NỖI ĐAU CỦA HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ!!!
Xình ...xịch...xình... xịch. Đoàn tàu Thống Nhất bắt đầu lăn bánh một cách nặng nề, mệt nhọc ra khỏi ga Hàng Cỏ, chẳng buồn vẫy chào tạm biệt Hà Nội âm u nhốn nháo. Vài năm sau giải phóng miền Nam, dân chúng được phép vào Nam ra Bắc tự do, không cần giấy phép nữa. Từ đó nổi lên làn sóng: người Nam tìm họ, người Bắc tìm hàng.
Hành khách trên tàu nhao nhao sửa sọan chỗ ngồi cho một hành trình ba ngày ba đêm, để vào Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh. Những bao tải lớn nhỏ đủ kiểu chất đầy trên hành lang đường đi và dưới gầm ghế, khiến người đi qua lại phải nhấc chân len lỏi khó hơn là qua bãi mìn, và ngồi phải co chân lên ghế, hoặch thỉnh thoảng cắm chân vào được một kẽ hở.
Chế độ tem phiếu, và có phiếu cũng chẳng có hàng mà mua đã sinh ra một đội ngũ hành nghề, được dân chúng gọi là“ phe phẩy”, đi buôn đủ thứ trong những chiếc bao tải từ Bắc vào Nam, và khuân từ Nam ra Bắc những thứ mà dân Bắc ít khi được biết đến. Từ tivi tủ lạnh, xe máy và cả rổ rá, giày dép bằng nhựa...khiến dân Bắc hoa mắt, trầm trồ khen ngợi hàng hóa của bọn ngụy sao đẹp thế.
Trong một khoang cuối toa tàu có bốn người đàn bà, hai người trẻ khỏe hành nghề “phe phẩy”, hai người khác vào trạc tuổi trên trung niên. Một người ăn mặc khá lịch lãm, cuốn chiếc khăn lụa tơ tầm ở cổ, mang theo hai chiếc túi da to hàng ngoại. Không cần hỏi cũng biết bà là người miền Nam. Người khác trên đầu vấn chiếc khăn mỏ qụa đen, một trong hai chiếc dép đã đứt quai, và bà chỉ mang theo hai cái bị cói. Nhìn là biết bà là người miền Bắc.
Hai cô“ phe phẩy” nhét xong sáu bao tải to dưới chân ghế, cũng cố giành cho hai người lớn tuổi ngồi đối diện chỗ để chân.
“ Hai bác ơi, hai bác không mang theo gì nhiều. Nếu kiểm vé đến hỏi, làm ơn hai bác nhận hộ tụi em mấy bao tải nhớ.”
Một cô khẩn khoản nài xin, hai người đàn bà kia ngồi im không phản ứng gì. Cả ngày chỉ nghe hai cô trẻ thao thao bất tuyệt đủ chuyện trên trời dưới đất. Còn hai bà lớn tuổi chỉ ngồi im không nói đến nửa lời. Họ có chung những nét buồn trên khuôn mặt, và những nỗi đau sâu thẳm trong ánh mắt.
Sáng hôm sau, tàu dừng tại một bến ga.
Lũ trẻ nhếch nhác, nhem nhuốc leo nhanh lên tàu, một tay xách chiếc siêu đun nước đen xì, tay khác cái rổ với mấy cái chén sứt mẻ.
“ Nụ vối đây, nước nụ vối nóng đây, mua đi mua đi...”
Khi một cháu gái đến khoang của bốn người, cũng là lúc bà người miền Bắc lấy trong bị cói một gói cơm nắm bọc trong lá chuối, nhai chậm rãi và nuốt cách khó nhọc. Thấy vậy, cô trẻ ngồi đối diện bảo cô bé rót một chén nước nụ vối cho bà: “ Bác uống đi, ăn khô thế khó nuốt lắm. Cháu trả tiền cho.” Bà gật đầu cảm ơn và cầm chén uống từng ngụm.
Khi tàu lại bắt đầu lăn bánh, cô trẻ đó quay sang bắt chuyện với bà người miền Bắc. “ Bác vào Nam thăm ai ạ?” “ Tôi...tôi chẳng có ai là họ hàng trong Nam cả.” Ngập ngừng, chậm rãi bà bắt đầu kể câu chuyện của mình.
Chồng bà mất trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một thân bà nuôi ba con khôn lớn. Hai con trai đều nhập ngũ ớ tuổi hai mươi, và cả hai đều bị điều động vào Nam chiến đấu. Con gái út vừa theo chồng đi xa. Sau 30 tháng 4 năm 75, bà nóng ruột nóng gan, ngày đêm ngồi ngóng con trai trở về. Cách đây mấy tháng, bà nhận một lúc hai giấy báo tử, cả hai con trai của bà đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Vừa kể bà vừa lấy tay áo thấm nước mắt, nhưng nước mắt bà đã cạn, khóc cho chồng rồi lại khóc cho con, ngày qua ngày, rồi nước mắt cũng đến lúc cạn kiệt.
“ Thế bác còn vào Nam làm gì cho khổ người ra.” Cô trẻ khác nói với giọng ngẹn ngào.
“ Tôi đi tìm xương cốt chúng nó, để mang về cho bố con được ở gần nhau.”
“ Cả chiến trường miền Nam mênh mông như thế, bác biết đi đâu mà tìm?”
“ Tôi đi xem bói một ông thầy đã từng giúp nhiều người tìm được mộ, ông ấy bảo cả hai đứa con tôi đều đang nằm bên một bờ suối ở Quảng Trị. Đứa đầu suối đứa cuối, nếu tôi gọi hồn chúng nó, sẽ tìm được cả hai.”
Bà người miền Nam ngồi im suốt chặng đường bắt đầu lên tiếng: “ Xin lỗi chị, tôi thương chị qúa trời.” Bà quay đầu nhìn ra cửa sổ, những rặng cây, đồi núi bay vù vù qua sau con tàu. Bà nhớ lại câu chuyện chồng bà kể trước đây.
Ông là bác sĩ quân y quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trong một trận chiến giáp lá cà với quân miền Bắc tại Quảng Trị, cả hai bên đều tổn thất nặng. Chồng bà cũng phải lên trực thăng để đi cứu lính bị thương. Khi ông đến gần một lính bị thương nằm trong bụi cây bên bờ suối, thì phát hiện chỉ cách đó vài bước, một lính miền Bắc đang rên nhẹ vì đau, máu chảy từ ngực tràn ra. Khi nhìn thấy ông, mắt anh mở to và môi mấp máy hình như định nói gì với ông. Ngay lập tức ông rút trong túi cứu thương vỉ thuốc giảm đau, vài cuộn băng trắng và chai nước để bên cạnh anh ta. Nhìn khuôn mặt trẻ măng ông động lòng muốn giúp, nhưng tiếng trực thăng cũng đang hối thúc, ông đành quay đi, vác anh lính bị thương của mình lên vai và lao ra phía trực thăng đang chờ.
Lúc này, bà tự nhủ thầm, biết đâu anh lính trẻ đó lại chính là con trai của người đang ngồi bên cạnh mình. Bà biết con suối đó ở đâu, nhưng bà để điều đó trong đầu mình, trong lòng bà cứ tự nhủ, biết đâu, biết đâu lại không phải con bà ấy...
Con tàu đang leo lên đèo Hải Vân, khó nhọc như sắp tắt thở.
Hai cô gái trẻ bắt đầu bắt chuyện với bà miền Nam. “ Xin lỗi bác cháu hỏi khí không phải, bác ra Bắc tìm người thân ạ?”
Không chút ngần ngừ, bà nói :” Vâng, tôi ra thăm chồng tôi.”
Bà miền Bắc xen vào hỏi: “ Ông nhà ra Bắc công tác à?”
“ Chồng tôi đang bị nhốt trong trại cải tạo. Tôi chờ hai tuần để đến lượt vào thăm thì họ nói chồng tôi đã bị chuyển trại. Còn chuyển đi trại nào thì họ sẽ gửi thư thông báo sau.” Bà cố đè nén cơn tức giận và nỗi đau để không lộ ra ngoài.
“ Bà thăm ông ở trại nào?” bà miền Bắc hỏi.
“ Trại số 8, Tháp Bà.”
“ Trại ấy ở gần làng tôi, bà ạ.” Bà miền Bắc định nói tiếp, nhưng như sực nhớ ra điều gì khiến bà phải im lặng.
Tháng trước, vào một buổi sáng, bà định ra suối giặt giũ quần áo và xách nước thì bị mấy bà hàng xóm ngăn lại. Họ nhao nhao kể rằng: “ Nước suối hôm nay đỏ ngàu tanh mùi máu, không uống được đâu.” Và tối hôm đó, có cán bộ xã đến từng nhà thông báo rằng: Tối hôm qua, có mấy tù nhân ở trại cải tạo số 8 bỏ trốn, và đã bị bắn chết. Bà con phải hết sức cảnh giác, nếu bắt gặp bọn địch đó bỏ chốn, phải báo ngay, không kể ngày đêm.
Trại cải tạo đó ở bên kia suối, cách làng của bà chỉ vài cây số.
Bà tránh không muốn nhìn vào mặt bà bên cạnh, mà nhìn ra cửa sổ. Bà biết chồng ba ta đã bị bắn chết, nên người ta bảo rằng ông bị chuyển trại, để bà về và chờ đón giấy báo tử. Bà để điều đó trong đầu mình, trong lòng bà cứ tự nhủ, biết đâu, biết đâu chồng bà ấy vẫn đang sống...
Xình...xịch...xình...xịch. Tàu Thống Nhất tiến dần vào ga Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh.
Tran Le Binh
Từ Trần Tố Ngọc
No comments:
Post a Comment