Sunday, June 19, 2016

Ngày đó Cha tôi


Cha tôi là con trai út trong gia đình sáu người con của Ông Bà Nội.  Có lẽ theo thói quen mà Bà Nội thường hay gọi cha tôi là thằng Nhỏ mặc dù ông đã có vợ, con.

Bà Nội kể:
Hồi bé, thằng Nhỏ được ông Nội dạy nó học chữ Nho. Học cả năm trời mà viết và đọc không thuộc được hết cuốn Tam Tự Kinh. Có khó gì đâu, Nội bây giờ đã già rồi mà vẫn còn nhớ: Thiên là trời, địa là đất, tử mất, tồn  còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước,...Vậy mà nó thà chịu bầm mông vì cái roi mây của ông Nội còn hơn ngồi tù túng trong phòng học suốt ngày ê a chán ngấy mấy cái chữ xa lạ. Lại còn phải viết tới viết lui từng bộ một của chữ Nho trong ô giấy gạch sẵn.

Thấy thằng nhỏ bị đòn mà bà nội xót ruột. Bà năn nỉ ỉ ôi ông Nội nhiều lần nhưng  cái tính quyết đoán của ông, bà cũng đành chịu.

May mà gặp cơ hội chính phủ Trung kỳ ra quyết định bải bỏ nền Nho Học mở chương trình “Học Chính Tổng Quy”(Giáo Dục Pháp Việt) nên ông Nội đành phải cho nó theo học chữ Quốc Ngữ.

Có lẽ chữ Quốc ngữ hợp với Cha con nên chưa đầy một năm học lớp Đồng Ấu là nó đọc được báo, đọc được sách. Thấy vậy, ông Nội nhất quyết cho nó theo học càng cao càng tốt. Thằng Nhỏ lấy được bằng Yếu Lược, rồi theo đà đó, mấy năm sau lấy thêm bằng Primaire.

Thằng Nhỏ học giỏi mà ham chơi. Trò chơi nào nó cũng vượt trội hơn bạn bè. Hồi nó mới chín mười tuổi mà đã vẽ được con gà con vịt, vẽ được cả hình người. Nó vẽ hình của Nội đang ngồi quạt trên cái sạp gụ. Cái môn này chẳng ai dạy nó mà tự năng khiếu trời sinh.

Đến những ngày sắp Tết, nó xin tiền Nội mua giấy, cọ, bột màu, rồi tự vẽ hình bộ tứ linh  Long Lân Quy Phụng, hay bộ cây kiểng Mai Tùng Cúc Trúc để chưng trên gian thờ trong ba ngày Tết. Thằng Nhỏ coi vậy mà khéo tay lắm đó. Bà con ai tới chúc Tết cũng khen tranh vẽ đẹp và có thần. Thầy Phán xem tranh rồi khuyên ông Nội nên cho cháu theo học môn Vẽ Truyền Thần

Cháu đâu biết,  bà Nội ngưng nói, với tay lấy ống nhổ, nhả miếng bã trầu rồi kể tiếp. 

Ông Nội cho cha cháu vào Quy Nhơn  theo học trường Collège de Quinhon, chỉ còn một năm nữa là thi lấy bằng Thành Chung. Không biết ai đưa đường dẫn lối, một hôm nó trốn trường bỏ đi biệt tích. Nữa tháng sau gia đình nhận được thông tri của trường đuổi học trò Nguyễn, lý do là vắng mặt lâu ngày mà không xin phép.  Ông Nội giận lắm đòi từ cái thằng con ngỗ nghịch, ương ngạnh, hoang đàng. Phần bà Nội thì lo lắng, nhớ thương thằng con trai út nên cho người âm thầm đi tìm, một năm, rồi hai năm.

Đi dò hỏi khắp nơi, may mắn có người bà con trong họ về ăn chạp mả nói có gặp nó ở  huyện Trà Bồng. Cái xứ nằm tận núi cao có quế, có trầm hương và nhiều cây danh mộc sống lâu hàng trăm năm tuổi.

Ngày đó, thằng Nhỏ theo làm đệ tử một Nghệ nhân chuyên nghề điêu khắc và chạm trỗ trên gỗ. Ông thầy đứng đầu toán thợ chạm trỗ đang xây dựng ngôi nhà thờ họ danh tiếng nhất ở đây. Ngôi nhà năm gian dựng toàn gỗ quý. Cột, kèo, xuyên, trính đều được chạm trỗ. Ngoài ra còn khắc các bức liễng, hoành phi bằng gỗ mun những câu đối chữ nho. Hai bên cổng vào nhà là tượng hai con sư tử to được chạm khắc cũng bằng loại gỗ mun, trông rất oai nghiêm.

Nội đã mất cả tháng trời khóc lóc năn nĩ ông Nội tha thứ cho Cha cháu mà vẫn không lay động được cái tính quyết đoán của ông. Bà vừa giận vừa thương thằng con đến mất ăn, mất ngủ. Ông Nội thấy bà ngày càng ốm o, gầy mòn, cuối cùng, ông Nội phải chấp thuận bỏ qua, nhưng với điều kiện là bắt thằng Nhỏ phải về nhà cưới vợ.

Ngày thằng Nhỏ quay về nhà, nó mang theo một món quà để chuộc lỗi là một bức hoành phi bằng gỗ mun khắc ba chữ đại tự NGUYỄN TỰ ĐƯỜNG sơn màu vàng nhụ. Bức hoành phi đó do tay cha cháu chạm trỗ. Mỗi nét chính chữ Hán đều tượng hình những con vật và hoa. Bức hoành phi treo trước gian thờ trông rất hoành tráng mà trang nghiêm khiến cho bà con đến thăm đều trằm trồ khen ngợi. Ngày đó, ông Nội mới thấy cái tài năng đặc biệt của con trai mình.

Mẹ cháu là người đã được ông bà Nội chọn làm dâu từ trước, xứng đôi vừa lứa, đẹp người, đẹp nết mà hai gia đình sui gia cũng được môn đăng hộ đối.

Nội cho thằng Nhỏ biết vợ nó và sẽ làm đám hỏi là cô con gái đầu của ông bà Cả Quới xóm dưới. Mẹ cháu có năm người em gái và hai người anh. Người anh cả đi lính Tây sang Pháp rồi biệt tích chẳng thư từ về. Người anh thứ hai vào Nam buôn bán, có gia đình lập nghiệp trên đất Chợ lớn.  

Khi Nội cho cha cháu biết ngày giờ tổ chức lễ hỏi vợ, nó chỉ biết vâng lời chứ đâu dám cãi lạiTrong ngày lễ hỏi, cha cháu mới được thấy mặt mẹ cháu. Nội hối thúc lắm nó mới  thăm nhà vợ được đôi lần rồi Cha cháu trở lại Trà Bồng tiếp tục công việc.

Năm sau, ông Nội chọn được ngày lành tháng tốt làm đám cưới, Nội cho người lên Trà Bồng gọi Cha con về. Đám cưới xong, mười ngày sau là nó lại ra đi, để vợ nó ở nhà sống với bà Nội. Ngày đó, ông Nội giận thằng Nhỏ lắm, mê say nghề nghiệp hơn cả trách nhiệm lo cho gia đình.

Ngày ông Nội quy Tiên, cha cháu mới quyết định bỏ hẳn nghề nghiệp ở lại nhà để  chăm nôm ruộng vườn.
                                       
* * *
Năm tôi lên mười hai tuổi, bà Nội mất.

Vào mùa hè năm ấy, Cha  đưa tôi đến thăm một gia đình xa lạ mà cha tôi bảo chỉ cho một mình con biết. Cha đèo tôi phía sau chiếc xe đạp. Đường đi quanh co trên sườn núi khá xa mà cha tôi bảo đó là đèo Vĩnh Tuy.

Đến trước một căn nhà nằm đơn độc, cheo leo trong một khu vườn trồng thơm khóm trải dài tới chân đồi, chen lẫn là những cây mít đang mùa ra trái.

Một người phụ nữ từ trong nhà đon đả bước ra. Dáng bà dong dõng cao, màu da trắng xanh, sóng mũi dọc dừa, mái tóc búi cao trông rất qúy phái. Đoán chừng cỡ tuổi Mẹ tôi, nhưng trông bà tiều tuỵ hơn và đặc biệt bà có cặp mắt u buồn.

Bà bước ra sân đưa tay nhận chiếc túi xách đựng đầy thực phẩm từ tay cha tôi. Câu nói đầu tiên của bà là trách cha tôi không cho thằng con đội mũ phải chịu phơi nắng giữa buổi trưa Hè.

Bà mở rộng hai cánh cửa mời cha con tôi vào nhà. Đập vào mắt tôi trước tiên là một bức tượng nhỏ bán thân bằng gỗ màu hổ phách đặt trên kệ cao trên vách. Tượng khắc một người con gái có mái tóc dài vắt lên vai chảy dài qua khỏi lồng ngực. Khuôn mặt bức tượng rất thanh tú. Tôi nghĩ đó là hình bà chủ nhà thuở còn trẻ. Dù tôi chưa có trình độ để nhận xét về nghệ thuật điêu khắc, nhưng tâm tư đứa trẻ mười hai tuổi  đã cảm nhận được nét  tài hoa của đôi bàn tay người thợ điêu khắc.  

Bà chủ nhà bưng cho Cha tôi một bát nước chè lá xanh đậm đặc, cho tôi một ly nước trong. Tôi ngạc nhiên tự hỏi sao bà này lại biết được thói quen của cha tôi chỉ thích uống nước chè tươi.

Những ngày cha tôi có mặt ở nhà, khi mặt trời chưa ló dạng là mẹ tôi đã ra vườn hái những lá chè tươi còn đọng sương đêm, rồi ủ những lá chè được vò nát với nước sôi trong chiếc bình lớn để cha tôi dùng cả ngày. Mẹ bỏ bông lài tươi để ướp cho thơm, nhưng cha tôi bảo:

-  Hương lài chỉ dành ướp cho loại trà khô. Còn lá chè tươi phải dùng nguyên chất mới hưởng được hương vị chát ngọt và thơm nồng của lá chè.

Buổi sáng, uống bát nước chè tươi đậm đặc, đến trưa cha tôi mới dùng bữa.

Trong khi chờ đợi bà chủ nhà sửa soạn bữa ăn, cha dẫn tôi dạo quanh vườn thơm khóm và xem những cây mít được mùa đầy quả trĩu nặng cành. Bất chợt, cha nắm tay tôi bảo:  Con nên gọi bà chủ nhà bằng Dì Út vì bà ấy nhỏ tuổi hơn Mẹ con”.

Đến bữa cơm trưa, cũng có đủ thức ăn mà cha tôi thường dùng đã được dọn ra. Nào là rau muống luộc chấm với nước mắm chanh tỏi ớt, một tô canh bí đỏ nấu với đậu phụng và đĩa thịt gà kho sả ớt.

Trong bữa ăn, cha tôi hỏi Dì Út về việc thu hoạch vườn thơm mùa này ra sao, con bé Đơn Thanh đi thăm bà ngoại đã mấy ngày rồi.

Đến đây, tôi mới biết thêm được điều nữa là bà chủ nhà còn có một người con gái tên Đơn Thanh sống chung và quê ngoại của bà ở khá xa vùng này.

Buổi chiều, khi cha con tôi sắp lên đường trở về nhà, chợt một người con gái từ ngoài ngõ đi vào. Cô mặc áo trắngquần bà ba đen, rất chân quê mà sao dáng người cô trông rất thanh tú, khuôn mặt rạng rỡ toát lên nỗi hân hoan trong lòng, cô đến ôm vai cha tôi vồn vã hỏi:

-      Cậu về hồi nào, rồi nhìn tôi cười hỏi tiếp, em Tấn đó hả? Lần đầu tiên chị mới gặp em.

-      Tôi ngỡ ngàng. Một gia đình xa lạ đối với tôi, mới gặp lần đầu mà sao họ đối xử với mình như người quen thân trong gia đình. Cô con gái lại gọi cha tôi là Cậu và còn biết cả tên tôi.

Trên đường về, tôi hỏi Cha rằng gia đình đó liên hệ với gia đình mình thế nào mà họ biết cả về sở thích của Cha, cô con gái đó lại mạnh dạng xưng chị với con?

Cha tôi cười bảo:

- Thì nó lớn tuổi đáng chị của con màCha sẽ cho con biết ngọn nguồn những thắc mắc của con. Nhưng bây giờ, cha chỉ có một yêu cầu duy nhất là con giữ yên lặng không nói với ai về chuyến viếng thăm này. Một ngày nào đó cha con mình sẽ cảm thông nhau.
                                                  
* * *
Thời gian sau này, cha mẹ cho tôi vào Sài Gòn học nên quên bẵng đi chuyện thắc mắc năm xưa. Mỗi mùa nghỉ Hè tôi thường đi xe lửa về thăm gia đình. Có lần tôi sực nhớ đến chuyện cũ dự định hỏi cha nhưng lại gặp bạn bè đến thăm, vui chơi nên quên bẵng đi.

Vào mùa Hè năm cuối cùng Trung Học Đệ Nhị Cấp, khi tôi thi xong bằng tú Tài  2,  trong thời gian chờ đợi kết quả, tôi về thăm nhà.

 Được hai ngày, cha tôi hỏi:
-  Con còn muốn biết Dì Út là ai không?

A, cha lại nhắc tôi chuyện thắc mắc cũ, rất vui mừng, tôi nắm tay cha thúc dục:
- Kể cho con biết ngay bây giờ đi.

Cha tôi đưa tôi ra ngoài vườn. Ông nằm trên chiếc võng, hai đầu đươc buộc vào hai gốc xoài. Tôi ngồi trên chiếc ghế đá kề bên võng. Người bắt đầu tâm sự:

- Giờ con đã trưởng thành, cha muốn cho con biết cái điều cha đã giữ kín mấy chục năm nay để sau này con còn biết cách đối xử với người ta.

Ngày cha bỏ học trường Collège de Quinhon theo ông thầy làm nghề điêu khắc đến tận huyện Trà Bồng nhập với đoàn thợ xây dựng nhà cửa. Ngày đó, cha mê vẽ tranh và điêu khắc, nhưng tiếc rằng ông Nội không chiều theo ước nguyện của cha. Đến lúc gặp cơ hội là cha bỏ hết tất cả chạy theo sở thích của mình.

Vị Tộc trưởng dòng họ Trương có thế lực nhất đất Trà Bồng đã thuê bao toán thợ làm nhà gỗ nổi tiếng nhất tỉnh Bình Định đến đó xây dựng một ngôi nhà gỗ năm gian thật hoành tráng.

Cha cùng với  ông thầy chuyên làm công việc chạm trổ các hình tượng linh vật như con rồng, con rùa, con dơi... và hoa văn trên những  đầu và chân các cây cột, trên cây trính, cây kèo... bằng toàn gỗ danh mộc mất ba năm mới hoàn thành. Cha hãnh diện nhất trong cuộc đời cha là đã điêu khắc được hai con sư tử bằng gỗ mun đen tuyền rất sống động đặt ngoài cổng nhà thờ họ Trương mà mọi người đều thán phục.

Tôi sực nhớ đến bức tượng gỗ người thiếu nữ trong căn nhà của Dì Út  năm xưa bèn hỏi cha:

- Thế thì cái tượng gỗ đặt trên kệ nhà dì Út có phải cha là tác giả?

Cha tôi không trả lời câu hỏi của tôi, ông kể tiếp:

Người con gái Út của ông chủ nhà không ngờ lại đem lòng thương cha và cha cũng thương dì ấy. Thuở đó, cha đã hai mươi tuổi còn dì Út lên mười bảy. Tình yêu của cha và dì Út là niềm cảm hứng cho cha tạo nên bức tượng đó.

Được hai năm, ông bà Nội tìm được chỗ làm của cha. Rất vui là cha được ông Nội tha thứ cái tội bỏ học nửa chừng nhưng lại bắt cha về nhà cưới vợ.

Ngày đó, cha rất đau buồn nên đã tỏ thật với dì Út và định bỏ đi, nhưng dì Út đã khuyên cha ở lại tiếp tục làm xong ngôi nhà cho cha nàng, sau đó dì sẽ bỏ nhà cùng cha đến nơi khác chung sống. Dì sẵn lòng chấp nhận làm vợ hai nếu Mẹ con đồng ý. Mặc dù dì Út mong được như thế, nhưng cha không dám cho ông bà Nội biết và sợ mẹ con buồn phiền.

Khu vườn mà cha dẫn con tới thăm là do dì Út tạo dựng, chuẩn bị cho cuộc sống riêng tư sau này. Dì đã đưa cha tới đó giữa lúc những người thợ đang xây dựng căn nhà. Thực lòng cha không muốn dì phải sống cảnh đơn độc, khổ lụy vì Cha. Là con gái Út của gia đình giàu có, lại được nuông chiều, cha nghĩ, làm sao dì chịu nổi cảnh cơ cực và cô đơn.

Cha tôi ngưng kể,  lấy hộp thuốc rê trong túi vấn thêm một điếu.

Tôi liền hỏi:

- Sao Cha không thú thực với ông bà Nội về mối tình của Cha và dì Út khi Nội bắt Cha cưới vợ?

- Cha biết tính ông Nội mà, cương nghị và nền nếp gia phong khó lòng lay chuyển. Nội không bao giờ chấp nhận hành động của con cái vượt ra ngoài  khuôn phép, lễ giáo.

Chợt Cha im lặng. Ông hít những hơi thuốc dài, phà khói lên các tàn cây cao. Ông nhìn theo khói thuốc dường như để cho tâm tư ông lắng dịu. Một hồi lâu Cha mới kể tiếp:

- Sau buổi lễ khánh thành ngôi nhà thờ, Ông chủ nhà mở tiệc khỏan đãi toàn bộ toán thợ xây dựng trước khi từ biệt trở về Bình Định. Cuộc tiệc đang vui vầy bỗng tin báo dì Út bị trôi sông. Mọi người đổ xô xuống bến sông, chỉ thấy đống áo quần đặt trên bờ đá, trước mặt là dòng sông nước chảy xiết. Người thân trong gia đình khóc than thảm thiết. Mọi người tự động chia nhau đi tìm dọc hai bờ sông. Ông Trương cho gia nhân thả thuyền dò tìm theo dòng nước. Lúc bấy giờ, lòng cha đau đớn tận cùng cứ ngỡ dì Út đã trầm mình vì đau khổ và thất vọng trước cảnh chia ly sắp xảy ra.

Suốt mấy ngày hôm sau, cha không về nhà ông bà Nội mà thẳng đường đi đến khu vườn mà dì Út trước kia đã đưa cha đến đó.

Ôi, cảm ơn Trời Phật. Dì từ trong nhà ra đón cha. Dì và cha đã ôm nhau khóc. Cha khóc vì nỗi vui mừng dì còn sống. Còn nước mắt của dì Út là tủi thân vì từ nay phải cách biệt cha mẹ, bắt đầu cuộc sống trốn tránh và tự lập chỉ vì yêu Cha và quyết được sống gần cha.

Cha ở lại đó một tháng lo giúp dì sửa sang vườn tược và gần gũi dì cho đỡ phần cô đơn.

Năm 1952, chính quyền Việt Minh mở cuộc đấu tố cha mẹ dì Út. Họ ghép tội ông Trương là cường hào ác bá, bóc lột nông dân, hà hiếp kẻ ăn người ở. Họ ra lệnh cho đám người cầm gậy gộc xông vào nhà, chiếm đoạt, cướp bóc hết của cải mang đi, ruộng nương đều bị tịch thu. Hai con sư tử đứng chầu trước cổng, chúng nó dùng búa rìu phá hỏng để thỏa lòng mối thù giai cấp của Cách mạng.

Ông Trương, cha dì Út vì quá đau buồn và uất hận nên đã trầm mình dưới dòng sông, nơi mà ông đinh ninh người con gái út của ông đã bị chết chìm từ mấy năm trước.

Giờ đây, ông bà Nội không còn nữa. mẹ con tuổi cũng khá cao rồi. Vì cha rất quý trọng mẹ đã giữ vẹn đạo làm dâu, làm vợ nên cha dấu kín việc này. Mai sau cha có đi theo ông bà ông vãi thì con nói cho các chị con biết về chị Đơn Thanh để nhìn nhận chị em cùng máu mủ.
                              
*  *  *
Nhận được điện tín của bạn cùng lớp báo tin tôi có tên trong bảng niêm yết kết qủa kỳ thi Tú tài 2, tôi vội vã lên đường vào Sài gòn để ôn bài chuẩn bị thi vào các trường chuyên nghiệp.

Giai đoạn này, đường xe lửa, đường quốc lộ 1 bị VC thường xuyên phá hoại hoặc đắp mô nên suốt mấy năm trời tôi không về thăm gia đình được.

Bỗng một hôm tôi nhận được điện tín từ ngoài quê gởi báo tin Cha tôi vừa mất tại bệnh viện. Tôi vội vàng làm đơn xin phép nghỉ dạy hai tuần, sắp xếp công việc, báo cho Hiệu trưởng trường tôi đang dạy biết ngày khởi hành.

Tôi về đến nhà, công việc mai táng đã chuẩn bị đâu vào đó, chỉ chờ tôi về để được nhìn thấy mặt Cha lần cuối.

Công việc chôn cất cha tôi đã hoàn tất chỉ chờ đến ngày giờ tốt là xây mộ.

Tôi được em gái tôi kể lại về cái chết của cha như sau:

Năm này cha tôi vừa tròn bảy mươi tuổi. Một hôm, ông bị bí tiểu và cơn đau lưng dữ dội. Em gái tôi vội đưa ông đến bệnh viện. Sau khi chụp phim, bác sĩ phát hiện cha tôi bị sạn thận và quyết định giải phẩu thận để lấy sạn ra.

Trước khi thực hiện ca mổ, cha tôi có một tuần nằm ở bệnh viện để bồi dưỡng và chờ đợi người cho máu. Giai đoạn này, cuộc chiến chống Cộng sản Bắc Việt trên chiến trường diễn ra rất khốc liệt. Trực thăng tải thương tấp nập bay về bệnh viện Dã chiến ngày đêm. Ngân hàng máu từ các bệnh viện đều thiếu trầm trọng. Vì vậy ca mổ của Cha tôi, gia đình phải cung cấp máu tự túc. 

Cha tôi có dòng máu O+ mà gia đình tôi chỉ có bà chị thứ tư mới có đầy đủ sức khỏe để lấy máu, đứa em út thì ốm yếu, nên phải chạy đi các nhà thương ở quận để mua thêm máu nhưng không nơi nào có.

Đã gần đến ngày giải phẩu thận mà số máu cần chuyền cho Cha vẫn chưa đủ, cả nhà vô cùng bối rối. Bỗng một hôm, có người nữ y tá xa lạ đến tình nguyện hiến máu. Rất may mắn là máu của cô ta đúng dòng máu O+. Mẹ và các chị em tôi vô cùng mừng rỡ. Cho máu xong, gia đình tôi xin cô y tá cho biết qúy danh và địa chỉ để trả ơn và mời cô dùng bữa. Cô từ chối và bảo:

- Chẳng có gì lớn lao lắm đâu. Thấy Bác trai cần máu để mổ nên cháu giúp vậy thôi, rồi cô viện cớ phải mang thuốc về bệnh xá ở quận gấp.  

Sau này, tôi mới biết một điều rủi ro đã xảy ra trong ca mổ là thay vì mổ thận phía trái, bác sĩ lại mổ thận bên phải nên phải mổ hai lần. Vì tuổi già sức yếu nên cha tôi không chịu đựng nổi qua một lần mổ hai quả thận. Vì mất nhiều máu quá nên cha tôi đã đi luôn trong cơn mê.

*  *  *
Trước hai ngày lên đường trở lạ Sài gòn, tôi ra thăm mộ Cha lần cuối. Khi đến nơi, tôi giật mình vì có ai đó đã đến trước tôi đặt một bình hoa tươi và một bát nước chè lá dưới chân mộ phần của Cha. Nắm nhang vẫn còn nghi ngút khói. Nhìn bát nước chè tươi đậm đặc tôi sực nhớ đến Dì Út và chị Đơn Thanh.

Tôi vội quay về nhà kể hết cho mẹ và chị em biết có người đến cúng mộ Cha và tường thuật lại chuyến đi cách đây gần chục năm mà Cha đã chở tôi đi thăm nhà dì Út. Tôi cũng tường thuật luôn câu chuyện mà cha tôi đã tâm sự với tôi  về mối tình đầu của ông và dì Út thuở còn  thanh xuân.

Nghe xong, mẹ tôi bảo chị tôi sắm ít quà rồi Mẹ và chị cùng tôi đi gặp Dì Út

*  *  *
Chiếc Honda chở hai người băng qua con đường đèo Vĩnh Tuy quanh co đầy đá sạn. Khiến tôi lại nghĩ đến cha tôi ngày xưa với chiếc xe đạp đã đi đi, về về biết bao nhiêu bận trong những năm tháng dài đến với dì Út trên đường xa vời vợi. Tình yêu của cha và Dì âm thầm, bền bĩ như dòng suối chảy uốn khúc trên rừng đại ngàn.

Chúng tôi vừa đến trước sân nhà. Nghe tiếng xe, Dì Út ra mở cửa.

Cách đây đã trên chục năm mà quang cảnh không có gì thay đổi. Riêng dì Út thì già đi khá nhiều, trông dì bơ phờ, tiều tụy hơn xưa. Tôi dựng xe xong, đến chào Dì và giới thiệu Mẹ và chị tôi. Dì nhỏ nhẹ mời mọi người vào nhà.

Vừa bước vào nhà là nghe mùi hương trầm tỏa ngát trên chiếc bàn thờ đặt ở  phòng khách. Trên bàn thờ có hoa, trái cây và bức hình căn cước của Cha tôi được phóng lớn.

Một người con gái từ trong phòng bước ra cúi đầu chào mẹ tôi. Bất chợt, chị tôi kêu lên thảng thốt:

- Kìa cô y tá hiến máu cho cha đây nè, rồi nhào đến ôm chị. Hai người  nước mắt chảy đầm đìa. Mẹ tôi cũng bước đến nắm hai tay dì Út, cả hai đều khóc. Mẹ tôi nói với Dì trong nước mắt nghẹn ngào:

- Thằng Tấn, nó mới kể cho chị sáng nay đầu đuôi câu chuyện. Thật sự chị không ngờ cái mối tình sâu đậm giữa em và ông nhà. Nếu biết sớm thì chị đâu có hẹp hòi gì.

Không còn bao lâu nữa, con gái út của chị về nhà chồng, chị mời em và con dọn về nhà chị ở. Tụi mình đã lớn tuổi rồi, chị em ở với nhau khuya sớm nương tựa tuổi già.

Tôi vỗ tay hoan nghênh ý kiến của mẹ và nói thêm: Con sẽ vận động xin cho chị Đơn Thanh thuyên chuyển về bệnh viện Tỉnh để chị có điều kiện tiến thân chứ ở mãi trong cái bệnh xá huyện xa xôi này làm sao chị phát triển được nghề nghiệp.

Chị Bốn ôm vai chị Đơn Thanh trách sao ngày đó em không cho biết chị em mình cùng máu mủ với nhau để chị bứt rứt mãi về tấm lòng tốt của em mà chưa được trả ơn. Chị Đơn Thanh lau nước mắt bảo:

-  Đó là trách nhiệm của kẻ làm con mà. Em Thương Cha nhiều lắm, lo sợ Cha bỏ mẹ con em ra đi sớm, mà ông ra đi thật không tránh khỏi số trời.

Ngày đám tang, Mẹ và em có đưa cha ra mộ. Là người đi sau cùng và cũng ra về trước mọi người. Em vừa thương Cha vừa tủi phận. Làm con mà không dám thể hiện tình thương Cha trước mọi người. Mẹ và em có đến trước mộ Cha làm lễ thọ tang.  Em khóc suốt mấy ngày liền. Mẹ an ủi hoài mà em không ngăn được dòng nước mắt. Em cô đơn từ thuở nhỏ, giờ mất Cha lại càng thấy xót xa hơn. Ngày ông ngoại mất, Mẹ em mới dám về nhà tạ lỗi trước linh cữu của Người.

Bà ngoại em mừng lắm, hai mẹ con ôm nhau mà nước mắt đầm đìa. Bà Ngoại và cậu em năn nỉ mẹ về sống với ngoại, nhưng mẹ thì muốn sống gần cha và gìn giữ khu vườn và căn nhà. Đây là nơi chốn lưu giữ kỷ niệm mối tình đầu của hai người làm sao bỏ đi được.

Trước khi ra về, Mẹ tôi mời Dì Út và chị Đơn Thanh nhớ về tham dự lễ 49 ngày của cha tôi. Nhân dịp này Mẹ sẽ giới thiệu Dì Út với bà con trong họ.

Trên đường về nhà, lòng tôi bùi ngùi thương Cha, thương Dì, chỉ vì tình yêu mà cam chịu cuộc sống long đong suốt một đời người. Chỉ vì gia phong lễ giáo của thời đại phong kiến gò ép con người sống trong khuôn khổ mất đi năng lực phản kháng.

Tôi thương chị Đơn Thanh hoàn cảnh đã đẩy đưa cuộc đời chị như gỗ trên rừng bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.

 Father’s Day
 Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

No comments:

Blog Archive