Tuesday, July 3, 2018

Giấc Mơ Hồi Hương



Thành WA
 
(để nhớ đến Xóm Chùa Báo Quốc khi xưa)

 Trong một i-meo của một người bạn gởi cho tôi nhắc đến sự kiện lịch sử về lời nói của ông Ngô Đình Nhu là chế độ vô thần sẽ bị tàn rụi khi tôn giáo nổi lên chống đối.  Trong niềm hy vọng đó tôi có giấc mơ hồi hương để thăm xóm cũ người xưa, nơi mà tôi đã trưởng thành và sống cho đến năm bảy lăm.  Lúc ấy tôi sẽ đi thẳng về nơi xóm cũ ở dưới dốc Cầu Kiệu, Phú Nhuận.  Rồi tôi sẽ:

... Dừng lại trước cổng chùa Báo Quốc, nằm giữa Cầu Kiệu và chợ Phú Nhuận là quán phở nhỏ đầu ngõ của bà Khôi nằm bên trái và tiệm tạp hoá nằm ngoài mặt đường Nam Thành bên tay mặt.  Khi tôi còn nhỏ lúc đó mỗi nhà trong xóm chưa có nước từ Nha Thuỷ Cục Sàigòn dẫn vào thì có một cái phông-tên đặt ngay đầu ngõ để dân trong xóm ra hứng mà xài mỗi ngày.  Nơi đây thường là chỗ ồn ào. Người ta, phần lớn là mấy bà mấy cô, tranh nhau sắp thùng, loại thùng bằng thiếc đựng dầu lửa hiệu “Con gà” có đóng thanh ngang, được sơn lại cho khỏi bị sét.  Rồi với hai cặp móc sắt dài, và một cây đòn gánh tre, chờ đến phiên mình hứng cho thùng đầy nước mà gánh đi. 

... Tôi sẽ ghé vào thăm ông bà Nam Thành xem giờ ra sao.  Tôi còn nhớ người con trai cả của ông bà tên là Đồng đã bị tử trận vào năm sáu chín hay bảy mươi gì đó.  Tiệm tạp hoá của ông bà bán đủ thứ mặt hàng cho sinh hoạt hằng ngày, từ gạo ăn, dầu muối cho đến khô, mắm,  vân vân.  Ông bà rất đông con, phải hơn sáu người trai và gái.  Đồng nhỏ hơn tôi vài tuổi và là anh cả.  Thỉnh thoảng tôi có ra mua vài món lặt vặt, vài chai nước ngọt, thấy có lúc ông có nhậu sương sương và đôi lúc ngồi ngâm thơ cho quên cái khổ ở đời này! Không biết giờ đây ông bà còn hay đã mất.  Kế đó tôi sẽ ghé qua nhà của Hai Bí Bo, ngay sau nhà ông bà Nam Thành.

Noí là nhà thì thật ra không phải là nhà mà là một cái chòi bằng ván ép và tôn thì đúng hơn.  Nơi đó Hai Bí Bo ta ở với bà mẹ, sát vách với nhà của thím Năm Lường là bà con của Hai.  Nghe nói trưức kia má của Hai là gái làng chơi sinh ra Hai.  Hai lớn lên chẳng được cho đi học nên trở thành một tên du đảng phá phách xóm làng, mở miệng ra là chửi thề.  Tuy vậy sau khi có vợ, Hai lại biết lo làm ăn với nghề chở mướn cho bạn hàng ở chợ Phú Nhuận để nuôi vợ con.  Mỗi lần đạp chiếc xe ba bánh, loại xe ba gác, về tới nhà thì Hai ta lại bóp còi bằng miệng liên hồi “bí bo, bí bo” nên được dân trong xóm đặt cho cái biết danh là “Hai Bí Bo”. 

Sát vách với cái chòì của Hai Bí Bo là nhà bà con của Hai là chú thím Năm Lường. Căn nhà ọp ẹp bằng ván có cây mận và bàn thờ Ông Thiên đàng trước.  Ba của chú Năm là môt ông gìa người Tiều (Triều Châu) nói tiếng Việt không rành. Còn chú cũng là một dân chơi cho nên thẳng Lộc, con trai lớn của chú, cũng không khác gì chú cả.  Nó có hổn danh là “Lộc Lì”, lấy theo tên một tay anh chị thời đó ở xóm Hầm Sỏi khu Yên Đổ. Hắn mở miệng là chửi thề và chuyên hát vọng cổ.  Tôi và nó đã có nhiều lần chạm trán nẩy lửa với nhau vì tôi không chịu được cái tính du côn và thói chửi thề của nó.  Còn thím Năm thì phải nói là một người đàn bà suốt đời sống khổ cực để nuôi chồng con.  “Nghề” của thím là gánh nước mướn cho nhà trong xóm.  Sáng tới chiều, lúc nào trên vai của dì cũng nặng oằn hai thùng thiếc nước, thím đi hết từ đầu đến cuối ngõ để cung cấp nước cho người cần để kiếm tiền. Tôi không còn nhớ mỗi đôi nứơc như vậy thím kiếm được bao nhiêu vì nhà tôi trả tiền thím theo mỗi tháng.  Người thím gầy đét mà năm này tháng nọ, dù khỏe hay bị bịnh, thím phải gánh lên vai đôi thùng nước đầy.  Đó là chưa kể những lần thím phải tranh dành nước nơi phông tên vào những lúc trời nắng hay vào mùa khô.  Thật sức chịu đựng của thím phải nói là quá giới hạn của một người đàn bà nghèo khổ và đông con.  Kề bên nhà của thím Năm là nhà của Thầy Năm Can. 

Thầy Năm Can là “cảnh sát chìm”, có một vợ và ba con.  Cô con gaí trưởng tên là Hoa, người mà cô Năm hay cặp đôi với tôi.  Thầy Năm có bộ tóc đe và quăn và đặc biệt là cặp mắt của thầy thật là sáng.  Căn nhà thầy cũng nhỏ hẹp và trống trải, nền tráng xi măng, chỉ có mấy cái giường và cái bàn nhỏ phía trưức.  Không biết sao tôi lại sợ thầy có lẻ vì thầy là “cảnh sát chìm”  hay là vì cái nhìn của thầy làm tôi thấy khiếp quá.  Kế bên là căn nhà nhỏ của bà Chín và con là anh Tư Ty.  Bà Chín lúc đó goá chồng và tuổi phải gần sáu mươi.  Con cả của bà là anh Tư Ty là một nhạc sĩ đàn ghi ta điện mà tôi thường ngưởng mộ tài đàn của anh.  Kế đó là anh Sáu và thằng út thứ Chín.  Tôi và thằng Chín là hai kẻ “không đội Trời chung” vì tính tình ngổ nghịch và xấc láo của nó.  Tôi với nó nhiều lần đấm đá với nhau vì tôi không chịu được cái thói du đảng của nó.  Mỗi lần xáp trận như vậy là tôi lại có dịp đem ra những chiêu thức mà tôi học được trong mấy cuốn sách dạy võ mà tôi mua về để tự luyện.  Sát hàng rào nhà bà Chín là cữa sau căn nhà chú cắc chú tên Đinh, tính tình xuề xoà ... một cách có tính toán.

Căn nhà này do chú Đinh này đứng tên mua để mấy chú cắc chú khác cùng ở để mỗi ngày quảy đòn gánh và cần xé đi mua ve chai.  Nói là ‘mua ve chai’ cớ thật ra mấy chú cắc chú này mua đủ thứ.  Nào là máy xe hợi cũ, đồng thau, sắt vụn đủ loại đem về để bừa bải bên hông nhà mình.  Một thời gian sau chú Đinh nhà ta cưới một thím xẩm trẻ và mấy năm sau đó sản xuất thêm sáu đứa “ con Trời” dù dân số của Mao Xì Tẩu vốn đã vào hàng đông nhứt thế giới! Hai căn nhà mua trả góp là nhà tôi một bên còn bên kia là nhà của chú Đinh.  Mấy đứa con của chú Đinh tính tình khá dễ mến.  Khi tôi bị đi cải tạo về chúng tiếp đón niềm nở. Kế giáp với nhà chú Đinh khi con hẽm rẽ thành hình chữ T thì ở  mé bên phải là nhà của bác Chín Khương. 

Bác Chín nhà ta là một con sâu rượu và thuộc lọai “Sáu Quậy”.  Mỗi lần xỉn như vấy là bác ta ra sân đứng chửi ,không biết là  chửi cái gì mà cả ngày, rồi chửi tới người trong xóm, có khi tới khuya.  Thật là khổ cho những gia đình ở gần, trong đó có tôi là nạn nhân. Người con trai trưởng của bác là anh Tốt, bị tử trận.  Đứa con gái út tên nàng là Huệ luôn đi ngang nhà liếc mắt đưa tình mỗi lần thấy tôi.  Má tôi rất bực về chuyện này và ngăn cản bằng mọi cách nên chuyện ‘tình’ này chẳng đi đến đâu. 

Cách một con đường đất nhỏ lả căn nhà sàn mà dân trong xóm hay gọi là “Ông Bà Cụ”.  Ông bà là người Bắc và có người con gái được biết qua tên là Trà.  Cô này it khi xuất hiện trước đám đông và cũng it ăn ít nói.  Lâu sau thì cô có một đứa con mà không biết ai là chồng của cô ta cả.  Sau ngày Ba Mươi Tháng Tư mới lòi ra cô ta là cán bộ nằm vùng trong xóm! Căn nhà sàn kế bên là của ông bà Kim, có đứa con trai rất thân với tôi.  Bà Kim là một người có nhiều kinh nghiệm sống với chế độ Cộng sản hồi bà còn ở miền Bắc.  Bà thường kể cho tôi nghe những kinh nghiệm kinh hoàng gia đình bà phải chịu khi đó nhưng lúc đó tôi có cảm nhận được gì đâu.  Nằm chéo với nhà bà Kim là gia đình của bác Mỹ.

Bác Mỹ cũng là dân Bắc Năm tư.  Gia đình đông con và rất thật thà chân chất.  Đứa con lớn của bác tên Đức, cở lứa tuổi tôi, học giỏi và sau này là dược sĩ Quân Y.  Đức cùng bị đi cải tao với tôi ở Thành Ông Năm, Công binh, Hóc môn, ngay sau Ba mươi tháng Tư.  Hai bác có ba gái và ba trai.  Bác trai mất sớm, mấy anh em Đức đùm bọc nhau để sống và nuôi mẹ.  Tôi không bao giờ quên được khi được thả ra khỏi trạ cải tạo thì gia đình đầu tiên tôi đến thăm là nhà của bác Mỹ và đã được bác gái và mấy anh chị em trong nhà tiếp đón niềm nở như chính khi Đức đi cải tạo về vậy. (Lúc đó nhà tôi đã dời lên An Nhơn, Gò vấp sau Tháng Tư, không còn ở trong xóm nữa).  Cách một hàng rào với nhà bác Mỹ là nhà của  thầy hai Ngàn.

Thầy Hai là cơ khí trưởng của nơi sửa xe lớn nằm trên đại lộ Nguyễn Huệ tên là Garage Saigon.  Tính tình của thầy hề hà vui vẻ, thích hưởng thụ.  Có lần thầy có vợ bé làm bà xã thầy nổi điên la làng cho cả xóm biết chơi!  Thầy có đứa con lớn tên là Hoàng, chơi thân với tôi.  Lớn lên Hoàng đăng vào Thủy quân Lục chiến và sau đó bị tử trận để lại vợ và một con trai. Phía trước nhà thầy và căn nhà nối vách kế bên có cái mái che bằng tôn và tráng xi măng nơi đám tuị tôi thường hay tụ tập để đánh bông vụ, bắn đạn, tạc hình hay những trò chơi khác.  Nhiều trậm đấm đá cũng xãy ra trên sân này.  Dù bị ồn ào như vậy nhưng it khi nào thầy to tiếng xua đuổi, còn chủ căn nhà kế bên thì lúc nào cũng hậm hực.

Chủ căn nhà kế bên là của hai ông bà người Bắc không biết tên gì vì có tiệm bán đồ gỗ, bàn ghế ngoài mặt đường Vỏ Di Nguy tên bảng hiệu là Phúc Long nên ai nấy đều gọi là nhà Phúc Long.  Hai ông bà này tính tình khó khăn và phong cách thì quan liêu và trịch thượng hiện rỏ quay lối sinh hoạt hằng ngày.  Ông bà ta có đứa con trai duy nhứt tên Cường, lớn hơn tôi nhiều tuổi, học luật.  Sau khi ra trường hắn mua xe hơi và cưới một cô vợ cũng thuộc giới “trưởng giả” về ở nhà cha mẹ và không coi ai trong xóm ra gì cả. Sau ngày Ba Mươi, hắn và vợ con vọt đi mất.  Điều đó không đáng nói bằng mấy tuần sau ngày “giải phóng” trong xóm bổng thấy có mấy anh đội nón tai bèo trong nhà ông bà này lù lù đi ra!!!.  Thì ra đây là một trong số những người sau Ba Mươi tháng Tư biết “cúi mình, cong xương sống theo thời thế để sinh tồn” không cần biết gì đến đất nước còn mất hay vô tay ai.  Thôi gạt mấy loại người này qua một bên, giờ xin được nói về căn nhà của ông Phán kế bên.

Hồi lúc nhà tôi mới vào ở trong xóm thì đã có căn nhà gỗ màu nâu hai từng, thật lớn, thật rộng nằm trực diện với ngõ và xóm, sát với bờ sông Cầu Kiệu.  Căn nhà này của ông Phán, có lẽ là chánh án ở tòa thì phải và hình như có bà con gì với dân biểu Trương vĩnh Lễ.  Sau khi ông chết thì gia đình ông Lễ dọn về căn nhà này ở.  Lúc đó ông sống cách biệt và dân trong xóm ai cũng “sợ” ông, chỉ có đứa cháu trai phục vụ cho ông bà  tên Răng là hay la cà với chòm xóm và nhứt là với nhà tôi. Sau đó khỏan năm sáu mươi thì căn nhà đó đựơc bán đi để xây lên thành ba căn nhà gạch bán cho ba gia đình khác.  Tôi nhớ có vài lần theo Răng lén qua chơi được anh dẫn lên phòng khách ở tầng trên thì thấy được trang hoàng cổ kính kiểu Tây phương.  Có khi Răng dẫn tôi ra phiá sau ở từng dưới để ra mé sông vớt mấy con cá con hay bắt những con còng, khi chúng tràn theo nước lên tận mí nhà trong mùa nước nổi hằng năm.  Rất tiếc là  “căn nhà di tích lịch sử”  của xóm này bị phá bỏ  rồi thay chủ, đổi ngôi.

Căn nhà đầu bán cho gia đình là nghề sửa xe mô tô, kể cả xe hiệu Harley –Davidson cho lính Mỹ, có tiệm sửa xe lớn nằm  ngoài mặt đường Võ Di Nguy. Hai ông bà người Việt gốc Hoa hiền lành chăm chỉ không hề làm mất lòng người nào trong xóm.  Căn nhà giữa là của ông bà Chà là chủ.  Thật ra ông bà này gốc Việt lai Ấn vì da đen nên dân xóm gọi là “Chà”. Họ có mấy đứa con cũng vui tính, hơi quậy nhưng không là thứ mất dạy.  Căn nhà thứ ba là của ông bà tên Lê Tuấn chuyên may quần aó làm sẵn để đi bỏ mối ở các chợ. Gia đình này thuộc loại tiểu thương , có xe hơi và có vẻ kiểu cách.  Ông bà có đứa con gái hiền hậu, sau này kết hôn với Đức của gia đình bác Mỹ rồi chẳng may bị bạo bịnh qua đời.  Trong các gia đình vừa kể, không biết sao tôi bị “dị ứng” nhứt với gia đình Phúc Long. 

Sát với nhà của Lê Tuấn là căn nhà vách ván được chia làm hai, phần phiá trước cho một bà cụ và một cô con gái cở tuổi tôi và cũng trùng tên với tôi.  Phần phía sau là của một gia đình một thầy ký nghèo đông con và có đứa con cả tên Nam sau này là thành viên trong ban nhạc đàn ghi ta điện của tôi.  Cô gái cùng tên đó lúc nào cũng nhìn sang nhà tôi chầm chập khi nào thấy tôi là nở nụ cười tình.  Cô ấy cũng là một trong những cô gái bị vào “sổ bìa đen” của má tôi vì ... dám đụng đến tôi, anh chàng “đẹp trai con bà Hai” trong xóm!   Nhà kế bên là nhà của anh nhạc sĩ vỹ cầm nghèo, đông con.  Tôi không có liên lạc nhiều với anh nên chỉ có biết là vậy.  Trước khi xây ngôi chùa Báo Quốc gần đó thì trước kia khu này là khu đất sình lầy và lau xậy nhưng có một căn nhà ngôi thật to của đại gai đình ông bà Quản ở.  Có  ông là quản binh thời Pháp.  Mấy người con trai sau này đa số theo binh nghiệp, có người lên đến trung tá và có người là đại uý làm đại đội trưởng cơ hữu ở Trường BB Thủ Đức, ngay đại đội khóa sinh khoá 3 của tôi năm 69. Vòng trở lại ra phiá ngoài đường là một trại làm mộc của một người Hoa,  kế bên là con hẽm nhỏ nơi ở của hai vợ chồng bác Năm Địa, tính tình vui vẻ và chơi rất thân với má tôi.  Con đường hẽm nhỏ này nhìn thẳng qua bên kia có một căn nhỏ nằm phía sau trại mộc ở mặt trước.  Khỏan phía sau này thật là hẹp chỉ vừa đủ để cái giường chiếc, cái bàn nhỏ và một chỗ nhỏ để tắm gội và làm vệ sinh.  Gia đình này có anh con trai tên Lý cở trạc tuổi tôi.  Anh này tuổi nhỏ mà tính tình ăn nói như ông cụ non và “cái gì cũng biết” nên mọi người đặt cho cái biệt danh là “Cụ Lý”.  Anh chàng hay nói chuyện cách dở hơi nên tôi không bao giờ nói chuyện lâu với anh ta được.  Lúc nào ‘cụ’ cũng lên mặt dạy đời.

Kề bên con hẽm này là nhà của bà xẩm bán bánh ướt, một lọai bánh như bánh cuốn của người Việt nhưng không có nhưn.  Thím có hai người con trai, người nào cũng điển trai và chịu khó tập thể dục nên anh nào cũng có một thân hình lực sĩ.  Người anh làm công cho một tiệm bán kiếng người Hoa ở trong chợ Tân Định và sau lấy con gái chủ tiệm và đẻ ra hai đứa gái thật duyên dáng và khoẻ mạnh.  Khi cải tạo về tôi có ghé qua thăm hai em và được chúng tiếp đón rất là niềm nở. Sát nhà thím xẩm là nhà vợ chồng “Bà Mập”.  Gọi vậy vì không ai biết tên ông bà là gì.   Gia đình công giáo ngay lành nhưng bà vợ thì ... không được hiền.  Họ có ba gái và một trai.  Cô chị cả tên Hòa và đã có thời kỳ là “hoa hậu trong lòng tôi.” Nguyên dãy nhà bằng ván có bốn căn này thì căn nhà thứ ba là của ông Khôi.

Ông Khôi là người Bắc, là một tay làm khổ vợ vì tính tình hoang đàng dù đã có nhiều con.  Nhà ông có một cái quán ngay đầu ngỏ để bán cà phê hủ tiếu và có lần do sáng kiến của ông, quán bán cả thịt cầy tơ nữa.  Mấy đứa con trai chơi rất thân với tôi và đứa con trai lớn có cùng tên với tôi sau này chết vì bịnh sơ gan.  Căn nhà cuối cùng nằm sát đường vô xóm là nhà cha chú Mập.  Chú Mập này bán ve chai và tính tình hơi ương ngạnh.  Thím, hiền hậu, ít nói,  có hai trai ba gái.  Chú Mập chết sớm, mấy đứa con tiếp tục nghê` cha để nuôi thân và nuôi mẹ.  Đứa gái lớn thứ ba tên là A Phui vượt biển và có gặp tôi ở đảo Galang sau này đi định cư ở Úc.  Gần như ngày nào tôi cũng qua nhà thím Mập chơi để bàn chuyện về Lý Tiểu Long với mấy đứa trai.  Bây giờ trở ra lại đầu xóm với các gia đình nằm mé bên phải xóm.  Nhân đây xin được nói thêm là ba tôi lúc đó đựơc dân trong xóm bầu làm trưởng khóm vì ông tích cực trong mọi công tác phục vụ.  Ông đứng ra quyên tiền để xây dựng cầu tiêu công cộng ngoài mé sông, tráng xi măng cho đường đi của con hẽm để khỏi bị lầy lội.  Khi đặc công Cộng tấn công Sàigòn hồi Tết Mậu Thân, ông đứng ra kêu gọi góp tiền làm rào cổng an ninh ban đêm trước ngỏ vào xóm.  Gần như mọi người trong xóm rất tin cậy và kính nể ông.  Còn tôi thì học hành khi lớn học hành  chăm chỉ và thành đạt nên được dân xóm thân mến gọi bằng tên là “ Thành con bà Hai”. 

Ngay cái cột xi măng trụ điện cạnh nhà chú Mập là một trại mộc của một người tàu làm chủ.  Tôi nhớ có lần nữa đêm tôi ngủ không đưực rồi  lò dò ra góc trại mộc để đi tiểu bậy thì gặp ngay một viên cảnh sát chìm đang núp thi hành phận sự làm tôi hồn vía lên mây.  May nhờ có thầy Năm Can ra can thiệp nếu không thì tôi đã bị bắt về bót rồi!  Kế đó là trại mộc của nhà Phúc Long rồi tới nhà chị Huệ Hương.  Nhà chị Huệ Hương bán cá ở chợ Phú Nhuận.  Không ai dám đụng đến người trong gia đình này vì “miệng của dân bán cá” không vừa, chỉ trừ chị Huệ Hương, tính tình chị lại hiền hậu đễ thương. Ba của chị Hương là cảnh sát đặc biệt và cũng bị đi học tập tới sáu bảy năm.  Sát nhà chị Huệ Hương là đại gia đình của Bà Cố. 

Bà Cố có người con dâu là Dì Mừời và em gái của Dì Mười là dì Năm và dì Chín.  Chồng của Dì Mười mất đã lâu và để lại hai trai và ba gái.  Trong xóm tôi chi thân nhứt với đám con của dì Mười.  Đứa lớn nnhứt tên là Hoàng Hai sống ở một ngôi chùa nào đó và ít khi về thăm nhà.  Đứa lớn thứ nhì tên Nhựt có tài vẽ, giờ đã ở Mỹ.  Ba đứa gái kế là Liên, Thu và Bích.  Trong ba đứa em này thì Liên lớn nhứt, cở mười sáu tuổi và Bích là đứa nhỏ nhứt, cở tám chín tuổi.  Ngày cuối tuần tôi thường hay chở cả ba đứa trên chiếc xe Honda của tôi để đi chơi đó đây.  Còn ngày thường thì tới nhà chơi đùa làm ồn ào làm Bà Cố luôn ra rầy.  Khi tôi đi cải tạo về thì Dì Mười cho tôi ở tạm cả tháng trời trong nhà trong khi tôi tìm đường đi vượt biển mà không ngại gì bị gặp khó khăn với đám địa phương và coi tôi như người con cả trong nhà. 

Lúc đó tôi có cảm tình nhứt với Thu nhưng lại muốn tiến tới để cùng đi với Bích trong lần vượt biển cuối cùng.  Mọi người đều chưng hửng, kể cả tôi (!) vì ý định lạ lùng đó và Bích lúc đó còn quá trẻ cũng nhứt định không bằng lòng.  Căn nhà đầu có mặt tiền ngoài đại lộ nằm  sát bên nhà dì Mười là của một gia đình bán thuốc tây người Huế.  Tôi cũng có một lúc theo đuổi người con gái có giọng nói thật là êm của miền sông Hương núi Ngự này.

Đó là xóm cũ của tôi và những con người của nó thuở nào. Nơi mà tôi đã sống từ hồi còn nhỏ cho đến lúc bị đi cải tạo.  Bây giời chắc chắn bộ mặt và con người của nó phải thay đổi theo tời gian và thời cuộc nhưng khi nào hồi hương tôi sẽ đến thăm.  Tôi phải đến thăm để được nhìn lại những khuôn mặt thân quen còn sót lại qua cuộc bão dữ cuồng phong để tìm lại chút kỷ niệm mến yêu thuở nào.

Tôi sẽ về nhưng không là một “Việt kiều yêu nước”

Mà là một người Việt hồi hương

Khi đất nước không còn xiềng xích.
 
Lacey, August 31, 09 - viết lại June, 2018.

No comments:

Blog Archive