Monday, May 16, 2016

Sự phẩn nộ của giới trung lưu nước Mỹ trong kỳ bầu cử 2016

Đoàn Hưng Quốc

Có nhận xét cho rằng tại một nước độc tài khi lợi tức bình quân tiến lên khoảng 4000 USD sẽ dẫn đến cuộc cách mạng dân chủ vì khi đó một giới trung lưu được hình thành vững chắc, ý thức quần chúng lên cao đòi hỏi sự có sự tham dự và pháp trị trong mọi sinh hoạt của xã hội để quyền lợi của mọi người được bảo vệ đồng đều. Nhưng ngược lại ở một nước dân chủ tiến bộ nhưng khi thành phần trung lưu bị thụt lùi thì cơ nguy quá khích dẫn đến độc tài lại nổi lên. Điều này đã từng xảy ra ở Đức trong những năm 1930 và có dấu hiệu hiện đang tái diễn tại nhiều quốc gia Âu-Mỹ.

Nhiều nhà quan sát đánh giá hai ông Donald Trump thuộc đảng Cộng Hoà và Bernie Sander thuộc đảng Dân Chủ được nhiều người ủng hộ do khoảng cách giàu nghèo ngày thêm sâu sắc ở Hoa Kỳ. Sự thật phức tạp hơn thế nhưng lại được phản ảnh qua câu nói thông thường và dễ hiểu trong cộng đồng người gốc Việt “ở Mỹ hoặc thật giàu hay thật nghèo chứ ở giữa là chết! Giàu thì dĩ nhiên không lo còn nghèo thì được nhà nước lo trọn gói chỉ có giới trung lưu là bị chặc chém thuế má mà còn phải lo trả tiền nhà, bảo hiểm, y tế, giáo dục v.v…”

Tuy nói ra như vậy nhưng nỗi bất mãn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt không nhiều vì vẫn còn thuộc dạng di dân mới đến nên mỗi thế hệ tiếp tục khấm khá hơn thế hệ đi trước. Ngược lại giới trung lưu người bản xứ nhất là ở các tiểu bang vùng Trung Mỹ đang phẩn nộ vì cuộc sống của họ ngày thêm khó khăn trong lúc tương lai con cái cũng không thấy sáng sủa gì hơn.

Giới trung lưu giận giữ khi chi phí về y tế và giáo dục cứ nhảy vọt, lương bổng không tăng mà thuế má ngày càng nhiều. Họ bất mãn với tình cảnh phân biệt địa vị khi ban giám đốc công ty lương cao hơn nhân viên cả ngàn lần, lúc bị đuổi việc còn hưởng thêm bổng lộc hàng triệu đô-la theo quy định trong giao kèo còn dân thường mất việc thì… ráng chịu. Trong cuộc khủng hoảng 2007-09 người dân bị đuổi nhà không được giúp đỡ trong khi nhà nước tung hàng trăm tỷ đô-la tiền thuế để cứu cấp các ngân hàng vốn làm ăn cẩu thả không cho xập tiệm.

Giới trung lưu bất mãn vì di dân bất hợp pháp lại đòi được luật pháp bảo vệ; nhà nghèo được chu cấp tiền nhà, hưu trí và giáo dục con cái, nhận Medicare rồi giờ thêm ObamaCare, ăn xài lãng phí và lạm dụng trợ cấp. Nhưng vẫn chưa đủ vì một thành phần di dân còn du nhập tội ác hoặc trở thành khủng bố phản bội chính đất nước đã cưu mang cho họ.

Sinh viên âu lo cho tương lai vì mang núi nợ khổng lồ  (tổng số nợ giáo dục trên 1000 tỷ USD) trong lúc việc làm khó kiếm, lương không đủ trả nợ thì làm thế nào để mua nhà và tạo lập gia đình sự nghiệp.

Người đứng tuổi không an tâm khi hảng xưởng lần lượt đóng cửa đem sản xuất ra Tàu, Mễ hay Việt Nam, họ tìm 5-7 năm mà không có việc làm bằng với mức lương trước đây. Các hiệp ước thương mại quốc tế như NAFTA, TPP hay TTIP mang lợi lộc đến cho doanh nghiệp, giới tiêu thụ và nước ngoài nhưng không có ích gì khi họ thất nghiệp lâu dài! Trào lưu toàn cầu hóa đã bỏ rơi và làm bể nồi cơm của họ.

Những chính trị gia tuy do dân bầu nhưng khi đắc cử lại tranh giành quyền lợi đảng phái, bị tài phiệt mua chuộc và làm tê liệt sinh hoạt nhà nước.  Uy tín của Quốc Hội xuống đến mức thấp nhất chỉ còn 17% dân chúng tin tưởng.

Hoa Kỳ bỏ xương máu và hàng ngàn tỷ Mỹ-kim để đi vào những cuộc phiêu lưu chính trị và quân sự không lối thoát tại Trung Đông và Trung Á. Nhiều quốc gia đồng minh Âu-Á núp sau cánh dù an ninh mà không chịu chi tiền, còn các nước “bạn” như Saudi Arabia hay Pakistan lại nuôi dưỡng khủng bố đâm sau lưng nước Mỹ. Cho nên không ít dân chúng muốn nhà nước phải tái định nghĩa “quyền lợi chiến lược” để không còn làm sen đầm quốc tế mà dành thêm nổ lực về giáo dục và hạ tầng nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong thế kỷ 21.

Thực tế không ảm đạm như bức tranh vẽ nói trên vì Hoa Kỳ vẫn là quốc gia cường thịnh, ổn định, cơ hội, dân chủ và pháp quyền với nền kinh tế phát triển hàng đầu trên thế giới. Tuy vậy hiện tượng Donald Trump và Bernie Sander cho thấy lợi ích không phân phối đồng đều trong dân chúng nên không ít người thuộc thành phần trung lưu vô cùng bất mãn. Họ táo bạo chọn một ông tỷ phú dao to búa lớn và một chính trị gia vô danh cánh tả như lá phiếu nổi loạn nhằm chống lại hệ thống quyền lực hiện thời.

Bà Hillary Clinton tuy tài giỏi và nhiều kinh nghiệm nhưng lại là hiện thân của hệ thống quyền lực, rất nhiều người nghĩ nếu bà có lên làm Tổng Thống thì phe Cộng Hoà cũng sẽ chống đối kịch liệt khiến nhà nước bị bế tắc như dưới thời Obama. Âu là chọn một nhân vật táo bạo không bị mua chuộc vì ông đã quá giàu nên dám ngông cuồng phát biểu những sự thật được nhiều người đồng ý mà lại không dám nói ra!

Đây có thể là một chọn lựa dại dột hay điên rồ nhưng phản ảnh tâm lý nóng nảy của người Mỹ. Ngược lại đây có thể là cơn chấn động cần thiết trong một xã hội dân chủ để đánh thức giới tinh hoa rằng dân chúng vô cùng bất mãn nhưng họ vẫn còn kiên nhẫn chọn lựa đấu tranh trên hội trường và bằng lá phiếu thay vì bạo loạn nổi dậy làm cách mạng lật đổ chính quyền.

Bài học lớn nhất chính là số phận của nền dân chủ gắng liền với giai cấp trung lưu.




No comments:

Blog Archive