Monday, May 18, 2015

Cuộc di tản của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa và người thương binh

Phan Văn Lộc





Trong buổi tiệc của Hội Võ Bị Âu Châu, niên trưởng Nguyễn Thanh Đoàn K21, thuộc Bộ Chỉ Huy trường Võ Bị, kể cho Phạm Xuân Sơn K30 nghe việc trường Võ Bị di chuyển khỏi Đà lạt vào những ngày cuối tháng 3/1975. 

Khi di chuyển về đến Bình Tuy thì có một SVSQ khóa 30 bị thương nặng, khó sống được trong hoàn cảnh hỗn độn thiếu thốn trăm bề, nhưng NT Đoàn vẫn cầu nguyện xin ơn trên ban cho người SVSQ đó được tai qua nạn khỏi. 

Cho đến ngày hôm nay trong lòng niên trưởng vẫn nghĩ đến người SVSQ bị thương đó và không biết sống chết thế nào? Niên trưởng Đoàn hỏi Sơn có biết tin tức về người bạn đồng khóa đó không? Cảm động trước tấm lòng của người sĩ quan đàn anh, Sơn đã cho NT Đoàn biết người bị thương đó là Phan Văn Lộc, còn sống và hiện đang ở Mỹ.

Đó là tóm tắt nội dung email của Sơn gửi cho tôi kèm theo số phôn và địa chỉ email của niên trưởng Đoàn. Tôi, Phan Văn Lộc, khóa 30 rất xúc động trước tấm chân tình của niên trưởng Nguyễn Thanh Đoàn K21 nên đã tiếp xúc ngay với NT. Chuyện bị thương và tử thương trên chiến trường, trên đường đi tản là quá bình thường, hơn nữa sự việc đã xảy ra cách nay 40 năm đi vào quên lãng là chuyện thường tình. Nhưng một sĩ quan còn nhớ tới vết thương của một SVSQ mà ông không biết tên, thì quả thật không bình thường chút nào mà đầy lòng nhân ái.

Là em áp út trong một đại gia đình có truyền thống tôn ti, tôi xin cám ơn tấm lòng của niên trưởng Nguyễn Thanh Đoàn, của các niên trưởng K21, của tất cả quý niên trưởng. Xin cám ơn trường Mẹ, trường VBQGVN đã sản sinh ra những người con đầy “tình tự Võ Bị” và rồi trở thành những cấp chỉ huy đầy ắp tình đồng đội, tình chiến hữu ngoài chiến trường.

Câu chuyện xảy ra đã 40 năm, giờ đây nhờ những buổi họp mặt, nhờ nhắc lại kỷ niệm cũ, chiến trường xưa của niên trưởng Đoàn khiến dĩ vãng trở về như một cuốn phim quay lại trước mắt tôi, xin phép quý huynh đệ cho tôi kể lại chuyện xưa, chuyện những SVSQ bỏ trường mà ra đi vào nơi lửa đạn.

Sau khi mãn mùa quân sự năm thứ hai và bước vào mùa văn hóa, khóa 30 cũng như các khóa khác khi đi học văn hóa vẫn phải trang bị vũ khí đầy đủ để sẵn sàng tác chiến vì tình hình chiến sự bên ngoài càng ngày càng trở nên khốc liệt. Ngày 30 tháng 3 năm 1975, lúc 3 giờ chiều Trung Đòan SVSQ được lệnh trở về doanh trại để chuẩn bị cuộc di hành xa với đầy đủ hỏa lực tác chiến. Khỏang hơn 4 giờ chiều, liên đội G, H rời khỏi trường Mẹ bằng cổng Nam Quan trên 4 chiếc GMC. Ra đi lần nầy chúng tôi không ngờ đây là lần vĩnh biệt ngôi trường thân yêu mà chúng tôi đã sống một năm 4 tháng 4 ngày 15 giờ.

Liên đội G, H chúng tôi được đưa xuống bảo vệ Cầu Đất, còn các liên đội khác thì trải dài cho đến đập thủy điện Đa Nhim. Ngày hôm sau dân cư trong thị xã Đà Lạt biết được các SVSQ đã rời trường Võ Bị nên họ bắt đầu bỏ Đà Lạt để ra đi. Đến 7 giờ tối chúng tôi được lệnh của Trung Đoàn di chuyển theo hai bên lề đường để bảo vệ cho dân Đà Lạt di tản, chúng tôi đi bộ suốt đêm mãi đến 5 giờ sáng hôm sau chúng tôi mới qua khỏi đèo Sông Pha thuộc quân Đơn Dương và dừng quân tại đây chờ các liên đội khác tập hợp đầy đủ.

Vì liên đội G, H đi đầu nên chúng tôi có thời giờ nghỉ chân chờ cho cả Trung Đòan tập hợp đầy đủ dưới chân đèo Sông Pha. Tôi nằm đại bên lề đường, đầu gác lên balo đưa mắt nhìn chung quanh, bạn bè trong đại đội nằm rải rác khắp nơi, xa xa từng đoàn người di tản từ Đà Lạt, theo quốc lộ hướng về Bình Tuy. Cả một đoàn người hỗn độn, nào là tiếng động cơ của GMC, xe dân chính và tiếng người hoà lẫn nhau như một điệu nhạc quay cuồng mặc dù trong tâm tư của tôi trầm lắng và buồn bã về cuộc di tản nầy. Tôi nghĩ là chúng tôi không thể nào trở về ngôi trường thân yêu đựơc nữa, rồi giấc ngủ đã đến với tôi lúc nào tôi không hay, mãi cho đến khi bị cái đá của một người bạn đồng khóa vào chân tôi mới chợt tỉnh dậy thì trời đã sáng. Nhìn đồng hồ tay tôi thấy kim chỉ 7 giờ 30 sáng, cả Trung Đoàn SVSQ được lệnh tập hợp và lần lượt lên xe GMC để tiếp tục cuộc hành trình hướng về Bình Tuy. Lần nầy cuộc hành trình của Trung đòan SVSQ không lẻ loi vì có thêm vị Chỉ huy trưởng khả kính của chúng tôi là Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ dẫn đầu mặc dù ông có sẳn trực thăng dành riêng cho ông.

Đòan xe của chúng tôi đi đầu, theo sau là cả một đòan người di tản, hễ xe của chúng tôi đi đến đâu là dân chúng bỏ nhà đi theo bằng đủ mọi phương tiện mà họ có thể dùng, kể cả xe bò tạo nên một làn sóng người khổng lồ di tản xuôi Nam. Xe chúng tôi chạy qua Phan Rí. Tôi nhận thấy nơi đây không còn chính quyền kiểm soát nữa, cướp bóc nổi lên khắp nơi. Mãi đến chiều ngày hôm đó, chúng tôi được lệnh dừng quân tại Phan Thiết và Trung Đòan SVSQ đóng quân phòng thủ trong trường Tiểu Học cách toà tỉnh trưởng không xa.

Một đêm an lành trôi qua. Đang đắm chìm trong giấc ngủ, quên hết cả trời đất sau một cuộc hành trình mệt mỏi thì chúng tôi bị đánh thức bởi một tiếng nổ long trời lở đất. Bừng tỉnh dậy tôi mới biết Việt Cộng đang pháo kích vào Phan Thiết, một trái đã rơi trúng hầm xăng của toà Hành Chánh tỉnh, tôi thấy một cụm lửa bốc cao hơn 20 thước mặc dù tôi đứng tại trường tiểu học. Ngay lúc đó chúng tôi được lệnh phân tán mỏng, vì sợ sau khi pháo kích Việt Công sẽ tấn công. Chờ mãi không thấy động tỉnh gì trung đòan được lệnh tập hợp và lên xe tiếp tục cuộc hành trình tiến về Bình Tuy.

Lúc nầy trên quốc lộ về Bình Tuy chúng tôi di chuyển rất khó khăn vì làn sóng người di tản quá đông kể cả dân chúng cùng quân đội từ vùng 1 chạy về tạo nên một đoàn người di tản vô trật tự. Biết bao nhiêu cảnh thương tâm đã xảy ra trước mắt tôi. Nào cha mẹ lạc mất con, vợ mất chồng, người chết vì đạn lạc, kẻ chết vì bị rơi xuống đường bị xe cán, thân xác họ được người đồng hành mang để đại bên lề đường!

Xế chiều, đòan xe của chúng tôi đến ngã ba Bình Tuy, nơi đây có một chiếc cầu bắc qua con kinh nhỏ nhưng mùa này không có nước chảy qua và cầu đã bị VC giựt mìn xập từ lâu, được công binh sửa chửa tạm bằng những vỉ sắt của phi đạo để cho xe qua tạm. Kế bên cầu có một ngọn đồi, địa phương quân đóng giữ để bảo vệ cầu. Khi đòan xe của chúng tôi qua cầu thì bị địa phương quân bắn xuống không cho qua nên Tướng Thơ điện vào Bình Tuy hỏi thì được Tướng Nhật (K10) tư lệnh chiến trường Bình Tuy cho biết vì giữ an ninh cho tỉnh ông không cho lệnh vào Bình Tuy khi trời tối nên Tướng Thơ ra lệnh cho Trung Đòan SVSQ nghỉ lại qua đêm, chờ sáng sẽ tính sau.

Hôm sau, 5 giờ sáng, được lệnh của Tướng Thơ, Trung Đòan SVSQ bắt đầu di chuyển vào Bình tuy, dẫn đầu là thiết giáp M113, một xe jeep, một chi đội Thiết Giáp, một đại đội Biệt Động Quân, tất cả đều chịu dưới quyền chỉ huy của Tướng Thơ. Không ngờ khi chiếc xe jeep đã qua được bên kia cầu, xe M113 còn đang ở giữa cầu thì bị 2 trái B40 của VC từ trên đồi bắn xuống, một trái làm cháy chiếc M113, trái khác làm lật chiếc xe jeep. Tôi đứng trên chiếc xe GMC cách xa hơn 200 thước. Trước xe GMC là xe của Tướng Thơ và chiếc thiết giáp của trường do Đại Úy Lập chỉ huy.Trước sự việc xảy ra như vậy Tướng Thơ mới ra lệnh cho NT Cần, thủ khoa K20 là giáo sư của Trường gọi điện vào Bình Tuy thì được biết đồn Đia Phương Quân trú đóng trên đồi đã bị mất liên lạc hồi 12 giờ đêm hôm qua. Phải diệt chốt để vượt qua, Tướng Thơ ra lệnh phá chốt để vào Bình Tuy, những chiếc thiết giáp được dàn hàng ngang và SVSQ cùng Biệt Động Quân từng chiếc tiến lên chiếm đồi. VC từ trên đồi bắn xối xả xuống, nào là đại liên, B40, và AK47, cho nên tôi, NT Xù K28 cùng NT Hoà K27 (SĐI, từ vùng 1 về, gặp trường di tản nên đi chung luôn) nhảy xuống mô đất gần đó để tránh đạn. Chúng tôi nghe một tiếng nổ thật lớn, buị cát bay mịt trời, sau đó chúng tôi kiểm soát lại coi có ai bị thương không? Nhìn qua NT Xù tôi thấy tay của NT bị một mảnh đạn trúng chảy máu, tôi nói:

- Tay của NT bị thương rồi, để tôi băng cho.

Tôi lấy băng cá nhân trên nón của NT Xù để băng cho anh. Trong lúc tôi đang băng thì NT Xù nhìn nơi ngực của tôi có vết máu chảy ra, NT la lên:

- Ngực anh Lộc cũng bị thương.

Tôi vội vạch áo ra thì thấy ở ngực bên phải có một lỗ nhỏ và máu đang chảy ra, NT Hoà nghe được vội chạy tới bắt tôi nằm xuống và băng vết thương cho tôi, đồng thời NT la lớn lên:

- Lộc đã bị thương nặng, có y tá nào gần đây xin tiếp cứu.

May có một anh y tá của trường ở gần đó chạy đến và băng bó cho tôi, có lẽ do kinh nghiệm cứu thương, anh thấy tôi bị ở ngực lại thở khò-khè nên anh biết tình trạng của tôi, anh vội ta la lên:

- Anh nầy bị thương xuyên qua phổi, cần phải đưa vào bệnh viện gấp, nếu không máu sẽ đông lại rất nguy hiểm đến tính mạng.

May cho tôi, có một NT K26 (tôi quên tên) mang được một chiếc xe jeep từ trường về, NT vội chạy đến dìu tôi lên xe và la to:

- Có anh SV nào theo tôi đưa anh nầy vào bệnh viện không?

Người bạn thân cùng trung đội là Võ Đình Nhân nhảy lên xe ôm tôi cho NT chạy xe về hướng Bình Tuy.

Mặc dù nửa người của tôi tê cứng, nhưng đầu óc tôi vẫn còn tỉnh táo, tai tôi vẫn con nghe tiếng đạn hai bên nổ dòn …rồi dần dần tôi thiếp trong hôn mê không còn biết gì nữa….Tôi bừng tỉnh dậy khi ai nắm vai lay động và nghe tiếng Võ Đình Nhân nói:

- Lộc! Lệnh trên không cho lính đi tản lẻ tẻ vào Bình Tuy nên tao chỉ được đưa mầy đến đây, NT K26 và tao sẽ đỡ mầy xuống đây để chờ xe cứu thương đưa mầy vào bệnh viện. Mầy yên tâm, NT Nhật đã gọi xe cưú thương tới rồi. Tao phải trở lại chỗ cũ để di chuyển theo trường, chúc mầy bình an.

Tôi nhờ Nhân lấy sợi dây chuyền tôi đang đeo trong cổ ra, sợi dây chuyền có tượng Phật mà bà nội tôi đã đeo vào cổ tôi trước khi từ giã gia đình để vào trường Võ Bị. Cầm tay Nhân tôi nói:

- Nhân, mày giúp tao, đưa sợi dây chuyền nầy cho bà nội tao, nói với bà nếu tao không về là tao đã chết, bà đừng ra đây tìm xác tao rất nguy hiểm, tao cảm ơn mầy, tạm biệt...

Chưa nói hết câu “tạm biệt mày và niên trưởng..” thì tôi thiếp đi, hồn lâng lâng như đi vào khoảng không, tất cả những hình ảnh từ thời ấu thơ, hình ảnh những người thân yêu trong gia đình kể cả hình ảnh của người yêu lần lượt hiện ra trong trí tôi. Sau nầy khi nghe tôi kể lại, những người lớn tuổi cho biết đó là sự việc xảy ra cho người sắp lìa đời.

Thấm nhuần triết lý của đạo Phật do ông bà nội tôi thường giảng dạy, tôi nghĩ đời sống con người có sinh thì phải có tử, đó là định luật tự nhiên của tạo hoá cho nên lúc đó lòng tôi rất bình thản, cũng may vì nửa bên người không còn cảm giác nên tôi không cảm thấy đau đớn vì vết thương.

Tôi bị đánh thức bởi một tiếng nói rất to:
_ Các anh đưa anh SV nầy đến bệnh viện ngay.

Tôi vội đưa mắt nhìn về phía phát ra tiếng nói, tôi nhìn thấy một quân nhân đứng trên thiết vận xa M113, trên nón sắt của ông có 2 ngôi sao, bảng tên là Trần Văn Nhật. Sau nầy tôi mới biết là Tướng Trần văn Nhật K10 xuất thân từ trường VBQGVN, lúc đó ông là Tư Lệnh chiến trường Bình Tuy.

Người đứng đối diện với Tướng Nhật là một vị Đại Uý Quân y, ông chào đáp lễ Tướng Nhật rồi quay qua giúp anh y tá đưa tôi lên xe cứu thương, hối anh tài xế chạy lẹ lên.

Tôi chợt thấy niên trưởng K26 và Nhân còn tần ngần đứng đó, họ chưa đi mà còn ở lại với tôi cho tới khi xe cứu thương từ trong Bình Tuy đến. Xúc động biết chừng nào, có lẽ tim tôi bóp mạnh và mắt tôi mờ đi, tôi chỉ kịp nhận ra những bàn tay huynh đệ trường mẹ vẫy vẫy khi xe tải thương rồ máy, tôi muốn vẫy tay lại “vĩnh biệt” các anh nhưng đưa tay lên không được khiến tôi nấc lên mấy lần. Thấy vậy người bác sĩ ngồi bên cạnh vỗ vỗ nhẹ lên ngực tôi an ủi:

_ Trước đây tôi có phục vụ tại Trường Võ Bị một thời gian nên tôi xem anh như người thân, anh đừng lo, tôi sẽ tận tình giúp anh.

Đến bệnh viện, ông tìm Đại Úy Bác sĩ Trưởng ngay để chữa cho tôi. Lúc đó miệng tôi cứng lại, không nói được nhưng đầu óc vẫn còn tỉnh táo. Bác sĩ lấy tên và loại máu trên thẻ bài của tôi xong gọi 2 y tá đưa tôi vào phòng cấp cứu và chính tay ông đã giải phẫu thông phổi cho tôi.

Xong phần giải phẫu và băng bó vết thương, ông nói sẽ tiếp máu cho tôi, vì tôi bị mất máu nhiều quá nhưng rất tiếc loại máu của tôi không còn, ông nói sẽ cố gắng tìm kiếm những quân nhân và thương binh nhẹ trong bệnh viện có cùng loại máu.

Nghe BS nói mà tôi lòng tôi vẫn bình thản, tôi nghĩ nếu số tôi còn sống thì ơn trên sẽ giúp cho tôi tìm được người cùng máu. Một lúc sau BS trở lại nói:

_ Mạng anh lớn lắm vì có một anh lính TQLC bị thương nhẹ có cùng loại máu với anh và chịu hiến máu cho anh, tôi cảm ơn dùm anh rồi

Tôi đã nhận máu của một người lính mà tôi không biết mặt biết tên, ơn nghĩa nầy tôi không biết sao đền đáp chỉ biết cầu Trời Phật cho anh vạn sự an lành. Sau đó tôi đã thiếp đi, khi tôi tỉnh dậy thì trời đã tối, nhìn đồng hồ trên tường, kim chỉ 9 giờ tối, đảo mắt nhìn quanh tôi thấy thương binh nằm chật kín cả phòng, không đủ chỗ phải nằm trên băng ca.

Một đêm an bình trôi qua tại bệnh viện Bình Tuy, khỏang 10 giờ sáng, một bác sĩ đến thăm tôi và kể cho tôi biết ông tốt nghiệp trường Quân Y, mỗi năm khi đến mùa quân sự, khóa của ông phải ra Đà Lạt thụ huấn chung với khoá 19 Võ Bị do đó ông luôn nghĩ ông cũng xuất thân từ trường Võ Bị nên ông tận tình với tôi như đàn em. Tôi và ông tâm sự với nhau, một lúc sau ông nói:

- Tôi sẽ tìm một cô y tá có gia đình ở Saì Gòn để cho theo anh về Tổng Y Viện Cộng Hoà nội trong chiều nay, 3 giờ chiều sẽ có chuyến bay chở thương binh về bệnh viện Cộng Hoà. Tôi nghĩ Bình Tuy sẽ mất, với tình trạng vết thương quan trọng này, anh sẽ gặp nguy hiểm lắm nếu không được tiếp tục săn sóc.

Nói xong ông cầm tay tôi thật lâu, lắc lắc như muốn nói thêm rồi ra đi. Tôi nhắm mắt ngủ một giấc cho đến khi nghe một giọng nói trong trẻo của một người con gái đánh thức tôi dậy. Trước mắt tôi là bác sĩ và một cô y tá đứng kế bên, ông giới thiệu cô tên là Hồng, cô sẽ săn sóc và theo tôi về Saì Gòn và cô sẽ ở lại Sài Gòn. À ra thế, nhất cử lưỡng tiện, chứ mạng sống của một SVSQ chưa một ngày ra trận dễ gì được ưu đãi đặc biệt như thế. Nhưng tôi vẫn thấy vui nên nói lời cám ơn vị bác sĩ và cô y tá Hồng.

Khi về đến Tổng Y viện Cộng Hoà tôi được đưa vào phòng cấp cứu để BS giải phẫu lại một lần nữa.Tôi mê man và khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm phòng khác là phòng hồi sinh ở tầng hai, đó là ngày 5 tháng 4 năm 1975, ngày mà tôi không bao giờ quên được vì khoảng 9 giờ 30 sáng tên phản bội Nguyễn Thành Trung đã dội bom vào dinh Độc Lập.

Tôi nằm ở đây được một tuần, trong thời gian nầy tôi nhờ người báo tin cho gia đình lên thăm. Sau đó tôi được chuyển qua khu phục hồi của sĩ quan. Vì thiếu phòng nên 3 người ở chung một phòng. Trong phòng tôi gồm có một chuẩn uý Địa Phương Quân bị thương ở bụng, ruột già phải cho ra ngang hông, một thiếu uý Lôi Hổ bị đạn xuyên từ cằm lên đầu, anh nằm đây hơn 3 tháng để chờ tái giải phẩu. Lúc nào trên môi anh cũng nở nụ cười và luôn miệng hát:

Trên nòng súng quê hương…tổ quốc đã nghiêng mình…

Đến hôm nay tôi không biết vị thiếu úy đó còn sống hay đã chết vì ngày 30 tháng 4 khi Việt cộng vào Saìgòn, chúng đã đuổi tất cả thương bệnh binh VNCH ra khỏi bệnh viện. Những ngày sau đó tình hình Sài Gòn thêm sôi động, gia đình tôi ở Sài Gòn đã đưa tôi về nhà, mời y tá đến săn sóc vết thương cho tôi…

Tôi chỉ là một người lính chưa ra trận mà đã bị trọng thương và đã may mắn được mọi người thương, cứu tôi khỏi bàn tay của tử thần trong khi những quân nhân chiến đấu thực sự trên chiến trường thì không được may mắn như tôi, biết bao các anh đã nằm xuống bên vệ đường, trong rừng sâu, trên đồi cao để đồng bào được bình an. Đã 40 năm qua, vết thương trên da thịt tôi đã lành nhưng vết thương lòng vẫn còn đang rỉ máu. Tôi không bao giờ quên được ngày 30 tháng 4, lúc 9 giờ sáng, tôi chết lặng người khi nghe trên đài phát thanh tiếng của  “TT” Dương Văn Minh ra lệnh cho quân nhân các cấp buông súng đầu hàng!!!

Gần đến ngày Quốc Hận 30 tháng Tư. Ngày đau buồn của đất nước, tôi xin chia xẻ niềm đau cùng những người trai trẻ như tôi với bầu nhiệt huyết và mộng tang bồng hồ thỉ, mang hoài bão lấp biển vá trời phải đành gián đọan nửa đường với lòng uất hận…

Tôi viết lên những dòng chữ nầy để gởi lời tri ân đến các niên trưởng, bác sĩ, y tá, bạn cùng khóa, những quân nhân các đơn vị bạn đã giúp đỡ, cứu mạng sống của tôi. Những tấm chân tình đó đã nói lên tình tự Võ Bị của các cưụ SVSQ cũng như những người đã từng một thời đến với Trường Mẹ, của những người cùng chung chiến tuyến. Tôi rất hãnh diện là một cưụ SVSQ của Trường VBQGVNCH, là một người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, hiện tại cũng như mãi mãi về sau…

Phan Văn Lộc
(Cựu SVSQ K30 TVBQGVNCH)

No comments:

Blog Archive