Tuesday, May 31, 2016

Chuyện tình nghệ sĩ tài danh: Quái kiệt Ba Vân với “Đời là 3 chữ T”

​​
Soạn giả Nguyễn Phương

Chuyện tình nghệ sĩ tài danh: Quái kiệt Ba Vân với
Trong các thập niên 1930, 1940, các nghệ sĩ tiền phong có những cuộc tình đặc biệt không giống ai và cũng không ai giống. Có lẽ vì cuộc sống của nghệ sĩ không bị gia đình hay xã hội quản thúc, người ta cho là đời của nghệ sĩ phóng túng nên trong cuộc sống thường ngày và trong quan niệm hôn nhơn, người nghệ sĩ có lối sống riêng không theo tập tục thông thường trong xã hội.

Có nhiều cặp vợ chồng nghệ sĩ gắn bó với nhau như hình với bóng, khi thấy mặt ông chồng thì nhứt định người ta sẽ thấy có bà vợ đi kè kè một bên. Trong bữa ăn, bà chăm sóc cho chồng như bà mẹ chăm sóc cho con nhỏ hay một người hầu chăm lo cho ông chủ. Ăn cá thì bà gỡ xương trước, sợ ông ăn mắc cổ. Ăn thịt dai thì bà lấy dao ra cắt từng miếng nhỏ vừa ăn… Từng việc ăn mặc đi đứng cho tới những đêm ông chồng nghệ sĩ hát trên sân khấu thì bà vợ ở hậu trường, chăm sóc tủ làm tuồng, giúp ông mặc bộ giáp, mang đôi hia, đội cái mão cho ngay ngắn. Khi ông chồng hát hết lớp tuồng, vô hậu trường thì bà rót nước cho uống, hoặc cho ngậm một lát sâm để ông mau lại sức. Khi thay áo mão, mũ mảng khác, thì bà lau mồ hôi, lấy áo lót mới thay cho chồng, cầm quạt quạt cho ông khỏe lại để ông hát tiếp màn kế. Việc bà chăm sóc cho chồng, đúng ra thì không ai có lời dị nghị, khen, chê nhưng nhiều khi bà vợ chăm sóc chồng một cách quá mức, thậm chí bà can thiệp cả vào chuyện hát xướng của ông trên sân khấu khiến cho nghệ sĩ cho là ông sợ vợ, thờ bà. Chuyện gì mà bà không thuận thì nhứt định ông chẳng dám ưng theo đề nghị của người khác. Hề Ba Vân và vợ sống gắn bó với nhau như vậy nhiều năm trong đoàn hát, lúc đoàn hát diễn ở miền Nam hay lưu diễn miền Trung, miền Bắc, ở Hà Nội, Hải Phòng, cách sống đó vẫn không thay đổi nên khi anh Ba Vân hát ở Hà Nội, nghệ sĩ miền Bắc tặng cho vợ chồng anh mỹ danh là “Đôi Sam Nam Kỳ Quốc”.

Quái kiệt Ba Vân tên thật là Lê Long Vân, sanh năm 1908, tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Anh Ba Vân học xong Tiểu học, ở nhà giúp mẹ chăm sóc vườn dừa và vườn vú sữa. Anh học cổ nhạc, chơi đờn ca tài tử với các bạn trong xã. Năm 1924, nhân dịp xem gánh hát Tái Đồng Ban của ông bầu Hai Cu, anh Ba Vân làm quen với nghệ sĩ Năm Châu, được Năm Châu giới thiệu cho gia nhập gánh hát Tái Đồng Ban.

Ba Vân cao ráo, đẹp trai, ca được đầy đủ các bài bản cổ nhạc nên được ông Bầu cho hát vai kép nhì. Vai hát đầu tiên Ba Vân thủ vai cậu Hai Vận trong tuồng Bội Phu Quả Báo của tác giả Phạm Công Bình.

Ngày đầu tiên ra sân khấu, Ba Vân run quá nên nói lối cà lăm:

Thuận thành là quê quán,
Ta, con đại phú gia
Tay ăn chơi bốn biển là nhà
Danh tiếng khắp, tên ta Hai Vận
Tuổi đã lớn song chưa danh phận
Tay ròng nghề sớm mận tối đào..

Do sợ run, nói cà lăm nên khán giả cười rân lên, hai soạn giả Năm Châu và Tư Chơi khám phá ra khả năng hài hước và cách phát âm có duyên của nghệ sĩ Ba Vân. Từ đó các vai hát kế tiếp, Ba Vân được phân vai lão mùi hoặc vai hề trên sân khấu. Nghệ sĩ Ba Vân ca không mùi bằng các nghệ sĩ trong đoàn là Tư Út, Năm Châu, Từ Anh nhưng Ba Vân nhanh chóng nổi danh Hề Ba Vân.

Năm 1925, nghệ sĩ Ba Vân đi gánh hát Tân Hí Ban, chuyên hát tuồng Tàu.

Nghệ sĩ Ba Vân đã hát những vở tuồng Trót Tay Đã Nhúng Chàm, Khúc Oan Vô Lượng, Lửa Đỏ Lòng Son, Tiếng Nói Trái Tim. Khán giả thích lối ca diễn đẹp trai tình tứ của Tư Út, Năm Châu, Từ Anh, nhưng cũng có nhiều khán giả thích cái duyên hài của hề Ba Vân.

Chỉ trong vòng ba năm, từ 1924 đến năm 1926, hề Ba Vân chiếm một địa vị quan trong hàng nam nghệ sĩ được khán giả ái mộ. Anh được hưởng đồng lương gần bằng lương kép chánh, anh hát có nhiều tiền nên gởi tiền về giúp cho má anh và bà đã dùng tiền đó để đi cưới vợ cho anh.

Má anh chọn cho anh một người vợ cùng quê ở Ba Tri. Má anh nói:

“Tao chọn cho thằng Ba mầy một con vợ cao ráo, khỏe mạnh, vú to đít bự, con vợ của mầy nó sẽ đẻ năm một. Trong vòng mười năm, tao sẽ có mười đứa cháu nội trai và gái, chừng đó tao sẽ lập một gánh hát gia đình để cho thằng Ba mầy làm ông bầu, đào kép là cái đám cháu nội của tao”.

Anh Ba Vân nghe má anh nói như vậy, anh hoảng hồn, bỏ gánh hát Tái Đồng Ban Mỹ Tho, chạy xuống Cần Thơ gia nhập đoàn hát mới thành lập là gánh hát Trần Đắc của nhà đại điền chủ Trần Đắc Nghĩa, chủ nhà in An Hà ở Cần Thơ lập ra.

Ở nhà, má anh vẫn chuẩn bị tổ chức đám cưới rình rang cho anh, bà gởi thiệp mời các ông trong Ban Hội Tề, bà con chóm xóm,chuẩn bị sính lễ, chưng dọn bàn thờ, đặt tiệc, bông rạp và dọn một căn phòng rộng nhất trong ngôi nhà để làm chỗ động phòng hoa chúc cho tân lang và tân nương. Bà biểu anh Hai Vân đi kêu Ba Vân về cưới vợ rồi đi hát ở đâu thì cứ đi. Con dâu sẽ ở nhà giúp việc canh tác và hầu hạ bà mẹ chồng thay cho Ba Vân!

Trước một ngày khi nhà gái nhóm họ chuẩn bị đưa dâu thì bên nhà gái mới phát giác ra là chàng rể Ba Vân không về làm lễ cưới. Gia đình nhà gái nhiều lần đến rạp hát tìm Ba Vân nhưng anh nói anh chưa lập nghiệp xong, anh chưa tính chuyện cưới vợ. Anh đã nói với anh Hai Vân (anh ruột của Ba Vân), nhờ nói lại với má anh nhưng má anh cứ làm theo ý của bả thì bả tính sao bả tính.

Anh Hai Vân lại được tin đoàn hát đi lưu diễn miền Trung rồi ra miền Bắc, có thể đoàn hát sẽ đi diễn ở nước Lào và Thái Lan nữa, không biết đến năm nào mới trở về Sài Gòn. Anh nói lại cho má anh biết, xin hoãn đám cưới lại nhưng thiệp mời gởi đi đã lâu. Cô dâu dọa đúng ngày cưới nếu không có chàng rể thì cô sẽ tự vận trước bàn thờ gia tiên bên nhà chồng, trước quan khách hai họ…

Anh Hai Vân và bà má đành bưng khay trầu rượu qua nhà sui gia, bàn bạc, xin lỗi, xin cưới cô dâu cho anh Hai Vân thay cho Ba Vân. Anh Hai Vân nói anh lạy sói trán mới được bên nhà gái thương tình bỏ qua cho cái lỗi của Ba Vân. Cô gái Ba Tri thì tùy theo sự quyết định của các bậc trưởng thượng trong gia đình. Cô đã mang tiếng được gả chồng thì vì sĩ diện của hai gia đình, cô tự an ủi là không có duyên phận với Ba Vân thì làm vợ anh Hai Vân là do trời định.
Mọi người khen cô dâu đẹp như tiên, Hai Vân cưới được vợ đẹp như tiên nên từ nay đổi tên là anh Hai Vân Tiên.

Ba năm sau, anh chị Hai Vân Tiên sanh được một trai hai gái. Con trai lớn tên Nam, gái thứ tên Tương Lai và gái thứ ba tên Huỳnh Hoa. Hai cô Tương Lai và Huỳnh Hoa về sau là hai nữ diễn viên tên tuổi của đoàn hát Phước Chung.

Trong khi đó thì nghệ sĩ Ba Vân như chim trời bạt gió, anh theo đoàn hát Trần Đắc đi hát các tỉnh Phan Thiết, Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng và kinh thành Huế trong vòng hơn hai tháng. Anh không biết tin tức gì về đám cưới của anh Hai Vân Tiên và cô gái Ba Tri. Ba Vân đinh ninh là má anh và anh Hai của anh định dùng việc bắt anh cưới vợ để cầm chân anh ở lại quê nhà, không cho đi theo gánh hát nữa. Anh nghĩ là khi anh không làm lễ cưới, anh theo gánh hát bỏ xứ ra đi thì chuyện hôn nhơn kia phải tự hủy và cô gái Ba Tri rồi sẽ lấy chồng như bao nhiêu cô gái khác ở quê anh.

Hề Ba Vân dồn hết tâm lực học ca, học hát. Anh đã có những vai hát để đời. Ba Vân sắc sảo và uy nghi qua vai Ngũ Tử Tư trong tuồng Việt Vương Câu Tiễn, anh thành công trong các vai hài tuồng Ông Huyện Hàm Hàm, Vó Ngựa Truy Phong…

Lúc hát ở Huế, nhân một dịp đi chợ Đông Ba mua một khúc lụa để dùng trong tuồng, anh quen với cô Hồ, cô gái Huế bán lụa, đẹp người đẹp nết. Trước hết, Ba Vân cảm thấy giọng nói của cô gái Huế như tiếng chim hót líu lo. Có nhiều câu cô gái Huế nói mà Ba Vân nghe không hiểu, nhưng anh rất vui và lạ lẫm trước vẻ đẹp thùy mị và phong cách đài trang, sang trọng của cô gái Huế.

Anh chàng nghệ sĩ lang thang này bỗng thấy tâm hồn của mình bị hình ảnh cô gái Huế ràng buộc, thu hút. Mỗi ngày anh phải đi chợ Đông Ba mua một khúc lụa để được nhìn cô gái Huế đáng yêu của anh. Mỗi một nụ cười, một cái liếc mắt, chau mày của cô gái Huế cũng theo vào trong giấc ngủ của chàng trai giang hồ miền sông nước Tiền Giang. Nghệ sĩ Ba Vân lân la trò chuyện, gây được cảm tình với cô gái, mời cô đi xem hát, mời cô đi ăn bánh nậm, bánh khoái bên kia cầu Tràng Tiền và cuối cùng hai người mướn đò lên chùa Thiên Mụ để thề non hẹn biển…

Một đêm kia, sau vãn hát, anh Ba Vân và cô Lê Thị Hồ ngồi tâm tình bên Nghinh Lương Đường sát bờ sông Hương vì chỉ còn hai ngày nữa là đoàn hát ra Hải Phòng hát, rồi đi Hà Nội, Thái Nguyên.

Hai hôm sau trên sân ga xe lửa chuyến Huế đi Hà Nội, anh Ba Vân và cô Hồ nắm tay bịn rịn chẳng nỡ rời nhau. Cô Hồ mặc áo dài màu tím hoa cà, tay cầm nón lá nghiêng nghiêng che mặt, chúng tôi biết là hai anh chị đang khóc nức nở khi chia tay nhau mà ngày gặp lại thì chưa biết đến bao giờ.
Xe lửa xúp lê ba, đầu máy xe lửa đã xì xụp xịt khói từng đợt theo sự chuyển động của bánh xe, chúng tôi kêu Ba Vân mau lên xe,… mau lên xe!

Khi xe bắt đầu chuyển bánh, Ba Vân hôn vội lên trán cô Hồ rồi chạy nhanh tới, nhảy lên từng nấc thang xe lửa, anh còn đứng trên nấc thang thứ ba, quay lại vẫy vẫy tay… Cô Hồ ôm mặt khóc ngất trên sân ga, chắc cô không thấy Ba Vân đang vẫy tay chào tuyệt vọng…”

Đó là năm 1927, hai gánh hát Sài Gòn đến diễn tại Hà Nội cách nhau trước sau vài tháng. Đoàn Nghĩa Hiệp Ban đến trước, Nghĩa Hiệp Ban chuyên hát tuồng Tàu của hai soạn giả Nguyễn Công Mạnh và Nguyễn Trọng Quyền. Đoàn hát Trần Đắc đến sau, đoàn Trần Đắc hát những vở tuồng xã hội như Tội Của Ai, Khúc Oan Vô Lượng, Trót Tay Lỡ Đã Nhúng Chàm, Lửa Đỏ Lòng Son của các soạn giả Tư Chơi, Tư Trang và những tuồng phóng tác tiểu thuyết Pháp của soạn giả Nguyễn Thành Châu như Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ, Giá Trị Và Danh Dự (Le Cid).

Đoàn hát Trần Đắc được khán giả Hà Thành nhiệt liệt hoan nghênh vì đoàn hát có cảnh trí đẹp, lời văn nôm na dễ hiểu chớ không có nhiều chữ Nho như lối hát chầu văn hay hát bội, thêm vào đó các lối ca cổ nhạc miền Nam nghe rất êm, rất lạ, có thể nói các điệu cổ nhạc miền Nam như Văn Thiên Tường, Tứ Đại Oán, Vọng Cổ, Nam Xuân Nam Ai, đã đưa điệu nhạc lời ca lắng sâu vào tâm hồn của khán giả. Họ nghe cổ nhạc miền Nam giống như những lời tỉ tê ai oán thốt ra từ các nữ nghệ sĩ tuyệt sắc và khán giả nữ Hà Thành thì thích các nam nghệ sĩ Nam Kỳ đầy nam tính. Họ mê điệu hát cải lương Sài Gòn và gần như khán giả Hà Nội, Hải Phòng trong giai đoạn này bị cải lương Sài Gòn mê hoặc, họ không thiết xem những điệu chầu văn của miền Bắc hay điệu hát bài chòi của miền Trung.

Các chủ rạp hát Quảng Lạc, Sán Nhiên công nhận sức hút mãnh liệt của nghệ thuật hát cải lương Nam Kỳ nên quyết làm cho nghệ sĩ Bắc Kỳ hát được lối “cải lương Sè Gòn” nên âm thầm ký contrat với một số tiền rất lớn để giữ các nghệ sĩ cải lương Nam Kỳ ở lại miền Bắc để dạy cho các nghệ sĩ Bắc ca cổ nhạc cải lương Nam Kỳ. Trong số những nghệ sĩ được các chủ rạp Quảng Lạc và Sán Nhiên mua chuộc, ký contrat giữ ở lại Hà Nội hát cho họ và truyền nghề cho các nghệ sĩ miền Bắc có các nghệ sĩ: Ba Vân, Sáu Cương, Ngọc Thạch, Tám Cũi, Ba Thâu và hai nữ nghệ sĩ Sáu Huề và Ba Liên.

Vừa ký contrat được một số tiền lớn, nghệ sĩ Ba Vân được một tuần lễ nghỉ để chuẩn bị chương trình dạy ca cho các nghệ sĩ đoàn hát Quảng Lạc, anh nói mướn phòng để yên tịnh soạn bài và lời ca nhưng thật ra là anh không muốn các nghệ sĩ Bắc Kỳ hay ông chủ Quảng Lạc quấy rầy để anh dùng thì giờ đó giải quyết việc riêng, anh mua vé xe lửa trở vào Huế, gặp cô Lê Thị Hồ và hôm sau Ba Vân cùng cô Hồ trở ra Hà Nội.

Hề Ba Vân thường nói: Đời là ba chữ T, có Tiền thì sẽ có Tình, có tiền có tình thì sẽ mặc sức mà Tê Tê!

Cô Hồ bỏ nhà, khăn gói trốn theo Ba Vân. Họ trải qua những ngày tươi đẹp và đầy kỷ niệm. Ngoài giờ dạy cho các nghệ sĩ Bắc ca cải lương Nam Kỳ, dạy các điệu múa bộ Quảng mà Ba Vân học được khi đi đoàn hát Tân Hí Ban, anh còn có những buổi chiều cùng với người yêu đi ăn kem, dạo bờ hồ Hoàn Kiếm, đến nhà hàng bách hóa Godard mua mỹ phẩm, áo quần tơ lụa, qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn cúng bái tạ ơn ông Quan Đế Thánh Quân đã ban hạnh phúc cho họ. Ba Vân và cô Hồ như hình với bóng, họ đi dạo phố hàng Đào, phố hàng Bạc để mua sắm, lúc nào cũng kề cận bên nhau đến đỗi các bạn nghệ sĩ Bắc tặng cho họ danh hiệu là Đôi Sam Nam Kỳ!

Sáu tháng sau, nghệ sĩ đoàn Quảng Lạc đã ca rành cổ nhạc Sài Gòn, họ tập được hai tuồng Phụng Nghi Đình và Lương Sơn Bá,ông bầu Quảng Lạc bán dàn hát cho Hội Người Việt ở Vientiane Lào. Cô Hồ không có tên trong danh sách của Đoàn hát nên không xin giấy phép qua xứ Lào được, Ba Vân phải theo đoàn hát. Cô Hồ ở lại Hà Nội. Tháng sau cô trở về Huế vì cô được thơ của Ba Vân báo là đoàn hát còn hát ở Lào vài tháng và sẽ hát ở Nam Vang và nhiều tỉnh ở Cao Miên, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Anh Ba Vân cho biết anh sẽ gởi thơ mỗi khi đoàn hát dọn đến địa điểm mới.

Ba năm xa cách, thơ của Ba Vân gởi về nhà trọ ở Hà Nội không có người nhận vì cô Hồ đã trở về Huế. Đoàn hát hát ở Lào khá lâu rồi dọn đi hát ở Nam Vang, Cao Miên rồi qua nước Thái. Trong thời gian này Ba Vân nghe theo các nghệ sĩ Bắc và ông Bầu hút nha phiến, dùng thuốc thẩu vì ở Lào nha phiến và thuốc thẩu rất rẻ, mua ở đâu cũng có và không bị cấm hút. Vậy là Ba Vân ghiền nha phiến, mê cô Ba Phù Dung và vì thư cho cô Hồ không có hồi âm, Ba Vân dường như không còn nhớ cô gái Huế.

Năm 1936, nghệ sĩ Ba Vân và các nghệ sĩ mãn hợp đồng với đoàn hát Quảng Lạc, họ trở về Sài Gòn. Ba Vân gia nhập đoàn hát Phụng Hảo, mang theo cái bịnh ghiền á phiện. Anh không được tin tức gì của cô Hồ nữa nhưng cô Hồ đọc báo thấy quảng cáo của đoàn hát Phụng Hảo có tên nghệ sĩ Ba Vân, cô Hồ khăn gói vào Sài Gòn kiếm Ba Vân.

Đến Sài Gòn, cô Hồ mới biết là các nghệ sĩ Ba Vân, Sáu Cường, Năm Thiên, Tám Cũi đều ghiền thuốc phiện do ông bầu Quảng Lạc muốn cầm chân họ ở lại trọn đời với đoàn hát Quảng Lạc nên làm cho họ ghiền thuốc phiện. Ông bầu Quảng Lạc có mối mua bán thuốc phiện, có thể mua rẻ và cung cấp chất nhựa đó cho họ. Không dè khi đoàn Quảng Lạc hát ở Nam Vang, các nghệ sĩ Sài Gòn gặp đoàn hát Phụng Hảo, họ bèn bỏ gánh Quảng Lạc, gia nhập đoàn Phụng Hảo để trở về Sài Gòn.

Cô Hồ tự nhận là do lỗi của cô không được ở kề cận Ba Vân, không chăm sóc tốt cho Ba Vân và anh vì nhớ cô mà bị bạn bè rủ rê hút sách giải buồn, cô bèn ở kề cận Ba Vân, giúp cho anh bỏ thuốc phiện. Mỗi ngày cô Hồ cho anh Ba Vân uống rượu pha với nhựa bông, khi tới cữ ghiền thuốc phiện thì cho uống một chung để giảm cơn ghiền. Cô từ từ bớt nhựa bông trong rượu cho đến một ngày mà Ba Vân chỉ uống một chung rượu của cô rót cho, chung rượu đó không có pha nhựa bông nhưng Ba Vân không còn bị cơn ghiền thuốc phiện hành hạ nữa.

Vậy là Ba Vân cai được thuốc phiện nhưng lại ghiền cô vợ Huế vì lúc nào thiếu cô vợ Huế ở kề cận một bên, anh Ba Vân bồn chồn, nôn nao giống như người ghiền á phiện tới cữ mà thiếu thuốc phiện. Ai cũng nghĩ là họ có hạnh phúc, keo sơn gắn bó nhưng đùng một cái, cảnh sát tới đoàn hát, có trát tòa bắt giam Ba Vân về tội dụ dỗ gái ăn cắp vòng vàng của cha mẹ để chạy theo anh.

Cha mẹ cô Hồ dò được tin cô Hồ trốn nhà theo Ba Vân, hiện ở đoàn hát Phụng Hảo. Ông bà là người mua bán lớn ở Huế, quen nhiều với cảnh sát và quan tòa. Họ giúp ý kiến nên ông bà đâm đơn kiện Ba Vân. Quan tòa ở Huế liên lạc với nhà chức trách Sài Gòn, yêu cầu bắt Ba Vân và giải về Huế để xử.

Nghệ sĩ Năm Châu nói: Đời không phải ba chữ T như Ba Vân nói mà Đời là ba chữ T: Tiền, Tình, Tù! Tê Tê nhiều quá, đã quá thì bị Tù, thì mang Tội!

Tuy nói vui như vậy nhưng anh Năm Châu và cô Phùng Há đến nhờ luật Sư Dương Tấn Trương bào chữa cho Ba Vân. Luật sư Dương Tấn Trương nhờ Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn can thiệp với lý do: Ba năm rồi Ba Vân theo đoàn hát Quảng Lạc hát ở Lào, Miên và Thái, chỉ mới về Sài Gòn và chưa hề ra Huế từ ngày về Sài Gòn cho tới khi bị bắt. Cô Hồ đã quá tuổi vị thành niên, cô tự vào Sài Gòn, tự đến tìm Ba Vân, không thể buộc Ba Vân tội dụ dỗ gái vị thành niên.
Thế lực của luật sư Dương Tấn Trương và Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn rất mạnh nên Ba Vân không bị giải ra Huế và được tha bổng vì vô tội. Để hợp thức hóa tình trạng chung sống của Ba Vân và Lê Thị Hồ, đoàn hát Phụng Hảo tổ chức lễ cưới linh đình cho tân lang Ba Vân và tân nương Lê Thị Hồ.

Má của anh Ba Vân, vợ chồng anh Hai Vân Tiên, Tám Vân đều có mặt dự lễ cưới của anh Ba Vân với cô gái Huế. Má anh nói: 

Mầy chê gái Ba Tri đi cưới cái con trọ trẹ đó về, tao thấy con nhỏ nầy đít teo vú nhỏ, tao đố mầy làm sao mà kiếm được một đứa con nối dõi, tao thua, tao thề sẽ bỏ trầu, không ăn trầu xỉa thuốc nữa!”

Đúng theo sách coi tướng của bà già trầu, anh Ba Vân và chị Ba Vân (cô Lê Thị Hồ) ăn ở với nhau hơn năm chục năm, không chửa không đẻ được đứa con nào cả. Hai anh chị xin hai đứa con nuôi: thằng Long và con Giang, con lai Mỹ để an ủi cái tuổi già không con nối dõi.

Nghệ sĩ Ba Vân tên thật Lê Long Vân sanh năm 1908, mất ngày 24 tháng 8 năm 1988, thọ 81 tuổi.

Bà Ba Vân tên thật Lê Thị Hồ, sanh năm 1912, mất ngày 22 tháng 6 năm 1999, thọ 88 tuổi.

Soạn giả Nguyễn Phương
5/2016
__._,_.___

No comments:

Blog Archive