Saturday, October 28, 2023

TỪ SAN DIEGO TỚI RUTLAND

Vợ chồng tôi vừa được mẹ già bảo lãnh qua Mỹ. Dẫu đã qua tuổi xế chiều, sức lực chẳng còn bao nhiêu, có qua cũng chẳng biết làm gì và cũng chẳng làm được gì. Đi, tức là bỏ nhà bỏ cửa, bỏ hết tất cả. Nhưng nghĩ lại, chúng tôi cũng đi vì còn gặp được mẹ và còn gần được mẹ nay đã ở độ tuổi 98, tức cái tuổi gần đất xa trời.

Chúng tôi qua San Diego vì đây là nơi mẹ được định cư theo chương trình HO đã hơn ba mươi năm trước. Lâu nay, đọc tin trên mạng biết rằng San Diego được đánh giá là an bình, cuộc sống hiền hòa và khí hậu trong lành. Thật vậy, bầu trời ở đây trong xanh và đi bộ buổi sớm ngoài đường, mọi người đều chào nhau dẫu không hề quen.

Được một vài tháng thì cô cháu gái sống ở Vermont, một tiểu bang nằm ở bờ đông, sát biên giới Canada, mua vé mời qua chơi vì vào cuối thu trời rất đẹp, lá phong đổi màu, cảnh sắc rất tuyệt vời.

Vậy là chúng tôi “lên đường” qua hai chặng bay từ bảy giờ sáng tới gần sáu giờ tối thì tới được Vermont.

Phải nói là ở đây cảnh sắc đẹp tuyệt vời. Cô cháu gái của tôi sống tại Rutland, một thành phố nhỏ của Vermont, tiểu bang thứ 14 của đất nước Mỹ từ năm 1791. Tuy nhiên, điều muốn nói ở đây không phải chỉ là cái đẹp của cây lá phong mà là cái đẹp văn hóa của cả một thành phố nầy.

Văn hóa kiến trúc
Cứ cho Vermont là tiểu bang thứ 14 của Mỹ từ năm 1791 theo như lịch sử. Và nếu cũng y như cái mốc lịch sử nầy, thì nhà cửa của thành phố Rutland cũng có thể là xưa tới cả hai trăm năm.

Nhà cửa ở đây, theo tập tục Mỹ, đều được xây dựng bằng khung gỗ và đóng ván ép có trát xi măng bên ngoài. Mái ngói cũng được lợp bằng gỗ. Chỉ có điều là toàn bộ gỗ đều đã được xử lý chống mưa, mối, mọt nên rất chắc và bền.

Có dịp dạo khắp thành phố, sẽ thấy hình thái nhà cửa ở đây rất đa dạng và phong phú nhưng đều mang một sắc thái kiến trúc rất cổ xưa với nhà chính phía trước, xế phía sau là garage. Nhưng garage chỉ làm chỗ chứa đồ linh tinh, còn xe thì để… ngoài sân! Nhà nào phía trước phần lớn cũng đều có dãy hàng hiên với lan can, trên đặt một hoặc hai chiếc ghế tựa làm nơi ngắm nghía hoặc suy ngẫm cuộc đời, y như cảnh thấy trong phim cowboy ngày xưa.

Ngoài ra, theo phong cách chung, nhà nào cũng đều có mảnh sân cỏ rộng phía trước nên khắp nơi đâu đâu cũng thấy màu xanh.

Văn hóa đọc sách
Có một nét đặc biệt nơi thành phố nầy là nền văn hóa đọc sách. Người dân nơi đây ai cũng thích đọc sách. Cứ thử ghé vào thư viện sẽ thấy đầy người dân vào đây đọc sách. Những người lớn tuổi thì dắt cháu, tuổi trẻ thì dắt em. Vì ở đây còn có cả sách cho trẻ em.

Trê em ở đây cũng có học đủ ba năm mẫu giáo, và nói riêng độ tuổi 4 hàng năm đều phải đọc cho đủ 400 quyển sách. Có thấy những quyển sách dành cho các em mà bái phục cho nền giáo dục của nước người. Vì quyển nào cũng đều thích hợp với từng độ tuổi, thiết kế khoa học, hình ảnh đẹp, tạo sự hiểu biết về môi trường sống, môi trường thiên nhiên… cho trẻ.

Ngoài ra, ở khắp nơi còn có những “thư viện” mini, tức những tủ sách dạng tổ chim bồ câu dành cho ai cần thì tới tìm đọc miễn phí, hoặc nếu có dư sách thì cứ bỏ thêm vào, mô hình nầy hiện đang được phát triển tại một số nước.

Văn hóa đường phố
Ngoài khu vực trung tâm thành phố có địa thế bằng phẳng nên đường sá được thiết kế ngang dọc vuông vức, xa khỏi trung tâm, do địa hình đồi núi nên các con đường thường ngoằn ngoèo.

Thích nhất là vào buổi sớm khi dạo bước, toàn bộ đường sá đều sạch sẽ, hai bên đường là những bãi cỏ xanh ngút ngàn, cây phong chuyển màu lá, và người đi đường phía bên kia, ngay cả người đang lái xe, gặp mình cũng đều thân mật giơ tay chào good morning.

Có lần, cũng đang lúc đi dạo buổi sớm, chợt thấy có người dắt chó đi dạo phía bên kia đường bỗng nhiên đứng lại, cho chó vào sâu trong lề. Thì ra, chỉ là sợ chó thấy người lạ mà sủa lên làm phiền. Sau một thoáng, chợt hiểu, mình cũng vội vàng giơ tay chào good morning, và kèm theo thank you.

Chao ôi, nền văn hóa xứ người!

No comments:

Blog Archive