Lừa đảo y khoa, Bác sĩ Fata lãnh án 45 năm tù
http://www.nbcnews.com/news/us-news/
Bản tin của NBC News ngày 10.7.2015 và của nhiều hảng tin khác cho biết Bác sĩ Farid Fata, 50 tuổi, vừa bị tòa án ở bang Michigan tuyên án 45 năm tù giam về 13 tội danh liên quan đến lừa đảo y khoa.
Trong các tội bị truy tố có tội cho hơn 500 bệnh nhân uống thuốc trị ung thư dù họ không hề cần đến loại thuốc này, thậm chí có cả những người không hề bị bệnh.
Hãng tin CNN cho biết ông Fata là bác sĩ ở khu vực Detroit, ông ta đã chẩn đoán những bệnh nhân trên đang bị ung thư máu giai đoạn cuối và kê toa thuốc đặc trị cho họ. Nhưng trong thực tế nhiều người trong số họ không hề mắc ung thư.
Có 553 bệnh nhân đã bị Bác sĩ Fata truyền dịch hoặc tiêm thuốc không cần thiết. Theo Công tố viên, động cơ của hành vi bất lương này là do xuất phát từ lòng tham, bất chấp sức khỏe và tính mạng của con người.
Bác sĩ Fata đã kiếm được hàng chục triệu USD từ việc cố ý kê toa thuốc và liệu pháp điều trị ung thư đắt tiền cho số bệnh nhân này.
Ngoài các tội danh trên, Bác sĩ Fata còn bị buộc tội âm mưu trả hoặc nhận tiền lót tay và hai tội danh liên quan đến rửa tiền.
Các công tố viên liên bang cho biết Bác sĩ Fata bị bắt từ tháng 8/2013 đã bồi thường 17,6 triệu USD mà ông ta hưởng từ các công ty y tế và các doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân.
“Đối với Fata, bệnh nhân không phải là con người mà họ là các trung tâm thu lợi của ông ta” – các công tố viên ví von.
Nhiều bệnh nhân của Fata giờ đây phải sống với những hậu quả do lòng tham của ông này gây ra, trong suốt quãng đời còn lại. Thậm chí có người vừa phải mang bệnh tật vừa rơi vào cảnh tán gia bại sản do phải trả chi phí quá mắc theo phác đồ “điều trị ung thư” của Fata.
Một bệnh nhân tên Robert Sobieray đã phải đến phòng mạch của Fata để hóa trị trong hai năm rưỡi trong khi ông không hề bị ung thư.
“Tại sao, tại sao là tôi? Đó là vì động cơ gì?” – ông Sobieray kêu lên. Sức khỏe của Sobieray đã yếu đi do quá trình điều trị “kỳ quái” này. Thuốc đặc trị mạnh đến nỗi răng ông rụng gần hết và hàm của ông bắt đầu biến dạng.
Còn bệnh nhân Patty Hester biết đến Fata từ năm 2010. Theo lời khuyên của một bác sĩ khác rằng tế bào máu trắng của Hester rất thấp, cô nên đến khám ở phòng mạch của bác sĩ Fata, là một bác sĩ chuyên khoa về huyết học và ung thư.
Hester gần như đổ gục khi bác sĩ Fata cho biết cô bị hội chứng loạn sản (MDS). “Ông ta nói tôi cần phải hóa trị ngay lập tức” – Hester nhớ lại.
Tuy nhiên, vì là một nhân viên y tế nên Hester đã trao đổi với Fata sẽ điều trị theo phương pháp liên quan đến huyết tương, thay vì vô hóa chất. Và cô đã theo phương pháp điều trị đắt tiền này cho đến khi một người đồng nghiệp của cô cho cô xem bản tin trên truyền hình là “bác sĩ của cô đã bị bắt”. Khi ấy, Hester mới biết cô không hề bị ung thư.
No comments:
Post a Comment