Friday, May 13, 2016

Hippy, Hippy, và Một Thời Như Thế




Chỉ khoảng hơn một tuần nữa là Paul Mccartney sẽ đến cái thành phố không đông dân nhưng nhiều sinh hoạt nghệ thuật này để trình diễn. Chuyến đi tour của ca sĩ cựu thành viên ban nhạc Beatles, cựu thành viên phong trào Hippie sẽ đến miền trung nước Mỹ, sau đó đi Argentina rồi vòng về Pháp, Tây Ban Nha..., thật ra đã chẳng làm tôi để bụng, nhưng đài truyền hình và radio cứ quảng cáo mỗi ngày, tự dưng tôi cũng đâm ra nhập tâm. Tôi bỗng để ý và nhớ rõ. Sau đó lẩn thẩn vào ra, tôi lại bất chợt nhớ đến nhiều chuyện khác. Chuyện chinh chiến, chuyện hòa bình, chuyện phong trào Hippy thuở trước, và nhớ cả chuyến đi lên núi năm ngoái.

Tháng Chín ở Montana không còn những cơn nắng gắt gay rát bỏng dễ gây nên những trận cháy rừng, cũng hết những ngày khô hạn khiến mặt đất nứt nẻ và đồng xơ cỏ úa, dọc đường đi tôi đã ngẩn ngơ trước những phong cảnh tưởng chừng chỉ có trong phim. Băng qua những núi đồi chập chùng, vượt những hàng thông cao sừng sững soi bóng xuống giòng nước, thả mắt trên những thảo nguyên bát ngát xanh mượt mà như nhung, thỉnh thoảng lại nhìn thấy một đàn nai, một vài chú dê rừng lững thững dạo bước hay nhẩn nha, an lành gặm cỏ bên sườn đồi, cũng như được cho biết nếu may mắn, thì có thể nhìn thấy sói xám và gấu bắc cực khi đến gần biên giới Canada…, tôi như bị mê hoặc, thiếu điều muốn dọn về sống luôn ở nơi ấy.

Cái thành phố chúng tôi đến, không lớn lắm, nằm dọc theo dòng sông Clark Fork. Đã cuối mùa hè, nên bầu trời Missoula xanh lơ với những cụm mây trắng mỏng mảnh. Ở đây cũng tương tự như một vài thành phố miền tây bắc Hoa Kỳ, nơi xảy ra những cuộc chiến giành đất đẫm máu giữa những người da trắng đi tìm thuộc địa và các bộ tộc da đỏ -trong đó có nhiều bộ tộc gần như đã bị xóa sạch tên, hoặc còn lại không bao nhiêu người- nên ngày nay chính phủ đã dựng lại nhiều tượng đài, làm nhiều lều trại và xây viện bảo tàng để lưu trữ hình ảnh, vật dụng cùng những di tích văn hóa của các bộ tộc ấy.

Tôi nói đùa với con tôi chắc có lẽ phải gọi đây “thành phố buồn”, vì cái nhịp sống trầm trầm, tĩnh lặng, và hiền hòa ở đó giống hệt như Đà Lạt ngày xưa. Nếu để thấy một nước Mỹ ồn ào, hối hả tất bật, thậm chí dữ dội xấu xí, hay băng đảng súng ống, rồi chém giết hỗn độn, vô trật tự… như nhiều người sống ở các châu lục khác vẫn thường mô tả về Hoa Kỳ, thì xem chừng sẽ bị “thất vọng” ở tại thành phố này. Vì Missoula có những chiều vàng êm ả, thanh niên thiếu nữ thong dong đạp xe trên hè phố, có những sáng trời trong vắng như thủy tinh các ông bà cụ nắm tay nhau tản bộ thư thả, có những trưa gió mơn man trẻ con nô đùa trong công viên xanh bóng mát. Nơi ấy còn có những phố xá mang hơi hướm cổ điển, những căn nhà, những khu vườn tĩnh mịch gợi lên sự thanh bình. Và đặc biệt có một ngôi trường đại học tuyệt đẹp, rộng đến gần chín mươi hecta, giáp mặt với giòng sông Clark Fork thơ mộng, và triền núi Sentinel lãng mạn, hữu tình xoai xoải ở sau lưng.

Nhưng có một điều làm tôi ngạc nhiên hơn là tọa vị tít tắp gần biên giới Canada, không phồn hoa đô thị như những thành phố khác của Hoa Kỳ, càng không náo động rộn ràng, mà nơi ấy lại được đánh giá là một trong mười bảy thành phố tuyệt nhất của dân Hippies. (Arcata, California; Bloomington, Indiana; San Francisco, California, Manitou Springs, Colorado; Berea Kentucky; Oakland, California; Missoula, Montana; Bisbee, Arizona; Austin, Texas; Berkeley, California; Ithaca, New York; Burlington, Vermont; Portland, Oregan; Boulder, Colorado; Ashevile, North Carolina; Olympia, State of Washington; Eugene, Oregan).

Khi đến Missoula, bạn có thể tìm thấy rất nhiều cửa hàng bán quần áo, vật dụng, cùng những quán ăn chay được xem như là “phong cách” tiêu biểu của dân hippies. Nhưng đồng thời cũng có thể thấy rất nhiều người... homeless. Tôi còn có thêm chút ngạc nhiên khi nhớ ra cuốn film “River runs through it” dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Norman Macclean được quay ở đó dưới sự đạo diễn của tài tử gạo cội Robert Redford, với các tên tuổi diễn viên nổi tiếng Brad Pitt, Craig Sheffer... Nhiều người cho tôi biết Missoula là một thành phố pha trộn giữa thành thị và nông thôn, là nơi mà cần sa có thể được xử dụng hợp pháp cho người bịnh và rất dễ dàng tìm được hạt giống marijuana. Tôi giễu, có thể vì vậy nên nơi ấy trở thành một chỗ sống lý tưởng cho dân hippies chăng?

Không riêng gì người Mỹ, mà người Việt Nam từng sống ở miền nam trước 75, hẳn không xa lạ với phong trào Hippie qua một số hình ảnh rất dễ nhớ, như thanh niên mặc quần áo bằng vải thô thụng thịnh, hoặc quần jeans, quần tây bó đến ngang gối rồi thả xòe rộng xuống đến gấu, tóc để dài với những dải băng nhiều màu sắc rực rỡ quấn ngang đầu, đeo mắt kính bản lớn, cổ đeo những sợi dây chuyền kết bằng hạt cườm hay hạt đá với logo biểu tượng hòa bình (peace symbol)... Thời trang hippie thường có màu xanh dương tươi tắn (dodger blue, deepsky blue), màu xanh lá cây non, rồi màu vàng, hồng hoặc cam, cam đỏ sặc sỡ, và trên tóc người hippies thường khi cài những đóa hoa vàng hoặc xanh có hình dáng tựa như hoa quỳ hay hoa hướng dương.

Phong trào Hippie đã nổi lên như cồn vào khoảng đầu thập niên sáu mươi tại Hoa Kỳ, rồi đó sau đó lan rộng ra trên toàn thế giới. Washington State University định nghĩa, “A long-haired 60s flower child was a hippie” và “Hippy is an adjective describing someone with wide hips” để phân biệt hai chữ hippie và hippy, tuy nhiên hầu như cả thế giới đều quen dùng chữ “hippy” hoặc dùng luôn cả hai chữ để mô tả một người hippie. Với những tuyên ngôn “if it feels good, do it” (nếu cảm thấy tốt, hãy làm), “make love, not war” (hãy làm tình, không chiến tranh), The Hippie Movement, phong trào Hippie hay người theo phong trào này, được mô tả là tập hợp những người được mệnh danh yêu chuộng tự do, muốn sống đời phóng khoáng không bị ràng buộc bởi xã hội. Họ cũng được nói đến là những người chống lại vũ khí nguyên tử, có lòng khao khát hòa bình, phản đối chiến tranh, nhất là chiến tranh Việt Nam, và muốn tìm kiếm, khám phá ra một thế giới tâm linh khác biệt với nền tảng Thiên Chúa giáo.

Chống lại lối sống truyền thống, từ chối giá trị của giai cấp trung lưu, phong trào Hippie được xem như là hậu duệ của the Beat Generation -một nhóm trí thức văn nghệ sĩ sáng tác luôn luôn đả phá tính cách ước lệ, kinh điển của nề nếp văn hóa cũ, muốn thay đổi trật tự và lề thói của xã hội, đồng thời cổ vũ, ủng hộ tự do luyến ái và đồng tính luyến ái. So với the Beat Generation thì phong trào Hippie “dữ dội” hơn, mạnh mẽ hơn. Từ phong cách cho đến hoạt động đều vượt trội bậc đàn anh của mình. Nhạc Jazz từ thế hệ Beat sang đến Hippie là Rock, Psychedelic Rock, Acid Rock với những ban nhạc Jefferson Airplane, Big Brother, và sau này the Beatles, Rolling Stones (Anh quốc)... đã làm mưa làm gió một thời thế giới.

Thanh thiếu niên Hoa Kỳ thuở ấy tham gia phong trào Hippie càng lúc càng nhiều. Ngày 14 tháng Giêng năm 1967, với con số dự tính là ba ngàn hippies sẽ đổ về Golden Gate Park ở Cựu Kim Sơn để đón mừng “văn hóa hippie” nhưng cuối cùng đã vượt lên đến hơn ba mươi ngàn người. Và chỉ bằng một lời “hiệu triệu” từ bài hát của nhạc sĩ John Phillip sáng tác năm 1967, "nếu có đến San Francisco, hãy cài hoa lên tóc" (If you're going to San Francisco, be sure to wear some flowers in your hair) hàng nghìn người trẻ cài hoa lên tóc ở thủ đô Hippie để sau đó đã trở thành thời trang toàn cầu. Người ta phỏng tính đã có đến hơn một trăm nghìn thanh thiếu niên hippies tụ tập ở San Francisco, hưởng ứng lời “hiệu triệu” trên và từ ngữ Flower Children, “những đứa con của hoa” gắn liền với họ từ đó.

Cũng dữ dội hơn thế hệ đi trước, thế hệ hippie xử dụng ma túy nhiều hơn, sống thác loạn hơn. Sau này khi nhìn lại, nhiều người đã lấy làm tiếc cho tư tưởng tự do, ý muốn yêu chuộng hòa bình, cách mạng tình dục và thiện chí bảo vệ môi trường sống của phong trào Hippie, chỉ vì phong trào đã tàn lụi và chết hẳn không bao lâu sau khi được khai sinh. Việc lạm dụng ma túy, sự kích động quá đáng, lối sống thác loạn không phương hướng, và một số vấn đề xảy ra quanh những việc này khiến phong trào khó tránh khỏi sự tự diệt.

Bắt đầu sau “Mùa Hè Tình Yêu”, Summer of Love, cuối năm 1967 thanh thiếu niên hippies ở vùng Haight-Ashbury đổ ra sống ở đường phố ngày càng đông, trở nên người không nhà không cửa, hoặc thành ăn xin, hoặc tham gia buôn bán ma túy. Suy dinh dưỡng, bệnh tật, nghiện ngập, trộm cắp và cuối cùng dẫn đến phạm pháp thể như một vòng tròn của một số người theo phong trào Hippie. Cũng cuối năm 1967, những người khởi xướng Summer of Love và vô số hippies khác rời khỏi khu vực Haight-Ashbury, nhưng tình trạng không tốt lên chút nào. Vì ở những nơi khác, người hippies đã bắt đầu không tuân thủ luật pháp, bắt đầu làm những việc ảnh hưởng đến chính trị nhiều hơn, như kéo đến lầu năm góc phản đối chiến tranh, đòi có ứng cử viên riêng của mình. Sau khi những vụ bạo động xảy ra liên miên ở những nơi dân hippies tụ họp thì công chúng “chính mạch” (mainstream) đã trở nên phẫn nộ. Chính quyền phải can thiệp khi họ chiếm khuôn viên University of California, biểu tình tại trường đại học Berkeley. Cảnh sát đã phải bắn chết một sinh viên và làm một người khác bị mù vĩnh viễn tại đại học California, rồi một năm sau lại bắn chết thêm bốn sinh viên, trọng thương chín người khác ở Kent State University... Có thể nói đến lúc ấy, phong trào Hippie bắt đầu có dấu hiệu cáo chung. Tuy nhiên phong trào vẫn còn có tiếng nói và lan sang những nước khác như Anh, Úc...

Cho đến tháng mười hai năm 1969, đang lúc các ca sĩ Rolling Stones, Crosby Stills, Nash and Young, Jefferson Airplane trình diễn tại Altamont Free với sự có mặt của ba trăm ngàn khán giả thì Meredith Hunter, một thanh niên Mỹ gốc châu Phi mười tám tuổi bị đâm bằng dao găm đến chết. Thảm họa bắt đầu nổi lên, dân hippies trở thành nạn nhân của những băng đảng đầu trọc (skinheads), những kẻ du thủ du thực trên đường phố.

Cuối cùng, như một sự tàn lụi không cưỡng được, phong trào xuống dốc hẳn khi một số ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như Jimi Hendrix, Janis Joplin và Jim Morrison chết vì dùng ma túy quá liều. Vài năm sau Hippie hoàn toàn tắt ngấm, kể cả ở những quốc gia khác tại Âu châu, hay ở Nhật Bản, Úc, Tân Tây Lan.

Khi đọc về phong trào từng làm đảo lộn và ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội, văn hóa cùng âm nhạc, nghệ thuật và thời trang một thuở, tôi vẫn tự hỏi đâu là tư tưởng và suy nghĩ thật của những người lãnh đạo hippie lúc bấy giờ? Vốn sinh sau đẻ muộn, tôi chỉ được nhìn thấy hình ảnh người hippies trên những cuốn tạp chí bằng tiếng Pháp Paris Match thỉnh thoảng ông anh học trường tây của tôi hay đọc, thấy một số thanh niên ăn mặc theo phong cách hippie trên phố và... sự thay đổi đột ngột của chị tôi.

Tôi dùng chữ đột ngột, vì chị tôi, từ một cô nữ sinh chỉ biết hai màu áo dài, trắng và xanh dương để đi học và đi nhà thờ lúc còn ở thị xã, độ chừng sau một năm sống ở Sài gòn để chuẩn bị đi du học, khi trở về thăm nhà thì chị hoàn toàn biến như thành một người khác. Chị đeo mắt kiếng mát bảng lớn, tóc xõa lòa xòa hai bên má, mặc áo dài bông hoa sặc sỡ ngắn trên gối, quần tây ống loa, áo thắt ngực, và cổ tòng teng những sợi dây chuyền lớn hết sức thời trang và hết sức... Hippie!

Một sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Đến không nhận ra chị là ai. Nhưng tôi lúc ấy còn quá bé để thắc mắc, hay để hỏi chị đã “ngộ” ra được điều gì, đã tìm thấy gì mà dám thay đổi một cách quá sức bất ngờ như vậy. Cũng không biết có phải vì lúc ấy chị sắp sửa được ra nước ngoài, sắp sửa phải hòa nhập vào một cộng đồng khác hẳn quê nhà, nên cố tình... tập tành?

Người theo phong trào Hippie, tôi nghĩ, có thể vì có ước muốn sẽ thay đổi được những định kiến, lề thói cũ của xã hội, hay những ràng buộc của gia đình, trường học, của không gian chung quanh mình, nhưng cũng có thể bị phong trào lôi cuốn vì thấy nó “hay hay”, hoặc vì... “à la mode”, vì theo bạn theo bè. Tôi không ngợi ca cũng không chê bai, mà khá ngạc nhiên khi đọc một số bài viết về phong trào Hippie, thấy có người cho rằng phong trào này đã ủng hộ chủ nghĩa Mac, lấy Che Guevara làm thần tượng và xem như người hippies lấy lý tưởng chính cho phong trào mình là chủ nghĩa cộng sản.

Như đã nói, tôi không biết nhiều về thế giới của người hippies và phong trào Hippie, nên không rõ họ đã ủng hộ chủ nghĩa cộng sản như thế nào, và người cộng sản có đặt họ ở cùng chung một chiến tuyến hay không, nhưng có thể thấy rất rõ việc họ chống đối chiến tranh Việt Nam trong suốt thập niên sáu mươi và đầu bảy mươi đã góp thêm một tay cho chính sách tuyên truyền của cộng sản. Cũng như góp phần không nhỏ vào việc khiến thế giới cũng như chính người dân Hoa Kỳ có cái nhìn khác về cuộc chiến tại Việt Nam. Khi chiến tranh càng trở nên ác liệt thì những cuộc biểu tình rầm rộ, những ồn ào xuống đường của phong trào Hippie càng nhiều. Gia đình có thân nhân đang chiến đấu tại Việt Nam thời bấy giờ đã trở nên hoang mang, xao động. Nhà báo Laura Leddy Turner cho rằng việc cựu ngoại trưởng Kissinger từng tuyên bố việc quân đội đồng minh rút khỏi Việt Nam phần nào đó là do tác động của phong trào này.

Sự sụp đổ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và miền nam rơi vào tay cộng sản vào tháng tư năm 75, không thể nói chỉ vì phong trào Hippie phản chiến, nhưng những gì họ làm, rõ ràng chỉ có lợi hoàn toàn cho phía cộng sản. Điều này đã khiến tôi nghĩ đến một phong trào khác tại Tây Đức. Một phong trào ban đầu có tên gọi là Sinh Viên Yêu Nước, sau đó đổi sang thành Sinh Viên Đoàn Kết, và cuối cùng là Việt Kiều yêu nước.

Cuối năm1978, giữa lúc gia đình tôi chỉ còn biết khoai và củ, thì chị tôi trở về từ Munich thăm nhà. Lúc ấy tôi đang là nhân viên hợp đồng không biên chế của công ty thương nghiệp cấp ba của huyện, do quá ngán chuyện đi làm rẫy và do... điếc không sợ súng đã ghi... bừa vào lý lịch là “biết đánh máy”, dù thật sự chỉ gõ lóc cóc trên cái máy cổ lổ xỉ của mẹ tôi bằng hai ngón trỏ. Khi chị tôi về, hai chị em nhìn nhau lạ lẫm mặc dầu chị chỉ rời quê nhà chưa đầy mười năm. Tôi, con bé lúc chị đi chỉ mới học hết tiểu học, bảnh bao sạch sẽ vì có một chị người làm kè kè theo một bên, khi chị tôi về thì đã thành thiếu nữ, đã có bạn trai, và lam lũ như không thể nào lam lũ hơn. Thuở ấy một năm nhà nước phát tem phiếu bốn thước vải cho dân thường, năm thước cho cán bộ công nhân viên, nhưng mặc dầu bốn hay năm gì tôi cũng đưa cho mẹ tôi bán sạch ra chợ trời, vì vậy đi làm tôi mặc quần đen áo bà ba cũ rích, chạy chiếc xe đạp con trai không vành, không đồ chắn sên, không phanh, không thắng, không còn biết nước sơn nguyên thủy là màu gì.

Chị tôi “trở về, nhìn nhau xa lạ”. Không còn cũ kỹ áo dài trắng áo dài xanh, cũng không thời trang rất Hippie như lúc ở Sàigon, mà là một người nào đó chẳng dính dáng gì đến cái cõi nhân gian tôi đang sống. Chị trắng trẻo mịn màng, đẹp đẽ, lịch sự, thơm tho và... xa vời. Chị tôi là một Việt kiều yêu nước, “được cho về nước” giữa những năm cả nước đói nghèo, giữa những lúc mẹ tôi quần quật với bầy heo sau vườn, giữa những bữa cơm độn khoai độn sắn anh em tôi chia nhau từng miếng cá khô mặn chát lưỡi, giữa lúc tôi tranh giành từng chút đường, chút bột ngọt ở cơ quan mang về nhà, giữa lúc con em tôi gò lưng lẩy bắp, hai thằng em út lội ruộng lội mương sau những giờ tan học...

Tính cho đến ngày 30/04/75 thì sinh viên du học tại Tây Đức có khoảng độ trên dưới hai ngàn người, gồm những sinh viên được nhận học bỗng quốc gia hoặc đi du học tự túc như chị tôi. Phần lớn họ thuộc thành phần trung lưu, con nhà khá giả, nhiều người có bố mẹ là quan chức lớn, con trai con gái của tỉnh trưởng, quận trưởng... Vào những năm đầu của thập niên bảy mươi, sinh viên tại Tây Đức thường sinh hoạt chung với nhau không phân biệt thành phần, giai cấp, tư tưởng. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau, một số sinh viên đã âm thầm đi theo đường lối của những sinh viên đàn anh như Bùi Văn Nam Sơn, hoặc đàn chị như Thái Thị Kim Lan..., là những người theo cộng, thân cộng được móc nối, có mặt tại Tây Đức để làm công tác chiêu dụ sinh viên. Từ những sinh hoạt vui chơi ban đầu họ chuyển qua “học tập”, kế đến “phê và tự phê”, rồi “kiểm điểm”, và vân vân, y hệt như cách tổ chức của đoàn thanh niên cộng sản Việt Nam. Những thành phần này sau đó tách hẳn ra khỏi tổng hội sinh viên Tây Đức, gia nhập vào phong trào “sinh viên yêu nước”. Sau tháng tư năm bảy lăm, họ giữ quốc tịch Việt Nam, không xin tị nạn như những sinh viên khác.

Điều khiến tôi nghĩ đến phong trào sinh viên Tây Đức khi viết về Hippie, bởi vì họ cũng chống chiến tranh và chống lại sự có mặt của quân đội đồng minh tại Việt Nam, trước 1975 cũng rầm rộ xuống đường, cũng tổ chức những đêm không ngủ, những cuộc biểu tình chống Mỹ, chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1974, khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu viếng thăm Tây Đức, những người sinh viên thân cộng lại biểu ngữ, lại biểu tình và thậm chí còn vất cả cà chua vào phái đoàn ngoại giao. Đến nỗi sau chuyến đi này, tổng thống Thiệu đã ra lịnh ấm chuyển ngân cho du học sinh tại Tây Đức.

Ngày miền Nam mất, phần lớn những sinh viên du học vào khoảng cuối thập niên sáu mươi như chị tôi vẫn chưa xong học trình của mình. Trước, bị cúp chuyển ngân, họ sống bằng tiền gia đình chuyển qua nhiều ngã với giá chợ đen đắt gấp ba, gấp năm lần. Sau tháng Tư, trong khi sinh viên tị nạn cộng sản được trợ cấp của chính phủ Đức, thì thành phần “yêu nước” quyết chí giữ quốc tịch Việt Nam đã rơi vào tình trạng khá chao đảo về tài chánh. Gia đình không còn khả năng để chuyển ngân, không được hưởng phúc lợi xã hội từ chính phủ Đức, cũng không thể đi làm vì chưa ra trường và luật lao động của Đức không cho phép du học sinh làm nhiều giờ, càng không nhờ cậy được bất cứ điều gì từ sứ quán Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, vậy mà những con người này vẫn “kiên định lập trường”, vẫn không chịu nộp đơn xin tị nạn. Và có một điều rất lạ lùng mà họ đã làm, là lại... biểu tình, phản đối chính phủ Đức đã không giúp đỡ.

Cuối cùng, một số cơ quan từ thiện và nhà thờ đã ra tay giải cứu. Vì thế mà những kẻ cương quyết đòi đập tan chế độ tư bản, cương quyết chống quân đội đồng minh, cương quyết không bảo lãnh thân nhân ở quê nhà hoặc đã trốn thoát được đang nằm chờ định cư tại các trại tị nạn; hoàn toàn không bị thiếu ăn, thiếu chỗ ở, hay chịu đói và chịu lạnh tại xứ sở ấy. Hơn thế, họ còn được các cơ quan từ thiện và nhà thờ giúp trả tiền học phí hoặc được các trường đại học miễn một phần.

Mười ba năm về trước khi qua Hoa Kỳ du lịch, tôi đã ghé thăm và mang quà chị tôi tặng vợ chồng một người bạn của chị ở San Jose. Anh đi du học trước chị tôi một năm, ra trường sớm hơn vì không học lên tiến sĩ, và làm việc cho hãng BMW. Hãng xe này đã điều động anh ra nước ngoài theo chương trình cắt giảm nhân sự, là phải chọn một trong hai điều kiện, hoặc nghỉ với một số tiền bồi thường nào đó hoặc chấp nhận “xa nhà”. Với lứa tuổi của anh lúc bấy giờ, hưu thì sớm quá, nhưng kiếm ra việc làm khác ở Đức thì lại quá khó, nên anh đã đồng ý “xa nhà”. Lương thấp đi một tí, điều kiện làm việc hơi khó khăn hơn một tí vì phải nói tiếng Anh thay vì tiếng Đức. Tuy nhiên cuối năm thì lại được một khoản tiền thưởng khá lớn do BMW dành cho “người làm việc xa tổ quốc”. Anh, cũng như hầu hết các cựu sinh viên đã đổi quốc tịch, trở thành công dân Đức từ cuối thập niên 80.

Nhà anh chị ở gần phố người Việt. Nơi chị bảo có thể chạy vài bước là mua được thức ăn hằng ngày như ở Sài Gòn. Để mời tôi ăn cơm, chị bảo chỉ cần cắm nồi cơm, còn cá kho tộ, rau xào, thịt quay, dưa cà, hằng hà sa số món thì chị mua từ chợ về vẫn còn nóng hổi, thơm phức. Chị giễu bảo sống ở xứ này chỉ cần “dung” và “hạnh” là đủ, vì chưa quen mấy ai nên chưa cần tập tành, chỉnh sửa chữ “ngôn”, còn riêng “công” thì đã có... Lion Plaza food court đứng ra bảo đảm cho chị rồi!

Chị có vẻ hạnh phúc với căn nhà khoảng sân nhỏ trồng hai cây thông trái lớn, và một dãy hoa hồng tỉ muội ven rào trị giá khoảng hơn nửa triệu đô la thời bấy giờ, mặc dầu vẫn vờ than thở, bảo rời khỏi Munich, đến ở một chỗ mà nhà cửa cũng đắt đỏ không kém, nên rốt cuộc vẫn phải sống chật chội. Tôi trêu chị nên đọc Kinh Lạy Cha, “xin Chúa cho chúng con thức ăn hằng ngày đủ dùng” để thấy mình luôn luôn được hưởng phước lớn.

Nhà văn Lưu Hải Sơn, cũng ở Đức, đã viết câu truyện cổ tích mới, kể chuyện một con chim sẻ tìm được một quả trứng rơi, bèn làm tổ như chúng bạn để ấp. Quả trứng rất đẹp, hứa hẹn một chú chim non xinh xắn sẽ ra đời, khiến bạn nó có khi cũng phải ganh tị. Một thời gian sau, con cái của bạn nó sau khi rời khỏi trứng đã bắt đầu biết ăn, rồi chuẩn bị tập bay, mà cái trứng của con chim sẻ vẫn y nguyên không chịu nở. Nó xót ruột lắm. Bạn bè nó cũng lo lắng thăm hỏi. Nhưng thời gian sau vẫn thấy không động tĩnh gì, bạn nó bèn cười, trêu nó “hay là mày đã ấp một cục đá?”. Con chim sẻ giận lắm, nó bảo cứ đợi đi, rồi thời gian sẽ trả lời. Nhưng mãi, mãi, rồi mãi, thời gian vẫn không chịu trả lời, không giúp cho con chim sẻ chứng minh cho bạn nó thấy nó đã làm được một việc tuyệt vời. Dần dà chúng bạn rời xa. Con chim sẻ ngậm ngùi và cay đắng lắm, bởi nó biết mình đã mất thì giờ, đã tốn công tốn sức đi ấp một cục đá thật, nhưng tự ái, nó không thể nào nhận mình sai, không dám nói mình đã lầm.

Người theo phong trào Hippie, hay phong trào Sinh Viên Đoàn Kết, rồi Việt Kiều “yêu nước” như chị tôi và bạn bè chị, đúng hay sai thì lịch sử đã đoán xét rồi. Nhiều người nổi tiếng của phong trào phản chiến thời ấy đã lên tiếng xin lỗi thế giới như tài tử Jane Fonda, hay âm thầm như một số sinh viên Tây Đức “xin” về Việt Nam sống vào đầu thập niên 80 sau đó lại vượt biên đã tách rời hẳn những người “yêu nước”.

Số còn lại, tôi không biết có nhìn ra mình cũng từng như con chim sẻ trong truyện của Lưu Hải Sơn hay không, nhưng có một điều tôi biết là cho dầu họ như thế nào đi nữa, đi theo phong trào nào đi nữa, khi gặp khó khăn, khi cần sự giúp đỡ, thì chính phủ mà họ chống, xã hội mà họ bài bác, vẫn đưa bàn tay ra làm phao cho họ níu, vẫn ân cần đối xử tử tế với họ. Một điều rất đáng buồn, rằng sau cuộc chiến, người hippies nếu vẫn còn sống đâu đó trên đất nước Hoa Kỳ, chắc chắn vẫn bình an và đầy đủ, chắc chắn họ vẫn được chính phủ hỗ trợ, vẫn được các cơ quan thiện nguyện hay nhà thờ giúp đỡ khi ngặt nghèo, và những cựu sinh viên “yêu nước” ngày nay vẫn sống tại hải ngoại, đã xong học trình, đã đi làm, đã an cư lạc nghiệp và tích lũy được một số vốn nào đó; còn người dân Việt, hoặc phải sống đời lưu vong xứ người, hoặc còn ở lại quê nhà, dẫu có không cơ cực, nghèo nàn đi chăng nữa, vẫn khó mà sống được một đời an lành.

Người hippies từng “hết mình cho lý tưởng hòa bình tự do”, người sinh viên du học từng “đấu tranh không mệt mỏi cho chính nghĩa”, khi nhìn về tuổi trẻ của mình, không biết họ có đang hãnh diện mình từng có một thời như thế, hay cảm thấy buồn và hối hận, bởi vì cho đến tận ngày hôm nay, sau bốn mươi mốt năm ngưng tiếng súng, thì người Việt Nam còn sống trên đất nước Việt Nam, vẫn chưa hề biết thế nào là hòa bình, tự do, chính nghĩa và công lý...

Hoàng Nga

No comments:

Blog Archive