Chuông Tự Do Và Nỗi Đau Quá Khứ
Philadelphia Oct, 2015.
Buổi sáng tôi thức dậy thật sớm để chuẩn bị đi thăm Dinh Độc Lập “Independence Hall”. Tôi giục hai đứa cháu khởi hành ngay kẻo người ta đến đông phải đợi chờ sẽ không đủ giờ dạo hết các nơi. Dù vậy khi chúng tôi đến thì khách du lịch cũng đã tấp nập ra vào.
1. Chuông Tự Do
Từ khi bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ, tôi thường ao ước có một ngày được viếng thăm thành phố lịch sử Philadelphia của Pennsylvania. Tôi nhất định sẽ đến xem quả Chuông Tự Do nổi tiếng của Hoa Kỳ mà tôi từng nghe nói. Và tôi sẽ viết cái gì đó để “tuyên dương” quả chuông lịch sử, để tỏ lòng biết ơn nước Mỹ đã cho gia đình tôi cơ hội sống trên đất nước tự do này. Nhưng tính toan là một chuyện còn thực hiện lại khó vô cùng, vì tôi chẳng có người quen ở Philadelphia để hỏi thăm đường đi nước bước.
Cho đến vài tháng gần đây tình cờ tôi tìm ra được, một người bạn cùng quê hiện đang sinh sống tại Philadelphia. Nhân có đứa cháu gái từ Việt Nam du lịch qua, thế là tôi và cháu bèn “khăn gói quả mướp” lên đường, trước thăm bạn cũ, sau viếng thành phố lịch sử của Hoa Kỳ.
Gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, ríu rít líu lo niềm vui mấy chục năm gặp lại. Bạn tôi hớn hở tiếp đãi người xưa còn hơn cả Tào Tháo đãi Quan Công trong Tam Quốc Chí bên Tàu. Sáng tiệc nhỏ, trưa tiệc lớn, tối tiệc lớn hơn, tâm sự thâu đêm về trường xưa người cũ. Chiều hôm trước tôi ngỏ ý muốn thăm lâu đài Độc Lập, bạn liền kêu cậu con trai chở hai người khách đi, vì anh chị phải trở lại làm việc.
Cuối cùng bây giờ tôi đang có mặt ở “Independence Hall”. Trong lúc đứa cháu và cậu con người bạn kéo nhau đi chụp hình, tôi vội nhặt lấy một quyển chỉ dẫn tìm đường đi xem quả chuông Tự Do trước khi đến những nơi khác. Biết được nơi chuông “an vị” tôi rời trung tâm “Visitor Center” băng qua đường về hướng Dinh Độc Lập.
Trước cửa nhà chuông người ta đông như trẩy hội. Tôi náo nức vô xếp hàng tại cổng an ninh, cùng đoàn người nhích từng bước để qua khỏi “ải”. Từ xa, tôi đã thấy máy ảnh đưa lên, cel phone hướng tới, nhiều cánh tay đỡ máy quay phim qua khỏi đầu để ghi hình. Xong thủ tục khám xét, một số người tản mác đi xem hình ảnh trưng bày và coi bộ phim tài liệu lịch sử quả chuông ở các phòng bên theo những mũi tên chỉ dẫn. Tôi đã xem phim này trên internet tối hôm trước nên không cần coi nữa, tôi đi cùng số đông thẳng tiến về phía phòng chuông.
Khi lại gần quả chuông, nhóm người trước mặt tôi bỗng trở nên nhốn nháo, có lẽ vì quá thích thú. Bọn họ mũ mão đề huề, vai túi xách bụng đeo tay nải, miệng vừa nhai thức ăn vừa gào to thả cửa với nhau bằng thứ tiếng nước ngoài nghe thật lạ tai. Ông dẫn đường “tour guide” cũng “ào ào như bão táp”. Đứng lều khều giữa nhóm, ông ta cầm tờ giấy vung tay chỉ trỏ, la ong óng– chắc là giảng giải về lịch sử quả chuông đồng – âm thanh chan chát vang vọng khắp phòng, tra tấn lỗ tai người xung quanh muốn bể cái màng nhĩ.
Ông tour guide ngừng nói thì “lính” của ông bắt đầu xô đẩy, tranh nhau chụp ảnh. Hết người này nhào vô bên cạnh quả chuông lại đến kẻ khác chen vào, chụp riêng rồi lại chụp chung cả nhóm, họ chụp hình không nghỉ tay, không cần biết đến những du khách khác đứng xớ rớ xung quanh đang chờ đến lượt. Ai cũng muốn chụp hình quả chuông lấy Dinh Độc Lập làm nền, lại thuận với phía có ánh sáng cùng vườn hoa rực rỡ nơi hậu cảnh, nên dù phía bên kia còn trống chỗ người ta cũng phải chờ để chụp từ bên này. Cặp vợ chồng người da trắng mà qua giọng nói tôi đoán hình như là người Úc đứng cạnh tôi nhiều lần đưa máy hình lên rồi lại bị đẩy qua một bên, họ nhìn tôi lắc đầu, tôi cũng chỉ biết đáp lại họ bằng một nụ cười méo mó cộng thêm cái lắc đầu đồng cảm.
Rồi tôi cũng lại gần được quả chuông để quan sát. Theo tài liệu tôi tìm đọc trước khi đến đây, quả chuông đồng này nặng 2,080 pounds. Nghe như to lớn lắm, không ngờ trông nó nhỏ thua chiếc Đại Hồng Chung của chùa làng tôi ngày trước. Tôi chợt nhớ đến câu mẹ tôi thường nói mỗi khi gặp người nào tuổi trẻ tài cao, “Nhỏ người nhưng to mắt”, thật là đúng lắm. Quả chuông nho nhỏ này lại truyền đạt ý nghĩa to lớn, có giá trị lịch sử vô vàn. Nó là biểu tượng của tự do độc lập, thứ mà mọi người trên thế giới đều mê. Nhìn cận kề vệt nứt thật dài trên thân chuông tôi thấy lòng chùng xuống. Có lẽ vì quả chuông Tự Do đã mang một vết thương “chí mạng” nên nó không còn cất lên được tiếng kêu. Trong trang web giới thiệu, người ta đã “mớm” trước là khi viếng chuông Tự Do bạn hãy chú ý kỹ đến đường nứt. Đường nứt mỏng bắt đầu từ chữ “P” của Phila và chạy thẳng lên rồi dừng lại ngay chữ Tự Do "Liberty" trước khi bò lên đỉnh. Có lẽ đây là lời nhắn nhủ, một gợi ý, để thiên hạ cảm nhận và nhớ đến cái giá phải trả của chiếc chuông đồng, khi nó mang thông điệp tự do đến cho nhân loại.
Thật đúng như vậy. Quả chuông này đã đại diện cho một nước Mỹ từng trải qua nhiều hy sinh, bao cuộc chiến, tốn nhiều nước mắt, máu, và sinh mạng. Cuộc chiến giành độc lập mang dấu ấn lịch sử cho sự khai sinh của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ gồm 13 thuộc địa của người Anh ở vùng Bắc Mỹ. Cuộc chiến bắt đầu từ năm 1775 kết thúc năm 1783 đã làm gương cho các quốc gia trên thế giới về sau. Chỉ có 13 lãnh thổ nhỏ nhoi với dân số khoảng hai triệu rưỡi, mọi người đã tập hợp lại dũng cảm đứng lên chống thực dân Anh binh hùng tướng mạnh và họ đã chiến thắng vẻ vang, đem lại tự do độc lập cho Hoa Kỳ. Cũng nhờ thực hiện chính thể độc lập tự do đúng nghĩa giúp quốc gia ngày càng phát triển, mà từ một đất nước non trẻ chỉ hơn hai trăm năm lập quốc, ngày nay Hoa Kỳ trở nên một cường quốc đứng đầu thế giới, hùng mạnh nhất trong tất cả mọi mặt. Đặc biệt là sự tự do.
Người dân của các nước lãnh đạo bỡi chế độ độc tài trên thế giới ai cũng thèm muốn được tự do như người Mỹ. Hiện tại, dân chúng từ các nước Trung Đông đang ào ạt liều chết rời bỏ quê hương cũng là để đi tìm tự do. Giống như trước đây hàng triệu người Việt chúng tôi trốn chạy khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, và rất nhiều người đã thiệt mạng trên đường vượt biên, vượt biển, tạo nên thảm cảnh gia đình tan nát, cha mất con vợ mất chồng. Cái giá phải trả cho hai chữ tự do thật sự không nhỏ. Có lẽ hồn thiêng sông núi của đất nước Hoa Kỳ đã quyện vào quả chuông và tạo nên đường nứt này. Một đường nứt không thể vá, và nó đã nói lên tất cả, rằng nếu muốn có được tự do thì phải có hy sinh.
Chuông Tự Do được treo uy nghi trên một chiếc đòn vuông bằng gỗ. Dòng chữ khắc đầu tiên trên đầu quả chuông được trích từ sách Thánh Kinh Lê-vi 25:10 có nghĩa “Công Bố Tự Do Cho Hết Thảy Dân Chúng Sống Trong Xứ Sở” (Leviticus 25:10: Proclaim Liberty Throughout All the Land Unto All the Inhabitants thereof.). Nhìn quả chuông đầy huyền thoại này, tôi tưởng tượng cảnh mừng vui của dân chúng Mỹ trong ngày bản tuyên ngôn Độc Lập được công bố, 8 tháng 7 năm 1776. Bên tai tôi còn như vang vang tiếng chuông ngân âm thanh ấm áp trong ngày ấy mà tôi may mắn được nghe đêm hôm trước trên trang web của Dinh Độc Lập, nhờ sự phục hồi bằng computer, một kỳ tích của nhóm sinh viên trẻ tốt nghiệp trường đại học Pennsylvania State University năm 1999.
Cũng theo tài liệu, quả chuông này được đúc từ bên Anh Quốc. Đem về Philadelphia năm 1752, và năm 1753 sau lần đầu tiên được gióng lên thì chuông bị nứt. Hai thợ đúc sắc cư dân thành phố Philadelphia là John Pass và John Stow đã nấu chảy quả chuông ra rồi đúc lại đến hai lần. Còn một điều rất thú vị nữa kèm theo lịch sử Chuông Tự Do. Năm 1777 khi quân Anh đánh chiếm Philadelphia, quả chuông này đã được đem dấu dưới sàn của ngôi nhà thờ Tin Lành “Zion Reformed Church” thành phố Allentown, Pennsylvania. Nếu không được dấu đi kịp thời, quả chuông đã bị quân Anh tịch thu nấu chảy làm ca nông như họ đã làm ở nơi khác. Nhà thờ này về sau cũng được tuyên dương cùng những người “có công lập quốc” vì đã bảo vệ an toàn cho Chuông Tự Do, biểu tượng tự do nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Thông tin cũng cho biết, không có nhiều bằng chứng rõ ràng lắm về việc chuông Tự Do đã được gióng lên trong ngày đọc Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ, 8 tháng 7 năm 1776. Người ta tìm thấy, John Adams vị tổng thống thứ nhì của nước Mỹ – khi ấy là đại biểu Quốc Hội đại diện tiểu bang Massachusetts trong Quốc Hội khóa đầu tiên ở Philadelphia, và cũng là một trong số 56 người ký tên trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ ngày 4 tháng 7 năm 1776 – có ghi lại là “Chuông đã được rung lên suốt cả ngày và gần như suốt đêm ở Philadelphia trong ngày 8 tháng 7”. Cho nên dân chúng Mỹ tin rằng đó chính là tiếng rung của chuông Tự Do. Tuy nhiên, vì ngài John Adams không ghi rõ là chiếc chuông nào, nên các sử gia không dám khẳng định đó là chuông Tự Do.
Đối với tôi, cho dù có bằng chứng hay không việc chuông Tự Do được rung lên trong ngày Tuyên Ngôn Độc Lập, nó vẫn là quả chuông tuyệt vời nhất trên trái đất này, vì nó đã mang thông điệp tự do đến cho nước Mỹ và toàn thế giới với hàng chữ “Công Bố Tự Do…” được khắc trên quả chuông. Đó là một bằng chứng giá trị nhất. Và tôi rất tâm đắc với những lời giới thiệu về quả chuông, “Không ai có thể thấy được Tự Do vì nó vô hình, nhưng người ta có thể cảm nhận nó qua sự hiện diện của Chuông Tự Do”.
Tôi ngắm nghía thật đã đời quả chuông, và khi nhìn lại thì cái nhóm khách ồn ào kia cũng kéo đi đâu mất. Những người Úc bây giờ đã có cơ hội bước lại gần để chụp hình. Phòng chuông lúc này yên ắng vô cùng, người ta thư thả lại chụp hình rồi bước đi, lịch sự nhường nhau hết người này đến người khác. Tôi đưa cái điện thoại cầm tay lên ngắm nghía, quay bên trái rồi bên phải để tự chụp vài tấm hình, nhưng nhìn thấy vị trí nào cũng không được thuận lợi cho lắm.
Bỗng đâu một ông bước lại:
- “Hi!” Ông ta chào tôi. -Chị cần giúp chụp hình không? Nãy giờ tôi thấy chị loay hoay mãi mà chưa chụp được tấm hình nào. Tôi có thể giúp chị.
Tôi nói cám ơn và quan sát con người tử tế. Đó là một người Mỹ da màu mặc bộ đồng phục bảo vệ, nhưng lại đội chiếc mũ Jean có hàng chữ “Vietnam Veterant”. Gặp phe mình rồi, tôi thầm nghĩ. Ông ta khoảng trên sáu chục. Nhìn còn trẻ so với các cựu quân nhân Hoa Kỳ chiến tranh Việt Nam tôi từng gặp, chắc tại nhờ làn da láng bóng thiên phú trên mặt ông.
Tôi hỏi có phải ông là cựu chiến binh Việt Nam. Ông mỉm cười gật đầu, và tôi theo thói quen nghiêng mình nói cám ơn ông đã từng chiến đấu giúp quê hương tôi.
Ông ta nhìn tôi vài giây rồi chợt lắc đầu. Tôi rất tiếc. Thật ra chúng tôi mới là những người đáng xin lỗi các bạn. Vì đã bỏ đi khi nhiệm vụ chưa thành.
Tôi cảm thấy tim mình hơi nghèn nghẹn. Những lời lẽ áy náy trần tình đó, hầu hết các cựu quân nhân Hoa Kỳ trở về từ cuộc chiến Việt Nam tôi gặp đều nói thế. Phải chi ngày đó những người có trách nhiệm không vì lợi lộc chính trị mà bỏ rơi nước Việt của chúng tôi. Thì ngày nay cái quê hương biển bạc rừng vàng từng được cho là “Con Rồng Châu Á” của tôi đã tiến xa đến cỡ nào. Văn minh đến cỡ nào. Làm gì có chuyện lẹt đẹt bò lê để “phấn đấu cho kịp các nước khu vực châu Á” như họ đang kêu gọi người dân cố gắng. Thật là đau lòng, và xấu hổ, khi đọc thông tin nhan nhản khắp các trang web trong nước cho biết “Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan, và 158 năm so với Singapore”.
Thực ra việc rút khỏi cuộc chiến Việt Nam đâu phải lỗi của những cựu quân nhân Hoa Kỳ. Họ đã từng dũng cảm biết bao. Họ đã hy sinh nhiều xương máu để giúp người Việt gìn giữ tự do. Giờ lại còn mang thêm gánh nặng lương tâm cắn rứt suốt đời vì đã bỏ cuộc. Họ không đáng bị như vậy.
- Chuyện đó qua cũng lâu rồi. Tôi nói. - Chúng tôi đã hiểu nguyên do không phải lỗi của các ông, xin ông đừng suy nghĩ.
Để đáp lại sự tử tế của ông ta, tôi đưa ông chiếc điện thoại nhờ chụp mấy tấm hình.
Ông ta ngắm tới ngắm lui bấm lia lịa, xong trao điện thoại lại cho tôi:
- Tôi chụp nhiều để chị chọn và xóa đi những tấm nào không thích. Ông nói trong tiếng cười vui vẻ.
Thấy ông ta hiền lành thân thiện, tôi tiện đà bắt chuyện, xem vì đâu ông lại có cảm tình với người Việt.
2. Nỗi Đau Quá Khứ
Thật là kỳ diệu. Hai người xa lạ gặp nhau giữa đường, nhờ vào cái mác “cựu chiến binh Việt Nam” lại trở nên thân thiện như đã quen từ trước. Chúng tôi vừa nói chuyện vừa bước sang phòng trưng bày hình ảnh.
Người bạn mới quen cho biết tên ông là Jeron, làm bảo vệ ở tòa nhà phía bên kia. Vừa xuống ca nên qua đây tìm người bạn rủ đi ăn.
- Thấy chị bị nhóm khách du lịch chàng ràng mãi chả chụp được tấm hình nào nên đến giúp. Vì tôi biết chị là người Việt Nam. Ông nói.
Khi Jeron biết ngày xưa ở Việt Nam nhà tôi làm cùng ngành với ông, là chuyên viên kỷ thuật sửa máy bay ông kêu lên vẻ mừng rỡ: - Thú vị thật! Ông cho biết từng làm việc ở phi trường Quy Nhơn.
Hầu hết những bạn quen và khách hàng người Mỹ da màu của tôi tính tình đều sởi lởi dễ gần. Jeron cũng vậy. Chuyện trò trong chốc lát, ông kể hết tôi nghe về nỗi đau mà ông đã gánh chịu mấy chục năm qua.
Ông về nước để lại cô bạn gái đang mang bầu. Cô tên Lan, là người dọn phòng cho ông và hai người bạn nữa cùng đơn vị. Lệnh về Mỹ gấp rút không kịp chuẩn bị, Jeron đành gửi gắm Lan cho một trong hai người bạn trông nom, dặn Lan đặt tên con lấy một phần tên ông, là “Ron”, và hứa sẽ trở qua Việt Nam làm thủ tục đưa mẹ con cô sang Mỹ.
Jeron chưa kịp thực hiện thì tình hình chiến sự ở Việt Nam trở nên tồi tệ. Người bạn về Mỹ cho biết trên đường di tản Lan đã bị đạn pháo kích mạng vong. Đứa con trai sáu tháng của Lan anh ta nhờ một ma sơ của viện mồ côi di tản cùng những trẻ mồ côi khác vô Sài Gòn trước khi anh về Mỹ. Người bạn chỉ cho Jeron biết đứa bé tên Nguyen Ron, thằng bé rất dễ thương vì mang hai dòng máu, tên cái viện mồ côi ở miền Trung, và tên người ma sơ anh ta ghi lại mà sau này Jeron hỏi khắp nơi không ai biết. Đó là tất cả thông tin Jeron có về đứa con của mình.
Kể đến đây nét mặt Jeron bỗng hiện lên một vẻ buồn não ruột, ông hỏi:
- Chị có biết gì về chuyến bay đầu tiên của chương trình “Babylift Operation” hồi tháng Tư năm 75 không? Cho đến giờ này tôi vẫn còn bị ám ảnh. Bốn chục năm qua, tôi luôn tìm kiếm thông tin, hỏi thăm bất cứ ai tôi nghĩ là có thể biết về tin tức đứa con tội nghiệp của tôi. Không biết thằng bé có nằm trong số những đứa trẻ mồ côi bị thiệt mạng trên chuyến bay đó hay chăng.
Tôi giật mình, toàn thân rúng động. Giờ thì tôi đã hiểu. Đây là lý do Jeron tìm cách làm quen với tôi. “Operation Babylift”. Chuyến bay đầu tiên đưa trẻ mồ côi di tản sang Mỹ. Chuyến bay định mệnh của chiếc phi cơ quân sự C-5A Galaxy Hoa Kỳ số 68-0218 bị rớt ngày 4 tháng 4 năm 1975, chỉ sau hơn mười phút cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất. Đó là một sự kiện kinh hoàng, xảy ra trong thời điểm kinh hoàng của đất nước tôi, làm sao mà tôi quên được chứ. Tôi đứng sững sờ, nhớ lại những ngày cuối tháng 3 năm 75.
Khi phi trường Nha Trang được lệnh di tản vô Sài Gòn, ông xã tôi chạy về nhà định đưa cả gia đình đi. Nhưng mẹ tôi cản và tôi cũng chết nhác, vì tôi đang gần ngày sinh đứa con thứ ba sợ bị “đẻ rớt” trên phi cơ. Sau này mới thấy, đó quả là một quyết định sai lầm, nếu không gia đình tôi đã có thể cùng nhau ra khỏi nước, đâu phải chịu cảnh bị đày lên tận rẫy rừng đào đá phá cây kiếm miếng ăn cho con.
Phi trường Nha Trang di tản xong thì tối đó chiến đấu cơ VNCH trở lại ném bom cầu Xóm Bóng và Cầu Hà Ra để cắt đường tiến của quân Bắc Việt. Tôi và mẹ cùng hai đứa con thơ chui xuống gầm giường là chỗ duy nhất nhà tôi chất vội một số bao cát xung quanh trước khi anh di tản theo đơn vị. Chúng tôi nằm ôm nhau run rẩy nghe tiếng bom dội ầm ầm phía Tháp Bà làm cả thành phố rung rinh. Mẹ tôi hoảng sợ nói chuyến này chắc chết. Suốt đêm thức trắng chúng tôi nghe tiếng súng nổ râm rang, rộ nhất là bên hướng kho đạn gần ga xe lửa, tiếng người la hét, cộng với tiếng chân chạy rầm rập ngoài đường. Cũng may mà không có quả bom nào rớt nhằm khu phố của chúng tôi.
Sáng ra bò dậy nhìn qua khe cửa tôi thấy súng ống bị ném vương vãi khắp nơi, có mấy khẩu trung liên nằm ngã nghiêng chỏng gọng sát cánh cửa làm tôi hoảng hồn. Ra phía sau nhà, người hàng xóm cho biết tối qua những thanh niên thuộc loại “quậy” và những người lính VNCH trên đường di tản bị kẹt lại đã vào phá kho đạn hốt ra “bắn cho đã” lần cuối trước khi lính Bắc Việt tràn vào thu lấy. Họ bắn suốt đêm đến sáng thì vất súng tứ tung rồi mạnh ai nấy trốn đi.
Thời điểm đó tôi không liên lạc được với nhà tôi. Nhưng tôi lén mở radio nho nhỏ canh suốt ngày nghe đài BBC nên cũng biết được tình hình diễn biến từ thủ đô Sài Gòn. Ngày 4 tháng 4 tôi và mẹ ngồi sững sờ khi nghe tin chiếc phi cơ quân sự Mỹ di tản trẻ mồ côi lâm nạn. Nhớ chuyện xưa, tôi ứa nước mắt:
- Tôi biết chứ! Tai nạn đó thật là thảm khốc. Tôi nói mà trong dạ bàng hoàng, tưởng như sự việc mới xảy ra hôm qua. –Khi ấy tôi còn kẹt lại Nha Trang, nhưng chồng tôi thì cấm trại trong phi trường Tân Sơn Nhất. Sau này anh ấy kể lại, những phi công lái trực thăng đi cứu nạn về cho mọi người biết tình cảnh các nạn nhân thật đáng thương. Chiếc phi cơ C-5A Galaxy bị rớt và vỡ toang làm nhiều mảnh trên một vùng ruộng nước không xa phi trường, nên trực thăng dù được điều tới ngay lập tức cũng không thể đáp xuống tại chỗ để cứu giúp. Xác người lớn trẻ em vương vãi khắp nơi. Những người sống sót và bị thương thì loi ngoi lóp ngóp trong ruộng lúa. Họ vừa tự cứu mình vừa cố gắng nhặt lên những em bé còn quẫy đạp từ dưới ruộng. Tai nạn làm chết gần một trăm cô nhi và mấy chục người lớn, gồm có nhân viên thiện nguyện và phi hành đoàn.
- “My God”! Jeron thốt lên tiếng kêu Trời, rồi nói với giọng nghẹn ngào: -Khi nghe tin về tai nạn của chiếc C-5A Galaxy, tôi tức tốc liên lạc khắp nơi với hy vọng tìm kiếm tin tức về đứa con của tôi. Nhưng mà… ông lắc đầu vẻ thiểu não: - Tôi không tìm ra chút manh mối nào cả. Tôi thật có lỗi với Lan vì đã không trở lại kịp thời để đưa cô ấy đi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết thằng con tôi có mặt trên chuyến bay đó hay là không. Và nếu nó còn sống thì đang ở đâu?
- Thật là xin lỗi! Tôi nói để an ủi Jeron: -Nhưng tôi nghĩ chưa chắc con ông có mặt trên chuyến bay ngày đó đâu. –Tấm lòng người cha của ông thật là cảm động. Ông cũng biết, hiện tại hầu hết trẻ lai Mỹ đã được định cư ở Hoa Kỳ. Hy vọng rằng con ông giờ này đang sống an lành nơi nào đó trên đất Mỹ. Dù không tìm lại được người cha sinh ra cậu ấy, nhưng có người “cha nuôi” là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ chăm sóc thì cũng tốt gấp ngàn lần sống trong một đất nước Cộng Sản. Ông thấy có đúng không?
Jeron nghe vậy thì nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên. Cuối cùng ông gật đầu:–“Youre right!”Chị nói đúng lắm! Tuy nhiên trong khi tuyệt vọng vì không tìm được thằng con, tôi cũng đã cố gắng làm được một điều để bù đắp lại, cho lương tâm bớt đau khổ.
Tôi nhìn Jeron thầm đoán, chắc ông đã làm thiện nguyện hay hiến tặng tiền bạc tài sản để giúp đỡ cho các viện mồ côi. Ông bỗng đưa tay ra sau túi quần và rút ra một chiếc ví màu đen, mở ra đưa tôi xem tấm hình tốt nghiệp đại học áo mũ chỉnh tề với vòng hoa màu vàng trên cổ của một chàng thanh niên có nét giống người Việt, lai da đen.
- Ông bảo trợ cho cậu thanh niên này hả? Tôi hỏi. –Cậu ta là một Amerasian, là đứa trẻ lai Mỹ, phải hôn?
- Không phải bảo trợ. Jeron nói. -Tôi đã nhận nuôi thằng bé này, sau một thời gian tìm kiếm không ra đứa con ruột. Tôi đặt tên cho nó là Ron, lấy tên đứa con thất lạc của tôi. Tôi và Lisa vợ tôi sau này chỉ có một đứa con gái tên Karen đã lập gia đình và chuyển qua Goergia sống với chồng nó.
- Ồ! Jeron! Tôi kêu lên trong xúc động. –Ông đã làm một việc vô cùng ý nghĩa. Ông nhận nuôi đứa trẻ lai này và cho nó ăn học đàng hoàng. Tôi biết dù không thay thế được Ron, cậu bé cũng lấp được khoảng trống về Ron trong cuộc đời ông.
Và tôi thấy rất cảm phục Jeron. Mất đi một tình thương ruột thịt, cho dù mãi mãi không thể quên, ông vẫn có thể tìm một tình thương khác để thay vào.
Jeron cho biết Ron tốt nghiệp ngành kỷ sư cầu đường, hiện đang làm việc cho một công ty lớn chuyên xây dựng xa lộ ở Maryland. Ron đã có gia đình, và Jeron bây giờ là ông nội của ba cháu một trai hai gái.
- Quá tuyệt vời! Xin chúc mừng ông! Tôi nói. –Vậy thì ông cũng được Chúa bù đắp rồi. Tôi nghĩ nếu chị Lan có thiêng cũng sẽ hiểu được tấm lòng của ông. Mong ông đừng buồn nữa.
Tôi vừa dứt lời, bổng đâu người bạn của Jeron bước lại, cắt ngang câu chuyện giữa chúng tôi. Cũng vừa lúc hai đứa cháu tìm thấy tôi rủ đi thăm Dinh Độc Lập. Jeron từ giã tôi để đi với bạn.
- Rất vui vì được gặp và nói chuyện với chị. Ông nói.
- Tôi cũng thế. Tôi nói và đưa tay vẫy chào ông: –Chúc ông may mắn.
Nhìn theo Jeron, tôi chợt nhận ra một điều. Hoàn cảnh và tâm tình của người cựu quân nhân Hoa Kỳ này sao mà giống tâm tình của những người Việt Nam mất quê hương chúng tôi quá đỗi. Jeron bị la?c mất đứa con, dù cho ông đã tìm được một đứa khác thay thế và đứa con này cũng ngoan hiền, cũng đem lại cho ông tình thương và niềm hãnh diện vì sự thành công của nó, ông vẫn luôn đau đáu nhớ thương về “cái núm ruột” là đứa con thất lạc, nên ông cất công tìm kiếm và buồn bã cả cuộc đời.
Người Việt Nam tỵ nạn cũng thế. Cho dù chúng tôi may mắn tìm được những bến bờ, những miền đất tự do làm chốn nương thân, và quê hương mới cũng thương yêu bảo bọc chúng tôi, nhưng nỗi đau quá khứ và sự thương nhớ “cái núm ruột cội nguồn” vẫn luôn đeo ba´m, ám ảnh chúng tôi, dường như là muôn thuở. Chỉ trừ phi, khi nào đất tổ quê cha Việt Nam có được tự do độc lập, chừng đó chúng tôi mới thực sự tìm thấy hạnh phúc. Nhưng ao ước để rồi buồn. Biết đến khi nào thì quên hương Việt Nam của tôi mới được tự do đây?
Mong lắm thay, sẽ có một ngày chúng tôi nhớ đến quá khứ, nhớ đến quê xưa Việt Nam bằng một biểu tượng tự do nào đó, bằng sự hảnh diện vô bờ như người Mỹ, và cả người Mỹ gốc Việt chúng tôi, hiện giờ nhớ đến quả Chuông Tự Do và ngày Độc Lập của Hoa Kỳ. Chứ không phải lúc nào cũng nhớ đến nỗi đau ngày cũ mỗi khi Tháng Tư về.
Phương Hoa
No comments:
Post a Comment