CON NGƯỜI VÀ LỜI NÓI
“Lời nói định nghĩa cá tính của con người và những hành động tiếp theo…” (Richard Reeves)
Khi tôi làm Chủ tịch và CEO của Hartcourt, một công ty có thị giá khoảng 700 triệu đô la trên sàn chứng khoán Mỹ vào 1999, các thành viên của HĐQT và các tư vấn gần như buộc tôi phải ghi tên vào học một lớp kỹ năng “tạo hình ảnh” (image buiding) ở Los Angeles, với giá là 20.000 đô la cho 6 tháng, mỗi tuần hai giờ. Tôi phải học cách ăn nói cho đúng điệu trước công chúng và trong các buổi giao tiếp riêng; phải học cách đi đứng và kiểu trang phục nhằm gây ấn tượng; cách pha và uống rượu cũng như ăn uống như người lịch lãm và những chuyện linh tinh khác quá vụn vặt và khôi hài nhằm “làm dáng thượng lưu” để lấy sự hài lòng của mọi người (trừ tôi).
Sau hai tháng, tôi bỏ học. Tôi muốn phơi bày trước thiên hạ con người thực của tôi, không phải làm một diễn viên hay con rối để lòe mắt người khác trong giây lát. Sau cùng, về lâu dài, “con người thực” của tôi mới là cá thể phải thực thi những gì mình hứa hay đặt mục tiêu; và với công ty, những con số tài chính và tăng trưởng lợi nhuận quan trọng hơn là những bài PR trên mạng truyền thông.
Tuy vậy, dù không phải là “người thượng lưu” như các đồng nghiệp của tôi mong muốn, tôi vẫn có nhiều đối tác tốt, khách hàng trung thành, nhân viên giỏi và bạn bè chân tình, thông hiểu và giúp đỡ tôi rất nhiều, nhất là khi đối diện với những khó khăn thử thách của các tình thế hiểm nghèo. Phần lớn cho biết là họ thích “con người thực” của tôi, qua lời nói và việc làm, về lâu về dài, tạo sự tin cậy cần thiết để họ coi là “bạn, không giỏi nhưng tốt”. Quan trọng nhất là những lời nói tôi chia sẻ qua các câu chuyện hàng ngày và sự minh bạch trung thực thể hiện trong các hành động sau đó. Một người phụ tá cũ nhận xét khi theo làm việc suốt ngày qua nhiều năm với tôi, ông để ý các câu nói tôi hay thốt ra thường xuyên nhất là:
1. TÔI KHÔNG BIẾT
Một câu chuyện khôi hài ngày xưa khi chưa có google. Mọi người dùng Bách Khoa Toàn Thư (encyclopedia) để truy cứu các dữ kiện thông tin. Một mẩu quảng cáo nhỏ trên mục rao vặt, “Cần bán bộ encyclopedia toàn tập 26 cuốn với giá rẻ bằng 10% giá vốn. Mới lấy vợ… không cần dùng nữa vì… vợ biết mọi thứ”. Câu nói khó nhất qua cửa miệng những người “ngu dốt” là thú nhận mình không biết. Mặc cảm và sĩ diện là 2 nhân cách hàng đầu của dân thích “nổ”, rất phổ cập với người Á châu.
Chữ “tôi không biết” thực ra giúp tôi giải hóa nhiều tình huống khó khăn. Người đối diện thấy tôi thành thực; tôi có thì giờ thêm để tìm hiểu hay nghiên cứu sâu về một đề tài mới; và với nhân viên, ý tôi là nhắc khéo các anh chị phải lo làm việc hăng say hơn để tìm câu trả lời. Nếu đối tác và khách hàng cho tôi là ngu dốt, tôi cũng được lợi, vì trong kinh doanh, người ta hay “thương” người ngu và sợ người “khôn”. Một giải pháp quá đẹp và đơn giản.
2. TÔI KHÔNG HỨA
Trong mọi cuộc thương lượng làm ăn, tôi dị ứng nhất với các lời hứa bậy. Tôi cho rằng đây là lãnh vực nên để dành riêng cho các ngài chính trị gia. Lời hứa quan trọng hơn cả mọi vàng bạc châu báu vì khi thiên hạ mất niềm tin vào mình thì coi như mình sẽ mất tất cả. Khởi đầu với bạn bè, khách hàng, nhân viên, đối tác… rồi từ đó, tài sản, quyền lực và danh tiếng. Cái quý giá của lời hứa bắt chúng ta phải thật hà tiện, ngay cả khi mình dự đoán chắc đến 70-80%.
Tương lai chứa nhiều bất ngờ với cả trăm yếu tố ảnh hưởng kết quả ngay ở những điều nhỏ nhặt. Một việc tầm thường như khi hẹn giờ cho các buổi họp, tôi luôn đúng giờ, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng (may mà điện thoại di động ngày nay giúp tôi báo trễ nếu gặp truc trặc). Tôi gần như không làm ăn với những đối tác luôn trễ hẹn và trong các buổi tiệc cưới, tôi thường ái ngại cho các cô dâu chú rễ khi họ thề thốt là sẽ “yêu và sống với nhau suốt đời”, mặc cho giàu hay nghèo, khỏe hay bệnh, hay mọi khác biệt về tính tình hay sở thích.
3. TÔI CÓ THỂ SAI
Khi làm một kế hoạch kinh doanh, mọi người dựa vào những căn cơ mang tính cách định kiến, chủ quan và khó xác định độ chuẩn. Cho nên câu nói thường xuyên của tôi trong mọi trình bày, diễn giải, tôi phải thòng trước và sau câu, “tôi có thể sai”. Tôi không muốn nói ra vậy vì nó có thể giết chết hay trì hoãn phi vụ, nhưng tôi cho rằng tôi phải tôn trọng sự thông minh của đối tác và khách hàng khi cảnh báo họ điều này. Khi biết nhận mình có thể sai trong các kết luận mà chỉ có tương lai mới trả lời được cũng giúp tôi chăm chỉ và cẩn thận hơn khi đặt giả thuyết hay khi thu nhặt dữ kiện.
4. TÔI XIN LỖI
Tôi nhận xét thấy trong các xã hội văn minh tiến bộ, các công dân đối xử với nhau lịch sự và nói câu “xin lỗi” (sorry) rất thường xuyên. Ngay cả khi họ vô tình bước qua hay đứng trước mặt mình trong thang máy, hay xe buýt… chữ sorry được dùng thoải mái để giữ hòa khí. Trong những chuyện lớn hơn, tôi đã từng lái xe hơn 200 cây số để đến nhà một nhân viên dưới quyền cũ để “xin lỗi” về một sai lầm trong nhân định 8 năm trước khiến anh ta phải xin thôi việc. Anh cảm động nói ngay sau sự việc, anh muốn đón đường nện tôi một trận, nhưng dằn lại. Rồi anh lại may mắn tìm được một việc làm tốt hơn. Bây giờ, chúng tôi là 2 người bạn tốt.
Khi tôi nằm đợi mổ tim 12 năm trước, tôi ghi lại tên những người mà tôi tự hứa là sẽ đi gặp và xin lỗi nếu sống sót. Sau đó, tôi đã thực hiện lời hứa, dù không liên lac được với 1/3 tổng số.
5. TÔI CÁM ƠN
Biết ơn là cốt lõi của bản chất con người tôi. Mỗi sáng ngủ dậy, khi thân thể không đau yếu, khi nhìn mặt trời lung linh qua bức màn, cùng tiếng chim hót, tôi cảm tạ Ơn Trên đã ban phúc lộc cho tôi sống thêm một ngày. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi ngồi thiền và nhớ lại những giúp đỡ hay kiến thức tôi đã nhận trong ngày từ người thân hay sơ, và tự nhủ lời cám ơn.
Mỗi giây phút trên thế gian, tôi cảm nhận sự nhiệm màu của Tạo Hóa, cái chân tình của những tấm lòng con người và sự thiêng liêng của một thiên nhiên trong sạch. Dĩ nhiên, đôi khi thất vọng cũng tràn đầy, với mình và với người; đôi khi phải đối diện với cái Xấu, cái Ác, cái Giả Dối, cái Vô Cảm, cái Bất Trí… nhưng những giây phút “biết ơn” phủ trùm tất cả. Tôi quên được những thất bại thua lỗ trên đường đời nhờ lòng biết ơn.
Năm câu nói như năm lời kinh, lặp đi lặp lại hàng ngày hàng giờ. Rồi mọi thứ trở thành thói quen và ăn sâu trong tiềm thức. Lớp học 20.000 đô la có giá trị của nó, nhưng môn đó chỉ dành cho những ai quan tâm đến ấn tượng hời hợt bên ngoài. Với các bạn trẻ đang tiếp nối con đường sự nghiệp kiểu của tôi, bạn chỉ cần nhắc đi nhắc lại vài ngàn lần 5 câu nói trên.
- TS. Alan Phan -
Trích từ sách Góc nhìn Alan – Những bài chưa xuất bản
No comments:
Post a Comment