Sống vui.
MX Nguyễn văn Dõng.
Nhân dịp tháng tư, hội Rotary Club/Auvergne mời tôi đến nói chuyện “tháng tư 40 năm trước”. Hội viên của Club nầy đa số là các y nha dược sĩ và giám đốc các trung và tiểu xí nghiệp ở địa phương. Do đó nên trong bửa “diner-conférence” vừa qua chỉ có trên dưới 30 người. Người ít nhưng mức độ trí thức cao, tọc mạch nhiều và rất muốn biết về việc Mỹ bỏ rơi Nam Việt và về các trại tù cải tạo của CSVN do chính người trong cuộc kể lại và giải đáp những thắc mắc của họ.
Đa số chưa bao giờ biết tôi nên khi nghe ông hội trưởng P. Vorilhon, một người bạn và là bác sĩ gia đình, giới thiệu “thân thế” của tôi, tất cả đều có vẻ thích thú. Khi tôi vừa dứt phần kể chuyện, không biết bao nhiêu câu hỏi được liên tiếp đặc ra.
Những thắc mắc đầu tiên của họ đều xoay quanh lá thơ xin đầu hàng vô điều kiện của Bắc Việt. Khi nghe tôi nhắc đến việc nầy trong câu chuyện, tất cả đều ồ lên một tiếng lớn kinh ngạc. Họ có vẻ không tin, nhưng tôi nói với họ rằng chính tôi cũng đã không tin khi nghe bà chị vợ tôi, tập kết năm 1955, trở về hồi cuối tháng 5/75, cho biết thơ đó có thật chớ không phải chị ấy nói đùa. Chồng chị là đại biểu quốc hội nên biết rõ chuyện ấy.
Nhân đó tôi mới nêu lên ý nghĩ có thể ông H. Kissinger khi nhận được thơ xin đầu hàng của Bắc Việt, đã ém nhẹm vì đã manh tâm dâng Nam Việt-và cả Bắc Việt- cho Tàu cộng nhằm đổi lấy chút an ninh trên thương trường quốc tế, hay những “đặc ân” thầm kín nào đó, dù phải nhẫn tâm hy sinh cả một dân tộc. Tôi đã không ngần ngại gọi Kissinger là tội phạm chiến tranh kiêm tội diệt chủng.
Bổng có một vị khách hỏi tôi năm 1992-1993 gì đó, cựu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing (V.G.E.) có mời Kissinger đến nói chuyện tại đại học nhân văn Clermont Ferrand tôi có đến nghe hay không. Tôi cười rằng tôi không còn muốn thấy, muốn nghe ông ấy nữa. Hôm đó GS Chiroux, khoa trưởng đại học luật khoa và là cánh tay mặt của VGE, có điện thoại ngỏ ý muốn tôi tới nghe, nhưng tôi từ chối khéo, viện lý do hôm đó bận chút việc nên vắng nhà.
Những thắc mắc kế tiếp xoay quanh đời sống trong trại tù. Họ thắc mắc nhiều nhứt khi nghe tôi kể việc tôi bị CS cùm chân, cùm tay và tổ chức tòa án cách mạng trong trại nhằm thủ tiêu tôi một cách hợp pháp. Họ ngạc nhiên về chuyện tên chính ủy của trại đang công tác tại Long Bình, cách trại trên trăm cây số mà đã bỏ dở để quay về kịp thời cứu tôi. Họ hỏi tôi có bị “déprime” không. Tôi mỉm cười lắc đầu và họ ngạc nhiên đặc nhiều câu hỏi về cung cách tỉnh bơ của tôi trước bao nhiêu nguy hiểm mà có vẻ vẫn... sống vui! Tôi chỉ cười bảo với họ rằng tôi có cái diễm phúc là chẳng bao giờ biết buồn rầu, chán nản, tuyệt vọng ... mà họ gọi là déprime. Một đồng nghiệp hỏi tôi làm thế nào mà không bị déprime? (Có thể nói không sợ lầm rằng : nắng mưa là bịnh của Trời, déprime là bịnh của người Tây Âu. Pháp là dân tộc dùng nhiều thuốc ngủ và thuốc an thần nhứt thiên hạ).
Tôi thật tình chẳng biết giải đáp thế nào nên cười trừ, rằng là có lẽ do “trời sanh” ! Thật vậy, trong suốt thời gian tù đày bạn bè, nhứt là Tân Cò, Ba Phác và ông già Giỏi trong tổ, đều lấy làm lạ chẳng bao giờ thấy tôi buồn rầu, lo lắng gì cả, lúc nào cũng có vẽ bình thản, an tâm, trong lúc thiên hạ lo buồn, chán nản, có kẻ bật khóc trong đêm, có người muốn quyên sinh... Không chịu nổi cảnh cực hình, tương lai mù mịt, gia đình ly tán... lắm người đã liều lỉnh trốn trại. Về sau có lắm kẻ nghi tôi là người của VC cài vào nên mới an tâm như thế được !
Nhắc đến những người khóc đêm, tôi vụt tìm ra câu giải đáp : có lẽ mọi việc đều do tính dễ ngủ của tôi. Ngồi đâu ngủ đó, chẳng bao giờ tôi biết mất ngủ là gì. Có một lần theo đơn vị Quái Điểu hành quân vùng Cà Mau, nhóm tiền sát đụng độ với VC. Khi biết chạm tráng với TQLC, bọn chúng bỏ vọt để lại vài ba tử thi, phe ta cũng có đôi ba bị thương. Trong lúc chờ trực thăng tản thương, tôi ngồi dưới ruộng nước lấp xấp cho đở nóng, nửa người trên dựa vào bờ ruộng, kéo mũ lưỡi trai che mắt và chỉ vài phút sau tôi “thăng” mất ! Mấy đệ tử lắc đầu chào thua ông thầy.
Sau tính dễ ngủ tôi không bao giờ bị táo bón. Hình như người bị chứng nầy hay cau có, lầu bầu, nên thiên hạ có câu rằng “mặt nhăn nhó như người táo bón”, hay bình dân hơn “ mặt nhăn như khỉ mắc đít”. Tôi thì chẳng biết nhăn nhó, cũng chẳng biết khỉ mắc đít nó ra làm sao, nhưng bất cứ ở môi trường nào tôi cũng cứ vui.
Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, tôi nghiệm ra rằng cái căn bản của niềm vui đó nằm trong chổ mà Nguyễn Hiến Lê gọi là “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Tôi tâm niệm rằng sinh ra làm người không bắt buộc phải được sống trong nhung lụa. Tôi luôn luyện mình sẵn sàng hứng chịu mọi hoàn cảnh, hòa mình vào bất cứ một mẫu đời nào, không than vản, ưu tiên sống giây phút hiện tại, không tiếc dĩ vãng, không quá lo tương lai, không mất tự chủ. Không đòi Tiên, tôi sẵn sàng đón nhận bất cứ gì xảy đến trong cuộc đời, không nhăn mặt, không lầu bầu. Điều tôi rất e ngại là không kiểm soát được ý nghĩ và hành động của mình. Vì vậy nên tôi không bao giờ hút sách, nhậu nhẹt. Với tôi, những kẻ say rượu, ghiện thuốc đã đánh mất đi phần lớn nhân cách. Làm người, nhứt là nam nhi, mà phải lệ thuộc vào rượu với thuốc – nhứt là để giải sầu - thì chẳng đáng là kẻ làm trai nữa. Bè bạn bảo tôi khó tánh, tôi chịu, nhưng tôi không nghĩ khác hơn được.
Tôi rất ít lo, cho tương lai cũng như cho hiện tại. Nói thế không có nghĩa là tôi sống kiểu qua ngày, nhưng vì tôi không xem “cái sự đời nó ra làm sao cả”. Đem chuyện danh lợi mà nói với tôi cũng bằng nước đổ đầu vịt. Ngày tôi ra trường có một ân nhân muốn giúp tôi về phủ ở hai đầu đường Thống Nhứt, tôi đã từ chối tức khắc không một giây phút do dự, nghĩ suy gì cả, dù dư biết mình đang nằm trong sổ bìa đen của thượng cấp vì tội dám thẳng mặt xài xể thượng cấp; chỉ có thượng cấp là không biết rằng đì ai chớ đì tôi cũng bằng “đem cá trấn nước”.
Trước họa xâm lăng của CS mà có những “trí thức” chỉ biết “đì” nhau bằng cách “đẩy” nhau ra tiền tuyến chống giặc với ước vọng hại bạn cho bỏ ghét. Với những “trí thức” nầy, chiến trường không có nghĩa lý gì cả, đó chỉ là “trừng giới”, nơi để họ “đì” những tên “ba gai” cứng đầu. Nghĩ tội nghiệp cho loại người nhỏ, họ nhìn thiên hạ tưởng ai cũng nhỏ, cũng hèn như họ. Nghĩ cho cùng thì đây là lỗi ở bộ Quốc gia giáo dục đã không chu toàn trách nhiệm.
Nhớ khi Nhật Bản bị cơn sống thần tàn phá cả một thành phố nhưng tuyệt nhiên không hề thấy có ai đi hôi của mặc dù ai cũng đói, cũng rách; thậm chí cũng không thấy có vụ chen lấn, xô đẩy khi nhận quà cứu trợ. Tinh thần kỷ kuật và trách nhiệm thật tuyệt vời. Bao giờ dân ta mới đạt được mức giáo dục nầy?
Thời XHCN ngày nay, với bộ Quốc Gia Vô Giáo Dục, nhân tâm quần chúng chỉ có ngày càng tồi tệ hơn ! Thường tình ai cũng rất hảnh diện khi được về dinh về phủ, về nơi yên thân; tôi nhìn họ lại cũng thấy “tội nghiệp”, vì tôi cho rằng họ không có “personalité”, thiếu cái gì đó rất cần cho một kẻ làm trai, nhứt là ở vào thời quốc phá gia vong. Tôi thích đời sống dọc ngang giang hồ của người quân nhân thời chiến :
Phận trai : già cỏi chiến trường. (Chinh Phụ ngâm).
Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm là đấy. Chuyện tử sinh tôi vẫn xem hơi nhẹ dù biết rằng :
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. (Lương châu từ).
Tôi chẳng hiểu tại sao tôi lại... dễ tính đến như vậy, xem nhẹ gia đình hơn trách nhiệm của mình đối với xã hội, nhứt là đang ở vào lứa tuổi thanh xuân. Vả lại tôi không muốn “mang tiếng” là nhờ chạy chọt, lòn lách v.v... làm tôi “một đời mất mặt bầu cua”. Tôi vẫn thích tự lập, không phải khòm lưng cúi đầu xin xỏ... Đã là người như ai sao lại phải quì lụy? Quì gối để có chổ ngồi tốt, hù dọa, gạt gẫm người để có miếng ăn ngon, thế khi nuốt vào không thấy nghẹn hộng, khi an tọa không thấy ngứa đít sao? Tôi chưa hề biết khòm lưng cuối đầu xin ai bất cứ gì, kể cả lần tên cán bộ VC vào Long Giao năm 75 tìm tôi với dự tính đưa tôi về làm việc ở bịnh viện Chợ Rẩy, tôi vẫn cứng đầu quyết không nhượng bộ trước sự khinh thường ngạo mạn của tên cán ngố để mong được hắn trọng dụng.
Thứ ngu si cứ tưởng mình trên thiên hạ. Ngu quá ngu nên mới dám vổ ngực xưng mình là “đỉnh cao trí tuệ loài người”, và làm gì hiểu được cái trật tự tự nhiên trong vũ trụ, trong xã hội, trong cả cơ thể con người. Cái đầu phải ở trên, con tim ở giữa lòng ngực và hạ bộ phải ở dưới. Nếu trật tự nầy bị đảo lộn thì người chẳng ra người, cả đất trời cũng loạn. Kẻ ngu si luôn phạm phải tội xấc xược, đại ngôn nói không cần dựa trên bất cứ một sự thật nào. Trong xã hội CS hiện nay, trật tự tự nhiên đã hoàn toàn bị xáo trộn : hạ bộ được đặt lên trên, cái đầu bị hạ xuống dưới... Cái ngu si ngự trị cái khôn ngoan... Kẻ nào còn có một chút dũng làm sao có thể cuối đầu thần phục sự vô trật tự nầy ?
Rốt lại, tôi được VC cho biết tôi là người cuối cùng ra khỏi trại. Chúng nó lại tưởng rằng như thế là dọa nạt được tôi, nhưng chúng nó không ngờ rằng tôi chỉ cười và vui vẻ nói với chúng nó nửa đùa nửa thật rằng ngày nào các anh có đuổi tôi cũng không ra ! Biết gặp phải tay đại cà chớn không hù dọa được nên chúng nó để tôi yên. Thế có phải sống vui hơn không? Nói thế có chết đâu mà sợ?
Vả lại nếu biết mình sắp chết, tôi sẽ rất thích thú như kẻ sắp được đi du lịch miền xa mà mình vẫn hằng muốn biết. Nghe có vẻ quái đản nhưng biết sao, mẹ cha sanh tôi ra như thế. Tôi lo nhứt là chết bất đắc kỳ tử tôi sẽ không kịp chuẩn bị tâm tư để sẵn sàng nhìn rõ cái thế giới mới mà tôi hằng mơ tưởng và sắp bước vào. Tôi chỉ muốn biết cái thế giới đó có thật hay không thôi, chớ chẳng bao giờ tôi mơ cuộc “sống đời đời” như các tôn giáo quảng cáo. Mấy mươi năm sống ở đời nầy đã đời quá rồi, tôi không ham cuộc đời bất tử. Cứ tưởng tượng trong cái thế giới bất tử đó, mọi người đều sống nhăn răng già khú cú đế, da nhăn nheo, người teo héo; nhìn quanh chỉ thấy toàn là ma vú dài, không ai còn dám soi gương.... Lại nhớ lúc còn trẻ con các anh lớn dạy hát rằng : “ bà già bà giả bà gia, cái răng bà rụng, cái lèo bà tôn”. Và cả bọn nhỏ cứ thế ca vang cả xóm cho đến khi gặp mấy ông già ra lịnh cấm hát. Chẳng hiểu tại sao bị cấm chỉ nghĩ là có lẽ đụng chạm tới bà Tôn nào đó... Còn thú vị gì nữa một “xã hội” già nua như vậy ? Sống như vậy thà chết sướng hơn !
Như anh chàng đẹp trai Tithon được người yêu Aurore, nữ thần của buổi bình minh, xin Zeus cho anh được trường sinh để rồi khi đến tuổi già quá già, chắt hết ra nước, người teo đi không còn giống ai nữa, nữ thần Aurore bèn biến anh ta thành con ve sầu và đuổi ve bay đi chỗ khác chơi cho khuất mắt. Aurore đã quên một điều tối quan trọng là không xin cho Tithon được trẻ mãi không già, như nàng Calypso đã xin cho Ulysse. Thế nhưng Ulysse đã từ chối cái thiên đàng Calypso dâng hiến, sẵn sàng chấp nhận mười năm lênh đênh trên biển cả trước khi về lại quê cũ, vì Ulysse biết và hiểu rằng chỗ đứng của chàng không ở đâu khác hơn là bên cạnh Pénélope, vợ của chàng.
Không biết giữ đúng vị trí của mình trong xã hội, trong vũ trụ, khó lòng có được một đời sống quân bình, hài hòa, hạnh phúc. Ulysse chỉ mất mười năm chinh chiến và mười năm lưu lạc gian truân trước khi sum hợp với gia đình trên quê hương Ithaque. Những chiến sĩ miền Nam nước Việt đã chiến đấu suốt hai mươi năm, bị lưu đày cũng gần thời gian ấy để cuối cùng suốt đời bị lưu vong biệt xứ. Khi đã bị bứng khỏi vị trí tự nhiên của họ trong trật tự của trời đất, còn tìm đâu ra đời sống hài hòa hạnh phúc 100°/° như Ulysse ? Ở đời có mấy ai hiểu được điều nầy? Vì tham lam nên tuyệt đại đa số đều không biết sống phút giây hiện tại, cả đời cứ tiếc nuối ngày qua và chạy theo những ảo vọng ngày mai...
Những ngày trong rừng Bổ Túc (Tây Ninh) tôi rất thích -lại nghe quái đản- dù gian nguy không lường. Gian nguy tôi để qua một bên, bao giờ đối diện sẽ tính sao ; trước mắt là vui sống những ngày mà tôi dư biết sẽ không bao giờ còn có dịp để sống lại. Có thể nói rằng đây là giấc mơ thời trẻ con, bây giờ trở thành sự thật. Nếu không nhờ “ơn Bác và Đảng” làm sao có ngày tôi xách mả tấu, vác rìu lang thang trong rừng bứt mây, đốn củi? Có thế mới biết tại sao người ta nói “bứt mây động rừng”.
Hôm đó lầu đầu tôi theo chân toán lấy mây do các anh em bò nhứt bò nhị hướng dẫn. Loanh quanh độ hơn một giờ theo con đường mòn lẫn khuất trong lùm cây bụi rậm, chúng tôi tới khu rừng mây. Tôi vẫn chưa biết là đã tới nơi vì tôi không nhìn ra đâu là mây cả. Khi thấy anh em xong vào bụi rậm quanh các góc cây rừng khá cao, có trên sáu bảy thước, và dùng dao róc lá các giây mây rồi chặc góc mây và hè nhau hai ba người cùng đu giây mây để cố sức kéo mây xuống, lúc đó tôi mới biết mây ra làm sao. Lúc nhỏ tôi chỉ biết có roi mây thôi. Kéo được khúc nào thì róc lá khúc đó rồi lại tiếp tục kéo. Mỗi lần anh em đu giây mây là cành cây giao động mảnh liệt, lá rơi lả tả vì giây mây quấn khá chặc vào các nhánh cây. Nhìn anh em bứt mây mới thấy quả thật là động rừng.
Vào mùa mưa, măng le bắt đầu mọc khá nhiều. Tù chúng tôi lại được lịnh vào rừng “thu hoạch” măng le cho cán bộ. Khi vào sâu trong rừng rồi thì anh em đều tản ra mạnh ai nầy đi tìm le. Tôi một mình lò mò quanh một bụi le khá lớn, đường kính có đến trên hai thước. Măng le cũng dễ thấy vì chúng bắt đầu nhô ra khỏi lớp lá rừng phủ kín mặt đất. Đang tà tà nhặt “của rơi” thì trời vụt tối sầm như đã về chiều, gió nổi lên, cành cây giao động mạnh. Tiếng gió hú qua ngàn là nghe đến rợn người làm tôi nổi da gà. Chưa bao giờ tôi được nghe tiếng gió thét trong rừng; tuy lòng có hơi rúng động nhưng vô cùng thích thú. Nghe cành cây kêu răn rắc như sắp gảy, tôi chui ngay vào sát bụi le để lánh nạn. Bụi le như một cây lộng tỏa ra khá rộng; thân le rất chắc nên các nhánh cây gảy có rơi xuống cũng bị giữ lại trên ngọn le, không thể chạm đến người tôi. Ngồi sát vào bụi le vừa tránh được nguy hiểm, vừa tránh được phần nào bị mưa ướt, chỉ có không tránh được gió.
Ngồi co rút trong năm mười phút tôi bắt đầu nghe lạnh; chiếc áo trận cũ rách đã bắt đầu thấm nước mưa không đủ để tôi được ấm thân, ấm lòng. Bổng vụt nhớ đến vụ trăn quấn một anh bạn mấy tuần trước, cũng dưới góc một bụi le, làm tôi cứ giựt mình teo chim mỗi khi có tiếng động trong bụi le. Anh bạn kia còn có ba người đồng hành cứu bồ và giết được trăn đem về nhậu một bửa cho đã thèm thịt. Còn tôi hôm đó có một mình dưới bui le. Nếu lở có con trăn nào trong bụi chui ra thì tôi chẳng còn con đường nào khác là chui vào bụng nó cho êm chuyện; trăn no bụng, tôi ấm thân không phải nằm trong lòng đất lạnh giữa rừng Tây Ninh, Bàc và đảng đở toi công cải tạo hoài chẳng được ! Vậy là đôi ba bên đều có lợi. Những mẫu chuyện rất “đau khổ” lúc đương thời, nay lại là những kỷ niệm đáng nhớ, khó quên. Đó là “nhờ ơn Bác và Đảng”!
Ngày nay có nhiều người không muốn nhớ, không muốn nhắc lại chuyện xưa nhiều đau khổ; tôi thì ngược lại rất thích nhớ chuyện cũ, nhớ để cười chơi một mình. Bởi vậy nên khi ngỏ ý mời tôi nói chuyện tù tội, BS Patrick Vorilhon rào trước đón sau rằng khơi lại chuyện không vui có làm phiền tôi không? Người Pháp ít ai muốn nhắc chuyện thời Quốc xã. Nhắc tới là nước mắt họ chảy ròng ròng. Tôi thật chẳng hiểu được họ.
Có một lần đốn cây theo chỉ tiêu, tôi vác một khúc không to lắm chừng một tất rưởi đường kính, nhưng phải dài hai thước. Vừa đi vừa ngắm cảnh, lơ đảng thế nào mà chân vướng vào cỏ, mất thăng bằng, lảo đảo; dưới sức nặng của khúc cây tôi không gượng lại được, nên rồi té nằm úp mặt xuống đất, khúc cây lợi dụng thời cơ đè tôi ngang sau gáy. Một đầu cây vướng vào bụi nên tôi cố nâng lên để chui ra nhưng không nhút nhít. Bực mình tôi cũng chẳng thèm cố gắng chi cho mệt xác, cứ nằm yên cho khỏe rồi tính sau. Khi nghiêng đầu sang một bên để tránh bị cỏ ngoáy lỗ mũi, tôi bổng thấy trước mắt một bông hoa vàng lè tè dưới đất, tuy nhỏ mhắn nhưng rất xinh. Càng ngắm càng thấy bông đẹp (nhưng người đẹp mà ngắm mãi, ngắm kỹ sẽ thấy hết đẹp!), nên tôi quên mất cảnh tù đày, khổ nhục chỉ nhớ lờ mờ có ai đó (Montaigne?) nói rằng :
”Dieu a mieux réussi les fleurs et les arbres que les êtres humains” ! (Thiên Chúa đã thành công trong việc tạo dựng bông hoa, cây cỏ hơn là cái giống người).
Nhớ nhứt câu nói của Beaudelaire rất “ăn ý” nên tôi thuộc nằm lòng :
“Heureux celui qui plane sur la vie, et comprend sans effort le langage des fleurs et des choses muettes.”
Cứ nhớ lang mang như thế rồi cười một mình, vui một mình, Bác và đảng làm gì được tôi? Thế mới biết cái Đẹp nó cần thiết cho đời sống con người như thế nào. Ba cái Chân, Thiện, Mỹ thiên hạ ai cũng thích cái Mỹ (thời đó, và cả thời nay, ai cũng thích Mỹ, kể cả VC !), hai cái kia thì hình như chỉ thích trên đầu môi chót lưởi mà thôi. Bọn VC thì không “có khả năng” để thích cái nào cả ; đặc biệt là cái Chân, cái Thật không bao giờ tìm thấy trong con người CS. Bọn CSBV và cả đám Việt tị nạn trở cờ, bưng bô, liếm gót, chỉ hết sức chân thật khi họ hành xử vô liêm sĩ, như Nietzsche vẫn nghĩ :
“Le cynisme est la seule forme sous laquelle les âmes basses frisent ce qu’on appelle la sincérité”.
Ngay cả những người thích Mỹ, bây giờ họ chỉ còn thích có “đô”, chẳng biết gì đến Chân Thiện Mỹ nữa. Có thế nên thiên hạ mới loạn dài dài, cộng đồng hải ngoại mới tan nát, xứ sở mới đau thương. Thật đáng buồn.
Ngắm bông đẹp quên cảnh tù tội, nhưng lại nhớ đến các tiên tổ của VC : Marx, Hegel... Nhứt là Hegel với cái “biện chứng pháp” của y. Ngắm bông mà lại nhớ tới “duy vật biện chứng pháp” là vì chính cái bông vàng đã gợi ý cho tôi.
Biện chứng pháp của Hegel cũng gồm ba giai đoạn lý luận nhưng hoàn toàn không liên cang gì tới tam đoạn luận “cổ điển” mà ai cũng biết, nhưng đa số đều lầm với biện chứng pháp của Hegel. Triết gia người Đức nầy đã từng nói : “Das Whare ist das Ganze”, cái Chân, cái Thật là tất cả, là cốt yếu. Ấy vậy mà đám hậu duệ CS, nhứt là lũ VC, chẳng hề biết đến điều đó. Cốt lỏi của tư tưởng Hegel là một ngôn từ sẽ đưa tới một ngôn từ khác trái ngược, hoàn toàn đối nghĩa. Ví như tư bản sẽ dẫn tới cộng sản. Ba giai đoạn của biện chứng pháp Hegel đại khái là : tự tại, hiện hữu và “thu về mình”.
Cái bông mà tôi đang ngấm là giai đoạn hiện hữu mà Hegel gọi là Dasein. Trước đó, phải có một hạt giống để sinh ra bụi cỏ có bông vàng. Hạt giống đó là giai đoạn tự tại. Nếu đem hạt giống của bụi bông nầy so với bao nhiêu hạt giống khác, ắt khó cho ta phân biệt được hạt nào là giống nào vì đều có bề ngoài chẳng khác nhau nhiều, phải là chuyên viên mới có thể phân biệt. Từ hạt giống “không phân biệt” có vẻ thuần nhứt, lại sinh ra một bụi cỏ với đầy đủ hoa lá cành. Thế là từ cái “thuần nhứt” sinh ra cái “đa dạng”, đối nghịch với cái thuần nhứt. Sau hai giai đoạn nầy là giai đoạn thu hoạch, kết hợp hai giai đoạn đối nghịch trên vào kết quả sau cùng, đó là cái trái, cái quả mà cái bông sinh ra với những hạt giống mới. Thế là từ cái đa dạng trở về với cái thuần nhứt ban đầu...Hai giai đoạn hoàn toàn đối nghịch...
Lao động khổ sai té nằm dài giữa rừng, ngắm hoa rồi nhớ chuyện không đâu, quả là “lang bang tơ ri”, nhưng nhờ vậy mà sống vui, nhớ chi hoài cái vòng “kim cô” của VC trồng vào đầu cho khổ tâm mệt trí. Tôi vẫn rất mê thích thiên nhiên; với tôi không có gì đẹp bằng thiên nhiên. Ngồi dưới bụi le nghe mưa gió, sấm sét, nhìn cây rừng nghiêng ngả, lá rừng tưng bừng bay như những cánh bướm vườn xuân (!), tôi thấy thích thú, say sưa quên cả cái hiện tại bất toại lòng, quên luôn thân phận khổ sai, nhưng lại vụt nhớ bản nhạc Mưa Rừng với những kỷ niệm đính kèm! Rồi lại lang mang nhớ ai đó, hình như François Mauriac, có câu rằng :
“Être jeune c’est entendre autour de soi craquer les branches”.
Tính tôi vẫn thế, hay lang mang nhớ chuyện nầy sang chuyện nọ; những ngày còn theo TQLC, đêm nằm võng nghe tiếng mưa rơi trên nóc poncho, hết nhớ bản nhạc Mưa rơi, tôi lại nhớ mấy câu thơ học thời xa xưa, chẳng còn biết ai là tác giả (Verlaine? Rimbaud?) :
Ô bruit doux de la pluie
Par terre et sur les toits
Pour un coeur qui s’ennuie
Ô le chant de la pluie...
Nếu có tâm hồn nghệ sĩ, nhìn đâu ta cũng sẽ thấy cái đẹp của thiên nhiên. Ngước mắt nhìn trời xanh sẽ thấy “bức tranh vân cẩu” thay hình đổi dạng từng giây từng phút. Trời về đêm sẽ có không biết bao nhiêu vì sao sáng, nếu không có mặt trăng rằm khơi lên bao nhiêu ý thơ mơ mộng... Hạnh phúc, niềm vui sống, Thiên Nhiên dâng hiến quanh ta, chỉ cần biết mở mắt ra nhìn, đưa tay ra bắt lấy. Nhà thơ John Keats đã chẳng viết rằng :
“A thing of beauty is a joy for ever”. Cái đẹp là cội nguồn của niềm vui muôn thuở.
Ngay cả Dostoïevski cũng nghĩ là :
“La beauté sauvera le monde”.
Cái “bí quyết” sống vui của tôi kể cũng đơn giản : chỉ nặng lòng với hiện tại, tuy không quên quá khứ, cũng không hờ hửng với tương lai, và nhứt là yêu thích thiên nhiên hơn mê người đẹp. Tôi rất đồng ý với Nietzsche qua mấy chữ “amor fati”, yêu thích cái cụ thể trước mắt, ngay bây giờ, trong hiện tại.
Nguyễn văn Dõng
Clermont Ferrand một ngày Xuân 2015.
No comments:
Post a Comment