Saturday, May 14, 2016

SỐNG CHẾT VÌ TÌNH!

Chu Nguyễn
Sống chết vì tình!
Cô gái hồng nhan bạc mệnh Banaz Mahmod ở London
Trong thời đại văn minh vật chất phát triển với những bước tiến khổng lồ, bao phủ mọi thứ, thì giá trị tinh thần trở nên mờ nhạt dù ở một vài nơi vẫn còn lóe sáng. Đây là thời kỳ những câu chuyện tình đẹp gần như chỉ còn có trong tiểu thuyết và truyện cổ. Nếu có xuất hiện, hoặc là tấn bi kịch như Romeo và Juliet của Shakespeare, hoặc gần đây hơn vào 1970, là Love Story của Erich Segal, đã được bao nhiêu thế hệ độc giả trân trọng.
Đến nay gần nửa thế kỷ trôi qua, nhiều người khao khát nghe kể những cuộc “sống chết vì tình” và “chung thủy trọn đời” hay “chỉ có cái chết mới chia rẽ được chúng ta” và nói chung là những bi kịch tình ái thực làm cảm động lòng người vì giúp con người tiếp tục hoài bão giấc mơ tình ái mà đời thực khó tìm.
Câu chuyện sau đây trong tháng xuân tàn, 2016, được báo chí Âu Mỹ kể lại có thể giúp những tâm hồn lãng mạn củng cố niềm tin vào giá trị tình yêu rằng tình yêu bất diệt, sống chết có nhau khi nhập cuộc yêu đương.
Chuyện tình của nàng Banaz Mahmod
Banaz, một cô gái gốc người Kurd sinh trưởng ở Iraq, vào tuổi 12 theo cha mẹ tới miền Nam thủ đô London của Anh hy vọng có cuộc sống ổn định. Cô gái tìm thấy đất sống mới sau tuổi ấu thơ nghe bom đạn rền vang nơi quê hương cũ khi Saddam Hussein bị lật đổ.
Cô tìm được chút tự do nơi quê hương mới, đi học và hy vọng trở thành một cô gái Anh cho dù vẫn bị ràng buộc bởi phong tục nơi quê cha, đất tổ và nguồn đạo Hồi giáo truyền thống từ cha mẹ cô.
Sự ràng buộc này trước kia có thể Banaz ở tuổi hay ăn chóng lớn chưa cảm thấy, nhưng tới tuổi trưởng thành thì nó như chiếc vòng “kim cô” thắt chặt tâm trí cô.
Theo lệnh người cha, Mahmod Mahmod, Banaz phải lấy chồng vào tuổi 17 và người được cô cha chọn cho là một thanh niên người Kurd lớn hơn cô một con giáp. Cô chỉ được gặp người chồng ba lần trước khi bị đẩy lên xe hoa về nhà chồng.
Cuộc hôn nhân không hề được chọn lựa, tuổi tác vợ chồng ngăn cách khó thông cảm, trình độ văn hóa khác biệt khó cùng nhìn về một hướng. Khác biệt dẫn tới xung đột và gia đình tan vỡ. Banaz tâm sự chồng cô là người vũ phu, sẵn sàng hành hạ cô về cả tinh thần lẫn vật chất. Cô cho biết “anh ta coi tôi như đôi giày, lúc nào muốn xỏ chân là xỏ ngay” và cô phải tuân lệnh “chủ nhân”. Tức nước vỡ bờ, Banaz xin ly dị và trở về ở với bố mẹ.
Nhưng ông bố, Mahmod Mahmod là kẻ độc tài cổ hủ, trọng sĩ diện, trọng gia phong, cho rằng con gái gả đi mà bỏ chồng trở về nhà là mối nhục ghê gớm cho gia đình. Lại thêm người em của ông ta, Ari Mahmod cổ hủ và bảo thủ còn hơn người anh một bậc, lại cho rằng Banaz đã làm nhục dòng họ. Cả hai anh em tức tối, cùng với con cháu của gia đình họp bàn, cho rằng phải loại trừ con sâu ra khỏi gia môn. Việc thanh trừng một phần tử bị coi là bất hảo trong gia đình ở Iraq thì dễ vì nếu có tiết lộ thì có thể được pháp luật giơ cao đánh khẽ, nhưng giết người ở ngay thủ đô vương quốc Anh thì không phải là việc đơn giản.
Tình trạng căng thẳng giữa Banaz và gia đình tăng cao và tới mức sẽ bùng nổ khi Banaz tìm được tình yêu mới với một chàng trai gốc Iran nhưng cũng là người Kurd có tên là Rahmat Sulemani. Cô gái ở tuổi 20, khát vọng yêu đương nhưng đường tình trải nhiều cay đắng, nay gặp một chàng trai phong nhã, còn chàng tuổi trẻ gặp một cô gái xinh xắn và duyên dáng nên tiếng sét dễ đánh trúng vào trái tim hai trẻ. Thế là họ yêu nhau.
Nhưng cuộc tình của họ lập tức bị lên án, vì Banaz đã mang tội “bỏ chồng”, lại thêm tội “theo trai”. Phe bảo thủ trong gia đình Mahmod làm sao chịu đựng được, họ cho là đại gia đình đã bị làm nhục và muốn rửa nhục hay “thanh lý môn hộ” chỉ còn cách dùng biện pháp mạnh.
Hai anh em nhà Mahmod, tức ông bố và ông chú của Banaz, bàn nhau dùng biện pháp răn đe kẻ phản đạo bằng cách sai con cháu và mướn các tay giang hồ đe dọa cặp tình nhân “tội lỗi.”
Bước đầu họ đặt điều kiện, nếu Banaz và Sulemani tiếp tục hẹn hò thì coi chừng tính mạng. Sulemani đã từng bị bắt cóc và dọa giết. Cặp tình nhân đã quen với tục lệ bảo vệ gia phong của dân tộc mình nên không coi thường lời đe dọa, họ đã tuyên bố chia tay.
Nhưng làm sao chia tay khi hai trái tim chung nhịp đập và tạo thành sợi dây vô hình ràng buộc chặt chẽ lấy nhau. Họ đã lén lút gặp nhau trong một thành phố rộng lớn như London. Nhưng hành tung của họ làm sao thoát cặp mắt của những kẻ bảo thủ là Mahmod và Ari. Cả hai căm tức, coi Banaz là cái gai trước mắt cần nhổ đi bằng bất cứ giá nào. Âm mưu giết người vì danh dự gia đình (honour killing) được trù tính.
Một số anh em trong chủng tộc Mahmod là Dana Amin, Omar Hussain và Mohamad Saleh Ali, cùng sát thủ Mohamad Hama được giao cho việc thủ tiêu cô gái đa tình và “ngỗ nghịch”.
Âm mưu đen tối của người lớn khó lọt ra ngoài tai mắt của Banaz. Cô báo cho cảnh sát thủ phủ (London Metropolitan police) mối lo ngại có thể bị sát hại, và cho biết hai tên Hussain và Ali có thể giết cô. Cảnh sát chỉ coi đó là nỗi sợ vô cớ của cô gái trẻ, nên chỉ khuyên cô gái nếu sợ thì rời chỗ ở như tới nơi tỵ nạn của phụ nữ bị bạo hành gia đình (safe house) nhưng cô gái không nghe vì tin rằng ở nhà có mẹ che chở.
Nhưng mối đe dọa lớn dần, có lần, vào ngày đón tân niên năm 2006, Banaz được gọi tới nhà bà nội, và người cha ép con uống một chai brandy. Linh cảm sẽ có sự không hay xảy ra cho mình, cô vùng chạy ra cửa. Cửa đóng, cô đập tan kính và chui ra ngoài với nhiều vết xây xát trên người. Tại nhà thương, cô báo cho cảnh sát biết cô bị đe dọa tính mạng. Nhưng viên cảnh sát lấy khẩu cung lúc đó coi lời khai của cô là tưởng tượng và còn dọa truy tố cô về tội phá hoại tài sản người khác.
Kể ra đã năm lần bảy lượt Banaz tiếp xúc với cảnh sát để bày tỏ mối lo ngại cho tính mạng của mình, nhưng một phần cô ỷ lại vào việc bảo vệ của bà mẹ, phần khác vì cảnh sát không coi mối đe dọa này là thực nên chỉ ghi lại lời tố cáo kẻ khả nghi mà thôi.
Kết cục cái chết của Banaz xảy ra trong trường hợp đáng thương và vô cùng bi thảm.
Những chi tiết ghê gớm được phô bày trong phiên xử một trong những tên hung thủ sát hại Banaz tại tòa án hình sự Old Bailey vào 20 tháng bảy, 2007.
Án mạng xảy ra vào một ngày cuối tháng Một năm 2006, tại ngay London. Banaz đã bị thắt cổ bằng một sợi dây giày tại nơi xưa kia là tổ ấm của gia đình ở Morden, South London và chỉ vài tiếng sau xác bị nhét vào một va-li và đem lên xe Lexus chở tới Birmingham và vùi tạm bợ ở sau vườn một ngôi nhà. Mãi ba tháng sau thi thể người bạc mệnh mới được phát giác.
Cảnh sát đã tìm cách nghe những gì một trong những sát thủ trò chuyện với đồng bọn khi chúng bị tạm giam với tư cách nghi can trong vụ án.
Chúng tiết lộ cha mẹ Banaz lấy cớ ra khỏi ngôi nhà ở Mitcham, phía nam London. Lúc đó nạn nhân cô thân, bị khống chế bởi ít nhất ba tên, một trong những kẻ thủ ác là Mohamad Hama đã hành hạ cô với sự chứng kiền của ông chú là Ari Mahmod.
Banaz bị lột trần truồng và bị đánh đập. Cô còn bị Mohamad Hama hãm hiếp một cách tàn bạo. Hắn còn cả quyết, thề với Thượng đế là hắn đã ra sức dập liễu vùi hoa, trong hai tiếng đồng hồ mà linh hồn kẻ xấu số không chịu rời thể xác.
Cuối cùng để hoàn thành sát vụ, hắn phải thắt cổ nạn nhân trong năm phút và nửa tiếng sau cô gái giãy giụa mới nhắm mắt, xuôi tay. Đặc biệt sợi dây siết quá chặt vào cổ cô gái nên khó gỡ và Hama cho biết dùng chân đá vào cổ cô ta mấy lần xem kẻ bất hạnh đã chết thực chưa.
Sau khi thân xác nạn nhân bị vùi nông mọc nấm ở vườn sau ngôi nhà ở Birmingham, thì Hama cho biết vẫn còn thắc mắc vì khu vườn nơi giấu xác, ống nước bị rỉ chảy lan tràn, hắn sợ rằng có lúc nước sẽ làm lộ chiếc va li oan nghiệt. Biết đâu tội ác của hắn sẽ lộ ra, vì trên xác cô gái xấu số có dấu tay và DNA của hắn.
Hành vi tàn ác của Ari Mahmod và Hama còn bộc lộ ra từ một mẩu chuyện mà chúng cho là hấp dẫn. Đó là lúc chuyển xác chết từ xe ra vườn, chúng kéo lê chiếc va li trên, bất ngờ va-li hở một góc, làm lộ một cánh tay và mái tóc của nạn nhân. Chiếc va li ma quái lết trên cỏ trong khi nhiều người qua lại không ai chú ý mặc dù thủ phạm nhỏ to với giây phút cực kỳ nguy hiểm đứng tim nhưng thích thú.
Trong khi ấy việc Banaz biến mất đã khiến cảnh sát thủ phủ mở cuộc điều tra.
Qua những lần nạn nhân tiếp xúc với cảnh sát, cảnh sát có ghi lại trong hồ sơ một số khiếu nại và cũng nhờ lời khai của người tình của nạn nhân là Rahmat Sulemani, nhà chức trách London đã truy tìm Omar Hussain và Mohamad Saleh Ali. Nhưng hai tên này thấy động đã trốn về Iraq. Nhưng từ dấu vết này, cảnh sát đã tìm ra hai kẻ chủ mưu là Mahmod Mahmod và Ari Mahmod và sát thủ Mohamad Hama.
Vào 2007, các bị cáo bị truy tố về tội sát nhân trong trường hợp gia trọng và lần lượt lĩnh án chung thân và chỉ hy vọng xin tại ngoại quản thúc ít nhất sau hai chục năm bóc lịch trong tù.
Hai tên trốn về Iraq là Omar Hussain và Mohamad Saleh Ali đã bị dẫn độ sang London và ra tòa vào 2010, nhận bản án tù dài hạn hàng chục năm trời khó xin tại ngoại.
Có điều bệnh hoạn nên kể là một bị cáo khác, tên Dana Amin, họ hàng với nạn nhân, nghe lời xui của Ari Mahmod, lái xe Lexus màu đen chở tử thi Banaz đi vùi nên cũng lãnh án tù vì tội đồng lõa, dù hắn vẫn nuôi ảo tưởng là đã làm một việc anh hùng là rửa nhục cho gia tộc.
Kết thúc bản án cô gái trẻ Banaz bị gia đình thảm sát, không mấy ai quên nhận định của Kate Allen, giám đốc của hội Ân xá quốc tế chi nhánh Anh quốc (Amnesty International UK): “Thực là một trường hợp gây xúc động ghê gớm và quan trọng vô cùng chứng tỏ công lý đã được thực thi trong vụ án Banaz Mahmod… Bản án đã gửi một lời cảnh cáo chủ yếu rằng cái gọi là ‘giết người vì danh dự’ không được khoan nhường ở Anh cũng như ở các quốc gia khác như Iraq.”
Nghĩ cho kỹ hủ tục không do tôn giáo mà ra mà do người lợi dụng tôn giáo gây ra. Chẳng hạn ở một số sắc dân Trung đông, vốn quen với việc coi thường nữ giới và để cao phụ quyền, nên nhiều bộ tộc thường chà đàp lên nữ quyền tới mức giết người nhân danh một lý tưởng hão huyền là “honour killing.”
Ngoài ra vụ án “giết người vì danh dự gia đình” mà nạn nhân là Banaz ở ngay London cũng khiến cho cảnh sát thủ đô Anh bị nhiều chê trách vì đã không làm đủ bổn phận để bảo vệ nạn nhân khỏi cái chết thê thảm và man rợ,

Cái chết của kẻ tình si Rahmat Sulemani
Nguồn tin báo chí Anh quốc ngày 8 tháng 5 năm 2016 cho biết cái chết của Banaz xảy ra từ đầu năm 2006 nhưng các phiên xử liên tiếp diễn ra cho tới 2013 mới tạm kết thúc bản án giết người vì danh dự gia đình.
Từ lúc người tình Banaz bị sát hại, Rahmat Sulemani hai lần ra tòa làm nhân chứng cho dù bị đe dọa tới tính mạng.
Sau khi kết thúc vụ án, chàng trai khỏe mạnh, yêu đời khi trước, nay ở tuổi 32 không hề nghĩ tới chuyện yêu đương nữa. Lòng chàng đã chết, lửa tình đã tắt, chàng sống như chiếc bóng mờ, cô đơn giữa cuộc đời ồn ào và người đời thờ ơ và trước mọi việc vô thường chung quanh. Chàng thường ngỏ ý với bạn bè là muốn tìm cái chết theo người yêu và đã vài lần quyên sinh nhưng không thành.
Phải chăng vì lẽ này mà chàng trai chung tình đã treo cổ vào đầu tháng 3, 2016? Cảnh sát được hàng xóm một căn hộ ở Dorset báo có người muốn tự tử. Nhân viên trợ y tới hiện trường và thấy Sulemani treo cổ trong phòng ngủ, lập tức nạn nhân được gỡ xuống và cứu cấp nhưng năm ngày sau kẻ si tình nhắm mắt tại bệnh viện.
Tiếc thay cuốn phim tài liệu Banaz: A Love Story ra năm 2012 nên chưa có đoạn kết thúc một thiên tình sử.
Chu Nguyễn


No comments:

Blog Archive