Monday, July 9, 2018

Pulau Bidong Và... Hè Ơi, Chào Mi!





Pulau Bidong
Đảo Pulau Bidong


Theo vận nước nổi trôi, cuộc chiến kết thúc trong bi thảm, khiến hàng triệu gia đình tan nát. Kẻ vào tù, người tìm đường ra đi. Năm 1984 khi ra tù. Năm 1986 tôi cũng tìm đường vượt thoát, tàu đã ra khơi nhưng bị tắt máy trôi ba ngày đêm trên biển, bị bắt lại, ở tù tại Ba động, tỉnh Trà Vinh. Năm 1997 trốn trại về Sài gòn. Mùa hè 1989 tái vượt biên đến đảo Pulau Bidong - Malaysia.

Nào ngờ, khi vừa làm xong thủ tục nhập trại thì được thông báo là tôi cũng như bà thuyền nhân cùng chuyến đi, thuộc diện những người đến đảo trễ sau ngày 14/3, là ngày các trại tỵ nạn trong vùng Đông Nam Á đã đóng cửa, không còn được hưởng qui chế tị nạn cũ.

Trên đảo Pulau Bidong lúc ấy, số thuyền nhân còn kẹt lại là 14,000 người, thêm những người vẫn liên tục tìm tới. Tất cả sẽ bị thanh lọc, ai không đủ điều kiện sẽ phải quay về nguyên quán. 

Thời tôi mới nhập trại,  dù cao ủy liên tiếp kêu gọi mọi người hãy tự nguyên hồi hương vì Việt Nam nay đã “mở cửa”, nhưng sinh hoạt trên đảo vẫn bình thường. Phần mình, tôi có tham gia các hoạt động cộng đồng, sau đó ra ứng cử bầu trưởng trại, để thay thế vị trưởng trại đương nhiệm vưà lên đường định cư.

Qua lý lịch khai báo, từng được đào tạo ngành quản trị cao cấp và từng quản trị một đại đơn vị cấp sư đoàn có quân số trên 12.000 người, nên khi tranh cử, tôi dễ dàng thắng cử cho chức trưởng trại.

Cuộc bầu cử có Cao ủy và Mã Lai chủ toạ. Khi tôi thắng cử họ đều chúc mừng.

Với 14.000 thuyền nhân còn lại, sống  thu hẹp trong một diện tích 5km2, hằng ngày tôi phải điều hành và giải quyết mọi hỷ nộ ái ố của thuyền nhân trên đảo.

Có nhiều việc phải làm cấp bách. Ưu tiên  là an ninh, vệ sinh và tổ chức sinh hoạt xã hội,  hầu xoa dịu phần nào dồn nén tâm lý uẩn ức của người tị nạn, sau cuộc hành trình đầy cam go nguy hiểm và trước một tương lai bất định.

Về an ninh,  tổ chức số anh em cưụ quân nhân vào các toán tuần tiễu đêm đêm để bảo vệ trật tư.

-Ngăn chặn bọn du đãng thường quấy nhiễu làm tiền những gia đình chủ tàu, chúng nghĩ chủ tàu có vàng, nên hăm dọa sẽ hãm hiếp vợ con họ nếu không đưa tiền cho chúng.

- Phục kích chận bắt bọn nấu rượu lậu từ núi cao đem xuống trại bán, gây say sưa mất trật tự của đảo (lệnh Cao ủy cấm).

- Chận bắt kẻ cướp tiền của người đi lãnh tiền từ thân nhân nước ngoài gởi đến qua TMS (bưu điện của trại).

Về vệ sinh,  sự sống còn trên đảo, phải tổ chức diệt chuột. Chuột là nỗi ám ảnh của thuyền nhân trên đảo, chuột hoang từng bầy từng lũ vô số kể. Tối về, chuột kéo đến cắn chân tay của người đang ngủ trong mùng. Vì vậy kế hoạch thi đua diệt chuột được ban ra, ai nạp được 3 đuôi chuột thì lãnh 2 gói mì. Có ngày số đuôi chuột đếm được trên cả nghìn đuôi!

Về sinh hoạt văn hoá – văn nghệ, khuyến khích, thúc đẩy mọi người tham gia các khoá học văn hoá - Anh ngữ và các khoá ngành nghề do Cao uỷ tổ chức để tránh cảnh nhàn rỗi, dễ sinh ra những ý nghĩ tiêu cực đáng tiếc.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức văn nghệ giúp vui cho đồng bào giải trí. Với khối lượng lớn tài năng của miền nam bị trôi giạt về đây. Đêm văn nghệ nào cũng no nê chương trình ca, vũ nhạc kịch và cải lương đầy ắp ba giờ, khiến mọi người hả hê thích thú.

Đặc biệt hơn nữa khiến cả trại và Cao ủy khó quên, là việc chủ động tổ chức các dịp lễ tết.

Đêm Trung thu năm 1990, tôi đề ra kế hoạch thi “cộ đèn” trung thu giữa các khu. Vật liệu làm đèn cao ủy cấp. Toàn trại có 6 khu:- ABCDF và khu thanh nữ cùng với các tôn giáo tham dự. Thật bất ngờ đêm trung thu ấy, toàn đảo sáng rực ánh lồng đèn, ánh đuốc đủ màu sắc, đủ kiểu, tưng bừng diễn hành quanh đảo. Đông đúc đồng bào các khu theo sau đèn của khu mình để ủng hộ, khiến Cao ủy và Mã lai ngẩn ngơ, vì đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến hiện tượng  chưa từng xảy ra trên đảo.

Không lâu sau, toàn trại lại nô nức đón ông già Noel từ “đất liền” ra thăm đảo và phát quà Giáng sinh.

Việc nầy, tôi đến gặp bác sĩ Haken người Thụy Điển, to con lớn tướng (sau nầy là chồng của một nữ thuyền nhân) ông đang là y sĩ trưởng bệnh xá của đảo, đề nghị ông đóng vai ông già Noel, được ông nhận lời.

Để tạo bất ngờ, tám giờ sáng ngày 24/12/1990, tôi sắp xếp cho ông lên tàu chở nước rời đảo ra khơi,  khoảng một giờ sau tàu quay trở vào bờ. Trong khi đo, hệ thống loa phóng thanh của đảo báo tin kêu gọi  đồng bào hãy xuống cầu tàu Jetty đón ông già Noel đến.

Mọi người hiếu kỳ, nô nức, kéo nhau chạy rần rần xuống bến tàu như trẩy hội.  9 giờ sáng ông già Noel bằng xương bằng thịt đến đảo thật sự, đám con nít chạy chen lấn nhau để được gần ông, vuốt râu ông, người lớn thì có dịp chụp hình kỷ niệm. Ông già Noel vui vẻ dẫn đoàn rước lên dốc núi sân khấu khu B để phát quà Giáng sinh cho đám “nhóc”. Mọi người vui vẻ hả hê đón Giáng sinh 1990.

Tết đến, ngoài phần vui tết bình thường, tôi tổ chức cuộc thi chay bộ Maraton quanh đảo giữa hai phe. Một bên là Cao ủy và Police, bên còn lại là phe ta- dân tỵ nạn.

Khi tập họp tại điểm xuất phát, tôi thấy giàn giá bên cao ủy và police sao có vẻ áp đảo phe tỵ nạn quá, vì họ to con lớn xác do ăn uống đầy đủ, mang giày hiệu Adidas, nhìn vào dễ biết là dân thể thao ngay, còn phe ta thì hình hài ốm yếu, mì gói là món ăn kinh điển trên đảo thử hỏi làm sao ta có thân hình cân đối được. Giày thì ai có gì mang nấy thiếu thốn mọi bề.

Vậy mà cuộc đua lại không ít bất ngờ. Tất cả hai phe tuyển được 12 cặp, đường dài khoảng 4km, có 5 trạm kiểm soát cuộc chơi.

Sau tiếng còi hiệu xuất phát ra, phe Cao ủy và police chạy thấy mê luôn vì còn “nóng máy”. Phe ta, tuy ốm o,  cũng chạy sánh vai một chín một mười với họ, mấy người gốc ngư phủ họ còn tỏ ra có bản lãnh về thể lực.

Cây số đầu chưa ngã ngũ thấm mệt. Qua cây số thứ hai, phe cao ủy có hai mạng bỏ ngũ. Phe ta “rụng” một, vì giày lủng “đáy” đau quá chạy hết nổi. Qua cây số thứ 3 thì hai phe “rụng” hơi nhiều, chỉ còn lại 2 cặp. Hai police và hai tỵ nạn. Nhưng qua cây số 3, 5 thì chỉ còn lại phe ta làm chủ trường đua và giành chiến thắng, nhứt, nhì.

Giải thưởng khiêm nhường về nhất: một áo thung và 20 Ringgits, tiền Mã lai (bằng 10 dollars), về nhì một áo thun và 10 Ringgits (bằng 5 dollars). Khi tập họp nhận giải, Cao ủy có lời khen “Các anh chạy giỏi qua”. Tôi nhẹ nhàng thưa,  “Chúng tôi đã có kinh nghiệm chạy từ Việt nam qua đây”. Cao ủy chỉ còn biết lắc đầu cười chúc mừng.

Trong khi đó, sinh hoạt trên trại vẫn ngập tràn công việc. Hằng ngày còn phải nhận thuyền nhân mới đến đảo và chuyển hàng trăm người từ đảo vào đất liền đi thanh lọc, một tháng sau đón họ trở lại.

Đã là thuyền nhân, chẳng ai muốn phải trở lại mảnh đất đầy công an, nhà tù. Người tỵ nạn bị thanh lọc đánh rớt quá nhiều, các biện pháp o ép hồi hương ngày càng nặng nề hơn khiến lòng người chao đảo sôi sục.

Để mở màn những biện pháp thanh lọc và cưỡng bức hồi hương tàn tệ, một viên chức trong chinh phủ Mã Lai lên tiếng mạt sát: “Những tỵ nạn người Việt đến đây là thành phần cặn bã tận đáy thùng rác của xã hội”.

Nghe được câu này khi còn làm trưởng trại, lòng tôi đau nhói vì tự ái dân tộc bị sỉ nhục thậm tệ, không thể chấp nhận. Sẽ phải phản đối điều này  tới cấp cao nhất của Mã Lai mà tôi có thể gặp. Tôi cũng nằm trong diện bị thanh lọc, việc gì sẽ tiếp tục?

Cuối năm 1990, bi kịch thanh lọc tại trại Bidong thêm một trang đau lòng: Thuyền nhân Lâm văn Hoàng  MC 381 trầm mình xuống biển chết ngày 25/11/1990 vì thất vọng với lời hứa của Cao Ủy.

Mấy tháng trước đó, tàu của gia đình Lâm văn Hoàng bị cướp biển đánh phá và hãm hiếp, mọi người chết hết. Lâm văn Hoàng may mắn ôm được tấm ván trôi nổi hai ngày đêm ngoài biển thì được một tàu dầu vớt đưa vào trại tỵ nạn Bidong giao cho Cao ủy. Cao ủy đến thăm và an ủi, cố gắng học Anh văn rồi sẽ cho định cư miễn thanh lọc. Thế nhưng sau đó Hoàng vẫn bị thanh lọc và bị đánh rớt. Đau buồn vì cả gia đình đã nát tan, nên anh tự trầm mình để chết theo những người thân đã vùi thây đáy biển.

Trong nỗi đau chung, tôi chấp nhận hướng dẫn phát động cuộc tranh đấu.

Di hài của Lâm văn Hoàng được giữ lại trước Sick Bay (bệnh xá) để biểu tình với biểu ngữ “Lâm văn Hoàng chết cho chúng ta sống”, ”Người Việt tỵ nạn hãy đoàn kết để sống”, “Người Việt tỵ nạn bất khuất và anh hùng”.  Được sự hưởng ứng của 14,000 trại viên, cuộc tranh đấu có lúc căng thẳng tới mức các nhân viên cao ủy phải rời trại với sự hộ tống của cảnh sát vì sợ bị bắt làm con tin.

Một tháng sau, khi tình hình tạm ổn định, do cao ủy đã thỏa mãn một phần yêu cầu của phe tranh đấu. Đám tang Lâm văn Hoàng cũng đã được tổ chức trọng thể gần như cả trại cùng đưa tiễn. Có cả Cao ủy và police tham dự đưa lên đồi nghĩa trang khu F chôn cất.

Ba tuần sau, 5 giờ chiều, tôi bị gọi lên đồn cảnh sát Mã Lai gặp vị chỉ huy. Ông ta thường được (phe ta, không biết ai thường gọi đại tá để lấy lòng - thực tình chỉ là thiếu tá nhậm chức thôi) và ra lệnh; 7 giờ sáng ngày mai phải có mặt tại đồn cảnh sát để theo tàu vào Tiểu Bang Trengganu.

-Xin ông cho biết lý do tôi phải vào Trengganu? Tôi hỏi.

-Anh vào đó để thăm thân nhân!  Ông ta cười cười.

-Thưa ông, tôi không có thân nhân từ nước ngoài.

-Thì vào chơi cho biết. Ở khóe cười hiện rõ vẻ hăm dọa.

-Thưa, sao tôi có đặc ân nầy? Tôi hỏi.

-Thì qua đó sẽ biết. - rồi ông ta đổi giọng lạnh,  bảo, - Thôi, về dưới trại đi!

Tôi biết đây là một âm mưu cô lập tôi với đám biểu tình trên đảo, vì sau tôi còn các nhóm khác nữa cũng đang tranh đấu.

Thay vì về lại trại, tôi lên văn phòng cao ủy trưởng. Ông ta người Mỹ.

Trong trại tỵ nạn, nhân viên Mã Lai nể sợ phái đoàn Mỹ mỗi khi vào trại lắm. Có lần, ông Mỹ trưởng phái đoàn vào trại nhận người tỵ nạn để cho định cư vào Mỹ, khi vào cổng Police Mã gác, ông thấy một đám đàn bà sắp hàng dài, tay mỗi ngưòi đều cầm một mảnh giấy. Ông ngừng lại hỏi.”Họ đến đây làm gì mà nhiều thế?” được trả lời, vì họ ăn thịt heo bị cảnh sát bắt lên trình diện hằng giờ suốt trong ngày.

Nghe xong, ông ta gom tất cả giấy của mọi người lại và vào đồn cảnh sát xé toẹt, còn mắng cảnh sát vi phạm nhân quyền. Ông bảo: “Mã Lai đạo Hồi bị cấm ăn thịt heo, còn những người nầy họ đâu phải đạo Hồi mà cấm họ”. Lần đó, phe ta reo hò chạy về trại mừng chiến thắng. Riêng phần cảnh sát cay cú lắm. Các lần sau ai vi phạm đều bị nhốt kín vào monkeyhouse (chuồng khỉ) cho êm chuyện.

Thấy tôi có mặt  không hẹn trước, vị cao ủy trưởng người Mỹ thừa quyền lực này hỏi tôi anh lên bất chợt có việc gì?

-Thưa cao ủy, đồn cảnh sát vừa kêu tôi lên báo tin, 7 giờ sáng mai phải có mặt tại đồn để theo tàu qua Trengganu, nhưng không cho biết lý do, Cao ủy có biết việc nầy không?

-Tôi không biết. Cao ủy trả lời.

-Vậy tôi xin báo tin cho Cao ủy biết.

-Nếu “cần đi” anh cứ đi. Số điện thoại của tôi… Có gì anh gọi. - Cao ủy “ỡm-ờ”.

Tôi hiểu ông ta thừa biết việc nầy rồi, vì mới hồi chiều ông vừa từ đất liền theo tàu cảnh sát ra đảo, tối lạị cảnh sát kêu tôi lên trình diện.

-Thưa, Cao ủy biết rồi, vào Trengganu lần nầy tôi đi tù, ở tù làm gì gọi dược điện thoại mà cao ủy cho số phone. Tôi lên đây chỉ để báo cho Cao ủy biết, tôi là một thuyền nhân tàu mang số MC 504. Là cựu trưởng trại phục vụ cộng đồng dưới quyền giám sát của Cao ủy và Mã Lai. Hai tháng trước đây tôi đã tranh đấu hợp pháp để đòi quyền tỵ nạn cho chính mình và cho đồng bào của mình trên đảo. Nay bị cảnh sát bắt đi, không biết sự hiểm nguy gì sẽ xảy ra cho tôi. Tôi nghĩ Cao ủy phải có trách nhiệm về việc này với vợ con tôi và toàn thể đồng bào tôi trên đảo.

Nói xong tôi ra về. Trong đêm đó, tôi tự làm cho mình một áo phao bằng mấy miếng sốp kết lại choàng vào người, rồi bên ngoài mặc áo lạnh che kín, đề phòng nếu ra giữa biển bị đạp xuống thủ tiêu thì hy vọng tấm “phao“ nầy sẽ cứu tôi. May thay điều đó không xảy ra.

10 giờ sáng tàu vào cảng Trengganu, cùng đi còn có anh Nguyễn đình Chiến (thông dịch), tự nguyện tham gia tranh đấu với tôi chứ tôi không tổ chức trước và hai người khác nữa. Họ đưa chúng tôi vào gặp thiếu tướng chỉ huy trưởng Task Foce lực lượng đặc nhiệm cảnh sát của tiểu bang nầy, và bị thẩm vấn:

- Tại sao các anh chống chính phủ Mã Lai? (Hỏi bằng tiếng Anh)

-Xin ông cho biết, chúng tôi chống chính phủ Mã Lai chỗ nào? Chiến hỏi lại.

-Các anh biểu tình ngoài đảo là chống chính phủ chúng tôi chứ còn gì? Ông ta nói.

-Sự tập họp đó (tôi tránh chữ biểu tình để hoá giải lời buộc tội của ông ta) chỉ là sự tỏ bày lòng thương tiếc của mọi người trên đảo đối với người bị nạn đã chết oan uổng mà thôi. Tôi biện bạch.

-Anh có biết anh là người thuyền nhân thứ mấy trên đảo nầy không? Ông ta hỏi tiếp.

-Dạ không biết, Chiến trả lời.

-Anh là người thứ 200.001 trên đảo nầy, vì vậy tôi hiểu người Việt các anh nhiều lắm, hiểu từ trong tim hiểu ra và từ đỉnh đầu đến gót chân của các anh. Ông ta nói trong tự đắc và ngạo mạn.

Nghe đến đây, tôi bỗng đổi chiến thuật, chỉ nói lại với ông bằng tiếng Việt, xem ông đối phó thế nào.

Thấy tôi nói tiếng Việt với ông, ông hỏi tôi nói gì!?

Tôi hỏi lại bằng thiếng Anh:

-Ông bảo, ông hiểu chúng tôi từ trong tim ra ngoài sao ông không nói được tiếng của chúng tôi, làm sao ông hiểu chúng tôi được?

-Như vậy, là ông không hiểu chúng tôi rồi. Chiến nói.

-Anh bảo, tôi hiểu các anh gì nữa. Các anh qua đây xin tỵ nạn, chính phủ chúng tôi đã cho, còn muốn gì hơn? Ông ta vặn lại tôi.

-Điều nầy cộng đồng người Việt hải ngoại và báo chí của chúng tôi ở khắp nơi trên toàn thế giới đã hết lời tán thán và biết ơn chính phủ các ông. Tôi giải bày.

-Như vậy chưa đủ sao các anh còn biểu tình chống đối. Ông ta gằn mạnh.

-Thưa ông, còn nhiều điều mà các ông chưa hiểu chúng tôi. Chiến từ tốn thưa.

-Điều gì nữa ông nói đi. Ông ta cho phép.

Vậy là đã tới lúc tôi nói:

-Chúng tôi muốn xin chính phủ và nhân dân Mã Lai đừng xem chúng tôi đến đây là thành phần “cặn bã tận đáy thùng rác của xã hội” như lời tuyên bố mới đây của một viên chức chính phủ của các ông đã phát biểu.

Thứ nữa xin chính phủ Mã Lai cho định cư miễn thanh lọc những nạn nhân bị cướp biển, họ đã khổ quá nhiều rồi. Trường hợp Lâm Văn Hoàng là điển hình, và còn 12 người nữa là nạn nhân của cướp biển đang có mặt trong trại. Tôi trình bày tiếp.

-Tôi sẽ chuyển nguyện vọng của các anh lên chính phủ. Cuộc nói chuyện đến đây chấm dứt. Ông ta nói, và ra lệnh cảnh sát giải tôi và mọi người về trại giam ở Marrang.

Trên xe tù về trại giam, tôi thầm mãn nguyện việc làm của mình vì, ít nhất cũng đã chuyển đạt trực tiếp được nguyện vọng của đồng bào mình lên chính phủ Mã Lai qua viên chức cao cấp nầy, nhờ biểu tình mới có cơ hội gặp được ông ta. Hy vọng tình hình sẽ được cải thiện hơn, nhưng phải chờ xem.

Riêng tôi. Họ đã tát nước, bắt cá, cách ly tôi với vợ con cùng anh em ngoài đảo. Nhưng anh em ngoài đảo vẫn còn nhóm khác tiếp tục tranh đấu. Tại đây, tôi tuyệt thực đòi công lý cho tôi.

-Cao ủy đến hỏi – Tại sao anh tuyệt thực?

-Xin Cao ủy cho biết lý do tôi bị giam giữ nơi đây, trong khi vợ con tôi thì ở ngoài đảo. Tôi bị tội gì?

- “Có lẽ” chính phủ Mã Lai cần tìm hiểu đôi điều về người tỵ nạn của các anh. Ông ta nói.

-Đã “tìm hiểu” xong rồi, sao tôi không được về lại ngoài đảo với gia đình tôi mà phải ở đây? Tôi hỏi tiếp.

-Được, tôi sẽ “xem lại”.

Thật tình lúc nầy Cao ủy và Mã Lai là một, chứ xem lại cái gì. Nhưng ông ta làm bộ hứa.

Rồi ba tuần sau, một sáng tôi được gọi tên ra cổng trại giam gặp năm người mặc đồ dân sự. Họ tự xưng từ trung tâm định cư người tỵ nạn của Mã Lai đến, đồng ý cho tôi cùng gia đình được đi định cư trước.

Đề nghị bất ngờ này làm tôi phải tự đặt câu hỏi: Tại sao tôi lại có đặc ân nầy trong khi tôi bị coi là kẻ cầm đầu gây rối loạn ngoài đảo và đang bị cô lập? Và tại sao họ chỉ gặp tôi ngoài cổng mà không vào trại làm việc đường đường chính hơn?

Sau khi suy nghĩ tôi quyết định không nhận đặc ân này.

- Những người cùng vượt biển chung tàu với tôi hiện đang chờ thanh lọc. Tôi đi chung với họ nay sẽ cùng thanh lọc chung với họ. Tôi không muốn hưởng ưu đãi nào ngoại lệ. Xin cám ơn quý ông.

Tôi nghi ngờ đây có lẽ là một ý đồ chia rẽ giữa tôi và đồng bào ngoài đảo. Nếu tôi nhẹ dạ, chỉ nghĩ đến phần mình ra đi sớm, thì đồng bào sẽ phỉ nhổ tôi, mất danh dự ngay, mặt mũi nào nhìn lại đồng bào mình sau nầy.

Hai tháng sau, vợ con tôi từ đảo “được vào ở tù” chung với tôi tại trại nầy. Rồi mấy tháng sau, gia đình tôi được chuyển đến trại Sungai Besi trong đất liền, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 100km.

Tổng diện tích của trại Sungai Besi chỉ bằng mặt lõm của sân vận động mà chứa cả chục nghìn người, lại nữa, trại gần đường xích đạo nên khí hậu nóng bức vô cùng. Chúng tôi có khác nào một bầy gà bị nhốt trong cái lồng chật hẹp, nên mạnh con nào con nấy, tranh đạp lên nhau giành chỗ thở.

Nhưng có điều thú vị khác là vào đây, nghe được tiếng gà gáy sáng và tiếng chó sủa từ xóm nhà gần trại vọng lại. Mắt được thấy bóng dáng xe cộ chạy loáng thoáng ngoài đường, cảm giác nầy đã mất hẳn  từ mấy năm qua vì bị cách ly ngoài đảo, xa với thế giới loài người bên ngoài.

Mùa hè 1992 trại tỵ nạn Pulau Bidong chính thức đóng cửa. Rồi việc đến phải đến. Lúc 3:00 chiều ngày 17/01/1992, tôi và gia đình lên bàn thanh lọc được gặp một vị sĩ quan cấp trung úy Mã Lai đại diện nước chủ nhà, một vị luật sư người Đài Loan và một thông dịch viên người Việt Nam do Cao ủy cung cấp.

Ngoài những câu hỏi thanh lọc bình thường,  tôi còn bị tra vấn theo lý lịch đã khai báo, từ việc làm sĩ quan liên lạc với Mỹ và sau đó dạy tiếng Việt tại trường Việt ngữ ở trong bô tư lệnh III MAF Thuỷ quân lục chiến Mỹ ở Đà nẵng hồi 1968.

Chín tháng sau cuộc phỏng vấn, ngày công bố kết quả, tôi và gia đình có tên trong danh sách đậu thanh lọc. Đồng bào trong trại đến chúc mừng tôi thật cảm động, vì ai cũng sợ tôi sẽ rớt vì tranh đấu.

Sau cùng theo tôi nghĩ, có lẽ  tôi đã được nương nhẹ vì lý lịch vững chắc, và dù sao cũng có công điều hành trại ngoài đảo giúp họ. Có thể năm người mặc đồ dân sự đến tìm tôi và gợi ý cho định cư trước, là thiện chí tốt của họ.

Sau khi thoát cơn mê thanh lọc tôi đến Mỹ với hai bàn tay trắng và mấy túi quần áo cũ xã hội phát mang theo. May thay, chỉ một tháng sau, có người bạn thuê đi cắt cỏ.

Mùa hè cỏ mọc cao, nghề cắt cỏ có đường sống. Thế là tôi đã có thêm hai mươi mùa hè Texas nắng nóng trên 100 độ, tha hồ “ấm mình”. Với nghề cắt cỏ tôi đã có thể chu toàn việc xây dựng gia đình, nuôi nấng con cái ăn học thành đạt trên đất Mỹ.

Mùa hè năm nay, sửa soạn bước qua  tuổi 79, tôi vẫn còn  đủ sức đi đứng và trong ký ức vẫn còn thấy lấp lánh những lồng đèn thả trên sóng nước từ buổi lễ  “Floating Lantern Ceremony” tưởng niệm 50 Năm Chiến Tranh Việt Nam ở Honolulu.

Ròng rã, một đời, tôi đã chứng kiến bao mùa hè nóng bỏng. Ngày ấy lên đường đi quân dịch, tóc hãy còn xanh. Ngày này trôi dạt, lưu vong, tro tàn bay trắng đầu.

Bây giờ, chỉ còn biết nói: “Hè ơi! Ta xin chào mi!”


Ngô Văn Thu

No comments:

Blog Archive