HỌC TIẾNG MIỀN NAM: THỜI GIỜ
Sách giáo khoa Việt Nam Cộng Hòa dạy học trò bài học thuộc lòng xưa:
"Thời giờ ngựa chạy, tên bay
Hết trưa lại tối, hết ngày lại đêm
Đông qua Xuân lại đến liền
Hè về rực rỡ, êm đềm Thu sang
Giờ con chăm học, chăm làm
Thì mai sau sẽ giỏi dang giúp đời
Nước nhà mong đợi con ơi
Hãy luôn ghi nhớ những lời thầy khuyên".
Thời trong Tiếng Việt có nghĩa là:
- Thời gian
- Tùy thời, hợp thời
Tùy thời có trong quẻ Tùy của Kinh Dịch. Quẻ Tùy là một trong 12 quẻ Dịch bàn về chữ thời. Thời gian biến chuyển nhanh, chậm, xoay đi chuyển lại, trôi qua hay nằm yên, đại loại là vậy. Có câu "Tùy thời biến dịch dĩ tòng đạo" (Tùy thời thay đổi để theo đạo vậy).
Về địa danh, tên làng xã thì Miền Nam không có làng nào tên Thời. Chỉ có tên người là có, thí dụ Ông Năm Thời, Bà Chín Thời... Tại Gò Công có một địa danh mang tên “Tân Niên” từ thuở còn thôn ấp. Chữ Tân Niên là năm mới. Ba làng Tân Niên Ðông, Tân Niên Tây, Tân Niên Trung của tỉnh Gò Công mà sau 1975 bị cắt mất chữ Niên thành ra ba xã Tân Tây, Tân Đông và Tân Trung.
Người Tàu kêu một năm là niên, thành ra mới có niên học, niên khóa:
"Người ơi thấm thoát niên học hết rồi
Chúc ly cạn lời giây phút ly bôi"(Ba tháng tạ từ)
Thành ra chúng ta có ăn tất niên tức là hết năm và tân niên tức là năm mới.
Trong Hán tự, chữ hanh thông là mọi việc đều thành công, trôi chảy. Nho giáo có khái niệm vạn sự hanh thông và thời vận hanh thông là mọi thứ đều đầu xuôi đuôi lọt, may mắn. Có địa danh Hanh Thông Xã là trung tâm của Gò Vấp xưa.
Tại Định Tường, tỉnh Mỹ Tho có xứ Dưỡng Điềm có nghĩa dưỡng sanh và điềm tĩnh. Sát vách làng Dưỡng Điềm là làng Điềm Hy, có nghĩa là mong cầu cái công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, mong cầu một sự nuôi thân cho ấm no. Làng Điều Hòa nằm ngay chợ Mỹ Tho, là làng tỉnh lỵ tỉnh Mỹ Tho, xưa là trạm trung chuyển của nhà Nguyễn nên còn có tên là Giang Trạm. Chữ Điều Hòa là làm cho mọi việc được êm đẹp trôi chảy.
Đức Huỳnh Phú Sổ có một câu sấm hay vô cùng:
"Đấng nam nhi ẩn nhẫn tùy thời
Vậy mới gọi khôn ngoan hữu chí"
Người dân Miền Nam đọc "thời" chứ không đọc "thì" cho chữ 時. Đó là chữ "húy kị" thời vua Tự Đức. Trong suốt thời trị vì của Hoàng Đế Tự Đức có ba chữ húy kị là: Hồng 洪, Thì 時, Hằng 姮. Thì là chữ ngự húy của vua Tự Đức Nguyễn Phước Hồng Thì. Chữ "Thì" ở Thanh Oai thuộc Miền Bắc xưa. Làng Thì Trung phải đổi thành Phương Trung.
Làng Tả Thanh Oai có dòng họ Ngô Thì. Ngô Thì Sĩ là cha của năm tác gia họ Ngô Thì: trong đó có ông Ngô Thì Nhậm (1746-1803) là một Nho sanh theo nhà Tây Sơn nên bị đục tên trên bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đánh đòn.
Ngô Thì Nhậm muốn nhập tịch Nam Kỳ, Sài Gòn phải đổi thành Ngô Thời Nhiệm. Đất Miền Nam có đường Lê Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Ngô Thời Nhiệm nên nhiều trự "chuẩn Bắc" muốn đổi tên trở lại thành Thì. Nhưng phong tục Miền Nam là vậy, đừng ai kêu đổi tên đường. Mà đổi sao đặng? Có ai kêu "thì tiết", "thì sự", "thì đại" đâu chèn?
"Tuyệt mệnh thi" là bài thơ tương truyền của Thủ Khoa Huân làm, trong đó có bốn câu dịch là:
"Kiếm sách việc binh thuở thiếu thời
Bên hông đởm lược tuốt gươm ngời
Anh hùng dụng võ không nơi gặp
Ôm hận sâu không chung đội trời"
Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu ngâm đúng nguyên bổn của người Miền Nam câu "trai thời trung hiếu làm đầu". Trong "Đất Phương Nam", ông Tám Luông ngâm rằng:
"Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình"
Nhớ ông Ba Ngù đọc bài vè "Bậu lỡ thời" rất vui:
"Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
Giấy trôi sông người ta còn vớt
Bậu lỡ thời như ớt chín cây
Ớt chín cây người ta còn hái
Bậu lỡ thời như nhái lột da
Nhái lột da người ta còn xáo
Bậu lỡ thời như áo vá vai
Áo vá vai người ta còn bận
Bậu lỡ thời như rận cắn đêm..."
Không có người Miền Nam nào ngâm "Trai thì trung hiếu làm đầu"
Xin nói một chút xíu chữ "trau mình" của Đồ Chiểu. Đó là giữ nết, rèn đức luyện tài của những cô gái xưa. Trong bài "Tôn Phu Nhân quy Thục" của danh sĩ Sài Gòn Tôn Thọ Tường có câu:
"Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng"
Trau tria, trau dồi, trau mình là những câu chữ xưa mà ông bà chúng ta thường dạy con cháu
- Chữ "trau" thường xài cho đàn bà con gái, chữ trau là trau chuốt, gọt dũa, gọt đẻo, thoa son, tỉa chưn mài, làm đẹp, thí dụ như "trau tria" có nghĩa là trang điểm kỹ, tỉ mỉ
- Chữ "dồi" có nghĩa là đánh phấn. Dồi là tô phấn, đánh cho bóng, cho đều, cho đẹp
"Trắng da là bởi phấn dồi
Đen da là bởi em ngồi chợ trưa"
- Người Miền Nam viết đúng chánh tả là trau dồi, không viết "trau giồi" kiểu Bắc.
Người đàn ông xưa là "dùi mài kinh sử", đàn bà là "dồi má phấn". Thư tịch viết đàn ông "dùi mài kinh sử" chứ không ai viết là "giùi mài kinh sử".
Bạn là người Miền Nam, là dân thuộc văn hóa Nam Kỳ cứ nói "trau dồi" và viết "trau dồi" cũng chẳng có gì phải sai chánh tả. Đó lại là cái đặc tánh Miền Nam của chính ông bà chúng ta.
Xin hãy ghi nhớ:
"Giờ con chăm học, chăm làm
Thì mai sau sẽ giỏi dang giúp đời
Nước nhà mong đợi con ơi
Hãy luôn ghi nhớ những lời thầy khuyên
Việc gì cũng phải cho chuyên
Chớ nên lêu lổng mà quên thời giờ"
Và ý thức rằng:
"Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
Mũi long tuyền lau sạch máu tanh
Làm cho đất rộng trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày..."
Nguyễn Gia Việt
No comments:
Post a Comment