Theo BBC
Tuần này, Anh Quốc chuẩn bị đón Tổng thống Donald Trump trong không khí đáng ra phải rất vui.
EPA/AFP - Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nay sẽ không còn tại chức để đón Tổng thống Donald Trump sang London 12-13 tháng 7
Thời điểm ông Trump sang là lúc nước Anh vừa đang vui mùa bóng đá World Cup, giải tennis ở sân cỏ xanh tươi Wimbledon vào tuần thứ nhì.
Nhưng thời tiết nóng nực kéo dài, đồng khô, cỏ cháy, cá ở sông Thames cần được giải cứu vì nước cạn.
Trong đợt nóng kéo dài nhiều ngày trên dưới 30 độ C, các tuyến hỏa xa Anh liên tục gặp nhiều trở ngại, từ mất điện hộp tín hiệu tới 'đường ray nóng phải dừng tàu'.
Không ít lần sau giờ làm tôi ra ga Charing Cross để chỉ thấy biển thông báo là 'sự cố' trên tuyến tàu về Kent, phải chờ 1-2 tiếng.
Trèo được lên là gặp cảnh chen chúc, nóng như trên 45 độ C vì tàu ở Anh thường thiếu máy lạnh, không rõ có phải công nghệ ứng phó chậm với biến đổi khí hậu.
Barcroft Media - Búp bê hình ông Trump đã được bày bán ở London
Một phong trào phản đối ông Trump lại đang hình thành, đẩy thêm không khí oi bức lên cao hơn.
Cảnh sát Đô thành London dự kiến phải điều ra phố ngày 12/07 này số quân đông hơn năm 2011 khi có bạo loạn.
Nhóm phản đối Tổng thống Mỹ xin phép thành phố London để thả khinh khí cầu thể hiện ông Trump là 'em bé giận dữ'
Chính phủ bà May thì cũng đang điêu đứng vì Brexit.
Đầu tuần, Bộ trưởng phụ trách Brexit, ông David Davis tuyên bố từ chức vì không đồng ý với Thủ tướng May, để lại "một lỗ hổng lớn" trong nội các Anh.
Bà May nhanh chóng bổ nhiệm Dominic Raab, 44 tuổi, thay ông Davis để gánh vác nhiệm vụ lịch sử đưa Anh ra khỏi EU.
Nhưng cuộc khủng hoảng trong chính phủ May chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Một dân biểu thuộc đảng Bảo thủ đang cầm quyền, bà Andrea Jenkyns, nói nội các của bà May có thể sụp đổ bất cứ lúc nào vì thiếu sự ủng hộ của phe Brexiteer.
Một thống kê cho hay từ tháng 11/2017, cứ trung bình sáu tuần chính phủ Anh có một bộ trưởng hoặc thứ trưởng "chào nhé ra đi" vì mâu thuẫn quanh Brexit.
Mà Trump lại là một yếu tố quan trọng khiến cuộc ly hôn Brexit của Anh với EU thêm phần bất định.
Yếu tố Trump
Tờ Financial Times nói về tâm trạng bất an tại Anh và EU mà ông Trump gây ra.
Cho đến gần đây, EU có vẻ 'tự sướng' đứng nhìn Anh gặp vấn đề, bị cô lập.
Lãnh đạo EU tin rằng càng phạt Anh vì Brexit thì các phái ly khai nổi lên khắp châu Âu sẽ càng nhận được bài học đích đáng.
Nhưng bầu cử ở Áo, Đức và Ý cho thấy kết quả ngược lại.
Phe hữu chống di dân, đòi lập lại biên giới - một tiêu chí của phái Brexit là Anh giành lại quyền kiểm soát biên giới - đã thắng cử liên tiếp ở ba nước trên.
Anh từng tin sẽ sớm ký được thỏa thuận thương mại với Washington, bù vào chỗ trống EU để lại, nhờ 'quan hệ đặc biệt' (special relationship) với Hoa Kỳ.
Mâu thuẫn EU - Hoa Kỳ lộ rõ trong kỳ họp G7 ở Quebec, Canada gần đây
Đáng tiếc là sự việc không đơn giản như vậy.
Cuộc họp gần nhất với phía Mỹ của Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh, ông Liam Fox chưa đem lại gì cụ thể.
Tính khí khó lường của ông Trump đã khiến cả Anh và EU phải làm lại bài toán.
Mâu thuẫn Hoa Kỳ - EU thể hiện rõ tại Hội nghị G7 ở Canada gần đây cũng khiến bà Angela Merkel thấy cần xuống thang với Anh hơn.
Yếu tố Trump đã và đang làm chính trị Anh rung chuyển.
Anh Quốc nay phải xích lại gần EU và bà May đành chọn phương án 'Brexit mềm' vì "viễn cảnh ký một thỏa thuận thương mại với tổng thống tính khí bất thường của Hoa Kỳ thật xa vời", theo Financial Times.
Càng lại gần EU, nội các Anh càng chia rẽ giữa hai phái chống và ủng hộ Brexit.
Nhưng Anh Quốc không phải là nước duy nhất đang lo lắng vì ông Trump.
Trung Quốc không chỉ chuẩn bị né đòn hàng trăm tỷ USD thuế quan ông Trump tung ra mà còn phải tính cách đáp trả.
Các đồng minh Canada, Hàn Quốc cũng bị cuốn vào cuộc chiến của ông, và Việt Nam nếu không cải tổ kinh tế mạnh cũng sẽ bị 'dính đòn', theo William Pesek.
Trump luôn luôn thắng?
Như tờ Sunday Times ở Anh bình luận, Trump đã và đang áp dụng nguyên tắc "được ăn cả, ngã về không" (zero-sum game) trong quan hệ quốc tế.
Và trong cuộc chơi với Trump, không có khái niệm, "đôi bên cùng có lợi" mà chỉ có "một người chiến thắng, và người đó sẽ phải là ông ta", theo tờ báo Anh.
Câu chuyện của Anh và Brexit không nằm ngoài bối cảnh chung về chiến tranh thương mại mà cuộc đọ găng Mỹ - Trung là nét chính.
Getty Images - Hai nhà Trump và Tập: mới hôm nào còn thắm thiết, hôm sau đã có chiến tranh thương mại
Có tin nói Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa xuất khẩu nhằm né tránh các đòn 'tariff' của Mỹ.
Mặt khác, theo một báo Hong Kong, để trả đũa lại Trump, Trung Quốc muốn xé lẻ từng tiểu bang của Hoa Kỳ và gây "đau đớn" cho cử tri bỏ phiếu ủng hộ Trump.
Ví dụ, theo một báo Anh, tờ Guardian, Bắc Kinh phân loại ra các mặt hàng của Mỹ. tùy vào tiểu bang sản xuất ra và đánh thuế tương ứng.
Ví dụ, đậu nành của Iowa và Nebraska, hai tiểu bang ủng hộ cho Trump, sẽ chịu thuế nhập cao hơn khi bán vào Trung Quốc.
Rượu bourbon từ Kentucky, tiểu bang nhà của Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Thượng viện, và cam của Florida, có thể là đối tượng của mức thuế 25%.
Ngay cả nhân sâm Mỹ trồng ở Wisconsin, tiểu bang đã hạ bệ phe Dân chủ và đem lại chiến thắng cho Trump năm 2016, sẽ bị Trung Quốc trả đũa.
Nhưng theo tờ South China Morning Post ở Hong Kong, cách "gây đau đớn" này sẽ chỉ phản pháo tai hại.
Cử tri yêu mến Trump sẽ tiếp tục ủng hộ ông, cho dù Trung Quốc hay EU đánh thuế 'trả đũa' kiểu gì đi nữa.
Từ thứ Sáu tuần trước, sau khi Hoa Kỳ khai hỏa, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá cùng đồng won của Hàn Quốc và một loạt tiền châu Á.
Tuần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đáp xuống Berlin và sẽ gặp các đối tác châu Âu để bàn về cách đối phó với cuộc chiến thương mại mà Hoa Kỳ khởi sự.
Quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ
Trở lại với nước Anh, tin mới nhất cho hay ông Trump sẽ tránh khu trung tâm London, nơi đông đảo người biểu tình dự kiến sẽ có mặt ngày 12 và 13/7 này.
Ông Trump nói sẽ đem tới món quà là thỏa thuận thương mại với Anh.
Đây là Brexit đúng đắn và chúng ta sẽ rời EU ngày 29/03/2019 Thủ tướng Theresa May nói tại Hạ viện hôm 9/07
Nhưng văn bản 500 trang Bộ Thương mại Mỹ công bố tuần trước bị báo Anh, tờ The Independent nói là "đọc rất khó vào".
Nội dung chính là Hoa Kỳ đề cao tự do thương mại nhưng hoàn toàn theo các tiêu chuẩn kiểu Mỹ.
Ngoài 'gà ngâm chlorine' và thực phẩm biến đổi gene (GM foods), Mỹ muốn bán vào Anh một số sản phẩm cùng tên vốn đã có tại Anh như bánh Cornish pasties, xúc xích Cumberland.
Theo luật EU hiện nay, chỉ Anh Quốc mới được dùng các nhãn hiệu hàng mang tính địa phương cụ thể theo các vùng ở Anh.
Chết nỗi, vì nguồn gốc văn hóa, sắc tộc chung với Anh, ai dám bảo người Mỹ không được dùng tên hàng từ Cornwall và Cumberland?
Quan hệ Anh - Mỹ quả là đặc biệt nhưng tốt cho Anh đến đâu còn tùy vào việc ông Trump có tranh thủ ép bà May đang trong cơn nguy khốn hay không.
Tin mới nhận nói Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Boris Johnson, nhân vật hàng đầu của phe Brexit cũng tuyên bố từ chức.
Ai sẽ cùng bà May đón vị khách Number One từ Mỹ đây?
No comments:
Post a Comment