Saturday, May 14, 2016

Lên Non Mới Biết Non Cao




Tiếng nhạc alarm kéo Kim ra khỏi giấc ngủ nặng nề. Hai mí mắt nặng trĩu và cái đầu nhức buốt làm Kim không muốn ra khỏi giường. Nhưng Kim vùng choàng dậy. Đã đến giờ đi đón con về. Kim cứ nhớ cảnh cậu con út bỏ mọi thứ đồ chơi, chạy ào đến ôm chầm lấy mẹ khi chị đến đón con, làm chị không thể nằm ráng thêm một phút nào nữa.

Lái xe đến trường đón hai cậu con về nhà là công việc thường ngày của chị. Buổi sáng ông xã đưa hai con đi học. Chiều sau giờ làm, Kim đón các con về, vừa nhắc nhở các con làm bài vở vừa nấu ăn. Chàng về đến nhà là cơm nước. Rồi chàng phụ Kim dọn dẹp bếp núc và tắm rửa cho các con. Hôm nào bọn trẻ xong bài vở sớm, cả nhà đi dạo quanh hàng xóm một lúc.

Nhưng tuần này chàng đi công tác xa nên mọi việc chỉ còn mình Kim phải cáng đáng. Vì trường học mở cửa lúc 7:30 sáng sau giờ Kim làm việc, nên chị và các con phải dậy sớm hơn một giờ để đến nhà bà giữ trẻ nhờ bà chở các con đến trường sau đó. Tối về lo sắp xếp để các con được nói chuyện với chàng qua FaceTime.

Chàng đi mới ba ngày mà Kim đã đuối sức. Kim thầm đếm còn bảy ngày nữa, chàng sẽ về. Kim sẽ bớt được phần nặng nề vừa lo việc làm lẫn việc nhà.

Bỗng nhiên, chính trong mấy ngày bận bịu này, Kim chợt tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trong đầu bao nhiêu năm qua. “Tại sao Kim không hề thấy mẹ bịnh khi ba đi tù cải tạo?”

Kim vẫn cảm nhận tình yêu và sự hy sinh của mẹ cho chị em Kim trong những năm thơ ấu khi nhà vắng bóng ba. Nhưng không thể nào hiểu hết nổi cái nhọc nhằn, khổ cực, buồn tủi của mẹ. Như người xưa có câu, “Lên non mới biết non cao, nuôi con mới biết công lao mẹ già.” Kim không hiểu hết tấm lòng mẹ cho đến hôm nay Kim lo cho các con khi chồng vắng nhà. Kim nhớ giọng hát cao vút, man mác buồn của mẹ trong đêm giao thừa năm xa xưa ấy. “Lạnh lùng sương rơi heo may, buồn ngơ ngác bóng chim bay, mây tím giăng sầu đó đây…” Dẫu ngày ấy Kim còn bé lắm nhưng vẫn cảm nhận cái cô đơn, nhung nhớ trong giọng hát của mẹ.

Chàng của Kim đi công tác xa và Kim biết chắc chắn chàng sẽ đi mười ngày. Chàng của mẹ, là ba, ngày ấy bị bắt đi mất biệt, chẳng biết ngày về. Các con của Kim hơi buồn khi ba chúng vắng nhà nhưng tự hào khoe với đám bạn bé tí rằng ba chúng nó đi làm công việc “quan trọng”. Chị em Kim ngày ấy chẳng dám tỏ với ai nỗi buồn vắng ba và còn sợ hãi hơn khi mỗi ngày đến trường phải nghe bài hát, “giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước, diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước…” Lời hận thù trong bài hát làm những đứa trẻ có hoàn cảnh như Kim sợ hãi trong tủi nhục.

Mẹ đau lòng vì các con mẹ phải sống trong mặc cảm về ba với xã hội. Nhưng mẹ không để chị em Kim tuyệt vọng. “Kỳ lễ tới chắc ba sẽ về. Nhà mình sẽ không cực nữa.” Mẹ gieo cho chị em Kim và cho chính mẹ niềm hy vọng để sống. Nhưng rồi bao ngày lễ trôi qua, ba vẫn ở tù trên núi cao hẻo lánh. Mẹ phải bươn chải buôn bán để nuôi bầy con bốn đứa nhỏ xíu và thăm chồng đều đặn mỗi ba tháng.

Hàng ngày, Mẹ đạp xe 20 cây số mỗi ngày đi vào các xóm nhỏ làng quê mua gạo, đậu, tiêu, mè về bán ở chợ thị xã. Kim nhớ mẹ chẳng bịnh bao giờ. Đều đặn mỗi ngày thức dậy lúc bốn giờ sáng, chẳng có gì bỏ bụng. Thì thầm gọi chị Hai hoặc Kim dậy, cho tiền mấy chị em ăn sáng và đóng cửa sau khi mẹ đi. Có nhiều hôm cậu em út thức giấc lúc mẹ rời nhà. Cu cậu chạy theo níu xe đạp mẹ, làm chị Hai phải vất vả lắm mới giữ cậu được. Có hôm chị phải giả vờ bế em chạy theo mẹ đến ngã tư đầu phố.

Cậu con út của Kim cũng có vài lần níu chân mẹ mỗi buổi sáng Kim rời nhà. Nhiều hôm Kim không cầm nổi nước mắt vì nó gợi lại cảnh của chị em Kim năm xưa. Chắc ngày ấy mẹ cũng xót ruột lắm nhưng cứ phải để bầy con nhỏ ở nhà một mình cả ngày. Không đi mua bán thì gạo đâu để nấu? Kim nhớ nhiều lần ra cửa ngóng mẹ đem gạo về nấu cơm trưa. Mẹ không thể bịnh. Mẹ không cho phép mình bịnh vì mẹ không muốn cả nhà thiếu ăn. Tình mẫu tử đã cho mẹ sức mạnh để vượt qua những ốm đau uể oải trong người, để có thể lo cho con cái. Mỗi năm, Mẹ chỉ nghỉ ngày mùng một Tết. Ngày mùng hai lại đạp xe 25 km đi về giỗ ngoại và đem về một ít củi hay một vài đòn bánh tét để mùng ba lại dậy sớm đón xe đi thăm ba.

Kim nhớ hai lần đi thăm ba với mẹ. Ba giờ sáng thức dậy, mẹ gánh con mang, xôi thịt, mắm muối, đậu đường ra bến xe, rồng rắn sắp hàng mua vé. Rồi ngồi trong chiếc xe chật như nêm, hôi tanh mùi cá mắm làm Kim muốn ói, chạy ì ạch mấy tiếng đồng hồ. Xe đổ khách ở ngoài thị trấn. Mẹ con lại gồng gánh cùng với nhiều các bà, các cô lội bộ vào trại tù. Khi tới trại thì hết giờ thăm nuôi, mẹ con cùng ngủ trên chiếc sạp trong chiếc lều không cửa bên ngoài trại. Tối đến Kim sợ hãi khi thấy có những đốm nhỏ tròn nhảy múa trong màn đêm. Kim run rẩy thì thầm hỏi mẹ.

“Cái chi rứa mẹ?”

“Mấy con thỏ đó mà!”

Giọng mẹ bình tĩnh làm Kim bớt run. Sáng hôm sau thức dậy, mẹ và Kim ra bờ sông ngóng ba cùng với những người tù khác lội qua sông để được thăm nuôi. Mẹ dặn, “Nếu con thấy ba, thì đừng kêu. Nếu không họ sẽ đuổi về, không cho gặp ba đó.” Kim vâng dạ như máy nhưng chẳng hiểu vì sao có những cái luật lạ kỳ.

Rồi cuối cùng Kim cũng gặp ba, ốm yếu, nước da đen xạm. Ba ngồi phía bên kia cái bàn rộng, Kim và mẹ ngồi phía bên này. Cánh tay nhỏ của Kim không thể với được tới ba. Ba mẹ cũng không thể nắm tay nhau được. Kim nhìn quanh nhận thấy những gia đình khác cũng như vậy. Ai cũng khẽ khàng hỏi thăm với những câu như nhau trong ánh mắt theo dõi lạnh lùng của viên cán bộ trại tù coi việc thăm njuo6i. Hồi đó mẹ cũng khoảng cỡ tuổi của Kim bây giờ.

Chàng của Kim mới đi công tác mấy ngày. Kim cuối mỗi ngày khi cảm thấy mỏi mệt, Kim nhớ cánh tay rắn chắc của chồng xoa bóp bờ vai cho mình. Khi nói chuyện với chồng qua FaceTime, Kim cũng trút được bớt chút ít mệt nhọc trong ngày. Mẹ ngày xưa cực khổ nuôi con ở nhà, rồi thêm chính quyền sách nhiễu đủ điều. Vậy mà khi gặp ba, không một cái nắm tay, không một lời thở than, không tiếng an ủi. Kim không thể hiểu hết cái buồn đau của mẹ trong những ngày ấy cho đến bây giờ khi Kim có chồng con.

Hôm sau con nóng sốt, Kim gọi ngay cho chồng. Chàng đang làm việc không bắt máy. Kim vội vàng gọi em dâu là bác sĩ để được hướng dẫn cách chăm sóc con. Rồi chở con đi khám bệnh. Kim lại nhớ lần chính Kim bị bệnh năm 75. Hồi đó mẹ chưa biết đi xe đạp. Nhằm lúc trời mưa lớn nước ngập đường. Mẹ lội nước cõng Kim đến gặp ông bác sỹ duy nhất của thị xã tốt nghiệp trước năm 75. Ông này phải chữa bịnh chui vì không có giấy phép của “chính quyền cách mạng”. Lúc hai mẹ con ra khỏi nhà ông bác sỹ, nước dâng tới bụng mẹ. Nhằm chỗ nước chảy mạnh, mẹ đi muốn té.

Kim bây giờ con bị bịnh vào lúc chồng vắng nhà, Kim có thể gọi người thân quen để được giúp đỡ. Mẹ ngày xưa đơn côi, một mình gánh vác, một mình toan tính, một mình chèo chống tìm cách lo cho con. Kim vẫn biết mẹ hy sinh nhiều cho con, cho chồng nhưng không biết mẹ hy sinh đến mức nào. Mãi cho đến hôm nay, khi Kim nuôi hai con lúc chồng vắng mười ngày. So với mẹ ngày xưa nuôi bốn chị em khi ba đi tù bảy năm. Kim chẳng thể nào làm được như mẹ. Kim không thể nào trả hết ơn mẹ dưỡng nuôi như câu ca dao Kim nghe lúc còn tấm bé. “Ai rằng công mẹ như non, Thật ra công mẹ lại còn lớn hơn.”

Kính mừng sinh nhật 80 của mẹ và kính tặng tất cả các bà mẹ nuôi con khi chồng đi tù cải tạo.

Thuỷ Như

No comments:

Blog Archive