Monday, July 16, 2018

Một câu chuyện nhà


Viết về bản thân, về gia đình là “khó”.

Từ rất lâu, nhứt là khi có computer, tôi thường xuyên “viết”. Mỗi ngày viết một hai trang A4, như một hình thức viết nhựt ký về “thời cuộc”. Những năm sau này các trang nhật ký đó được đăng trên trang blog, sau đó là trang facebook cá nhân. Cái “sự viết” lâu ngày dường như trở thành một “bản năng”, theo kiểu “je pense donc je suis”. Tôi viết như để chứng minh rằng mình “hiện hữu”. Tôi viết, như thói quen mỗi ngày, như hít thở, như bài tiết… 

Nhưng không phải vấn đề nào cũng viết “dễ” cả. Viết về gia đình đôi khi ngồi cả buổi không viết được dòng nào. Không phải vì không có “dữ kiện” để viết, mà vì lo ngại “hệ lụy chính trị”. Sự bất bao dung về chính trị VN có thể di hại cho bất cứ ai, bất kỳ ở đâu, bất cứ lúc nào...

Đại Gia Đình của tôi rất lớn. Không kể cha mẹ họ hàng, bên ngoại thì gần bên nội thì xa, anh em chúng tôi “rất đông” mà mỗi người có một “không gian hạnh phúc”, một “hoàn cảnh xã hội” riêng. Nói về đứa này (mà không nói về đứa kia) thì thế nào cũng có đứa “phê” rằng “anh Ba thiên vị”, thương đứa này hơn thương đứa kia… Mà xã hội Việt Nam, đã nói, sự thiếu bao dung về “chính trị” đã không cho phép mình viết sao thì viết.  

Hôm nay tôi viết về “Đại Gia Đình”. 

Từ rất lâu, không biết từ lúc nào, anh em tôi mới có dịp gặp mặt (khá) đông đủ như vậy. Chuyến đi California ba tuần của tôi, bắt đầu từ trung tuần tháng sáu, mục đích là “họp mặt Đại Gia Đình”.  

Có lần tôi viết rằng : Anh em tụi tôi xuất thân từ một gia đình nông dân “vô sản chân chính”. Gia tài ba má tôi chỉ là ngôi nhà tranh của bà ngoại mất đi để lại. Không ruộng, không vườn, không đất đai của cải. Ba má tôi sống nhờ cày thuê, cấy mướn. 

Trong khoảng thời gian “khốn khổ” vì nghèo, anh em chúng tôi có bốn đứa, hai trai hai gái. Anh lớn (dĩ nhiên) là “anh Hai”, tôi là “anh Ba”, sau đó là “cô Tư” và “cô Năm”. 

Kỳ “họp mặt gia đình” lần này hết sức là “ấn tượng” vì có đủ “bốn anh em”, với “lòng thòng” kéo theo nào con, nào cháu...
 
“Hoàn cảnh” đã khiến cho anh em tôi mỗi đứa mỗi nơi, anh Hai và cô Tư ở Mỹ, tôi ở Pháp và cô Năm và cô Tám ở Ý. Chú Sáu từ VN không qua được vì “giấy tờ”. Chỉ có thím Sáu “đại diện”, mà thực ra chuyến đi của thím là mừng ngày ra trường của “ba cô công chúa”. 

Có lần tôi kể là anh em tụi tôi “dốt toàn tập”. Anh tôi 12 tuổi mới bắt đầu đi học. Cả “tuổi thơ” của anh tôi là chăn trâu, là giữ em cho ba má tôi đi “mần ruộng”. Tôi kém hơn anh tôi 5 tuổi, cùng cô Tư, cô Năm chẳng có đứa nào học hành cái gì. 

Anh em gặp nhau ngồi kể chuyện cũ. Cả bốn anh em đều “hoài niệm” về Pleiku. Bởi vì nếu không có đất Pleiku bao dung và đầy “cơ hội”, để ba tôi một anh nông dân làm giàu lên từ hai bàn tay trắng, thì bốn anh em chúng tôi cuộc đời bây giờ chắc cũng quẩn quanh nơi bó lúa, hột gạo, con cá.... 

Ba tôi “khởi nghiệp” từ phu xúc cát đá cho xe ben. Sau đó học hỏi để lên làm “tài xế”. Từ đó lần hồi góp vốn, nhờ “người ta” mua đấu giá xe phế thải (từ Thế chiến thứ II) về sửa chữa, chế biến lại thành xe ben. 

Quá trình từ phu xúc cát đá cho cho đến làm chủ xe ben của ba tôi là cả một chiều dài nhục nhằng, đầy mồ hôi và nước mắt. 

Tôi nhớ hoài lời của cô Tư: Anh Ba à, cái mà em sợ nhứt là “cái nghèo”!

Thật là như vậy. Cái nghèo mới thật là đáng sợ! 

Thời còn nghèo anh em tôi đi đâu, bà con không ai coi ra cái gì! Má chúng tôi dẫn đàn con đi tới đâu bà con ai cũng sợ đi “ăn chực”. Cô Năm tới bây giờ còn cay đắng với lời phê bình của những người “bà con”: cỡ mầy mà bận áo đầm ?! (sic!)

Con gái ai lại không muốn làm đẹp, mặc quần áo đẹp ? Ngay cả giấc mơ bận cái áo đầm của em tôi cũng bị nhiếc móc. Cái nghèo quả là đáng sợ!

Có lẽ vì cái “lời nguyền” này mà sau này cô Năm trở thành “nhà kiểu mẫu” với hiệu “Th.” khá nổi tiếng bên Ý.

Rồi anh em chúng tôi cũng được đến trường. Anh tôi 12 tuổi mới bắt đầu học đánh vần, học làm toán. Tôi và mấy đứa em tôi cũng vậy.

Mà có lẽ “trời thương”, anh em tôi tuy nghèo nhưng được cái đứa nào cũng “thông minh”, siêng năng, “học giỏi”. 

Anh tôi 12 tuổi, ngoài “chăn trâu”, cắm câu, tát đìa, bắt cá hôi… thì anh tôi không biết gì khác. Vậy mà chỉ trong một năm, anh tôi đã học xong 5 lớp và lên học trung học. 

Sau này anh tôi đậu tú tài hai, đi du học (tốt nghiệp kỹ sư) nước ngoài. 

Anh hai tôi (và tôi) những đứa chăn trâu trở thành những kỹ sư là chuyện có thật. 

Nhưng “ấn tượng” phải nói là sự thành công của cô Tư và cô Năm.

Có những điều không nên nói ra, nhưng tất cả anh em chúng tôi đều nhìn nhận cô Tư mới là “trụ cột” của “Đại Gia Đình”. 

Cô Tư một mình sau 1975 bương chải, lo đầy đủ cho ba má và đàn em nheo nhóc. Cơ ngơi sự nghiệp của ba má tôi, hãng xưởng, xe cộ, công nhân hàng trăm người… sau 75 phải bỏ hết. Tay trắng hoàn tay trắng. 

Một mình cô Tư, không chỉ lo cho ba má, mà còn lo cho từng đứa em. Lo lập gia đình cho từng đứa. Lo nhà cửa, miếng ăn… cho từng đứa. 

Tôi và anh Hai, ra nước ngoài, có cũng như không. Tất cả gánh nặng của “Đại Gia Đình” đều đặt trên vai cô Tư. 

Cô Tư không giàu như những “đại gia”, làm giàu dựa vào quyền lực. Đồng tiền của em tôi làm ra là đồng tiền của mồ hôi và trí tuệ. Nhưng tấm lòng của em tôi là bao dung, là rộng lượng hải hà...

Khi ba tôi “làm ăn nên ra” thì ba má tôi quyết định gởi tất cả anh em tôi về Sài gòn để đi học. Nghĩ lại mới thấy đây là một quyết định rất “tiến bộ” của ba má tôi thời đó. 

Ba má tôi, vì có kinh nghiệm với cái nghèo, biết rằng nguyên nhân cái nghèo là vừa do “dốt”, vừa do không dám phiêu lưu. Vì vậy hai ông bà có quan niệm rằng muốn con được “nên người” thì phải “thả” cho con “ra ngoài” để đi học. Mà thật vậy, quan niệm bên Tây, bên Mỹ cũng đều như vậy. Bởi vì cha mẹ đâu có sống đời để bảo bọc cho con ?

Mà quảng đời “du học” của anh em tôi cũng nhiều “nước mắt”.

Cô Năm đến bây giờ vẫn còn chất chứa trong lòng sự phẫn nộ vì cách đối xử vừa tàn nhẫn vừa bất công của bà dì. Em tôi bị đánh đập thường xuyên. Nhà ở cũng là ngôi trường mà bà dì tôi vừa làm hiệu trưởng, vừa làm chủ. Mỗi lần ba má tôi chậm gởi tiền đóng học phí là cô Năm “te tua”. Lúc roi vọt, lúc mắng nhiếc. Dì tôi đã mất từ lâu nhưng em tôi, cô Năm đến bây giờ vẫn không tha thứ.   

Nhưng cô Tư thì không vậy. Lúc bà dì “sa cơ thất thế”, thì cũng cô Tư cũng bảo bọc, đem bà dì về nuôi dưỡng. 

Cô Tư chỉ có độc nhứt một chút con gái: bé Thùy Dương. Gọi là “bé” vì quen miệng. Chớ Thùy Dương đã có chồng và hai con. Chồng Thùy Dương là một nghiệp chủ rất thành công ở San Jose.

Thùy Dương giống cô Tư y hệt ở tấm lòng: bao dung và rộng lượng. Chồng Thùy Dương cũng vậy. 

Đúng là “ở hiền gặp lành”, cô Tư bây giờ mới thật là hạnh phúc. Nhìn con cháu mình hạnh phúc, nhìn anh em, bà con cật ruột mình hạnh phúc. Đó là hạnh phúc của cô Tư. 

Nói về “Đại Gia Đình” mà không nói cảnh “thương tâm” của giòng họ Trương của má tôi là điều thiếu sót. 

Má tôi có người em trai duy nhứt (cũng là con trai duy nhứt của giòng họ Trương) là cậu Sáu, đi “tập kết” lúc mới 14 tuổi. Sau 75, cậu tôi làm giám đốc một hãng gì đó ở Sài gòn, chuyên về hóa chất. Khoảng những năm 79-85, gia đình ba má tôi lâm vào cảnh “ngặt nghèo”, gạo không có mà đàn con nheo nhóc. Cậu tôi nghe má tôi trách móc sao đó, “làm lớn” mà không lo nổi cho gia đình. Cậu Sáu tôi lên lầu ba nhảy xuống đường tự tử. 

Cậu tôi chết trên tay của má tôi. Nghe má tôi kể lại rằng, trước khi chết, cậu thều thào : “em hối hận lắm chị Năm ơi!”.

Bởi vậy, nhiều người không biết tưởng tôi họ “Trương”. Thực ra không phải. Tôi lấy bút hiệu họ “Trương” bởi vì giòng họ ngoại đã bị “tuyệt tự”.

Cuộc họp “Đại Gia Đình” dĩ nhiên do cô Tư, vừa làm “trưởng ban tổ chức”, vừa làm “nhà tài trợ” cho tôi cũng như những đứa khác. 

Cám ơn cô Tư, cám ơn bé Thùy Dương (và ông xã Thùy Dương). Cám ơn anh Hai, cám ơn cô Năm, cô Tám. Cám ơn thím Sáu, cám ơn tất cả. 3 tuần hội ngộ qua thật nhanh. Hẹn gặp nhau lần tới.

Tuấn Trương

No comments:

Blog Archive