Vũ Linh/Thế Giới Mới
MUELLER TRUY TỐ NGA
Thứ trưởng Tư Pháp Rosenstein đã loan tin công tố Mueller đã thuyết phục được một đại bồi thẩm đoàn truy tố 12 sĩ quan của GRU (tương đương với CIA) về nhiều tội liên quan đến việc Nga tìm cách thâm nhập vào cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua. Đây là những người khác với đám dân sự Nga bị truy tố trước đây.
Họ đã bị tố thâm nhập vào các hệ thống emails của Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, và hệ thống emails của ông John Podesta, giám đốc vận động tranh cử của bà Hillary, với mục đích khuynh đảo kết quả bầu cử. Một cách cụ thể, họ bị tố đã chui vào các hệ thống đó để lấy cắp tin, cài tin phịa, và thu thập dữ liệu cá nhân của 500.000 cử tri.
Có vài điểm đáng nêu lên:
Ông Rosenstein xác nhận đám sĩ quan GRU này có liên lạc với nhiều người Mỹ thuộc cả hai chính đảng, nhưng dường như không ai biết họ là sĩ quan GRU Nga. Ông cũng xác nhận đơn truy tố không nêu lên việc thâm nhập này đã có ảnh hưởng gì đến kết quả bầu cử. Đơn truy tố cũng khẳng định không có công dân Mỹ nào dính dáng.
Công tố Mueller bỏ cả năm trời lục lạo, tìm ra được một tá sĩ quan phản gián Nga mà từ trước đến giờ chưa ai nghe biết, vậy mà vẫn chưa thộp được một nhân viên nào của ông Trump thông đồng với Nga. Dù vậy, phe ta vẫn mau mắn la hoảng ngay đây là bằng chứng Trump thông đồng với Nga, hay việc Nga giúp xì emails chính là lý do tại sao bà Hillary thua. Cái ngớ ngẩn trong lời giải thích này là nếu bà Hillary thua vì emails bị Nga xì ra thì câu hỏi là có phải tại vì trong những emails đó đầy rẫy những chuyện xấu xa của bà Hillary mà phe DC muốn dấu không? Bị lộ ra khiến bà Hillary thua?
Không nghe nói gì đến việc Wikileaks xì những emails này ra. Có phải là GRU đã chuyển những emails này cho Wikileaks không? Quan hệ giữa Nga và Wikileaks như thế nào?
Tại sao lại truy tố ngay đúng lúc TT Trump đang công du và nhất là vài ngày trước khi TT Trump họp thượng đỉnh với TT Putin? Có ý đồ hạ uy tín của tổng thống trước thế giới và phá hoại cuộc họp, hay gây khó khăn cho TT Trump trước cuộc họp quan trọng với Putin không? Ngay sau khi tin này được tung ra, phe DC và nhóm #NeverTrump (TNS McCain) đã không chậm trễ nửa phút, nhẩy nhổm đòi hủy bỏ cuộc họp ngay. Tuy nhiên, nhìn dưới một khiá cạnh khác thì tin này có vẻ làm suy yếu tư thế của Putin và giúp Trump ăn nói mạnh bạo hơn với Putin.
Trong khi phe CH kêu gọi kết thúc sớm cuộc điều tra của công tố Mueller vì kéo dài đã quá lâu, tốn quá nhiều tiền mà chẳng ai thấy kết quả gì cụ thể, thì công tố Mueller đã phản ứng bằng cách tung tin này ra để chứng minh mình đang làm việc rất tích cực, đến độ còn phải mướn thêm một lô luật sư thượng thặng nữa.
Ban điều tra của công tố Mueller mới đây đã được tăng cường thêm ít nhất nửa tá luật sư nữa. Trong số các luật sư này, có một vị đã từng yểm trợ tiền tranh cử cho bà Hillary, và một luật sư khác đã từng thưa kiện ông Kushner là con rể của TT Trump.
Trong khi đó, công tố Mueller vẫn còn đang điều đình với các luật sư của TT Trump về việc tổng thống ra điều trần trước ủy ban điều tra.
Dù sao thì những việc trên cũng là triệu chứng cho thấy công tố Mueller không có ý định chấm dứt cuộc điều tra trong tháng tới khi quá cận cuộc bầu cử. Có nhiều triển vọng cuộc điều tra sẽ kéo dài qua cuộc bầu cử.
LUẬT SƯ STRZOCK ĐIỀU TRẦN
Strzock – Page – McCabe
Cựu viên chức cao cấp của FBI, ông Peter Strzock (đọc như Strok, không có ‘z’ và ‘c’) đã ra điều trần trước Hạ Viện để trả lời về vai trò của ông trong cuộc điều tra của FBI về Nga can dự vào bầu cử tổng thống khi ông Strzock còn làm cho FBI.
Strzock – Page – McCabe
Cuộc điều trần giống như cuộc khẩu chiến quy mô giữa các dân biểu CH một bên, và ông Strzock với các đồng minh dân biểu DC bên kia. Xin thưa là đúng vậy, không phải là ông Strzock một bên và Hạ Viện một bên, mà trong cuộc điều trần, các dân biểu CH lo chất vấn và tấn công ông Strzock trong khi các dân biểu DC lo bao che, chống đỡ ông này, cãi lại các đồng nghiệp CH. Một cuộc điều trần quái lạ khá hy hữu.
Ông Strzock được giao trách nhiệm điều tra về vụ Nga can dự. Khi đó, FBI cũng đang điều tra vụ emails của bà Hillary. Nhưng theo ông Strzock thì giám đốc FBI, ông Comey đã ra lệnh tạm dẹp vụ bà Hillary qua một bên, ưu tiên toàn diện cho vụ thông đồng với Nga.
Ông Strzock sau đó được công tố Mueller bổ nhiệm làm việc trong ủy ban điều tra của ông, cùng với một luật sư khác cũng của FBI, bà Lisa Page. Ông Strzock là người chủ yếu truy tố tướng Flynn về tội ‘khai gian’. Một thời gian sau, một số emails và tin nhắn trao đổi giữa ông Strzock và bà Page bị lộ, cho thấy hai người gian díu với nhau từ lâu, cũng như trao đổi tin nhắn và emails hàng ngày, trong đó vô số nhận định đả kích và bôi bác ông Trump, cũng như tin của ông Strzock khẳng định với bà Page là “đừng lo, không có cách nào Trump đắc cử hết vì ‘chúng ta/tôi’ sẽ chặn chuyện đó”, nguyên văn “we’ll stop it”.
Sau khi chuyện này đổ bể công tố Mueller đã giải nhiệm cặp này, trả về lại FBI. Gần đây, bà Page đã ‘từ chức’ ra khỏi FBI, trong khi ông Strzock bị ngưng chức chờ Tổng Thanh Tra bộ Tư Pháp điều tra vai trò của ông trong vụ phó giám đốc FBI McCabe lấy trát tòa FISA đi theo dõi một cố vấn trong ban vận động của ông Trump.
Các dân biểu CH chất vấn việc làm sao một người chống Trump và ủng hộ bà Hillary hăng say như vậy lại có thể là người chịu trách nhiệm điều tra về ông Trump và bà Hillary được.
Ông Strzock ngang nhiên nói ông chống ông Trump vì ‘yêu nước’, nhưng khẳng định quan điểm cá nhân đó chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc điều tra của ông, vì ông là một viên chức chuyên nghiệp, công tâm. Báo Washington Post cho rằng lời biện minh của ông Strzock thật khó mà bắt bẻ được (hard-to-rebut). Chuyện này, ai muốn tin xin tùy tiện.
Trả lời về câu nói “We’ll stop it”, ông Strzock giải thích ông muốn nói ‘dân Mỹ’ sẽ chặn chứ không phải ông hay FBI sẽ chặn. Ở đây, quý độc giả thấy tiếng Mỹ có chủ từ ‘we’ không được rõ nghĩa bằng tiếng Việt có ‘chúng ta’ và ‘chúng tôi’ khác hẳn nhau. Với ‘chúng ta’ thì có thể hiểu đúng như ông Strzock biện giải tức là cả dân Mỹ sẽ chặn, nhưng với ‘chúng tôi’ thì ông Strzock hết cãi, đúng là FBI sẽ chặn.
Một câu chuyện lạ lùng. Một dân biểu CH hỏi một câu hỏi liên quan đến FBI, ông Strzock từ chối trả lời, viện cớ chưa được FBI cho phép. Sau khi Hạ Viện nhận được sự đồng ý của FBI, hỏi lại ông Strzock thì ông này trả lời “Tôi không nhớ”. Hết chuyện.
Chủ tịch Ủy Ban, ông CH Goodlatte, hăm dọa sẽ truy tố ông Strzock ra tòa vì tội khinh thường quốc hội.
Ngay sau cuộc điều trần, một dân biểu DC đã đề nghị tặng ông Strzock huy chương Purple Heart, là loại huy chương anh dũng bội tinh dành cho các quân nhân đã có những hành động can trường nhất trên chiến trường.
Cô đào đóng phim sex đươc tôn vinh là người hùng của thành phố, bây giờ ông Strzock được đề nghị Purple Heart. Đó là những thần tượng của phe cấp tiến DC đấy. Hết ý !
Bà Lisa Page từ chối không chịu ra điều trần. Nhưng sau khi Hạ Viện đe dọa sẽ truy tố bà vì tội khinh thường quốc hội thì bà đồng ý để luật sư của bà điều đình ngày và điều kiện ra điều trần.
TT TRUMP TIẾP TỤC ĐÁNH TÀU
Sau đợt thuế quan đầu tiên, 25% trên sản phẩm trị giá 34 tỷ của Trung Cộng được kích động cuối tháng Sáu vừa qua, chính phủ Mỹ cho biết đang đúc kết kế hoạch đánh thuế quan 10% trên hơn 6.000 sản phẩm TC trị giá nhập cảng vào Mỹ khoảng 200 tỷ đô.
Đợt thuế quan đầu nhắm vào những sản phẩm kỹ nghệ nặng. Ngay sau đó, TC phản ứng bằng cách tăng thuế quan một số hàng tiêu thụ và nông nghiệp Mỹ. Đợt tăng thuế quan thứ nhì là để trả đữa phản ứng của TC, và lần này, đánh vào nhiều sản phẩm tiêu thụ linh tinh như đồ gia dụng trong nhà, là những sản phẩm xuất cảng sở trường của TC.
Trước tấn công dồn dập của Mỹ, thị trường chứng khoán TC, từ Thượng Hải đến Hồng Kông đã rớt mạnh từ mấy tuần nay, xuống đến những mức thấp nhất từ hơn một năm qua. Cả ngàn tỷ đô trị giá chứng khoán Tầu đã bốc hơi mà cho đến nay, chưa ai thấy triệu chứng ổn định gì hết. Cả thị trường Á Châu và Úc Châu cũng bị họa lây, giảm mạnh từ Seoul đến Tokyo đến Sydney.
Thị trường TC đỏ lòm!
Trong khi đó thì thị trường chứng khoán New York lại tăng ào ào cả tuần nay. Nhìn vào tình hình thị trường TC và Mỹ thì biết các doanh gia quốc tế đang đánh giá cuộc chiến mậu dịch Mỹ-Tầu như thế nào.
Có tin không được xác nhận là chính quyền TC đã cố kềm hãm mọi chỉ trích chống Mỹ trong cuộc chiến mậu dịch, để trấn an dân và hạ hỏa, tránh tạo hoang mang nhiều hơn trong giới tài chánh.
ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ ICE
Đảng DC gia tăng nỗ lực đòi giải tán ICE –Immigrations and Customs Enforcement Agency-, là cơ quan kiểm soát biên giới và di dân.
Một trong những ứng cử viên vào chức thống đốc New York, bà DC Cynthia Nixon công khai tố cáo ICE là một ‘tổ chức khủng bố’, chỉ bận rộn đi lùng bắt phụ nữ và trẻ con di dân, đẩy họ về chỗ chết trong những xứ đại loạn của họ. Tố cáo này là một mỉa mai vĩ đại khi ICE chính là tổ chức đã được khai sinh ra sau vụ tấn công 9/11 để chống khủng bố.
Phong trào đòi giải tán ICE dường như ngày càng lan rộng ra trong giới thiên tả cực đoan quá khích trong đảng DC, đến độ vài ông DC cũng phải tìm cách kéo thắng lại.
Trong một bài bình luận khá dài, ông Jeh Johnson, cựu bộ trưởng An Ninh Lãnh Thổ của TT Obama, đã cho rằng giải tán ICE không phải là một chính sách nghiêm chỉnh. Ông chỉ trích những người đòi giải tán ICE là không hiểu gì về khác biệt giữa chính sách và cơ quan. Lấy ví dụ trong cuộc chiến tranh tại VN, người ta có thể chống chiến tranh, nhưng không ai đòi giải tán bộ Quốc Phòng. Nếu thấy chính sách di dân của TT Trump sai thì phải đòi thay đổi chính sách đó. Nếu thấy ICE làm sai thì phải đòi sửa sai, thay đổi cách làm việc, không thể đòi giải tán ICE.
Ông Johnson cho rằng giải tán ICE sẽ đe dọa nặng tình trạng an ninh chung của nước Mỹ. Kêu gọi giải tán ICE cũng chỉ tạo phân hóa thêm trong quần chúng, khiến phe ủng hộ di dân bị nghi ngờ nhiều hơn.
Thống đốc Arizona, một tiểu bang sát biên giới Mễ, đã cảnh giác giải tán ICE là hành động có tính ‘liều mạng’ –reckless- nhất.
Thăm dò quần chúng cho thấy chỉ có một phần tư dân Mỹ ủng hộ chuyện giải tán ICE, nhưng gần một nửa cử tri DC ủng hộ ý kiến đó, khiến các vị DC đang tranh cử cho kỳ bầu tới luống cuống, đang đếm số cử tri cho kỹ, nhìn xem gió thổi chiều nào để có thái độ thích ứng.
TÒA CALI BÁC KHIẾU NẠI CỦA BỘ TƯ PHÁP
Tiểu bang Cali ra luật khu an toàn cho di dân lậu –Sanctuary Law Senate Bill 54- cấm cảnh sát tiểu bang thông báo cho chính quyền liên bang ngày các tù di dân lậu bị nhốt được thả ra, mục đích là không giúp chính quyền liên bang bắt và trục xuất di dân lậu. Bộ Tư Pháp liên bang đã nộp đơn kiện luật này, được sự hậu thuẫn của cả chục quận, phần lớn trong miền nam tiểu bang, giáp giới với Mễ, trong đó có cả Quận Cam, Orange County.
Một quan tòa của Cali đã bác đơn kiện của bộ Tư Pháp, cho rằng tiểu bang có quyền ra luật như vậy. Tuy nhiên tòa lại cho phép chính quyền liên bang được quyền vào các hãng sở để khám xét nhân công di dân lậu.
Tòa Cali tiếp tục truyền thống ra án quyết bác bỏ tất cả những sắc lệnh của chính quyền Trump. Các cụ tỵ nạn khoan chê Trump dốt luật vội. Bộ Tư Pháp và cả chục quận tại Nam Cali đã cho biết đang cứu xét việc kháng cáo lên tòa trên. Có thể lại cũng giống như sắc lệnh về di dân trước đây của TT Trump: tòa Cali chống, lên tòa phá án cũng chống, cho đến khi lên tới TCPV thì thua.
BÀ HILLARY CHUẨN BỊ RA TRANH CỬ NỮA?
Trong bài phân tích mới nhất, bình luận gia Michael Goodwin cho rằng có nhiều triệu chứng bà Hillary đang chuẩn bị cho việc ra tranh cử lần nữa, vào năm 2020.
Bằng chứng? Mỗi khi có một vấn đề thời sự lớn nào, thì bà Hillary mau mắn lên tiếng ngay, hoặc là ủng hộ hoặc là chống, như thể muốn xác định quan điểm của bà cho thiên hạ biết. Bà cũng đang tích cực tham gia những cuộc vận động gây quỹ cho các ứng cử viên DC cho kỳ bầu cuối năm nay. Đây là cách sở trường của các chính khách tên tuổi làm để tạo hậu thuẫn, coi như những ứng cử viên được bà hậu thuẫn đã mắc nợ bà và đến khi bà ra tranh cử thì phải trả nợ đó.
Bà đã thành lập một tổ chức mới lấy tên là Onward Together, Cùng Nhau Tiến Tới, để lo việc gây quỹ này. Mới đây tổ chức này đã tặng một triệu đô cho một số tổ chức đang tranh đấu cho di dân và cho phụ nữ quyền.
Tin bà Hillary đang chuẩn bị ra tranh cử không biết có chính xác hay không, nhưng sẽ không phải là chuyện lạ. Bà Hillary là người có tham vọng cực lớn cũng như còn hậu thuẫn mạnh nhất trong đảng DC, rất có thể chưa chịu thua, nhất là khi thấy TT Trump đang bị chống đối mạnh. Trước mắt, bà có 4 lực lượng lớn hậu thuẫn: đó là TTDC, khối dân gốc Nam Mỹ, khối dân da đen, và phụ nữ. Không có nghĩa là bà có nhiều hy vọng thành công hơn. Trong kỳ bầu cử vừa qua, bà cũng đã có hậu thuẫn gần như tuyệt đối của những khối này, mà vẫn thua. Bây giờ, chưa ai thấy làm sao bà sẽ lật ngược thế cờ lại được. Nhất là khi khối dân lao động tại các tiểu bang then chốt vùng Đại Hồ, hiện nay đang rất mãn nguyện với chính sách tạo công ăn việc làm của TT Trump cho họ.
Chưa kể trước khi vào chung kết, bà sẽ phải lên võ đài với rất nhiều đồng chí DC. Cho đến nay, còn hơn hai năm nữa mới bầu cử tổng thống mà đã có sơ sơ khoảng ba chục chính khách DC đã công khai hay bán công khai ra mắt thiên hạ rồi.
TRANH CỬ Ở MỸ
Thượng nghị sĩ CH Dean Heller đang lo vận động tranh cử nữa tại Nevada. Đây là một trong những nghị sĩ CH rất có thể sẽ mất job trong kỳ bầu cuối năm nay. Ông bị phe cấp tiến DC chống rất mạnh, đưa ra một ứng cử viên khá sáng giá là bà Jacky Rosen, trong khi đó ông đã mất không ít hậu thuẫn của cử tri CH, và của TT Trump khi trước đây ông đã công khai đả kích TT Trump.
Câu chuyện vui đáng bàn là các chiêu võ ông Heller và bà Rosen dùng để đánh nhau. Trong mục đích câu phiếu giới kinh doanh trung lưu, bà Rosen đi đâu cũng khoe mình là ‘doanh gia trung lưu’, đã từng tay trắng thành lập một công ty riêng, rất thành công. Báo CH trong tiểu bang đi điều tra và khám phá ra công ty mà bà Rosen khoe thật ra không có thật. Trong các hồ sơ của tiểu bang, không có công ty nào với cái tên mà bà Rosen khoe đã được đăng ký hay ghi danh trong bất cứ hồ sơ nào của tiểu bang.
Đã vậy, ông Heller lại bồi thêm một chưởng: ông nhắc lại lời tuyên bố để đời của TT Obama: “No, you didn’t build it”, (không, bà không gây dựng nên nó). Đây là nguyên văn câu nói của TT Obama trong cuộc vận động tranh cử chống TĐ Romney năm 2012: “Nếu bạn có cơ sở kinh doanh, bạn đã không gây dựng nó” (If you own a business, you didn’t build it), ý muốn nói cơ sở đó thành hình là nhờ sự giúp đỡ của Nhà Nước vú em, qua các luật kinh doanh, thuế má và các tiện nghi hạ tầng như đường xá, cầu cống, điện nước,… Bây giờ, khi bà Rosen khoe đã thành lập cơ sở kinh doanh, ông Heller dùng ngay câu của tổng thống DC để đánh bà.
Đúng là… chính trị Mỹ. Hấp dẫn hơn là để Bộ Chính Trị ‘giới thiệu’ để đám dân đen ngu dốt bầu cho tốt.
NHÀ BÁO CẤP TIẾN LÀ… CỘNG SẢN?
Trong một cuộc tranh luận trên đài TV Anh, nhà báo bảo thủ, ông Piers Morgan tranh luận với nhà báo cấp tiến, cô Ash Sarkar (nhà báo và giáo sư đại học người Anh gốc Ấn Độ).
Ông Morgan chất vấn cô Sarkar về thái độ không công bằng, double standard, của cô này trong vấn đề di dân của Mỹ. Ông Morgan cho rằng cô Sarkar chống Trump quá đáng trong khi không chống Obama là người cũng trục xuất di dân, cách ly trẻ em, và nhốt di dân lậu. Cô Sarkar cãi lại là cô cũng đã chống Obama. Ông Morgan hỏi chống cách nào, có lên TV đả kích như bây giờ không? Có xuống đường biểu tình chống Obama như bây giờ biểu tình chống Trump không? Cô Sarkar bối rối, bí lối, nổi khùng, trả lời “Không, vì tôi là cộng sản, đồ ngu!”. (No, because I’m communist, you idiot!).
Hiểu cho chính xác: nhà báo/giáo sư = cấp tiến = cộng sản = ủng hộ Obama.
Không hiểu thì là … đồ ngu!
Vũ Linh,
14/7/2018
14/7/2018
No comments:
Post a Comment