Nguyễn thị Cỏ May
Alexandre Benalla và Emmanuel Macron
Cả thế giới đang hướng về nước Pháp, chuẩn bị tới Pháp du lịch nhơn mùa Hè nắng ấm. Hằng năm, nhờ vẻ quyến rủ của Paris, những lâu đài cổ kính, rượu ngon, ăn ngon mà Pháp có từ 88 đến 89 triệu lượt người thăm viếng. Năm nay, Pháp lại được chú ý hơn vì đội banh Pháp vừa đoạt giải vô địch đá banh thế giới. Nhưng cái hay, cái đẹp chưa qua thì cái tai họa lại giáng xuống ngay thủ đô Paris. Đúng hơn nhằm thẳng Điện Elysée. Một nhơn viên bảo vệ an ninh cho TT Macron đánh một người biểu tình tại Paris nhơn ngày Quốc tế Lao động hằng năm.
Phim ghi nhận được cảnh Alexandre Benalla, Phụ tá Chánh Văn phòng Tổng Thống phủ, đánh người biểu tình, vừa được nhựt báo Le Monde loan tin đã làm dấy lên phản ứng từ chánh giới ảnh hưởng ra tới dư luận quần chúng. Giới chức chánh phủ không ai giải thích được tại sao Benalla không có nhiệm vụ ở biểu tình mà lại có mặt ở đó, mang băng đỏ của nhơn viên cảnh sát thường phục khi hành sự và cả mặt nạ, đánh người biểu tình. Các cơ quan truyền thông từ tuần nay ra rả ngày đêm tường thuật, bình luận xì-căn-đan với cả phim ghi lại cảnh xảy ra. Tổng thống Macron khó giữ im lặng được. Thủ tướng đã phải lên tiếng. Tổng trưởng Nội vụ, Cảnh sát trưởng Paris, Giám đốc Trật tự An ninh công cộng, đã phải lần lượt trả lời báo chí, điều trần trước Quốc Hội. Cả Tổng thống và Thủ tướng cũng bị đòi hỏi phải trả lời trước Quốc Hội. Hai người đều cho rằng vụ Benalla chỉ là sự «sai trái cá nhơn» chớ không phải là một «vụ việc Quốc gia» (affaire d’État).
Nội vụ ngay lập tức được đặc tên "Benallagate", bắt chước báo chí Huê Kỳ gọi vụ vi phạm luật pháp của tòa Bạch ốc làm cho TT Nixon phải từ chức trước khi Tòa án Pháp lý Tối cao ra phán quyết «hạ bệ» (impeachment). Khi gọi «Benallagate» phải chăng dư luận từ các phe phái chánh trị đối lập ở Pháp cũng có ý muốn đặt vấn đề Macron cũng nên theo gương Nixon ở Mỹ trong vụ Watergate?
Làm chánh trị dân chủ sao mà lắm phiền toái! Ai cũng đều phải tôn trọng luật pháp vì chỉ có luật pháp quyết định chớ không có «bộ» nào quyết định hết cả.
Benallagate
Năm 1974, vụ Watergate ập xuống Tòa Bạch ốc dẫn tới TT Nixon quyết định xách gói ra đi. Vụ Benallagate cũng gợi lên yêu cầu TT Macron và Thủ tướng Philippe nên từ chức. Nhưng theo Hiến pháp của nền Đệ V Cộng hòa thì Tổng thống được bầu trực tiếp, không bị Quốc Hội hạ bệ (tội tối nghiêm trọng, Quốc hội lưỡng viện hội đủ đa số tuyệt đối mới truất phế Tổng thống, điều khó làm vì Tổng thống thường nắm đa số Quốc Hội).
Tên Alexandre Benalla từ đâu tới?
Sanh năm 1991 ở Evreux (tỉnh Eure, vùng Normandie), Tây-Bắc cách Paris lối 100 km, lớn lên trong khu phố «nhạy cảm» Madeleine (ZUP de la Madeleine – ZUP: Zone à Urbaniser en Priorité = Vùng hay khu vực Đô thị hóa Ưu tiên). Benalla gốc Maroc, đã sửa tên họ viết theo tiếng Pháp khi nhập tịch Pháp vì, theo báo chí, tên họ gốc của hắn là «Lahcene Benahlia».
Benalla học Trung học Đệ I cấp ở trường Foch, trung học Đệ II cấp ở trường Augustin Fresnel ở thành phố Bernay. Benalla suốt học trinh trung học thay đổi nhiều trường. Tánh tình thích gây gỗ, đánh lộn. Theo ông Eric Dionis, thư ký của trường, cậu bé ở năm cuối trung học bổng nhiên thay đổi, trở thành tử tế, dễ thương, lễ phép, biết điều.
Ở tuổi 16/17, Benalla là một thanh niên mảnh khảnh. Để thực hiện giấc mơ trở thành một nhơn viên an ninh cao cấp, cậu bé chuyên cần luyện tập thân thể.
Khi sửa soạn ra tranh cử Tổng thống, ông Macron cần thành lập một đội bảo vệ an ninh riêng trong thời gian vận động. Alexandre Benalla đang làm việc trong Ban Trật tự đảng Xã hội ứng cử vào Ban an ninh của ông Macron.
Được Macron tuyển dụng vì thấy đó là một thanh niên đầy tham vọng và sẵn sàng làm mọi việc theo lời sai bảo.
Alexandre Benalla luôn luôn đi sát bên TT Macron, cả trong những di chuyển riêng tư của ông. Alexnadre Benalla còn giữ chìa khóa ngôi nhà của vợ chồng Macron ở Touquet, vùng biển Manche. Tin này của báo chí loan vừa được Benalla đính chánh.
Chức vụ chánh thức của Benalla là Phụ tá Chánh Văn phòng Tổng thống Phủ, một chức vụ hoàn toàn chánh trị. Hợp đồng 5 năm theo nhiệm kỳ Tổng thống. Cậu ta đang vận động để được làm «Phó Tỉnh trưởng» (tạm gọi theo tiếng Pháp Sous-Préfet) và đồng thời, được đồng hóa «Trung tá Cảnh sát» vì hắn đang xin làm «Sếp An ninh Tổng thống Phủ».
Sau vụ đánh người hôm Lễ Lao động, Benalla qua hôm sau liền bị ông Chánh Văn phòng cho nghỉ việc. Ngày 20/7/18, cậu ta bị giam để điều tra về trường hợp «hành hung người mà không có nhiệm vụ, mang phù hiệu cảnh sát trái phép, mang vũ khí, vi phạm nhiều lần bí mật nghề nghiệp, vi phạm hình ảnh vidéo bảo vệ an ninh». Nội vụ đua qua Tòa án.
Vụ Alexandre Benalla trở thành Benallagate từ hôm 18/7. Mỗi ngày qua, nhiều phát hiện mới tung ra cho báo chí tràn ngập tin tức mới suốt ngày.
Alexandre Benalla hay Lacene Benahlia là mật vụ ma-rốc?
Tên ma-rốc của Benalla đã được Élysée phủ nhận, và xác định cậu ta chỉ có tên chánh thức là Alexndre Benalla mà thôi. Nhưng tên ma-rốc được báo cánh cực hữu tiết lộ lại ngày càng chiếm mạnh dư luận. Từ đó xuất hiện thêm dư luận cho rằng việc cậu thanh niên này nói dối lý lịch là để che dấu hoạt động tình báo của cậu ta trong cơ quan tình báo hải ngoại của Maroc (DGED – theo mạng Algérie yêu nước).
Lúc đi học Luật, Benalla gia nhập Đoàn Thanh niên đảng Xã hội, hoạt động trong Ban An ninh Trật tự. Cũng dựa theo những thông tin đó, người ta hiểu tại sao Benalla đã trèo cao mau như vậy nhờ cậu ta chen vào bộ máy đảng Xã hội, với sự đỡ đầu của cựu Tổng trưởng Giáo dục Najet Vallaud Belkacem, đảng viên Xã hội, người ma-rốc nhập tịch Pháp, và bên cạnh những viên chức khác cùng gốc ma-rốc, như Rachida Dati, cựu Tổng trưởng Tư pháp, Myriam Al-Khomri, cựu Tổng trưởng Lao động, Audrey Azoulay, cựu Tổng trưởng Văn hóa, …
Nhưng Alexandre Benalla hoạt động bí mật cho tình báo ma-rốc chỉ mới là giả thuyết. Thực tế là TT Macron muốn tổ chức một micro-équipe (ê-kíp nhỏ), độc lập, chỉ phục vụ Tổng thống. Hiện tại, ít nhứt Macron có được 2 người thân cận và tín nhiệm: Alexandre Benalla và Vincent Crase. Cặp này bám sát ông Macron từ thời gian còn vận động tranh cử.
Thấy Alexandre Benalla được đề bạt ở địa vị quan trọng, lương bổng cao (báo chí nói 10 000 €/tháng, nhà ở rộng 180 m2 thuộc khu sang trọng, xe và tài xế riêng. Thật ra lương là 6000 €/tháng, nhà 80 m2 và công xa cấp riêng), nhiều người bàn tán phải chăng Alexandre Benalla là «tình nhơn» của TT Macron? Hôm 24/7, ông lên tiếng trước một số Dân biểu phe đa số, nhơn viên chánh phủ, thay vì trước Quốc Hội, là chỉ có ông là trách nhiệm vụ việc Benalla. Nhơn dịp này, ông cũng nói luôn là Alexandre Benalla cũng không phải là «người tình» của ông! Ông cũng cáo buộc là báo chí nói toàn những điều tầm bậy.
Vậy đối với Macron, Alexandre Benalla là ai?
Về những «con dao Thụy Sĩ»
Trong vòng riêng tư và kín đáo, những chánh khách đang cầm quyền luôn luôn cần tới những người thân tín. Đây là một truyền thống có từ lâu đời. Người thân tín đó có chức vụ là Cố vấn hay Phụ tá đặc trách an ninh. Trong giới nhà nghề, gọi đó là «Dao Thụy Sĩ» (couteaux suisses). Họ là người làm hết mọi việc cho sếp, bảo vệ an ninh, chia sẻ những chuyện kín đáo của sếp, quản lý nhiều thứ như tiền bạc, gái, con riêng của sếp. Đôi khi cần, hắn kín đáo liên lạc với kẻ thù hoặc đối phương cho quyền lợi của sếp. Việc làm của «Dao Thụy Sĩ» không cần phải quan tâm tới một nguyên tắc đạo lý hay pháp luật nào cả. Chỉ nhằm đạt mục tiêu phục vụ sếp.
Hắn thường ẩn mình trong bóng tối. Khi hắn xuất hiện là lúc vai trò của hắn chấm dứt.
Cựu TT. Mitterrand có ông François de Grossouvre là Cố vấn riêng, tức «Dao Thụy Sĩ». Ông là chủ báo, nhà kỹ nghệ. Ngay khi Mitterrand vận động ứng cử, ông đã tài trợ Mitterrand. Sau đó, ông tổ chức cho Mitterrand hệ thống an ninh mật, có bí danh là «Bông hồng trước gió». Trong suốt 14 năm Mitterrand làm Tổng thống, ông dấu kín đứa con gái Mazarine Pingeot của Mitterrand với bà bồ ở ngay trong Élysée.
Tháng 4/94, ông bị Mitterrand bỏ rơi. Buồn, chán đời, ông ”tự tử” ngay trong Elysée. Mitterrand sau đó cũng tiêu vong. Suốt nhiệm kỳ 14 năm của Mitterrand có nhiều người “tự tử”, một đặc điểm độc đáo nổi bật của ông Tổng thống xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong nền Đệ V Cộng hòa Pháp.
Chirac, lúc làm Đô trưởng Paris, có ông Michel Roussin làm cố vấn riêng. Khi Chirac và Thị xã Paris bị tố tham nhũng trong vụ nhà xã hội (HLM) và các trường trung học ở vùng Paris, ông bị ra Tòa điều tra về tội đồng lõa. Sau cùng ông bị Tòa buộc tội tù treo.
Người ta coi lại thấy ông không có tiền bạc gì hết nên nghĩ ông vẫn là người trong sạch.
Danh sách “Dao Thụy Sĩ” khá dài. Có thể Alexandre Benalla đối với TT. Macron, nếu không phải “tình nhơn ”, thì đây bắt đầu vai trò một “Dao Thụy Sĩ” nhưng bị gãy cán sớm!
Vụ Alexandre Benalla nổ bùng chỉ trong vòng tuần lễ đã làm uy tín của ông Macron xuống khá nhiều. Theo kết quả thăm dò dư luận, ông bị mất liền 4 điểm so với kỳ thăm dò trước, chỉ có 53% ưa/60% không ưa.
Có 2 người Pháp trên 3 muốn ông Macron giải bày cho rõ ràng vụ Benalla trước dân chúng.
Báo chí trong mấy ngày qua quả thật có lợi dụng quyền tự do ngôn luận nói quan điểm có lợi cho phe cánh của mình. Báo chí Pháp hết 80% là khuynh tả. Nhưng báo chí của chế độ cộng sản độc tài ở Việt nam thì cả hơn 600 tờ báo đều chỉ biết lập lại theo lưỡi gỗ của đảng cộng sản và nhà nước.
Người dân có đòi dân chủ chỉ để thể hiện cụ thể quyền của mình cai trị chính mình. Không phải bởi một đảng phái nào cả.
Ở việt nam, dân chúng đòi dân chủ, chịu bị công an đánh đập dã man, cũng chỉ muốn chính mình cai trị mình!
Nguyễn thị Cỏ May
No comments:
Post a Comment