : Made In VietNam ! Ông bật cười, vừa kéo lưng quần lót lên vừa nói:
- Cha…Bạo quá há !
Cô gái hơi rút cổ cười khúc khích vài tiếng nữa rồi im. Chắc cô đang sống lại với một vài kỷ niệm nào đó. Ông bác sĩ già áp hai lòng bàn tay lên lưng bịnh nhân, nhưng bây giờ sao ông không còn thấy cười được nữa. Hàng chữ "Made In VietNam" nhắc cho ông rằng con người nằm đây là sản phẩm của quê hương ông, cái quê hương đã mấy chục năm xa cách, cái quê hương mà ở đó ông không còn ai để nhớ, nhưng ông còn quá nhiều thứ để nhớ. Những thứ cũng mang dấu ấn "Made In VietNam ", từ con trâu cái cày, từ mảnh ruộng vườn rau, từ hàng cau rặng dừa, từ con đường đất đỏ đến con rạch nhỏ uốn khúc quanh quanh…Chao ơi ! Bỗng nhiên sao mà nhớ thắc thẻo đến muốn trào nước mắt…
Ông bác sĩ vuốt lưng cô bịnh nhân thật chậm để cho niềm xúc động lắng xuống tan đi. Ông có cảm tưởng như ông đang sờ lại được quê hương, có chỗ cao chỗ thấp, có phù sa đất mịn…Tự nhiên, ông muốn nói lên một tiếng " cám ơn ". Ông muốn cám ơn cô bịnh nhân đã mang quê hương đến với ông bằng hàng chữ nhỏ xâm trên bờ mông, chỉ vỏn vẹn có một hàng chữ nhỏ. Và ông cũng muốn nói với cô, nói một cách thật tình, không văn chương bóng bẩy, nói như ông nói cho chính ông, vỏn vẹn chỉ có một câu thôi :" Tôi cũng made in VietNam đây !". Nhưng rồi ông làm thinh tiếp tục vuốt lưng người bịnh. Ông biết rằng cô gái không thể nào hiểu được ông, một bác sĩ già vừa quá sáu mươi, đã gần nửa tuổi đời lưu vong trên xứ Mỹ, có đầy đủ tiền tài danh vọng mà cũng xâm hàng chữ " Made In VietNam", xâm ở trong lòng…
Bác sĩ im lặng dò huyệt châm kim. Bỗng cô bịnh nhân nói, giọng buồn buồn, làm như cô vừa xem lại hết một đoạn phim đời nào đó:
- Thằng bồ của con xâm cho con để làm kỷ niệm hồi tụi này còn ở Louisiana. Ảnh là thợ xâm…
- Ủa ! Rồi sao bây giờ cô ở đây ?
- Con theo ba má con dọn về Cali, ổng bả nói ở Cali bạn bè nhiều làm ăn dễ.
- Ờ…người Việt mình thích ở miền nam Cali lắm.
Ngừng một chút bác sĩ lại nói, trong lúc hai tay vẫn tiếp tục châm kim:
- Ở Cali khí hậu tốt hơn nhiều tiểu bang khác. Mà…ba má cô làm gì ?
Cô gái làm thinh một lúc mới trả lời, giọng ngang ngang:
- Qua đây rồi ổng bả đá đít nhau. Bả lấy thằng Mễ chủ pressing, còn ổng thì chó dắt ổng ôm được một bà Mỹ goá chồng có tài sản.
- Vậy rồi cô ở với ai ?
- Với ba con. Bà Mỹ cho con đi học college, ba con lái xe đưa rước.
- Vậy mà sao hôm qua, trong phone, cô nói cô đi làm ?
Giọng cô gái như nghẹn lại:
- Khổ lắm bác sĩ.
Cô ngừng một chút để nén xúc động rồi nói tiếp:
- Ba con ỷ có bà Mỹ nuôi, không chịu đi làm. Tối ngày cứ đi nhậu với bạn bè, rồi nay đổi xe, mai đổi xe…Con nói ổng, chẳng những ổng không nghe mà còn chửi con: "Tiên Tổ mày ! Tao đem mày qua đây đặng mày dạy đời tao hả !"
Lại ngừng một chút mới nói được, nói như trút hết ẩn ức còn lại:
- Có lần ổng xáng cho con mấy bạt tay đau điếng…
Rồi nghẹn ngào:
- Lần đó, con bỏ nhà đi hoang…
Nói xong, hít một hơi thật sâu rồi thở hắt ra một cái như vừa làm xong một việc gì thật khó !
Ông bác sĩ im lặng, tiếp tục châm, mà nghe thương hại cô bịnh nhân vô cùng. Cô ta cỡ tuổi con gái út của ông. Con gái út của ông đang học đại học, còn cô này thì đang sống trong hoàn cảnh quá bấp bênh. Cả hai đều Made In VietNam hết !
Châm xong, ông đặt tay lên cánh tay trần của bịnh nhân, vuốt vuốt như vuốt tay một đứa con đang cần được vỗ về an ủi:
- Cô cứ nằm yên như vầy độ mười lăm phút, nghen.
Tiếng " dạ " bỗng nghe như đầy nước mắt.
Sau khi gỡ kim, ông bác sĩ bóp tay bóp chân bịnh nhân một lúc rồi nói:
- Bây giờ thì cô mặc quần áo vào được rồi.
Cô gái ngồi lên nói " cám ơn " mà đôi mắt vẫn còn mọng nước. Cô bước vào sau bình phong, chậm rãi mặc quần áo, làm như cô muốn những xúc cảm hồi nãy có thời gian để thấm sâu vào lòng…
Khi cô bước ra, gương mặt cô đã trở lại rạng rỡ. Cô mỉm cười nhìn ông bác sĩ, rồi, vừa mở cái xắc đỏ vừa hỏi:
- Bao nhiêu vậy, bác sĩ ?
- Không có bao nhiêu. Chừng chữa xong rồi cô hãy trả.
- Bác sĩ cho con trả mỗi lần, chớ đợi hết bịnh, tiền đâu con trả. Cái thứ đi làm lậu như con…
- Cô yên tâm. Rồi mình tính.
Ông bác sĩ đưa dĩa nữ trang:
- Cô đừng quên mấy thứ này.
Cô gái phì cười, không đeo vào người mà trút hết vào xắc, rồi hỏi:
- Chừng nào con trở lại nữa, bác sĩ ?
- Tuần tới, cũng ngày này giờ này.
Bác sĩ mở tủ thuốc, chọn lấy ra hai chai có dán nhãn sẵn, trao cho bịnh nhân:
- Trên nhãn có ghi liều lượng: mỗi ngày, cô uống sáng trưa chiều, mỗi thứ hai capsule.
Ra đến cửa phòng mạch, ông bác sĩ già cầm bàn tay cô bịnh nhân trong hai bàn tay của ông, lắc nhẹ:
- Bớt hút thuốc đi, nghen ! Từ từ rồi tôi sẽ chữa cho cô vụ ghiền thuốc nữa.
Ngập ngừng một chút rồi ông nói, giọng ôn tồn:
- Tôi muốn nói với cô điều này…
Cô gái chớp chớp mắt chờ. Chắc là lần đầu tiên cô được một ông già cầm tay một cách ân cần như vậy. Bác sĩ nói:
- Mình là người Việt Nam, ăn măc theo " punk " không hạp với con người với bản chất của mình chút nào hết. Cô đâu có xấu mà cô làm cho xấu đi, uổng lắm ! Mình phải xứng đáng là Made In VietNam, chớ cô.
Cô gái nhìn vào mắt ông bác sĩ, không nói gì hết, chỉ siết tay ông già một cái thật mạnh, rồi bước ra xe, một chiếc xe hơi cũ mèm phải đề tới bốn lần mới nổ máy !
* * *
Ông bác sĩ Lê ngồi uống cà phê với tôi ở khu Phước Lộc Thọ ( Orange County – Nam Cali ). Ông kể tiếp:
- Anh biết không, lần sau cô Kim đến phòng mạch, ăn mặc chải gỡ rất dễ thương. Chẳng có chút gì " punk " hết ! Lần khám bịnh đó, tôi có hỏi cổ sao không về sống với thằng bồ ở Louisiane có phải hơn là sống cù bơ cù bất ở Cali. Cổ nói như mếu :" Ảnh có vợ rồi ". Tôi biết: như vậy là cổ kẹt thiệt. Tôi đem chuyện này kể cho vợ tôi nghe. Bả cảm động lắm nên đề nghị giúp tiền cho cổ học một cái nghề gì đó, uốn tóc, làm nail chẳng hạn, để có công ăn việc làm vững chắc hơn là đi làm lậu tầm bậy tầm bạ.
Tôi nói chen vào:
- Chắc gì cổ chịu. Nghe anh kể, tôi đoán chị này cũng tự ái lắm.
- Anh nói đúng. Cổ từ chối hoài. Sau nhờ vợ tôi mời cổ về nhà khuyên nhủ, coi như là trong thân tình, cổ mới chịu. Hôm đó, cổ ôm vợ tôi vừa khóc vừa nói :" Con cám ơn ông bà. Cám ơn ông bà ".
- Sau đó cổ có đi học thiệt không ?
- Có. Học làm nail. Học giỏi nữa là khác.
- Cổ bây giờ ra sao rồi ?
- Mới đầu làm thợ, làm công cho người ta. Bây giờ vừa làm thợ vừa làm chủ. Khá lắm !
- Mừng cho cổ, há !
- Cổ xách đồ nghề tới làm nail cho vợ tôi, con út và hai con dâu tôi thường lắm. Làm không lấy tiền. Cổ cứ nói với mấy con tôi :" Tôi chịu ơn ông bà bác sĩ biết đời nào mới trả cho hết, mấy cô biết không ? Tôi không dám nói ra, chớ mỗi lần tôi cầm bàn tay của bà bác sĩ để làm nail, tôi vẫn nghĩ không có bàn tay này thì làm gì tôi thoát ra khỏi hoàn cảnh của tôi hồi đó để có những gì tôi có hôm nay…"
- Dễ thương quá !
- Noel, ngày Tết…cổ đều mang quà đến tặng vợ chồng tôi.
- Con người ở có tình có nghĩa quá, anh há !
- Đã hết đâu ! Cổ còn nhớ đến ngày giỗ của ba má tôi nữa. Mấy ngày đó tụi con tôi có đứa quên chớ cô ta không bao giờ cô ta quên. Ngày đó, cô đem đồ tới cúng và ở lại phụ vợ tôi nấu nướng dọn giẹp nữa. Cho nên vợ tôi quí cô ta lắm !
Nói xong, bác sĩ Lê vỗ vai tôi, cười:
- Anh thấy không ? Cô ta mới đúng là " Made In VietNam " đó ! Còn nguyên chất, hè !
Ông Lê vui vẻ cầm tách cà phê vừa nhâm nhi vừa nhìn quanh. Người Việt Nam đi đầy trong thương xá. Cung cách có hơi khác nhưng nói năng thì y hệt như ở bên nhà. Một vài tiếng chửi thề rớt rơi đâu đó, nghe rất tự nhiên. Bỗng ông quay sang hỏi tôi mà nghe như ổng tự hỏi ổng:
- Không biết ở xứ Mỹ này, đồng hương lưu vong, có ai lâu lâu nhớ lại rằng mình "Made In VietNam ", không ?
- Có chớ anh ! Nhưng cũng có người chẳng những không nhớ mà còn tự đóng cho mình con dấu " Made In USA " nữa, anh à. Thứ đó bây giờ thấy cũng nhiều !
Tôi đưa tách lên môi uống ngụm cà phê cuối cùng, bỗng nghe cà phê sao mà thật đắng…
No comments:
Post a Comment