KISSINGER HIỂM ÁC
KẺ THÙ SỐ MỘT CỦA VIỆT NAM
BỐN MƯƠI NĂM QUA
Nhớ lại ngày 30 tháng tư năm 1975
Trong lúc hoàn tất chương 17, tôi sực nhớ chỉ còn vài ngày nữa là tới lễ tưởng niệm thứ 40 ngày quân đội cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam chúng ta. Ý thức được điều đó, tôi quyết định viết thêm phần phụ chú nầy cho chương 17, như là một lễ cầu siêu cho quê hương yêu dấu của chúng ta.
Ngày 30 tháng tư năm 2015 đánh dấu lần thứ 40 ngày Sài gòn rơi vào tay quân đội cộng sản miền Bắc khi chiến xa T-54 của họ ủi xập cánh cửa sắt để tiến vào bên trong dinh Độc Lập. Sau ngày đó, thành phố Sài gòn đẹp đẽ trong suốt 300 năm qua đã bị đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Một sự nhái lại y chang và có phần muốn vượt trội hơn cả trường hợp của Leningrad hay Stalingrad nữa. Điều đáng buồn hơn cả là toàn cõi đất nước ta từ Nam chí Bắc đã rơi vào ách thống trị của cộng sản, với tên gọi mới là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bây giờ, điều hiển nhiên là biến cố miền Nam sụp đổ ngày 30 tháng 4 năm 1975 chỉ là hậu quả tất yếu của Hiệp định Ba Lê ký ngày 27 tháng 1 năm 1973 và được coi như là một “kiệt tác” về ngoại giao của tiến sĩ Henry Kissinger, lúc đó làm Cố Vấn An Ninh Quốc Gia cho Tổng thống Richard Nixon.
Thực ra trước ngày Hiệp định Ba Lê được ký kết rất lâu, Henry Kissinger đã quyết định bỏ rơi miền Nam Việt Nam cũng được coi Tiền Đồn của Thế Giới Tự Do từ giữa thập niên 1950. Những tài liệu giải mật cho thấy trong buổi họp mặt với Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông vào tháng 2 năm 1972, Henry Kissinger đã công khai nói cho giới lãnh đạo cao cấp Trung Cộng biết rằng nếu Hoa Kỳ có thể chấp nhận sống với một nước cộng sản rộng lớn như Tàu thì Hoa Kỳ cũng có thể chấp nhận sống với một nước cộng sản nhỏ bé như Việt Nam.
Henry Kissinger đã không phải chờ đợi lâu để thực hiện dự tính của mình. Chưa đầy một năm sau, dựa vào Hiệp ước ngày 27 tháng 1 năm 1973, hắn đã dọn đường để miền Nam Việt Nam phải sống dưới sự thống trị của cộng sản. Theo Hiệp định Ba Lê, điều khoản căn bản, cụ thể và hệ trọng nhứt là Hoa Kỳ cam kết chấm dứt sự can thiệp của họ vào chiến tranh Việt Nam và hoàn toàn cắt đứt viện trợ quân sự có quyết định sanh tử cho miền Nam Việt Nam.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của miền Nam Việt Nam không phải là một chuyên gia chánh trị có tầm mức như tiến sĩ Kissinger nhưng ông có thể thấy ngay hậu quả tai hại Hiệp định Ba Lê sẽ đè nặng xuống miền Nam Việt Nam. Ông cực lực từ chối không chịu cho chánh phủ của mình ký tên vào Hiệp ước. Sự cứng rắn của Tổng thống Thiệu trong việc đòi hỏi nhiều thay đổi quan trọng trong Hiệp ước kéo dài trong ba tháng nhưng không đem lại nhiều kết quả.
Vào giữa tháng 1 năm 1973, Henry Kissinger thuyết phục Tổng thống Nixon gửi một loạt thơ tới Tổng thống Thiệu cho biết chánh phủ Mỹ sẽ ký Hiệp định Ba Lê vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 dù chánh phủ Sài gòn có đồng ý hay không. Ngụ ý những lá thơ cho biết Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi chánh phủ Sài gòn và rút ra khỏi Việt Nam. Tổng thống Thiệu không còn chọn lựa nào khác ngoài sự chấp nhận Hiệp định Ba Lê nhưng với sự “cam kết trên giấy trắng mực đen” là Tổng thống Nixon sẽ áp dụng những biện pháp quân sự mạnh và những thư cam kết đó chỉ là “bánh vẽ” như lịch sử sau nầy đã cho thấy …
Nhờ Hiệp định Ba Lê ngày 27 tháng 1 năm 1973, Bộ Chính Trị cộng sản Hà nội biết chắc nước Mỹ sẽ không còn can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam hay tiếp tục viện trợ quân sự cho miền Nam nữa. Ngược lại, trong khoảng thời gian đó, Hà nội nhận quân viện từ Liên Bang Sô Viết ở mức bốn lần cao hơn so với số quân viện họ nhận được vào thời điểm can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đạt mức cao điểm của nó.
Sau hai năm ráo riết chuẩn bị, Hà nội khởi sự “Chiến dịch Hồ Chí Minh” vào tháng 3 năm 1975. Họ tràn qua Vùng Phi Quân Sự ở vĩ tuyến 17 gần như toàn thể quân số của họ khoảng 15 sư đoàn. Lúc đó quân đội miền Nam chỉ còn lại những viên đạn và thùng xăng cuối cùng để bảo vệ lãnh thổ của mình.
Cuộc tổng tấn công của miền Bắc vào miền Nam chỉ kéo dài không quá 55 ngày và quân đội miền Nam không thể chống trả gì nhiều được vì thiếu đạn dược. Lịch sử có ghi lại những điều đã xảy ra sau ngày Sài gòn thất thủ. Hơn một triệu quân nhân và công chức của chánh phủ miền Nam đã bị rơi vào cảnh tù tội mà không được xét xử chi hết. Một số người bị tù đày 5 năm, một số khác 10 năm và có những người trên 20 năm. Đương nhiên còn cả hàng chục ngàn người đã chết trong trại lao động khổ sai nữa. Tài sản của gia đình họ bị tịch thâu và những người nầy đã bị đuổi ra khỏi nhà rồi đưa lên “vùng kinh tế mới” để sống trong cảnh bần cùng. Con cháu họ bị cấm không được đi học. Quyền tư hữu bị tước đoạt và nhà nước trở thành “chủ nhân ông” độc nhứt!
Ròng rã 40 năm qua, dân tộc Việt đã bị ép buộc sống dưới sự thống trị của người cộng sản. Việt Nam ngày nay với trên 90 triệu người đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng ngược lại vẫn còn là một trong những nước nghèo khổ nhứt. Thể chế cai trị lại đầy áp bức với những vi phạm nhân quyền trắng trợn, tham nhũng lan tràn và lạm dụng quyền thế khủng khiếp thường thấy trong một chế độ độc tài.
Trong 40 năm qua, nhiều người Việt đã bị ám ảnh bởi câu hỏi như sau: có cách nào để tiến sĩ Henry Kissinger và cường quốc Hoa Kỳ ngăn cản quân đội Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam để tránh cảnh họ áp đặt guồng máy cai trị cộng sản trên toàn cõi nước Việt vào năm 1975 không?
Trong năm 2015 nầy, chúng ta tưởng nhớ ngày Sài gòn thất thủ và không thể quên vai trò quan trọng của tiến sĩ Henry Kissinger trong biến cố lịch sử bi đát của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, ở tuổi 92, Henry Kissinger còn năng động trên chính trường và ngoại giao quốc tế đặc biệt là trong lãnh vực liên quan tới Trung Quốc. Chỉ tháng trước, trong một chuyến thăm viếng Bắc Kinh thật trịnh trọng, ông đã được lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình cho trải thảm đỏ nghênh đón nhằm nhắc nhở mọi người rằng Henry Kissinger đã luôn luôn là một người bạn cực tốt của Trung Quốc kể từ khi ông ta gặp Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông vào tháng 2 năm 1972.
Một điều rõ ràng cả thế giới có thể tin được là ngày nào lãnh đạo Bắc Kinh còn ca tụng Henry Kissinger thì “Trật Tự Thế Giới” mà ông ta ca tụng trong cuốn sách ông ta mới cho phát hành sẽ rất thuận lợi cho Trung Quốc.
Trước một Trung Quốc được coi là một trong những cường quốc dẫn đầu về kinh tế và quân sự, Henry Kissinger mạnh dạn chủ trương rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ nên trở thành Đôi Bạn Thân Thiết Muôn Đời. Henry Kissinger có thể sẽ trở thành nhân vật đầu tiên lãnh tới hai giải Nobel Hòa Bình. Lần nầy vì đã đem hòa bình tới cho cả thế giới chứ không phải chỉ cho Việt Nam như giải Nobel Hòa Bình trong năm 1973! Cũng cần nhắc lại là người được trao giải Nobel Hòa Bình đồng thời với Kissinger là Lê Đức Thọ đã từ chối không lãnh giải vì Hiệp định Ba Lê thực sự là một thắng lợi đối với Hà nội và phe cộng sản.
Phương thức Henry Kissinger dùng để chấm dứt chiến tranh Việt Nam là cả một thảm kịch cho dân tộc Việt Nam và một vết nhơ trong lịch sử 200 năm của quốc gia Hoa Kỳ. Đây là thời điểm vô tiền khoáng hậu mà nước Mỹ đã không giữ trọn lời cam kết của mình và không chu toàn lời hứa bảo vệ đồng minh trước mặt kẻ thù.
Một cách ngắn gọn, khi bạn không biết làm sao nắm lấy chiến thắng cho phe mình và chặn đứng bước tiến của quân thù, thì bạn không cần phải là một vĩ nhân về chánh trị mới có thể nói với người ta rằng: "nếu mình không thắng họ được thì hãy theo họ đi.” Nói như vậy không khác chi là khuyên người ta “hãy treo cờ trắng lên để đầu hàng"...
No comments:
Post a Comment