Saturday, May 14, 2016

“Trăm tuổi… thành một tuổi!”


Đoàn Xuân Thu
Thưa bà con! Lễ Phục Sinh vừa rồi, người viết rất vui mừng vui quá vui khi được thằng bạn học cũ cách đây 53 năm, từ Wellington, Tân Tây Lan bay qua thăm.
Nó đi du học theo chương trình học bổng Colombo năm 1970. Học xong, tính về, nhưng năm 75, miền Nam mình ‘sập tiệm’ nên nó dông luôn tới tận bây giờ.
Trước khi qua, cố nhân đã cẩn thận gởi cho người viết một tấm ảnh để tui xem dung nhan đó bây giờ ra sao? “Kẻo gặp nhau ngoài đường không nhìn ra, không nhận ra nhau, mầy dám ‘đục’ tao như hồi xưa mình đi học lắm đa!” Bạn hiền nói đùa như vậy!
Thưa gặp bạn học cũ là vui hết biết, mầy tao rôm rả lên; dù đứa nào cũng cháu nội, cháu ngoại một bầy.
Nó có nhắc tới các thầy cô trường Petrus Ký niên khóa 1963; như chiếu lại cái cuồn phim cũ, đã rất lâu, mình cất vào ngăn kỷ niệm vì không có bạn coi cùng; giờ tưởng bụi thời gian đã phủ mờ năm tháng; dè đâu nhắc lại cứ tưởng mới hôm qua.
Bạn đồng song nhắc tới một Giáo sư Sử Địa, (nghe nói giờ bên Mỹ), khá nghiêm khắc (phải vậy chớ!) làm tui nhớ, tui cũng hơi rét, nên lâu lâu mới chịuhọc bài, nhờ vậy mới biết Úc Châu là một cái đảo đó chớ!
Sử Địa tuần có hai giờ thôi mà đám học trò tụi tui lúc đó coi nó dài như hai thế kỷ vì cô thường coi đứa nào mặt mày lấm lét, xanh chành như trái chanh… để kêu lên trả bài rồi cho nó hai cái trứng vịt!
Có lần cô kêu một đứa lên trả bài. Thằng nhỏ khớp quá nên cà lăm. Sử dạy rằng: “Lý Thường Kiệt đánh Tống” mà nó dám đọc là: “Lý Thường Kiệt đánh trống”. Làm cả lớp ôm bụng cười: Ha ha! Hi hi! và He he!
Thưa cái trường Nam, toàn học trò trai chỉ có nữ Giáo sư là gái nên dưới mắt tụi tui, cô nào cũng đẹp một cách thần sầu.
Vậy mà chuyện vui, bữa nhậu đoàn viên đó, bạn hiền lại kể cho tui nghe là:
“Lớn lên em sẽ làm nghề gì?” Thì em gái học trò trả lời: “Thưa cô! Lớn lên nếu em chân dài, đẹp, em sẽ đi làm người mẫu, làm diễn viên điện ảnh hay đi hát cải lương! Còn nếu lỡ em là con gái trời bắt xấu thì em sẽ đi làm… Cô giáo!”
Thưa hồi xưa đi học, Tía tui cũng như Tía của mấy thằng khác đều muốn con mình học giỏi hơn con của người ta. Nên Tía nói: “Tèo nè! Tía rất kỳ vọng ở con. Nếu năm nay nếu con được lãnh phần thưởng… hạng ba cũng được! Tía sẽ thưởng cho con một chiếc xe đạp Peugeot mới cáu cạnh.”
“Thưa Tía! Con rất thông cảm nỗi kỳ vọng của Tía đặt vào con. Nhưng con e rằng nỗi kỳ vọng đó rất viển vông!” Xong tui dọt mất.
Thưa học Petrus Ký được ba năm thì Tía tui được đổi về Mỹ Tho, quê cũ; nên tui buộc lòng phải đi theo; dù xa mấy thằng bạn quỷ phá nhà chay suốt ba năm học nầy cũng buồn biết bao trong tấc dạ.
Về trường mới đi ban C, học chung với vài đứa con gái bên trường Nữ Lê Ngọc Hân gởi qua. Vì ban C ít đứa quá; nên không đủ túc số mà mở cho một lớp nên mấy em phải học… lưu vong.
Mấy em ra vẻ thiếu nữ con nhà đài các, mặc áo dài, điệu đà tay raglan, đội nón lá bài thơ của Huế, đi yểu điệu trước sân trường… làm mấy đứa học ban A, ban B nhìn theo mút con mắt.
Không có thì ước; chớ có rồi thì phiền toái lắm. Học chung với con gái là ngày phải tắm một lần chớ không phải tuần một lần như trước nữa.
Mặc quần áo đi học là phải xem xét đàng hoàng coi có quên kéo ‘fermeture’ đóng cái cửa sổ hay không? Kẻo mấy em kết tội mình khiêu dâm thì lại khốn.
Hết ba năm lên đại học, đường ai nấy đi nhưng khổ nỗi vắng mấy cái nón lá nầy là nhớ!
Tuy nhiên có người nữ đi qua đời ta như cơn lốc rồi không để lại xót xa gì ráo trọi. Tại sao vậy?
Vì: “Nè anh có nhớ em không? Hồi xưa hai đứa mình học chung lớp, ngồi chung bàn đó!”
“Dà! Già rồi nên xin lỗi tui không nhìn ra được bạn cũ?”
“Ờ để em nhắc cái kỷ niệm đắng cay nầy cho anh nhớ nhé! Anh thường gọi em là hột mít đó, nhớ chưa?”
“Nhớ rồi nhưng quả anh nhìn không ra vì em bây giờ không còn là hột mít nữa… Mà thời gian đã biến em thành… một trái mít!”
Chọc quê người em cùng lớp mình năm nẩm thôi cho vui! Ai dè giống hịt khi xưa ta bé ta chơi, em giận thiệt!
Em hứ cái cốc rồi bỏ đi bàn khác sau khi phán một câu mình nghe cũng đau lòng hết sức:“Đừng có làm tàng nhe! Hồi xưa xấu trai thấy thương luôn. Đi học bữa nào gặp cái bản mặt của anh tối về ngủ, tui cũng đều bị ác mộng! Gần năm chục năm rồi, bữa nay gặp lại anh nữa, tui e ác mộng ngày xưa lại trở về trong giấc ngủ của tui!”
Thưa bà con! Sau nầy mình ra hải ngoại rồi. Mấy năm đầu thì mạnh ai nấy cày! Cày tối tăm mặt mũi để lạc nghiệp, an cư. An cư rồi thì nhớ nhau sao không tìm nhau?
Vậy là hội đoàn lập ra như nấm gặp mưa vậy. Trường nào cũng có hội ái hữu hết để bạn bè cùng trường gặp lại, ôn lại thời đi học, cái thời ai cũng cho là đẹp nhứt đời người.
“Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ/ Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ/”  “…Thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi?/ Bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày thơ/ Vang trong nỗi niềm nhung nhớ/ Có ai đi thương về trường xưa?”
Giờ thì mình không về trường xưa được thì mình gặp lại bạn xưa cho đỡ ghiền vậy mà.
Hằng năm, trường nào cũng có tổ chức luân phiên Đại hội toàn thế giới mà học sinh cũ về đôi khi phải bay cả hàng chục ngàn cây số, đi Mỹ, đi Úc, đi Canada gặp nhau dù chỉ vài bữa cuối tuần cho thỏa cái lòng mong nhớ.
Đó là cái truyền thống hay đấy chớ nên khi có trường nào mời dự đại hội là tui, dù không phải là học trò trường đó cũng chịu khó đi cho nó vui.
Người ta nói trẻ sống cho tương lai; già sống về quá khứ! Tui già rồi chỉ còn cái thời quá khứ là vui thì tại sao không?
Tui đi dự đại hội trường xưa để tìm vui mà lại gặp chuyện buồn mới chết.
Chẳng qua mấy tuần trước đi dự hội Cựu Học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ, nghe chuyện nầy tui cũng buồn lây theo anh bạn cựu học sinh trường nầy.
Ảnh nói rằng: “Thời Pháp thuộc, Nam Kỳ quê mình là thuộc địa của Tây; trong khi Trung Kỳ và Bắc Kỳ là xứ bảo hộ suốt 61 năm, từ năm 1884 mãi tới năm 1945 mình mới giành được độc lập đó anh!”
“Tây thì có thương tưởng gì dân mình! Chỉ muốn bóc lột tài nguyên của xứ mình chở về xứ nó. Sau khi bình định được đất Nam Kỳ để củng cố guồng máy cai trị, Tây cần người bản xứ đi học chút đỉnh để làm việc cho nó.
Chớ Tây với chánh sách chia để trị, chánh sách ngu dân nên tới năm 1945 dân Việt mình tới 95% phần trăm là mù chữ đó anh!”
“Đau đớn thay – phận An Nam/ Để cho Đại Pháp – nó làm thịt dân!
Cả cái Nam Kỳ mênh mông, cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi nầy chỉ có được 3 cái trường Trung học. Hai cái chỉ dạy tới “Đút rơm trâu ăn mê” tức là Diplôme, tức cái bằng Thành Chung ở Collège Le Myre de Vilers  (sau nầy là Nguyễn Đình Chiểu) và Collège de Cantho (sau nầy là Phan Thanh Giản.)
Nhà giàu muốn con mình học lên nữa tới Baccalauréat Local (Tú tài Bản xứ) là phải lên thi vào Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký ở tận Sài Gòn.
Dẫu trường do Tây cất để phục vụ yêu cầu của thực dân nhưng (dù chúng không muốn) những ngôi trường nầy đã sản sinh ra biết bao người yêu nước như trường Phan Thanh Giản của tui đây! 
Võ cũng như văn! Võ có ông làm tới Tướng! Còn văn như ông Sơn Nam, nhà biên khảo nổi tiếng xưa giờ về Văn minh Miệt vườn đã từng theo học đó anh!”
Trường Phan Thanh Giản (tiền thân là College de Cần Thơ) Tây cất năm 1917! Tới 2017 là đúng một trăm năm!Một thế kỷ! Hiếm và quý!
Vậy mà mấy quan lớn CS ở Cần Thơ (hỏng biết có đứa nào là học trò cũ hay không lại nỡ đang tâm ra lịnh tử hình trường Phan Thanh Giản) ra lịnh kéo sập xuống, cất lại mới toanh! Chỉ còn giữ cái mặt tiền để làm kiểng.
Nghe thiệt là buồn nhe. Có những công trình kiến trúc còn xưa hơn trường Phan Thanh Giản như: Nhà Thờ Đức Bà, Bưu Điện Sài Gòn mà còn giữ lại được! Thì trường Phan Thanh Giản tại sao không?
Ngay cả tuốt ngoài Bắc, trường Ngô Quyền mà tiền thân là trường Bonnal đã 96 tuổi, cất năm 1920, tức ‘ít già’ hơn trường Phan Thanh Giản có 3 tuổi thôi… Xưa học trò 45 đứa  hiện giờ tới hơn 1600 đứa vẫn đi học đều đều phẻ re  ngày hai buổi đó thôi.
Tại sao những công trình đó người ta còn giữ được mà Trường Phan Thanh Giản tụi bây lại đập tan tành cho đành chớ?
Thưa bà con! Anh bạn nầy vốn là một cựu học sinh rất nặng lòng với trường cũ, (Thiệt là đáng ngưỡng mộ nhe!), vài năm trước, mấy ảnh lên tiếng đòi lại cái tên Phan Thanh Giản cho trường mà sau 75 tụi nó tự động đổi thành Châu Văn Liêm.
Rốt cuộc, chạy tới chạy lui, chạy vô chạy ra, chỉ toàn nghe hứa cuội và trớt quớt. Lý do là mấy ảnh thiếu cái thủ tục đầu tiên tức tiền đâu!
“Tiến sĩ Phan Thanh Giản là một nhà yêu nước xuất chúng của Lục Tỉnh Nam Kỳ mình, cái đó giờ đã rõ không bàn cãi gì ráo thì phải trả tên trường Phan Thanh Giản lại cho dân chớ!”
“Sau 75, có ba điều đáng phê phán mà tui tin rằng những đứa đầu têu ở Thành phố Cần Thơ, chắc cũng có đứa là học trò cũ của trường nầy chớ hỏng lẽ xưa giờ tụi nó hỏng có ai đi học?
Một là dùng búa đập nát tượng cụ Phan Thanh Giản vừa mới dựng trong khuôn viên nhà trường năm 1974. Hai là bỏ tên trường. Rồi bây giờ cũng vì tiền, chúng đập luôn cả ngôi trường…
Dân Cần Thơ đâu có ai chịu… Mà tụi nó vẫn đập. Thiệt đau lòng tụi tui quá!
Trường đâu chỉ là cái vật chất thôi đâu… mà còn là cái hồn, cái tinh thần, là tình cảm, là kỷ niệm của biết bao lứa học trò năm cũ.
Tụi nhỏ, nhứt là đám con gái, nghe trường sắp bị đập bỏ, bèn mếu máo rủ nhau trở về, chụp hình kỷ niệm trường xưa! Kẻo mai kia mốt nọ biết đâu mà tìm?”
“Té ra mấy đứa nhỏ con cháu mình nó thông minh hơn tụi tui nhiều. Tụi mình lại ngây thơ hơn vì vẫn còn nắm níu, hy vọng trường Phan Thanh Giản sẽ được trùng tu chớ!”
Thưa hỏng biết an ủi anh gì hơn, nên tui nói xụi lơ là: “Mình có nước mà mình không biết giữ cho đến nông nỗi nầy thì cái trường của anh cũng chịu chung phần số tang thương theo vận nước đó anh!”
Nghe vậy ảnh chép miệng thở dài, cay đắng: “Biết bao kỷ niệm êm đềm thời đi học của Ba tui, Má tui, con cháu tui cũng sẽ tiêu vong.
Cái trường Phan Thanh Giản của tụi tui 100 tuổi; giờ tụi nó ‘hô biến’ thành một tuổi!
Tụi mình giờ chỉ còn biết:”Minh tinh chín chữ lòng son tạc/ Trời đất từ rày mặc gió thu!””

Đoàn Xuân Thu
Melbourne

No comments:

Blog Archive