Sunday, May 1, 2016

Mất trí


DXGK

Trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ
Đồng hồ Trung Quốc tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ


Sau ngày mất nước 30/4, Sài Gòn bị mất tên trên bản đồ, các đường phố phần lớn bị đổi bằng những cái tên lạ lẫm, gượng gạo và hỗn tạp. Không chỉ Sài Gòn và những con đường bị xóa tên mà các thành phố khác tại miền Nam cũng mọc lên những con đường, công viên, trường học, bệnh xá...với những "danh nhân" chẳng ai biết tới, tra sách vở uy tín, đứng đắn thì không có chút dấu vết.

Những tên này chỉ được ghi hoặc chú thích trong những pho sách, trang mạng "một chiều" bên Việt Nam. Mà những loại sách, thông tin này đọc chưa được hai câu đã phải xếp lại vì văn chương, ngôn từ vẫn mang đặc trưng cái lối tuyên truyền nhồi sọ rất lố, hẹp hòi thiển cận, và tuyệt nhiên không mở mang giúp ích gì cho người đọc.

Bốn mươi năm sau cuộc chiến, Sài Gòn và cả Việt Nam được những nhân vật trong ban tuyên giáo gán ghép, vinh danh hoặc tự tạo những nhân vật mất trí hão huyền, xét ra chẳng có công trạng gì cho quê hương dân tộc. Nhiều nhân vật còn mang trọng tội nữa là khác.

Đứng đầu trong danh sách này là Lê Văn Tám, cái tên hư cấu được ông Bộ trưởng tuyên truyền Trần Huy Liệu đặt cho một nhân vật thiếu niên mơ hồ, không lai lịch đã tự đốt cháy mình làm mồi đốt kho đạn của địch (ở đây chỉ Pháp) tại Thị Nghè. Ông bộ trưởng tuyên truyền sau cảm thấy mình đi quá đà, đã tạo nên một nhân vật "anh hùng dân tộc" thiếu khoa học, rất hài hước và chẳng thuyết phục được mấy người.

Một thằng bé dưới 10 tuổi, thân hình gầy còm yếu ớt, tự đốt mình rồi chạy băng mấy trăm mét vào kho đạn của Pháp để châm ngòi đốt hủy kho đạn, thì có ma nào tin cho được. Không những chuyên tạo dựng những nhân vật "thánh" mà bộ tuyên truyền còn tạo chất "nổ" kinh hoàng. Riết rồi ban tuyên giáo và cái đảng biến thành "thánh nổ", chứ chả có thông tin nào chân thật, khả tín để có thể tin được.

Lúc sắp mất Bộ trưởng tuyên truyền đã trăn trối lại với ông Phan Huy Lê, một sử gia bên Việt Nam, sau này khi có dịp nên đính chính và làm sáng tỏ vụ "thiếu niên anh hùng dân tộc" không có thật Lê Văn Tám để khỏi phải hổ thẹn với sử xanh. Lê Văn Tám được đặt tên cho công viên gần chợ Đa Kao, quận 1 của Sài Gòn. Dọc hai con đường hai bên của công viên Lê Văn Tám là đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ.

Võ Thị Sáu không biết là nhân vật như thế nào nhưng huyền thoại bà ta bị đưa ra bãi xử bắn được bộ tuyên truyền vận động thêu dệt và tô vẽ tối đa, đọc mà không khỏi gượng cười vì lối phác họa cẩu thả, ấu trĩ. Bà ta bị Tây bắt, đèo ra bãi bắn nhưng: "Vẫn ung dung mỉm cười. Ngắt một đóa hoa tươi. Chị cài lên mái tóc. Đầu ngẩng cao bất khuất. Ngay trong phút hy sinh". Thơ thì hay đấy, nhưng toàn là giả dối.

Có sách chép là Võ Thị Sáu trên đường ra bãi bắn đã ngắt một cành hoa trao tặng cho tên lính dẫn độ để nêu cao tấm gương vị tha, nhân ái của mình. Trước khi lãnh nhận phát súng từ giặc Tây, Võ Thị Sáu còn cất cao giọng để hát bài "Tiến quân ca" rồi hô to: "Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ Tịch muôn năm". Thật là hài hước, đang viết tiểu sử của "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", mà tay nào đã viết nhầm thành tiểu thuyết lãng mạn.

Còn Điện Biên Phủ là tên một địa danh ở phía tây bắc của Việt Nam, nơi xảy ra cuộc chiến giữa Pháp và Việt Minh năm 1954, chấm dứt sự hiện hữu của Pháp tại Việt Nam. Cái tên Điện Biên Phủ sau này bị lạm dụng phô trương cho không biết bao tên đường, sách vở tuyên truyền bên Việt Nam. Nghe cái tên Điện Biên Phủ mà cứ ngỡ đang ở Điện Âm Phủ. Rét và ngán ngẩm.

Không xa với công viên Lê Văn Tám là các con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẫn. Đâu đó trong thành phố Sài Gòn xưa mọc lên những con đường, công viên với những cái tên vô duyên chẳng làm nên lịch sử như: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đình Giót, Hồ Thị Kỷ, Cách Mạng Tháng Tám, Đồng Khởi, Hoàng Văn Thụ, Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Tấn Phát, Lê Hồng Phong, Lê Đức Thọ, Lê Thị Riêng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tất Thành...và hàng trăm tên nhân vật khác.

Hy vọng một ngày nào đó Sài Gòn được trả lại tên cũ, các con đường, công viên, trường học phố thị mang tên của một danh nhân đích thực. Chứ không phải là của những nhân vật hư cấu hoặc mất trí, đã và đang cuốn hút trong quỹ đạo đông phương đỏ.

DXGK

No comments:

Blog Archive