Đọc VƯỢT TÙ VƯỢT BIÊN của HUỲNH CÔNG ÁNH
Hình như tôi là người sau cùng đọc bản thảo của anh Huỳnh Công Ánh dù cả hai chúng tôi hiện đang cùng sống chung thành phố New Orleans. Nghe anh nói song song với bản tiếng Việt anh đang tiến hành dịch sang tiếng Anh, với ước vọng người Mỹ và nhất là lớp trẻ Việt Nam đang trưởng thành tại hải ngoại sau này đọc để hiểu rằng muốn có được tự do thế hệ cha anh đã phải đánh đổi những gì.
Khởi đầu cuốn hồi ký là những ngày tan hàng và bỏ súng cuối tháng 3/75 từ cầu Bà Gi Bình Định là hậu cứ của Trung Đoàn 40 Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Khi đơn vị anh nhận lệnh di tản chiến thuật về phía Nam, anh hoàn toàn không biết đó là điểm bắt đầu cho một cuộc ra đi mà mãi hơn 40 năm sau vẫn chưa lần trở lại. Anh kể rất thật, chân thành, không cường điệu hay thêm thắt để biện minh. Đọc hồi ký của anh tôi thấy hình ảnh của mình lúc đó bởi vì ngay tại ngã ba cầu Bà Gi Bình Định này cũng chính là nơi mà vào lúc 12 giờ trưa 31/03/75 tôi rời bỏ đi để khỏi phải chứng kiến một Qui Nhơn đang hấp hối mà không còn ai vuốt mắt.
Sau 30/04/75 khi chiến tranh chấm dứt anh cũng rất ngây thơ gần như là ngây ngô vì có lúc tin rằng khi tiếng súng không còn, chỉ còn lại những người cùng máu đỏ da vàn , kẻ chiến thắng cũng sẽ bắt đầu " nối vòng tay lớn " cho phép người dân được tự do mua bán để mưu sinh. Những ngày đó tôi cũng như anh cũng thầm nghĩ như thế, nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi nghe anh kể anh chạy về nhà nói với vợ là may chiếc áo nhiều túi để đựng vàng làm vốn theo nhà sư Nhật Thường từ Sài Gòn ra Phan Thiết buôn nước mắm. Những vị sư của thời mạt pháp đã vô tình gián tiếp cũng như trực tiếp nhúng tay góp phần vào sự đoạt thắng của miền Bắc Việt Nam. Lịch sử cũng đã cho biết đó là cuộc chiếm đóng bằng vũ lực cộng với máu và nước mắt của cả hai miền.
Những lời mị ngữ chứa đầy phỉnh dụ của cộng sản sau khi chiếm lấy miền Nam trong những ngày tháng 5/75 dành cho quân cán chính của bên thua trận tức VNCH vẫn còn lừa được quá nhiều người. Ngay cả tác giả cuốn hồi ký này cũng phải thú nhận là mình dính tròng. Vì cứ nghĩ ra trình diện mang theo lương thực, vật dụng cá nhân chỉ “học tập cải tạo” trong 10 ngày theo lời kêu gọi, nên anh cũng " hồ hởi phấn khởi " như bao sĩ quan cấp úy khác ra trình diện chính quyền " cách mạng " để rồi rất nhiều người vĩnh viễn bỏ xác nơi chốn rừng sâu nước độc không có ngày về.
Anh đã cho người đọc sống lại tâm trạng hoang mang tột cùng của 42 năm về trước. Lịch sử sai lầm dạy cho những thanh niên thế hệ chúng tôi từng bài học viết bằng máu , nước mắt, tủi nhục và hờn căm. Khi học được bài học đắt giá đó thì mũi súng và cùm gông đã khóa chặt tuổi thanh xuân không còn lối thoát. Khi sự sống bị dồn bước đường cùng, phản xạ của sự tồn sinh đã trỗi dậy vô cùng mãnh liệt trong lòng tác giả. Nhờ thế mà người đọc mới có cuốn hồi ký này cầm trên tay để nghe anh kể lại cuộc vượt thoát ra khỏi chốn lao tù để đi tìm tự do vô cùng lâm ly gay cấn và hồi hộp giống như đang xem một bộ phim hành động chứ không phải thực tế ngoài đời. Một chuỗi đường dài gian truân qua nhiều trại tù để rồi cuối cùng khi được chuyển vê khu 1 trại Tân Kỳ Nghệ Tĩnh, anh quyết định tổ chức một cuộc vượt thoát. Không chỉ vượt thoát ra khỏi trại tù Nghệ Tĩnh không thôi mà còn phải vượt thoát ra khỏi một nhà tù lớn hơn đó là đất nước Việt Nam đang bị cầm tù bởi chánh quyền cộng sản. Sự sắp xếp chi li cho cuộc vượt thoát nhiều lúc lọt qua như sợi chỉ xõ lỗ kim đã khiến tôi say sưa đọc ngấu nghiến cộng thêm sự tò mò thôi thúc.
Tôi không bị đưa ra Bắc nhưng tôi cũng là một cựu tù bị nhốt sáu năm ở Trại A 30 Tuy Hòa . Những trại tù tập trung khổ sai được thiết lập sau 75 từ Nam ra Bắc đều đúc y khuôn bởi bọn cộng sản nắm quyền cai trị . Tôi không đủ dũng khí như anh để trốn thoát ra khỏi nơi giam giữ , vì tôi không biết trốn đi đâu khi mà toàn cõi đất nước cũng đều đang là nơi giam giữ người dân , trong đó có ba má vợ con tôi . Anh Huỳnh Công Ánh đã gan dạ làm được điều đó sau khi bỏ lại Việt Nam nhiều món nợ ân tình không thể dùng tiền trả được . Món nợ lớn nhất đó là món nợ với người con gái đất Nghệ Tĩnh tên Trần Thị Hoa mà anh đã dùng nguyên chương 9 của quyển hồi ký để nhớ ơn.
Cho dù thương em nhiều lắm
Mà nợ nước còn trĩu nặng hai vai
Nên anh đành lỗi hẹn
Chiều nay, bến bờ lưu vong ngóng về bên nớ
(Lời trong một bài hát của HCA)
Trần Thị Hoa người con gái Nghệ Tĩnh 18 tuổi trong một lần đi xem văn nghệ do tù nhân trình diễn trên sân khấu là lò gạch của Trại tù, đã đem lòng ngưỡng mộ anh chàng ca sĩ bất đắc dĩ đã có gia đình của bên thất trận. Từ sự ngưỡng mộ này Trần Thị Hoa gần như gián tiếp giúp đỡ và tiếp trợ cho chuyến trốn thoát của tác giả. Đó là cái mốc của định mệnh. Đặt giả sử giá như người con gái tên Trần Thị Hoa không tìm cách nhét mảnh giấy vào tay người tù tên Huỳnh Công Ánh thì sự quen biết đã không xảy ra. Sự quen biết đã không xảy ra thì nhà Trần Thị Hoa không phải là nơi để người tù hình sự Nguyễn Đình Chiến làm điểm hẹn với Huỳnh Công Ánh để lên kế hoạch vượt ngục. Nếu đã không có một kế hoạch vượt ngục thì ngày hôm nay chúng ta không có quyển hồi ký này để đọc để cùng thương mến cô con gái lỡ làng khi còn đang tuổi xuân thì phơi phới kia. Đó là duyên mệnh.
Trong cuộc sống của mỗi một chúng ta, ngoài tình yêu nam nữ ra còn có nhiều thứ tình bao dung hơn mà nếu chữ tình đó đem thả xuống dòng nước thì sẽ bị nước cuốn trôi đi. Nếu khắc trên trời xanh thì một ngày nào đó sẽ có những chòm mây bay ngang qua che khuất. Nếu khắc lên hy vọng thì sẽ bị chông gai gập ghềnh trong cuộc sống cản ngăn trắc trở. Chỉ có khắc lên trái tim thì chữ tình kia mới sẽ cùng ta vĩnh cửu. Tôi tin rằng trong trái tim của anh hình bóng người con gái tên Hoa đã hằn chung cùng với những tháng ngày lất lây làm tù nhân trên đất Bắc.
Tác giả còn món nợ ân tình nữa chưa trả được đó là ân tình của vợ chồng người lính nhảy dù tên Cho, người đã cứu mạng anh sau lần vượt biên lần đầu thảm bại. Lần thảm bại đó anh đã có một quyết định tìm sự tồn vong trong đường tơ kẽ tóc. Anh tự cột mình cuốn theo tàu kéo ra xa thà lềnh bềnh trên biển cả mênh mông trong đói lã kiệt sức còn hơn tấp vào bờ để một lần nữa nộp mình cho kẻ địch. Anh phó giao số mệnh cho đấng toàn năng và khẩn thiết van xin. Lời khẩn xin đã được ngài nghe và nhân vật tên Cho xuất hiện.
Suốt một tuần lễ ăn nhờ ở đậu trong căn chòi nghèo nàn rách nát của vợ chồng ngưòi lính nhảy dù VNCH, những chén cháo mà chị Cho nấu cứu sống anh là những chén cơm phiến mẫu mà thuở hàn vi đã nuôi Hàn Tín trên bước lưu vong sau này làm nên nghiệp lớn. Nhờ sự cứu sống đó mà anh có những khát vọng của ngày hôm nay trên một vùng đất tự do không còn áp bức, nhưng anh vẫn chưa tìm ra ân nhân của mình để đền ơn đáp nghĩa. Chỉ biết người lính tên Cho đó đã cứu anh vì tình huynh đệ chi binh là chiến hữu mà mới ngày nào còn chung màu cờ sắc áo đứng cùng nhau.
Năm 1981 sau 6 năm ở tù tôi được thả về từ Trại A 30. Đó là khoảng thời gian chuyện đi vượt biên như một phong trào. Người người vượt biên, nhà nhà vượt biên và phàm là bất cứ người miền Nam VN nào ai cũng đều mơ ước thoát ra khỏi đất nước đang bị cai trị khắc nghiệt. Tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên mơ ước để chỉ mà ước mơ. Tài sản sau khi ra khỏi tù là hai bàn tay trắng, một chỉ vàng lận lưng cũng không có thì làm sao dám mơ tưởng có một ngày nào được móc nối thoát ra khỏi nơi này? Tôi sống để đầu hàng số mệnh. Cứ mỗi khi nghe ai đó đi vượt biên không bị bắt lại tôi cầu mong an lành đến cho họ. Tôi cũng nghe kể về những chuyến đi không thành, bị lừa gạt, bị cướp biển hãm hiếp, bị phong ba bão táp những chiếc ghe mỏng manh bị nhấn chìm trong lòng biển cả. Tôi chỉ nghe và hình dung rất mơ hồ. Nay được nghe chính anh trực tiếp kể lại từng chi tiết nhỏ trong lần vượt biên lần thứ nhất thảm bại với ba lần bị cướp biển ở chương thứ 13, tôi thật sự hãi hùng.
Anh đã làm tôi nhớ đến nhân vật Papillon trong Người tù khổ sai của Henry Charrière trong những lần vượt biển để thoát khỏi những hòn đảo giam cầm. Hình ảnh thằng cháu tên Dũng cầm con cá còn sống đưa vô miệng, máu con cá ứa ra hai bên mép, thấy ngọt trong miệng chứ không nghe mùi tanh là một hình ảnh bi tráng chỉ có những ai rơi cùng cảnh ngộ mới thấm thía được điều này. Nó cũng khiến tôi nhớ đến những ngày đầu trong Trại tập trung, chủ trương của những người cai ngục không cho tù nhân dùng muối, phải đốt rễ tranh lấy tro ngâm trong nước cho có vị mặn. Vì thèm muối lâu ngày cho nên sau này khi nhận được những hạt muối đầu tiên tôi cũng đã thử ngậm và lắng nghe vị ngọt của muối thấm vào đầu lưỡi len lỏi qua các kẽ chân răng. Vị ngọt của muối tôi nghĩ chỉ có những tù nhân trong các trại lao nô của cộng sản VN sau 75 mới ngộ ra được điều này.
Trong chuyến vượt biên lần thứ hai của anh, tôi thật sự bị lôi cuốn vào lối kể chuyện chân tình. Tôi vừa bị lôi cuốn vừa tò mò muốn xem kết quả chuyến đi có trót lọt hay không, giống như là đang theo dõi một bộ phim Đại Hàn. Vừa xem vừa mong sao có một happy ending như đa số phim đều kết thúc có hậu như vậy. Thật may mắn sau 5 ngày tàu anh cũng đến được Mã Lai.
Khoảng thập nên 80 - 90 khi còn ở trong nước qua VOA tôi đã nghe đến tên Huỳnh Công Ánh trong phong trào Hưng Ca cùng với Việt Dũng, Nguyệt Ánh, Phan Ni Tấn, Châu Đình An. Những lời ca trong bài hát về quê hương VN khắc khoải đã làm sục sôi dòng máu thời trai trẻ ôm súng nằm rừng. Tôi nghe đến tên anh nhưng không hình dung được và không nghĩ là có một ngày nào đó mình gặp được người nhạc sĩ tài hoa này. Vậy mà chúng tôi đã gặp nhau và sống chung cùng thành phố.
Cơn bão Katrina năm 2005 nhấn chìm New Orleans xuống dòng nước và cuốn trôi nhiều thứ, nhưng lại giạt về đây người nhạc sĩ tài hoa, người tù vượt ngục từ Nghệ Tĩnh của mấy chục năm xưa. Khi anh đến thành phố này gần như là anh làm lại từ đầu. Suy bụng ta ra bụng người, trong bụng tôi đã nghĩ mấy anh chàng có máu nghệ sĩ như Huỳnh Công Ánh mà làm business thì chắc có nước từ chết đến bị thương. Tôi quên lững là tôi đến Mỹ sau anh cả mười mấy năm, kinh nghiệm thích ứng với cuộc sống còn thua anh xa lắc. Anh từng làm chủ này chủ nọ ngay cả chủ nhà hàng và đặc biệt anh đã từng hai lần triệu phú khi còn rất trẻ. Thật vậy vừa quay qua quay lại đã thấy anh có vẻ an bề gia thất tại nơi này. Hai chúng tôi tháng nào cũng gặp nhau ít nhất một lần để sinh hoạt chung trong Hội Cựu SVSQ/TB Thủ Đức Louisiana. Thoắt một cái đã hơn 10 năm anh lập nghiệp ở nơi cùng tôi ở. Thỉnh thoảng anh bay đi đâu đó vì máu vừa giang hồ vừa hiệp nghĩa để vận động gây quĩ cho Tuổi trẻ đang đấu tranh trong nước đòi hỏi nhân quyền, xong anh cũng quay trở lại New Orleans. Sau mỗi lần đi như vậy anh thường sôi nổi kể cho tôi nghe, giống như là chúng tôi đang ở lứa tuổi nào đâu đó của thuở thanh xuân chứ không phải là những ông già người nào trẻ nhất cũng đã sáu mươi.
Nhưng ở tuổi nào cũng vậy, tôi khắc khoải cùng anh. Chúng tôi là những cựu chiến binh chưa làm tròn nhiệm vụ đã được tổ quốc giao cho. Tôi không có đủ khả năng để nhớ và kể lại một chặng đường dài, nhưng đã có anh làm giùm điều đó. Cuốn hồi ký với những trải lòng không cường điệu không thêm thắt vừa đau đớn vừa bi hùng, anh nói giùm tôi nhiều điều mà tôi cũng muốn nói. Đó là lời ủy thác đến thế hệ mai sau đang sống thành đạt trên xứ người đừng bao giờ quên để tìm lấy tự do, thế hệ cha anh đã từng là như vậy đó.
Quê nhà tôi bên kia đại dương
Cách bên này một bờ biển động
Vành biển máu một thời tang trắng
Phủ lãng quên trên những oan hồn
Quan Dương
*Hình : nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh và Quan Dương tháng 06/22 tại New Orleans
No comments:
Post a Comment