Monday, May 18, 2015

Luật S-219, Biết Rồi, Khổ Lắm, Nói Mãi.
Ngày 3 tháng 5, khi hai người đàn bà Việt Nam nổi tiếng Dương Nguyệt Ánh, Lữ Anh Thư đến Montréal nói chuyện, thì tôi không có mặt. Không phải vì tôi không tha thiết với buổi nói chuyện của 2 nhân vật mà tôi rất ái mộ, mà vì những gì tôi muốn nói, tôi đã nói và viết rất nhiều rồi.
Đạo luật S-219 gây chia rẽ rất nhiều trong cộng đồng các người tỵ nạn CS tại Montréal, Toronto, Alberta….v.v. Đó là một sự thật, không ai có thể chối cãi. Tôi có chứng cớ, có tên tuổi các người này (Đừng chụp mũ họ là CS, tôi biết là sẽ có kẻ làm chuyện này, cũng như có kẻ đã chụp mũ tôi, chuyện trẻ con). Riêng tôi, không có mặt là vì thấy mình không cùng quan điểm với BCH .
Tuy không có mặt, nhưng mới đây, tôi được xem video của buổi hôi thảo đó, với những trao đổi giữa các diễn giả và các hội thảo viên. Qua video này, tôi thực cảm thấy là mình đã quyết định đúng khi chọn thái độ vắng mặt. Sau đây là những gì ghi nhận được :
Ông Đào Bá Ngọc nói Luật S-219 chỉ áp dụng cho người Canada. Nếu nói vậy thì đạo luật này không dành cho người Việt Nam ??? Và Bà Lữ anh Thư đã đặt vấn đề ngay khi ông Ngọc phát biểu như vậy.
Một ông khác : Người Canada không có chuyện «quốc hận», không thể bắt họ dùng chữ này. Vậy xin hỏi lại người Canada «tự do» từ hồi lập quốc, tại sao bây giờ phải làm luật «Ngày hành trình về Tự Do». Nếu không thể dùng chữ «Quốc Hận», thì cũng không thể dùng chữ «Hành Trình Tìm Tự Do». Hai sư vô lý đó tương đương với nhau.
Riêng việc giải thích cờ rũ, Ông MC Trần Văn Dũng tuyên bố là chính ông đã nghe ông bộ trưởng gì đó nói trong buổi lễ kỷ niệm ngày 30 tháng tư tại Ottawa, là Quốc Hội Canada treo cờ rủ là để chia buồn với người tỵ nạn Việt Nam.Nếu sự thực như lời ông nói, xin ông liên lạc lại với nhân vật đó để họ cho vào công báo, chứ chúng tôi vào Patrimoine Canadien, không thấy có dấu tích gì.
Lời nói bay đi, và nhất là lời nói bên lề, nói lấy lòng. Việc treo cờ rũ rất quan trọng và thiêng liêng, không phải là chuyện tầm thường. Do đó, xướng ngôn viên của buổi lễ không thể tuyên bố long trọng trước quần chúng mà không kiểm tra sự thực. Chúng tôi chỉ tin vào công báo, không thể tin vào lời nói của một cá nhân, ngay cả lời của một ông dân biểu, hay bộ trưởng. Việc truyền thông cần sự chính xác. Ngày nay,với Internet, mọi việc đều có thể kiểm chứng dễ dàng.
Trở lại với cuộc Hội Thảo,các hôi thảo viên nói rất nhiều về luật S-219, nhưng chẳng nêu lên những ý kiến gì khác lạ. Người ta phản đối việc chọn tên cho ngày 30 tháng tư chứ không phản đối nội dung của luật S-219 và lợi ích của nó. Chúng ta không thể mất thì giờ và giấy mực cho việc lạc đề này. Đúng, nội dung nó hay, nhắc nhở bà con cội nguồn thuyền nhân, biết ơn người Canada, tưởng nhớ người đã chết. Đồng ý, biết rồi, khổ lắm, nói mãi, nhưng tại sao lại chọn ngày 30 tháng tư mà không thể là một ngày nào khác ??
Gọi ngày đó là Hành Trình tìm Tư Do (Dĩ nhiên cho người gốc VNCH chứ không cho người Canadiens được) là cưỡng từ, ép ý, là nói sai sự thực.
Chúng ta chỉ trích CS là nói láo, nói dối từ lâu nay. Vậy tại sao lại bắt chước họ trong việc tuyên truyền này.
Nếu quý vị gọi ngày 30 tháng tư là «Ngày Hành Trình Tìm TựDo», thì đó là chuyện riêng của quý vị (Quý vị có bao nhiêu người ra đi ngày hôm đó ??). Ngày đó, tôi cũng như đa số người Việt Nam Công Hòa, người Miền Nam, hoang mang, lo sợ vì biết rằng mình sắp phải làm một «hành trình vào chốn lao tù»
Tôi cũng không thể gian dối với các con tôi là ngày đó bố và các bác, các chú tìm Tự Do, như một ông nào đó đề nghị. Với con cháu, tôi phải nói sự thực. Lịch Sử cũng phải trung thực, chứ không thể xuyên tạc .
Một lời gửi các chị Dương Nguyệt Ánh, Lữ Anh Thư : Những lời phát biểu của những người hiện diện mà quý vị nghe, chỉ là một phần của dư luận Montréal. Còn nhiều tiếng nói khác đã chọn thái độ vắng mặt để tránh những tranh luận không cần thiết, và vô ích.
Chúng tôi rất hoan nghinh và cám ơn những lời phát biểu với quan điểm và lập trường đúng đắn của quý vị về tên gọi ngày 30 tháng tư.
Trần Mộng Lâm.

No comments:

Blog Archive