“ trận đánh ven đô ”
Vào khoảng cuối tháng 1 năm 1974, Việt cọng đưa một đơn vị thuộc Tiểu Đoàn 9, Trung Đoàn 173, Sư Đoàn 7, đánh chiếm và đóng chốt trên Quốc Lộ 1, cách ngã ba Tân Phú Trung và Hương Lộ 2 chừng 500 mét, kéo dài gần tới khu vực định cư của đồng bào Việt từ Campuchia chạy về lại Miền Nam, sau vụ Lonol “cáp duồn” ở Xứ Chùa Tháp.
Suốt một tuần qua, giao thông bế tắc, xe hơi từ Saigon đi Tây Ninh, hay ngược lại, đã không qua lại được, vì Việt cọng đóng chốt. Việt cọng lùng sục, bắt giết các Viên Chức Xã Ấp, tước khí giới Nhân dân Tự vệ, quấy phá cuộc sống yên lành của người dân quê ở khu vực nầy.
Địch đóng chốt trải dài hai bên Quốc Lộ 1. Về phía tay phải, hướng từ Saigon lên, nơi đây có nhiều nhà cửa, vườn tược, chúng chỉ đặt một vài chốt. Phía đối diện, dân cư thưa thớt, địa thế lại trống vắng, khó khăn cho địch trà trộn, ẩn núp và di chuyển thì chúng đào công sự, rải chốt dọc theo Quốc Lộ. Cách dàn quân bố trí ngụy trang có kế hoạch bài bản để đánh lừa chúng ta, làm cho phía ta lầm tưởng nghĩ rằng, địch từ hướng Đông Bắc, tức hướng sông Saigon. Củ Chi, địch thường huênh hoang là “đất thép thành đồng” là nơi chúng ẩn náu. Từ vùng đất thép nầy, chúng có thể vượt sông Saigon, bên kia sông ăn thông với vùng Rạch Bắp, Bến Cát, xa hơn là Dầu Tiếng của Tỉnh Bình Dương, đó là những căn cứ địa, mật khu của chúng, nơi trong ngôn ngữ chiến tranh, gọi là vùng “Tam Giác sắt” của giặc cọng. Nhưng thật sự trái ngược.
Đơn vị Việt cọng bố trí chốt hầu hết bên trái Quốc Lộ 1, trang bị nhiều loại vũ khí nặng, bao gồm Đại Liên, Trung Liên, có hầm tác xạ súng cối 82 ly, đồng thời thiết lập một mạng lưới liên lạc bằng điện thoại chằng chịt khắp nơi, giữa các chốt, đang đóng bao quanh toàn Xã Tân Phú Trung. Bọn chúng dương Đông kích Tây, tập trung hỏa lực về hướng trái trục lộ, và đồng loạt sử dụng các loại vũ khí nầy, để chống trả lại các cuộc tấn công của Quân Đội VNCH. Điều nầy đã cho thấy, địch đang hoạt động nơi đây, thuộc Bộ Đội chính qui cọng sản Bắc Việt xâm lược, không phải là Dân Quân địa phương.
Vùng nầy, thuộc trách nhiệm của Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân Quận Củ Chi, dù am tường, thông thuộc địa thế, cũng không làm gì được chúng. Tiếp sau đó Sư Đoàn 25 Bộ Binh đã đưa thêm hai Đại Đội đến giải tỏa, cũng chịu bó tay.
Chiến thuật đóng chốt của Việt cọng, gây rất nhiều khó khăn cho ta. Nhổ một chốt chỉ có vài ba tên địch, không bao giờ là việc dễ dàng, nếu Binh Sĩ của ta không can trường, mưu trí hay đã từng được tôi luyện trên các trận địa.
Các đơn vị không được cái tiếng là thiện chiến nếu không sử dụng Pháo Binh, không yểm để tác xạ, oanh kích, thì khó mà thành công khi tấn công vào các chốt của địch. Mọi hỏa lực yểm trợ bằng phi pháo, không thể xử dụng ở đây, khu vực dân cư đang sinh sống. Cấp Chỉ Huy tuyệt đối tránh gây thương vong và thiệt hại về nhân mạng, nhà cửa, tài sản của dân chúng.
Nếu cứ để tình trạng giao thông bị trì trệ lâu dài trên Quốc Lộ 1, chỉ cách Sài Gòn chừng 16 cây số, sẽ tạo nên tâm lý bất an chung cho quần chúng tại Thủ Đô. Hơn nữa đây cũng là trục lộ xuyên Á chính, thông thương với các nước láng giềng Cambodia, Thailand, Myanmar, không thể để bọn Việt cọng tự tung tự tác, cắt đứt, chận đứng con đường huyết mạch này một cách công khai, trắng trợn như thế.
Vậy là, cuối cùng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III phải điều Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, đơn vị khắc tinh của Việt cọng vào trận.
Biệt Đội 813 do Đại Úy Nguyễn Văn Hải chỉ huy, Biệt Đội 814 do tôi chỉ huy cùng Biệt Đội Thám Sát do Đại Úy Lưu Huyên chỉ huy, được quân xa vận chuyển từ Biên Hòa, đến đổ quân ngay trên Quốc Lộ 1, cách ngã ba Tân Phú Trung chừng 300 mét, và cách chổ địch đóng chốt trên 2 cây số. Bộ Chỉ Huy Hành Quân đặt ngay trong một khu nhà vườn kiên cố, bên cạnh Quốc Lộ 1. Đại Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng, đích thân chỉ huy trận đánh, sau khi đã bay bao vùng quan sát trận địa.
Khi trời bắt đầu sập tối. Đại Tá cho lệnh Biệt Đội 813 tiến lên bên cánh trái, trải quân ém rộng sâu vào mặt sau Khu Dân cư, xa Quốc Lộ chừng 500 mét, bố trí phòng thủ, chờ lệnh. Biệt Đội 814 tiến lên bên phía phải, khoảng giữa Quốc Lộ 1 và Hương Lộ 2, cũng mở rộng tuyến phòng thủ vào các khu vườn, nhà ở của dân chúng, ém quân chờ lệnh.
Đến nửa đêm, theo đúng kế hoạch, Biệt Đội Thám Sát, lợi dụng bóng tối, đưa các Toán, men theo nương rẫy, vườn, nhà ở của dân để tiến lên tiếp cận các vị trí chốt, nhất cử nhất động, tránh bị để địch phát hiện, xong tìm chỗ ngụy trang, ẩn núp kín đáo qua đêm, chờ quan sát và phát hiện vị trí của địch.
Qua hôm sau, Biệt Đội 813 và 814 được lệnh song hành nghi binh giả tấn công địch. Súng bắt đầu đồng loạt khai hỏa, nổ ran, nhưng Binh Sĩ đều nằm im tại chỗ, không xung phong vào vị trí địch. Địch tưởng đang đứng trước nguy cơ bị tấn công, đã trồi đầu lên khỏi hầm hố, bắn trả dữ dội, nhưng chẳng kết quả gì cả. Đây chỉ là một mưu lược chiến thuật có tính cách để đánh lừa địch quân.
Suốt ngày này, hai Biệt Đội, tổ chức nhiều đợt tấn công giả vào vị trí của địch quân, làm cho chúng phải đặt trong tình trạng đối phó, không ngơi nghỉ.
Và, mỗi khi địch phản công, tức là chúng lạy ông con ở bụi nầy, các Toán Thám Sát ẩn núp trong đêm, dễ dàng phát hiện và xác định các chốt của địch. Có nghĩa là địch đã hoàn toàn bất lợi vì đã để lộ vị trí.
Thế là, gần nửa đêm, các Toán Thám Sát nhổ chốt bắt đầu chuẩn bị khởi sự hành động, và hai Biệt Đội sẽ theo sau yểm trợ và bao vây chận đứng đường rút chạy của địch. Chiến thuật nhổ chốt có tính toán này là sáng kiến độc đáo của Đại Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng.
Bất cứ ở một trận chiến nào, hễ mỗi khi tác xạ yểm trợ bằng Súng Cối 60 ly, 81 ly, hay Pháo Binh, thì dù địch hay ta, nghe tiếng depart (tiếng nổ đạn đi), đều phải ẩn núp xuống hầm hố, giao thông hào, chờ cho dứt tiếng đạn đi và phát nổ ở một vài nơi nào đó, mới trồi đầu lên, sẵn sàng nghênh chiến trước mọi cuộc tấn công của đối phương. Đây là mấu chốt để phát kiến sở năng diệt chốt của các Chiến Sĩ Biệt Cách Nhảy Dù.
Nếu không tính toán, phối hợp, kiểm soát chặt chẽ trong việc sử dụng pháo cối để lừa địch, có khi lại trở thành nguy hiểm cho Binh Sĩ của ta mà không nhổ được chốt địch.
Đây là một sự hiệp đồng chuẩn xác, thuần thục giữa các Tổ Súng Cối và các Toán Thám Sát nhổ chốt.
Mỗi lần, Tổ Súng Cối cho bắn 10 quả, giả định như thế, chỉ có quả thứ nhứt đến quả thứ bảy là có đạn nổ. Từ quả thứ 8 đến quả thứ 10 là đạn lép, chỉ có bắn đi mà không có đạn nổ.
Các Toán Thám Sát phá chốt, chờ đến hết quả thứ bảy, thì nhanh chân tiến lên gần các vị trí chốt của địch. Trong khi đó, địch vẫn chưa trồi đầu lên khỏi miệng hố vì còn nghe tiếng đạn đi. Ngay khi địch đang chờ đạn nổ thì Toán phá chốt đã đến tận nơi, tông lựu đạn vào công sự. Địch ở bên trong khó toàn tính mạng.
Cứ như thế, các Toán Thám Sát diệt chốt, sau khi thanh toán xong một chốt, Toán phá chốt và Tổ Súng Cối lại tiếp tục hiệp đồng để diệt chốt kế tiếp. Đến khi trời vừa hừng đông thì các chốt của địch dọc hai bên Quốc Lộ 1 cũng vừa diệt xong. Quân ta bắt sống được 02 tù binh, một là Y sĩ và một khai là Giáo Viên, quê ở Bắc Việt, những tên còn lại may mắn sống sót, thì bán sống bán chết, chạy về hướng đất thép, sâu vào phía trong khu vực Củ Chi, bọn chúng gặp phải các Trung Đội của Biệt Đội 814 án ngữ, chờ sẵn tiêu diệt, số đông còn lại rút chạy bán mạng về vùng Đức Hòa, Hậu Nghĩa, thì chúng rước lấy thảm họa chua cay vì đã lọt vào trận địa của một Thiết Đoàn M.113 đang bố trí mai phục, và gần cả một Tiểu Đoàn địch quân đã bị Thiết Giáp xóa sổ, tịch thu rất nhiều chiến lợi phẩm.
Tuy vậy, không phải thành công nào cũng được suông sẽ, thuận lợi mọi điều. Trong các lần đột kích phá chốt kế tiếp, địch đã liên lạc báo động cho đồng bọn, nên đã chống trả và đã gây thương tích cho Thiếu Úy Nguyễn Văn Xuân, Toán Trưởng Biệt Đội Thám Sát, Trung sĩ Châu Can, Hạ sĩ Hoàng Biệt Đội 814 và 13 Binh sĩ cả hai Biệt Đội Thám Sát và Biệt Đội 813.
Ngay buổi sáng hôm đó, Quốc Lộ 1, đoạn đường từ ngã ba Tân Phú Trung đến Củ Chi đã được khai thông. Hàng loạt xe cộ từ hai hướng bị tắt nghẽn bấy lâu đã chạy qua chạy lại, bóp còi inh ỏi như thay lời chào mừng. Thỉnh thoảng vài xe đò, dân chúng ngồi bên trong đưa tay vẫy vẫy, hoan hô chúng tôi, có người thò tay ra ngoài, cho ngón cái chỉ lên trời như biểu hiện một lời khen tặng các Chiến Sĩ Biệt Cách Dù là “Number One” đấy.
Cũng trong ngày, Chính Quyền Xã Tân Phú Trung và Quận Củ Chi, cùng một số Dân chúng đã đến thăm viếng, ủy lạo các Chiến Sĩ Biệt Cách Nhảy Dù.
-“Đã một tuần qua, nay mới thấy nhẹ nhõm cả người..” có người dân vui mừng nói với chúng tôi như thế.
Áp dụng chiến thuật du kích chiến với phương cách lấy gậy ông đập lưng ông, cuộc hành quân phá chốt mở đường tại Tân Phú Trung do hai Biệt Đội 813 và 814 và Liên Toán Thám Sát, đã hoàn tất chỉ trong vòng có một ngày hai đêm. Chiến thắng này càng làm giặc cọng gia tăng thêm nỗi khiếp sợ với Lính Biệt Cách Dù mà bọn chúng thường truyền khẩu, như một lời nhật tụng là: “bất cứ lính ngụy nào cũng đánh, nhưng phải tránh Biệt Cách Dù”.
Tuy giao thông trên Quốc Lộ 1 đã được vãn hồi, nhưng để truy lùng, triệt hạ tận gốc bọn địch còn lẩn khuất, ẩn trốn, có thể quay trở lại phá rối trị an trong khu vực này, thêm vào đó theo tin tình báo, trong vùng nầy có một số người thiên cọng, làm giao liên tiếp tế cho chúng. Vì thế Biệt Đội 814 được lệnh ở lại đây, một mặt là kiện toàn an ninh cho dân chúng, trước khi trao lại cho Chính Quyền Quân Sự Địa Phương, mặt khác phát hiện và tiêu diệt hạ tầng cơ sở của địch. Với hai nhiệm vụ trên, hàng ngày tôi đưa các Trung Đội bố trí rải rác trên các con đường từ khu vực gia cư, dẫn đến các vùng canh tác để theo dõi, kiểm soát chặt chẽ về lương thực mang theo, về số lượng đi và trở về của cư dân. Nhờ đó mà khám phá ra được những thành phần nối giáo, tiếp tay cho giặc.
Căn cứ vào những phát hiện nêu trên, tôi cho lệnh các Trung Đội, vào mỗi đêm đưa các Tiểu Đội đến mai phục tại vườn sau những ngôi nhà khả nghi. Quả nhiên, đến nửa khuya, một hai bóng đen xuất hiện, phía sau của một trong những căn nhà trên. Hạ sĩ I Cư, Tiểu đội Trưởng hô to ra lệnh các bóng đen đứng lại. Bọn chúng liều lĩnh bỏ chạy. Tiểu Đội không nổ súng vì sợ đạn trúng dân, và làm khuấy động giấc ngủ, mà chỉ đuổi theo. Đến cuối vườn, hai bóng đen mất biến tăm dạng.
Đợi đến trời sáng, tôi lệnh cho Thiếu Úy Lại Đình Hợi, Trung Đội Trưởng Trung Đội 1 và Thiếu Úy Nguyễn Tấn Mẫn, Trung Đội Trưởng Trung Đội 2, đưa quân đến bao vây khu vườn để lục soát. Khu vườn rộng khoảng nửa mẫu, chỉ trồng khoai lang, từng vồng khoai lớn song song và dài chừng 10 mét. Đưa tay vạch các dây khoai lang tìm kiếm, chẳng thấy tung tích gì, nhưng ngoài khu vườn này, hai tên địch không thể chạy thoát đâu xa được. Chắc hẳn phải có hầm hố, địa đạo ở quanh đâu đây mà thôi. Tôi tin là như thế nên lưu ý hai Sĩ Quan Trung Đội Trưởng cho rà soát kỹ lưỡng lại, cần thiết phải sử dụng cuốc xẻng, lưỡi lê, gắn vào đầu súng để đào bới, xăm xỉa sâu trên các vồng khoai, rãnh luống.
Khoảng nửa giờ sau, Trung Sĩ Nhàn, Trung Đội Phó Trung Đội 2, sau khi thọc lưỡi lê sâu vào trong vồng khoai, ở gần cuối luống, thì lưỡi lê ghim cứng vật gì đó, phải dùng hết sức với sự hỗ trợ của Hạ Sĩ Toàn, thì cả hai mới kéo lên cả một chùm rau lang, phủ trùm trên một tấm gỗ vuông vức và ở bên dưới để lộ một cái hố sâu hơn một mét, thì ra đây là một cửa hầm bí mật. Vậy là không chạy đâu nữa, hai tên Việt cọng đang ở dưới này. Giọng Thiếu Úy Mẫn chắc nịch vang lên:
“Đầu hàng đi, không tôi cho lựu đạn xuống ngay bây giờ”.
Không đầy một phút sau, một tên Việt cọng ló đầu ra khỏi miệng hầm, mặt trắng bệt, hai tay đưa lên trời, tên thứ hai cũng chui đầu lên, với vẻ mặt như còn ngái ngũ. Cả hai được kéo ra khỏi miệng hầm, tuổi chừng 16, 17, ngồi co ro giữa hai vồng rau. Điều tra tạm thời, với giọng Miền Bắc Trung bộ, bọn chúng khai đơn vị là Tiểu Đoàn 9, Trung Đoàn 173, Sư Đoàn 7 cọng sản Bắc Việt, thâm nhập từ Miền Bắc vào Nam mới chỉ 6 tháng.
Nhìn hai tên Việt cọng, tự dưng trong lòng tôi tràn lên niềm thương xót và tội nghiệp. Với số tuổi này, chỉ có Việt cọng mới cướp mất đi tuổi thơ của chúng và biến chúng trở thành một công cụ để thực hiện cái mưu đồ mà Việt cọng rêu rao là “giải phóng miền Nam”./.
No comments:
Post a Comment