Monday, October 2, 2023

Dương và Phượng

Khi tôi về nước thì Phượng và Dương đã yêu nhau rồi. Dương học cùng khóa với tôi, về nước trước tôi ba tháng. Tôi bị hỏng “phase” cuối cùng phải ở lại học nốt. Còn Dương thì thi đậu phăng phăng, nên cùng tới, nhưng lại về sớm.

Tôi muốn tả vài nét về Phượng và Dương. Phượng hoa khôi trường Trưng-Vương, tóc dài, da thật trắng, mắt thật đen, lông mi dài, vẻ mặt hiền hậu như Đức mẹ. Phượng theo đạo. Còn Dương thì thông minh, một cái thông minh thật đẹp, không phải như những cậu học trò suốt đời cúi đầu vào sách vở. Chúng tôi vẫn phục Dương. Ngày mai thi mà chiều hôm trước vẫn thấy Dương nhởn nhơ lang thang trên nẻo đường từ Nantes về từ Bordeaux lên.

Nhưng chỉ cần vài ba giờ “nửa đêm về sáng”, khi tất cả nằm co ro ngủ, Dương thức dậy, nằm trùm kín mền, bật chiếc đèn “pin” lên, học đến khi tiếng kèn đánh thức dậy. Ấy vậy mà trong tất cả mọi kỳ thi, Dương vẫn đứng hàng đầu như thường. Tây và Ta sợ hết vía. Không những cái thông minh của Dương vượt qua mặt những thằng “mọi da vàng” mà còn qua mặt cả những thằng “mọi da trắng”.

Không phải Dương chỉ đứng đầu ở các môn thi viết. Cả những môn thi phải dùng tới khéo léo chân tay, một chút tiểu xảo kèm theo một chút thủ công, Dương vẫn đứng đầu. Cầm cái kìm, cái búa, cái mỏ lết, cái tuộc nơ vít, Dương vẫn hiên ngang là một người thợ giỏi, nhiều khi vượt qua tài của thầy.

Ông thầy thường phải dùng tới cái cân, cài thước. Còn Dương thì chỉ cần lấy mắt, lấy tay ước lượng mà cũng gần đúng. Có một lần, Ông thầy dạy về nghề thợ rèn gõ một tiếng “coong” vào một miếng gang. Nghe cái tiếng lanh lảnh chát chúa ấy, Dương nói ngay:

- Hai mươi phần trăm than pha với thép...

Ông thầy trợn mắt:

- Đừng có nói ẩu, chú bé!

Ông thầy già, có thói quen gọi tất cả học trò là “petit” giở cuốn sách ra. Tới trang chụp hình miếng gang nầy, Ông lấy mục kỉnh ra, trợn mắt đọc rồi liếc nhìn Dương thán phục. Thì ra trong sách ghi là hai mươi mốt phần trăm.

Trong những buổi dạ hội, trong “hầm Hiện Sinh” đầy khói thuốc lá, Dương cũng vẫn là cây đinh. Có những em đầm mà con số đầu của tuổi chưa tới số hai, cũng đã yêu Dương kịch liệt. Dương có nhiều lợi thế trong việc chinh phục đàn bà. Vì được lương của nhà nước, nên tiền Dương nhiều hơn bọn sinh viên rách. Vì thông minh và có nhiều tài lẻ, nên Dương hơn hẳn chúng tôi.

Lúc trở về nước. Dương rứt bỏ tất cả. Không tí tẹo buồn thương luyến tiếc. Em Gisèle khóc như mưa như gió. Em Denise đòi tự tử. Em Christine nhất định bỏ hết cả bà nội, bà ngoại, cha giàu, mẹ sang, để theo anh về nước làm một công dân của xứ nước mắm, có một huyền thoại ông Lạc Long lấy bà Âu Cơ, chế tạo ra một trăm trứng nở ra đúng một trăm thằng con trai. Nhưng Dương bước lên xe lửa, tàn nhẫn như Kinh Kha bước xuống con thuyền qua bờ sông Dịch.

Nghe đồn rằng ngày hôm ấy, trời bên nước Tây, mưa to gió lớn. Đàn quạ rủ nhau bắc một cái cầu như đã giúp cho lứa đôi Ngưu Lang, Chức Nữ, nhưng thấy rằng đường dài quá, qua Địa Trung Hải, qua Hồng Hải rồi lại qua Ấn Độ Dương mênh mông bát ngát, tồn sức lao động quá, nên đành thôi. Và Dương đi lên boong tàu, ca một bản “mặc áo rách về quê”.

Năm ấy, Dương hai mươi tuổi, và Phượng mười bảy...

Cả hai tuổi đều đẹp cả. Nhất là nhìn Phượng và Dương sánh vai nhau đi trên con đường đầy lá đổ. Tất cả mọi người đều trầm trồ khen: Đẹp!... Mà cả hai đứa đều biết rằng mình đẹp đôi. Phượng thích mặc áo đỏ. Màu áo lẫn với màu hoa học trò, nở thắm sân trường. Dương mang lon thầy đội trên vai, nhưng không có tí ti mặc cảm nào.

Ngày đó, lính tàu bay còn hiếm. Một chuyên viên tốt nghiệp ở bên Tây về, vẫn được kính trọng hơn một ông quan, xuất thân từ một quân trường bản xứ. Mà Phượng đã bằng lòng yêu Dương, thì thiên hạ đều được coi không bằng cái khăn tay lau nước mắt của Phượng. “Em nhỏ thơ ngây đôi mắt biếc, gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”. Có gì để thương tiếc nữa đâu? Chúng tôi mừng cho Dương gặp Phượng, mặc dù thấy Phượng còn đang tuổi con nít, chúng tôi vẫn gọi là chị. Coi như Phượng đã là vợ của Dương rồi.

Tại sao tôi không nói thêm về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Phượng và Dương?... Thuở ban đầu, dù gặp nhau ở cầu tiêu vẫn là một kỷ niệm đẹp, khó quên. Dương gặp Phượng ở nhà hát lớn, nơi chứa cả hàng ngàn đồng bào miền Bắc, bỏ quê hương vào Nam, trong một cuộc di cư vĩ đại. Dương đi kiếm một gia đình quen nhưng không thấy. Đứng giữa đám người hỗn độn, nằm, ngồi, đứng, nói chuyện với nhau bằng một thứ tiếng nặng chất quê hương, Dương ngơ ngác và buâng khuâng. Chợt có một tiếng oanh thỏ thẻ bên tai:

- Ông kiếm ai vậy?

Dương giật mình:
- Tôi kiếm gia đình cụ phán Vương. Nghe nói cụ ở đây. Từ nãy tới giờ, tôi hỏi thăm mãi không thấy. Cô làm ơn chỉ dùm.

Một tiếng reo vui:
- A, nhà con Nga. Cụ phán Vương là “bu” con Nga, con Nga là bạn của Phượng. Bây giờ không còn ở đây nữa, mà mua được nhà ở Phú Nhuận rồi. Dọn đi đã được mấy hôm nay.

- Thế thì cô Phượng chỉ dùm nhà Nga cho tôi đi.

Giọng ngạc nhiên:
- Tại sao ông lại biết tên Phượng là Phượng?

Dương mỉm cười nghĩ tới cái ngây thơ hồn nhiên của tuổi học trò. Xưng tên một cách tự nhiên rồi hỏi tại sao ông biết. Dương làm ra bộ điệu bí mật:

Điều đó sẽ giảng nghĩa cho cô Phượng biết sau. Bây giờ cô Phượng làm ơn nói số nhà bao nhiêu, đường nào để tôi còn đến thăm bà cô mà mấy năm nay không gặp rồi...

- Thế ông không phải dân di cư?

- Có chứ. Chứng cớ là tôi đang đứng giữa Sài gòn. Nhưng tôi di cư cách đây gần ba năm. Tôi bỏ quê hương tới một chỗ xa hơn Cô Phượng nhiều. Tận ở bên Tây cơ. Từ ngày đó đến nay, tôi đã và sẽ là dân di cư, vì trong lòng lúc nào cũng bàng bạc một ít buồn hoài hương.

- Phượng chạy đi lấy cái cặp sách. Rút một quyển vở, ngoài bao tập đề “Lớp Đệ Tam, Trường Trưng Vương”. Giở vào đúng giữa xé một tờ, Phượng vẽ nhà của bạn. Đây là ngã tư, đây là con đường tàu, đây là nhà thờ đang xây cất. Nhà Nga ở chỗ này, có cái hàng rào gỗ, có cái cửa ra vào, cửa sổ nhìn ra con đường. Dương mỉm cười. Chợt Phượng vo tròn tờ giấy ném qua cửa sổ:

- Thôi để Phượng dẫn anh đi. Anh có bận gì không?

Dương thẫn thờ như người trong cơn mê. Hai người ngồi chung băng sau một chiếc taxi. Tự nhiên Dương thành ra ít nói và lừng khừng như một ông cụ non. Thế là từ hôm đó, họ yêu nhau...

Chúng tôi có mặt đầy đủ trong đám cưới đẹp nhất của mùa cưới. Tất cả chúng tôi đều nghèo. Không có tiền để may lấy một bộ đồ lớn. Chẳng lẽ ở xứ này là lại lấy đồ len ở bên Tây ra mặc. Nắng thì bốc như lửa. Trời nóng đến nỗi kiến cũng phải bò ra khỏi tổ để hóng mát, thì bộ quần áo len ấy sẽ làm trò cười cho tất cả mọi người ở cái xứ la de, dưa hấu. Thằng nào cũng mặc áo sơ mi trắng, thắt thêm cái “cà vạt”. Ấy vậy mà tôi thấy, từ trước đến nay, chưa có đám cưới nào vui như đám cưới này.

Thằng Trân lên hát “La vie en rose”. Thằng Quý hát “Voyage à deux”. Rồi cuối cùng để “mặc niệm” cho cuộc đời độc thân của thằng Dương, tất cả hát bài “La Quille”. Bài hát này là bài hát của những thằng lính Tây, khi mãn nhiệm kỳ quân dịch, chùm kín mền, đi từng bàn xin tiền uống rượu, chấm dứt một ngày cuối cùng trong quân ngũ: “La quille viendra, les “bleu” viendront, pour laver les gamelles. La quille viendra, les “bleu” viendront, pour laver les bidons”.

Bài hát thật ngô nghê, chất phác. Nhưng chỉ cần đoạn đầu là đúng lời ca. Còn đoạn sau cứ việc “phịa”, nói hết uất ức những ngày sống trong quân ngũ. Có những thằng độc mồm, độc miệng còn đọc cả một bài văn tế. “Dương ơi, chúng mình ở với nhau, bạn sống có, bạn chết có, sao bây giờ mầy nỡ bỏ chúng tao, mầy đi lấy vợ. Ô hô, hồn có linh thiêng, về đây thượng hưởng”. Có thằng nham nhở:

- Dương ơi, mày hãy bàn giao cho tao các em Bích, em Ngọc, em Liên, em Quý Mão... Này chị Phượng: Hãy để ý tới đức lang quân. Nó là thằng đào hoa có tiếng. Có chuyện gì thì “cúp” đi... Nào, một, hai, ba, chúng ta đồng ca...

Bài đồng ca vang lên chát chúa. “Đốt, hay không đốt? Thì cắt nó đi cho rồi...”. Bà Phán, mẹ Phượng, nhìn lũ quỷ sứ lắc đầu.

Bà hãy còn hai cô gái lớn chưa gả chồng. Phượng là con gái út. Vì theo đạo, nên không có sự kiêng cữ, không cần phải theo “hệ thống... quân giai”. Em cứ việc đi lấy chồng trước, rồi đến lượt chị, cũng không sao.

Đáng lẽ thì đám cưới Phượng và Dương sẽ được cử hành sớm hơn. Chỉ rắc rối ở chuyện “đạo”. Phượng muốn làm lễ ở nhà thờ, nhưng Dương lại không có đạo. Phượng khuyên Dương nên “trở về đạo” và tặng Dương cả một kho kinh để Dương luyện võ công.

Chiều Phượng, Dương đành theo đạo. Thằng Dinh chế diễu bằng một câu ca dao không biết nó “thuổng” được ở đâu: “Cúi đầu lạy Chúa ba ngôi. Tôi lấy được vợ, tôi thôi... nhà thờ”. Và Dương cũng làm xong thủ tục trước mặt Cha, trước mặt Chúa: “Tôi xin nhận người con gái này làm vợ. Tôi xin nhận người đàn ông này làm chồng...”. Khung cảnh trang nghiêm đến nỗi những thằng tinh nghịch nhất cũng không dám cười khúc khích.

Tiếng cầu kinh thầm lặng. Lạy Chúa chúng tôi vì dấu thánh giá, xin giữ chúng tôi cho khỏi kẻ thù. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, Amen... Đám cưới chỉ bật lên vui nhộn khi ra khỏi cái không khí âm u của nhà thờ, còn nồng mùi vôi, mùi cát mới xây cất đầu đường Trương Tấn Bửu. Một chuyến tàu ầm ỹ đi ngang qua. Người đứng trên tầu còn giơ tay vẫy như chúc cho chú rể, cô dâu. Bà Phán hài lòng:

- Còn hai chị đó. Dương coi có người bạn nào tử tế làm mai, làm mối cho vui cửa vui nhà.

- Thôi mẹ ạ. Những thằng này là một lũ sa tăng. Quỷ đã bắt mất linh hồn chúng nó rồi. Có thằng nào được như con đâu?

Tiếng nhao nhao lên cãi lại. Bố anh. Chưa chi đã lên mặt rồi. Nhưng mà thôi, tất cả những thằng chúng tao đây không có một thằng nào bằng được mày. Đồng ý lắm. Hăm hai tuổi đã dám làm một cuộc mạo hiểm ghê gớm là lấy vợ. Nhất mày rồi.

Đám cưới xong, Dương và Phượng ở một căn nhà ngoài căn cứ Không Quân. Nhất định không cho vợ ở trong trại Gia Binh. Tuy rằng nếu ở trong trại, đỡ tốn cả ngàn bạc tiền mướn nhà, tiện việc đi làm, đi ăn. Nhưng Dương là một thằng chúa gàn. Nó bảo tôi:

- Mày thử nhìn lại Phượng. Một người như vậy mà để chung chạ với vợ mấy thằng quản bò đá, mấy thằng đội lô can, thì chịu sao nổi. Tao với mày còn lạ gì cái trại Gia Binh...

Tôi thở một hơi thật dài. Tôi nghĩ đến thằng quản bò đá. Trong một ngày lễ lớn, dân địa phương có nhã ý tặng anh em một con bò để liên hoan. Cả một lũ bao nhiêu thằng xúm lại mà không quật nổi con bò ngã, để trói bốn cái cẳng lại, chọc tiết. Thằng quản già đứng ngoài chê bai:

- Một lũ ăn hại. Lui ra hết. Một mình tao cũng đủ hạ con bò này.

Và hắn xông vào ôm lấy hai cẳng bò. Chắc là vì thấy nhột ở hai cẳng, nên con bò đá về đằng sau một phát, trúng ngay cái chỗ chứa nước tiểu của thằng quản già. Nó ôm lấy bụng dưới, la lên có một tiếng rồi lịm đi, phải bôi hết cả một lọ dầu cú là mới tỉnh. Từ đó, tên nó là quản Bò Đá. Tên Bò Đá được ra, không có lời khiếu nại.

Còn mấy thằng đội lô can. Những ngày buồn tôi và Dương hay lang thang vào trại Gia Binh. Chì cần vài ba chuyện nhỏ cũng đủ cãi nhau, nhiều khi đưa đến đổ máu. Đổ nước đẩ chảy qua nhà nhau, rút trộm của nhau vài thanh củi là đủ ầm ỹ cả xóm. Tôi đã chứng kiến một vụ mất vịt mà cứ nghĩ lại, là thấy ghê sợ. Thằng mất vịt đi cùng trại, từ dãy A đến dãy L. Con vợ nó quang quác cái mồm nói đổng:

- Tìm kiếm cái gì nữa. Có tìm thì tìm mớ lông...

Con vịt đã bặt vô âm tín. Thằng mất vịt tới lúc tức quá, về lấy con dao, đưa ngón tay ra: Phập. Một nửa đốt ngón tay có dính tí móng, văng ra ngoài. Không cần phải băng bó, nó giơ ngón tay, máu nhỏ ròng ròng đi khắp trại:

- Cái tay tao, tao còn không sợ nữa là cái cổ chúng mày.

Đó là hình ảnh về trại Gia Binh. Phượng người con gái hoa khôi trường Trưng-Vương, của người chuyên viên thông minh nhất trường 721, lên bảng danh dự hoài hoài, đâu có thể ở nơi đó được. Tôi đồng ý với Dương. Nhưng thật thương cho bạn... Tôi hỏi:

- Chuyện cơm áo có vất vả lắm không?

- Cũng đều đều... Ngày hai bữa ăn và một giấc ngủ.

Tôi cũng muốn đem chuyện tương lai tối mù mù ra hăm dọa Dương, nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, thấy không nên. Hai đứa chúng nó đang yêu nhau. Có ích gì khi nói đến chuyện xa xăm. Nhìn Dương bây giờ, tôi không còn nhớ tới Dương ngày xưa, đi những đường Tango lả lướt dưới ánh đèn màu đỏ, mù khói thuốc lá. Phượng thì vẫn hồn nhiên, tươi trẻ. Bước chân sáo vẫn nhảy từ bếp lên nhà, vừa bày mấy cái chén cơm lên bàn vừa hát: “Ngày ấy, có anh đi nhẹ vào đời, và mang theo...”. Tiếng hát từ nhà xuống bếp. Tiếng ca chợt tắt...

- Anh hỏi xem anh ấy có ăn cơm cùng với tụi mình không?

Tôi hỏi lại:
- Cơm có gì ăn không chị Phượng?

Bước chân sáo lại đi lên nhà... Phượng lấy cái muỗng gõ vào chén. Có cá kho này. Phượng mà kho cá với tương, ăn vào tuyệt lắm. Cá kho dở, cho thật nhiều nước, nước cá kho để chấm rau, ngon lắm... Phượng mà làm bếp thì anh khỏi chê. Dương bĩu môi:

- Thôi đi bà nội, xuống bếp coi nồi cá, không khét hết bây giờ. Ở đấy mà khen mình mãi.

Phượng hỉn hỉn hai cánh mũi. Ờ, có mùi khét thật. Phượng ù té chạy xuống bếp, cười ròn rã.

Cầu trời cho Phượng Dương cứ sống hạnh phúc như thế này mãi. Dương ơi, tao them hạnh phúc của mày. Tại sao cứ phải tìm hạnh phúc ở đâu xa. Hạnh phúc là gì? Chỉ là nồi cá kho với tiếng cười vang lên từ trong bếp và đừng bao giờ không có tiếng cười.

Hạnh phúc ở với Dương 10 năm. Trong 10 năm ấy, chất hào hoa cứ dần dần bay mất, nhưng Dương đâu cần. Dương gom góp từng cái thùng gỗ, từng miếng ván, đóng từng cái tủ cái giường, cái bàn học cho con. Bàn tay của Dương vẫn khéo léo như thuở nào. Cưa một đường thẳng băng. Đóng cái đinh sâu vào trong gỗ. Những phát cọ quét sơn rất đều tay. Tất cả những cái khéo tay ấy, Dương tạo thành hạnh phúc gia đình.

Thằng Long, con Ly, con Quy đã lớn. Phượng đã là mẹ ba đứa con. Năm nay nàng hăm bảy tuổi. Buổi tối, dưới ánh đèn, tóc Phượng buông dài, vẫn thấy phảng phất không khí liêu trai. Dương ngồi dạy thằng Long học. Con Ly, con Quy ngồi nghịch những thứ đồ chơi nho nhỏ...

- Long là gì hả bố?

- Long là con Rồng. Bốn mẹ con của Long là bồn thứ linh thiêng cao quý: Long, Ly, Quy, Phượng. Chỉ có bố là bét nhất nhà.

- Thế bố là con gì?

- Bố í à? Bố là con dê. Dương là con dê.

Con Ly nhảy phốc lên lưng bố. Bố là con dê, bố phải để cho người ta cưỡi chứ. Bố bò đi... Bố phải đi bằng bốn chân như con Tô tô. Bố là con dê mà. Phượng mắng con:

- Đừng có hỗn. Để cho bố nghỉ. Mai bố còn phải gác.

Con Ly sịu mặt, tụt xuống khỏi lưng con dê già. Cái lưng càng ngày càng còng xuống còm cõi. Cái thông minh như cùn, như mòn, như rỉ đi. Phượng đuổi cả lũ con lên giường bắt nhắm mắt lại. Rồi chỉ vài phút sau, cái ngủ đã tới với trẻ thơ thiên thần. Phượng tới ngồi bên Dương:

- Anh ạ, làm sao có tiền trả cho chị Tư? Bữa nọ thằng Long đau, chị ta cho mượn tiền mua thuốc đấy.

- Thế tiền lương hết rồi sao?

- Thì anh tính, có hơn mười ngàn thì phải tiêu bao nhiêu thứ. Tháng này mà không trả tiền điện câu nhà bà Ba, bà ấy cúp điện đấy. Anh làm sao chứ cứ sống như thế này khổ quá.

Dương kéo một hơi dài thuốc quân tiếp vụ. Ngọn đèn vàng như ngọn đèn nhà ga Lyon. Nếu có tiền mua một chiếc xe gắn máy Dương cũng dám mày dày mặt dạn, đi chở Mẽo kiếm thêm chút đỉnh tiền. Ngoài trời, tiếng phi cơ bay trong không gian màu tím, đôi ánh đèn bên cánh lập lòe chớp tắt. Tiếng Phượng thì thầm:

- Hay anh để em đi làm?

Dương thở dài:
- Em đi làm? Nhưng làm ở đâu? anh chỉ thích cho em làm cô giáo. Nhưng làm công chức thì tiền lương không đủ để trả người làm. mà con cái vẫn nhem nhếch. Muốn có nhiều lương thì chỉ có cách làm cho Mỹ mà em đi làm cho Mỹ là điều mà anh không muốn. Chúng mình cứ sống thử như thế này một thời gian nữa xem sao.

Một tiếng nổ thật gần... Sỏi đá chạy trên mái nhà lóc cóc. Chiếc đèn trao đi rồi sáng lập lòe. Lại có pháo kích rồi. Lũ trẻ con giật mình, thức dậy khóc vang nhà. Con Ly, Con Quy chạy vội ra ôm vhặt lấy mẹ. Dương ôm thằng Long vào lòng. Em ơi, ngồi sát lại gần đây. Có chết thì chúng mình cùng chết cả. Thà chết một đống còn hơn sống một người. Tiếng của Phượng:

- Giá có tiền làm cái hầm cũng yên chí.

Tiếng ầm ầm lại vang lên. Ở xa, ở gần... Tiền ăn còn không có, làm chi có tiền mua bao, mua cát làm hầm. Trong một giây chán đời, Dương muốn một trái rốc-kết rớt đúng căn nhà này, tan xác chúng ta, để sống ở một nơi chỉ có tình yêu mà không có chiến tranh.

Đêm hôm đó, Dương và Phượng nói chuyện gần tới sáng. Vài hôm sau đã thấy Phượng đi làm ở một nơi to lắm, lớn lắm, mỗi ngày đi vào, đi ra phải khám ví, khám sắc tay, khám cả người. Vài tháng sau, đã thấy Dương đi xe Honda.

Nếu cuộc đời cứ đẹp như ở trong tiểu thuyết thì câu chuyện chấm dứt ở đây cũng được. Không cần phải viết đoạn kết. Nhưng chuyện thực của Dương và Phượng không phải như vậy. Câu chuyện về cuối, càng nhìn càng nghe càng thấy nghẹn ngào bi thảm.

Tôi thương Dương quá. Thương cả Phượng nữa. Những éo le, bất trắc có bao giờ buông tha số phận con người. Một buổi sáng trời còn lạnh mù sương, Dương đi làm chở theo thằng cháu Long. Tôi hỏi:

- Sao không để cháu ở nhà? Đánh thức nó dậy sớm quá như vậy, rồi mang vào đây làm gì?

Chúng tôi, những thằng lính già, gần như để hết cả tuổi thanh niên cho quân đội, đã có nhiều giây phút chán ngấy. Đã thề rằng không bao giờ cho con vào trại lính, để nhìn cuộc đời khốn nạn của thằng bố nó. Bây giờ Dương đã phá lệ.

- Nó đi học buổi chiều. Buổi sáng phải đưa nó vào đây chứ để ở nhà, lo lắm. Tôi ngạc nhiên:

- Thế mẹ nó đâu? Các em nó đâu?

Dương thẫn thờ nhìn ra không gian mênh mông. Nắng buổi sáng soi rõ cả những hạt sương đọng trên cửa kính buồng lái phi cơ. Một tiếng thở dài. Phượng bỏ tao rồi, Phượng đi lấy Mỹ rồi. Nó mang theo cả hai đứa con gái. Tao hối tiếc đã để cho nó đi làm. Rồi Dương kết luận:

- Lỗi tại tao. Tất cả tội lỗi là tại tao.

Chỉ nói được có mấy câu ấy rồi Dương khóc. Tôi cứ nghĩ rằng nhìn người đàn ông khóc chắc tức cười lắm. Nhưng bây giờ tôi không dám cười. Có gì để cười được nữa. Thôi, Dương ơi. Trong lúc cái chiến tranh này đã cướp đi của chúng ta một nửa quê hương, làm cả cái xã hội nảy thối nát, mày chỉ mất có một tình yêu. Tôi trải lại tấm vải phủ giường trực:

- Thôi mày nằm xuống đây, nghỉ đi. Chắc là đêm qua mày không ngủ. Trông mày tang thương lắm. Còn Long ra ngoài này với bác.

Thằng cháu Long lủi thủi theo tôi ra. Hôm nay không có chiếc phi cơ nào làm kiểm kỳ. Căn nhà hăng ga, không có máy bay trông thật cao, thật rộng. Thấy nhiều thứ lạ, cháu Long ríu rít hỏi tôi, nhưng tiếng cháu bị át đi vì tiếng phi cơ quay máy và cất cánh ở đầu phi đạo. Tôi ngọt ngào:

- Thôi, không hỏi nữa. Lấy sách ra ngồi vào bàn kia học bài. Sắp sửa thi vào Đệ thất rồi, phải cố mà học chứ không thi đậu vào Đệ thất trường tư thục thì thật ê mặt.

Thằng cháu chỉ ngồi một lúc lâu rồi tung tăng chạy nhẩy. Cứ ngày nào cũng vậy, bóng dáng hai bố con Dương còm cõi, âm thầm đưa nhau vào hăng ga dính đầy dầu mỡ. Cho tới một hôm...

Những ngày cuối năm, trời thường đẹp. Nắng thì dịu và gió thật mát. Nhất là ở nơi đây, có nhiều trời, nhiều nắng và nhiều gió. Cháu Long chơi ở đây lâu quá rồi cũng chán. Dương thì bận lo cho mấy chiếc tàu bay xuất xưởng.

Công việc làm không kịp thở. Cháu Long đi ra ngoài hàng rào kẽm gai, hái mấy bông hoa dịa đủ màu, cầm trên tay tung tăng chạy nhảy. Một con bướm đậu vào một bông hoa. Long rón rén bước tới. Con bướm đậu rồi lại bay, dẫn dắt Long đi như một sứ giả Thiên Thần mà Long thường nghe bố kể trong đêm... Thiên sứ Gabriel cũng có đôi cánh trắng, xuống trần gian để báo tin lành. Nhưng con bướm không đưa Long vào cửa nhà trời, mà đã đưa Long vào bãi mìn...

Một tiếng la thất thanh vang lên rồi loãng ra. Bao nhiêu gót giầy chạy rầm rập về phía hàng rào kẽm gai. Tiếng của Dương hốt hoảng: Long ơi! Đứng yên! Đừng có chạy! Cháu Long bừng tỉnh giấc mơ thần, nhìn chung quanh lố nhố một đám đông, dưới chân nhú lên những đầu củ hành lớn đen thui. Cháu Long khóc òa lên, nhưng tiếng khóc lẫn vào tiếng ồn ào, tiếng động cơ và tiếng đập của con tim. Tiếng bàn tán xôn xao:

- Lên phòng an ninh mượn bản đồ bãi mìn.

- Ai người ta cho mượn. Với lại khi thiết trí xong thì bản đồ phải thủ tiêu ngay chứ ai còn để làm gì?

- Vậy thì làm sao bây giờ?

Trông Dương bây giờ thật là thảm hại. Hết chạy ra lại chạy vào, luôn mồm kêu khổ. Nắng mười giờ nóng cháy lưng. Tôi nhấc ống điện thoại gọi tới Phòng Hành Quân. Và tôi nắm thật chặt tay Dương.

Một chiếc trực thăng rà tới. Cánh quạt quay chậm, thận trọng. Chỉ sợ bên dưới gạch đá bay tung. Con chim sắt lờ lững bình thản. Một cái thang giây thòng xuống. Một bàn chân đặt lên chiếc thang đong đưa nguy hiểm. Chiếc phi cơ lắc lư, tôi nhìn rõ khuôn mặt người phi công nhìn xuống, đầy chất trâm tư lo lắng.

Bàn tay người cơ khí viên phi hành, làm dấu hiệu cho thang xuống thấp. Rồi bàn tay ấy nắm lấy cánh tay gầy guộc, nhỏ xíu của cháu Long kéo lên. Cả trăm người reo lên mừng rỡ, khi cháu được thả xuống. Dương chạy lại ôm lấy con, nước mắt chảy đầm đìa.

- Em ơi! Phượng ơi!

Tôi biết rằng Dương muốn nhắc tới ngày xưa, ngày mà tình Dương và Phượng còn đẹp, xứ sở này chưa đi vào cuộc chiến tranh rách nát. Rồi tất cả lại rơi vào tịch mịch chỉ còn tiếng nghẹn ngào...

Buổi chiều hôm ấy, hai cha con đưa nhau vào nhà thờ. Đã lâu lắm, Dương mới tìm lại nơi đây. Cũng vẫn là cảnh xưa như ngày cưới. Vì là một ngày thường nên nhà thờ thật vắng. Dương nghe thấy cả tiếng ríu rít của đàn chim sẻ. Dương kéo cháu Long quỳ xuống. Cả hai cầu nguyện cho một người hồi tâm trở về. Rồi Dương gục xuống chỗ thanh gỗ để tay. Một tiếng động nhỏ. Dương ngẩng đầu lên và thấy một bóng áo đen sừng sững.

- Thưa cha, con khổ quá.

Một bàn tay nắm lấy tay Dương:
- Con hãy nhìn lên Chúa và than thở với Chúa, người đã từng chịu đau khổ hơn con.

Dương-Hùng-Cường

No comments:

Blog Archive