Nước Ý đi về đâu?
Võ Văn Thiệu
Phần Giới Thiệu: Tác giả bài nầy là một cựu sinh viên du học tại Ý từ năm 1971. Ông tốt nghiệp “Dottore in Economia Aziendale” tại đại học Luigi Bocconi, Milan, Ý Đại Lợi. Hiện định cư tại Mỹ từ 1979.
Sau cuộc bầu cử quốc hội và các cơ quan chính quyền địa phương vào tháng Ba vừa qua, nước Ý đã thành lập được một chính phủ rất bảo thủ vào tháng Sáu vừa qua, sau nhiều tháng thương thảo giữa các đảng chính trị thắng cử.
Một kết quả bầu cử đã làm thay đổi hẳn bộ mặt chính trị có từ lâu nay tại Ý Đại Lợi kể từ sau đệ nhị thế chiến.
Nhưng trước khi bàn về tình hình chính trị Ý hiện tại, thử ngược về quá khứ và xem chính trường Ý đã thay đổi ra sao trong mấy thập niên qua.
Khi người viết bài nầy du học tại Ý vào năm 1971, lúc bấy giờ nước Ý đã có các chính đảng thay phiên nhau cai trị đất nước sau đệ nhị thế chiến và chế độ Phát Xít Mussolini sụp đổ. Vào những năm 50’s cho đến cuối 80’s và đầu năm 90’s nước Ý đã có các đảng quan trọng như sau: Dân Chủ Thiên Chúa Giáo -DCTCG (Democrazia Cristiana – DC), đảng Cộng Sản (Partito Comunista Italiano – PCI), đảng Xã Hội (Partito Socialista Italiano – PSI), đảng Dân Chủ Xã Hội ( Partito Socialdemocratico Italiano – PSDI), đảng Cộng Hoà (Partito Republicano Italiano – PRI), đảng Tự Do (Partito Liberale Italiano- PLI). Còn một đảng cực hữu tên là Movimento Sociale Italiano (MSI) , xin tạm dịch là “PhongTrào Xã Hội Ý Đại Lợi”, đa số là cảm tình viên hay cựu đảng viên của chế độ Phát Xít (tiếng Ý gọi là Fascista : Từ chữ Fascio là “một bó, chụm lại với nhau, chủ ý nói lên sự đoàn kết từ các khuynh hướng khác nhau trong thời Mussolini). Đảng nầy có chủ trương na ná như đảng của ông Le Pen bên Pháp thời bấy giờ và được xem là cực hữu. Không bao giờ được mời vào chính phủ như các đảng kể trên. Đó là chuyện ngày xưa!!
Các đảng chính trị nêu trên đã có con số nghị sĩ và dân biểu tương đối khá tại quốc hội, nơi người ta liên hiệp với nhau để chọn ra thủ tướng và thành lập nội các chính phủ. Đảng lớn nhất lúc đó là Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, được Vatican ủng hộ hết mình, nên cả mấy chục năm họ cầm quyền với nhiều ông thủ tướng khác nhau, hay ngay cả được quốc hội bầu làm Tổng Thống, một chức vụ quốc trưởng, nhưng không có thẩm quyền nhiều bằng thủ tướng. Kể từ sau Thế Chiến thứ II, nước Ý có rất nhiều ông thủ tướng cũng vì các đảng lúc thì liên kết, lúc thì rút ra khỏi liên kết vì một vài bất đồng nho nhỏ hay tính toán cho là nếu chính phủ đổ, sẽ có bầu cử lại, hy vọng đảng nình sẽ có thêm phiếu . Ngay trong một đảng cũng chia nhau lập “corrente – hệ phái” để tranh giành ảnh hưởng, quyền lợi. Tình trạng nầy kéo dài cả mấy chục năm. Theo hiến pháp thì cứ mỗi 4 năm mới có một cuộc bầu cử quốc hội, thế mà có chính phủ nào “sống” lâu đến đó. “Elezioni Anticipate” (early election) là chuyện thường tình tại Ý lúc bấy giờ và ngay cả cho đến ngày hôm nay.
Kể từ ngày thành lập nền Cộng Hoà vào ngày 2 Tháng 6, 1946 cho đến nay nước Ý đã có cả thảy 12 ông Tổng Thống (TT). Người đầu tiên là TT Luigi Einaudi (1948-1955). Vào cuối năm 1971 khi tác giả bài này đến Ý thì lúc đó TT Giuseppe Sagarat (1964-1971) (Dân Chủ Xã Hội) sắp mãn nhiệm kỳ. Khi xem TV live, trắng đen lúc đó, tôi vẫn còn nhớ quốc hội đang ráo riết bầu TT mới. Vì không đủ túc số lần bầu đầu tiên, không nhóm nào hơn nhau, nên đã có nhiều lần bầu qua bầu lại, thương thuyết ngầm với nhau, rồi cuối cùng họ cũng chọn ra một ông tương đối “ba phải”, người Miền Nam, thuộc đảng DCTCG. Đó là TT Giovanni Leone, người Napoli (Naple) cho nhiệm kỳ 1971-1978. Hiện tại TT Ý là ông Sergio Mattarella, người gốc ở đảo Sicilia, cùng quê hương với ông Antonin Scalia, một Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện bảo thủ nổi tiếng nhất nhì tại Mỹ. Đa số người Mỹ gốc Ý đều có gốc từ Miền Nam Ý, vì xứ sở nghèo, họ đã di cư qua Mỹ vào cuối thế kỷ 19, hay đầu thế kỷ 20, cần ra đi để lập nghiệp với hy vọng cuộc sống khá hơn cho bản thân và gia đình, con cái. Chứ ít ai thấy người Mỹ gốc Ý có cha ông từ miền kỹ nghệ giàu có miền Bắc hay Trung Ý (như vùng Milano, Torino, Firenze v.v ). Một điều thú vị nữa là nhìn vào các họ như Scalia, Cuomo, Sinatra, Madonna Ciccone, Alito, Giuliani, Scaramucci etc.. đều có thể biết họ là gốc gác Nam Ý, nếu hiểu về lịch sử Ý Đại Lợi. Vùng này cũng đã sinh ra nhiều nhân tài về âm nhạc, thể thao, điện ảnh, fashion design, chính trị gia, luật gia v.v. trên đất Mỹ!
Cuộc đời chính trị của ông TT hiện tại của Ý cũng phản ảnh phần nào tình thế chính trị của Ý. Mới đầu ông ta tham gia đảng DCTCG, ở trong nhóm tả của đảng này. Sau này đảng đổi tên khác, ông ta vô đảng đó (Partito Popolare Italiano - PPI), sau đó ông ta qua đảng Democrazia è Libertà – DL (Dân Chủ Là Tự Do), sau đó ông ta vào đảng Partito Democratico - PD, sát nhập bởi các cựu đảng viên đảng Cộng Sản Ý (sau khi họ bỏ chữ CS ra và đặt tên là Dân Chủ Tả Phái – Democratici di Sinistra) và đảng Dân Chủ Là Tự Do. Sau cùng vào năm 2008 ông ta cho mình là chính trị gia độc lập, không theo đảng nào. Như vậy là đã nhảy “lung tung” tìm đường hoạt động chính trị! Chuyện này không có gì lạ với các chính trị gia tại Ý.
Là một giáo sư về Roman Law, luật La Mã, cựu Viện Trưởng Đại Học Palermo, thủ phủ của đảo Sicily, ông Mattarella có tính tình thâm trầm, chín chắn, được lòng nhiều người, nên ông được chọn làm Tổng Thống Ý vào năm 2015 với nhiệm kỳ là 7 năm. Chính phủ Ý có thể thay đổi, nhưng TT Ý thì ai cũng đủ uy tín để làm hết nhiệm kỳ và đa số được dân Ý kính trọng, làm mối dây đoàn kết cho toàn dân.. Chính TT Ý là người “chọn” Thủ Tướng sau nhiều lần tham khảo với các chính đảng, nhất là đảng chiếm đa số tại quốc hội.
Các chính đảng nói trên nay không còn trên chính trường Ý Đại Lợi. Hầu hết đều đổi tên, thay đổi lập trường, chính sách để phù hợp với tình hình mới.
Sau ngày khối Cộng Sản do Liên Sô cầm đầu tan rã vào đầu những năm 90’s, các nước Đông Âu lần lược từ bỏ gông cùm CS và cải tổ theo dân chủ, tự do thì các đảng tả phái Ý cũng nhanh chân thay hình đổi dạng để không bị dân chúng tẩy chay. Vào lúc chúng tôi theo học tại các đại học Ý vào những năm 70’s, ngày nào cũng thấy CS Ý và phe thiên tả đình công biểu tình (tiếng Ý là Sciopero!). Cờ đỏ, búa liềm, khẩu hiệu chống Mỹ và chiến tranh Việt Nam do CS dựt dây xảy ra như cơm bửa. Cá nhân tôi và các anh em sinh viên quốc gia tại Milano và Ý đều biết rằng họ đã bị bộ máy tuyên truyền CS dụ khị và lừa phỉnh, nhồi sọ một cách tội nghiệp mà không hay biết. Lãnh tụ đảng CS Ý lúc đó là Enrico Berlinguer, người gốc đảo Sardenia, đi Moscow tham vấn, liên kết với Leonid Brezhnev, tuy rằng bề ngoài tỏ ra mình là “CS Tây Âu”, phủ nhận Stalin!
Khi Đông Âu sụp đổ, phe tả Ý đều nhanh chóng thay đổi slogan và lập trường. Đảng CS Ý thì vội vàng bỏ tên cũ, lấy tên khác vì biết rằng dân Ý không còn mặn nồng với hai chữ Cộng Sản. Mới đầu họ lấy tên là Đảng Dân Chủ Tả Phái (Democratico Partito di Sinistra). Nhưng dần dần mất hậu thuẩn của dân chúng trong các kỳ bầu cử kế tiếp , đa số đảng viên lại ra lập đảng mới, thì họ lại đổi tên là Đảng Dân Chủ (Democratico Partito – DP) trong đó có ông Thủ Tướng cuối cùng của đảng này là Matteo Renzi, người gốc của thủ đô văn hóa Ý là Firenze (Florence). Các đảng khác như Xã Hội, Dân Chủ Xã Hội, Tự Do, Cộng Hoà, Radical v.v đều không còn đảng viên vì họ đã chạy theo các đảng khác, nên chúng ta không thấy họ trên chính trường hôm nay nữa.
Một đảng lớn đã “sanh sát” chính trường Ý gần 50 năm là Đảng Đân Chủ Thiên Chúa Giáo, có Vatican đứng đàng sau ủng hộ hết mình, nay cũng không còn. Mới đầu họ đổi tên từ Democrazia Cristiana (DCTCG) thành Partito Popolare Italiano, tạm dịch là “Đảng Bình Dân Ý Đại Lợi”. Nhưng rồi cũng từ từ chết dần khi các đảng viên nhanh chân chạy theo các đảng mới.
Các đảng mới là những ai??
Với thông tin Internet hiện đại, với nền kinh tế toàn cầu, với sự sụp đổ hoàn toàn của các lý thuyết xã hội chủ nghĩa và các lý tưởng không khả thi của tả phái, và thất vọng với lối làm chính trị theo phe nhóm và “bố trí nhân sự” theo kiểu xưa của các chính phủ, thế hệ dân Ý gần đây và nhất là hiện tại đã chán ngán các đảng cũ, và họ đã được “offer” các sự chọn lựa và hứa hẹn mới. Chúng ta đã thấy một ông tỷ phú người Ý, xưa nay chỉ lo buôn bán, kiếm tiền, có một cuộc sống hơi “bay bướm”, làm chủ một đội banh nỗi tiếng là Milan, được các “fan” hô hào ra làm chính trị. Thế là vào những năm đầu của 1990’s ông ta thành lập một đảng lấy tên là “Forza Italia”. Mới thoạt nghe, ai hiểu tiếng Ý cũng hơi buồn cười. Đây là một slogan trong khi xem đá banh tại sân vận động thì hay, nghĩa là “Hãy Mạnh Tiến Italia!”. Thế mà với các cơ quan truyền thông TV và báo chí trong tay, với khuôn mặt trẻ trung dù đã gần “thất thập cổ lai hy”, ăn nói mạnh dạng hơi na ná TT nhà ta, đi đâu cũng có các người đẹp theo gần. Tóm lại là một nhân vật mới , hấp dẫn quần chúng từ lâu đã quá ngán các chính trị gia “nhà nghề” và rất nhàm chán. Đảng Forza Italia của tỷ phú Silvio Berlusconi, người gốc Milan, thu hút được rất nhiều người , cả hữu lẫn tả. Đảng nầy đã thắng lớn và ông ta đã trở thành Thủ Tướng từ tháng 5, 2008 đến tháng 11, 2011, một thời gian tương đối lâu nhất trong lịch sử chính phủ Ý cận đại.
Vì là một người làm thương mại, tư tưởng chính trị và chính sách cai trị cũng không có gì nhiều ngoài các slogan mới nghe thì hấp dẫn nhưng thực thi thì không phải dễ dàng, lại bị mang tiếng về các xì căng đăng có tính cách cá nhân, dính dáng với đàn bà con gái như vụ thuê một cô bé múa bụng gốc từ Ai Cập đến dinh thự nguy nga tại ngoại ô Milan (kiểu như Mar-A-Largo) để giúp vui, nên cuối cùng rồi đảng của ông Berlusconi cũng đi xuống, mất phiếu dần dần.
Cùng lúc với đảng Forza Italia ra đời, tại các vùng miền Bắc nước Ý, nhất là ở tỉnh Lombardia nơi có thủ phủ là Milan, một phong trào có tinh thần địa phương ra đời lấy tên là Lega Nord (xin tạm dịch là Nhóm Miền Bắc). Đây là phong trào có chủ trương muốn tách rời Bắc Ý ra riêng, độc lập. Vì sao? Vì từ lâu nay, ngay cả thời ký chúng tôi còn ở bên Ý vào những năm thập niên 70’s, người dân các vùng Bắc Ý cho rằng họ chịu nhiều thuế đóng cho chính phủ để giúp vào Miền Nam mà không đi đến đâu, vì tham nhũng, bè phái, ngay cả bị kiểm soát bởi Mafia trong các công trình xây dựng, phát triển. Thời bấy giờ tại Ý có ngay cả một bộ chỉ lo việc phát triển Miền Nam gọi là “Ministero per il Mezzogiorno” (Mezzogiorno tiếng Ý cũng nghĩa là Miển Nam!)
Tuy nhỏ bé, xứ Ý cũng có các dialect, tiếng lóng địa phương và nạn kỳ thị Nam Bắc. Trái ngược với Việt Nam, miền Bắc nước Ý là khu kỹ nghệ trù phú, người dân có đời sống sung túc, văn minh cao hơn miền Nam. Lega Nord chủ trương tách rời ra khỏi Cộng Hoà Ý và thành khu tự trị. Họ đã nhiều lần chủ trương trưng cầu dân ý để làm chuyện này, nhưng đều thất bại không tạo ra được một nước Ý thứ hai.
Lega Nord đã thắng nhiều lần trong các kỳ bầu cử cho các cơ quan địa phương như Regione (Vùng), Provincia (Tỉnh) và Città (Thành Phố) tại miền Bắc và Trung nước Ý và càng ngày càng được dân chúng ủng hộ.
Năm 2009, khi các đảng “truyền thống” tan rã và gần như bị loại bỏ ra khỏi chính trường Ý, một phong trào mới nảy sinh ra với cái tên là lạ “Movimento Cinque Stelle– Phong Trào 5 Sao- M5S” do một anh trong giới nghệ sĩ lập ra. Lúc chúng tôi còn ở bên Ý, Giuseppe Piero “Beppe” Grillo là một anh làm các màn chọc cười trên TV và điện ảnh, thuộc hạng B. Xem anh ta cho vui thôi chứ không ai để ý, cũng như chúng ta xem các show TV bình dân tại Hollywood ở Mỹ.
Thế mà ông ta đã thu hút và biết được “sở thích, hiếu kỳ và tâm lý”của quần chúng, nhất là giới trẻ, đã chán ngán giới chính trị lâu năm (Establisment). Hiểu rõ lợi hại của Internet và Social Media, cùng với một tổ sư trong phương tiện nầy là Gianroberto Casaleggio, một chiến lược gia về mạn Internet - web strategist, hai ông đã lập ra M5S và từ đó phong trào nầy đi lên cho đến ngày hôm nay, lôi cuốn được nhiều hạng người trong xã hội.
Tại sao gọi là ‘Cinque Stelle – 5 Sao” ? 5 Sao là nói lên 5 điểm chính của phong trào: cung cấp nước công cộng cho mọi người, phương tiện giao thông dùng năng lượng “sạch”, phát triển nhưng phải bảo vệ môi trường, tự do tối đa Internet và sau cùng là bảo vệ môi sinh. Rõ ràng là các chủ trương “cấp tiến”, không phải bảo thủ hay binh vực các đại công ty dầu hỏa hay kỹ nghệ lớn. Về đối ngoại họ chủ trương chống lại sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Trung Đông và A Phú Hản, Iraq, Libya, Syria. Phong trào nầy đã “lôi cuốn hết” các thành phần của các đảng tả phái Ý, làm họ không kịp trở tay!
Hiện tại Phong Trào 5 Sao đã chọn ra một lãnh tụ mới là Luigi Di Maio thay thế cho người sáng lập Beppe Grillo, một phần vì có những bất đồng trong nội bộ. Chính cá nhân ông Grillo cũng không được luật pháp cho ra ứng cử vì bị một án tù trong quá khứ. Vả lại phong trào nay đã bước qua khỏi giai đoạn “phản đối” suông mà phải biết “govern – cầm quyền”. Ông Grillo thì ăn nói không được lịch sự, hay dùng các chữ không được khiếm nhã trong các cuộc mít tinh với đám đông ủng hộ viên. Những người có khuynh hướng quá khích, ồn ào, bình dân, thích “slogan mì ăn liền”, thì ở nước nào cũng giống nhau, từ Âu qua Mỹ. Ông Di Maio là một người trẻ, năng động, chuyên viên về marketing và ăn nói nhỏ nhẹ khác xa “style” của ông Grillo, xem xét lại việc chống đồng Euro và tỏ ra dung hoà hơn về một số vấn đề liên quan đến chính sách, một phần cũng để chuẩn bị tham chánh khi thời cơ đến.
Kỳ tổng bầu cử vào tháng Ba vừa qua các đảng mới nầy có kết quả ra sao??
- Đảng Phong Trào 5 Sao: 32.22 % (+6.62.%)
- Đảng Dân Chủ: 18.9 % (-6.5 %)
- Đảng Lega Nord: 17.69 % (+13.59)
- Đảng Forza Italia: 13.94 % (-7.66 %)
- Đảng Fratelli (Anh Em) d’Italia: 4.35 % (+2.35)
- Đảng Tự Do và Bình Đẳng: 3.38 % ---------
Như vậy là hai đảng đã cầm quyền trước đây đều mất phiếu và đi xuống trong cuộc bầu cử vừa qua.
Trong khi đó Lega Nord có số phiếu tăng vọt. Và đảng Phong Trào 5 Sao được xem như là chiếm đa số tại quốc hội. Với tình trạng di dân bất hợp pháp tràn vào Ý từ hướng Nam bởi các dân Bắc Phi như Lybia, Syria và các nước khác, Lega Nord đã được lòng dân, trước tiên là vùng Bắc Ý rồi sau đó cả nước vì họ thấy rằng không thể để tình trạng nầy kéo dài mãi. Di dân lậu đã dùng nước Ý làm bàn đạp, trạm dừng chân để họ chạy lên các nước Tây Âu khác xin tỵ nạn hay sinh sống bất hợp pháp. Trong một bài đăng trên tờ Corriere della Sera – tờ báo tại Milan và có uy tính nhất nhì tại Ý Đại Lợi – người ta thấy dân Ý bắt đầu than phiền về nền giáo dục của con em họ bị đi xuống do ảnh hưởng của các trẻ em con cháu của các người di dân không nói tiếng Ý rành rẽ. Họ cảm thấy phong tục và tập quán của họ nay bị xáo trộn ! Đó là chưa kể đến các tệ nạn khác gây ra bởi các người mới đến có thành tích bất hảo, gây ra gánh nặng cho các chính quyền địa phương không có đủ ngân sách để trang trải mọi thứ cho làn sóng người ồ ạt xâm nhập vào. Dân Ý là một dân tộc hiếu khách và có tấm lòng bao dung của người Thiên Chúa Giáo, nhưng họ cũng là nạn nhân của “passion fatigue”. Phải làm một cái gì để cứu đất nước ra khỏi cơn khủng hoảng có thể làm đảo lộn cả một đất nước. Đó là lúc mà các đảng có chủ trương chống di dân lậu và “người Ý trên hết” nhận được nhiều phiếu. Cũng cùng ý tưởng đó, đảng M5S lại chống một chiều hướng khác, đó là ảnh hưởng của Liên Hiệp Âu Châu và đồng Euro, các đại công ty quốc tế multi-national lâu nay khuynh loát nền kinh tế, môi trường, các quyền tự do v.v. Có thể nói là một đảng thì có chủ trương bảo thủ, đảng kia cấp tiến, thiên tả, kết nạp mọi thành phần bất mãn trong xã hội!
Với kết quả bầu cử trên, nước Ý đã trải qua hơn 3 tháng mới tìm ra một chính phủ liên hiệp cầm đầu bởi hai đảng Lega Nord, M5S và một vài đảng nhỏ hay cá nhân độc lập, vì các đảng khác không đồng ý với nhau về chính sách để hoạt động. Người được TT Ý chọn ra làm Thủ Tướng là ông Giuseppe Conte, một Luật Gia và là Giáo Sư Đại Học. Ông Conte là một sự chọn lựa bất ngờ vì ông ta không có nhiều thành tích về chính trị. Do đó người ta cho rằng mọi quyết định quan trọng của chính phủ mới này nằm trong tay hai đảng Lega Nord và Movimento Cinque Stelle. Có lẽ chừng nào hai đảng này còn “mặn nồng” với nhau thì chính phủ sẽ không...đổ.
Hai Phó Thủ Tướng là Luigi Di Maio (M5S) và Matteo Salvini (Lega Nord). Ông Salvini kiêm chức Bộ Trưởng Nội Vụ, một chức vụ rất quan trọng, cũng chỉ để đối phó với nạn di dân lậu từ Bắc Phi bơi qua các đảo Miền Nam Ý. Bộ trưởng Ngoại Giao là ông Enzo Moavero Milanesi ( Độc Lập), đã tham chính nhiều lần, có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Thị Trường Chung Âu Châu tại Brussels và là cựu Giáo Sư của Đại Học Luigi Bocconi của Milan (được xem như là the Italian Harvard) nơi người viết bài này tốt nghiệp vào năm 1979.
Một cuộc mít tinh của Lega Nord trước nhà thờ
Duomo di Milano, Italy.
Để kết luận, kết quả bầu cử vừa qua tại Ý đã làm thay đổi sinh hoạt chính trị tại Ý rất nhiều. Đó cũng là kết quả của sự phá sản lý tưởng chính trị “dòng chính” kể cả các xu hướng tả phái chỉ nói cho hay mà không thực hiện được công bằng xã hội. Phe hữu, đặc biệt là đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, nơi có điểm tựa quan trọng của Toà Thánh, cũng hết đề tài, không còn hiệu nghiệm và lấy phiếu được như xưa.
Hiện tượng thành công của một người như Beppe Grillo, hay cực đoan như nhóm Lega Nord, dù cả hai nay đã được dân Ý toàn quốc ủng hộ vào bầu cho họ lên cầm quyền, không biết sẽ đem nước Ý đi về đâu. Khi lên cầm quyền hai đảng Lega Nord và M5S đã “dịu” bớt các đòi hỏi thay đổi cứng rắn của mình trong cả hai mặt đối nội và đối ngoại. Nếu họ giải quyết được hai vấn đề quan trọng là nợ công ngày càng chồng chất, kinh tế không phát triển và di dân lậu tràn ngập nước Ý, thì chính phủ của họ sẽ đứng vững và tạo ra một “model” cho cả Âu Châu, vốn đã nghi ngờ và đang theo dõi từng bước của chính phủ Conte, xem chính phủ này sẽ làm việc như thế nào với Liên Hiệp Âu Châu trong các mặt trận chung chiến tuyến, ngay cả đối với Mỹ, Nga, Tàu và các vấn đề của thế giới hôm nay.
Thắng cử là một chuyện, điều hành chính phủ một cách có hiệu quả như đã hứa và hành xử ra sao với đồng minh và kẻ thù là một chuyện khác, không dễ. Các “slogan mì ăn liền”, thủ đoạn hay mánh khoé tranh cử sẽ nhường chỗ cho các tư tưởng có căn bản, chính sách thâm sâu, bản lãnh chính trị và nhất là yêu tổ quốc hay yêu đảng, cá nhân của mình? Hy vọng tầng lớp cai trị trẻ mới của Ý sẽ không làm cho dân Ý thất vọng vì đã chọn lầm người.
Võ Văn Thiệu
@GG Hè 2018
No comments:
Post a Comment