Thursday, May 19, 2016

Tại sao tuổi 60 là tuổi đẹp nhất của đời người 


Một tuần trước ngày sinh nhật, tình cờ ở nhà một người bạn, tôi lật vài trang đầu của một tập sách nhỏ viết bởi BS. Đỗ Hồng Ngọc, nói về tuổi già. Cuốn sách xuất bản dễ cũng đã gần 20 năm trước, khi mà tuổi thọ trung bình của đàn ông Việt Nam, theo tác giả, là 63 và cho phụ nữ là 67. Những gì BS. Ngọc nói về cái triệu chứng già từ đâu kéo tới, như chợt nhớ chợt quên, thoáng vui thoáng buồn, sao mà giống những gì tôi đang trải qua như vậy?

Dường như chung quanh tôi, có không ít người lúc nào cũng trải qua cơn khủng hoảng của tuổi tác. Tôi dùng chữ tuổi tác thay vì tuổi già, vì ở tuổi đôi mươi cho đến tuổi 55 cũng có những khủng hoảng xáo trộn như thế. Một nghiên cứu mới đây của Bank of America Merrill Lynch, cho thấy con người ta kém vui khi tuổi càng tăng. Dựa theo thống kê khảo sát, kể từ 18 tuổi trở đi, con người ta bắt đầu biết buồn, và niềm hạnh phúc giảm lần đến “tận cùng đáy vực” ở tuổi 53. Sau đó khi tuổi càng lớn dần, con tim sẽ vui trở lại cho đến tuổi trên 85.

Thế thì những gì thay đổi sau tuổi 55 làm cho ta vui trở lại?

Cá nhân tôi thì cái tuổi ấy đã nằm phía sau gương chiếu hậu của đoạn đường đời đã đi qua, là bóng mờ của dĩ vãng, và bảng hiệu U60 cận kề phía trước. Nghĩ cho cùng, tôi cũng nên vui mới đúng, nhất là ở Mỹ, người ta cho rằng tuổi 50 của hôm nay chỉ tương đương với tuổi 30 của thế kỷ trước.

Bạn đọc có thể cho rằng tôi sắp tán phét, chém gió nữa đây. Nhưng không, tôi biết, có rất nhiều người đang có cùng bầu tâm sự của tuổi “nửa chừng xuân” như tôi. Hãy đọc tiếp với tôi để xả stress nhé.

Sau đây là những lý do, tôi nghiệm được, tại sao tuổi 60 là tuổi đẹp nhất của đời người.

1. Cho dù có những điều tôi không còn thì giờ để thực hiện được vì “khi người ta không còn trẻ nữa”, nhưng cũng có rất nhiều điều tôi vẫn còn có thể đạt được, nếu tôi có nghị lực, ý chí và quyết tâm. Thí dụ, đã quá trễ cho tôi có thể thành một nhạc sĩ điều khiển giàn nhạc giao hưởng, hay đi học lại để trở thành một phi hành gia không gian: những gì tôi hằng mơ ước khi còn bé. Ngoài ra còn những ước mơ khác mà…tôi lú lẫn quên mất rồi! Tuy nhiên, tôi vẫn còn thì giờ để viết những bài viết y khoa cho bạn đọc (đang làm), tiếp tục chữa trị bệnh nhân, đem niềm vui đến cho các cặp vợ chồng hiếm hoi (vẫn làm). Ngoài ra thì giờ rảnh, “giết nhạc” lai rai (cứ viết). Rảnh nữa thì ngồi cho cá koi ăn, hay đi bộ, tay trong tay với “người yêu muôn thuở”.

2. Tôi đọc đâu đó, một bí mật của niềm vui trong “tuổi già” là chính mình nên mạnh dạn đảm nhận vai trò của một người “đứng tuổi” trong xã hội khi đã lên “hàng cụ”. Cho dù thế hệ trẻ đời nay, hay đời nào cũng thế, có khi rất “cứng đầu”, nhưng đừng nghĩ là họ không cần những kinh nghiệm, những kiến thức của người đi trước truyền lại. Hãy tin tôi đi, khi bạn càng già, người trẻ tuổi sẽ càng nể bạn, không muốn đôi co với các “cụ” và sẽ lắng nghe những gì bạn nói, nếu... bạn nói đúng! (Con cái tôi bây giờ bớt cãi tôi rồi, chắc chúng thấy tôi tội nghiệp, già cả!). Và, cũng vì thế mà tôi thích viết lách cho mục “Bác Sĩ Ơi!” hy vọng truyền đạt một số kiến thức y khoa phổ thông.
  
3. Khi “có tuổi”, tôi không còn phải sống hay làm việc theo kỳ vọng của bất cứ một người nào khác. Tôi sống cho chính tôi, làm những gì tôi thích và muốn làm. Cuối cùng tôi được giải thoát, được tự do.

4. Ngày sinh và tuổi tác không nghĩa lý gì cả. Tôi đã hiện hữu trước khi tôi được sinh ra, là một tế bào trong cha tôi, là một tế bào trong mẹ tôi, sự sống trong tôi đã được tiếp nối đến tôi từ cả chục ngàn năm trước. Như thế, tôi không nên suy nghĩ nhiều về tuổi tác. Vì khi suy nghĩ về tuổi tác, chúng ta nghĩ gì? Những con số? Những khoảnh khắc hạn hữu tồn tại trên thế gian này? Những thời gian còn lại? Những đau yếu bệnh tật liên hệ đến tuổi già? Những lo sợ về cái chết? Hãy chấp nhận những giây phút hiện tại, ta và chính ta, đang sống. Thế thôi.

5. Đi và đến. Càng lớn tuổi, ta sẽ có những mất mát, những tiễn biệt, nhưng cùng lúc ta lại còn thì giờ để đón nhận những cái mới đến trong đời sống. Từng ngày sẽ có những chia ly, nhưng cũng sẽ có dịp cho ta chào đón những người mới, những điều mới đến trong cuộc sống. Có nghĩa là, càng sống lâu, bạn càng có nhiều hơn. Mọi thứ.

6. Cho và nhận. Càng lớn tuổi ta càng có nhiều dịp để cho ra. Cho ở đây không nhất thiết là của cải vật chất, nhưng còn là sản phẫm của tinh thần. Càng cho ra thì tôi càng có dịp để đón nhận tất cả những gì mà đời còn có thể cống hiến, để giang tay ra mà đón nhận. Còn rất nhiều điều mà tôi chưa khám phá hết, và cũng còn rất nhiều hạnh phúc tôi chưa được tận hưởng hết. Cho dù những hạnh phúc ấy có khi rất đơn giản, như đi bộ chân trần trên bãi biển, sáng sớm tinh sương, sau ly trà hay cà phê ấm bụng, chẳng hạn.

Bắt chước cụ Tú Xương năm xưa, tôi ngồi gật gù trong ngày sinh nhật của mình, “kể đã năm mươi mấy tuổi rồi, tôi ngồi tôi nghĩ cái thằng tôi”. Nghĩ đi, nghĩ lại 6 bó không phải là điều gì đáng ghê sợ!



No comments:

Blog Archive