Friday, May 29, 2015

Chuyện bà T. vợ tù “cải tạo”

Ái Hoa


Cuối tháng 3 năm 1975, những người từ bờ Nam sông Bến Hải như Đông Hà, Quảng Trị đã tất tả chạy vào Huế, rồi giống như giòng nước lũ cuốn theo người dân Huế tuôn vào Đà Nẵng trong hoảng loạn và lo âu, mong tránh được làn sóng đỏ, bom đạn và những cuộc tàn sát của những Tết Mậu Thân và Mậu Tí, mà nỗi kinh hoàng vẫn còn ám ảnh trong tâm trí mỗi người. Họ đã bỏ lại tất cả chỉ mong giữ được mạng sống. Thật là:

Mùa Xuân năm ấy tưởng yên vui.
Bỗng đâu giông tố thổi vào đời.
Dân Nam điêu tàn theo vận nước.
Chạy làn sóng đỏ (CS), kiếp nổi trôi...

Bà T, vợ của Trung tá NVT, một Tiểu đoàn trưởng Bộ binh, vì ra thăm chồng bị thương trong một chuyến đụng trận mới ít ngày trước ở miền Trung đang được điều trị ở Bệnh Viện Giải Phẫu Đà Nẵng, nên bị kẹt lại ở đó. Bà vốn là một người đàn bà ngây thơ trẻ trung xinh đẹp nhưng gặp cảnh ngộ này bỗng trở thành khôn ngoan tháo vát, đã dàn xếp để tải người chồng đang bị thương cùng bầy con bà, mẹ bà, mẹ chồng bà theo làn sóng người di tản trên bến Tiên Sa, nơi đang có nhiều tàu Mỹ đậu sẵn để tải người di tản đi. Từ đây gia đình bà đã bắt đầu một chuyến đi gian nan tưởng là vĩnh biệt luôn quê nhà và một cuộc đổi đời đầy bi thương cả đời bà và con cháu bà khó mà quên!

Ngay khi đến bến Tiên Sa, từ trên bờ nhìn ra, bà T. đã nhìn thấy mấy chiếc tàu của Mỹ đang đậu xa xa ở ngoài khơi. Tàu nào cũng đầy cả người mà xa gần bao nhiêu người trên những thuyền nhỏ quá nặng muốn đắm vẫn đang tranh nhau leo lên rồi rớt xuống, nhiều người không biết bơi biến mất luôn dưới mặt biển. Chừng như trong cảnh tranh sống không ai còn nhớ đến chuyện nguy hiểm hay nguyên tắc căn bản về dung lượng của những chiếc ghe, chiếc tàu. Tiếng la hét, khóc than làm toàn cảnh hỗn loạn càng kinh khiếp hơn. Người ta chen lấn, xô đẩy nhau, đè lên nhau, và kết quả là nhiều người bị rớt, chìm dưới biển rất oan ức. Tiếng thân nhân của nạn nhân kêu khóc vang trời, nạn nhân hết hơi cầu cứu trong tuyệt vọng, con nít khóc la vì đói khát và vì hoảng hốt khi thất lạc mẹ cha v.v... làm náo động cả một góc trời Đà Nẵng.

Nhìn thấy một chiếc xà lan cũng đầy người đậu gần đó, bà T. nhào ngay đến năn nỉ, thương lượng với chủ xà lan xin nhét thêm gia đình bà lên. Nhìn thấy bộ mặt của người thiếu phụ trẻ trung đẫm đầy nước mắt giữa một bầy con nít lau chau khóc la quanh một người cha thương tật đang nằm trên băng ca, hai cụ bà già yếu đang run run, chủ tàu động lòng thương tâm nên dẹp lối cho họ lên tàu. Ngay sau đó, chiếc xà lan vội vã ì ạch ra khơi cho kịp buộc dây vào đuôi một chiếc tàu Hải quân của Mỹ. Khi chiếc tàu Hải quân Mỹ nổ máy chạy thì xà lan cũng được kéo theo.

Yên chỗ rồi thì bọn con nít khóc la kêu đói khát. Vì phải chạy thục mạng nên cả gia đình chẳng mang theo được gì trừ một ít bánh mì và ít tiền bạc thủ thân trong cái xách tay của bà T. Tiền giấy không ăn được, người lớn phải nhịn cho lũ trẻ con, mười hai đứa con của bà T. sinh năm một, hai đứa lớn nhất mới 14 và 13 tuổi theo lệnh mẹ đem vài ba ổ bánh mì chia đều cho các em.

Qua ba ngày phơi mình dưới nắng rát và bốn đêm sương gió đầm đìa thiếu ăn uống, nhiều người trên xà lan đã lần lượt ngã bệnh, có kẻ bệnh sẵn không thuốc men bị chết và bị quăng xuống biển. Ba trong mười hai đứa con tiên thiên yếu nhược của bà T không chịu nổi khổ sở cũng cùng chung số phận. Nếu không vì phải lo cho cả gia đình đông người còn lại thì bà T. cũng đã nhào mình xuống biển cùng với ba đứa bé không may, khỏi đau lòng tự thống trách chính vì mình không lo cho các con chu đáo nên mới ra nông nỗi, mới gây ra cái chết thương tâm cho chúng nó như thế. Đứa con trai út vừa mới tập nói của bà bỗng phát chưởi thề “Đ. m, khát nước quá!” làm bà sững sốt. Tiếng đứa con gái 5 tuổi làm bà càng ngạc nhiên hơn:

“Lạy Đức Mẹ Maria, xin Mẹ cho mưa xuống cứu con, Mẹ ơi!” 

Không chỉ người trong gia đình mà bao nhiêu người đang chen chúc nhau gần đó cũng cất tiếng cầu Trời khấn Phật theo bé gái.

Lời cầu thế mà rất linh nghiệm. Trời đã thương tình cho mưa xuống, cứu giúp bao nhiêu người đang đói khát, đang ngoắc ngoải chờ chết trên xà lan. Sau đó, hình như Trời cũng động lòng thương xót cho người mẹ trẻ vừa mới mất 3 đứa con thơ và vai còn nặng gánh gia đình nên cho bà T. như một phép lạ vấp phải một ba lô vô chủ trên sàn tàu ngay ở dưới chân đựng khá nhiều sữa bột. Nhờ đó mà gia đình bà đỡ đói khát, và ông T, người thương binh vừa trải qua nhiều ngày không thuốc men, không thực phẩm, đang gần như hôn mê, đã có đôi chút bồi bổ cho lại sức, khỏi chết.

Khi vừa đến Quy Nhơn thì không may gặp phải tàu Hải quân của Phía Bên Kia. Bọn họ đã đành tâm tháo dây nối của xà lan khỏi tàu Mỹ, để cho chiếc xà lan đầy người dở sống dở chết một mình lềnh bềnh trên sóng nước đại dương. Trong lúc tưởng chỉ còn chờ chết thì may sao người trên tàu đã gặp cứu tinh. Một chiếc tàu Phi Luật Tân đã xuất hiện, cứu vớt hết người trên xà lan. Tàu này đã chở họ về Cam Ranh, nơi vẫn còn một Sư đoàn Quân lực VNCH trú đóng. Đoàn người di tản đã được vị Đại tá chỉ huy sư đoàn này tiếp dẫn về Trung tâm tạm cư của Sư đoàn, và mấy ngày sau đó được đưa về Vũng Tàu.

Những hình ảnh đói khát, chết chóc, cướp bóc, hãi hùng ghê rợn, nỗi đau vì cái chết của 3 đứa con thơ cùng một lúc bị quăng xuống biển làm mồi cho cá mập, đã đưa gia đình bà T. đi đến quyết định dừng lại ở vùng biền này. Một thời gian sau đó họ tìm về Sài Gòn, xin tá túc ở nhà chị ruột ông T. ở trong một xóm nhà ở đường Nguyễn Thông. Họ hy vọng một thời gian ngắn khi tình hình ổn định thì sẽ về lại với nhà cũ quê xưa.

Những ngày cuối tháng Tư năm 1975, Sài Gòn bất ổn hỗn loạn! Tin tức cho biết các Tướng Lê Văn Hưng và Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết. Những vụ bắn phá pháo kích Dinh Độc Lập không mấy xa từ nơi gia đình bà trú ngụ nghe đùng đùng. Tổng Thống mấy ngày Trần Văn Hương bàn giao chức vị cho Tướng Dương Văn Minh và vị tổng thống cuối cùng của nước Việt Nam, chính thể Cộng Hòa Đệ Nhị đã tuyên bố rằng Miền Nam từ đây giải giáp ngưng chiến để “hòa giải hòa hợp” với “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”. Cũng như bao nhiêu người bình dân khác khi hết đường chạy trốn, gia đình bà T. (trừ ông T.) không khóc thương cho một nước VN Cộng Hòa đã mất mà chỉ núp trong nhà để cầu nguyện cho gia đình được bình an cũng như thương tiếc cho những đứa con thơ vì cộng sản hiếu chiến đem chiến tranh vào đây mà bị chết tức tưởi thương tâm.

Đến ngày 30 tháng Tư, Sài Gòn đã hoàn toàn bị chiếm. Rải rác đó đây là những quần áo Quân nhân, giày Saut, vũ khí và cả xác chết, những hoang tàn đổ nát. Thành phố tràn ngập những bộ đội nón cối dép râu. Các máy phóng thanh vang vang những lời tuyên truyền giọng Bắc lơ lớ khó nghe. Những lời ca ngợi “Bác và Đảng” cùng chiến thắng của “Mặt Trận Giải Phóng”. Từ đây gia đình bà T cũng như toàn dân miền Trung và Nam Việt Nam phải rơi vào cơn sóng dữ thay đổi cả một cuộc đời còn lại từ Tự do hạnh phúc đến tang thương bể dâu bi thảm.

Đầu tháng Năm, 1975, Đài Phát Thanh Sài Gòn (lúc này đã đổi tên là “TpHồ Chí Minh”), thông cáo rằng các Sĩ quan “ngụy” phải đi trình diện, tùy theo cấp bực, tại những địa điểm đã được chỉ định sẵn. Ông B., láng giềng mới của gia đình cho ông T. xem một tờ “cáo thị” do “Ủy Ban Nhân Dân” địa phương phát, theo đó tất cả Sĩ quan “ngụy quân phải đăng ký để được đi học tập về chính sách mới”. Ông B. hỏi ông T.:

- Anh nghĩ thế nào về thông cáo này? Mình có thể không trình diện không?

Ông T:

- Không trình diện thì họ chắc chắn sẽ lùng bắt mình như đã bắt bao nhiêu người khác thôi, lại càng nặng “tội” thêm. Họ bảo đem tiền đủ dùng cho một tháng, hy vọng mình sẽ chỉ bị nhốt một tháng. Điều không biết là họ sẽ đưa mình đi đâu và sẽ làm gì mình.

Bà T. không khỏi lo âu khi nhìn thấy vẻ mặt lo lắng của hai ông. Từ khi lấy ông T., dù mang tiếng là chồng đâu vợ đó, bà luôn xin được ở Cư Xá Sĩ Quan gần đơn vị nơi ông tác chiến, nhưng bà đâu có được bao ngày vợ chồng sum họp vì ông phải ra trận liên miên. Cả những lúc sinh đẻ bà cũng vượt cạn một mình. Những ngày qua, nhờ ông bị thương, mới được cùng ông bên nhau từ Miền Trung vào Quy Nhơn đến Vũng Tàu và Saigon, lòng chưa kịp vui vì được ở bên chồng thì nay đã thành buồn thảm vì sự mất mát nát lòng của 3 đứa con thơ, bị đả kích thêm vì giờ ông bị buộc phải ra đi khi thương tích vẫn chưa lành, lành dữ không hay. Câu nói của ông “Họ sẽ làm gì mình” càng làm bà rối ruột. Nhớ đến vụ chôn người tập thể ở Nam Hòa, những cuộc đấu tố dã man trong thời “Cải Cách Ruộng Đất” do cha bà kể lại, ông đã từng lên lon rất nhanh nhờ thành tích chiến thắng kẻ địch, đã trở thành “kẻ thù kẻ ngụ”y đối với họ v.v... bây giờ ông đi tự thú thì có khác gì đem thân đút vào miệng cọp? Nhưng khi nghe nói “Đem tiền theo đủ dùng một tháng” thì bà lại hy vọng, dù mong manh, là có lẽ ông chỉ đi một tháng rồi về.

Đài vô tuyến, các loa phóng thanh hàng ngày vẫn sang sảng thúc hối, khuyến cáo “ngụy quân ngụy quyền các bộ, cả các văn nghê sĩ Miền Nam, không chừa một ai phải tự giác ra trình diện, nếu không sẽ bị nặng tội thêm với nhân dân”. Đồng thời, Bộ đội và Công an đã thay phiên nhau vào nhà dân để kiểm kê, lục soát, tịch thu rất tự nhiên, tự do.

Tiếng nhạc, câu ca, những bài hát tình tứ lãng mạn, những bài dân ca mộc mạc đầy tình yêu Quê hương từ các quán ăn trong thành phố đã bị thay thế bằng những tiếng nhạc “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” đầy âm hưởng nhạc Hoa âm thanh the thé, hay những bài ca đầy hơi hướm búa liềm sắt máu xen kẻ những tuyên truyền cho chế độ mới. Những buổi họp được tổ chức liên tiếp, cho các “Mẹ, Chị”, “Nhân Dân Phường, Xã, Quận”, cho đủ thứ thành phần. Có rất nhiều điều bất ngờ đã xảy ra, chẳng hạn tên những Nghị sĩ này hay những Giáo sư nọ rất có tiếng tăm ở Miền Nam nay mới biết là đã nằm vùng cho ngoài ấy. Vào một buổi họp nào đó, khi nhìn thấy “Chủ tịch” của một “Ủy ban” lên “dạy sức khỏe cho mẹ chị” trong Phường là một chị bán cá ngoài chợ mình đã gặp hàng ngày, rồi một kẻ chuyên gánh nước thuê đã biến thành một “ủy viên chính trị” lên bục “giảng huấn” cho dân trong thành phố gồm những ông nọ bà kia rất trí thức. Dân trong Phường cũng học được những bài học độc đáo chẳng nơi nào có như về “bảo vệ Chuồng Chò” (lỗ chứa phân và nước tiểu) để tưới rau quả và về việc “uống nước tiểu để chữa bệnh”.

Ngày 15 tháng Sáu, với cõi lòng như đêm 30 Tết, bà T. đã tom góp trao cho ông chồng 20,000 đồng gồm 13,000 tiền đi đường và 7,000 tiền tiêu, để ông lên đường đi “học tập”.

Từ trường Taberd là địa điểm tập trung, ông bị đưa lên Long giao. Ở Long Giao 4 tháng, ông bị chuyển lên Suối Máu, sau một năm thì ông bị chuyển ra Nam Hà ngoài Bắc. Tưởng là đi một tháng mà hóa ra 156 lần hơn! Thân kẻ bị lưu đày đã oằn người vì gian khổ, mà kẻ ở nhà cũng ngóng trông dài cổ, khổ sở đọa mạng để kiếm ăn sinh tồn.

Một tháng, một năm, hai, ba năm sau vẫn không thấy chồng được thả về, bà T. đã tự nhủ thôi đừng mong nữa. Tiền bạc mang theo chẳng còn, nghề ngỗng không có, làm sao để lo cho cả bầy con thơ dại, thêm hai mẹ già cùng đàn em còn nhỏ ở ngoài Huế kia!

Biết là chồng đang bị tù đày rất khốn khổ, mà biết làm sao để đi thăm nuôi chồng đây! Trăm ngàn nỗi lo làm mặt hoa ủ rủ. Phường, Khóm đang làm khó dễ bà đủ điều, muốn bắt bà đi Kinh tế mới vì bà không có hộ khẩu và lại thuộc thành phần đại ngụy. Phải có hộ khẩu mới được ở lại, và mới có quyền đi thăm nuôi. (Trong thời gian này, nhân dân dù theo đạo nào, phải dẹp hết bàn thờ Chúa, Phật, Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ để thờ Cờ Đỏ Sao Vàng và hình, tượng “Chủ Tịch Hồ Chí Minh”. Hồi đó ca dao truyền khẩu có câu “Chỉ tiêu 3 mét vải thô, áo không đủ mặc lấy đâu che hồ”) “ Cán bộ giảng huấn” đã nhiều lần cho biết rằng “vợ các Sĩ quan ngụy như bà T. phải đi học tập thường xuyên và phải đi Kinh tế mới, mới mong có ngày chồng được tha về.” 

Bà T. đã bị mời lên Phường nhiều lần. Những lần sau bà dẫn cả bầy con và hai mẹ già đến. Bọn trẻ nheo nhóc mà chẳng biết sợ ai, chọc ghẹo nhau, khóc nhè kiện cáo nhau làm loạn cả văn phòng. Hai bà cụ thì lụm khụm gầy gò ho hen làm họ ngán. Chẳng biết có phải vì “thương” cho cảnh ngộ đáng thương của gia đình hay vì mê vẻ xuân sắc của bà T. mà trưởng phòng Công An Phường đã cấp cho gia đình bà hộ khẩu để tạm trú ở phường.

Bà T. cố lo cho con cái đi học, nhưng mỗi lần đi học về, nghe mấy đứa nhỏ khi thì ca “Em Yêu Bác Hồ” khi thì thấy chúng khóc lóc kể lại bị chế nhạo là “đồ con ngụy”, “đồ con cháu có Nợ Máu với Nhân Dân” và bị những đứa ngổ ngáo thoi đánh v.v... hơn nữa nhà đang quá túng quẫn nên bà đành để chúng ở nhà cho đỡ rắc rối.

Trong tay không có nghề, lũ con lại đông, lại thuộc thành phần ngụy quân nên bà chẳng kiếm được việc làm. Chẳng ai chịu thuê bà. Đang lo gầy người thì may sao Trời thương cho bà gặp một đồng hương người Huế tốt bụng nhà cùng xóm bày vẽ cho bà cách làm Nón Bài Thơ Huế. Bà còn chỉ cho nơi để mua khuôn, lá, kim, sợi, mẩu thơ v.v... Đói thì đầu gối phải bò. Bà T và lũ con nít học rất nhanh, bà T cũng nghĩ ra cách làm theo kiểu dây chuyền cho mau. 

Từ đó, có tiểu đội nón Huế (bà T, 9 con của bà, và 2 mệ) ra đời. Hàng ngày già trẻ lớn bé kẻ lên khung, cắt lá, ủi lá, người dán hình, chằm, kết, buộc dây từ sáng sớm đến tối mịt. Trừ thời gian đầu gian khổ vì hư hỏng, thiếu vốn, sau này Nón Bài Thơ Bà T cũng khá uy tín trong giới buôn nón. Tuy vậy, lợi tức vẫn không đủ so với mức tiêu thụ của tiểu đội nên lần lượt giường, tủ, bàn ghế, áo quần, giày dép trong nhà đã đi tìm chủ mới. Hàng ngày thực phẩm của gia đình chỉ còn là gạo hẩm, bo bo, khoai sắn, bắp khô nhiều khi phải nấu thành cháo lỏng mới đủ chia nhau. Bà T. lòng đau như dao cứa!

Xưa đã từng có câu: 

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.” 

Trời bắt nước Việt nhỏ bé phải bị nước lớn ăn hiếp chưa đủ, trong nhà gà nhà còn bôi mặt đá nhau, làm con dân trong nước trai thì thí mạng oan ức ngoài chiến trường, đàn bà liễu yếu đào tơ, trẻ nít vô tội thì bị đày đọa, con mất cha vợ mất chồng, trời sầu đất thảm. Bà T rất đẹp, đã biết yêu rất sớm. Bà yêu say đắm ông T trong tướng dáng oai hùng của người Sĩ quan, đã trở thành bà Thiếu Úy T. khi mới 14 tuổi. Ông đi hành quân ở đâu thì bà xin đi theo đó. Ông T. thăng tiến trong đời binh nghiệp thì bà T. cũng thăng tiến trong việc sản xuất hậu duệ cho ông. Sau 15 năm ông T. vào sinh ra tử trong những trận đánh nẩy lửa với địch, trở thành một Tiểu đoàn trưởng Bộ binh của QLVNCH thì bà T cũng đã trở thành Tiểu đội trưởng của một đội nhóc gồm 12 hậu duệ T. con, với 12 lần thập tử nhất sanh vượt cạn một mình. (Không may nay chỉ còn 9 nhóc sống sót). Không vì nỗi đau mất mát cùng lúc 3 đứa con mà bà mất đi ý chí phấn đấu. Bà vẫn tiếp tục chỉ huy Tiểu đội của bà để chiến đấu ở hậu phương.

Nhiều lần bà bị nhòm ngó, bị dụ dỗ “hủ hóa”, nhiều lần bà bấm bụng chịu đựng những câu mắng nhiếc của mấy tên chăn trâu chăn bò chẳng đáng xách dép cho bà, bà đã phải trải qua trăm ngàn vất vả quá sức chịu đựng để lo cho cả một đại gia đình, một bầy con chưa lớn, lúc nào cũng canh cánh bên lòng nỗi thương nhớ, lo âu không biết chồng yêu nay đã ra sao. Có lúc bà làm gan lên Phường hỏi khi nào chồng bà được tha, để rồi cay đắng nhận được câu trả lời: “Khi nào trâu đực đẻ con thì chồng chị mới được tha.”

Từ thành phố Sài Gòn ra trại Nam Hà ngoài Bắc đường xa diệu vợi. Một người thiếu phụ chưa từng xông pha nắng gió, chưa có kinh nghiệm đường xa như bà quả thật là khó khăn, nhưng vì yêu chồng mà bà T. bất chấp. Bà vay mượn tiền của thân nhân đem lên Phường để xin giấy phép. Giấy phép thăm nuôi khác với Giấy Phép Đi Lại. Lúc này người ta viện cớ “chưa thống nhất” nên không chịu bán vé chính thức, và hành chánh địa phương chưa quen lệ cấp giấy đi lại cho “dân ngụy”, chỉ có “Cán bộ” và “Bộ đội” mới được phép đi lại giữa Bắc và Nam nên chi người dân phải mua vé chợ đen, đắt gấp 4, 5 lần giá chính thức. Bà vẫn cứ đi.

Dọc chuyến đi bà đã phải bao phen trốn lánh nơi rừng rú, bụi bờ, hoặc ẩn núp trong những toa xe chở súc vật để tránh những trạm “kiểm soát đi lại” suốt hành trình của con tàu Thống Nhất. Vì những vất vả dọc đường kể trên mà bà phải thức suốt 3 đêm liền, quá mệt mỏi nên bà đã mê đi. Khi tàu đến gần Nam Định, bà tỉnh lại thì bao nhiêu đồ bới mang theo đã không cánh mà bay mất tiêu. Đành coi như mắm ruốc trà đường này đã góp phần vào việc tiến nhanh tiến mạnh lên Hạnh Phúc của một tên vô sản vô lại nào đó vậy Bà tự nhủ. Đã sẵn túng thiếu, vì sự cố này mà mẹ con bà phải chịu đói rất khốn khổ suốt cả tháng trời sau khi bà trở lại Miền Nam.

Khi tàu đến Nam Định, bà phải kiếm phòng trọ, chẳng phải để ngủ nghỉ mà là để có phương tiện đi chợ, nấu ăn, làm lại những món đồ bới như xôi, ruốc khô, thịt chấy v.v... Ngày hôm sau, bà thuê xe kéo chở đồ đó lên Phủ Lý. Từ Phủ Lý, bà phải thuê khi thì xe kéo khác, khi thì xe đạp, hai ba chặng nữa mới tới được Hà Nam Ninh. Đồi cao dốc thấp, ổ gà ổ vịt bà không quản, cứ việc xăn quần vén áo xách guốc tất tả chạy theo kẻo chủ xe cố tình đi lạc thì khổ tàn đời. Khi đến được trại giam thì bà đã tả tơi như cái mền rách! Tuy vậy, bà cũng mừng, rất phấn khởi vì biết rằng mình chỉ còn cách chồng trong gang tấc.

Gần cổng trại giam, cạnh một chòi canh có một anh áo vàng mặt mày hồ hởi phấn khởi ngồi sau một cái bàn gỗ. Bà tiến lại, tay run run đưa ra cái tờ giấy đã xin được ở Phường bà ở:

- Thưa anh, thưa đồng chí, xin cho tôi thăm chồng tôi.

Tên Công an săm soi tờ giấy, lên tiếng hách dịch:

- Ai đã cho chị giấy này? Phải có giấy đi nại mới được thăm nuôi.

Cố hết sức nhẩn nhục, làm ra vẻ ngây thơ ngu ngơ, bà T. năn nỉ:

- Dạ thưa anh, Phường đã cấp giấy này cho tôi, bảo là đi thăm nuôi được. Xin anh cho tôi được thăm nuôi lần này, rồi lần sau tôi sẽ xin Phường cho Giấy Đi Nại như anh bảo ạ!

Tên Công an nạt lớn, bắt bà đứng ra một bên để giải quyết cho những người y bảo là “có giấy” trước. Chờ mãi dễ chừng 3 tiếng sau vẫn không nghe gọi, bà T. đáng bạo đến gần năn nỉ, kể lể những gian nan cực khổ trong chuyến đi từ Nam ra đây. Nghe cũng xiêu lòng nên y coi lại giấy của bà, hỏi:

- Chị tên gì? Đi thăm ai?

- Dạ thưa anh, tên là Lê Thị Ngọc Lan, đi thăm chồng là NVT.

- Nê thị Nan, chị đứng đó chờ đi! Vừa nói y vừa dùng bút vòng một vòng quanh tên bà.

Dù có bị đổi tên thành xấu hơn nữa thì bà T. cũng không ngại, vẫn cứ mừng vì đã được y cho phép đứng vào hàng chờ thăm nuôi. Mãi thật lâu sau bà mới thấy một người mường tượng là ông đang chống nạng khập khểnh bước ra. Trước mắt bà là một người mặt bủng da chì, bụng phình ra, không còn một chút gì phương phi như khi còn ở trong Nam nữa. Tiếng của tên Công an “Hai người chỉ có 15 phút thôi đó!” làm bà giựt mình.

Sau bao năm trông đợi, sau chuyến đi dài gian nan, bây giờ hai vợ chồng chỉ có 15 phút gặp nhau thôi sao trời? Hai vợ chồng mừng mà rất tủi, tâm sự chất cao như núi, nghĩa tình sâu tận tâm can, thế mà tên cai tù lại hiện diện một cách vô duyên ác độc không cho phép hai người trao đổi với nhau một lời chân thật, tỏ bày cho nhau những nỗi nhớ nhung. Hai ông bà muốn biết tình trạng của người thân mà không thể hé môi. Nhìn thấy bà gầy mòn héo úa bụi đất đầy người, ông rất đau lòng. Bà nhìn thấy ông trông giống một xác chết trôi chưa chôn, bà thắt ruột. Bà phải nói với ông toàn những tin tốt để ông yên tâm. Ông cám ơn bà đã thay ông nuôi con, lo cho mẹ ông, bảo rằng ông không sao.Vội vàng bà giao hết cho ông những gì đã mang theo, những gì tuy là tầm thường mà chất chứa đầy tình nghĩa lẫn nỗi cảm thương của bà dành cho ông. Dù không biết chồng mình còn được bao nhiêu khi mang đồ tiếp tế vào trại giam, bà vẫn rất mừng thấy ông còn sống và rất an ủi rằng mình đã trao tận tay cho chồng vài ba món bình thường ông vẫn ưa thích.

Sau khi bị đuổi ra ngoài vì hết giờ thăm nuôi, bà đã làm quen với những người vợ tù khác đã từng đi thăm nuôi hơn một lần. Bà đau lòng biết bao khi được biết rằng mỗi người tù ở đây tiêu chuẩn mỗi tháng được phát 13 kí gạo, trong 13 kí này hết ½ là sạn sỏi, 1/7 là lúa, 1/3 là bobo, còn lại là gạo hẩm. Đến bây giờ bà T mới thấy mình đã kiệt sức, không còn đứng vững. Bà ngã lăn ra đất trước trại cải tạo và mê đi, mặc cho muỗi đói từng bầy đến châm chích và sương đêm đẫm ướt cả người. Tinh trạng thê thảm của chồng cùng cảnh tượng khóc than tuyệt vọng của những người vợ tù khác khi đền đây rồi mới biết chồng mình đã chết thảm vì bị đọa đày, đói rét, bệnh tật, bị chôn thân đâu đó trong rừng sâu núi thẳm làm bà giựt mình tỉnh lại trong đêm, để càng khiếp hải thêm khi nghe trong tiếng gió tiếng những oan hồn khóc than và trong bóng đêm như có những bóng ma trơi đang chập chờn trên những cành cây bụi cỏ. Bà sợ muốn đứng tim.

Năm 1988, sau mười ba năm làm thân tù đày ông T mới được tha về. Con cái ông tưởng suốt đời sẽ mồ côi cha nay đã có cha. Người mẹ già tưởng đã mất con nay đã thấy lại người con. Và người vợ, cứ ngỡ sẽ mất chồng nay đã được đoàn tụ với chồng. Cả gia đình mừng vui hơn khi biết mình sắp được đi đến một nước Mỹ họ từng nghe nói là giàu có và tự do theo diện HO. Chánh phủ Mỹ và VNCS đã ký thỏa hiệp cho phép những cựu tù nhân chính trị ở tù cải tạo trên 3 năm được di cư tị nạn ở Mỹ. Bà T lập tức lo đút lót cho hành chánh địa phương nhờ họ dễ dãi trong tiến trình lập hồ sơ xin đi. Bà nhanh chóng đi vay tiền để mua đơn từ và chạy chọt cho thủ tục tỵ nạn chóng xong. Điều kiện là khi qua đến Mỹ bà sẽ gửi tiền về trả lại vốn lẫn lời. Cũng may là còn có người tử tế sẵn tiền và lòng giúp đỡ nên mọi thủ tục rồi cũng hoàn tất.

Đầu năm 1990, sau nhiều hao tốn và nợ nần để qua những thủ tục rắc rối, cuối cùng rồi gia đình gồm hai bà mẹ, hai vợ chồng và bầy con 9 đứa của bà T. cũng được phép lên máy bay rời khỏi VN để đến thành phố Seatles của Mỹ. Những người Việt tị nạn đến trước họ, những thành viên trong Hội Ái Hữu Cựu Quân Nhân VNCH thân tình đón tiếp, các cơ quan thiện nguyện giúp đỡ về vật chất, các cơ quan dịch vụ xã hội của quận hạt nơi họ đến lo về phúc lợi tài chánh cũng như Y tế cho cả gia đình họ. Cả gia đình cảm thấy sung sướng như thần tiên. Họ không còn phải lăn lóc trên nền đất đến mòn cả đũng quần,vất vả tối tăm mặt mày với những chiếc nón bài thơ mà vẫn không đủ ăn. Họ không còn bị Công an phường, khóm, thành lấp ló theo dõi từng bước đi, từng câu nói, chực chờ ập bắt bỏ tù, nhất là khi chủ gia đình vẫn còn mang án tù treo chỉ vì bị cho là “ngụy”.

Những tưởng tương lai tươi sáng đã mở ra trước mắt, qua bên kia nhờ bồi bổ ông chồng sẽ hết xanh xao võ vàng. Thế nhưng, một ngày kia không lâu sau đó, bà T. phát hiện ông T. đã đi tiêu ra máu, nhìn thấy ông đau đớn quằn quại và bị ngất đi. Khi ông được đưa vào phòng Cấp Cứu, sau khi qua những thủ tục khám nghiệm thì mới biết cái ulcer trong bao tử ông T. đã bi lở loét giai đoạn cuối, và bị xuất huyết não cùng lúc. Dù đã tận sức, nhưng các Bác sĩ ở Bệnh viện đành phải đầu hàng không cứu nổi ông thoát khỏi tử thần.

Ai đâu biết được ông T. đã bị đủ thứ bệnh trong người mà chỉ vì ý chí cầu sống để về với vợ con, với mẹ già mà ông đã cố sống trong suốt 13 năm tù “cải tạo” dài đăng đẳng. Hai năm qua ông cố sống, âm thầm rên rỉ với những đau đớn trong người vì mong cho gia đình thoát khỏi chốn trần ai. Tiền bạc không có nên ông nào dám than van rên rỉ. Ông rất đau lòng khi nhìn thấy người vợ kim chi ngọc diệp đã vì ông mà dù tuổi đời mới trên 30 đã phai tàn hương sắc, héo mòn thân xác trông đến tội. Giờ biết chắc vợ con mình đã có chỗ an thân vả lại sức chịu đựng cũng mỏi mòn nên ông muốn dứt bỏ cái xác phàm làm ông quá đau khổ lâu nay. Câu ông nói sau cùng dù thì thào đứt quảng nhưng bà nghe vẫn rõ: 

Xin em tha lỗi cho anh! Cũng vì anh ích kỷ mà em đã phải gánh vác một bầy con thơ, một người mẹ già, cuộc đời son trẻ đầy âm u tăm tối. Tình anh đối với em ngàn đời không thay đổi. Anh yêu em và kính trọng em lắm em ơi!

Bà T ngã xuống nền nhà bất tỉnh! Cả phòng cấp cứu ai cũng hoảng hốt tưởng rằng bà muốn đi theo ông. Nhưng sau khi được Bác sĩ chích cho một mũi thuốc thì bà tỉnh lại. Nhìn ông chồng đang nằm mê man, bà khóc kể thảm thiết.

Vì ai mà gia đình bà phải chịu cảnh thương tâm như thế này? Đau khổ tưởng đã qua khi đến vùng đất mới, nào ngờ hậu quả của ác mộng vẫn còn theo như những cơn địa chấn để lại những sóng ngầm. Đời ông sao mà tội quá! Hết vào sinh ra tử trong mười mấy năm đời Binh nghiệp rồi bị đày đọa thêm mười mấy năm trong cảnh lao tù khổ sai. Bệnh mà phải cắn răng chịu đựng không dám than! Tưởng rằng niềm vui hạnh ngộ sẽ bù đắp lại những nỗi khổ vì xa cách, ngờ đâu hết cảnh sinh ly lại đến tử biệt! 

Từ nay một thân nơi xứ lạ quê người đêm đêm bà sẽ làm người góa phụ khóc chồng nhớ con, làm con chim Đỗ Quyên lẻ bạn cất tiếng hót đứt ruột gửi về quê hương và ngày ngày sẽ phải đảm đang lo cho bầy con 9 đứa cùng hai bà mẹ già của hai người.

Lời Người Viết:

Thiết nghĩ bà T. cũng như vợ của các người tù cải tạo thật đáng phục! Khi chồng họ bị lao tù khổ sai của Việt cộng, ngoài việc vất vả mưu sinh giữa những đe dọa bất an, họ còn phải một mình vượt núi băng rừng từ Nam ra Bắc và đến các trại tù, chạy theo tàu hỏa, tàu bò, xe kéo, xe đạp để bới xách bồi bổ cho chồng. Họ nào khác chi những nữ lực sĩ trong các thế vận hội Olympic, cũng không khác gì những vị trong Liệt Nữ Truyện, một dạ trung trinh thờ phụng mẹ chồng và nuôi dạy con cái khi chồng phải ra chiến trường. Nỗi chờ đợi thương nhớ ngày đêm càng thêm khó tả khi chồng họ bị bắt đi cải tạo nhiều năm không án và không hẹn ngày về.


Ái Hoa
(Viết ngày Revised 28 tháng Tư, 2015)

No comments:

Blog Archive