Wednesday, May 27, 2015

Chốn Cũ Trường Xưa
(Bình Đại Quê Tôi)

(Viết cho những người bạn cùng quê, cùng thời và cùng số phận.)

Võ Quân

“...Có cô gái Bến Tre, má hồng duyên e thẹn,
chưa muốn cười đã thắm đôi môi...”


Đây là một đoạn trong khúc nhạc mở đầu của chương trình phát thanh Kiến Hòa khoảng 50 năm về trước mà tôi còn nhớ như in trong đầu. Lúc đó trong tuổi mới lớn, hình ảnh cô gái trong bài nhạc cũng là hình ảnh của các cô nữ sinh duyên dáng trường Trung học Bình Đại trong tôi, một chú bé quê mùa đầy mặc cảm trước vẽ thướt tha yêu kiều của các cô gái chợ. 

Bình Đại quê tôi, một quận của Kiến Hòa xưa, xứ dừa Bến Tre thơ mộng trong văn chương và huyền thoại tắm nước dừa của con gái cho thêm thắm má hồng môi, "người Bến Tre” hay "quê hương xứ dừa” còn là một ẩn dụ hóm hỉnh dễ thương dùng để chỉ những người có hàm răng hô giống như một bàn nạo dừa. Tất cả đã tạo nên hình ảnh một Bình Đại xưa hiền hòa mà mỗi lần nghĩ đến cứ chất cao nỗi nhớ, nhất là ngôi trường thân yêu với bao nhiêu kỷ niệm thiếu thời khó phai nhạt.

Thực ra, với tuổi trên dưới 16 và ít năm trung học ở đây, nếu viết về kỷ niệm với ngôi trường nhỏ thị trấn thì chỉ là những điều vụn vặt tuổi nhỏ hàng ngày. Giống như mái nhà tuổi thơ của từng người, mỗi góc kẹt đều có in hằn những kỷ niệm riêng tư mà chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận và trân quý. Cũng vậy, đây chỉ là những trãi bày chút riêng hương xưa, chốn cũ có liên quan đến một nhóm người cùng chung lớp, chung trường trong một thị trấn nhỏ nhoi dễ nhàm chán. Xin chư huynh đệ rộng lượng lướt qua hay bỏ ngoài mắt những địa danh, nhận vật xa lạ được nhắc nhở trong bài dù là "người thật việc thật” đối với người viết, xem như chia sẻ chút tình quê với một người xa xứ.

Quê tôi, quanh năm người dân lam lũ với nghề nông, chăn nuôi và đánh cá. Tuổi thơ tôi như gắn liền với phèn chua và bùn lầy, bạn bè những ai mai mắn rút được một chân ra khỏi mảnh vườn thửa ruộng ngàn đời của ông cha thì chỉ có con đường duy nhất là đi qua mái trường Bình Đại, một con đường dài lê thê và cơ cực nhưng là niềm hy vọng lớn của gia đình và cũng là niềm kiêu hãnh của bọn trẻ chúng tôi. Đường dài lê theo nghĩa đen thực sự, bởi từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã phải đùm túm tập vở, cà men đựng thức ăn cho cả ngày (lúc ấy trường dạy cả 2 buổi sáng và chiều), một ngăn cơm với một khứa cá kho mặn, có khi chỉ là một cục đường tán, cuốc bộ từ những làng xóm xa xôi, tung tăng trên các con đường đầy cát bủn đến nỗi xe đạp không thể lăn bánh, hay trên con lộ đá gồ ghề duy nhất của Quận để đến trường Tiểu học cộng đồng quận lỵ Bà Nhựt. Hình ảnh những cô cậu áo trắng, quần đen trên các nẻo đường làng, thỉnh thoảng lại cúi đầu chào một người lớn đi ngược chiều vẫn còn in đậm trong bộ nhớ hơn 60 năm cũ kỷ trong tôi, giờ nghĩ lại thật cảm thương cho những bậc Thầy Cô miền quê, mong mang lễ nghĩa chinh phục lòng các bậc phụ huynh vẫn còn ngại ngùng khi gởi con đến trường, vẫn hằng nhắc nhở : 
“Tiên học lễ, hậu học văn” hay “Ra cửa dạy trò văn hóa mới, vào nhà khuyên trẻ lễ nghi xưa”.

Trường Tiểu Học Bình Đại 1991
Ảnh: Quang Lê

Trường Tiểu học gồm 3 dãy nhà dài xây theo hình chữ U với khoảng hơn chục lớp học, khi tôi có thể biết chút ít thì ngôi trường lúc đó do thầy Sương làm Hiệu Trưởng, giám học là ông Diệp khét tiếng với cây roi lúc nào cũng có sẵn trên tay, dễ dàng vung vào mông các cậu học trò tinh nghịch, leo trèo phá phách hay chọc ghẹo con gái. Người lo tạp dịch cho trường lúc ấy là bác Hai Tây, có người con tên Thiện sau học cùng lớp bên Trung học. Thầy lớp 3 của chúng tôi (thứ tự lớp bắt đầu từ lớp Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất và Tiếp Liên) lúc ấy là ông Hồng, người nhỏ con, tôi còn nhớ không biết ông tìm đâu ra bài thơ “Dậy mà đi” của Tố Hữu và dạy học trò học thuộc lòng từ thuở ấy, sau nầy hình như ông có gặp rắc rối với an ninh. 

Lên lớp nhì và nhất thì được thầy Phổ dạy dỗ. Tôi vẫn còn nhớ năm lớp nhất, tôi được lãnh thưởng của trường được tổ chức vào buổi chiều, đến tối thì không dám về nhà vì đường xa, bọn tôi kéo xuống chợ và chọn một sạp vải trong nhà lồng chợ định ngủ qua đêm. Thầy Phổ không biết được ai báo vội vào nhà lồng chợ “hốt” bọn tôi về nhà trọ của ông cho ngủ lậu, đêm ấy tôi được "vinh hạnh” nằm chung bộ ván với thầy, dù không ngủ được nhưng vẫn nằm im thin thít, trân mình chịu trận. Tuổi trẻ của tôi làm quen với phố chợ bắt đầu như thế.

Chính diện với cột cờ trường Tiểu Học Bình Đại, 1991
Ảnh: Quang Lê

Trong giai đoạn tiểu học nầy, bạn bè trong xóm tôi có khoảng hơn phân nửa đã bỏ cuộc. Nếu đối với các bạn trai gái cư ngụ gần trường hay thị trấn, việc đi học chỉ là chuyện bình thường thì với chúng tôi, những đứa trẻ miệt làng sẽ không thể tiếp tục việc học hành nếu không có sự hy sinh, khuyến khích giúp đở của gia đình. Cho một đứa con đi học có nghĩa là mất đi một sức lao động đồng án trong nhà, nhất là vào những vụ mùa thiếu người giúp đở. Việc học hành có thể tạm gác lại nhưng việc đồng án thì không. Cũng vì lý do nầy, lớp tôi có không ít bạn bè lớn tuổi nhưng phải làm khai sinh tuổi nhỏ, hậu quả là giờ đây nhiều anh đáng lẽ đã về hưu vẫn còn phải đi cày trả nợ vì “chưa đến tuổi”. Trong lớp tôi có anh Xiêm cồ là một trường hợp điển hình, tuổi thực của anh hơn chúng tôi ít ra cũng năm sáu tuổi. Mà một khi đã không thể đều đặn đến trường thì việc học cũng gặp phải khó khăn, không theo kịp bạn bè thì sinh ra chán nản, bỏ học chỉ là chuyện trước sau. “Học như nghịch thủy hành chu, bất tiến tất thoái”, không có chuyện dậm chân tại chỗ. Ghi lại một chút ký ức về ngôi trường thời ấu thơ của quận cũng để nhớ đến nhiều người bạn tuổi nhỏ tôi đã không được trọn vẹn ước mơ, đã giữa đường bỏ cuộc ngay khi vừa bắt đầu vì nhiều lý do.

Trường Trung Học Bình Đại 1991, mặt tiền
Ảnh: Quang Lê

Từ Tiểu học bước sang Trung học chỉ cách nhau một con lộ đá nhưng bọn trẻ chúng tôi cùng gia đình đã phải vượt qua không biết bao nhiêu chông gai, cực nhọc. Sự gạn lọc qua những kỳ thi vào Trung học là điều tất nhiên nhưng cũng thật tàn nhẫn cho trẻ em nông thôn miền quê trong thời chiến. Lớp Tiếp Liên là cái phao chót cho những ai không thi đậu vào Đệ Thất có cơ hội thử thời vận lần cuối. Sang được trường Trung Học Bình Đại là một sự kiện lớn trong đời, đã qua được một thử thách bước đầu nhưng quyết định, từ đây dù đường còn dài nhưng bước chân trẻ nhỏ đã quen dần với chữ nghĩa Thầy Cô, con đường đi đến trường như gần hơn.

Trường Trung Học Bình Đại nằm đối diện với trường Tiểu học, lúc ấy chỉ có một dãy nhà 2 tầng nằm ngang, sau được xây thêm 2 dãy ngang hông thành hình chữ H. Bắt đầu từ giai đoạn nầy, chúng tôi đã đủ lớn để có thể dùng xe đạp đi học, lớn hơn chút nữa, thậm chí có người dùng cả xe gắn máy, nhất là những bạn ở xa như Gò Mối, Bình Trung... Cũng từ giai đoạn nầy chúng tôi có thêm một số bạn bè từ các xã dọc theo sông cửa Đại về học chung. 


Dù là một quận của tỉnh Kiến Hòa, Bình Đại dường như không thuộc vào tỉnh Kiến Hòa ngoại trừ phương diện địa lý và hành chánh, mà gần hơn với Mỹ Tho do địa thế đặc biệt trong thời chiến tranh, nhất là về mặt văn hóa, xã hội, kinh tế. Nằm dọc trên bờ sông cửa Đại từ Vang Quới chạy dài qua Phú Thuận, Thới Lai, Lộc Thuận, Tân Định, Cả Nhỏ, Bình Trung cho đến Thừa Đức thuộc cửa Đại, 1 trong 9 cửa sông Cửu Long, lúc đó con đường tỉnh lộ 17 Bình Đại - Bến Tre bị mất an ninh vì bị du kích đắp mô, giật mìn nên khi đi mua sắm hay “lên tỉnh”, người Bình Đại thường dùng đò máy lên Mỹ Tho theo dòng sông cửa Đại, vừa tiện lợi vừa an ninh. Ngược lại, các cô cậu học sinh từ các vùng trên cũng dùng đò để đi về Quận học. Từ Mỹ Tho người ta cũng có thể đi Sài Gòn rất tiện lợi mỗi khi cần những nhu cầu đặc biệt. Chỉ khi có công việc giấy tờ cần thiết của tỉnh Kiến Hòa, người Bình Đại mới cực chẳng đã qua Bắc (phà) Rạch Miễu sang Trúc Giang giải quyết. Về phía sông Ba Lai cũng còn các xã khác của quận Bình Đại gần gũi hơn với Bến Tre vì nằm trên dòng sông Ba Lai, tuy nhiên đây không phải là chủ đích của bài viết này.

Trường Trung Học Bình Đại 1991
Ảnh: Quang Lê

Trường Bình Đại ngoài những học sinh thuộc xã Bình Đại còn có các xã dọc theo dòng sông cửa Đại kể trên, sau khi học xong bậc tiểu học tại địa phương. Lạc vào những con đường đất nằm sâu trong các vườn dừa ở đây như lạc vào các mê hồn trận, xung quanh, trước mặt, sau lưng chỉ tòan thấy dừa là dừa. Hàng tuần các cô cậu theo đò xuôi dòng cửa Đại về Bình Đại, tạm trú trong những nhà cho mướn xung quanh trường, có khi thầy trò cùng mướn và ở chung nhau, đến sáng thứ Bảy lại khăn gói ra bến đò Bình Châu hay Cầu Tàu Bến Đình xuống đò về nhà. Đò Bình Đại - Mỹ Tho chỉ chạy mỗi ngày 1 hoặc 2 chuyến, một chuyến sớm và chuyến trưa, các học sinh khi tan trường thứ Sáu thường không còn kịp. Đò bắt đầu từ bến đò Bình Châu, đa số bạn hàng chợ xuống ở đây trong chuyến sớm nhất để đến Mỹ Tho cho kịp phiên chợ, mua sắm xong, trưa lại theo đò trở về trong ngày. Một số người khác chờ đò tại cầu tàu Bến Đình, một con đường lộ đất dài khoảng cây số từ Bến Đình chạy ra đến bờ sông, hai bên cỏ dại mọc hoang và ruộng đồng dài lên đến miệt Giồng Sầm hay trở xuống Bà Trang. Dọc đường dò còn ghé qua các bến Tân Định, Lộc Thuận, Phú Thuận, Vang Quới, có khi gặp các Giang thuyền của VNCH tới lui trên sông giữ an ninh và chặn xét các ghe xuồng khả nghi. 

Tôi thích những chuyến đò dài khoảng hơn 3 giờ đồng hồ trên đoạn sông nầy, nhất là những buổi chiều ngồi trên mui đò về quê gió sông mát rượi, tiếng máy “rây” bốn lóc rì rì bên dưới thật êm tai, thỉnh thoảng khi ghé lại một nơi nào đó, tiếng chuông điều khiển máy của bác tài công “keng keng” nghe thật vui lạ. Bác Tài công ngồi phía trước mũi đò, một anh thợ máy ngồi ở phòng máy, bên cạnh có gắn chiếc chuông nhỏ, một cây kẻng được cột vào một sợi dây chuyền đến bên bác tài. Kéo một cái tức một tiếng “keng” là ngừng máy, hai “keng” chạy tới, ba keng thì số de, bốn “keng” trong hai nhịp liền nhau là ghe đã ra khơi sẵn sàng lướt sóng. 

Đường về cố quận, ngả lưng trên mui tàu, nghe tiếng rì rào của sóng vỗ mạn thuyền, ánh nắng chiều dìu dịu, gió mơn man làn tóc như cuốn đi tất cả bụi bậm hồng trần và rũ sạch những háo hức của tuổi trẻ. Gần đến Bến Đình, xa xa đã nhìn thấy ngôi nhà gạch đồ sộ của ông Hội Đồng thật huyền bí sừng sững giữa khu đất trống miệt Giồng Sầm, như một thứ checkpoint của Cầu Tàu Bến Đình. Đò kéo còi ầm ỉ, lại những tiếng keng keng, đoàn người gồng gánh nhau lên bờ, những bước đi có phần xiêu vẹo ban đầu do ngồi bó gối quá lâu dưới đò.

Trường nằm bên đường tỉnh lộ chính về quận lỵ đoạn Bà Nhựt phía ngoài ruộng, không biết được xây cất từ năm nào nhưng khi tôi được diễm phúc bước vào thì chỉ có dãy nhà 2 tầng nằm dọc song song với con lộ, văn phòng Hiệu Trưởng ngay chính giữa dãy nhà. Phía sau trường là một sân nhỏ dùng làm nơi dựng xe đạp, ngoài bìa sân là con lạch nhỏ dẫn nước từ ngoài sông vào. Lúc đó bên cạnh con lộ đá về phía sông là cả một dãy ruộng chạy dài từ Bến Đình xuống tới Bà Nhựt, ngoại trừ đoạn Bà Trang (tức khu Nhà Thờ Thiên Chúa) có người ở, đến mùa nước ngọt ruộng lúa xanh vờn chạy dài ngút tầm mắt. Sau nầy nước sông mang phù sa bồi dần, đất ruộng ngày một cao lên nên khó bề trồng lúa. Đến nay thì khu ruộng đã hoàn toàn biến mất và trở thành vườn dừa, dân cư sầm uất. Bà Nhựt là tên gọi cả khu Trường học và khu Bệnh Viện Bình Đại nằm phía dưới, con đường lộ đá chạy ngay cả hai khu được trồng phượng vĩ rợp bóng, vào mùa hè hoa phượng đỏ rực là đoạn đường đẹp nhất Bình Đại khiến người xa quê lòng cứ nao nao nhớ mỗi khi nghĩ về trường cũ.

Từ Trường học, theo con lộ đi về hướng chợ, nằm bên phải trước tiên là bệnh viện Bình Đại nằm sâu trên một khu nổng (đất cao) với lối kiến trúc xưa cỗ gạch màu đỏ chói. Dù hay tò mò, chưa bao giờ bọn tôi dám đặt chân vào khu nhà thương nầy. Đi thêm một chút là dinh Quận nằm bên phải con đường, ở đây chúng tôi có lần vào làm thẻ căn cước ở tuổi 16. Đối diện Chi Khu Bình Đại là đồng ruộng trống trơn, một bãi đáp trực thăng nằm chơ vơ, có một dạo bỗng nhiên trở nên rầm rộ với những chiếc trực thăng lên xuống chở đầy vũ khí tịch thu được từ mật khu Hốc Quả. Ty Cảnh Sát nằm kế bên dinh Quận khép kín khu vực hành chánh và quân sự ở đây. 

Con đường chạy dài đến chợ Bình Đại hai bên tiệm quán san sát, dẫn vào chợ chính với 2 khu nhà hình chữ T gồm nhà lồng chợ là khu chính và ngôi chợ cá. Chợ Bình Đại là tụ điểm của thương mại thị trấn, một khu phố sầm uất mà các tiệm tạp hóa đa số do người Hoa làm chủ, đi chợ với bọn tôi là có dịp mở mắt nhiều hơn. Phía đầu bên kia nhà lồng chợ là một sân rộng dùng nhóm chợ gia súc và rau quả, cũng là môi dùng để tụ họp, meeting. Cuối chợ là một khán đài công cộng với một cây cột cờ cao ngất. Trên khán đài nầy, lớp tôi đã tham dự đêm văn nghệ của Quận chào mừng luật "Người Cày Có Ruộng” ngày 26 tháng 3 năm 1970 với nhiều kỷ niệm khó quên, cũng nhân tiện để tưởng nhớ đến Lê Chí Liêm, người bạn cùng lớp trong một vai kịch ở đây, giờ đã ra người thiên cổ. Bên trong nhà lồng chợ, cũng giống như mọi khu chợ, được chia trành nhiều sạp ụ nhỏ để bán vải vóc những mặt hàng tiêu dùng, ban đêm được dọn trống.

Hình minh họa internet

Đây là trường Trung Học đệ nhấp cấp duy nhất cho cả quận, từ Đệ Thất cho đến Đệ Tứ, sau đó thì học sinh phải chuyển lên Kiến Hòa hay Mỹ Tho học tiếp. Bọn tôi vào Đệ Thất năm 1965, trước đó cũng đã có mấy niên khóa đàn anh nhưng tôi không được rõ vì khi có chút hiểu biết thì các lớp trên đã rời trường. Niên khóa 1968-1969 chúng tôi có 2 lớp Đệ Tứ, một nam một nữ cộng chung trên dưới 100 người. Sang niên khóa mới 1969-1970 trường Bình Đại mở lớp Đệ Tam đầu tiên, hai lớp Đệ Tứ gom lại thành một sau khi trừ đi một số bạn bè đi tỉnh học hoặc bỏ cuộc còn khoảng 50 người. Lớp Đệ Tam đầu tiên cũng là lớp cao nhất của trường Bình Đại lúc ấy do thiếu Thầy Cô cho các lớp cao hơn. Vì vậy khi học xong niên khóa 1969-1970 thì trường “hết chữ”, bọn tôi tản lạc nhau từ đấy.

Biết là năm cuối nên lớp chúng tôi bỗng thấy như gần nhau hơn, có nhiều sinh hoạt trường nổi bật như cố ghi dấu càng nhiều kỷ niệm cho một tương lai chưa biết về đâu. Những thầy cô tận tâm tận lực như cố trang bị cho lũ học trò một vốn liếng tối đa để mai kia dù có bay xa, có đủ khả năng theo kịp bạn bè trong lớp nơi xứ lạ, trong đó có thầy Hồ Hải Trân (Sử Địa, Anh Văn), người hướng dẫn lớp Đệ Tam AB đã mang nhiều luồng gió lạ từ Sài Gòn về cho một đám học sinh ở nơi phèn chua nước lợ như chúng tôi. Rồi thầy Võ Như Thương (Việt Văn, chủ bút tờ báo Xuân Bình Đại đầu tiên được phổ biến rộng rãi do các học sinh trường mang đến tận nhà dân ở các xã Tân Định, Lộc Thuận…), cô Bích (Vạn Vật), cô Xuân (Pháp văn), Thầy Nguyễn Hữu Huợt (nhạc), Nguyễn Văn Đầy (toán), thầy Quân (vật Lý), cô Kỳ Diệu (Sử địa)... và cuối cùng là Hiệu Trưởng Lê Minh Chiếu. Như dự kiến được sự chia ly ngày một gần, lại không bị áp lực thi cử, chúng tôi từng tốp từng tốp lăn lộn khắp mọi nẻo đường Bình Đại, ở những nơi có bạn bè cùng lớp cư ngụ, từ Bình Đại cho đến tận miệt Vang Quới như cố ghi dấu ấn kỷ niệm.

Tuổi nhỏ lớn dần, từ ngôi trường thân yêu chúng tôi đã mang ít nhiều niềm vui và hãnh diện về cho gia đình, cùng theo với nhiều ước mơ cất cao của tuổi trẻ. Dù có tha thiết với ruộng đồng, yêu thương mái ấm gia đình, cánh chim non vẫn phải vỗ cánh bay rời tổ ấm, để lại bao nhiêu nước mắt và nhớ nhung của những bậc cha mẹ. Ra đi để rồi quặn thắt nhớ nhung những buổi chiều tà ngồi một mình bên cánh đồng lúa xanh gợn sóng chạy dài xa tắp đến chân trời, tay ôm đàn gãy những khúc tình ca êm đềm mà dư âm quyện theo tiếng gió bay tận xa, hay những ngày hè cùng bạn bè theo dấu chân trâu bì bỏm trên những cánh đồng cỏ năng xanh mướt.

Bao năm lăn lộn giữa trường đời, không ít người trong lớp tôi đã thành đạt, một số đã theo tiếng gọi non sông lúc bấy giờ. Thủy, Lục, Không Quân, Cảnh Sát, Giang Cảnh VNCH đều có đủ, hai người đã hy sinh là Th/u Nguyễn Văn Trân (chết trận), Th/u CS Đỗ Văn Kiệp (trên đường vượt biên). Vào dịp tổng tấn công Tết Mậu Thân, lớp chúng tôi cũng đã bị mất một chị bạn trong khu Miễu Trung Ương vì lạc đạn. Giờ đây, kẻ tha hương lưu lạc nơi xứ lạ gặm nhấm nỗi buồn cố quốc, người ở lại theo dòng sống đi tiếp con đường trần. Dù tha hương hay ở lại, 45 năm xa mái trường chắc chắn không còn nhiều hình ảnh trong trí nhớ mỗi người, lớp bụi thời gian hơn nửa đời người đã che lấp hầu hết dấu vết kỷ niệm xưa.

Một chút ký ức còn sót lại trong tôi là hình ảnh ngôi trường của hơn 40 năm về trước với những cánh áo dài trắng thướt tha, những anh thư sinh áo trắng quần xanh mang giày Ba-Ta xum xoe trước sân trường. Việc mang giày bắt buộc cho phái nam là một đề nghị của thầy Hồ Hải Trân được thầy viết trong một tùy bút cho đặc san Xuân 1970 như sau: 

"Từ phố thị về một nơi nước mặn đồng chua mà đa số học sinh xuất thân từ ruộng đồng, đôi chân của học sinh khi đến trường vẫn còn vương màu phèn đất, tôi nhìn thấy sự cần thiết phải thay đổi thói quen xuề xòa của nam sinh với đôi dép nhựa, thay vào đó phải là một đôi giày trắng đơn sơ nhưng tinh khiết màu học trò.

Qua bao nhiêu lần vật đổi sao vời, trường Bình Đại cũng đã thay đổi nhiều, bóng hoang phế có thể nhìn thấy được trước đây là một quá khứ. Giờ đây ngôi trường mới thuộc về những thế hệ hiện tại và tương lai. Nhưng dù có thay đổi như thế nào, trong tâm tưởng của chúng tôi trường Bình Đại vẫn mãi là ngôi trường ở Bà Nhật, là quán chị Bảy với ly nước đá si rô sữa buổi trưa hè ngọt lịm, với bàn bi da 3 trái mà nhiều cao thủ lúc đó vẫn còn nhớ, hay chiếc micro trong lớp do “kỷ sư” Trần Văn Danh chế biến khuyếch đại giọng khàn khàn của thầy Hồ Hải Trân đang châm biếm thế sự, hay những quái kiệt đi bộ gốc Giồng Sầm, vừa tan trường, khi mọi người vừa lấy được chiếc xe đạp sau trường ra đường lộ chạy theo thì các "quái xế hai chân” đã đi được cả cây số đến cổng Tam Quan gần Bà Trang rồi, trong khi các người đẹp vẫn còn ung dung, nhởn nha ngắm hàng trước tiệm của thầy Hiệu Trưởng Lê Minh Chiếu nằm cạnh trường. Vẫn nhớ như khúc nhạc xưa của đài phát thanh Kiến Hòa:

“...Có cô gái Bến Tre, má hồng duyên e thẹn,
 chưa muốn cười đã thắm đôi môi.
Thuyền đò sông đầy sông,
Bến Hàm Luông, Bến Cổ Chiêng, cầu Ba Lai,
năm tháng dài, vẫn đều trôi, nước ngược xuôi...”

Võ Quân
45 năm xa trường 1975- 2015

No comments:

Blog Archive