Wednesday, May 11, 2016

Chị Sui, Anh Sui

1. Chị Sui.
Bà Liên vừa bước qua tuổi 50. Với con số năm mươi mùa Thu lá rụng đi qua trong đời của một người đàn bà như thế, không thể nói bà Liên đã quá già hay còn quá trẻ. Và nói theo ngôn ngữ của lớp bình dân khi nhận xét, đánh giá nhan sắc một phụ nữ thì rõ ràng bà Liên “Còn Nấu Phở Được”. Có thể nhiều người không hiểu nhóm chữ “Còn Nấu Phở Được” mang nghĩa gì ? Tôi xin trả lời mau rằng “Còn Nấu Phở Được” tức là “Còn Ngọt Nước”. Tức khắc, chúng ta hình dung ra một tô phở (có nước béo) thật ngon, thật hấp dẫn. Bà Liên cũng hấp dẫn như vậy. Trong trường hợp bà Liên, cách so sánh như trên tuy “dung tục” nhưng không sai một ly ông cụ nào.
 
Bà Liên cùng chồng và con gái sang Mỹ theo diện H.O năm 1994. Chồng bà, một cựu Trung Úy Biệt Động Quân đã từng đi tù Cộng Sản hơn 5 năm. Đến Mỹ, hai vợ chồng xắn tay áo làm việc quên ăn, quên ngủ nuôi cô con gái ăn học. Cô bé sau khi xong Trung Học, tiếp tục lên Đại Học và tốt nghiệp Dược Sĩ, hiện làm việc cho một Pharmacy trong thành phố. Con gái bà cũng đã lập gia đình với một thanh niên Việtnam cùng nghề. 

Ba năm trước, chồng bà Liên qua đời vì bệnh ung thư ruột già. Từ ngày chồng bà theo lời Chúa gọi, bỏ bà đi lên Thiên Đường, cách sống của bà thay đổi hẳn. Do đó, thay vì ở chung với con gái, bà Liên lại yêu cầu được ở riêng một mình. Con gái bà đành phải thuê cho bà một căn apartment gần đó để bà được tự do. Bà muốn sống một mình (như cách sống của một số phụ nữ Mỹ mà bà biết) để có được cái “riêng tư” đích thực chứ bà chưa hề nghĩ đến ngày nào đó bà sẽ “ngủ chung giường” với một người đàn ông nào. Con gái bà là một đứa con có hiếu cho nên nó bảo mẹ nó cứ an hưởng “tuổi già”, mọi chi tiêu của bà nó chi trả hết. Nó thực hiện cho bà một cái thẻ tín dụng, bà muốn chi tiêu mua sắm gì thì cứ xài thoải mái. 

Thời còn con gái, bà đã từng là sinh viên Văn Khoa. Bà thích làm thơ hơn là viết văn. Đối với bà, thơ dễ diễn đạt những rung động, xúc cảm hơn. Qua báo chí, bà theo dõi rất sát những hoạt động văn nghệ của các nhà thơ ở hải ngoại. Theo nhận xét của bà, hầu như ở hải ngoại, trong thời gian sau này, không có nhà thơ nào có những “ngôn ngữ” thơ đặc biệt như các nhà thơ Bùi Giáng hay Nguyễn Đức Sơn (Sao Trên Rừng). Đó là những thi sĩ bà rất ngưỡng mộ. Không chỉ ngưỡng mộ về thi tài của họ thôi mà còn ngưỡng mộ về cách sống của các vị này nữa. Còn các nhà thơ “nội địa” thì bà “thích” nhà thơ nữ Phan Thị Thanh Nhàn nhất. Ngày còn ở quê nhà, bà thường hay đọc tờ Văn Nghệ và những bài thơ của nhà thơ nói trên, bà đều thuộc lòng. Hễ có dịp nói chuyện văn nghệ văn gừng với bạn bè, bà thường lập đi lập lại rằng, diễn tả được cái “nữ tính” đôn hậu mà dịu dàng của người đàn bà trên trái đất này (nhất là đàn bà Việtnam), có lẽ không ai qua được Phan Thị Thanh Nhàn với những vần thơ như sau : 

Nếu anh đi với người yêu
Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi
Còn đường ta đã dạo chơi
Anh đừng đi với một người khác em
Hai hàng cây đã lớn lên
Vươn cành lá để êm đềm chạm nhau
Hai ta ai biết vì đâu
Hai con đường rẽ xa nhau, xa hoài
Nếu cùng người mới dạo chơi
Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu
Hay như chỉ hai câu trong bài thơ có tên là “Buồn” :
Người tôi yêu, đã đi xa
Người yêu tôi, lại ở nhà, chán không ?

Thỉnh thoảng, bà cũng có gửi đến vài tạp chí văn nghệ những bài thơ bà sáng tác nhưng cho đến giờ, bà chưa thấy tờ báo nào “chạy nhật trình” các công trình tim óc của bà. Cứ vài ba năm, bà lại về Việtnam một lần. Có lúc, bà rủ con gái và rể đi cùng. Nửa tháng hay dăm ba tuần sống ở quê nhà, theo bà, đó là hình thức tìm sống lại một quá khứ đã mất...

Trên đây là “lý lịch trích ngang” của bà Liên, tức chị Sui.

2. Anh Sui.
Tuổi của ông Bách hơn bà Liên đúng một con giáp, nghĩa là ông được 6 bó lẻ hai que. Ông bảo rằng người Việtnam mình khi đã qua được cái ngưỡng cửa 6 bó là đã “thọ” lắm rồi. Còn hít thở không khí thêm được năm nào, coi như trời cho “bonus” vậy. Trước 75, ông Bách là một giáo sư dạy Việt Văn ở một trường Trung Học tại Biên Hòa. Ông cũng bị động viên vào Thủ Đức nhưng sau đó thì được biệt phái về Bộ Giáo Dục để tiếp tục cầm phấn đứng trước bảng đen. Ông Bách có một con trai và hai con gái. 

Sau ngày mất nước, ông được chính quyền Cộng Sản lưu dụng, cho ông tiếp tục dạy được một năm thì tìm cớ, nói ông có làm việc cho CIA, bắt ông phải đi cải tạo. Ông ăn bo bo, khoai, sắn, bắp và lao động khổ sai hơn ba năm mới được thả về. Trong thời gian ông đi cải tạo, các cán ngố Việt Cộng đến nhà thuyết phục vợ ông nên đi kinh tế mới thì chồng sẽ được chóng thả về để cùng nhau lao động sản xuất. Chúng nói nhà nước sẽ cấp cho gia đình một căn nhà, coi như một đổi một. Ở kinh tế mới, vợ ông lại có thêm đất đai vườn tược nữa. Thế là vợ ông tin lời Việt Cộng, giao nhà cho chúng, dẫn ba con đi “lập nghiệp” ở kinh tế mới. 

Đến nơi, mới bổ ngửa ra là bị chúng lừa. Căn nhà được cấp ấy chỉ là một cái chòi lá mới dựng sườn xong, bốn bên chưa có vách ván gì hết. Các con còn nhỏ, vợ ông thì chân yếu tay mềm, cầm cái cuốc không nỗi làm sao mà cuốc đất trồng khoai trồng bắp đây ? Đành phải sống vất vưỡng qua ngày, trong 5 tháng ăn hết số lương thực mà Việt Cộng đã cấp rồi vợ ông bỏ vùng kinh tế mới, về lại Biên Hòa buôn đầu chợ, bán cuối chợ, nuôi ba con và sống tá túc với mẹ chồng. Ba năm sau, vợ ông bạo bệnh qua đời vừa kịp lúc ông Bách được thả về, đau đớn nhìn mặt người bạn đời lần cuối. 
 
Ông Bách vốn có óc khôi hài. Ông nhìn những sinh hoạt xã hội với con mắt của một người vẽ hí họa và xử sự mọi chuyện trong tư thế của một người “đội mũ lệch”. Bất cứ vấn đề nào ông cũng đều thấy có cái khôi hài trong đó. Và theo ông, cách quản lý xã hội của những người Cộng Sản rất kỳ cục, quái đản, bịp bợm, tàn ác và khôi hài nhất kể từ khi loài người có mặt trên trái đất này. Mọi người ai cũng phải biết “sợ” và đặc biệt là phải dối trá. Ông nhiều lần tự hỏi tại sao một chế độ hủy diệt toàn bộ nhân cách con người như thế lại có thể đứng vững trong hàng bao nhiêu năm trời ? Hỏi để mà hỏi chứ ông chịu thua, không thể tìm ra được câu trả lời thỏa đáng. Vã lại, ông có phải là nhà tư tưởng, là triết gia triết dụng gì đâu để mà tìm hiểu những vấn đề to lớn ấy. 

Trước mắt, ông phải lo cuộc sống hàng ngày và dạy dỗ các con ông phải sống làm sao cho ra những con người tử tế và nhất là phải biết căm thù Cộng Sản. Nhưng cuộc sống lúc ông được trở về từ trại cải tạo là thời “bao cấp” và “ngăn sông cấm chợ” nên ông phải quần quật đầu tắt mặt tối mới cung ứng đủ gạo cho bốn cái bao tử của mấy cha con ông. Ông làm đủ chuyện, đạp xích lô, đẩy xe ba gác chở hàng ra chợ cho các vựa bán rau cải, phụ thợ nề trong các tổ xây dựng. Trong những ngành nghề ông đã từng trải qua sau ngày “mất dạy”, có một nghề mà cho đến bây giờ nhớ lại ông vẫn thấy tức cười và thường kể cho bạn bè nghe với một chút “hãnh diện” : Làm “công nhân thông mạch” cho một tổ hợp đào giếng.  Ông nói với đám bạn của ông, nửa đùa nửa thật : 
 
- Các cụ đừng tưởng hễ cứ đào sâu xuống dưới đất là có nước đâu. Cái khó là nhìn thế đất để biết mạch nước nằm ở chỗ nào, theo đó mà thông mạch để đánh dấu rồi cho khoan lỗ. Nhưng mà tôi nói cho các cụ biết, từ ngày mẹ các cháu quy tiên, tôi chỉ biết “thông mạch” đào giếng thôi chứ còn “thông” các “mạch” khác thì, nói thật các cụ đừng cười tôi nhé, “Long time no see” các cụ ạ. 

Cũng nhờ đi tù cải tạo trên ba năm nên ông và các con được sang Mỹ theo chương trình H.O. Thoát được Cộng Sản để sang Mỹ tỵ nạn, ông cho là ông đã đạt được một ước mơ vĩ đại nhất trong đời ông. Ông nói với các con ông, xứ sở này là xứ sở của cơ hội, của bằng cấp. Bằng cấp càng cao thì công việc càng nhàn hạ và tiền cũng càng nhiều. Vì thế ông khuyên các con ông phải cố gắng học hành. Thằng con trai lớn của ông khi sang Mỹ, nó đã quá 18 tuổi nên phải theo học ở một trường cộng đồng, sau vài năm chuyển tiếp sang một trường College học Dược. Tốt nghiệp Dược sĩ rồi kết hôn với cô bạn gái cùng lớp (con gái của bà Liên). Hai cô con gái của ông cũng tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.

Nếu ở quê nhà ông Bách đã từng là chuyên viên thông mạch đào giếng thì khi sang Mỹ ông làm việc trong một bệnh viện với nhiệm vụ của một chuyên viên đo tim mạch (ông có theo học một khóa EKG hết 6 tháng tại một trường chuyên dạy nghề). Khi các con ông đã có công ăn việc làm vững chắc, đời sống “rủng rà rủng rĩnh” hơn, đến tuổi 62, ông quyết định về hưu non. Ông kể lại cho bạn bè nghe chuyện về hưu của ông rất tiếu lâm như sau : 
 
Các cụ biết không, tui lên gặp thằng supervisor của tui, tui nói tui đã già yếu, mắt mờ tai lãng, không thể làm việc có năng xuất được nữa, xin về hưu non. Nó lắc đầu, bảo tôi còn khỏe mạnh, nên tiếp tục làm việc, không chịu ký giấy cho tôi nghỉ hưu. Năn nỉ mãi, nó mới bảo tôi cỡi quần cho nó xem. Tôi đành phải tuột quần... Nó vừa thoáng thấy...là nói ngay : Ừ, như thế là về hưu được.
Thế là tôi nghỉ hưu, tà tà rong chơi. Ba đứa con tôi thay phiên nhau chi trả tiền mua bảo hiểm sức khỏe cho tôi. Khỏe vô cùng
 
Vừa rồi là “lý lịch cô đọng” của ông Bách, tức anh Sui.

3. Ngôn Ngữ Của Thơ
Bà Liên vừa trở lại Mỹ sau chuyến về thăm quê nhà. Bà bảo thằng rể của bà mang biếu cho anh Sui hai gói trà Thái Nguyên và một ít đặc sản quê hương và dặn nói với bố khi nào thuận tiện thì mời bố sang chơi.

Một buổi chiều ngày nọ, ông Bách gọi phone cho bà Liên hỏi có thể sang thăm được không. Bà Liên nói rất welcome, tiện thể mời ông dùng cơm chiều và hứa sẽ kể chuyện ở quê nhà giờ đã “đổi mới” ra sao. Ông Bách không quen lái xe về đêm nên ông gọi taxi đến chung cư bà Liên đang cư ngụ. Khi ông đến nơi thì thành phố đã lên đèn. Mây kéo về đen nghịt cả bầu trời, gió thổi mạnh như báo hiệu có giông bão.

Cũng như mỗi lần tiếp xúc kể từ khi là “sui gia” với nhau, bà Liên luôn luôn tiếp ông Bách với thái độ niềm nỡ và tự nhiên. Trong khi dùng cơm, bà Liên kể cho ông Bách nghe về chuyến đi du lịch của bà ra vịnh Hạ Long và một số thắng cảnh nổi tiếng ở ngoài Bắc. Bên ngoài, trời bắt đầu mưa lớn và gió hú trên những hàng cây bên đường.

Thấy tình hình thời tiết lúc bấy giờ không cho phép ông Bách có thể rời chỗ ông đang ngồi, bà Liên vừa cười vừa nói với ông Bách :

- Anh Bách à, chắc anh còn nhớ câu thơ “vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” chứ ?

Ông Bách cười nửa miệng :
- Chị cũng nhớ thơ “Đường” quá hỉ ? 

- Ờ, mấy câu thơ loại đó học sinh trung học ai mà chẳng biết.

Rồi bà nhìn đồng hồ, nói tiếp :
- Tình trạng mưa bão hiện tại, nếu anh không về nhà được thì anh có thể tạm qua đêm ở phòng khách này, miễn là anh không chê sự thiếu tiện nghi.

- Chị yên tâm, tôi có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh mà.

Bà Liên nói xong bước lên cầu thang về căn phòng của bà. Còn ông Bách thì ngồi xem TV. Một lúc sau, ông Bách không xem TV nữa mà lấy một cuốn sách trên kệ xuống đọc.

Đến khoảng gần 11 giờ đêm, bà Liên từ trên lầu bước xuống phòng khách, ngồi đối diện với ông Bách. Bà Liên nói :

- Anh Bách à, chẳng nói dấu gì anh, tôi rất thích thơ văn. Trong thời gian qua, tôi cũng tập tễnh làm thơ. Anh cũng biết đấy, thơ có cái ngôn ngữ riêng của nó. Vì thế, có những từ ngữ mà tôi không biết cách dùng sao cho đúng. Biết anh đã từng là giáo sư dạy Việt văn nên muốn nhờ anh “cố vấn” cho vài điều.

Ông Bách gật gù :
- Xin chị cứ tự nhiên hỏi, tôi sẽ cố gắng trong khả năng.
 
Bà Liên bắt đầu:
- Tôi đang làm một bài thơ kể lại chuyến trở về Mỹ của tôi vừa qua. Có một vài từ ngữ tôi cần nhờ anh giúp để sử dụng cho chính xác. Lúc từ Việtnam qua Mỹ, phi cơ ghé Đức rồi mới bay sang New York. Nếu tôi dùng chữ “ghé Đức” thì câu thơ quê mùa quá, vậy nên dùng chữ nào cho đúng ?

Ông Bách nói liền :
- Chị nên dùng chữ phi cơ “quá cảnh” ở Đức thay vì nói ghé Đức, có lẽ hay hơn.

Bà Liên lại hỏi tiếp :
- Khi đến New York, tôi “đi nhờ xe” của con gái một người bạn đi cùng chuyến bay để về nhà.

Trong thơ mà dùng nhóm chữ “đi nhờ xe”, tôi thấy không ổn tí nào, vậy theo anh thì ta nên dùng nhóm chữ nào cho thích hợp ? 
 
Ông Bách trả lời không suy nghĩ :
- Thay vì chữ “đi nhờ xe”, chị nên viết “quá giang” là đúng hơn cả.

Bà Liên buột miệng khen ông Bách :
- Anh đúng là một giáo sư dạy Việt Văn, rất nhuần nhuyễn trong việc sử dụng tiếng Việt. 

- Chị quá khen !

- À, mà này anh Bách, giả sử tôi từ trên lầu xuống đây nói chuyện với anh như thế này, tôi có thể dùng chữ “quá bộ” được không ? 
 
Nghe bà Liên nói thế, ông Bách nhìn thẳng vào mắt bà Liên, hóm hỉnh trả lời :
- Theo tôi, không thể dùng chữ “quá bộ” được, chữ dùng đúng nghĩa nhất trong trường hợp này là.... “Quá...Đã” ! 


 
Huỳnh Văn Phú


No comments:

Blog Archive