Saturday, May 14, 2016

Cô giáo Vân 

Phần dẫn nhập:

“…Anh Viễn thân, Tôi gởi anh thơ này để xin phép viết về chuyện tình của Anh. Tôi nhớ có lần hỏi anh điều đó khi chúng ta dạo bước trong Công Viên Angelica. Anh nói được nhưng nên chờ thêm ít nữa. Tôi nghĩ bây giờ là đúng lúc, vì tôi bắt đầu thấy mình già đi, sợ rằng trí nhớ không còn sắc bén mãi. Tôi muốn ghi lại trên giấy vì mỗi cuộc sống, giống như các vật hoá thạch, dù nhỏ bé đến đâu đều mang theo chứng tích thời gian. Nhất là thế hệ chúng ta sống vào một giai đoạn đầy biến động. Tôi cũng muốn làm vơi gánh nặng ký uc của chính mình, nặng tới mức có những lúc tưởng không thể mang theo nổi nữa………….. 

Chào anh và chúc anh may mắn. Bạn anh, Nguyễn v. Phan ……………..” 

Phần một: người khách thuê nhà.

Hơn sáu năm trước (2005), khi đứa con gái út tốt nghiệp Đại học và có việc làm ở San Diego, vợ chồng Phan thở phào nhẹ nhõm. Những ngày thanh nhàn mơ ước đã đến: bây giờ là lúc có thể dành dụm nhiều hơn cho tuổi hồi hưu, có thể đi du lịch… cho biết đây, biết đó trước khi về già. Không tính tới việc làm của Liên (vợ Phan) ở ngân hàng, chỉ riêng tiền lương của Phan cũng đủ cho hai vợ chồng chi tiêu thoải mái. Họ có thể dành dụm tất cả lợi tức của Liên cho lúc về hưu. Chẳng bao lâu, khi giấc mơ chưa thành thì Liên bị ung thư. Sau giải phẫu, nàng còn phải trải qua hơn sáu tháng hoá học trị liệu. Việc làm cũng mất vì nghỉ gần tám tháng. Hai vợ chồng bàn tính bán ngôi nhà biệt lập lớn bốn phòng ngủ, và dọn về một căn nhà liên kế nhỏ. Chỗ ở mới đã mua, nhà cũ chưa bán được, thì đúng lúc thị trường điạ ốc gặp khó khăn, giá hạ và giao dịch rất chậm. Tự nhiên gánh một lúc hai món nợ nhà, cộng thêm khoản tiền Liên chữa bệnh gần mười lăm ngàn (dù bảo hiểm đã trả tới tám mươi phần trăm), tình hình tài chánh gia đình Phan trở nên khó khăn. Phan lại bận túi bụi vì ngoài giờ làm việc, còn phải trông nom hai căn nhà, mùa Hè cắt cỏ, mùa Đông xúc tuyết, kiêm luôn bảo trì, sửa chữa…

Một hôm, đang bán hàng, chuông điện thoại reo, Phan nhấc máy, tiếng Liên nói rất vui:

- Bố nó ơi, mình hết kẹt rồi, có người hỏi thuê căn nhà mới mua!

Phan hỏi lại:

- Ai thế em, người Mỹ hay Việt Nam?

- Người Việt, có một bà gọi cho em, nói muốn thuê cho người em trai. Ông ấy đi ngang, thấy nhà trống, hỏi hàng xóm, họ nói vợ chồng mình không ở thường xuyên. Ông ta xin số điện thoại và nhờ người chị gọi hộ.

Nhìn ra phiá trước, thấy ba bốn người khách lóng ngóng đứng chờ trước quầy bán hàng, Phan nói vội:

- Anh về mình nói chuyện sau. Nếu hẹn gặp, nhớ là anh được nghỉ thứ Năm, thứ Sáu tuần tới.

***
Bà Châu đến sáng thứ Năm, rất đúng giờ. Người phụ nữ mới tới có dáng vẻ người Nam Mỹ nhiều hơn là người Việt. Da ngăm, cao, hơi gầy và nhanh nhẹn dù lứa tuổi phải trên sáu mươi. Sống mũi cũng cao so với đa số người Á Đông. Gương mặt nghiêm nhưng ánh mắt lại có vẻ hóm hỉnh, lanh lợi, thông minh…Bà bắt tay Phan, nói ngay, không chờ chủ nhân tự giới thiệu:

- Chào ông Phan văn Nguyễn! Tôi là Minh Châu, tên trên giấy tờ là Chau Minh Richardson. Tôi đến về việc thuê nhà cho cậu em tôi, Trần Viễn.

Phan hơi ngạc nhiên:

- Bà biết tôi từ trước?

- Tôi có ghé siêu thị gần đây mua vài thứ cần dùng. Hình ông có đủ họ, tên treo ngay cạnh nhà thuốc trong chợ.

Phan bật cười. Bà Châu chỉ tay qua bên kia đường, nơi một người đàn ông Mỹ lớn tuổi đang dắt con chó nhỏ:

- Alan, chồng tôi. Để ông ấy tự nhiên, chúng ta vào công việc ngay nhé. Tôi phải trở về Washington DC chiều nay…

Vợ chồng Phan và bà Châu kết thúc giao kèo thuê nhà nhanh chóng. Bản hợp đồng đã soạn từ trước, bà Châu đọc qua, không hỏi gì về giá cả, ký tên, đặt tiền cọc và trả tiền nhà tháng đầu tiên. Bà vui vẻ nói:

- Ông bà cứ kiểm chứng lý lịch tín dụng của tôi. Ngày ông bà lãnh ngân phiếu là ngày bắt đầu hợp đồng. Chìa khóa ông bà giao thẳng cho cậu em tôi lúc dọn vào. Đây là số điện thoại của Viễn...

Sau một lúc nói chuyện, ông bà Richardson ân cần bắt tay từ biệt Phan và Liên, để lại tấm danh thiếp, lái xe đi. Phan nói với vợ:

- Bà Châu có nói sơ qua với anh. Alan là công chức bộ Ngoại Giao, mới về hưu năm ngoái. Bà Châu sang đây từ trước biến cố Mậu Thân, học về quản trị, làm cho một công ty hàng không Mỹ hơn ba mươi năm, cũng đã hưu. Mùa hè này họ sẽ bắt đầu chuyến đi vừa du lịch, vừa thăm bạn bè, họ hàng…Nhưng không hiểu sao ông Viễn không đứng tên thuê nhà mà lại nhờ người chị.

 ***
Viễn dọn đến vào một ngày đầu Xuân. Thời tiết ấm và nắng rất đẹp. Trên sườn đồi thoai thoải, hai dãy nhà mỗi bên sáu căn, đối diện nhau, ngăn cách bởi con đường mới mở. Căn của vợ chồng Phan là căn thứ hai bên số lẻ, tính từ Trường Đại Học. Khu đất này vốn thuộc về một gia đình giầu có lâu đời trong vùng. Khi người gia trưởng mất đi, con cháu nhượng lại cho địa phương để mở đường và xây nhà. Con đường nối liền hai khu vực: một bên là nghĩa trang nhỏ, săn sóc rất khéo, rất thẩm mỹ và phía bên kia là khu vực Trường Đại Học Công giáo. Công viên thành phố tiếp giáp khuôn viên trường Đại Học. Từ trên đỉnh đồi, Viễn có thể nhìn bao quát chung quanh. Dưới mắt chàng, những hàng thông, tùng bách chạy dài. Xen lẫn với các gốc sồi cổ thụ, lác đác vài cây đào, cây hoa mận đang trổ bông màu hồng. Một nhịp cầu nhỏ bắc ngang lạch nước trong veo và đôi ba lối mòn len lỏi dưới bóng cây. Xa hơn nữa là dòng nữ tu Công Giáo và học viện Cảnh Sát của thành phố. Con đường tiểu bang số 10 (route 10) chạy theo trục Bắc–Nam ngăn cách cả vùng khỏi thành phố ồn ào, náo nhiệt.

Hai vợ chồng Phan, đúng như cung cách người Mỹ, sau khi giao nhà, hoàn toàn tôn trọng đời sống riêng tư của người thuê. Theo hợp đồng, Phan săn sóc, sửa sang nhà phiá bên ngoài. Mùa Hè cắt cỏ, mùa Đông lo cào đá, tuyết, giữ lối đi và đường xe ra quang đãng…Các việc khác, chỉ khi nào người thuê yêu cầu chàng mới tới. Thực ra chàng chưa nói chuyện với Viễn lần nào vì hôm Viễn dọn vào, Phan đi làm. Liên lo việc hướng dẫn và giao nhà. Vài tuần sau, khi lái chiếc xe tải nhỏ (pick-up truck) chạy ngang công viên thành phố, chỗ gần nhà, Phan thấy một người lững thững đi bộ, dáng Á Đông. Chàng đoán là Viễn. Chàng ngừng xe, vẫy tay:

- Chào ông Viễn!

Viễn nhìn người đàn ông đang bước ra khỏi xe, tầm thước nhưng vẻ khoẻ mạnh, mái tóc còn đen, có thể là nhuộm, vì hai bên thái dương, chân tóc nhô ra bạc trắng, giọng cười rất chân tình. Toàn thể gương mặt có nét tròn trịa đặc trưng của người Á Châu. Viễn trả lời:

- Ông Phan phải không? Thôi ta cứ gọi nhau là “anh” cho thân mật. Cùng người Việt cả mà.

Phan quan sát rất nhanh. Nhìn chung Viễn khá giống bà Châu. Cao, ngăm đen, mái tóc hớt gọn. Cặp mắt thông minh, lúc nào cũng long lanh như sắp cười. Viễn có dáng vẻ người học thức tuy đôi vai rộng, hai tay bắp thịt nổi cuộn cho thấy là người đã từng làm việc tay chân hoặc tập luyện. Phan nói với ông khách thuê nhà:

- Anh Viễn tha lỗi. Đúng ra tôi phải tới chào anh. Nhưng bận quá. Mùa này nhiều người bắt đầu nghỉ hè. Tôi phải làm thay liên tục. Chưa kể vào Xuân là lúc sửa sang nhà cửa, vườn tược.Thời tiết ở đây như vậy. Sau mùa Đông, nếu không tu bổ, nhà cửa mục nát mau lắm.

Viễn cười:

- Chính vì thế tôi mới thuê nhà. Tôi không muốn tò mò nhưng chị tôi nói anh là Dược Sĩ bán hàng cho siêu thị gần đây. Tuổi anh, tôi đoán phải tốt nghiệp đã lâu.

Phan trả lời: - Tôi ra trường gần bốn mươi năm nay. Những bạn cùng lớp tôi không còn bao nhiêu người làm việc. Tôi lập gia đình muộn, các cháu học Đại Học tốn kém quá, nhà tôi mới hết bịnh…May mắn Trời cho khoẻ mạnh, không ốm đau nên cũng chẳng có gì phải than vãn. Đi làm bây giờ, cũng là “câu giờ”, được năm nào hay năm đó.

Viễn cười: - Làm việc tốt chứ anh! Có khi ngưng làm, anh sẽ yếu hơn không chừng. Lúc nào rảnh, anh ghé tôi nói chuyện chơi. Tối thứ tư thường tôi không làm gì. Cứ gõ cửa hoặc nếu anh muốn, điện thoại trước theo lối người Mỹ cũng được.

Suy nghĩ giây lát, Phan cảm thấy tò mò muốn biết hơn về người khách thuê nhà. Nói chung, Viễn đã gây được ấn tượng tốt nơi chàng với đôi mắt thông minh, ngay thẳng, nụ cười hiền, nói năng từ tốn. Phan thầm nghĩ, “Với tất cả những nét đó, cộng thêm dáng người cao ráo, khoẻ mạnh, tuy đứng tuổi, Viễn vẫn có thể làm khá nhiều phụ nữ “xao xuyến”. Nhưng con người ấy lại cô độc?”. Chàng trả lời Viễn:

- Cám ơn anh. Lúc có dịp tôi sẽ ghé thăm anh. Anh có thích uống trà không? Nếu anh thích, tôi sẽ mang theo hộp trà sâm cô con dâu Hàn Quốc mới biếu dịp Tết vừa qua. Chúng ta vừa đàm đạo vừa uống trà.

Viễn cười, gật đầu. Chàng nói:

- Anh chị được mấy cháu?Có gia đình cả chưa? Phan hơi ngập ngừng:

- Chúng tôi được hai gái, một trai. Các cháu có gia đình. Sống ở vùng không người Việt quá lâu nên dâu, rể toàn là người ngoại quốc. Con dâu Hàn Quốc, một thằng rể gốc Kentucky, còn thằng thứ hai từ Tahiti tới, nửa đen, nửa trắng. Nhà tôi là Liên Hiệp Quốc anh ạ! Bà vợ tôi là Tổng thơ ký kiêm Hội Đồng Bảo An. Còn tôi là “lính mũ xanh” (quân đội Liên Hiệp Quốc) chỉ đâu đánh đấy.

Viễn cười lớn thành tiếng:

- Vui quá! Thôi để anh tiếp tục công việc. Tôi không muốn anh bị chậm trễ. Hẹn gặp nhau sau nhé!

Vẫy tay chào, Phan quay xe đi. Vừa lái xe vừa suy nghĩ, chàng chợt nhận ra có vẻ gì quen quen nơi Viễn, “Mình có gặp người này ở đâu rồi!!!”

Phần hai: giã từ mái trường.

 “…Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, 
Xếp bút nghiên theo việc đao cung,,.” 
 (Chinh phụ ngâm khúc) 

Viễn nhấp ngụm trà cuối cùng, nhìn Phan:

- Anh nói đúng rồi đấy! Tôi vào trường Dược cùng năm với anh, 1964. Học cho tới năm thứ ba thì tôi bị loại. Để tôi nhớ lại cho kỹ. Khóa 1964 hình như hơn ba trăm sinh viên và là năm cuối cùng không phải thi. Sự thực, Dược Sĩ Đoàn có kỳ thi tuyển lấy một số sinh viên mục đích giúp những người không có Dược Phòng thực tập. Tới năm 1965, muốn nhập học phải thi tuyển. Trường nhận khoảng hai trăm năm chục sinh viên. Tôi còn nhớ khoá học 1965 đông khủng khiếp, khoảng năm trăm hay hơn vì ngoài số thi vào, tất cả các sinh viên tồn đọng từ những năm trước đều được cho học tiếp. Nhưng ta cũng không cần dài dòng về chuyện đó. Anh muốn hỏi tại sao một người học không dở như tôi lại bị loại (chữ lóng thời đó là “soóc-ti- lat”) chứ gì? Có hai việc xẩy đến ít nhiều ảnh hưởng tới số phận tôi trong những năm đó. Chia tay với cô bạn gái đầu tiên là một. Thực ra chuyện này cũng không ảnh hưởng bao nhiêu, vì nói cho đúng chúng tôi chưa hề yêu nhau, trừ một cái hôn vội vàng. Biến cố sau mới quyết định. Đó là tai nạn làm ba và em gái tôi qua đời. Anh có cần về chưa? Tôi sợ giờ này trễ quá. Coi chừng bà ấy gọi 911 để báo cáo anh mất tích không chừng!

Saigòn, tháng Tư, 1967, Đại Học Dược Khoa:

Giờ thực tập Sinh Hoá năm thứ ba gần kết thúc. Hầu hết các sinh viên đã nộp bài và loay hoay dọn dẹp. Giọng thầy phụ tá lâu lâu lại vang lên nhắc nhở mọi người những điều cần làm trước khi về. Thúy đứng chờ ngoài hành lang, nhìn đồng hồ đeo tay, hơn bốn giờ. Nàng biết Viễn luôn ra khỏi lớp muộn. Hai vần T và V khá gần nhau (vì ít người có tên vần U) nên chỗ thực tập hai người không cách xa lắm. Năm thứ hai và ba là lúc sinh viên dễ quen nhau vì giờ đến giảng đường và thực tập nhiều. Ánh nắng tháng tư Sài gòn lúc này còn gay gắt. Nhà Thúy gần trường nên không có gì phải vội. Sân trường vắng dần, cuối lục cá nguyệt ai cũng về học bài cho kỳ thi sắp đến. Vườn Dược Thảo lác đác vài bóng sinh viên năm thứ nhất. Viễn rời phòng thực tập, hai người đi thong thả băng ngang sân trường hướng về cổng chính. Con đường mới mở, hai hàng cây không cao như những cây dọc đại lộ Thống Nhất, thậm chí khoảng lề đường gần cổng, nhìn qua Đại Học Văn Khoa còn chưa trồng cây hoặc cây còn nhỏ. Khu văn phòng, ngay góc trường, sát cổng chính, vẫn nhộn nhịp. Thúy và Viễn quen nhau một cách tự nhiên, cũng mới đây, tình cảm nhẹ nhàng. Nàng tốt nghiệp Marie Curie, có dáng dấp của thiếu nữ phương Tây nhiều hơn một cô gái Việt, cao hơn chiều cao trung bình và nước da trắng hồng, tính tình hồn nhiên, hay đùa nghịch…

Qua khỏi ngã tư đầu tiên, cạnh trường Nông Lâm Súc, họ chia tay. Viễn quay về trường lấy xe.Thúy nói với theo, hẹn sáng hôm sau gặp lại, giờ Hoá Dược…………..

Giờ Hóa Dược qua đi, không thấy Thúy, Viễn thầm nghĩ, có thể nàng đưa mẹ đi chùa vì chàng chợt nhớ ra hôm nay ngày rằm. Thường thì chị hay anh của Thúy lo việc đó, nhưng có thể họ bận bất thường. Chàng dự định sẽ ghé qua Thúy ngày mai vì muốn ôn xong môn Vật Lý chiều nay. Trở về nhà, chàng ngồi vào chiếc bàn nhỏ nơi hàng hiên. Căn nhà Viễn ở cuối hẻm, loại hẻm nhỏ nhưng sạch sẽ, khang trang. Dàn bông giấy cổ thụ nhiều mầu, mọc từ một bên cổng, lan ra phủ kín mái hiên, tạo nên một góc kín đáo, mát rượi vào mùa nắng. Có tiếng chuông gọi cổng, Viễn ngửng lên, ngạc nhiên. Thúy đang loay hoay mở cổng bước vào. Nàng hơi vội vàng:

- Anh Viễn! Em có việc phải nói!.

Sau một lúc im lặng, Thúy tiếp:

- Chị lớn em mới ở Pháp về hôm qua. Có lẽ gia đình em sẽ rời Việt Nam chừng ba tuần nữa. Mọi thủ tục đã xong. Gia đình chỉ cho em hay vào phút cuối. Tuần sau, em sẽ nói chuyện với mấy thầy. Có thể em vẫn thi kỳ Sinh Hoá và Vật Lý cuối năm.

Viễn chưa kịp hỏi thêm, Thúy nói ngay:

- Chị em chờ đầu hẻm, em có việc phải đi. Mình gặp nhau thứ năm sau nhé, giờ thực vật, nói chuyện nhiều nghe anh.

Đột nhiên, Viễn thấy ánh mắt nàng nhìn mình rất lạ, long lanh. Thúy nói trong hơi thở nhẹ, gấp gáp, hai tay nắm hai tay chàng, có lẽ bàn tay hơi run, ngón tay bấu hơi chặt và ẩm mồ hôi thì phải:

- Hôn em đi!.

Hai người chưa bao giờ hôn nhau. Khi Viễn nhận ra đôi môi mình rời môi người thiếu nữ, cánh cổng đã khép lại sau lưng Thúy. Hương hoa sen rất nhẹ còn phảng phất. Một bông giấy mầu tím lìa cành, lảo đảo trong không gian và rớt xuống cạnh chân chàng. Chàng cúi xuống, nhặt bông hoa còn tươi sắc, vô tình để vào trang cuối cuốn Vật lý, gấp lại,không nghĩ tới nữa……

Và cũng như thế, sau khi Thúy rời Việt Nam, với thời gian, hình ảnh nàng chìm dần vào khoảng trống lãng quên trong tâm hồn Viễn!

 ***
Đà Lạt, 1967: 

Kỹ sư Khoa, theo thói quen, nhìn vào gương lần cuối trước khi rời nhà, trong lúc người tài xế chờ bên ngoài. Là cán sự công chánh những lớp đầu tiên do người Pháp đào tạo từ trước 1939, ông học bổ túc dưới thời Chính Phủ Ngô đình Diệm và thi thăng cấp kỹ sư. Dáng người cao lớn, gương mặt thuộc loại đẹp trai, có người đã từng đùa gọi ông là “Cary Grant Việt Nam”. Đi hơi khập khiễng vì tai nạn đá banh lúc trẻ. Xuất thân gia đình giầu có ở Hà Nội, anh lớn học Y Khoa bên Pháp, thế hệ đầu tiên, người em trai, tốt nghiệp Dược Sĩ, có nhà thuốc tại Đà Lạt. Tuổi ông đã lớn, sắp về hưu. Ông gọi qua cửa sổ:

- Chú Trình, cháu Mai!!! Mình đi thôi! Anh Bật chuẩn bị xong rồi!

Chiếc xe “jeep” chở bốn người, rời thành phố, tránh khu chợ Đà Lạt, đi qua những con đường hai bên là biệt thự kiểu Tây Phương. Ông Khoa nói với Mai:

- Cháu nhìn những dãy hoa hồng kià, đẹp quá! Ở đây còn có hoa bất tử, tươi rất lâu. Nhớ mang về Sai gòn cho bạn. Lát nữa, bác mua ít dâu tươi và rau, biếu mẹ cháu.

Hơi ẩm của trận mưa đêm qua làm không khí mát lạnh. Ông Trình nhìn hai bên đường, rừng thông bát ngát. Ông nói:

- Anh Khoa! Đà Lạt bây giờ không còn hoang sơ như lúc em đến ngay sau khi vào Nam năm 1954. À! Mình có đủ giờ đi thăm chùa Sư Nữ không anh?

- Mình dư giờ, chú Trình!

Bật nhấn mạnh ga chuẩn bị vượt qua con dốc phiá trước. Con dốc này khá nguy hiểm vì ngay sau dốc không xa là một khúc quanh. Ty Công Chánh đã dự tính sửa lại quãng đường này mấy lần. Ngay lúc Bật qua khỏi dốc, chuẩn bị rẽ, một xe ngựa chở rau từ trong khúc quanh chạy ra. Bật vội vã bẻ lái theo hướng ngược lại. Chiếc xe chao đảo do thay đổi đột ngột giữa hai lực trái chiều, trượt trên mặt đường ướt, lao sang phiá bên kia đường, đâm vào một gốc thông cổ thụ…

 ***
Phan và Viễn ngồi yên lặng. Sau một lúc, Viễn nói:

- Mỗi năm, vào ngày giỗ, mẹ tôi vẫn khóc. Những năm đầu, khóc công khai, về sau, khóc thầm. Bác tôi và chú Bật chỉ bị thương. Nhưng bác tôi buồn rầu lắm. Có thể ông mất sớm vì chuyện đó. Bật vẫn hỏi thăm gia đình tôi hàng năm. Khi tôi hỏng mấy kỳ thi liền, tôi không cho là quan trọng nữa. Cũng như sau này, lúc nhận giấy gọi nhập ngũ, tôi vẫn bình thản. Anh Phan! Tôi chưa bao giờ khóc như lần đó và tôi tưởng tôi không thể khóc như thế được nữa nhưng thực ra tôi đã khóc thêm hai lần.

Phan nắm tay bạn, bối rối:

- Tôi về cho anh nghỉ. Nhân tiện hỏi anh. Nhà tôi định trồng ít hồng ở phiá trước cho căn nhà nhìn vui hơn. Được không anh?

Hình như Viễn không nghe. Phan lặng lẽ mở cửa bước ra. Trời đã khuya. Tiếng một con cú kêu rất lạc lõng từ phía khuôn viên Đại Học vọng lại.

Phần ba: Tình yêu thời chiến

“…Viết tên em lên bầu trời xanh thẳm, 
 Trận cuồng phong thổi tới cuốn đi, 
Viết tên em trên bờ cát Đại Dương, 
Nước thủy triều dâng lên xoá mất, 
Anh viết tên em trong trái tim anh, 
Và tình yêu em trở thành vĩnh cửu…” 
(Thùy Giang phỏng dịch, không rõ tác giả) 

Chiếc xe “jeep” mang phù hiệu Sư Đoàn 25 đến Ngã Tư Bảy Hiền, từ từ rẽ vào Quốc Lộ 1, hướng về phiá Tây Ninh. Khu vực này rất nhộn nhịp, đông đúc và là một trong mấy cửa ngõ chính của thành phố Sài Gòn trước 1975. Những cửa ngõ còn lại là Phú Lâm, điểm khởi đầu Quốc Lộ 4 đi về Miền Tây và Ngã Tư Hàng Xanh nối vào xa lộ Biên Hòa. Viễn nhìn người tài xế:

- Trung sĩ Chiến! Bao lâu nữa mình tới bộ Tư Lệnh Sư Đoàn?

- Chừng một giờ! Trung úy!

Rời quân trường, nhờ ba năm Dược Khoa, chàng được nhận vào Quân Y, trở thành sĩ quan trợ y. Sau nhiều đơn vị khác nhau, Viễn thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 25 Quân Y. Vào thời điểm 1970, quân đội Mỹ dần dần rút đi, các căn cứ trao lại cho Quân Lực VNCH. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 25 Bộ Binh, vốn đóng ở Đức Hòa nay chuyển về Củ Chi, căn cứ cũ của Sư Đoàn 25 Hoa Kỳ. Qua khỏi Hóc Môn, khu vực nhà máy Vinatexco, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, giao thông giảm dần, nhà cửa thưa thớt, ruộng vườn nhiều hơn. Viễn hỏi người tài xế:

- Anh Chiến! Đường có an toàn không?

- Tốt lắm! Ông thầy! Khi còn ở Đức Hòa, mỗi khi đi đâu, bọn em đều phải mặc áo giáp và chuẩn bị M16. Thường mấy chả hay phục kích bắn sẻ gần khu “mả đá”, nơi có mấy ngôi mộ đá xây cao, nhìn giống nhà mồ. Bây giờ vùng đó giao lại cho “ông Địa”(địa phương quân).

Căn cứ Củ Chi mang phong cách dã chiến Hoa Kỳ. Doanh trại lợp tôn đều đặn, khá đẹp mắt. Vách bên ngoài lát gỗ thông xếp lớp lên nhau như vẩy cá. Đường đi trong doanh trại đúc xi măng. Thỉnh thoảng có mấy bụi trúc hai bên lối đi. Viễn được chỉ định về Đại Đội Quân Y trung đoàn 49. Dần dần, chàng quen đi và thấy mến vùng quê này. Tuy khô khan, nhưng cũng có nơi xanh mát và an bình như Tha La xóm đạo, chợ biên giới Gò Dầu nhộn nhịp và là cửa ngõ qua Campuchia, thành phố Tây Ninh khá sầm uất với thánh thất Cao Đài, có 6 sông Vàm Cỏ Đông lững lờ chảy…

Mỗi khi về phép, Viễn hay mua bánh tráng làm quà cho gia đình, bạn bè, hay mùa trái cây đi vòng qua Lái Thiêu, Bình Dương mua chôm chôm, sầu riêng…

Hôm nay, sau khoá huấn luyện bổ túc tại Trường Quân Y, Viễn trở lại đơn vị. Vì còn đón nhiều sĩ quan khác, chiếc xe của đại đội đi theo tỉnh lộ vòng qua Bình Dương trước khi quay về Quốc Lộ 1. Càng gần tới Củ Chi, đất đai khô khan hơn, hai bên đường hầu hết trồng hoa mầu như đậu phọng, khoai mì…Một ngôi trường quê nằm chơ vơ. Trường có năm, sáu lớp học và một phòng trông giống như nhà kho. Trong sân, dăm con gà “gầy còm” đi loanh quanh, nhặt nhạnh… Mấy bụi trước đào, bông bụp mọc ở góc sân. Phía sau trường là ruộng khoai mì xanh tốt, cao hơn đầu người. Đang mơ màng, Viễn nghe tiếng Đại úy Toàn:

- Chiến! Sao xe chạy cà giựt vậy?

- Chắc một bánh non hơi, Đại úy. Mình thay bánh ở đây? Đảo mắt nhìn chung quanh, Đại úy Toàn nói:

- Chỗ này chắc được. Quay lại phiá hàng ghế sau, ông ra lệnh:

- Mấy ông “thầy” xuống xe giùm đi! “Ông” Viễn, có võ khí cá nhân đi vô gần trường canh chừng mé ruộng coi. Dân ở đây “đ….” tin được!

Viễn đến gần trường, tò mò nhìn vào lớp học. Đám con nít miền quê nhốn nháo. Một cô giáo nhỏ nhắn, áo bà ba, quần đen, đang khỏ mạnh cây thước gỗ lên mặt bàn cũ kỹ cố giữ trật tự. Hai cô giáo lớp bên tò mò ngó qua:

- Vân! Ông Trung úy hỏi gì vậy?

Viễn vội vã:

- Chào cô Vân! Chúng tôi thay bánh xe rồi đi ngay. Không có chuyện chi cả.

Vân ngước mắt nhìn. Người đàn ông trẻ phải cao hơn nàng nhiều. Mắt to và hàng lông mi cong, khá dài, hiếm thấy nơi người Việt. Gương mặt, nụ cười hiền hòa. Hai người chưa kịp nói gì hơn, tiếng Đại úy Toàn đã hét vang:

- Xong rồi! Đi thôi, ông thầy “thuốc đỏ”!

Khi Viễn chào, quay người đi, trong ánh nắng trưa chói lọi, Vân thoáng thấy dấu hiệu con rắn thêu mầu đen trước ngực áo.

***
Tối nay, Viễn làm nhiệm vụ sĩ quan trực, cắt phiên gác. Trung sĩ Chiến ca nhất, Hạ sĩ Thạch ca hai…Viễn lẩm nhẩm kiểm lại và ghi vào sổ. Đêm khuya dần. Căn cứ chìm trong yên lặng.Thỉnh thoảng có tiếng đạn pháo bắn đi. Đột nhiên, hai ba tiếng nổ lớn, nghe như tiếng sung cối, liên tiếp, rất gần, rồi im bặt. Ngồi sau bàn trực, Viễn chồm dậy. Tiếng điện thoại reo... Kẻng báo động trong căn cứ cũng vang lên. Pháo kích! Chàng đội nón sắt, khoác áo giáp đi ra, kiểm tra lại khu vực Đại Đội. Tiếng Chiến nói ngay sau lưng:

- Thằng Thạch bị rồi! Ông Thầy!

Khi Viễn lên tới bệnh xá, Bác sĩ Đại Đội Trưởng đã ở đó. Ông nhìn Viễn, không nói. Thạch nằm trên cáng tản thương, đắp tấm chăn cấp cứu. Viễn cầm tay Thạch , bàn tay lạnh ngắt. Thạch rất bình tĩnh, nhìn Viễn:

- Ông thầy nhắn giùm con bồ em. Thằng Chiến có địa chỉ.

Viễn nói như cái máy: - Không sao đâu! Vài bữa trở lại Đại Đội.

Bác sĩ Quang nói vào tai chàng:

- Trực thăng Mỹ tới rồi, Trung Đoàn đang nhờ cố vấn Mỹ liên lạc. Khi trực thăng tản thương cất cánh,

Chiến nói thầm với Viễn:

- Thằng Thạch bị nặng! Em thấy mảnh cối cắt nát bụng, xé bao tử bên trong. Thức ăn hồi chiều, nước với máu, chảy lênh láng. Nó tỉnh táo quá! Em sợ không qua khỏi.

Hai ngày sau, Thạch mất. Bố mẹ nghe đâu ở tận Trà Vinh. Một người đàn bà trẻ tên Xuân, quấn khăn tang, lên nhận vật dụng cá nhân. Đại Đội quyên góp được ít tiền phúng điếu. Viễn đi theo mấy người đàn bà trong trại gia binh, đưa Xuân ra cổng. Chàng rút tất cả số tiền còn lại trong ví, bỏ vào giỏ của Xuân, nhìn theo người phụ nữ quê mùa, lầm lũi leo lên chiếc xe lam trước cổng trại. Khói và bụi cùng bốc lên trong nắng mùa khô chói chang.

Một tuần sau, trên đường công tác ngang qua tỉnh lộ, không xa căn cứ bao nhiêu, Viễn thấy hai xác người, để gần trụ sở xã, chỉ mặc quần cụt, đầu và mặt chùm kín, một sợi thừng to cột vào cổ chân, có lẽ để kéo cho dễ. Chiến nói:

- Trinh sát Trung Đoàn đi kích đêm qua. Chắc hai thằng này pháo kích bữa trước. 

***
Đang ngồi xem lại quyển cơ thể học, Viễn nghe tiếng Trung sĩ Chiến bước vào phòng. Chiến hỏi:

- Ngày mai mình về Tiểu Đoàn, có ghé thăm cô Vân không, ông thầy?

Viễn giật mình: - Ghé thăm cô Vân? Sao vậy?

Chiến cười to: - Ông thầy đâu có dấu được tụi em. Bữa nọ, lúc ra xe, ông thầy ngồi “khờ người” cả mười lăm phút. Cô Vân này được lắm nghe! Bên sư đoàn, nhiều ông thích cổ. Cổ đứng đắn lắm. Nghe đâu nhà bên miệt Bình Dương, Lái thiêu gì đó, khá lắm. Cũng cách đây mấy chục cây số lận. Ông thầy “dô” là ăn đứt, chưa vợ, đẹp trai, có hai bông mai, lại thêm con rắn!!!

Viễn phì cười: - Vậy mình đi thăm cổ. Chàng trả lời, nhái theo giọng miền Nam. 

***
Thời gian bây giờ sao lộn xộn quá, lúc nhanh lúc chậm. Viễn thầm nghĩ. Hình như cuốn lịch cuả Viễn không xếp theo ngày, tuần hay tháng mà đo theo mỗi lần gặp cô giáo Vân. Đúng như lời Chiến nói, gia đình Vân vốn ở Tây Ninh. Khi ba Vân về hưu, nhà còn ruộng vườn miệt Bình Dương nên dọn về đó. Vài năm sau, khi ông mất, cơ ngơi trao cho người con lớn. Người con trai thứ hai đi Địa Phương Quân đóng vùng Bà Riạ. Vân còn một người em gái đang học ở Sài Gòn. Vân tốt nghiệp trường sư phạm tỉnh. Vóc người vừa phải, khá cân đối, nở nang, nàng trắng trẻo so với mấy cô gái trong vùng. Làn da hơi rám nắng càng làm nổi bật đôi mắt to, đen láy. Đặc biệt hàm răng trắng đều, đẹp hiếm thấy ở vùng quê và ngay cả đô thị.

Viễn đã tới nhà nàng nhiều lần. Căn nhà xây theo kiểu xưa, lợp ngói ta. Phòng chính giữa kê bộ bàn ghế bằng gỗ qúy. Các phòng khác nằm về phía sau và hai bên. Mấy cây cột lớn lâu đời lên nước, bóng loáng, sờ vào mát rượi. Ngay sau nhà là ruộng mía của gia đình. Nếu cứ tiếp tục đi sẽ tới lò đường anh nàng trông coi. Hướng về phía tỉnh lộ là khu vườn trái cây nổi tiếng vùng Lái thiêu, Bình Dương. Vào mùa trái cây, từ Sài gòn, xe hơi, xe gắn máy của du khách, xe tải của bạn hàng đậu dọc lề đường, mua bán nhộn nhịp.

Khi mới gặp Viễn, bà Tám, mẹ Vân không dấu được vẻ vui mừng. Trông chàng có vẻ đáng tin cậy. Có con gái xinh đẹp trong thời loạn, ở vùng quê là điều đáng lo. Nhưng bà cũng không an tâm hẳn khi biết Viễn Bắc kỳ, mà lại theo Đạo Chúa. Một điều rất khó hiểu và xa lạ với bà!!!

***
Đôi tình nhân đi dọc theo khoảng trống giữa hai hàng miá. Mía đã già. Lá mía đang khô, đổi màu vàng rơm. Mùi lá khô hun nóng dưới nắng trưa ngai ngái. Tiếng ong vo ve trong không gian. Vân nói, tinh nghịch:

- Hôm nay mình ăn trái cây hông thôi nghe anh! Coi ai chịu được!

Viễn phì cười. Trong giỏ, chàng thấy chôm chôm, mãng cầu, măng cụt…không còn gì khác. Khi đến gần lò đường, mùi ngọt ngào của mật mía thoảng trong không khí. Vân bảo:

- Ngồi đây nghỉ chút đi anh. Còn đi nhiều lắm.Em muốn đưa anh qua khu vườn trái cây rồi lấy Honda đi coi chỗ làm đồ gốm.

Hai người phủi sạch một khoảng đất cao sát hàng mía, ngồi nghỉ. Vân rất tự nhiên, ngồi sát vào chàng:

- Em với anh chút nữa ra mấy cái lạch trong vườn bắt cá đá.Nó trốn dưới bụi rong. Lạch nào cũng có hết. Em mang theo bịch “nylon” nè.

Hai người tựa vào nhau. Viễn giật mình. Mùi hương sen rất nhẹ từ mái tóc Vân đánh thức ký ức cuả chàng. Chàng quay sang Vân, nàng đang lim dim mắt, mái tóc đen bung ra, xõa xuống che phủ làn da cổ trắng ngần. Viễn nhắm mắt, không muốn nhìn xa hơn nữa, choàng tay qua ôm lấy Vân, cơ thể nàng ấm và mềm mại. Mùi nắng, mùi lá miá khô, mùi mật nóng làm chàng ngây ngất. Cuối cùng thì Viễn chịu thua, chàng cầu cứu:

- Em có gì cho anh ăn hông (Viễn bắt đầu tập nói giọng Nam), ăn trái cây nguyên ngày, bụng anh nhộn nhạo quá!

Vân cười ròn tan:

- “Trung úy” thua rồi phải hông? Có khoai mì mới luộc, chấm mật miá ăn cho đỡ.

Chưa bao giờ chàng được ăn khoai mì nóng, bùi, chấm mật miá thơm phức.

Viễn nói: - Anh có thể ăn như vầy hoài được…

Chàng ngồi bệt xuống đất. Bên cạnh chàng, một “mội nước”(mạch nước) trong suốt chảy rỉ rả, len lỏi qua mấy bụi cỏ và hòa vào con lạch gần đó.

***
Phần bốn: Một khung trời sụp đổ.

Trên đời này, thử thách lớn lao nhất cho lòng dũng cảm là gánh chịu thất bại mà không nản chí.” (nguyên văn: “The greatest test of courage on earth is to bear defeat without losing heart.” Robert G. Ingersoll 

Theo thói quen, bà Trình dậy sớm dọn dẹp nhà cửa. Một thói quen đã có từ thời còn con gái. Căn nhà thật vắng vẻ! Từ khi ông Trình và Mai mất đi, anh chị em dàn xếp để bà về ở chung biệt thự đường Phan thanh Giản với gia đình một bác sĩ bạn bác Khoa. Đây là ngôi biệt thự song lập, xây kiểu hai căn sát nhau. Ngoài Minh Châu, người con gái lớn đã đi Mỹ, bà còn một trai, anh của Viễn, có gia đình, ở Vũng Tàu, và người con gái thứ là dì phước tu tại một nhà dòng vùng Thủ Đức. Sau khi Mai qua đời, Viễn thành nhỏ nhất trong gia đình. Nhờ đơn vị không xa Sài gòn bao nhiêu nên Viễn có dịp về thăm mẹ khá dễ dàng.

***
Mặt trời buổi sáng chiếu qua khung cửa sổ hé mở, soi rõ những hạt bụi trong không gian. Nhìn những hạt bụi lơ lửng, lóng lánh dưới nắng mai, bà Trình nhớ lại một quãng đời dài từ lúc thơ ấu tới khi ông Trình qua đời. Gia đình bà vốn gốc làng Tám, gần Hà Nội. Bố bà giỏi kinh doanh. Ngay trước 1939, ông đã làm ăn buôn bán với người Pháp, xây nhà cho thuê, gởi con trai lớn sang Pháp học Y-Khoa. Mấy anh trai bà là niềm hãnh diện của gia đình. Vào thời mà nền học vấn ở Đông Dương còn phôi thai, họ đã tốt nghiệp Đại Học. Ngoài học thức, họ đều cao lớn, đẹp trai. Có người xấu miệng thì thầm nhà bà có dòng máu lai Tây. Lúc ấy, Đại học Y khoa Hà Nội mới mở tới năm áp chót. Năm cuối và luận án, sinh viên phải sang Pháp tiếp tục. Phụ nữ gần như chỉ biết đọc, viết, vài phép tính hay nhà nghèo hoặc vùng quê không đi học. Xong hết bậc tiểu học, nói bập bẹ vài câu tiếng Tây như bà Trình đã là loại khá. Tốt nghiệp Trung Học Đệ Nhất cấp hay trường sư phạm ra giáo viên được kể là trí thức.

Suốt một thời gian dài trước khi lấy chồng, bà vui với việc trông nom cửa hàng, lo lắng cho cha mẹ, các anh. Bà thích nhất dịp Mùa Chay, đi nhà thờ Thái Hà Ấp nghe các cha Dòng Chúa Cứu Thế giảng cấm phòng hay Chủ nhật, xem lễ nhà thờ Hàm Long. Cũng vì thế, ông Trình nhìn thấy bà, đem lòng yêu mến và nhờ mai mối tới xin cưới. Còn những ngày vui vẻ, náo nhiệt nữa là những dịp giỗ, Tết…bà đôn đốc người ăn, người làm nấu nướng, sửa soạn cỗ bàn hay mỗi năm, tới mùa sen, bố bà mua hoa làm trà sen. Ông có thú uống trà sen và bà làm trà ướp sen biếu bạn bè, người quen. Bà còn nhớ cảnh tấp nập: ai cũng bận rộn trong lúc bọn trẻ con, Viễn và mấy người anh họ lăn mình, cười đùa trong căn phòng ngập cánh hoa thơm ngào ngạt.

Những đứa trẻ lần lượt ra đời, và thế giới của bà một ngày bỗng thay đổi với tiếng súng đảo chánh Nhật. Rồi Tây trở lại Hà Nội, gia đình bà tản cư ra hậu phương, hồi cư về Hà Nội, dọn xuống Hải Phòng khi ông Trình nhận công việc mới…

Bà nhớ rõ nhất lần cuối ông Trình đưa cả nhà đi Hòn Gay nghỉ hè. Chiều chiều, trong lúc bà và mấy đứa trẻ dạo bước dọc bờ biển, nhìn ra xa thỉnh thoảng thấy đàn cá lợn (cá heo) bơi lội, phóng mình lên trên mặt nước, thì ông Trình và mấy người bạn Pháp bàn bạc sôi nổi. Về sau, ông Trình cho bà biết Pháp đã thua trận Điện biên Phủ. Tướng De Castries đầu hàng Việt Minh. Trong lúc nguy ngập cho quân Pháp, người Mỹ, theo lời khuyên của người Anh, đã từ chối dội bom pháo Việt Minh đặt trên các sườn núi đồi chung quanh khu lòng chảo, hoặc đưa thủy quân lục chiến đến tăng viện…

Do ông Trình lãnh nhiệm vụ bàn giao cơ sở cho chính quyền Cộng Sản, gia đình bà cùng một số sĩ quan Pháp là những người cuối cùng rời phi trường Cát Bi, Hải phòng. Nhờ thế, gia đình bà không phải chịu cảnh vất vả đi “tàu há mồm” (loại tàu đổ bộ của quân đội) như nhiều đồng bào di cư khác. Khi chiếc máy bay Hàng Không Pháp (Air France) rời phi trường Cát Bi, trong lúc Viễn và những đứa trẻ mở to mắt nhìn ra bầu trời xanh, hay ngắm các cô chiêu đãi người Pháp đẹp như “tiên nữ”, bà Trình biết một chương mới đã mở ra cho gia đình bà. Bà nhìn đứa con trai thứ: mãi mãi Viễn không còn những ngày đi theo người anh lớn ra Bến Bính câu cá, mãi mãi Viễn không còn những lúc chơi đùa đập trái bàng chín lấy nhân, nhặt sấu (một loại trái miền Bắc), chà quả nhót (một loại trái miền Bắc) vào áo len cho hết phấn, trước khi ăn,và mãi mãi Viễn không còn những buổi thổi khẩu cầm (harmonica) với bạn bè trong sân trường Thánh Giuse…

 ***
Viễn tắt máy Honda từ xa, tránh ồn ào cho hàng xóm, bước vào nhà, nhìn mẹ đang ngồi yên lặng. Chàng hỏi:

- Mẹ quên hôm nay mình đi thăm bác Tám?

- Mẹ không quên, mẹ đang chờ con về! ………………

Khi gặp Vân, tất cả kỷ niệm một đời, ký ức của người con gái út đã mất…trong khoảnh khắc trở lại tâm trí bà Trình. Căn nhà bà Tám rộng, sạch sẽ, hơi tối, mát, bàn thờ Phật với những nén nhang thơm…trở nên quen thuộc. Trước khi về, bà Trình chợt cầm tay Vân, nhìn rất lâu người thiếu nữ xinh xắn, nói giọng miền Nam ngộ nghĩnh…lòng tràn ngập tình thương mến.

***
Sài gòn tháng Tư, 1975: Từ đầu tháng Tư, Viễn không thể về thăm mẹ hay gia đình Vân. Đơn vị chàng bị cầm chân gần Tây Ninh. Áp lực của địch tăng dần trong lúc tiếp liệu cho Trung Đoàn không còn đầy đủ. Tối 29, Viễn và một nhóm nhỏ mất liên lạc với bộ chỉ huy. Hạ sĩ Thển, dân địa phương, người thay cho Trung sĩ Chiến lái xe, nói với Viễn:

- Hổng được rồi, ông thầy! Mình về hướng Củ Chi, bộ Tư Lệnh, thế nào cũng bị chặn bắt. Em có thằng cháu bà con làm du kích. Nó có thể đưa ông thầy đi tắt vòng qua lối Bình Dương. Ông thầy cứ mặc đồ như dân thường, có gì nó lo. Khuya chắc về tới Sài gòn. Dấu hoặc giục bỏ căn cước quân nhân đi, nói là thầy giáo bên Nông Lâm Súc. Nhớ nghen anh Năm (Thển gọi Viễn theo thứ tự trong gia đình, Viễn thứ tư, người miền Nam gọi là“năm”).

Đo, cháu Thển, lái Honda, đi theo những con đường nhỏ, đưa Viễn vòng qua hướng Lái Thiêu, Bình Dương về Sài gòn. Dọc đường chẳng ai hỏi. Khu này tương đối khá yên tĩnh. Một chiếc M48 (có lẽ của Sư Đoàn 5?) nằm chốt cạnh tỉnh lộ. Về sau, Viễn được biết binh sĩ thiết giáp, khi có lệnh đầu hàng của Dương văn Minh, đã cho nổ chiếc M48 và tan hàng. Khi đi qua trường Trung học Nông Lâm Súc, Viễn thấy sân trường ngổn ngang hầm hố cá nhân. Viễn về nhà khi trời gần sáng. Căn nhà vắng lặng, gia đình ông bác sĩ và bà Trình đã đi mất. Viễn lăn ra ngủ chừng một giờ. Tiếng ồn ào ngoài cổng làm Viễn thức giấc. Một số binh sĩ đang gọi cổng. Họ xin quần áo dân sự.Viễn ôm tất cả quần áo trong ngăn ném qua cổng cho nhóm quân nhân đứng bên ngoài. Tám giờ sáng, chàng lái Honda đi một vòng thành phố. Ngay phiá sau nhà Viễn, đường Trần quốc Toản, dân chúng đang phá kho Quân tiếp vụ. Nhiều con đường hai bên lề ngổn ngang quân phục, vũ khí. Nhiều nhà “cao tầng”(building) bị cướp.

Hướng về phiá tòa Đại Sứ Mỹ, tiếng trực thăng đã im, di tản đã chấm dứt. Cổng mở toang, nhiều người đi lại thong thả như không chuyện gì xảy ra. Hình như Dương văn Minh đang đọc lệnh đầu hàng. Chung quanh khu vực toà Đại Sứ, từng dãy xe hơi các loại bỏ ngổn ngang, chìa khoá còn nguyên trong xe. Một cô gái, tuổi khoảng lớp Mười, lục lọi trong đống đĩa hát vứt dọc đường. Viễn thoáng thấy mấy chữ “Connie Francis” in trên bìa. Có tiếng gọi lớn. Viễn quay lại, một gương mặt quen nhìn chàng. Chàng nhận ra Tiến, cùng lớp trung học, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm. Đã nhiều năm, hai người không gặp nhau. Tiến nhe răng cười, tay vẫy vẫy chùm chìa khoá, chỉ vào chiếc xe gần đó:

- Cậu muốn đi đâu, tớ chở đi?

Viễn vòng về phiá đường Lê văn Duyệt, gần tòa Đại Sứ Campuchia. Một nhóm khoảng trăm người do mươi sư, sãi dẫn đầu, đang vẫy cờ Mặt Trận Giải Phóng,chào đón đoàn quân Bắc Việt trên đường tiến vào trung tâm thành phố. Có tiếng đại liên vọng tới từ hướng Lăng Cha Cả. Chiếc tăng Bắc Việt lia một tràng đạn lên trời thị uy. Vài viên đạn bay lệch hướng, phá vỡ mảng tường lầu hai ngôi biệt thự gần đấy. Ngay Ngã Ba Ông Tạ, trên nóc căn nhà bốn tầng, một chiếc trực thăng đáp xuống từ tối hôm trước, không hiểu lý do, vẫn nằm chơ vơ.  Trở lại khu vực nhà thờ Đức Bà, phiá đối diện với nhà Bưu Điện, trong khuôn viên trường tiểu học, khoảng mươi lính Dù, có vẻ rất bình tĩnh, còn vũ khí, đang bàn bạc. Nhưng một lúc sau quay lại, Viễn cũng không thấy họ đâu nữa. Dọc bến Bạch Đằng, không còn chiếc tàu Hải Quân nào. Dân chúng đã tràn ra đầy đường, không vui, không buồn, tò mò nhìn đoàn quân Bắc Việt, nón cối, đồng phục xanh tiến tới từ hướng Hải Quân Công Xưởng. Một vài người, có lẽ là sĩ quan hay chính trị viên, đeo “sắc cốt” (một loại túi xách dây đeo quàng qua vai).

Viễn quay về nhà, mệt mỏi. Khi gần tới nhà thờ Mai Khôi, đường Tú Xương, lại có tiếng gọi. Thơ, lại một bạn trung học đã lâu không gặp. Hình như Thơ tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh. Thơ và người bạn gái (Viễn đoán) ngồi bên quán cóc lề đường, tay cầm hộp xúc xích Mỹ và lon bia đã mở, chắc “chôm” ở PX Mỹ (một hình thức Quân tiếp vụ của quân đội Mỹ) hay kho hàng:

- Viễn, nhậu đã!!!

Một giờ trưa, có tiếng gọi cổng.Trân, trung úy Hải Quân, bạn trai cũ của Mai, đang tìm cách trèo vào:

- Anh Viễn, đi với em! Bây giờ chúng nó chưa kiểm soát được hết các nơi. Em và mấy đứa bạn có giang đĩnh (loại tuần tra trên sông) dấu bên Nhà Bè. Mình có thể bắt kịp tàu Hải Quân hay Hạm Đội Mỹ. Đi cả hai Honda, nếu một chiếc trục trặc, cứ vứt dọc đường. Đừng lạc nhau!

Chiếc giang đĩnh lao như bay, hướng ra phiá biển. Trân nhìn Viễn, chỉ vào đống lựu đạn ở một góc:

- Đứa nào chặn, chia cho nó mấy trái! Đi thì đi cùng!

Luồng gió mát từ biển thổi vào, Viễn chợt nhận ra nước mắt mình chảy dài trên gò má. Chàng nhìn về hướng Bình Dương đang từ từ xa dần.

Phần năm: Tìm thấy người xưa. 

Tìm em như thể tìm chim, 
 Chim bay bể Bắc, anh tìm bể Đông.” 
 (bài hát ru em) 

Thành phố cảng Baltimore, Maryland,1975: Baltimore không rộng lớn như Philadelphia hay New York. Tuy thế, với dân số khoảng hơn nửa triệu, Baltimore cũng là nơi nhiều di tích lịch sử và là thành phố lớn nhất của tiểu bang Maryland. Baltimore có Đại học Y Khoa John Hopkins và trường nghệ thuật M.I.C.A, đều là các trường danh tiếng. Baltimore cũng có Viện Thủy Sinh Học (Aquarium) có tên tuổi.

Ngày đến Mỹ, nhờ Alan, người anh rể giới thiệu, Viễn được nhận vào trường Dược ở đây. Do căn bản vững về Toán, Lý, Anh Ngữ, qua trắc nghiệm, Viễn được giảm hai lục cá nguyệt (semester), chỉ cần bốn năm để hoàn tất học trình. Sau tốt nghiệp, chàng được nhận làm việc cho một viện bào chế lớn ở Philadelphia. Mẹ và anh trai khi sang tới Hoa Kỳ, định cư gần gia đình chị Minh Châu. Mọi việc ổn định, tâm trí chàng giờ đây chỉ còn nỗi lo về người yêu ở Việt Nam.

Những tháng năm ở Baltimore là quãng thời gian thật đẹp cho Viễn, tuy không trọn vẹn vì thiếu Vân bên cạnh. Viễn làm thêm cho trường lấy trợ cấp. Mùa hè, khi rảnh rỗi, chàng ra khu Inner Harbor (khu hải cảng) uống cà phê, nghe trình diễn nhạc, …hay cùng mấy bạn đi “pêđa lô” (loại xuồng nhỏ, di chuyển bằng bàn đạp như xe đạp). Đôi khi, Viễn mua vé đò máy (water taxi) tới Fells Point, dạo chơi khu phố xưa, mặt đường lát đá theo kiểu Âu Châu, để mua sắm hoặc nhìn ngắm (window shopping) các cửa tiệm bán đồ cổ, đồ lưu niệm. Cũng có lúc, khi để dành đủ tiền, chàng đi ăn nhà hàng. Những nhà hàng ăn ở khu Fells Point rất dễ thương, nhỏ, sạch sẽ, trang trí nhã nhặn… Nhiều hôm, Viễn đi đến tận Fort McHenry, nơi quân Anh pháo kích năm 1814 và lá cờ Hoa Kỳ đứng vững trong suốt trận chiến trở thành nguồn cảm hứng cho Francis Scott Key viết lời bài Star –Spangled Banner (quốc ca Hoa Kỳ). Khu công viên nhỏ gần đường Charles cũng là chỗ Viễn thích đến học bài.

Nhưng thời gian này lại là thử thách lớn cho lòng chung thủy của Viễn. Còn trẻ, độc thân, cô đơn, không còn nỗi lo sợ thường trực của chiến tranh, thể chất và gương mặt lại dễ hòa nhập với dân bản xứ, Viễn phải chiến đấu dữ dội chống lại cám dỗ của Sa tăng.. Nhất là khi “Sa Tăng” đến gặp chàng với gương mặt dễ thương, thân hình mỹ miều và giọng cười nhí nhảnh!!!

Thời gian mấy năm đầu sau 1975, thơ từ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam rất khó khăn, chậm chạp. Hậu quả chiến tranh, chính sách sai lạc, cộng thêm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ… làm nền kinh tế Việt Nam lụn bại. Viễn cố gắng mọi cách liên lạc với Vân. Chàng viết thơ cho tất cả bạn bè. Hầu như không ai trả lời. Nhiều sĩ quan, bạn cùng đơn vị chắc còn trong trại Cải Tạo. Người chị, dì phước ở Thủ Đức đã đổi lên Long Khánh làm việc. Bà này lại chưa hề biết gì về gia đình Vân. Làm việc hơn một năm, để dành đủ tiền, Viễn giàn xếp với bạn bè và công ty lấy liền ba tuần nghỉ hè, quyết định trở về Việt Nam tìm Vân. Theo lời khuyên của Alan, Viễn xin nhập quốc tịch để được dễ dàng lúc trở về hoặc khi cần xin cho Vân nhập cảnh.

 ***
Sàigòn (thành phố Hồ chí Minh) 1981:

Đã từng đọc Boris Pasternak và Solzhenitsyn (hai nhà văn Nga thời Xô Viết), Viễn vẫn thấy choáng váng khi trở lại Sàigòn. Phi trường Tân Sơn Nhất không đổi. Điều khác là công an cửa khẩu, hải quan nhìn Viễn với cặp mắt dò xét, không cười, không chào hỏi. Thành phố vắng bóng xe hơi. Hầu hết là xe đạp và Honda từ thời trước 1975. Các cửa hàng, cơ sở kinh doanh tư nhân biến mất, hoặc thu nhỏ lại hoặc trở thành cửa hàng Quốc Doanh. Các trường Công Giáo, Phật Giáo… đều đóng cửa và đổi thành trường học chính phủ. Những biệt thự chủ nhân bỏ đi ,vượt biên hay xuất cảnh, được dùng làm trụ sở cơ quan hoặc trường Mầm Non (mẫu giáo). Không thấy báo chí tư nhân, tạp chí ngoại quốc như Newsweek, Times… Phim ảnh gồm toàn phim Liên Xô, Hungary…có tựa đề rất kỳ dị như “Chỉ có những ông già đi chiến đấu”…Chữ dùng cũng rất lạ. Tuy chưa thấy tận mắt, nhưng một bạn nói với Viễn là có nơi tên gọi “Bảo sanh viện” được đổi thành “xưởng đẻ”. Viễn nhận thấy:

- Công an khu vực đâu cũng có, đi mọi nơi kể cả vào nhà tư nhân không cần trát tòa hay lời mời;

- Dân miền Bắc, nhiều người đội nón cối, dù không phải là bộ đội;

- Đi xe Honda, phải đổ xăng lậu mua từng chai lít, mua dọc đường hay trong hẻm…;

- Chỗ nào cũng có khẩu hiệu, băng rôn, với nội dung thắng lợi, hoặc thành công…;

- Điện cúp liên miên, nước máy chảy rất yếu, có lẽ không đủ chạy máy giặt (nếu có);

- Kỳ lạ nhất là các tiệm sửa xe Honda còn có thêm tấm bảng: “trung tâm phục hồi bu-gi”(???)…Đến đây thì Viễn hoàn toàn không hiểu dù mới tốt nghiệp trường Dược Baltimore với danh vị “Magna cum laude”(hạng tối ưu);

- Trên đường, nhiều người đạp xe đạp, đi Honda…xách theo khi thì con cá, khi thì cân đường hoặc ký thịt heo…Hỏi ra, hôm đó họ được chia nhu yếu phẩm ở chỗ làm việc. Thêm một điều nữa Viễn không hiểu là mọi món hàng đều có hai giá, giá nhà nước và giá chợ đen…;

- Nhạc Việt trước 1975 bị cấm. Nhưng Viễn thấy nhiều buổi trình diễn văn nghệ, ngoài những bản nhạc Cách Mạng (Cộng Sản), ban nhạc vẫn chơi nhạc ngoại quốc như “Besame Mucho”, “Si tu reviens”…Ngạc nhiên hỏi, ban tổ chức trả lời thầm vào tai Viễn:“Khi xin phép (chơi nhạc phải xin phép!!!), cứ nói là nhạc Cuba hay Đông Đức là được vì cán bộ miền Bắc không biết.”……………………………..

Tuy ở khách sạn dành cho người ngoại quốc, không phải va chạm với khó chịu hàng ngày, Viễn nghĩ thầm, “Ở thêm mấy tuần nữa, mình sẽ điên!!!”. Chàng cố gắng liên lạc với các bạn. Viễn gặp một bạn cùng lớp làm cho phòng y tế quận Tư. Trong văn phòng người bạn, Viễn thấy dấu hiệu của kỹ thuật tân tiến, hiện đại, trang thiết bị do Unesco (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization, một tổ chức của Liên hiệp Quốc ) cung cấp. Người bạn tiếp Viễn nồng nhiệt. Câu chuyện ròn tan, chợt Viễn nghe tiếng heo kêu. Viễn ngạc nhiên:

- Heo nuôi ở chỗ làm việc?

Người bạn dẫn chàng ra phiá sau: con heo khá to, đang lúc lắc đuôi, kêu ụt ịt. Người bạn nói:

- Heo này nuôi ăn Tết. Có thịt chia cho anh em trong cơ quan…!

Qua câu chuyện, Viễn được biết hầu hết các sĩ quan cấp thấp hay chuyên môn đã trở về. Nhưng họ còn gặp khó khăn do chính sách “hồi hương” hoặc “kinh tế mới”. Cả thành phố chỉ bàn chuyện vượt biên…Đơn vị giao dịch là “cây” (lượng vàng). Con nít cỡ sáu tuổi đều biết “cây” là gì (chỉ có Viễn không biết).

 ***
Một buổi gần trưa, lang thang khu chợ Ông Tạ, tìm nhà bạn quen trước kia có tiệm kim hoàn để hỏi thêm tin tức, Viễn bị một người từ phía sau ôm chặt. Chàng chưa kịp phản ứng, người này hét to:

- Ông thầy!!!

Viễn vùng mạnh, quay lại, chàng nhận ra Trung sĩ Chiến ngày xưa. Chiến gầy hơn, đen, có vẻ lam lũ, mặc áo thung loại thể thao (T-shirt)cũ, đằng trước có dấu hiệu (logo) Harvard, không hiểu “nhặt” được ở đâu. Viễn mừng muốn khóc. Chiến khóc thực. Một lát, Chiến hỏi chàng:

- Ông thầy ra sao? Mấy năm nay không thấy đâu vậy?

Nhìn Viễn kỹ hơn, ngắm nghía, đột nhiên trong giọng, trong ánh mắt Chiến có vẻ suy nghĩ và dè dặt:

- Ông thầy khá không? Em có ý kiến, lâu quá không được bữa thịt chó! Đãi đàn em một bữa đi rồi mình nói chuyện dài.

Hai người rảo bước về hướng mấy quán thịt chó. Viễn cười sặc sụa. Chiến ngơ ngác. Viễn cười không nói nổi, chỉ tay về phiá tiệm thịt chó. Hai cửa hàng bán thịt chó sát nhau, tiệm thứ nhất tên “Ô kìa”, tiệm thứ hai tên “Đây rồi”.Trong tủ kính, treo lủng lẳng mấy đầu chó đã thui hoặc quay chín nhe răng trắng nhởn. Xong bữa, sau khi hỏi han hoàn cảnh Viễn, Chiến nghiêm nét mặt:

- Ông thầy có sẵn đô la không.

Viễn móc túi tờ một trăm. Chiến chặn tay chàng lại:

- Em nói giỡn chơi.Em dẫn ông thầy đi kiếm cô Vân.

- Đi làm sao?Xe ôm hay xích lô?

Giọng Viễn hồi hộp. Chiến nắm chặt tay chàng:

- Đi bộ!

- Gần dữ vậy sao?

Viễn hỏi nhưng tim chàng đã muốn thắt lại, mặt biến sắc đến mức làm Chiến phát hoảng. Từ chỗ mấy quán thịt chó Ngã Ba Ông Tạ, cả hai chạy ra đường Trương minh Ký. Dưới gốc cây đề khá to, có bóng mát, mà lúc rời Việt Nam, Viễn nhớ nó chỉ cao độ đầu người, là một xe bán chè, loại xe có bánh đẩy, rất phổ thông ở Sài gòn. Chiến nói vào tai chàng: -

 Cổ đó!

Viễn hét lên: - Vân!

Cô gái đứng sau xe chè, ngước lên, nhìn hai người đàn ông. Một giây trôi qua! Một giây mà Viễn thấy dài như cả một phần đời mình. Mắt người phụ nữ mở to hơn:

- Anh Năm!

Viễn bước tới, vừa kịp đỡ Vân ngã vào tay chàng… Sau khi giải tán đám người qua đường tò mò đang bu lại, Chiến quay về phía Viễn:

- Cho em trăm hồi nãy đi, ông thầy!

Chiều hôm đó, bọn con nít trong xóm được một bữa chè “ăn khỏi trả tiền”!.........

Phần sáu: Đôi bạn chân tình.

Không tình yêu nào, không tình bạn nào có thể đi qua đời ta mà không để lại ít nhiều dấu vết in mãi mãi trong tâm khảm.” (nguyên văn: “No love, no friendship can cross the path of our destiny without leaving some mark on it forever.”) Francois Mauriac (Ghi chú: Không tìm được bản gốc tiếng Pháp. Bạn nào biết, xin bổ túc. Đa tạ.)

Tháng Năm! Đã hơn một tháng từ khi Viễn dọn vào. Thời tiết ấm dần. Từ khi có Viễn, hai vợ chồng Phan-Liên vui hẳn lên như những con chim di (finch) vào mùa Xuân tíu tít ngoài vườn. Viễn biết chơi quần vợt, Viễn lại sẵn sàng tham gia các hoạt động ngoài trời như đạp xe đạp, đi bộ,chèo thuyền …Một buổi sáng tháng Năm, khi Phan tới cắt cỏ sân trước, Viễn hỏi:

- Anh Phan! Tôi có thể sửa một phần nhà xe (garage) phiá sau thành “phòng làm việc”(studio) được không?

Phan hơi ngạc nhiên vì căn nhà khá rộng, có tới ba phòng ngủ, Viễn có thể dùng bất cứ phòng nào để làm việc. Như đọc được ý Phan, Viễn nói ngay:

- Tôi muốn nói phòng để vẽ. Tôi không muốn dùng phòng trên lầu, có thể làm hư hại căn nhà anh chị. Dùng nhà xe mình sơn, sửa lại dễ dàng.

Hai người đi vòng ra cửa hậu, chỗ nhà để xe. Căn nhà của Phan xây trên sườn đồi. Mặt tiền và phiá sau đều có cửa mở thẳng ra ngoài. Bên trong nhà xe, Viễn xếp giá vẽ, giấy, cọ…ngổn ngang. Phan tò mò:

- Tôi không ngờ anh còn là hoạ sĩ?

Viễn cười:

- Cũng do tình cờ. Khi học ở Baltimore, tôi nhớ Vân quá! Trường nghệ thuật M.I.C.A. gần đó, tôi qua học mấy lớp vẽ. Tôi cố gắng vẽ Vân theo trí nhớ.

Phan nhìn vào góc nhà, hơn mươi bức tranh thiếu nữ miền Nam xếp ngăn nắp, rất sống động, trong nhiều dáng vẻ khác nhau. Đẹp và thực nhất là bức tranh thiếu nữ tay cầm nón lá, đứng trong vườn trái cây, dưới nắng trưa, nhang nhác phong cách Gauguin (họa sĩ Pháp sống ở Tahiti). Phan trả lời bạn:

- Anh cứ xử dụng theo ý muốn.

Nhân dịp, Phan nhắc:

- Anh còn “nợ” tôi phần cuối câu chuyện của anh với cô Vân!

 ***
Nhìn bông “a-za-lê-a”(azalea) màu tím trong lòng bàn tay, Viễn chậm rãi kể:

- Sau khi trở về Hoa kỳ, chúng tôi làm đám cưới, sống rất hạnh phúc trong hai mươi năm. Vân học lại sư phạm. Nhờ công việc của tôi, thêm chứng khoán công ty cho, tôi gầy dựng số vốn khá vững chắc và hai vợ chồng đi du lịch nhiều nơi. Nhà tôi mất cách đây khoảng ba năm. Tôi lại khóc lần nữa. Chúng tôi được hai cháu, một trai, một gái. Cả hai đã tốt nghiệp Đại học và tự lập. Tôi trở lại cuộc sống độc thân. Hai mươi năm sống chung của vợ chồng tôi đẹp như hai mươi tấm thảm dệt. Chúng tôi làm được một việc Vân rất hài lòng là gởi tiền về Việt Nam giúp cho mấy trường Vân dạy học trước kia.

Thấy tôi lủi thủi một mình, nhiều bạn bè, ngay cả chị tôi cũng khuyên nên đi bước nữa để đỡ cô độc và có người nương tựa lẫn nhau lúc về già. Qua bạn bè, tôi gặp lại Thúy ở Paris. Nàng có chồng người Pháp và hai trai. Hai vợ chồng sống ở Bắc Phi hơn hai mươi năm trước khi trở về Pháp. Ông chồng Tây cũng mới qua đời khoảng một, hai năm nay. Thúy vẫn đẹp, phải nói là đẹp hơn trước.

Chiều ý chị tôi và anh Alan, tôi mời Thúy đi San Sebastian (Tây ban Nha) và vùng Pyrenees hai tuần. Chúng tôi đi thăm thành phố, nơi có toà Thị Sảnh rất giống Tòa Đô Chánh Sài gòn và bãi biển cũng đẹp, tuy không đẹp như Nha Trang hay bãi biển vùng Caribbean (Trung Mỹ). Bù lại, có mấy quán bánh ngọt và nhà hàng ngon loại nổi tiếng thế giới. Chúng tôi đi bộ dưới chân dãy núi Pyrénées, cả phiá bên Pháp và bên Tây ban Nha. Khung cảnh cũng như thời gian thật lý tưởng để nối lại tình cảm ngày xưa. Nhưng khi đưa Thúy ra xe lửa tốc hành trở lại Paris, tôi biết nàng rất buồn, anh chị tôi cũng thất vọng. Biết làm thế nào khi tâm hồn tôi đã đóng lại mãi mãi để chỉ giữ một hình ảnh duy nhất. Viễn chợt dừng lại, hỏi Phan:

- Anh có tin vào những điều huyền bí không?Tôi muốn nói những gì mắt ta không thấy được và hiểu biết của con người hiện nay không trả lời nổi. Khi Vân còn, chúng tôi đã đi thăm đỉnh Machu Pichu. Khi nghe hướng dẫn viên giải thích nơi đây có thể có những từ trường rất mạnh tạo nên sự huyền bí cho vùng núi, nàng đã hôn tôi và nói, “Em ước ao tình yêu của mình sẽ là muôn thuở.” Nàng nghĩ rằng vùng núi thiêng sẽ giúp lời nguyền của nàng thành sự thực.

Lần khác, chúng tôi xem phim “Crouching Tiger, Hidden Dragon” (phim năm 2,000, tài tử Yun-Fat Chow, Michelle Yeoh, Ziyi Zhang), Vân thích mãi câu nói mà chính tôi không để ý, “…khi chết đi, em sẽ thành một linh hồn trôi nổi bên anh” (a spirit floating by your side). Tôi nghĩ Vân đang làm đúng như thế. Tôi không nói với ai, ngay cả chị tôi, vì sợ họ nghĩ mình tâm thần. Nhưng tôi nói với anh vì anh sẽ ghi lại câu chuyện.

Một tối tôi đang ngủ, không gian chợt yên lặng, yên lặng bất thường đến nỗi làm tôi thức giấc. Trong khung cửa sổ phòng ngủ, hiện lên hình ảnh Vân, không rõ rệt nhưng tôi biết đó là nàng. Rồi một buổi trưa, cũng khi đang ngủ, tôi cảm được một bóng người đang cúi xuống đầu giường chỗ tôi nằm, giống như muốn săn sóc cho tôi. Và lần sau cùng mới đây, ban ngày, nằm đọc sách dưới bóng cây Arden Rose of Sharon (một loại hoa mùa hè), chính tại nhà này, tôi ngủ thiếp đi. Tôi thấy mình đi trong hành lang tối, thứ bóng tối không làm tôi sợ hãi mà làm tôi thấy an bình. Bóng tối thật êm dịu, êm dịu như vòng tay người mẹ hiền. Tôi đi theo một bóng người trong lúc âm thanh của bản nhạc Ave Maria vang lên rất nhẹ ………..

Phan ngồi yên lặng hồi lâu. Viễn tiếp:

- Mười tám tháng, tôi xong hợp đồng với cơ sở bào chế gần đây. Bác sĩ Reyner, nhà thương St Luc đang tìm Dược sĩ đi Zambia, Phi châu để huấn luyện dược tá cho cơ sở y tế từ thiện mới thành lập. Đây là việc tình nguyện. Họ chỉ nuôi ăn, ở và cho tiền di chuyển. Tôi sẽ đi giúp họ, có lẽ độ một năm. Sau đó, tôi trở lại Hoa kỳvà tiếp tục những công việc bác ái. Hiện nay, di chúc tôi đã có. Thực ra, tôi đã cho đi hầu hết. Tôi nhớ câu Thánh Kinh: “…muốn theo Ta, hãy bỏ tất cả để theo Ta…” Những gì còn lại do chị tôi trông coi. Đó là lý do tại sao chị Minh Châu đứng tên thuê nhà. Tôi nghĩ Vân là một thiên thần đang hướng dẫn bước chân tôi trên trần gian, anh Phan ạ!

Phần kết 
Viễn giã từ vợ chồng Phan-Liên vào một ngày mùa Thu, đúng mười tám tháng sau khi thuê nhà. Thời tiết đang lạnh dần. Những đàn ngỗng trời ở Pennsylvania bắt đầu di cư. Trên bầu trời trong xanh, từng đàn ngỗng hình chữ V, nối nhau, tiếng kêu inh ỏi, vang động mặt sông, hồ. Phan đứng rất lâu nơi đỉnh đồi, nhìn theo đàn ngỗng, cố tìm một cánh chim lẻ loi, một cánh chim trời mà chàng không biết có nhớ mùa Xuân để quay lại hay không.

Thùy Giang (viết cho các bạn cùng khoá 69, mùa Phục Sinh 2012)





No comments:

Blog Archive