Wednesday, July 1, 2015

KHG Dương Nguyệt Ánh và Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc 2015 ở Melourne


Trong khi trò chuyện thân mật, có một số khóa sinh đã chân thật bày tỏ cảm nghĩ của mình về Cộng đồng Người Việt và nhất là CĐNVTD/VIC - từ trước tới nay các em rất thờ ơ, không gần gũi với cộng đồng vì nghĩ rằng các hội đoàn, đoàn thể chỉ có những sinh hoạt mang tính cách "ái hữu" của các thế hệ đi trước, hoặc có tính cách tôn giáo, chính trị là những đề tài khô khan (bằng tiếng Việt) không hấp dẫn, và ngay cả các sinh hoạt nhằm mục đích bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam như Hội Chợ Tết, Tết Trung Thu cũng chỉ được xem là có tính cách giải trí. Cho mãi đến khi các em biết được Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc thì mới hiểu rằng CĐNVTD/VIC còn có những chương trình phục vụ Cộng đồng một cách thiết thực nhất là đối với giới trẻ. Các em đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết được Cộng Đồng đã bỏ ra nhiều công sức, tài lực và trí tuệ vào việc tổ chức các khóa học nhằm giúp cho các em trở thành những công dân có khả năng lãnh đạo, hữu ích cho xã hội.

Có những khóa sinh thuộc khóa 2014 đã mạnh dạn thú nhận rằng - trước đây các em không nghĩ mình là người Việt Nam (vì sinh ra ở Úc cho nên luôn tin rằng mình là ngưới Úc), thậm chí rất ghét những ai gọi em là người Việt, không muốn dính dáng gì đến Việt Nam, hoàn toàn không biết gì về CĐNVTD/VIC, ..., nhưng qua Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc, có em đã tự tìm kiếm thầy cô học tiếng Việt, tỏ ra rất tự hào là người Việt, rất gắng bó, hăng say trong các sinh hoạt của Cộng Đồng trong các vai trò "lãnh đạo" như làm MC, diễn giả, điều hợp (facilitate) hay trở thành thành viên Ban Quản Trị, Ban Điều Hành của chính chương trình Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc.

(Xin mở ngoặc ở đây để nói thêm về chữ "lãnh đạo" (leadership) - người Việt chúng ta thường hiểu chữ "lãnh đạo" theo một nghĩa rất "to lớn" và giới hạn vào một số các vai trò quan trọng như là các vị "lãnh đạo tôn giáo", các nhà "lãnh đạo chính trị, quốc gia" tiếng tăm như là các vị tổng thống, thủ tướng,..., của các cường quốc. Trong khi đó chữ "leadership" trong tiếng Anh lại có nghĩa đơn thuần là một người có viễn kiến, dấn thân, làm gương, khích lệ, cổ động, có khả năng thuyết phục những người khác cùng chung sức thực hiện mục tiêu đề ra. Và còn có hàm ý là "lãnh đạo" chính mình, biết người biết ta để kết hợp,tạo nên sức mạnh hướng đến mục tiêu [để phục vụ Cộng đồng và làm cho xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn]. Vì vậy "leadership" rất cần thiết cho xã hội cho nên nền giáo dục ở tại các quốc gia tự do, dân chủ luôn đặt nặng vấn đề lãnh đạo. Do đó các khóa lãnh đạo được giảng dạy rất phổ thông tại các trường lớp. Vậy thì tại sao các con em chúng ta, nếu muốn, lại không ghi tên học các khóa học ấy tại các trường lớp chuyên môn mà lại được khuyến khích tham dự Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc do CĐVNTD/VIC tổ chức? Câu trả lời nằm ở cái tên "Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc". Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc là sáng kiến của CĐNVTD/VIC nhằm giúp cho các em, trước nhất là nhận ra và tự hào về nguồn gốc của mình và thứ đến là tận dụng những cái hay, cái đẹp của những nền văn hoá được thừa hưởng (từ nguồn gốc của mình) để áp dụng cùng với khả năng lãnh đạo (học hỏi được) tạo cho mình một thế đứng độc đáo, có những tài năng vượt trội mà người lãnh đạo "một nguồn gốc" không sánh được.)

Mặc dầu đã ghi tên và thực sự muốn tham dự Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc nhưng có một số khóa sinh vẫn con tỏ vẽ nghi ngờ,... Tuy nhiên chỉ qua vài buổi nói chuyện, thuyết trình mở đầu cho khóa học tại Silverwater Resort và tại Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam (ở Phillip Island) đã làm cho các em rất thích thú. Đặc biệt là 2 buổi nói chuyện của KHG Dương Nguyệt Ánh đã khai sáng, làm thay đổi sự suy nghĩ của các em, tạo cho các em có cơ hội bộc lộ sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề thời sự và những khả năng tiềm ẩn của mình.

Buổi nói chuyện đầu tiên (tại Silverwater Resort) của KHG Dương Nguyệt Ánh về đề tài "Lãnh đạo Cộng đồng" (Community Leadership) gồm có những điểm chính sau đây:

- Lãnh đạo không phải là một điểm đến mà là một cuộc hành trình (not a destination but a journey)

- Phải biết mình, biết tự cổ động trước khi cổ động những người khác

- Phải tự khám phá (self discovery) những khả năng của mình (theo tình huống, tuổi tác, kinh nghiệm,...)

- Hãy tận dụng những ưu điểm đồng thời cũng phải biết tìm cách bù trừ hay vượt qua những khuyết điểm của mình

- Đặt để đúng người (có khả năng) đúng chổ (nhiệm vụ)

- Phải biết lắng nghe - người lãnh đạo tài giỏi là người đồng hành và biết lắng nghe

- Thông hiểu là bước đầu để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột

- Cảm thông, hiểu cho người khác trước khi (mong muốn) người khác hiểu mình (understanding before being understood)

- Đương đầu với vấn đề đặt ra nhưng không đối đầu với (chỉ trích) cá nhân đưa ra vấn đề (confront the issue but not the person)

- Tài năng không tạo ra lãnh đạo (skills do not create leadership)

- Ngồi lại với những người khác nhau về quan điểm, tìm ra những điểm tương đồng để cùng nhau hợp tác nhưng không bao giờ làm sai nguyên tắc

- Luôn luôn tự bảo mình phải sống thực và sống đúng nguyên tắc

- Lãnh đạo là người có viễn kiến, có mục tiêu và có khả năng dẫn dắt mọi người hướng đến mục tiêu

- Cần phải hoàn thành những công tác của mình đồng thời phải làm gương cho người khác (to have the work done and at the same time to inspire people)


Riêng đối với việc Lãnh đạo Cộng đồng, KHG Dương Nguyệt Ánh đã nhấn mạnh rằng Lãnh đạo Cộng đồng là những người có trọng trách nặng nề cần phải thực hiện và hoàn thành nhưng lại không được trả công, không có uy quyền (authority) để điều hành, huy động các thành viên trong Cộng đồng vốn chỉ là những người làm việc thiện nguyện "tùy hứng". Đây chính là sự khác biệt nổi bật nhất đối với sự lãnh đạo trong các cơ quan công quyền, tư nhân hay quân đội. Với uy quyền trong tay họ có thể cắt cử, thay đổi nhân sự, ra lệnh,..., trong khi đó Lãnh đạo Cộng đồng chỉ dựa vào mối giây liên hệ (relationship) và sự cổ động (motivate) các thành viên để thi hành các công tác, đạt đến mục tiêu. Vậy thì tại sao chúng ta lại dấn thân nhận lãnh vài trò Lãnh đạo Cộng đồng là một chức vụ không quyền, không tiền mà rất nhiều khi còn bị mang tiếng? Chẳng qua chúng ta là những người có tấm lòng (compassion) đối với Cộng đồng, tấm lòng đó chính là kim chỉ nam (compass) thúc đẩy chúng ta dấn thân để mang lại những sự thay đổi tốt đẹp cho xã hội qua từng bước một, từng người một. Chúng ta chính là những người có những mối ưu tư về đất nước, thực sự quan tâm đến Cộng đồng (because we care).

Ở tại Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam (Phillip Island), ông Đặng Hữu Thọ, phu quân của KHG Dương Nguyệt Ánh, đã dành cho các khóa sinh một sự ngạc nhiên lý thú khi nói về chiến tranh Việt Nam, một tiết mục đặc biệt nằm ngoài chương trình nhưng có rất nhiều chi tiết, sự thật rất cần thiết cho sự hiểu biết của các thế hệ trẻ, những người sinh sau ngày 30/04/1975. Tại đây, sau khi đã nói về những đề tài văn hóa (culture), lòng trắc ẩn (compassion) đối với những người đã hy sinh cho sự tự do của Việt Nam, vấn đề hai nguồn gốc, ..., (xin vui lòng nghe phần thâu âm) ... cuối cùng KHG Dương Nguyệt Ánh, bằng một giọng nói đầy xúc động, đã kêu gọi - là Người Việt Nam, chúng ta phải nguyện với lòng mình là hãy quyết tâm:

- Hổ trợ công cuộc đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam

- Lên án nhà cầm quyền Việt Nam (vì quyền lợi cá nhân, bè phái) đã bán nước cho Tàu cộng

- Lên tiếng cho những người đang bị cầm tù vì đấu tranh cho một Việt Nam tốt đẹp, công bằng hơn

- Tiếp tục châm dầu cho ngọn lữa yêu nước đã và đang bùng cháy

- Là một mặt trận Người Việt hải ngoại đoàn kết đứng sau lưng nhưng chiến sĩ đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền (trong nước)

- Không để cho sự hy sinh của 521 chiến binh Úc, 58000 người lính Mỹ, 260 000 chiến sĩ VNCH và hàng ngàn binh sĩ đồng minh trở thành vô nghĩa!

Sau buổi nói chuyên, để bày tỏ sự cám ơn và lòng cảm phục đối với những lời tâm tình, chia sẽ quý báu của KHG Dương Nguyệt Ánh một khóa sinh đã ví von cô như là một vì sao sáng ngời - a Glowing Star!

Melbourne
28/06/2015

Một số hình ảnh của những buổi đầu tiên của khóa học
  1. Albums 1
  2. Albums 2
  3. Albums 3






























No comments:

Blog Archive